HỌc viện nông nghiệp việt nam



tải về 4.84 Mb.
trang4/16
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích4.84 Mb.
#38491
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

1.2. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC


Luận văn tìm hiểu BĐKH gây tổn thương đến SXNN như thế nào. Từ đó đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị nhằm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Kết quả nghiên cứu sẽ là minh chứng khoa học cho các nhà khoa học và quản lý tham khảo để đưa ra các công trình, chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại trong SXNN do tác động tiêu cực của BĐKH.

1.3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU


1.3.1. Mục đích chung

Đánh giá tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp và khả năng thích ứng của người dân vùng đệm KBT thiên nhiên ĐNN Tiền Hải. Từ đó nhằm đề xuất các biện pháp giảm thiểu và thích ứng trước tác động nâng cao hiệu quả thích ứng BĐKH.



1.3.2. Mục đính cụ thể

- Tìm hiểu được xu thế biến đổi khí hậu tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình giai đoạn 1963 – 2014.

- Đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân các xã vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Tính chỉ số dễ bị tổn thương do BĐKH đối với ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (NTTS) của người dân tại điểm nghiên cứu.

- Tìm hiểu được năng lực thích ứng của cộng đồng ven biển khu vực vùng đệm khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Đề xuất các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp tại khu vực nghiên cứu.


1.4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI


- Phạm vi thời gian: 10/01/2015 – 30/05/2016.

- Phạm vi không gian: vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, thực hiện trên 03 xã bao gồm: Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú là những xã vùng đệm thuộc khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải.


1.5.NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI, Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN


1.5.1. Ý nghĩa khoa học

Luận văn sử dụng phương pháp điều tra bảng hỏi để đánh giá mức độ tác động của các hiện tượng BĐKH theo quan điểm của người dân địa phương; bên cạnh đó luận văn cũng sử dụng phương pháp tính chỉ số dễ bị tổn thương của BĐKH được xác định theo khái niệm của IPCC (2001) và phương pháp cân bằng trọng số để tính toán trồng trọt và NTTS có khả năng bị tổn thương trước BĐKH như thế nào?



1.5.2. Ý nghĩa thực tiễn

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học, luận văn mô tả được đầy đủ những tác động của các hiện tượng BĐKH đến sự thay đổi các hoạt động sản xuất và đánh giá được tính tổn thương đến ngành trồng trọt và NTTS của người dân tại khu vực nghiên cứu, và tìm hiểu được năng lực thích ứng của người dân trước những tác động của BĐKH.



PHẦN 2. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.1. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI

2.1.1. Khí hậu và biến đổi khí hậu


Khí hậu là trạng thái vật lý của khí quyển xảy ra ở một vùng địa lý nào đó, được đặc trưng bởi các trị số thống kê các yếu tố khí tượng nhiều năm về bức xạ, nắng, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, lượng bốc thoát hơi nước, mây, tốc độ và hướng gió... Các trị số thống kê thông dụng là số trung bình, số min, số max, tần số, tần suất và độ biến động... Như vậy, khí hậu phản ánh giá trị trung bình nhiều năm của thời tiết và nó thường có tính chất ổn định theo những chu kỳ tự nhiên, ít thay đổi. Trên trái đất, chu kỳ khí hậu tự nhiên là biến đổi mùa, khí hậu mỗi vùng ngoài những đặc điểm chung theo từng đới thì chúng còn chịu sự chi phối riêng của gió mùa khu vực. Tuy nhiên, tất cả những đặc điểm chung và riêng đều duy trì tính ổn định theo thời gian. Hàng năm, thời tiết thường biến động xung quanh giá trị trung bình đặc trưng của vùng khí hậu đó (Đoàn Văn Điếm và cs., 2012).

Có rất nhiều khái niệm, định nghĩa về biến đổi khí hậu trên thế giới và Việt Nam đang được sử dụng. Một số khái niệm thường được sử dụng nhất hiện nay:

Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu thì: “Biến đổi khí hậu là sự biến đổi của trạng thái khí hậu do các hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của con người gây ra sự thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và nó được thêm vào sự biến đổi khí hậu tự nhiên quan sát được trong các thời kỳ có thể so sánh được” (Nguyễn Ngọc Hoàn và cs., 2010).

Theo IPCC, 2007 các biểu hiện của biến đổi khí hậu bao gồm:

- Nhiệt độ trung bình tăng lên do sự nóng lên của bầu khí quyển toàn cầu;

- Sự dâng cao mực nước biển do giãn nở vì nhiệt và băng tan;

- Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển;

- Sự di chuyển các đới khí hậu các vùng khác nhau của trái đất;

- Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác;

- Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần thủy quyển, sinh quyển, địa quyển.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ trung bình và mực nước biển dâng thường được coi là hai biểu hiện chính của BĐKH.

2.1.2. Nguyên nhân của BĐKH

Có 2 nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu đó là do tự nhiên và do con người.



2.1.2.1. Nguyên nhân tự nhiên

Như đã biết Trái Đất là hành tinh chuyển động xung quanh Mặt Trời. Chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời có dạng hình tròn trên mặt phẳng có tên là mặt phẳng hoàng đạo với bán kính xấp xỉ 149,6 km và tốc độ 29,79 km/s. Trái Đất tự xoay có góc nghiêng trung bình là 23,50 so với mặt phẳng hoàng đạo. Trục xoay này của Trái Đất không cố định mà quét hình nón có tâm đường vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo. Thời gian thực hiện một vòng xoay của trục khoảng 25.800 năm. Kết quả là hàng năm, Mặt Trời tới điểm xuân phân sớm hơn 20 phút 24 giây. Với những thay đổi đó hàm lượng nhiệt từ Mặt Trời đến với Trái Đất có những thay đổi rất nhỏ theo chu kỳ (Lưu Đức Hải, 2010).

Tổng năng lượng của Mặt Trời phát ra là yếu tố quyết định đến khí hậu Trái Đất. Sự biến đổi cường độ bức xạ Mặt Trời sẽ tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu. Kể từ khi hình thành hệ Mặt Trời, bức xạ của mặt trời tăng ổn định khoảng 30%. Hầu hết năng lượng nhận được từ Mặt Trời bắt nguồn trong quyển sáng Mặt Trời, có nhiệt độ phát xạ khoảng 6.000K0. Những đặc tính có ưu thế hơn được thấy trong quyển sáng là những vết tối – vết đen Mặt Trời (sunspot). Tuy nhiên, vết đen của mặt trời là đặc điểm nhất thời, trung bình những vết đen Mặt Trời tồn tại một hoặc hai tuần. Diện tích đĩa sáng của Mặt Trời bị phủ bởi vết đen Mặt Trời biến thiên từ 0 đến khoảng 0,1%. Như vậy, sự biến đổi ánh sáng Mặt Trời ảnh hưởng không đáng kể đối với biến đổi khí hậu Trái Đất (Lê Văn Khoa và cs., 2012).

Các núi lửa là nguồn gây ô nhiễm tự nhiên quan trọng trên Trái Đất, thường tạo thành ở các vành đai, trong đó có hai vành đai lớn phân bố ở rìa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Trong lịch sử đã có trường hợp một núi lửa khi hoạt động đã phun trào một lượng dung nham và bụi vào khí quyển, dẫn đến thay đổi đột ngột khí hậu, thời tiết. Ví dụ của trường hợp phun trào của núi lửa Huaynaputina ở dãy Andes, Peerru năm 1600, Krakatao ở Indonesia năm 1883 và núi lửa Pinatobo ở Philippines năm 1991. Tuy nhiên, cũng rất ít khi xảy ra trên Trái Đất, những vụ núi lửa phun trào đưa vào tầng cao khí quyển một lượng bụi, SO2 và các chất ô nhiễm khác và hiệu ứng biến đổi khí hậu giảm nhiệt độ khí quyển cục bộ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.



Tóm lại, có thể thấy rằng các nguyên nhân gây ra BĐKH do các yếu tố tự nhiên đóng góp một phần rất nhỏ vào sự BĐKH và có tính chu kỳ kể từ quá khứ đến hiện nay. Theo các kết quả nghiên cứu và công bố từ Ủy Ban Liên Chính Phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì nguyên nhân gây ra BĐKH chủ yếu là do các hoạt động của con người.

2.1.2.2. Nguyên nhân nhân tạo

Có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên nhanh chóng hơn nửa thế kỷ qua chủ yếu là do hoạt động của con người. Chẳng hạn như việc đốt các nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) phục vụ các hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, phá rừng làm mất cân bằng sinh thái, sản xuất hóa chất và thay đổi mục đích sử dụng đất bao gồm thay đổi trong nông nghiệp, công nghiệp, nhà ở... Ngoài ra còn một số hoạt động khác như đốt sinh khối, sản phẩm sau thu hoạch. Nhu cầu năng lượng của nhân loại ngày càng nhiều, trong đó năng lượng hóa thạch chiếm phần lớn. Mặc dù, năng lượng hạt nhân hoặc một số dạng năng lượng sạch khác có xu hướng tăng lên nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu năng lượng nói chung. Sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên nhân làm tăng đáng kể nồng độ khí CO2 trong khí quyển, trong đó các nước phát triển đóng góp phần lớn.



Theo Báo cáo đánh giá lần thứ 4 của IPCC (2007), hàm lượng khí CO2 trong khí quyển năm 2005 đã vượt xa mức tự nhiên trong khoảng 650.000 năm qua (180 – 280 ppm) và đạt 379 ppm (tăng ~ 35%). Lượng phát thải khí CO2 từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng trung bình từ 6,4 tỷ tấn cacbon (23,5 tỷ tấn CO2) mỗi năm trong những năm 1990 đến 7,2 tỷ tấn cacbon (45,9 tỷ tấn CO2) mỗi năm trong thời kỳ 2000 – 2005. Lượng phát thải khí CO2 từ việc thay đổi sử dụng đất ước tính bằng 1,6 tỷ tấn cacbon (5,9 tỷ tấn CO2) trong những năm 1990.

Hàm lượng khí CH4 trong khí quyển đã tăng từ 715 ppb trong thời kỳ tiền công nghiệp lên 1.732 ppb trong những năm đầu thập kỷ 90 và đạt 1.774 ppb năm 2005 (tăng ~148%). Hàm lượng khí ôxit nitơ (N2O) trong khí quyển đã tăng từ 270 ppb trong thời kỳ tiền công nghiệp lên 319 ppb vào năm 2005 (tăng khoảng 18%). Các khí metan và nito ôxit tăng chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, đốt nhiên liệu hóa thạch, chôn lấp rác thải,… (IPCC, 2007).

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phát thải 70 - 90% lượng CO2 vào khí quyển. Năng lượng hóa thạch được sử dụng trong giao thông vận tải, chế tạo các thiết bị điện: tủ lạnh, hệ thống điều hòa nóng lạnh và các ứng dụng khác. Lượng CO2 còn do hoạt động trong nông nghiệp và khai thác rừng (kể cả cháy rừng), khai hoang và công nghiệp. Do đó, việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch đóng góp khoảng một nửa (46%) vào tiềm năng nóng lên toàn cầu. Phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18% và hoạt động nông nghiệp tạo ra khoảng 9% tổng số các khí gây ra lượng bức xạ cưỡng bức làm nóng lên toàn cầu. Các sản phẩm hóa học (CFC, Halocacbon,…) là 24% và các nguồn khác như rác chôn dưới đất, nhà máy xi măng,…là 3% (Lê Văn Khoa và cs., 2012).

Như vậy, BĐKH hiện nay có cả nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo, song sự nóng lên toàn cầu được khẳng định là do hoạt động của con người làm tăng hàm lượng các khí nhà kính trong khí quyển gây ra một lượng bức xạ cưỡng bức dương.



2.1.3. Hệ thống sản xuất nông nghiệp và khí hậu

Hệ thống canh tác là các biện pháp canh tác được thực hiện trên đồng ruộng. Hệ thống canh tác được hình thành từ môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng kinh tế cụ thể (Phạm Chí Thành và cs., 2004).

Hệ thống canh tác phải phù hợp với môi trường. Khi điều kiện môi trường thay đổi hệ thống canh tác phải thay đổi theo, sự thay đổi này được gọi là thích ứng (về hệ thống canh tác, về loại cây trồng và vật nuôi, về kỹ thuật canh tác) (Vũ Đức Kính, 2015).

2.1.3.1. Khí hậu đối với canh tác lúa nước

* Nhiệt độ

Nhiệt độ có tác dụng quyết định đến tốc độ sinh trưởng của cây lúa nhanh hay chậm, tốt hay xấu. Nhiệt độ trên 40oC hoặc dưới 17oC, cây lúa tăng trưởng chậm lại. Dưới 13oC cây lúa ngừng sinh trưởng, nếu kéo dài 1 tuần lễ cây lúa sẽ chết. Phạm vi nhiệt độ mà cây lúa có thể chịu đựng được và nhiệt độ tối hảo thay đổi tùy theo giống lúa, giai đoạn sinh trưởng, thời gian bị ảnh hưởng là tình trạng sinh lý của cây lúa. Nói chung các giống lúa ôn đới chịu đựng nhiệt độ thấp giỏi hơn các giống lúa nhiệt đới và ngược lại. Cây lúa già chịu đựng giỏi hơn cây lúa non, thời gian bị ảnh hưởng càng dài, cây lúa càng suy yếu thì khả năng chịu đựng càng kém.

Bảng 2.1. Đáp ứng của cây lúa đới với nhiệt độ ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau

Giai đoạn sinh trưởng

Nhiệt độ (oC)

Tối thấp

Tối cao

Tối hảo

Nảy mầm

10

45

20 - 35

Hình thành cây mạ

12 - 13

45

25 - 30

Ra rễ

16

35

25 - 28

Vươn lá

7 - 12

45

31

Nở bụi (đẻ nhánh)

9 - 16

33

25 - 31

Tượng khối sơ khởi

15

-

-

Phát triển đòng

15 - 20

38

-

Thụ phấn

22

35

30 - 33

Chín

12 - 18

30

20 - 25

Nguồn: Yoshida (1981)

Đối với lúa nước, cả nhiệt độ không khí lẫn nhiệt độ nước đều có ảnh hưởng trên sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Suốt từ đầu đến giai đoạn vươn lá, đỉnh sinh trưởng của lá, chồi và bông nằm trong nước nên ảnh hưởng của nhiệt độ rất quan trọng. Tuy nhiên, sự vươn dài của lá và sự phát triển chiều cao chịu ảnh hưởng cả nhiệt độ nước và không khí. Đến khi đòng lúa vươn ra khỏi nước, vào khoảng giai đoạn phân bào giảm nhiễm, thì ảnh hưởng của nhiệt độ không khí trở nên quan trọng hơn. Do đó, có thể nói rằng, nhiệt độ nước và không khí ảnh hưởng trên năng suất và các thành phần năng suất lúa thay đổi tùy giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong giai đoạn sinh trưởng ban đầu, nhiệt độ nước ảnh hưởng đến năng suất thông qua việc ảnh hưởng lên số bông trên bụi. Giai đoạn giữa nhiệt độ nước ảnh hưởng lên số hạt trên bông và phần trăm hạt chắc. Đến giai đoạn sau, nhiệt độ không khí sẽ ảnh hưởng lên năng suất thông qua ảnh hưởng trên phần trăm hạt chắc và trọng lượng hạt.

Nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 20oC làm giảm hoặc ngưng hẳn sự nẩy mầm của hạt, làm mạ chậm phát triển, cây mạ ốm yếu, lùn lại, lá bị mất màu, trổ trễ, bông bị nghẹn, phần chót bông bị thoái hoá sự thụ phấn bị đình trệ, khả năng bất thụ cao, hạt lép nhiều và chín kéo dài bất thường. Ở nhiệt độ cao vượt quá 35oC chót lá bị khô trắng, trên lá có những dãy và đốm bị mất màu, nở bụi kém, chiều cao giảm, số hạt trên bông giảm, bông lúa bị trắng, hạt thoái hóa nhiều, hạt bất thụ cao, hạt chắc giảm (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

Nói chung, nhiệt độ thích hợp nhất cho cây lúa là 26 - 28oC, nhiệt độ thay đổi tùy theo cao độ, vĩ độ và mùa trong năm.



* Lượng mưa

Trong điều kiện thủy lợi chưa hoàn chỉnh, lượng mưa là một trong những yếu tố khí hậu có tính chất quyết định đến việc hình thành các vùng trồng lúa và các vụ lúa trong năm.

Trong mùa mưa ẩm, lượng mưa cần thiết cho cây lúa trung bình là 6 - 7mm/ngày và 8 - 9mm/ngày trong mùa khô nếu không có nguồn nước khác bổ sung. Nếu tính luôn lượng mước thấm rút và bốc hơi thì trung bình 1 tháng cây lúa cần một lượng mưa khoảng 200mm và suốt vụ lúa 5 tháng cần khoảng 1000mm. Nếu công tác thủy lợi thực hiện tốt, ruộng lúa chủ động nước thì mưa không có lợi cho sự gia tăng năng suất lúa. Ngược lại mưa nhiều, gió to, trời âm u, ít nắng, cây lúa phát triển không thuận lợi. Mưa còn tạo điều kiện ẩm độ thích hợp cho sâu bệnh phát triển làm hại lúa (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

* Gió

Ở giai đoạn làm đòng và trổ, gió mạnh ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển của đòng lúa, sự trổ bông, thụ phấn, thụ tinh và sự tích lũy chất khô trong hạt bị trở ngại làm tăng tỉ lệ hạt lép, hạt lửng (gạo không đầy vỏ trấu) làm giảm năng suất lúa. Tuy nhiên, gió nhẹ giúp cho quá trình trao đổi không khí trong quần thể ruộng múa tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quang hợp và hô hấp của ruộng lúa góp phấn tăng năng suất (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

2.1.3.2. Khí hậu đối với NTTS

Tôm là động vật biến nhiệt, nhiệt độ là yếu tố sinh thái quan trọng ảnh hưởng nhiều đến phương diện trong đời sống của tôm như hô hấp, tiêu thụ thức ăn, đồng hoá thức ăn, tăng cường miễn dịch đối với bệnh tật, sự tăng trưởng… Đã có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của nhiệt độ tới hoạt động sống của tôm trong môi trường ao nuôi. Theo Yang (1994) cho rằng nhiệt độ và độ mặn là hai yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ sống và sinh trưởng của tôm sú, nhất là trong giai đoạn ấu trùng.



* Nhiệt độ

Theo W. I. Liu (1996), nghiên cứu trong điều kiện thí nghiệm nhiệt độ 18-33oC, tôm cỡ 1 - 5g/con, tốc độ sinh trưởng cao nhất ở 27 - 33oC và mức phát triển trong ao tăng lên theo nhiệt độ từ 21 - 27oC (I. J. Lester và J. R. Paute, 1992). Tôm trong ao nuôi có nhiệt độ nước tăng khoảng 18 - 24oC sinh trưởng chậm hơn trong khoảng một tháng so với tôm trong ao có nhiệt độ nước khoảng 24 - 27oC (Tạ Khắc Thường, 1996).

Ở Việt Nam, một số tác giả cho rằng tôm sú thích hợp ở nhiệt độ 25 - 30oC (Nguyễn Chính, 1993; Đoàn Văn Đẩu, 1996, Nguyễn Hưng Điền, Bùi Vân Anh và ctv, 1991). Trên 30oC tôm lớn nhanh hơn nhưng rất dễ bị bệnh, nhất là bệnh BMV (Monodon bacillo Virus) (Vũ Thế Trụ, 1994).

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ tới hoạt động sống của tôm sú ở các giai đoạn khác nhau, Vũ Thế Trụ (1994), cho rằng: Tôm lúc nhỏ (1gr) lớn nhanh hơn trong nước ấm (30oC), tới khi tôm lớn hơn (12 - 18gr) sinh trưởng tốt nhất ở 27oC. Khi tôm lớn hơn nữa, mà nhiệt độ cao hơn 27oC thì môi trường nước này bất lợi cho sự tăng trưởng của tôm sú. Theo Thái Bá Hồ và Ngô Trọng Lư (2003), cho rằng: đối với tôm he chân trắng thích nghi rất mạnh đối với sự thay đổi đột ngột của môi trường sống, nhiệt độ nước thích hợp là 25-32oC.

* Độ mặn (S‰)

Độ mặn là tổng nồng độ các ion hoà tan trong nước, có quan hệ mật thiết với đời sống của thuỷ sinh vật. Nhu cầu về độ mặn thay đổi tuỳ theo từng loại tôm và thời điểm trong chu trình sống của mỗi loại. Tôm sú có thể chịu được sự biến thiên về độ mặn từ 3 - 45‰, nhưng độ mặn lý tưởng cho tôm sú là 18 - 20‰ (Vũ Thế Trụ, 1994). Độ mặn trên 40‰ làm chậm tốc độ sinh trưởng của hậu ấu trùng tôm sú (postlarvae), nếu cùng nhiệt độ 29 - 30oC thì tốc độ sinh trưởng của postlarvae ở độ mặn 15‰ nhanh hơn độ mặn 29‰ và 0‰ (Hoàng Bích Đào, 1995, Lê Xân, 1998). Độ mặn thích hợp cho tôm he chân trắng 28-34‰ (Thái Bá Hồ và Ngô Trọng Lư, 2003). Trong chu trình nuôi tôm sú, ChenkongJung và G. William đề nghị nuôi tăng dần độ mặn cao tạo cho tôm cứng vỏ và tăng sản lượng thu hoạch (Theo Tạ Khắc Thường, 1996).

+ Độ mặn 15‰ nuôi 95 ngày đầu.

+ Độ mặn 15 - 20‰ cho giai đoạn tiếp từ ngày 95 - 105.

+ Độ mặn 20 - 25‰ cho giai đoạn tiếp từ ngày 105 - 120.

+ Độ mặn 25 - 30‰ cho giai đoạn cuối từ ngày 120 - 135.

Kết quả nghiên cứu của Hoàng Bích Đào (1995) và I. J. Lester và J. R. Paute (1992), cho thấy tỷ lệ sống của ấu trùng tôm sú thay đổi theo độ mặn khác nhau, ở độ mặn 30‰ tỷ lệ sống > độ mặn 35‰ > độ mặn 40‰ > độ mặn 25‰. Nhiều tác giả cho nhận xét: tôm sú sinh trưởng chậm và năng suất thấp khi nuôi ở độ mặn cao hơn 30‰ (Nguyễn Trọng Nho, 1994), Tạ Khắc Thường, 1996).




tải về 4.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương