Hai Số Phận



tải về 2.37 Mb.
Chế độ xem pdf
trang6/29
Chuyển đổi dữ liệu01.03.2024
Kích2.37 Mb.
#56685
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   29
Hai So Phan - Jeffrey Archer

ĐĂNG KÝ TẠI TÒA ÁN BANG MASSACHUSETTS). Anne khẽ gõ cửa.
“Mời vào, cửa mở đấy,” một giọng nói ồm ồm ở bên trong vẳng ra.
Anne bước vào. Người đàn ông ngồi đằng sau bàn giấy, hai chân gác lên
mặt bàn, tay đang cầm xem một thứ gì đó như tạp chí dành cho con gái. Anh
ta ngậm điếu xì gà ở đầu môi như sắp rơi ra ngoài. Anh ta ngước lên nhìn
thấy Anne. Lần đầu tiên anh thấy một người mặc áo lông sang trọng bước
vào bàn giấy này.
Anh ta vội đứng dậy chào.
“Tên tôi là Glen Ricardo.” Anh ta nghiêng người ra phía trước bàn và giơ
ra một bàn tay lông lá vàng khè vì thuốc lá.
Anne bắt tay bụng lấy làm may mình đeo găng.
“Bà có hẹn đấy chứ?” Ricardo hỏi theo thói quen và không cần biết là
khách có hẹn hay không. Trông thấy chiếc áo lông sang trọng thế là anh ta
thấy mình đã phải sẵn sang tiếp rồi.


“Tôi đã hẹn trước rồi.”
“A, vậy ra là bà Osborne. Để tôi cởi chiếc áo khoác cho bà nhé?”
“Tôi vẫn khoác áo được chứ,” Anne nói, vì nghĩ cởi ra thì không biết
Ricardo treo nó vào đâu hay chỉ vứt trên sàn.
“Dạ được, tất nhiên, tất nhiên.”
Anne kín đáo nhìn Ricardo trong khi anh ta ngồi xuống châm một điếu xì
gà khác. Chị không quan tâm đến bộ quần áo màu xanh sáng hoặc chiếc ca
vát sặc sỡ hoặc mớ tóc đầy bóng nhẫy của anh ta. Chị chỉ hơi ngại không biết
mình có nên ngồi ở chỗ khác hơn là ở đây không.
“Nào, bà có vấn đề gì?” Ricardo vừa nói vừa gọt chiếc bút chì đã ngắn
ngủn bằng một lưỡi dao cùn. Những mảnh gọt bắn vung vãi khắp nơi mà
không vào sọt rác. “Bà mất chó, vàng bạc, hay chồng?”
“Trước hết, ông Ricardo, tôi muốn được ông đảm bảo là hoàn toàn giữ
kín,” Anne nói.
“Vâng, tất nhiên, tất nhiên, điều đó nhất định là như thế rồi,” Richard nói
và vẫn gọt bút chì, không nhìn lên.
“Dù sao tôi cũng phải nói trước như vậy.”
“Vâng, tất nhiên, tất nhiên.”
Anne nghĩ bụng nếu anh còn nói “tất nhiên” nữa, chị sẽ phải kêu to lên
cho anh ta thấy. Chị hít một hơi thở dài.
“Tôi nhận được một số thư nặc danh nói chồng tôi đang có chuyện dan díu
với một người bạn thân của tôi. Tôi muốn biết ai là người đã gửi những bức
thư đó, và những lời buộc tội ấy có thật hay không.”
Lần đầu tiên nói ra được những cảm giác lo sợ ấy, Anne thấy nhẹ người.
Ricardo nhìn chị một cách thản nhiên, coi như anh ta được nghe những
chuyện này không phải một lần. Anh ta giơ tay lên vuốt mớ tóc đen và dài.
“Rồi,” anh ta nói. “Ông chồng thì dễ thôi. Nhưng ai gửi những bức thư đó
mới là chuyện khó. Tất nhiên bà vẫn giữ những bức thư đó chứ?”


“Tôi chỉ giữ bức mới đây nhất,” Anne nói.
Glen Ricardo buông một tiếng thở dài và chìa tay ra phía trước bàn. Anne
ngần ngại lấy bức thư trong ví ra chưa đưa vội.
“Tôi biết là bà đang nghĩ gì, thưa bà Osborne. Nhưng tôi không thể làm
việc này nếu có một tay bị trói phía sau.”
“Tất nhiên, ông Ricardo, xin lỗi ông.”
Anne không ngờ là chính mình cũng nói “tất nhiên”. Ricardo đọc đi đọc
lại bức thư ba lần rồi nói:
“Tất cả những bức thư kia đều đánh trên một loại giấy này và gửi trong
cùng một phong bì như thế này chứ?”
“Vâng, có lẽ là như thế,” Anne nói. “Tôi nhớ là như thế.”
“Vậy nếu nhận được bức thư sau, xin bà…”
“Ông tin chắc là sẽ có thư nữa ư?” Anne ngắt lời.
“Tất nhiên. Xin bà cứ giữ cho. Bây giờ, xin bà cho biết những chi tiết về
chồng bà. Bà có tấm ảnh đó không ạ?”
“Vâng có.” Một lần nữa chị lại ngập ngừng.
“Tôi chỉ muốn nhìn qua khuôn mặt, để khỏi phải mất thì giờ chạy theo
người khác, có phải thế không ạ?” Ricardo nói.
Anne lại mở ví lấy đưa anh ta xem bức ảnh đã sờn cạnh chụp Henry trong
bộ quân phục trung úy.
“Ông Osborne trông đẹp trai đấy,” nhà thám tử nói. “Tấm ảnh này chụp
bao giờ ạ?”
“Có lẽ cách đây chừng năm năm,” Anne nói. “Hồi ông ta ở trong quân đội
thì tôi chưa quen.”
Ricardo hỏi Anne thêm vài phút nữa về những hoạt động đi lại hàng ngày
của Henry. Chị ngạc nhiên, đến bây giờ mới nhận ra là mình hiểu biết rất ít
về quá khứ và những thói quen của Henry.


“Như thế thì không có gì nhiều lắm để giúp cho công việc của tôi được,
thưa bà Osborne, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức. Tiền chi phí cho việc này,
chúng tôi tính mỗi ngày mười đôla cộng với những khoản phục vụ cho công
việc. Chúng tôi sẽ có báo cáo viết gửi đến cho bà mỗi tuần một lần. Xin bà trả
trước cho hai tuần.” Anh ta chìa tay ra phía trước bàn một cách rất tự nhiên.
Anne mở ví lấy ra hai tờ 100 đôla đưa cho Ricardo. Anh ta nhìn kỹ những
tờ bạc như không biết là có nhân vật nào nổi danh của nước Mỹ được in trên
đó. Benjamin Franklin trừng trừng nhìn vào Ricardo, rõ ràng là đã lâu nay
anh ta không được “nhìn thấy” con người vĩ đại ấy. Ricardo trả lại cho Anne
60 đôla bằng những tờ bạc năm đôla nhàu và bẩn.
“Thế là ông làm việc cả những ngày chủ nhật, phải không ạ,” Anne tính
nhẩm trong đầu và hỏi anh ta thế.
“Tất nhiên,” anh ta đáp. “Cũng ngày này tuần sau tính từ thứ năm có được
không, thưa bà Osborne?”
“Tất nhiên,” Anne đáp và vội bỏ đi ngay để khỏi phải bắt tay người đàn
ông ngồi sau bàn giấy đó.
○○○
Khi William đọc báo cáo hàng quý của ngân hàng Kane & Cabot thấy nói
Henry Osborne yêu cầu 500.000 đôla để đầu tư riêng, anh bỗng thấy ngày
hôm đó rất xúi quẩy. Lần đầu tiên sau bốn năm học ở St. Paul, anh bị đứng
thứ nhì về toán. Matthew Lester là người thắng anh, đã hỏi xem có phải anh
ốm không.
Tối hôm đó, William gọi điện thoại về nhà Alan Lloyd. Ông chủ tịch ngân
hàng Kane & Cabot không lấy làm ngạc nhiên khi anh gọi đến, vì ông ta
được nghe Anne nói về quan hệ không vui vẻ giữa con trai chị với Henry.
“Chào cậu William, cậu khỏe không, tình hình ở St. Paul thế nào?”
“Cảm ơn ông, mọi thứ ở đây đều tốt đẹp, nhưng tôi gọi điện là về chuyện


khác.”
Cậu ta khôn khéo thật, Alan nghĩ bụng.
“Ồ, vậy à. Tôi giúp cậu được việc gì đây?” ông bình tĩnh nói.
“Tôi muốn gặp ông vào chiều mai. Vâng, chỉ có ngày đó tôi mới ra khỏi
trường được. Tôi xin gặp ông bất cứ lúc nào và ở đâu cũng được.” William
nói như kiểu về phía anh có sự nhân nhượng. “Dù thế nào xin ông cũng đừng
cho mẹ tôi biết là tôi có gặp ông.”
“William, thế này nhé…” Alan Lloyd bắt đầu.
Giọng William bỗng cứng rắn hơn.
“Có lẽ cũng không cần phải nhắc để ông nhớ rằng cái khoản đầu tư tiền ủy
thác cho ông bố dượng của tôi ấy, tuy không hẳn là bất hợp pháp, nhưng rõ
ràng có thể coi là vô lương tâm.”
Alan Lloyd lặng yên một lát. Ông tự hỏi không biết có nên xoa dịu anh
chàng này hay không. Trước đây, ông đã có lúc nghĩ phải quở trách cho anh
ta một trận, nhưng bây giờ thì điều đó không còn thích hợp nữa.
“Được thôi, William. Cậu có thể đến cùng ăn trưa với tôi ở câu lạc bộ
Hunt vào lúc một giờ được chứ?”
“Vâng, tôi sẽ xin gặp ông ở đó.”
Điện thoại đã bỏ xuống.
Ít ra thì cuộc gặp đó cũng tiến hành trên đất nhà mình, Alan Lloyd nghĩ
bụng và đặt ống nói xuống. Ông cũng rủa thầm hãng của Bell đã chết tạo ra
cái máy điện thoại chết tiệt này.
Alan đã chọn câu lạc bộ Hunt vì ông cho rằng gặp ở đây không có vẻ
riêng tư gì lắm. Điều đầu tiên William có thể yêu cầu khi đến đây là sau khi
ăn trưa sẽ được chơi một chầu gôn.
“Thế thì tốt lắm,” Alan nói, và đặt ngay một chỗ chơi gôn vào lúc ba giờ.
Ông ngạc nhiên thấy trong suốt cả bữa ăn William không hề đả động gì
đến đề nghị của Henry Osborne. Trái lại, anh toàn nói một cách rất khó hiểu


biết về những quan điểm của Tổng thống Hanrding về cải cách giá cả, về sự
bất lực của Charles G. Dawes với tư cách là Giám đốc Ngân khố. Alan tự hỏi
không biết có phải William đã nghĩ lại và đã thay đổi ý kiến về việc Henry
Osborne vay tiền hay không? Có phải cậu ta đã quyết định để cho xong cuộc
gặp này đi mà không nhắc gì đến nữa chăng? Alan nghĩ bụng, thôi được, nếu
cậu ta muốn thế thì ông cũng chả quan tâm. Ông muốn cho buổi chiều đánh
gôn trôi đi vui vẻ, không có chuyện gì nữa. Sau bữa ăn thú vị và đã uống một
chầu rượu vang, William chỉ xin uống một cốc thôi, họ vào trong nhà câu lạc
bộ thay quần áo rồi ra sân gôn.
“Ông vẫn còn kiêng con số chín chứ ạ?” William hỏi.
“Còn, nhưng sao?”
“Mỗi lỗ gôn mười đôla, ông xem như thế có được không?”
Alan Lloyd ngập ngừng, chợt nhớ ra gôn là một trong môn William chơi
rất giỏi.
“Được, đồng ý.”
Trong khi chơi lỗ đầu, không ai nói gì. Alan cố đánh được bốn, William
được năm. Alan thắng cả trận thứ hai và thứ ba. Ông cảm thấy yên tâm hơn.
Đến trận thứ tư thì hai người đã cách xa nhà câu lạc bộ đến nửa dặm. William
chờ Alan nâng cây gậy lên rồi anh mới nói.
“Trong bất cứ điều kiện nào ông cũng không được đem năm trăm nghìn
đôla của quỹ ủy thác cho bất cứ công ty nào hay cá nhân nào liên quan đến
Henry Osborne vay mượn.”
Alan đánh một nhát cho quả bóng gôn văng đi rất xa, cốt để ông tách khỏi
William một quãng và suy nghĩ xem sẽ trả lời anh như thế nào. Sau ba lần
đánh nữa, họ cùng trở về bãi cỏ xanh, và Alan đành chịu thua không đưa
được bóng vào lỗ.
“William, anh biết rằng tôi chỉ có một phiếu trong ba người ủy thác, và
anh cũng cần biết rằng anh không có quyền gì đối với những quyết định liên
quan đến ủy thác, vì anh chưa đến hai mươi mốt tuổi thì cũng chưa tự mình


có quyền gì được đối với số tiền ấy. Ngoài ra, anh cũng nên biết là chúng tôi
không thể thảo luận vấn đề này ở đây.”
“Tôi hoàn toàn hiểu rõ những ý nghĩa pháp lý của nó, thưa ông, nhưng vì
cả hai người được ủy thác kia đều ngủ với Henry Osborne thì…”
Alan Lloyd tỏ ra sững sờ.
“Chả có lý ông là người duy nhất ở Boston không biết rằng Milly Preston
đang có chuyện dan díu với ông bố dượng của tôi?”
Alan Lloyd không nói gì. William tiếp:
“Tôi muốn được biết rằng ông sẽ bỏ phiếu chống cũng như ông sẽ làm hết
sức mình để khuyên mẹ tôi chống lại chuyện vay mượn này, dù cho ông có
phải cắn răng mà nói cho mẹ tôi biết sự thật về chuyện Milly Preston.”
Alan lại đánh một nhát gôn rất dở nữa. Quả bóng sau đó văng cả vào bụi
cây. Ông tức mình chửi thề một câu thật to, có lẽ đó là câu đầu tiên ông nói từ
bốn mươi ba năm nay.
“Đòi hỏi như thế thì hơi quá nhiều đây,” Alan nói khi họ đánh đến quả thứ
năm.
“Điều đó chẳng là gì đâu so với những gì tôi sẽ làm nếu như tôi không tin
chắc được ở sự ủng hộ của ông, thưa ông.”
“William, trước đây cha anh không bao giờ tán thành những sự đe dọa
như thế,” Alan nói và nhìn quả bóng của William chui xuống lỗ cách đó hơn
chục thước.
“Điều duy nhất mà cha tôi không tán thành có lẽ là Osborne,” William trả
lời lại.
Alan loạc choạc với quả bóng.
“Dù sao, thưa ông, ông cũng rất biết rằng cha tôi đã có một điều khoản
trong di chúc nói rằng tiền đầu tư của quỹ ủy thác sẽ là chuyện nội bộ gia
đình mà người được hưởng nó không được quyền biết rằng tiền ấy có dính
đến gia đình Kane. Đây cũng là một nguyên tắc mà trong đời làm ngân hàng


cha tôi không bao giờ vi phạm. Như vậy, cha tôi có thể luôn luôn yên tâm là
không có xung đột giữa một bên là tiền đầu tư của ngân hàng với một bên là
tiền ủy thác của gia đình.”
“Có lẽ mẹ anh cho là người trong gia đình thì có thể phá được nguyên tắc
ấy chăng.”
“Henry Osborne không phải là người trong gia đình tôi. Đến khi tôi làm
chủ cái quỹ này, tôi cũng vẫn giữ nguyên tắc như cha tôi trước kia, không bao
giờ phá bỏ.”
“William, rồi anh sẽ phải ân hận về chuyện cứng nhắc ấy.”
“Không đâu, thưa ông.”
“Anh nên suy nghĩ thêm xem, nếu biết về chuyện Milly thì mẹ anh sẽ có
thể phản ứng như thế nào,” Alan nói thêm.
“Mẹ tôi đã mất năm trăm ngàn đôla tiền riêng của bà ấy rồi. Với một anh
chồng như thế chưa đủ sao? Chẳng lẽ có để mất thêm năm trăm nghìn của tôi
vào đó nữa ư?”
“Chả cả lý nào mất được, William. Đầu tư còn có thể đem lại khá nhiều
lợi tức. Mà tôi cũng chưa có dịp nào xem kỹ sổ sách của Henry đấy.”
William hơi khó chịu khi thấy Alan Lloyd nói đến tên của Henry một cách
thân mật.
“Tôi có thể cam đoan với ông rằng hầu như ông ta đã vét sạch đến từng
đồng xu của mẹ tôi. Nói đúng ra, ông ta chỉ còn có ba mươi ba ngàn bốn trăm
mười hai đôla thôi. Tôi đề nghị ông xem rất kỹ những sổ sách của ông
Osborne cũng như thẩm tra một chút về quá khứ cùng những bạn bè và
chuyện làm ăn của ông ta trước đây. Đó là chưa kể ông ta cờ bạc ghê gớm
nữa.”
Từ quả gôn thứ tám, Alan đánh văng nó xuống hồ trước mặt. Đó là điều
không thể có được, vì ngay đến phụ nữ mới tập chơi cũng không đánh như
thế.


Ông lại thua.
“Anh làm sao có được những thông tin như vậy về Henry?” Alan hỏi, và
đoán rằng đó hẳn là văn phòng của Thomas Cohen cung cấp.
“Tôi xin không nói ra, thưa ông.”
Alan nghĩ bụng hãy cứ biết thế đã, ông tính điều này cũng có lợi ở chỗ
ông sẽ biết cách sau này làm ăn với William.
“Nếu tất cả những điều anh nói là chính xác thì cố nhiên tôi sẽ phải
khuyên mẹ anh chớ có đầu tư gì vào cho Henry, và riêng tôi cũng phải có bổn
phận nói công khai những điều đó ra với Henry chứ.”
“Vâng, xin ông cứ thế cho.”
Alan đánh một nhát nữa khá hơn, nhưng ông cảm thấy mình không thể
thắng được.
William tiếp tục.
“Chắc ông cũng muốn biết thêm rằng Osborne cần số tiền năm trăm nghìn
đôla ở quỹ ủy thác của tôi đó không phải là để ký hợp đồng xây dựng bệnh
viện đâu, mà là để thanh toàn món nợ đã mắc từ lâu ở Chicago. Tôi đoán
chắc là ông chưa được biết điều này, thưa ông?”
Alan không nói gì. Đúng là ông không biết đến chuyện ấy. Ván này
William lại thắng.
Đánh đến ván cuối, Alan hỏi:
“Anh không để cho tôi được quả nào nữa hay sao?” Ông cười rồi tì tay lên
cây gậy.
“Osborne sẽ không có được hợp đồng xây dựng bệnh viện đâu, thưa ông.
Nghe nói ông ta hối lộ những quan chức cấp dưới trong tòa thị chính. Người
ta sẽ không công khai đưa chuyện này ra, nhưng để tránh những phức tạp về
sau, người ta đã xóa bỏ công ty của ông ta trong danh sách cuối cùng rồi.
Hợp đồng ấy sẽ cho công ty Kirkbride và Carter nhận. Tin này, thưa ông, là
rất mật đấy. Ngay cả đến công ty Kirkbride và Carter cũng chưa được biết tin


này mà phải một tuần sau thứ năm tới cơ, vì vậy mong ông giữ kín cho
chuyện đó.”
Alan lại đánh chệch. William đưa quả bóng của mình vào lỗ rồi bước đến
bắt tay ông chủ tịch một cách nồng nhiệt.
“Xin cảm ơn ông đã cùng chơi. Như vậy là ông mất chín chục đôla rồi
đấy.”
Alan rút ví ra tờ bạc một trăm đôla.
“William tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc anh đừng “thưa ông” với tôi nữa. Tên
tôi là Alan, anh cứ thế mà gọi.”
“Cảm ơn Alan.” William đưa lại cho ông ta mười đôla.
Sáng hôm thứ hai, Alan Lloyd đến ngân hàng và thấy mình có nhiều việc
phải làm hơn là trước khi gặp William. Ông lập tức cho năm bộ phận của
ngân hàng tiến hành ngay những cuộc điều tra xem những lời William nói
chính xác đến mức nào. Ông sợ rằng những cuộc điều tra kia sẽ gây ảnh
hưởng không tốt đến nội bộ nên dặn mỗi bộ phận chỉ được biết đến phần
mình thôi, và bắt họ phải báo cáo trực tiếp cho chủ tịch, ngoài ra không ai
được biết đến.
Đến sáng thứ tư, trên bàn giấy của ông đã có năm bản báo cáo sơ bộ. Hình
như tất cả đều khớp với những điều William nói, mặc dầu mỗi người đều xin
có thời gian thêm để kiểm tra lại chi tiết. Alan quyết định nếu chưa có thêm
chứng cớ cụ thể thì chưa nói gì cho Anne biết. Trong khi chờ đợi, ông tính
chỉ nên tranh thủ đến dự bữa tiệc đứng do vợ chồng Osborne mời và ông sẽ
khuyên Anne nên từ từ, chưa quyết định ngay về chuyện cho vay kia.
Lúc đến dự bữa tối hôm đó, Alan lấy làm lo ngại thấy Anne rất bải hoải
mệt mỏi, vả lại phân vân, không biết sẽ nói thế nào. Ông chờ mãi mới có một
vài phút đứng riêng với chị. Ông nghĩ bụng giá bây giờ Anne không có mang
thì tốt bao nhiêu.
Anne quay lại nhìn ông mỉm cười.
“Alan, ông bận việc ở ngân hàng thế mà cũng cố đến được, thật là quý hóa


quá.”
“Tôi không thể vắng mặt ở bất cứ cuộc chiêu đãi nào của chị. Nó vẫn còn
những hương vị Boston.”
“Ông nói quá đấy.” Chị cười.
“Anne này, nhân đây tôi hỏi chị đã có lúc này nghĩ thêm về chuyện cho
vay tiền kia chưa?”
“Không, tôi chưa nghĩ gì được. Tôi còn đang bù đầu về những chuyện
khác. À thế ông xem sổ sách của Henry thế nào?”
“Chỉ có số liệu của một năm thôi, vì vậy tôi phải cho kế toán kiểm tra
thêm. Theo lệ thường thì phải xem các hoạt động trong ba năm liền mới
được. Tôi chắc Henry cũng hiểu và đồng ý với chúng tôi như vậy.”
“Anne, bữa ăn thật tuyệt,” một giọng nói khá to bỗng vàng lên phía sau
Alan. Ông không nhận ra đó là ai, có lẽ là một bạn chính khách nào đó của
Henry.
“Thế nào, bà mẹ tương lai nhỏ bé có khỏe không?” giọng nói hỏi tiếp.
Alan lách ra chỗ khác. Như thế là ông cũng tranh thủ nói được một đôi
câu cho ngân hàng rồi. Ở cuộc chiêu đãi này có khá nhiều chính khách, cả
của tòa thị chính cũng như có một đôi vợ chồng đại biểu Quốc hội. Alan chợt
nghĩ có lẽ William nói sai về chuyện hợp đồng kia chăng. Nhưng ngân hàng
chả phải điều tra về chuyện này làm gì nữa, vì tuần sau Tòa thị chính sẽ chính
thức công bố. Ông từ biệt vợ chồng nhà chủ và ra về.
“Ngày này tuần sau nhé,” ông nói to, rồi đi bộ dọc phố Chesnut về nhà.
Trong buổi chiêu đãi, Anne để ý nhìn Henry mỗi khi anh ta gần Milly
Preston. Chị thấy rõ ràng là giữa hai người không có dấu hiệu gì cả. Thật ra,
phần lớn thời gian chỉ thấy Henry đứng với John Preston thôi. Anne bắt đầu
tự hỏi hay là mình đã nghĩ sai về chồng mình. Chị tính có lẽ phải hủy bỏ cuộc
hẹn với Glen Ricardo vào hôm sau. Buổi chiêu đãi kéo dài đến hơn hai tiếng
ngoài dự tính. Chị đoán tất cả các khách mời đều hài lòng với bữa tiệc chiều
nay.


“Chiêu đãi tốt lắm, Anne. Cảm ơn chị đã mời chúng tôi.” Cái giọng to lúc
nãy lại lên tiếng, và là người cuối cùng ra về. Anne không nhớ được tên ông
ta, chỉ biết là người của Tòa thị chính. Ông ta đi khuất sau đường xe.
Anne loạng choạng đi lên gác. Chị cởi áo trước khi về đến phòng, trong
bụng nghĩ từ nay đến ngày đẻ còn mười tuần nữa thôi và sẽ không tổ chức
chiêu đãi gì nữa hết.
Henry cũng đã cởi quần áo rồi.
“Em có nói được gì với Alan không, em yêu quý?”
“Có, có nói,” Anne đáp, “Ông ta bảo sổ sách không có vấn đề gì, nhưng vì
chỉ có số liệu một năm thôi nên ông ta phải cho kế toán đi kiểm tra lại một
lần nữa. Đó là chính sách bình thường của ngân hàng thôi.”
“Chính sách bình thường chết tiệt gì đâu. Em không thấy là đằng sau
chuyện đó có William ư? Nó đang tìm cách chặn đứng vụ cho vay này đấy,
Anne.”
“Sao anh lại nói thế. Alan có nhắc gì đến William đâu.”
“Ông ta không nói ư?” Henry cao giọng. “Ông ta cũng không thèm nhắc
đến chuyện William cùng ăn trưa với ông ta hôm chủ nhật ở câu lạc bộ đánh
gôn, còn chúng ta thì ngồi không ở nhà này.”
“Sao?” Anne nói. “Không thể có chuyện ấy. William không bao giờ về
Boston mà lại không về nhà gặp em. Chắc anh lầm thế nào đó, Henry.”
“Em ơi, có đến nửa thành phố này đến đó, và anh cũng không thể tưởng
tượng William có thể đi năm chục dặm chỉ để đến đánh gôn với Alan Lloyd
mà thôi. Anne, em nghe đây, anh cần có món tiền vay ấy, nếu không anh
không thể giành được hợp đồng ký với thành phố. Đến một lúc nào đó, thậm
chí ngay bây giờ, em phải quyết định xem em tin ở William hay ở anh. Tính
từ ngày mai thì một tuần nữa là anh phải có món tiền ấy. Chỉ còn tám ngày
nữa thôi, nếu anh không chứng minh cho Tòa thị chính thấy là anh có khoản
tiền ấy thì họ không coi là anh có giá trị gì nữa. Mà như vậy chỉ vì William
không tán thành việc em muốn lấy anh. Anne, ngày mai em gọi cho Alan bảo


ông ta chuyển tiền cho anh được không?”
Giọng hằn học của anh ta như đập vào đầu Anne khiến chị cảm thấy
choáng váng.
“Không, Henry ngày mai chưa được đâu. Để đến thứ sáu được không?
Ngày mai em còn bận.”
Henry bình tĩnh lại rồi bước đến bên chị lúc đó đã cởi quần áo và đang
đứng trước gương. Anh ta đưa tay xoa bụng vợ và nói.
“Anh muốn cho đứa con này cũng có được cái may mắn như William
vậy.”
Hôm sau Anne tự nhủ đến hàng trăm lần là sẽ không đi gặp Glen Ricardo
nữa, nhưng đến gần mười hai giờ chị lại nhảy lên một chiếc taxi để đi đến đó.
Chị bước lên cầu thang gỗ cọt kẹt, trong bụng ngần ngại không muốn biết
đến gì mình sắp được nghe. Bây giờ quay ra cũng còn kịp. Chị ngập ngừng,
rồi đưa tay lên gõ cửa.
“Mời vào.”
Chị mở cửa.
“A, bà Osborne, rất mừng gặp lại bà. Mời bà ngồi.”
Anne ngồi xuống và hai người nhìn nhau.
“Có lẽ tin tức cho bà không hay lắm,” Glen Ricardo nói, đưa ngón tay lên
vuốt mớ tóc đen dài.
Anne sững người. Chị cảm thấy như muốn ốm.
“Trong bảy ngày qua không thấy ông Osborne đi đâu với bà Preston hay
bất cứ người đàn bà nào khác.”
“Nhưng ông báo tin tức không hay kia mà,” Anne nói.
“Tất nhiên, thưa bà Osborne, tôi cứ nghĩ rằng bà tìm cớ để ly dị. Những bà
vợ giận chồng thì đâu có tìm đến tôi để tôi chứng minh cho họ thấy là chồng
họ vô tội.”
“Ồ, không, không,” Anne nói, cảm thấy nhẹ người. “Đã nhiều tuần nay


bây giờ mới lại có tin hay thế.”
“À thế thì tôi,” ông Ricardo hơi lấy làm ngạc nhiên. “Vậy ta hy vọng tuần
thứ hai cũng không thấy được gì hơn.”
“Ồ, ông có thể chấm dứt cuộc điều tra đi được rồi, ông Ricardo. Tôi chắc
là tuần sau nữa ông cũng chẳng tìm thấy gì khác.”
“Như vậy không phải là khôn ngoan lắm, thưa bà Osborne.”
“Chỉ một tuần sau nữa ông cũng sẽ không tìm ra được gì hơn đâu.”
“Dù sao thì bà cũng đã trả tiền cho hai tuần rồi,” Glen Ricardo nói tiếp và
lại rút điếu xì gà của anh ta, trông có vẻ to hơn và dễ ngửi hơn thứ xì gà anh
ta hút tuần trước.
“Còn về những bức thư thì thế nào?” Anne chợt nhớ ra và hỏi. “Tôi đoán
là của một người nào ghen ghét gì với những thành tích của ông chồng tôi
chăng.”
“Như tôi đã nói với bà tuần trước, thưa bà Osborne, tìm ra tác giả những
bức thư nặc danh thì không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã
biết được cửa hàng họ mua thứ giấy viết và phong bì này. Loại giấy này đặc
biệt, không như mọi thứ thường dùng, tuy vậy bao giờ tôi chưa thể nói gì
thêm về chuyện đó. Có thể ngày này tuần sau tôi sẽ biết được rõ hơn. Mấy
ngày vừa qua bà có nhận được thêm lá thư nào nữa không?”
“Không, tôi không nhận được.”
“Tốt. Thế thì mọi thứ có vẻ đã sắp rõ ràng rồi. Chúng ta hy vọng vào thứ
năm tuần sau gặp lại sẽ là lần cuối.”
“Vâng,” Anne vui vẻ đáp. “Tôi cũng hy vọng thế. Để tuần sau tôi thanh
toán nốt cho ông các khoản chi khác, được không?”
“Tất nhiên, tất nhiên.”
Anne gần như đã quên đi cái câu đó, nhưng lần này chị chỉ cười. Trên
đường ngồi xe về nhà, chị quyết định là Henry phải có số tiền 500 ngàn đôla
ấy, và phải cho William cũng như Alan thấy là họ nhầm. Chị vẫn còn đang


băn khoăn với việc William về qua Boston mà không báo cho chị biết. Có lẽ
điều Henry nói William đang ngấm ngầm hoạt động đó là đúng chăng.
Henry rất sung sướng thấy Anne đêm đó nói là chị đã quyết định về
chuyện cho anh ta vay số tiền kia, và bảo anh ta chuẩn bị giấy tờ để sáng hôm
sau chị ký vào đó. Lúc ký vào giấy tờ, chị không thể không nghĩ ngợi vì thấy
nó đã được chuẩn bị từ lâu và đã có sẵn chữ ký của Milly Preston trên đó rồi.
Nhưng chị lại tự nhiên tự hỏi có lẽ mình quá nghi ngờ chăng? Chị vội xua
đuổi ý nghĩ ấy đi và hạ bút ký.
Sáng hôm sau đó, khi Alan Lloyd gọi điện thoại đến thì chị đã chuẩn bị tư
tưởng đầy đủ rồi.
“Anne, chị hãy khoan cho đến thứ năm đã. Đến hôm đó chúng ta sẽ biết ai
là người được ký hợp đồng xây bệnh viện.”
“Không, Alan, tôi đã quyết định rồi. Henry cần có tiền ngay bây giờ. Anh
ấy phải chứng mình cho Tòa thị chính là tài chính anh ấy đủ điều kiện để
thực hiện hợp đồng, vả lại bây giờ đã có hai chữ ký của những người được ủy
thác nên ông không còn phải lo trách nhiệm nữa.”
“Ngân hàng vẫn có thể đảm bảo cho Henry được mà không cần phải
chuyển tiền. Tôi chắc Tòa thị chính sẽ có thể chấp nhận điều đó. Dù sao thì
tôi cũng chưa có thì giờ kiểm tra lại tài khoản công ty của anh ấy.”
“Nhưng ông lại có thì giờ đi ăn trưa với William hôm chủ nhật trước đây
một tuần mà cũng không báo cho tôi biết nữa.”
Đầu dây đằng kia im lặng một lát.
“Anne tôi…”
“Ông đừng bảo là không có dịp báo. Ông đến dự chiêu đãi tối hôm thứ tư
và đáng lẽ là ông đã phải báo cho biết rồi. Nhưng ông cố tình không nhắc
đến, và bây giờ ông lại có thì giờ khuyên tôi nên hoãn quyết định cho Henry
vay tiền.”
“Anne, tôi rất tiếc. Tôi hiểu được là chuyện đó có thể rắc rối như thế nào
và tại sao chị thất vọng, nhưng nó thực sự có một lý do đấy, chị hãy tin như


vậy. Tôi đến gặp chị và giải thích tất cả cho chị nghe được không?”
“Không, Alan, không được đâu. Các người xúm lại chống chồng tôi.
Không ai trong các người cho anh ấy được có cơ hội chứng minh bản thân
mình. Vậy thì để tôi cho anh ấy có cơ hội chứ.”
Anne bỏ máy xuống, trong bụng hài lòng với mình, cảm thấy như thế là
mình đã trung thành với Henry, và chuộc cái lỗi trước đây đã nghi ngờ chồng.
Alan Lloyd gọi lại, nhưng Anne dặn cô hầu trả lời là chị đi vắng suốt
ngày. Đêm đó Henry về nhà rất phấn khởi được nghe Anne kể lại đã nói với
Alan như thế nào.
“Như thế là mọi thứ sẽ cực kỳ hay, em yêu ạ. Rồi em xem. Sáng thứ năm
anh sẽ được người ta cho ký hợp đồng. Lúc đó em có thể hòa giải với Alan.
Nhưng từ nay đến hôm đó thì em hãy cứ tránh đừng gặp. Thực ra, nếu em
muốn thì hôm thứ năm chúng ta có thể liên hoan bữa ăn trưa ở nhà hàng Ritz
và mời ông ta đến cùng ăn được chứ?”
Anne cười đồng ý. Chị cũng không quên rằng chị sẽ còn phải gặp Ricardo
một lần cuối nữa vào trưa hôm đó. Gặp xong rồi, quay về nhà hàng Ritz cũng
hãy còn sớm chưa đến một giờ. Như vậy là chị sẽ được dịp ăn mừng cả hai
thắng lợi một lúc.
Alan cố gọi điện nhiều lần để gặp Anne nhưng đều nghe cô hầu trả lời và
đi vắng. Vì giấy tờ đã được hai người ủy thác vào đó rồi, ông không có quyền
ách lại việc chi tiền quá hai mươi tiếng. Các từ ngữ dùng trong giấy tờ đó là
do Richard Kane đã thảo ra trước đây, điển hình về mặt pháp lý chặt chẽ,
không có chỗ nào sơ hở mà lách qua được nữa. Sau khi tờ séc 500.000 đôla
được trao đi chiều ngay thứ ba, Alan viết một bức thư dài gửi cho William,
kể lại đầu đuôi các sự kiện đã dẫn đến việc chuyển tiền, chỉ không nói gì đến
những sự việc do ngân hàng của ông điều tra được. Ông cũng gửi cho mỗi
giám đốc trong ngân hàng một bản sao bức thư đó, tin rằng mặc dầu ông đã
làm rất cẩn thận như thế nhưng người ta vẫn có người buộc tội cho ông là che
giấu.


Sáng hôm thứ năm, trong khi đang ăn sáng với Matthew thì William nhận
được thư của Alan Lloyd gửi đến St. Paul.
Còn ở đồi Beacon thì bữa ăn sáng bình thường như mọi ngày, trứng, thịt
rán, bánh mì nướng, cháo ngô và cà phê nóng. Henry tỏ ra lúc buồn lúc vui,
anh ta làm duyên với cô hầu, nói đùa với một nhân viên Tòa thị chính gọi đến
báo cho biết tên công ty được ký hợp đồng xây bệnh viện sẽ được dán lên
bảng yết thị trước cửa Tòa thị chính vào lúc mười giờ. Anne thì chờ đến lúc
gặp Glen Ricardo một lần nữa. Chị ngồi giở mấy trang tạp chí Vogue, cố
không để ý đến bàn tay Henry đang run run cầm tờ báo Toàn cầu của Boston.
“Sáng nay em định làm gì?” Henry hỏi, như muốn nói chuyện bình
thường.
“Ồ, không có gì nhiều lắm trước khi chúng ta ăn mừng trưa nay. Anh có
định đặt tên Richard cho khoa nhi trong bệnh viện để tưởng nhớ đến anh ấy
không?”
“Không phải tưởng nhớ đến Richard đâu, em yêu quý ơi. Đây là thành tích
của anh, vì vậy phải giành vinh dự đó cho em. Sẽ gọi đó là khoa nhi do bà
Henry Osborne tặng,” anh ta huênh hoang nói.
“Ý kiến đó hay lắm,” Anne bỏ tờ báo xuống và nhìn anh ta cười. “Anh
không được để em uống quá nhiều sâm banh vào bữa trưa nay nhé, vì chiều
em còn phải đến cho bác MacKenzie khám, nếu ông ta biết em say rượu vào
quãng này, tức chỉ chín tuần trước khi đẻ, thì ông ta sẽ không bằng lòng đâu.
Đến bao giờ thì anh biết chắc là hợp đồng sẽ giao cho anh.”
“Anh biết rồi,” Henry nói. “Nhân viên Tòa thị chính vừa nói chuyện với
anh trên điện thoại bảo là chắc chắn trăm phần trăm rồi, nhưng đến mười giờ
họ mới chính thức công bố.”
“Vậy thì việc đầu tiên là anh phải gọi cho Alan và bảo với ông ta cái tin
vui đó. Em bắt đầu thấy hơi hối hận về chuyện đã đối xử không hay với ông
ấy tuần trước.”
“Em chả cần phải hối hận làm gì. Chính ông ta cũng không thèm báo cho


em biết về những hành động của William kia mà.”
“Không, nhưng ông ấy vẫn cố tìm cách giải thích thêm, thế mà em thì lại
không để cho ông ấy được nói.”
“Thôi được, thôi được, tùy em. Vậy để cho em vui lòng, anh sẽ gọi điện
thoại vào mười giờ năm phút báo cho ông ấy biết, còn em thì gọi cho William
bảo nó rằng anh đã kiếm thêm cho nó một triệu đôla nữa.” Anh ta nhìn đồng
hồ. “Thôi bây giờ anh đi đây. Em chúc anh may mắn đi.”
“Em tưởng anh không cần may mắn gì kia mà.” Anne nói.
“Anh không cần thật. Quen miệng nói thế thôi. Hẹn gặp em vào một giờ ở
nhà hàng Ritz nhé.” Anh ta hôn lên trán vợ. “Đêm nay em sẽ tha hồ mà cười
về Alan, về William, về những chuyện hợp đồng, và coi tất cả những cái đó
là quá khứ. Em cứ tin là như vậy. Anh đi nhé, em yêu.”
“Em cũng hy vọng thế, Henry.”
○○○
Bữa ăn sáng để trước mặt Alan Lloyd nhưng ông chưa đụng gì đến. Ông
đang đọc mấy trang tài chính của tờ báo Toàn cầu Boston, chú ý đến một
đoạn nhỏ ở cột bên phải đưa tin mười giờ sáng hôm đó của Tòa thị chính sẽ
công bố ai được hưởng hợp đồng xây dựng bệnh viện trị giá 5 triệu đôla.
Alan Lloyd đã tính nếu như Henry không được hợp đồng ấy và tất cả
những gì William nói đều là chính xác thì ông sẽ làm thế nào. Ông sẽ làm
như Richard trước kia trong trường hợp tương tự, tức là hành động như thế
nào cho ngân hàng có lợi nhất. Nhưng những báo cáo mới nhất ông nhận
được về tình hình tài chính của Henry khiến ông rất lo ngại. Osborne đúng là
một tên bịp, và số tiền 500.000 đôla của quỹ ủy thác kia hoàn toàn không
được chuyển đến công ty của anh ta. Alan Lloyd chỉ nhấp một ít nước cam,
còn không đụng gì đến bữa ăn sáng. Ông xin lỗi người quản gia, rồi bước
xuống đi bộ đến ngân hàng. Thời tiết hôm đó dễ chịu.


“William, chiều nay có đánh quần vợt không?”
Hai người đang ăn sáng, Matthew Lester đứng nhìn William đang đọc đi
đọc lại bức thư của Alan Lloyd.
“Cậu bảo gì?”
“Cậu điếc hay bắt đầu lẩm cẩm rồi đấy? Cậu muốn chiều nay mình cho
cậu thất điên bát đảo trong trận quần vợt không?”
“Không chiều nay mình không có đây đâu, Matthew. Mình đang có nhiều
chuyện quan trọng khác cần phải làm.”
“Cố nhiên rồi, anh bạn ơi. Mình quên rằng cậu đang chuẩn bị cho một
trong những chuyến đi bí mật vào Nhà trắng. Mình biết là Tổng thống
Harding đang tìm một người làm cố vấn về tài chính cho ông ta, mà cậu đúng
là người có thể ngồi vào chỗ của cái ông Charles G. Dawes dở hơi ấy. Cậu cứ
bảo với ông Tổng thống là cậu nhận lời đi, với điều kiện ông ấy cũng mời
Matthew Lester làm Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền tới.”
William không trả lời.
“Mình biết nói đùa như thế là hơi vô duyên, nhưng cậu cũng phải bình
luận xem sao chứ,” Matthew nói và ngồi xuống bên William nhìn kỹ anh bạn.
“Tại món trứng phải không? Y như trứng vừa mới đem từ một trại tù binh ra
chứ gì?”
“Matthew, mình cần cậu giúp một tay,” William nói và bỏ bức thư của
Alan vào phong bì.
“Cậu vừa có thư của em gái mình rồi đó, nó nghĩ là cậu có thể thay thế
cho Rudolph Valentino
[7]
 được đấy.”
William đứng dậy.
“Thôi, đừng đùa nữa, Matthew. Nếu ngân hàng của bố cậu bị cướp, thì
liệu cậu có ngồi đó mà nói đùa về chuyện ấy được không?”
Mặt William rất nghiêm nghị, khiến Matthew phải dịu giọng xuống.
“Không, ai mà đùa được.”


“Rồi, vậy cậu ra ngoài này, mình sẽ nói tất cả cho mà nghe.”
○○○
Sau mười giờ một lúc Anne rời đồi Beacon đi mua sắm vài thứ lặt vặt
trước khi đến gặp Glen Ricardo một lần nữa. Chị vừa đi khuất ra đến phố
Chesnut thì có chuông điện thoại. Cô hầu ra nghe máy. Cô ta nhìn ra cửa sổ
thấy bà chủ đã đi quá xe rồi không gọi được nữa. Giá như Anne quay trở lại
nghe điện thoại được, thì chị đã biết về quyết định của thành phố đối với hợp
đồng xây dựng bệnh viện, nhưng chị lại đi mua thêm mấy đôi tất lụa và vài
thứ nước hoa mới. Chị đến văn phòng Glen Ricardo khoảng sau mười hai
giờ, trong bụng nghĩ thứ hoa mình mới mua sẽ có thể đánh bạt được mùi khói
xì gà của ông ta.
“Chắc tôi không đến muộn chứ, ông Ricardo,” chị nói gọn.
“Xin mời bà ngồi, bà Osborne.”
Trông Ricardo có vẻ không vui lắm, nhưng Anne nghĩ ông ta có bao giờ
vui đâu. Rồi chị lại để ý thấy ông ta không hút loại xì gà như mọi khi nữa.
Ricardo mở một hồ sơ màu nâu khá lịch sự, một thứ đồ mới duy nhất mà
Anne có thể trông thấy ở văn phòng này, rồi lấy ra vài tờ giấy.
“Chúng ta hãy bắt đầu bằng những bức thư nặc danh đã nhé, thưa bà
Osborne?”
Anne không thích cái giọng nói ấy.
“Được thôi,” chị đáp.
“Những thư này do một bà tên là Ruby Flowers gửi đến.”
“Ai? Tại sao vậy?” Anne nói, vừa muốn vừa không muốn có câu trả lời.
“Tôi ngờ rằng một trong những lý do là hiện nay bà Flowers đang kiện
chồng bà.”
“À, thế rõ cả rồi,” Anne nói. “Bà ta muốn trả thù. Bà ta đòi Henry phải trả


bao nhiêu?”
“Bà ta không nói đến nợ, thưa bà Osborne.”
“Vậy bà ta muốn gì?”
Glen Ricardo tỳ tay vào ghế đứng dậy bằng một dáng mệt mỏi. Anh ta đi
ra cửa sổ nhìn xuống bến Boston lúc đó đang đông người.
“Bà ta kiện về chuyện không giữ lời hứa, thưa bà Osborne.”
“Ôi, không thể thế được,” Anne nói.
“Hình như hai người đã đính hôn với nhau vào cái lúc ông Osborne gặp
bà, nhưng rồi vụ đính hôn bị hủy bỏ không biết vì lý do gì.”
“Bà ta đào mỏ đấy thôi. Chắc bà ta muốn tiền của Henry.”
“Không, có lẽ không phải thế. Bà biết không, bà Flowers đã vào loại khá
giả. Tuy không phải như bà đâu, tuy nhiên, nhưng cũng là khá. Chồng cũ của
bà ta là chủ một công ty nước quả đóng chai và để lại cho bà ta khá nhiều
tiền.”
“Chồng cũ ư? Thế bà ta bao nhiêu tuổi?”
Nhà thám tử quay lại bên bàn giờ vài trang hồ sơ. Móng tay cáu đen của
ông ta dừng lại một chỗ.
“Sinh nhật tới của bà ta là thứ năm mươi ba.”
“Ôi, lạy Chúa!” Anne nói. “Tội nghiệp bà ta. Chắc bà ta phải căm ghét tôi
lắm.”
“Có thể như vậy, thưa bà Osborne, nhưng điều đó chẳng giúp gì cho
chúng ta cả. Bây giờ tôi xin chuyển sang những hoạt động khác của chồng
bà.”
Ngón tay vàng khè những khói thuốc của anh ta giở thêm mấy trang nữa.
Anne cảm thấy nôn nao trong người. Tại sao chị đến đây làm gì? Tại sao
không cắt đi từ tuần trước có được không? Chị làm gì phải biết? Chị không
muốn biết kia mà? Tại sao chị không đứng dậy mà bỏ đi luôn? Ôi, chị mong
có Richard bên mình biết bao. Còn anh thì anh sẽ biết phải đối phó với tình


hình này như thế nào. Chị tưởng như mình không thể cựa quậy được nữa.
Glen Ricardo và những điều trong hồ sơ mới của anh ta làm chị ngây đơ cả
người.
“Tuần vừa qua, ông Osborne đã có hai lần ngồi riêng với bà Preston, trên
ba tiếng đồng hồ.”
“Nhưng điều đó chẳng chứng mình gì hết,” Anne chậm rãi nói. “Tôi biết
là họ đang phải thảo luận với nhau một tài liệu rất quan trọng liên quan đến
tiền nong.”
“Nhưng là ở một khách sạn nhỏ trên phố La Salle, thưa bà.”
Anne không ngắt lời nhà thám tử nữa.
“Cả hai lần họ đều bước vào khách sạn, cầm tay nhau, thì thầm cười đùa
với nhau. Tất nhiên chưa thể kết luận được là họ làm gì, nhưng chúng tôi có
ảnh họ cùng bước vào khách sạn và cùng ở khách sạn ra.”
“Ông hủy những ảnh đó đi,” Anne khẽ nói.
Glen Ricardo chớp mắt.
“Tùy bà, thưa bà Osborne. Nhưng còn những điều khác nữa. Những cuộc
điều tra thêm cho thấy ông Osborne chưa bao giờ học ở Harvard, cũng chưa
bao giờ là sĩ quan trong quân đội Mỹ. Trường Harvard cũng có một Henry
Osborne nhưng nhỏ người hơn, tóc hung hung và quê ở Alabama. Ông này bị
chết trận ở Maine năm 1917. Chúng tôi cũng biết là chồng bà còn ít tuổi hơn
nhiều so với lời ông ta khai, và tên thật của ông ta là Vittorio Togna. Ông ta
đã phục vụ…”
“Tôi không muốn nghe nữa,” Anne nói, nước mắt chảy tràn xuống hai bên
má. “Tôi không muốn nghe nữa.”
Anne cố nén để giữ bình tĩnh.
“Cảm ơn ông Ricardo, tôi hoan nghênh tất cả những gì ông đã làm. Tôi
còn thiếu ông bao nhiêu?”
“Bà đã trả trước hai tuần rồi. Chúng tôi làm thêm hai người, cộng với


những khoản chi khác là bảy mươi ba đôla.”
Anne đưa cho anh ta tờ một trăm đôla rồi đứng dậy.
“Bà còn tiền thừa, thưa bà Osborne.”
Chị lắc đầu và xua tay.
“Bà không hề gì chứ, bà Osborne? Tôi thấy bà hơi tái đi đấy. Tôi lấy cho
bà cốc nước hoặc cái gì đó được không?”
“Tôi không sao,” Anne nói dối.
“Có lẽ bà cho phép tôi đưa bà về nhà?”
“Không, cảm ơn ông Ricardo. Tôi tự về nhà được.” Chị quay nhìn anh ta
mỉm cười. “Cảm ơn ông đã quan tâm.”
Glen Ricardo nhẹ nhàng đóng cửa lại, từ từ bước ra cửa sổ, cắn đứt mẩu xì
gà, nhổ toẹt một cái rồi rủa thầm cái nghề của anh.
Anne dừng lại ở chân cầu thang đầy rác rưởi, tay vịn vào lan can. Suýt nữa
chị ngất. Đứa bé trong bụng đạp dội lên khiến chị cảm thấy buồn nôn. Chị lê
ra đến cuối phố, tìm được chiếc xe taxi rồi ngồi nép vào phía sau, Chị không
nín được, khóc sụt sịt. Chị không biết rồi mình sẽ làm gì bây giờ đây. Về đến
nhà, chị vào ngay trong phòng ngủ để những người làm trong nhà khỏi trông
thấy chị thất vọng. Vừa vào đến bên trong phòng, chuông điện thoại đã reo
lên. Chị nhấc máy lên nghe, vì thói quen hơn là vì muốn biết ai ở đầu dây
đằng kia.
“Tôi muốn nói chuyện với bà Kane được không?”
Chị nhận ra ngay cái giọng của Alan, một giọng mỏi mệt, không vui vẻ gì.
“Chào ông Alan, Anne đây.”
“Chị Anne thân mến, tôi rất tiếc khi được biết về tin sáng nay.”
“Sao ông biết được, Alan? Làm sao ông biết được? Ai bảo cho ông biết?”
“Tòa thị chính gọi điện cho tôi và cho tôi biết tin chi tiết sau lúc mười giờ.
Tôi gọi ngay cho chị nhưng cô hầu trả lời chị đã ra phố mua sắm rồi.”
“Ôi, lạy Chúa,” Anne nói. “Tôi đã quên khuấy đi mất về chuyện hợp


đồng.”
Chị ngồi phịch xuống ghế, cảm thấy khó thở.
“Anne, chị có sao không thế?”
“Không, tôi không sao,” chị đáp, cố không tỏ ra nghẹn ngào trong điện
thoại. “Tòa thị chính bảo sao?”
“Hợp đồng xây dựng bệnh viện được giao cho công ty tên là Kirkbride và
Carter. Rõ ràng Henry không có trong số ba người đứng đầu danh sách. Cả
buổi sáng tôi cố tìm anh ta, nhưng hình như anh ta đã đi đâu ngay từ sau lúc
mười giờ, và từ đó chưa trở về. Có lẽ chị cũng không biết anh ta đang ở đâu
chứ Anne?”
“Không, tôi cũng không biết nữa.”
“Chị muốn tôi sang bên đó bây giờ không?” ông ta nói. “Tôi có thể sang
với chị mấy phút.”
“Không, cảm ơn ông, Alan.” Anne dừng lại lấy hơi thở. “Xin ông tha lỗi
cho tôi về thái độ đối với ông trong mấy ngày qua. Nếu như Richard còn sống
thì anh ấy sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi được.”
“Chị đừng lẩn thẩn, Anne. Chúng ta đã là bạn với nhau từ nhiều năm nay
rồi, một chuyện nhỏ như vậy có nghĩa gì đâu.”
Giọng nói thân mật của ông cũng làm chị muốn khóc lên. Chị lảo đảo
đứng dậy.
“Tôi phải ra đây đã, hình như có người gõ cửa ngoài, có thể là Henry về.”
“Chị cẩn thận đấy nhé, Anne. Đừng nghĩ ngợi gì nữa chuyện hôm nay.
Chừng nào tôi còn là chủ tịch thì ngân hàng vẫn sẽ ủng hộ chị. Khi nào cần,
chị cứ gọi cho tôi ngay nhé, đừng ngại.”
Anne bỏ máy xuống. Trong tai chị vẫn ù ù. Chị cố thở mà không được.
Chị gục xuống sàn nhà, cùng lúc đó cảm giác co bóp dội lên trong người chị.
Lát sau có tiếng gọi cửa nhè nhẹ của cô hầu. Phía sau cô hầu là bóng
William. Từ khi chị lấy Henry Osborne, anh không hề bước chân vào phòng


ngủ của mẹ nữa. Hai người chạy vội đến chỗ Anne. Chị vẫn đang giẫy giụa,
không biết có người vào. Phía trên mép có chút bọt sùi ra. Vài giây, chị
không co quắp nữa mà nằm yên và khẽ rên.
“Mẹ,” William lên tiếng. “Mẹ sao thế?”
Anne mở mắt nhìn con như ngây dại.
“Richard. Lạy Chúa! Anh đã về. Em đang cần đến anh.”
“Con, William đây mà, mẹ.”
Mắt chị vẫn lờ đờ.
“Em kiệt sức rồi, Richard. Em phải trả giá cho lỗi lầm của mình. Anh tha
thứ…”
Giọng chị kéo dài thành một tiếng rên rồi người lại co quắp một lần nữa.
“Sao thế này?” William lúng túng nói.
“Tôi nghĩ có lẽ bà trở dạ đấy,” cô hầu nói. “Phải mấy tuần nữa mới đến
ngày đẻ cơ.”
“Cô ra điện thoại gọi ngay cho bác sĩ MacKenzie,” William bảo cô hầu rồi
chạy ra cửa phòng. Anh gọi to. “Matthew! Lên đây ngay, mau lên.”
Matthew chạy vội lên cầu thang cùng William vào phòng ngủ.
“Cậu giúp đưa mẹ tớ xuống xe với.”
Matthew quỳ xuống. Hai chàng thanh niên bế Anne lên, nhẹ nhàng đưa
xuống cầu thang và ra xe. Chị vừa thở dốc vừa rên rỉ tỏ ra đang rất đau đớn.
William trở lại trong phòng cầm vội lấy ống nói trong tay cô hầu, trong khi
Matthew chờ ở dưới xe.
“Bác sĩ MacKenzie.”
“Phải, ai đấy?”
“Tên tôi là William Kane, có lẽ ông không biết tôi đâu.”
“Không biết anh ư? Chính tôi đỡ đẻ khi anh sinh ra đấy. Có chuyện gì
vậy?”


“Có lẽ mẹ tôi đang trở dạ. Bây giờ tôi đưa bà đến bệnh viện ngay đây.
Mấy phút nữa tôi đến đó rồi.”
Giọng bác sĩ MacKenzie đã đổi khác.
“Thôi được, William, anh đừng lo. Tôi sẽ ở đây chờ anh. Mọi thứ sẽ đâu
vào đấy.”
“Xin cảm ơn ông,” William nói. “Hình như mẹ tôi bị co giật, như vậy có
gì bình thường không ạ?”
Câu nói của William khiến ông bác sĩ rùng mình. Chính ông cũng ngần
ngại không biết nói thế nào.
“Không bình thường lắm đâu. Nhưng nếu đẻ được thì không sao. Anh
mau đưa đến đây, càng nhanh càng tốt.”
William bỏ máy xuống, chạy ra ngoài nhà và nhảy ngay vào chiếc Rolls-
Royce. Matthew lái rất cẩn thận, không dám sang số và cũng không dừng lại
một chỗ nào, cứ thế từ từ đi đến bệnh viện. Hai người cùng một cô ý tá đặt
Anne lên cáng đi vội đến khu hộ sinh. Bác sĩ MacKenzie đã đứng chờ sẵn ở
cửa phòng mổ. Ông bảo hai người đứng ngoài.
William và Matthew yên lặng ngồi trên chiếc ghế dài chờ đợi. Trong
phòng đẻ vang ra những tiếng kêu hét ghê rợn họ chưa từng nghe thấy bao
giờ. Rồi sau đó là im lặng, và cái im lặng này còn ghê rợn hơn cả tiếng kêu
hét. Lần đầu tiên trong đời mình, William thấy hoàn toàn bất lực. Hai chàng
thanh niên ngồi trên ghế dài hơn một tiếng đồng hồ. Không một ai nói gì. Lát
sau, bác sĩ MacKenzie xuất hiện với dáng mỏi mệt. Hai chàng thanh niên
cùng đứng dậy. Bác sĩ nhìn Matthew Lester.
“Không, thưa ông, tôi là Matthew Lester. Còn đây là William.”
Bác sĩ quay lại đặt một tay lên vai William.
“William, tôi rất tiếc. Mẹ anh chết cách đây vài phút… còn đứa bé, một
cháu gái, cũng chết lúc mới đẻ.”
William ngồi khuỵu xuống ghế.


“Chúng tôi đã làm mọi cách để cứu sống cả hai mẹ con, nhưng muộn quá
rồi.” Ông lắc đầu buồn bã. “Bà ấy không chịu nghe tôi… mà cứ đòi phải có
con. Lẽ ra không có chuyện này.”
William ngồi lặng người, sững sờ về câu nói vừa rồi của bác sĩ. Anh khẽ
hỏi:
“Làm sao mẹ tôi chết được? Sao ông có thể để cho bà ấy chết được?”
Bác sĩ ngồi xuống ghế.
“Bà ấy không chịu nghe tôi,” ông từ từ nhắc lại. “Tôi đã nhiều lần nhắc bà
ấy, sau cái vụ sẩy thai lần trước, rằng chớ có đẻ nữa. Nhưng sau khi bà ấy tái
giá, bà ấy với ông bố dượng của anh không bao giờ coi trọng lời dặn của tôi
hết. Lần này tôi cũng lo ngại nhưng chưa có lúc nào đến mức nguy ngập.
Hôm nay, lúc anh đưa bà ấy đến đây, tôi không hiểu được tại sao bỗng có
hiện tượng co giật như vậy.”
William nhìn ông không hiểu.
“Phải, co giật. Đôi khi bệnh nhân có thể chịu đựng được nhiều lần như
vậy. Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân tắt thở luôn.”
William gục đầu xuống hai tay. Matthew Lester đỡ anh dậy đi chầm chậm
trong hành lang. Bác sĩ đi theo hai người. Ra đến thang máy, ông nhìn
William nói:
“Huyết áp của bà ấy tăng đột ngột. Điều này là rất không bình thường, và
hình như bà ấy không gượng lại như mọi khi, gần như bà ấy không cần
gượng nữa. Tôi thấy rất lạ. Gần đây có điều gì khiến bà ấy phiền lòng
không?”
William ngước lên nhìn bác sĩ. Nước mắt anh tràn xuống đầy mặt.
“Không phải là điều gì,” giọng anh đầy căm giận, “mà là người nào.”
Khi hai người về đến nhà thì Alan Lloyd đã ngồi ở một góc phòng khách.
Ông đứng dậy.
“William,” ông lên tiếng ngay. “Tôi tự trách mình đã để cho vay như


vậy.”
William nhìn ông ta như không nghe thấy ông ta nói gì. Matthew Lester
nói thay vào đó.
“Có lẽ điều đó không còn quan trọng nữa, ông ạ. Mẹ của William vừa mất
lúc đau đẻ rồi.” Anh nói nhỏ.
Alan Lloyd tái nhợt người, phải vịn tay vào bệ lò sưởi mới đứng được.
Ông quay mặt đi. Lần đầu tiên, cả William và Matthew mới trông thấy người
lớn khóc.
“Đó là lỗi tại tôi,” ông chủ ngân hàng nói. “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ
cho mình được. Tôi đã không nói cho chị ấy biết tất cả những gì tôi biết
được. Tôi quý chị ấy quá nên không muốn thấy chị ấy thất vọng bao giờ.”
Nỗi đau của ông giúp William bình tĩnh trở lại.
“Không phải lỗi của ông đâu, Alan,” anh dằn giọng nói. “Ông đã làm đủ
mọi cách rồi. Tôi biết thế. Và bây giờ đến lượt tôi phải nhờ ông giúp đỡ đây.”
Alan Lloyd đứng thẳng người dậy.
“Osborne đã được báo tin về chuyện mẹ anh chết chưa?”
“Tôi không biết mà cũng không cần biết.”
“Suốt ngày hôm nay tôi gọi cho anh về chuyện đầu tư. Nhưng anh ta bỏ đi
từ lúc mười giờ sáng nay, và không ai biết anh ta ở đâu.”
“Sớm muộn rồi hắn cũng về đây thôi,” William nghiêm mặt nói.
Sau khi Alan Lloyd ra về rồi, William và Matthew ngồi lại trong phòng
khách đó gần hết đêm, lúc ngủ thiếp đi, lúc tỉnh. Đến bốn giờ sáng, William
chợt nghe tiếng chuông đồng hồ vang lên và cũng nghe thấy cả tiếng gì ở
ngoài nhà. Matthew và William nhìn qua cửa sổ xuống đường. Họ thấy
Henry Osborne đang lảo đảo đi qua quảng trường Louisburg, trong tay cầm
một chai rượu. Anh ta thò tay vào túi tìm chìa khóa một lúc rồi đứng giữa cửa
nhìn hai chàng thanh niên, mắt nhấp nháy.
“Tôi cần Anne chứ không cần anh. Tại sao anh không ở trường? Tôi


không cần anh đâu,” anh ta líu lưỡi và giơ tay định gạt William sang một bên.
“Anne đâu?”
“Mẹ tôi chết rồi,” William khẽ nói.
Henry Osborne ngơ ngác nhìn anh vài giây. Cái nhìn ngơ ngác ấy khiến
William còn có thể tự chủ được. Anh bỗng quát lên:
“Ông đi đâu trong khi bà ấy cần đến chồng?”
Osborne vẫn còn đứng lảo đảo.
“Đứa bé thế nào?”
“Con gái, nhưng nó cũng chết rồi.”
Henry Osborne thụp ngồi xuống một chiếc ghế. Nước mắt bắt đầu chảy
xuống mặt anh ta.
“Cô ấy làm mất con tôi rồi ư?”
William không biết mình nên điên hay nên buồn.
“Con ông? Ông đừng có nghĩ về mình nữa được không?” anh lại quát lên.
“Ông biết là bác sĩ MacKenzie đã khuyên bà ấy không nên có mang nữa
chứ?”
“Anh lại cũng giỏi cả môn ấy nữa kia à? Nếu anh biết lo chuyện của anh
và đừng có can thiệp gì vào đây thì tôi đã có thể chăm lo đến vợ tôi rồi, phải
thế không nào?”
“Và chăm lo cả tiền của bà ấy nữa chứ?”
“Tiền, hừ. Anh chỉ là một thằng keo kiệt. Tôi biết là mất tiền thì anh còn
đau hơn mất bất cứ gì khác.”
“Đứng dậy!” William rít qua kẽ răng.
Henry Osborn đứng dậy và đập vỡ chai rượu vào thành ghế. Whisky tung
tóe ra thảm. Anh ta lắc lư bước đến chỗ William và giơ chai rượu vỡ lên.
William vẫn đứng nguyên đó, trong khi Matthew đứng chen ngay vào giữa và
dễ dàng gỡ cái chai ra khỏi tay anh chàng say rượu.
William gạt bạn sang một bên và tiến đến sát mặt Henry Osborne.


“Bây giờ, ông hãy nghe đây, và nghe cho kỹ vào. Tôi yêu cầu ông phải ra
khỏi nhà này trong vòng một giờ nữa. Tôi mà còn nghe thấy nói đến ông nữa,
tôi sẽ lập tức cho điều tra ngay về số tiền nửa triệu đôla của mẹ tôi vào công
ty của ông, tôi sẽ cho tiến hành ngay cả việc điều tra về quá khứ của ông ở
Chicago và ông thật sự là ai. Còn nếu không nghe nói đến ông nữa, tôi sẽ coi
như quên chuyện đó đi. Bây giờ, ông cút ngay đi, không tôi sẽ giết ông đấy.”
Hai chàng thanh niên nhìn Henry Osborne bước ra ngoài, vừa sụt sùi vừa
hoang mang giận dữ.
Sáng hôm sau William đến ngân hàng. Anh được đưa ngay vào phòng làm
việc của Chủ tịch. Alan Lloyd đang xếp một số giấy tờ vào cặp. Ông nhìn lên
và đưa một mẩu giấy cho William mà không nói gì. Đó là một bức thư ngắn
gửi tất cả các thành viên trong ban giám đốc cho ông được từ chức chủ tịch
ngân hàng.
“Ông cho gọi cô thư ký vào đây được không?” William bình tĩnh nói.
“Tùy anh.”
Alan Lloyd bấm vào một nút bên cạnh bàn giấy. Một bước đàn bà cỡ
trung niên, ăn mặc kiểu cổ, từ một cửa bên bước vào.
“Chào ông Kane,” bà ta trông thấy William đã nói ngay. “Tôi lấy làm tiếc
khi được tin về mẫu thân ông.”
“Cảm ơn bà,” William nói. “Đã có ai khác xem bức thư này chưa?”
“Thưa chưa,” bà thư ký nói. “Tôi đang sắp đánh ra mười hai bản để ông
Lloyd ký.”
“Thưa, bà đừng đánh máy ra nữa, và xin bà cũng quên là có bản thảo này
nhé. Bà cũng đừng có cho bất cứ ai biết về chuyện này, bà hiểu chứ?”
Bà ta nhìn vào đôi mắt xanh của anh chàng thanh niên mười sáu tuổi. Sao
mà giống bố ngày xưa thế, bà nghĩ bụng.
“Vâng, thưa ông Kane.” Bà lặng lẽ ra ngoài và đóng cửa lại.
Alan Lloyd nhìn lên.


“Lúc này, Kane & Cabot không cần đến một ông chủ tịch mới, ông Alan
ạ,” William nói. “Trong trường hợp này, ông không hề làm cái gì mà bố tôi
trước kia đã không làm.”
“Đâu có dễ dàng thế,” Alan nói.
“Dễ chứ,” William nói, “Chúng ta sẽ lại bàn việc này khi nào tôi hai mươi
mốt tuổi. Còn trước đó thì chưa bàn. Từ nay đến đó, tôi rất mong ông vừa
quản lý ngân hàng của tôi theo cái cách vừa rất ngoại giao vừa rất bảo thủ
như từ trước đến nay. Tôi không muốn người ta bàn tán gì đến những chuyện
vừa xảy ra ở ngoài văn phòng này. Xin ông cho hủy tất cả những tài liệu gì
ông có về Henry Osborne và coi như vấn đề này đã kết thúc.”
William xé vụn bức thư xin từ chức và vứt từng mảnh vào lửa. Anh quàng
tay vào vai Alan.
“Bây giờ tôi không còn gia đình nữa, Alan, chỉ còn có ông thôi. Lạy Chúa,
ông đừng có bỏ tôi.”
William trở về ngôi nhà trên đồi Beacon. Bà nội Kane và bà ngoại Cabot
ngồi yên lặng trong phòng khách. Thấy anh bước vào, hai cụ đứng dậy. Lần
đầu tiên William nghĩ ra bây giờ anh đã chủ của gia đình Kane.
Hai ngày sau, tang lễ được tiến hành một cách lặng lẽ ở nhà thờ St. Paul.
Chỉ có những người trong gia đình và bạn thân được mời đến. Riêng Henry
Osborne vắng mặt. Những người đến dự tang lễ chia buồn với William. Hai
cụ bà đứng phía sau anh như hai người hộ vệ, cảm thấy anh tỏ ra bình tĩnh,
tỉnh táo. Sau khi mọi người ra về rồi, William tiễn Alan Lloyd ra xe.
“Như ông biết đấy, Alan, mẹ tôi vẫn muốn xây cho bệnh viện một khu nhi
để tưởng nhớ đến bố tôi. Vậy tôi muốn nhờ ông giúp cho nguyện vọng của bà
được thực hiện.”


CHƯƠNG 
11
Wladek ở lại tòa lãnh sự Ba Lan tại Constantinople đến một năm chứ
không chỉ ít ngày như lúc đầu anh đã tưởng. Suốt ngày đêm, anh làm việc
cho Pawel Zaleski, trở thành người trợ lực không thể thiếu và là bạn gần gũi
của ông ta nữa. Đối với anh, hình như không có việc gì là khó khăn lắm.
Zaleski nghĩ bụng không biết trước đây không có Wladek thì ông ta đã xoay
xở như thế nào. Một tuần Wladek đến thăm sứ quan Anh một lần, vào trong
bếp ngồi ăn với bà Henderson, người Scotland. Có một lần anh ngồi ăn với cả
ông phó lãnh sự Prendergast nữa.
Lúc này ở Thổ Nhĩ Kỳ, lối sống cũ của Hồi giáo đang mất dần và đế chế
Ottoman đã bắt đầu rệu rã. Cái tên Mustafa Kemal
[8]
được nhắc đến ở cửa
miệng mỗi người. Không khí sắp diễn ra những thay đổi khiến Wladek sốt
ruột. Anh luôn nghĩ đến Nam tước và tất cả những ai anh yêu quý ở lâu đài.
Hồi còn ở Nga, do phải làm sao để sống được từ ngày này sang ngày khác
nên anh không có lúc nào nghĩ đến họ, nhưng sang đến đây rồi họ lại hiện lên
trước mắt anh, lặng lẽ, châm chạp. Đôi khi anh hình dung những con người
đó khỏe mạnh vui tươi, anh thấy Leon bơi lội trên sông, thấy Florentyna chơi
trò lộn dây trong phòng ngủ, thấy khuôn mặt bệ vệ của Nam tước trong ánh
đèn nến buổi tối. Nhưng bao giờ cũng vậy, những khuôn mặt thân yêu mà
anh rất nhớ ấy sẽ rung rinh trước mắt anh rồi biến thành những hình ảnh
khủng khiếp, Leon nằm chết trên người anh, Florentyna trong cơn hấp hối
người đầy máu me và Nam tước gần như mù và kiệt quệ.
Wladek dần dần hiểu ra rằng anh sẽ chẳng bao giờ trở về được quê hương
với những hồn ma như thế, mà anh phải làm một cái gì thật xứng đáng được.
Nghĩ thế, anh lại nhớ đến nhân vật Tadeusz Kosciusko, mà trước đây Nam


tước đã nhiều lần kể cho anh nghe, và anh nghĩ đến chuyện đi sang Mỹ.
Pawel Zaleski cũng đã mô tả cho anh nghe nơi đó được gọi là Thế giới mới.
Wladek càng hy vọng tương lai anh sẽ có cơ hội được trở về Ba Lan một
cách vẻ vang.
Chính Pawel Zaleski đã góp tiền để mua một tấm giấy nhập cư cho
Wladek đi sang Mỹ. Kiếm được giấy đó không dễ, vì bao giờ cũng phải đặt
cọc trước một năm. Wladek tưởng như khắp cả các nước Đông Âu ai ai cũng
tìm cách trốn đi để làm lại cuộc sống ở Thế giới mới vậy.
Mùa xuân năm 1921, Wladek Koskiewicz rời Constantinople bước xuống
con tàu Mũi tên đen đi đến đảo Ellis thuộc New York. Anh có chiếc vali
đựng tất cả những đồ đạc của mình trong đó với một mớ giấy tờ do Pawel
Zaleski cấp.
Ông lãnh sự Ba Lan đưa anh ra bến tàu và ôm anh thân mật.
“Cậu đi theo Chúa nhé.”
Wladek tự nhiên đáp lại bằng câu nói truyền thống của Ba Lan anh đã
thuộc từ bé:
“Xin ông ở lại với Chúa.”
Bước chân lên cầu tàu, Wladek chợt nhớ lại chuyến đi khủng khiếp của
anh từ Odessa đến Constantinople. Lần này trên tàu không thấy có than, chỉ
có người, đủ các thứ người, Ba Lan, Litunia, Estonia, Ucraina và rất nhiều
những người khác mà Wladek không hiểu là thuộc dân tộc nào. Anh ôm chặt
lấy chiếc vali nhỏ và đứng vào hàng để chờ. Trước khi vào được đất Mỹ, anh
còn phải trải qua nhiều lần chờ lâu như thế nữa.
Một sĩ quan trên tàu xem giấy tờ của anh rất cẩn thận, vì ngờ rằng Wladek
trốn nghĩa vụ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Pawel Zaleski đã chuẩn bị rất
đầy đủ. Lọt qua được cửa đó rồi, anh thầm cảm ơn người đồng bào của anh
đã chu đáo được như vậy. Nhiều người khác không có giấy tờ hợp lệ đã bị trả
lại.
Sau đó là tiêm chủng và khám bệnh. Giá như không có một năm trời ăn


uống tử tế và lấy lại sức khỏe ở Constantinople thì có lẽ Wladek đã không
qua được chỗ này. Cuối cùng, mọi thứ kiểm tra đã làm xong, anh được phép
xuống khoang dưới, vào chỗ ăn ở rẻ tiền nhất của khách hàng. Dưới đó có
những ngăn riêng cho nam nữ và các đôi vợ chồng. Wladek nhanh chóng tìm
đến khu nam giới và thấy nhóm người Ba Lan đã chiếm một khu giường sắt
hai tầng khá lớn. Trên mỗi chiếc giường có một đệm rơm mỏng, một chiếc
chăn mỏng và không có gối. Wladek không lo chuyện không có gối, vì từ khi
rời nước Nga đến nay anh chưa bao giờ ngủ có gối.
Wladek chọn một giường nằm phía dưới một anh chàng khác suýt soát
tuổi anh, và tự giới thiệu.
“Tôi là Wladek Koskiewicz.”
“Tôi là Jerzy Nowak ở Warsaw,” anh kia đáp lại bằng tiếng Ba Lan và đưa
tay ra bắt. “Tôi đi làm giàu ở Mỹ đây.”
Khi con tàu khởi hành, Wladek và Jerzy ngồi nói chuyện với nhau về
mình, cả hai đều lấy làm mừng có bạn để đỡ cô đơn trên tàu. Cả hai đều
không muốn nói là mình hoàn toàn không biết gì về nước Mỹ. Hóa ra Jerzy
đã mất cả bố mẹ trong chiến tranh và không còn trông cậy vào ai khác. Còn
Wladek thì kể cho anh ta nghe về mình: con của một Nam tước, lớn lên trong
một căn lều của người thợ săn, bị người Đức và người Nga bỏ tù, trốn khỏi
Siberia, thoát khỏi tay một đao phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhờ có chiếc vòng bạc đeo
trên tay. Jerzy nhìn vào chiếc vòng rất chăm chú. Wladek kể lại tóm tắt mười
lăm năm của mình mà Jerzy tưởng như phải cả một đời người mới trải qua
hết được những thứ đó. Suốt đêm, Wladek chỉ nói về quá khứ. Jerzy nghe mà
không muốn ngủ, cũng không dám nói ra là mình đang lo ngại về tương lai
như thế nào.
Sáng hôm sau, con tàu Mũi tên đen rời bến. Wladek và Jerzy đứng trên
boong tàu nhìn Constantinople lùi xa dần trong khoảng trời xanh. Sau biển
Marmara phẳng lặng đến vùng có sóng của biển Aegean. Phần lớn các hành
khách trong khoang rẻ tiền đều bị say sóng. Trong khu này chỉ có mấy phòng


vệ sinh và vòi nước lạnh, không đủ cho họ rửa ráy. Chỉ qua vài ngày là mùi
hôi thối đã sực lên không chịu được.
Bữa ăn của họ được để trên những chiếc bàn dài trong một phòng ăn rộng
nhưng bẩn thỉu nhếch nhác. Có súp nóng, khoai tây, cá, thịt bò hầm và bắp
cải, bánh mì nâu hoặc đen. Trước khi rời nước Nga, Wladek đã được biết
những thức ăn khổ hơn thế này nhiều, nhưng ngoài những thứ ở trên tàu này,
anh còn có cả những cái bà Henderson đã gói cho anh như xúc xích, lạc và cả
một ít rượu brandy nữa. Anh rủ Jerzy đem vào góc giường cùng ăn. Hai
người thầm hiểu với nhau mọi thứ mà không cần nói ra lời. Họ cùng ăn, cùng
đi xem các nơi trên tàu, và đêm đến lại trèo lên giường cùng ngủ.
Sang ngày thứ ba trên biển, Jerzy rủ một cô gái Ba Lan cùng đến bàn ăn.
Anh ta giới thiệu với Wladek đó là Zaphia. Lần đầu tiên trên đời, Wladek
nhìn kỹ một cô gái. Anh không rời mắt khỏi Zaphia. Cô ta làm anh nhớ đến
Florentyna. Cũng đôi mắt xanh đậm đà, mớ tóc vàng trễ xuống hai vai và
giọng nói ấm áp. Wladek cảm thấy như muốn sờ vào người cô ta. Thỉnh
thoảng cô gái nhìn Wladek cười. Anh đau khổ thầm nghĩ rằng Jerzy còn đẹp
trai hơn mình rất nhiều, Anh đi theo Jerzy đưa cô gái trở về khu phụ nữ.
Sau đó Jerzy quay lại nhìn anh với vẻ hơi khó chịu.
“Cậu tìm một cô gái khác cho cậu chứ? Cô này là của tớ.”
Wladek không sẵn sàng thừa nhận là anh chẳng hiểu kiếm riêng cho mình
một cô gái bằng cách nào. Anh tỏ ra coi khinh.
“Ối chao, sang đến Mỹ thì còn ối thì giờ đi tìm gái.”
“Tại sao phải chờ sang đến Mỹ? Ngay trên tàu này muốn bao nhiêu mà
chả được?”
“Cậu làm thế nào?” Wladek hỏi, muốn biết những không dám nhận là
mình dốt về môn này.
“Chúng ta còn hơn mười hai ngày nữa trong cái hầm này, và mười hai
ngày đó tớ sẽ có mười hai người đàn bà cho mà xem,” Jerzy khoe khoang.
“Cậu có thể làm gì với mười hai người đàn bà?” Wladek hỏi.


“Ngủ với họ, chứ còn làm gì nữa?”
Wladek ngỡ ngàng không hiểu.
“Ôi, lạy Chúa,” Jerzy kêu lên. “Chẳng lẽ một người như cậu đã sống được
với bọn Đức, thoát khỏi tay bọn Nga, đã giết một người khi mình mới mười
ba tuổi và suýt nữa bị bọn Thổ Nhĩ Kỳ dã man đem chặt tay, thế mà lại chưa
biết đàn bà là gì ư?”
Anh ta cười to đến nỗi những người khác ở các giường chung quanh phải
lên tiếng bảo im đi.
Jerzy tiếp tục nói thầm với Wladek.
“Đã đến lúc cậu phải học thêm cho biết. Ít nhất tớ cũng có được một cái
để dạy cho cậu.” Anh ta thò đầu xuống giường dưới nói, mặc dầu không nhìn
thấy rõ mặt Wladek trong bóng tối “Zaphia là một cô gái dễ thông cảm đấy.
Tớ có thể nói là sẽ thuyết phục cô ta mở rộng kiến thức thêm cho cậu. Để rồi
tớ thu xếp.”
Wladek không nói gì.
Cũng không ai nhắc đến chuyện ấy nữa, nhưng hôm sau thì Zaphia tỏ ra
chú ý đến Wladek. Lúc ăn, cô ta đến ngồi bên cạnh Wladek và họ nói chuyện
với nhau hàng giờ về cuộc sống và những hy vọng của mình. Cô ta là một cô
gái mồ côi ở Poznan, bây giờ đi sang với bà con họ hàng ở Chicago. Wladek
thì bảo Zaphia là anh sang New York và có lẽ sẽ cùng ở với Jerzy.
“Tôi mong là New York rất gần Chicago,” Zaphia nói.
“Thế thì sẽ có thể đến thăm tôi khi nào tôi làm thị trưởng,” Jerzy huyênh
hoang nói.
Cô ta cười khẩy.
“Anh còn Ba Lan lắm, Jerzy ạ. Anh cũng không nói được tiếng Anh tử tế
như Wladek.”
“Tôi sẽ học,” Jerzy nói với vẻ tin tưởng, “và tôi sẽ bắt đầu bằng cách đặt
tên Mỹ cho mình. Từ hôm nay trở đi tôi sẽ là George Novak. Thế là không có


khó khăn gì nữa. Mọi người ở Hoa Kỳ sẽ nghĩ tôi là người Mỹ. Còn cậu,
Wladek Koskiewicz, cậu thế nào? Cậu giữ cái tên đó thì chả làm gì được mấy
đâu, phải không?”
Wladek nhìn anh chàng mới có cái tên là George kia và thầm bực mình
với tên của chính mình. Không thể lấy ngay được cái tên mà anh có quyền
hưởng gia tài kia, anh nghĩ bụng cái tên Koskiewicz thật là rắc rối mà còn bất
hợp pháp nữa.
“Tớ sẽ tìm cách sau,” anh đáp. “Nếu cậu muốn, tớ có thể giúp cậu học
tiếng Anh được.”
“Còn tớ sẽ giúp cậu tìm gái.”
Zaphia cười khúc khích.
“Anh chả cần đâu, anh ấy đã tìm được một cô rồi.”
Jerzy bây giờ đổi tên là George và anh ta đòi họ phải gọi bằng tên đó, cứ
mỗi tối sau khi ăn xong lại chui vào một chiếc xuồng phao có bạt che ở trên
để hú hí với một cô gái. Wladek rất muốn biết anh ta làm gì trên đó, vì những
người đàn bà mà George chọn và rủ lên đó không những bẩn thỉu mà còn xấu
xí nữa.
Một tối sau bữa ăn, khi George đã biến đi rồi, Wladek với Zaphia ngồi
trên boong tàu nói chuyện. Cô ta quàng tay ôm lấy anh bảo anh hôn. Anh kề
miệng vào môi cô ta, nhưng người anh cứng quèo, lúng túng không biết làm
thế nào. Anh ngạc nhiên thấy cô ta lùa đầu lưỡi vào miệng mình. Lát sau hết
sửng sốt rồi, anh thấy miệng cô ta há ra một cách rất khiêu gợi và người anh
rạo rực hẳn lên. Anh ngượng, muốn ngồi lùi lại nhưng cô ta không hề chú ý,
trái lại cứ áp người vào sát anh đưa đẩy và cầm tay anh kéo xuống dưới. Cơ
thể anh giần giật rất khó chịu. Cô ta ngừng hôn và thủ thỉ vào tai anh.
“Anh muốn em cởi quần áo không, Wladek?”
Anh không biết thế nào trả lời.
“Thôi có lẽ để đến mai.” Cô ta nói và đứng dậy bỏ đi.


Anh lật đật đi về giường mình, trong bụng nghĩ đến hôm sau sẽ quyết tâm
hoàn thành cái việc mà Zaphia đã bắt đầu. Anh vừa đặt lưng xuống và nghĩ
xem sẽ thực hiện việc đó như thế nào thì bỗng có một bàn tay to túm lấy tóc
anh kéo từ trên giường xuống sàn tàu. Trong khoảnh khắc, sự kích thích tình
dục trong anh tan biến mất. Hai người đàn ông anh chưa thấy bao giờ đứng lù
lù ở đó. Họ kéo anh vào một góc xa và bắt đứng dựa vào tường. Một bàn tay
to bịt chặt lấy miệng anh trong khi một lưỡi dao kề vào cổ họng.
“Cấm được kêu,” tên cầm dao ấn lưỡi dao vào da thịt anh, nói khẽ.
“Chúng tao chỉ cần cái vòng bạc ở cổ tay mày thôi.”
Mất chiếc vòng bạc này sẽ chẳng khác gì như bị chặt bàn tay, Wladek
nghĩ thế mà khiếp sợ. Anh chưa biết làm thế nào thì một trong hai tên đó đã
kéo tuột được chiếc vòng ra khỏi cổ tay. Anh không rõ mặt chúng vì ở chỗ
này tối quá. Anh đang lo như thế là vĩnh viễn mất chiếc vòng thì bỗng có một
người nào đó nhảy lên lưng tên cầm dao. Wladek lợi dụng cơ hội đấm một
nhát vào mặt tên đang ghì anh vào tường. Những người ngủ quanh đó thức
dậy xôn xao. Hai tên kia vội bỏ trốn nhưng George đã kịp đâm một nhát dao
vào cạnh sườn một tên.
“Cho chúng mày chết nhé,” Wladek hét lên và đứng lại.
“Tớ đến vừa kịp,” George nói. “Chúng nó chưa quay lại đâu.”
Anh ta nhìn chiếc vòng bạc nằm lăn lóc trên sàn đầy mùn cưa.
“Hay thật,” anh ta trịnh trọng nói. “Sẽ còn có nhiều người muốn cướp cái
của quý ấy của cậu đấy.”
Wladek nhặt chiếc vòng lên đeo vào tay.
“Suýt nữa thì cậu mất hẳn chiếc vòng này đấy nhé.” George nói. “May
cho cậu là tối nay tớ về hơi muộn.”
“Tại sao cậu về hơi muộn?” Wladek hỏi.
George khoe khoang:
“Tớ nổi tiếng rồi. Thực tình là tối nay tớ vớ được một thằng ngốc mò đến


chiếc xuồng của tớ. Hắn tụt quần rồi. Tớ trông thấy thế bèn bảo hắn đừng có
nằm với cô gái mà tuần trước tớ định nằm nhưng không dám vì cô ta có bệnh
giang mai. Thế là hắn vội vã mặc quần vào bỏ đi ngay.”
“Cậu làm gì trong xuồng ấy?” Wladek hỏi.
“Thì ngủ với họ chứ làm gì nữa, sao cậu hỏi ngốc thế?”
Nói rồi George lăn ra ngủ.
Wladek nằm nhìn lên trần, tay mân mê chiếc vòng bạc. Anh suy nghĩ về
câu George vừa nói, và tự hỏi không biết mình sẽ ngủ với Zaphia như thế nào
đây.
Sáng hôm sau tàu gặp một cơn bão. Tất cả các hành khách đều bị cấm
không được lên boong. Mùi hôi thối cộng thêm với hệ thống sưởi trong tàu
càng nồng nặc lên như sói vào tận trong óc Wladek.
“Thế là hỏng cả việc của tớ, không thực hiện đủ một tá.” George phàn
nàn.
Cơn bão tan đi, hầu hết các hành khách kéo lên khoang trên. Wladek và
George vội chen trong đám đông chui lên hít thở ít không khí trong lành.
Nhiều cô gái nhìn George mỉm cười, nhưng Wladek thấy họ không để ý gì
đến anh. Một cô gái tóc đen, má đỏ hồng lên vì gió biển, qua mặt George
cười với anh ta. Anh ta quay sang Wladek.
Wladek nhìn cô ta xem cô ta chú ý đến George như thế nào.
“Tối nay nhé,” George chờ cô ta bước đến gần mới nói cho cô ta đủ nghe.
Cô ta làm như không nghe thấy gì, vẫn bước đi nhanh hơn trước một chút.
“Wladek, cậu ngoái lại xem cô ta có quay nhìn tớ không.”
Wladek ngoái lại, và ngạc nhiên đáp.
“Có, cô ta có nhìn.”
“Thế là tối nay cô ta thuộc về tớ,” George nói. “Cậu đã có được Zaphia
chưa?”
“Chưa,” Wladek đáp. “Tối nay.”


“Đã đến lúc rồi hả? Đến New York thì cậu sẽ không bao giờ còn được gặp
lại cô ta nữa.”
Đúng như George nói, bữa tối hôm đó anh ta đã kéo theo được cô gái tóc
đen đó. Wladek và Zaphia không nói gì, quàng tay vào người nhau và đi lên
boong trên dạo bước quanh tàu. Wladek liếc nhìn sang thấy nét nghiêng của
Zaphia rất xinh. Anh nghĩ bụng, và quyết định phải làm ngay chứ không để
lúc khác nữa. Anh dẫn cô ta đến một góc tối và bắt đầu hôn cô ta như hôm
qua cô ta đã hôn mình. Cô ta lui lại một chút và tựa vai vào lan can. Wladek
tiến theo. Cô ta cầm tay anh kéo xuống ngực. Anh sờ vào đó và không ngờ nó
êm ái như vậy. Cô ta cởi vài khuy áo và đưa tay anh luồn vào bên trong. Anh
thấy cảm giác đầu tiên sờ vào da thịt thật là ngon lành khó tả.
“Lạy Chúa! Tay anh lạnh thế!” Zaphia nói.
Wladek ghì chặt cô ta vào người, thở dốc. Cô ta cùng đưa đẩy với anh một
lúc rồi lùi ra nói:
“Ở đây không được, chúng mình phải đi tìm một cái xuồng.”
Họ ngó nhìn vào ba chiếc xuồng đầu đều có người bên trong. Cuối cùng
thấy một chiếc xuồng không bèn chui ngay vào dưới mái vải bạt. Trong bóng
tối của chiếc xuồng Zaphia làm gì đó một lát với đám quần áo của cô ta rồi
kéo Wladek nằm đè lên người mình. Wladek loay hoay không biết làm thế
nào thì cô ta bỗng ngừng hôn và khẽ bảo anh.
“Cởi quần ra chứ.”
Anh cảm thấy mình như một thằng ngốc, vội làm theo, nhưng rồi chưa kịp
hành động gì thì đã rùng mình rồi người anh nhủn ra. Anh chợt hiểu là khuỷu
tay và đầu gối của mình đang tì vào những đầu mẩu gỗ trong xuồng đau
điếng.
“Đây là lần đầu tiên anh làm tình với một cô gái phải không?” Zaphia hỏi
và muốn anh lại nằm lên người cô ta nữa.
“Không, tất nhiên không phải,” Wladek nói.


“Anh có yêu em không, Wladek.”
“Có, anh yêu em,” Wladek nói. “Và khi có nơi ăn chốn ở tại New York
rồi, anh sẽ đến tìm em ở Chicago.”
“Em muốn thế lắm, Wladek,” cô ta nói và cài lại khuy áo.
“Và em cũng yêu anh nữa.”
Wladek vừa về thì George đã hỏi ngay.
“Cậu có ngủ với cô ta không?”
“Có.”
“Thích không?”
“Thích,” Wladek đáp bâng quơ rồi ngủ ngay.
Đến sáng hôm sau, họ bỗng thức dậy nghe tiếng xôn xao trong hành
khách. Ai cũng mừng đây là ngày cuối cùng trên con tàu Mũi tên đen. Một số
người đã lên boong tàu từ trước mặt trời mọc, hy vọng được nhìn thấy đất
liền trước những người khác. Wladek gói ghém đồ đạc cho vào chiếc vali
mới, mặc bộ đồ duy nhất vào người, đội mũ vào, rồi lên đứng trên boong
cùng với George và Zaphia. Ba người dõi nhìn vào đám sương mù trên mặt
biển, im lặng chờ để được trông thấy đất Hoa Kỳ.
“Kia kìa!” Một hành khách reo lên, tiếp theo đó là cả đám người trên
boong vui mừng trông thấy dải đất màu xám của đảo Long Island từ từ hiện
ra trong buổi sáng mùa xuân
Những chiếc tàu con tiến đến bên tàu Mũi tên đen dẫn nó đi vào giữa
Brooklyn và đảo Staten để vào bến New York. Pho tượng Nữ Thần Tự Do
đứng sừng sững trên nền trời trước khu Manhattan và giơ ngọn đuốc lên cao
khiến mọi người trên tàu nhìn bằng con mắt kinh ngạc.
Cuối cùng, tàu bỏ neo gần những ngôi nhà có tháp cao xây gạch đỏ trên
đảo Ellis. Những hành khách có phòng riêng trên tàu xuống trước. Mãi đến
hôm nay Wladek mới trông thấy những người đó. Anh đoán có lẽ họ ở một
tầng riêng trên tàu và có những phòng ăn riêng. Hành lý của họ đã có người


đến mang vác. Họ được những người đứng sẵn dưới bến đón mừng. Wladek
biết là mình sẽ chẳng có được cái cảnh ấy.
Sau khi một số người có đặc quyền ấy đã xuống tàu rồi, thuyền trưởng nói
trên loa rằng mọi hành khách khác chưa được rời tàu và phải chờ nhiều giờ
nữa. Tiếng phàn nàn thất vọng vang lên và Zaphia ngồi bệt xuống boong tàu
khóc. Wladek đến khuyên nhủ cô ta. Lát sau những biển số đến đeo vào cổ
mỗi hành khách. Wladek mang số B127. Anh nhớ trước đây có một lần phải
đeo số rồi. Sao bây giờ cũng lại thế nữa? Mỹ cũng như các trại giam ở Nga
chăng?
Cho đến tận giữa buổi chiều họ cũng chẳng được cho ăn uống gì, và cũng
không ai nói cho biết là thế nào nữa. Họ được đưa xuống bến bên phía đảo
Ellis. Rồi đàn ông tách riêng khỏi phụ nữ, được đưa vào những căn phòng
khác nhau. Wladek hôn Zaphia và cứ giữ cô ta đứng lại trong hàng. Một viên
chức trách đi qua đó thấy thế tách họ ra.
“Cứ đi đã,” ông ta nói. “Rồi sẽ cho hai người lấy nhau, chẳng bao lâu nữa
đâu.”
William thấy Zaphia đi mất hút, còn anh và George bị đẩy lên phía trước.
Đêm đó họ ngồi trong một căn nhà cũ, ẩm ướt, không sao ngủ được trong khi
những người phiên dịch đi đi lại lại giúp cho một số người nhập cư còn lớ
ngớ chưa biết gì. Họ giúp qua loa thôi nhưng thái độ cũng nhã nhặn.
Đến sáng, họ đưa đi khám sức khỏe. Chặng đầu là khó thật. Người ta bắt
Wladek phải lên lên một cầu thang gác thật dốc. Ông bác sĩ mặc bộ đồng
phục màu xanh bảo Wladek lên xuống hai lần và nhìn kỹ cách đi đứng của
anh. Wladek cố hết sức không tỏ ra mình hơi bị thọt. Cuối cùng ông bác sĩ
hài lòng. Sau đó người ta bảo anh cởi bỏ mũ, và cổ áo cứng, để xem kỹ mặt
mũi, tóc tai, tay và cổ. Người đến sau Wladek có môi trên bị sứt, thế là bị ông
bác sĩ ách lại, đánh dấu phấn lên vai phải anh ta và chỉ ra đứng ở đầu nhà.
Khám thân thể xong, Wladek cùng với George lại nối vào một đoàn người
xếp hàng dài bên ngoài phòng gọi là kiểm tra công cộng. Mỗi người vào


trong phòng đó chừng năm phút để họ phỏng vấn. Ba giờ đồng hồ sau đến
lượt George được gọi vào. Wladek nghĩ bụng không biết người ta sẽ hỏi gì
mình.
Lúc George bước ra, anh ta nhìn Wladek mỉm cười.
“Dễ thôi, cậu cứ đi thẳng vào đó,” anh ta nói. Wladek cảm thấy hai bàn
tay mình ướt mồ hôi khi anh bước vào phòng.
Anh bước theo viên chức trách vào một phòng nhỏ chung quanh không có
gì trang trí. Có hai người xét hỏi ngồi đó và hí hoáy viết gì lên những tờ giấy
có vẻ là giấy khai đặc biệt.
“Anh nói được tiếng Anh không?” người thứ nhất hỏi.
“Thưa ông có, tôi nói được,” Wladek trả lời, nghĩ bụng dọc đường giá tập
nói nhiều thì hơn.
“Tên anh là gì?”
“Wladek Koskiewicz, thưa ông.”
Họ đưa cho anh một cuốn sách to màu đen.
“Anh có biết cái này là gì không.”
“Thưa có, đây là Kinh Thánh.”
“Anh có tin ở Chúa không?”
“Thưa có, tôi tin.”
“Anh hãy để tay lên Kinh Thánh và thề sẽ trả lời thành thật những câu hỏi
của chúng tôi.”
Wladek đưa tay trái cầm cuốn Kinh Thánh, đặt bàn tay phải lên đó và nói:
“Tôi hứa sẽ nói sự thật.”
“Quốc tịch anh là gì?”
“Ba Lan.”
“Ai trả tiền cho anh đi qua đây?”
“Tôi tự trả bằng tiền tôi kiếm được trong Lãnh sự quán Ba Lan ở


Constantinople.”
Một trong hai người nhìn vào giấy tờ của Wladek, gật đầu rồi hỏi tiếp.
“Anh có đến một nhà nào không?”
“Thưa có. Tôi sẽ đến ở nhà ông Peter Novak. Ông ấy là chú của bạn tôi.
Ông ấy ở New York.”
“Tốt. Anh có việc gì làm không?”
“Thưa có. Tôi về làm trong lò bánh mì của Novak.”
“Anh đã bị bắt bao giờ chưa?”
Wladek chợt nghĩ đến hồi ở Nga. Điều đó không tính. Thổ Nhĩ Kỳ…
Không, anh sẽ không nhắc đến làm gì.
“Không, thưa ông, chưa bao giờ.”
“Anh có phải là người vô chính phủ không?”
“Không, thưa ông. Tôi ghét họ lắm.”
“Anh có tuân theo luật pháp của Hoa Kỳ không?”
“Có, thưa ông.”
“Anh có tiền gì không?”
“Có thưa ông.”
“Cho chúng tôi xem nào?”
“Vâng, thưa ông,” Wladek để lên bàn mấy tờ giấy bạc và một ít tiền lẻ.
“Cảm ơn,” người xét hỏi nói. “Anh có thể cất tiền vào túi đi.”
Người thứ hai nhìn Wladek.
“Hai mươi mốt cộng với hai mươi bốn là bao nhiêu?”
“Bốn mươi lăm,” Wladek không ngập ngừng nói ngay.
“Con bò cái có mấy chân?”
Wladek không tin ở tai mình.
“Bốn thưa ông,” anh đáp và không biết có phải câu hỏi đó là cái bẫy


không?
“Con ngựa có mấy chân?”
“Bốn thưa ông,” Wladek đáp, trong bụng vẫn ngờ ngợ.
“Đang đi trên một chiếc thuyền con ngoài biển, nếu phải vứt đi cho nhẹ thì
anh sẽ vứt gì, bánh mì hay tiền bạc.”
“Vứt tiền, thưa ông,” Wladek đáp.
“Tốt,” Người xét hỏi cầm lên một tấm thẻ có đề chữ “Chấp nhận” và đưa
cho Wladek. “Sau khi anh đổi tiền rồi thì đưa tấm thẻ này trình cho viên sĩ
quan Nhập cư. Anh nói đầy đủ tên cho ông ta biết, và ông ta sẽ đưa cho anh
thẻ đăng ký. Rồi họ sẽ cho anh giấy nhập cảnh. Nếu trong năm năm anh
không phạm tội gì và qua được buổi kiểm tra đọc và viết tiếng Anh, tán thành
ủng hộ Hiến pháp, thì anh sẽ được phép xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Chúc
anh may mắn, Wladek.”
“Xin cảm ơn ông.”
Ra quầy đổi tiền, Wladek đưa cả số tiền mười tám tháng dành dụm ở Thổ
Nhĩ Kỳ cùng với ba tờ bạc 50 rúp còn lại cho họ. Họ trao lại cho anh 47,20
đôla đổi tiền Thổ Nhĩ Kỳ sang, còn những tờ rúp thì họ bảo anh là không có
giá trị. Anh nghĩ đến bác sĩ Dubien với mười lăm năm dành dụm của ông.
Bước cuối cùng là ra gặp sĩ quan Nhập cư. Ông ta ngồi sau một chiếc bàn
ngay bên cửa ra vào có thang chắn, dưới bức chân dung Tổng thống Harding.
Wladek và George cùng bước đến.
“Tên họ?” Ông sĩ quan hỏi George.
“George Novak,” anh ta trả lời gọn. Ông sĩ quan viết lên một tấm thẻ.
“Địa chỉ?” ông ta hỏi.
“286 phố Broome, New York.”
Viên sĩ quan đưa tấm thẻ cho George.
“Đây là giấy chứng nhận nhập cư của anh, 21871, George Novak. Hoan
nghênh anh đến Hoa Kỳ. Tôi cũng là người Ba Lan. Rồi anh ở đây sẽ thích.


Chúc mừng anh và chúc anh may mắn.”
George mỉm cười và bắt tay viên sĩ quan, rồi đứng sang một bên chờ
Wladek. Viên sĩ quan nhìn Wladek. Wladek đưa cho ông ta tấm thẻ có chữ
“Chấp nhận”.
“Tên họ?” viên sĩ quan hỏi.
Wladek ngập ngừng.
“Tên anh là gì?” ông ta nhắc lại to hơn, có vẻ hơi sốt ruột.
Wladek không sao nói ra được. Anh ghét cái tên nông dân kia hết sức.
“Tôi hỏi lần nữa, tên anh là gì?”
George nhìn Wladek. Những người khác xếp hàng phía sau cùng nhìn anh.
Wladek vẫn chưa nói. Viên sĩ quan bỗng nắm lấy cổ tay anh, nhìn kỹ vào
dòng chữ trên chiếc vòng bạc, viết vào tấm thẻ rồi đưa lại cho Wladek.
“21872, Nam tước Abel Rosnovski. Hoan nghênh đến Hoa Kỳ. Chúc
mừng và chúc anh may mắn, Abel.”


CHƯƠNG 
12
Tháng chín 1923, William trở lại học năm cuối cùng ở trường St. Paul và
được bầu làm chủ tịch lớp lớn, đúng ba mươi năm sau khi bố anh cũng đã giữ
chức đó. Nhưng William không phải được bầu lên theo cách thông thường
hoặc do được coi là học sinh nổi tiếng nhất trong trường. Nếu theo những tiêu
chuẩn ấy thì Matthew Lester, bạn thân nhất của anh, sẽ đánh bại anh bất cứ
cuộc thi nào. Nhưng William lại là một anh chàng gây nhiều ấn tượng nhất
trong trường và về mặt này thì Matthew Lester không thể đua với anh được.
William đại diện cho trường St. Paul để thi lấy học bổng Hamilton về môn
toán ở trường đại học Harvard, và trong học kỳ cuối này anh quyết tâm đạt
mục tiêu ấy.
Thời gian về nhà nghỉ nhân dịp lễ Giáng sinh, anh dành hết tâm trí vào
việc nắm vững những nguyên lý về toán. Tuy nhiên điều đó cũng khó thực
hiện vì người ta mời anh đến dự đủ thứ chiêu đãi và vũ hội. Anh khéo léo từ
chối được một số cuộc, nhưng riêng có một cuộc anh không trốn nổi, đó là vũ
hội do các cụ bà chủ trương làm ở ngôi nhà đỏ trên quảng trường Louisburg.
William nghĩ không biết đến tuổi nào anh mới có quyền quyết định được,
không để cho các cụ dùng ngôi nhà này vào việc như thế. Anh biết là bây giờ
chưa đến lúc, vả lại có như vậy thì những người làm trong nhà mới có việc
làm. Anh chỉ có rất ít bạn thân Boston, và điều đó không ngăn nổi các cụ bầy
ra một danh sách dài dằng dặc những khách mời.
Để kỷ niệm dịp này, các cụ tặng William một bộ áo lễ phục kiểu mới có
hai lần ngực. Anh nhận tặng phẩm ấy với một vẻ không nồng nhiệt lắm,
nhưng rồi cũng về phòng ngủ đóng bộ lên người và đi lại nhìn ngắm trong
gương.


Hôm sau anh gọi điện thoại đường dài đi New York mời Matthew Lester
về dự. Cô em Matthew cũng muốn đi theo nhưng mẹ cô bảo là không tiện,
nên lại thôi.
William ra ga đón bạn.
“Nào, cậu thử nghĩ xem,” Matthew ngồi trên xe về đồi Beacon nói với
William, “chẳng phải là đã đến lúc cậu phải có quan hệ trai gái rồi hay sao?
Có lẽ ở Boston không có cô nào ra hồn ư?”
“Sao cậu đã có cô nào rồi đấy, Matthew?”
“Rồi chứ, từ mùa đông năm ngoái ở New York cơ.”
“Lúc đó mình làm gì nhỉ?”
“Có lẽ cậu đang mơ làm Bertrand Russell
[9]
.”
“Thế mà cậu chả bảo gì cho mình biết.”
“Có gì đâu mà nói. Thực ra, mình như cậu nghĩ nhiều đến ngân hàng của
ông bố mình hơn là chuyện tình của mình. Chuyện xảy ra tại một cuộc chiêu
đãi của bố mình kỷ niệm ngày sinh Washington. Hôm đó có thể nói mình bị
một trong những thư ký giám đốc đè ra hiếp. Đó là một bà rất to lớn có tên là
Cynthia, có bộ ngực đồ sộ núng nính đến mức…”
“Cậu có thích không chứ?”
“Có, nhưng mình không tin rằng bà ta cũng thích. Bà ta quá say rượu nên
không biết có mình ở đó. Vả lại, mình nghĩ rồi cũng phải bắt đầu ở chỗ nào
đó, trong khi ấy thì bà ta tự nguyện giúp cho con ông chủ được biết mùi đời
kia mà.”
Trong óc William chợt hiện lên hình ảnh bà thư ký trung niên đứng đắn
của Alan Lloyd anh gặp hôm trước.
“Mình không nghĩ là sẽ có cái may mắn được bà thư ký của Chủ tịch dạy
cho những bài học đầu tiên ấy,” anh nói.
Matthew ra điều hiểu biết:
“Rồi cậu sẽ ngạc nhiên thấy rằng chính những người đàn bà có vẻ đứng


đắn nghiêm túc lại là những người dễ dàng lăn vào vòng tay mình hơn cả.
Bây giờ thì mình sẵn sàng nhận mọi lời mời, dù là chính thức hay không
chính thức, mà cũng chả cần phải ăn mặc chỉnh tề nữa.”
Cất xe vào rồi, hai người bước lên ngôi nhà bây giờ là của William.
“Cậu đã thay đổi nhiều rồi đấy nhỉ,” Matthew nhìn bộ bàn ghế mới bằng
song mây và giấy hoa mới dán trên tường. Chỉ có những chiếc ghế da màu đỏ
sẫm vẫn đâu ở nguyên đấy.
“Chỗ này cũng cần sáng sủa lên một chút,” William nói. “Trước đây cứ
như sống trong thời kỳ đồ đá. Vả lại, mình không muốn để gợi lại những…
Nhưng thôi, bây giờ không phải lúc nói về trang trí nội thất.”
“Bao giờ thì mọi người sẽ đến dự cuộc chiêu đãi này?”
“Vũ hội đấy, Matthew. Các cụ cứ nhất định phải gọi đây là vũ hội.”
“Trong những dịp này chỉ có một thứ có thể gọi là vũ hội được thôi.”
“Matthew, cậu chỉ mới biết đến một thư ký của giám đốc thôi mà đã tưởng
mình có quyền lên lớp thiên hạ về tình dục sao?”
“Ôi, cậu ghen tỵ đấy à? Thôi đi anh bạn ơi,” Matthew thở dài chế nhạo.
William cười và nhìn đồng hồ tay.
“Trong vài giờ nữa, người khách đầu tiên sẽ tới. Bây giờ cậu hãy đi tắm
rửa thay quần áo đã. Cậu có nhớ mang theo lễ phục đấy không?”
“Có, nhưng nếu không thì mình mặc bộ quần áo ngủ cũng được chứ sao.
Mình thường hay quên thứ này hoặc thứ kia, nhưng cả hai thứ thì không bao
giờ, dù muốn quên cũng không được. Thực ra, nếu mình mặc quần áo ngủ ra
dự vũ hội thì có thể sẽ làm mọi người buồn cười lắm nhỉ.”
“Các cụ nhà mình chả thích đùa thế đâu,” William nói.
Sáu giờ, những người phục vụ chiêu đãi lục tục đến. Họ có tất cả hai mươi
ba người. Bây giờ, các cụ đến, trịnh trọng trong bộ đồ bằng ren đen kéo dài
chấm đất. Vài phút trước tám giờ, William và Matthew đến với các cụ ở
phòng tiền sảnh.


William định nhặt một quả anh đào trên chiếc bánh gatô rất đẹp ở giữa
bàn thì có tiếng bà nội Kane ở sau lưng.
“Cháu đừng đụng vào đấy, William, không phải dành cho cháu đâu.”
Anh quay ngoắt người lại.
“Vậy thì dành cho ai?” Anh hỏi và hôn lên má bà nội.
“Đừng lôi thôi William. Đừng tưởng lớn thế rồi mà bà không cho mấy cái
phát vào đít được đâu.”
“Bà nội ơi, cháu xin được giới thiệu đây là Matthew Lester, bạn thân nhất
của cháu.”
Bà nội Kane giương mục kỉnh lên ngắm nhìn anh ta một lát rồi nói:
“Chào cháu.”
“Cháu vinh dự được gặp bà, bà Kane. Cháu tin là bà có biết ông cháu.”
“Biết ông cháu ư? Caleb Longworth Lester ư? Trước đây hơn năm mươi
năm, ông ấy đã từng hỏi lấy bà nhưng bà từ chối. Bà bảo là ông ấy uống rượu
quá nhiều, và như thế thì sẽ chết sớm đấy. Quả đúng như bà nói. Vậy hai
cháu đừng có uống rượu nhé. Nhớ đấy, rượu làm cho người ta ngu muội đi.”
“Chúng cháu chẳng dám phạm luật đâu.
[10]
” Matthew ra vẻ ngây thơ nói.
“Nhưng rồi chẳng bao lâu nữa luật sẽ mất giá trị,” bà Kane nói. “Tổng
thống Coolidge đã quên mất những ngày thơ ấu của ông ta rồi. Nếu như cái
ông ngốc Harding ấy không chết một cách dại dột thì ông Coolidge này cũng
chẳng bao giờ làm Tổng thống được.”
William cười.
“Ôi, bà nhớ giỏi thật đấy. Trong cả thời gian cảnh sát đình công, có ai nói
gì đến ông ta đâu.”
Bà Kane không bắt chuyện nữa.
Khách mời đã đến dần. Rất nhiều trong số họ hoàn toàn xa lạ với chủ nhà.
Mấy bà cháu vui mừng thấy Alan Lloyd đến sớm.


“Trông anh khá lắm William,” Alan lần đầu tiên ngắm kỹ anh và nói.
“Ông cũng thế. Ông đến thật là quý hóa.”
“Quý hóa ư? Anh quên rằng giấy mời là của cả hai cụ à? Nếu là một cụ
thôi thì tôi có thể lấy hết can đảm từ chối, nhưng cả hai cụ thì…”
“Ông cũng thế à?” William cười. “Tôi muốn nói riêng với ông một câu
được không? - Anh kéo ông Alan ra một góc. - Tôi muốn có chút thay đổi
trong kế hoạch đầu tư, bắt đầu mua chứng khoán của ngân hàng Lester khi
nào nó được tung ra thị trường. Tôi muốn là đến khi nào đủ hai mươi mốt
tuổi thì đã có 5 phần trăm cổ phiếu trong ngân hàng của họ rồi.”
“Không dễ thế đâu,” Alan nói. “Chứng khoán Lester không thấy mấy khi
xuất hiện trên thị trường, vì nó đều nằm trong tay tư nhân cả. Nhưng để tôi
xem có thể làm gì được không. Tại sao anh lại nghĩ thế, William?”
“Mục đích thật sự của tôi là…”
“William,” bà ngoại Cabot bỗng đến bên cạnh. “Cháu âm mưu cái gì với
Lloyd ở đây thế? Bà chưa thấy cháu ra nhảy với một cô nào cả. Vậy cháu
tưởng bà tổ chức ra cái vũ hội này để làm gì?”
“Bà nói đúng đấy,” Alan Lloyd nói và đứng dậy. “Mời bà ngồi xuống đây
với tôi, bà Cabot, để tôi tống cái cậu này ra ngoài kia. Chúng ta ngồi đây nhỉ,
xem cậu ta nhảy, và nghe nhạc vậy.”
“Nhạc? Đây không phải là nhạc, Alan. Chỉ toàn những tiếng loảng xoảng
inh tai mà không có chút giai điệu nào hết.”
“Ôi, bà ngoại yêu quý ơi,” William nói, “đây là bài hát nổi tiếng mới nhất,
bài “Chúng ta không có chuối” đấy.”
Bà ngoại Cabot nhăn nhó:
“Nếu vậy thì đã đến lúc bà từ giã cõi đời này rồi.”
“Không bao giờ đâu thưa bà,” Alan Lloyd đỡ lời.
William ra nhảy với vài cô gái mà anh nhớ mang máng là đã gặp ở đâu và
không nhớ tên. Trông thấy Matthew ngồi ở góc phòng, anh tìm cớ thoát khỏi


sàn nhảy và ra đó. Đến tận nơi anh mới để ý thấy bên cạnh Matthew có một
cô gái. Thấy cô ta ngẩng lên nhìn mình, William tưởng như mình đến rủn cả
người.
“Cậu biết Abby Blount chứ?” Matthew chợt hỏi.
“Không,” William đáp, tay chỉnh lại chiếc ca vát cho ngay ngắn.
“Đây là chủ nhà của em, ông William Lowell Kane.”
William ngồi xuống ghế bên cạnh cô gái. Cô ta nhìn theo anh ngồi xuống,
vẻ mặt nghiêm nghị. Matthew đã chú ý đến cái nhìn của William đối với
Abby. Anh ta bỏ ra chỗ khác tìm nước quả uống.
“Suốt đời tôi ở Boston mà sao chưa gặp cô bao giờ nhỉ?”
“Chúng đã gặp nhau một lần rồi. Cái hồi anh đẩy tôi xuống ao ở gần Nhà
thị chính ấy. Lúc đó chúng tôi có ba đứa mà. Phải mất mười bốn năm tôi mới
hoàn hồn đấy.”
“Tôi xin lỗi,” William lặng người đi một lúc rồi mới nói lên được. Anh
không nghĩ ra câu gì để đáp lại cô ta.
“Anh có ngôi nhà đẹp lắm, William.”
“Cảm ơn.”
Anh lại ngồi im rồi khẽ đáp. Anh liếc nhìn sang Abby, làm ra vẻ như mình
không để ý lắm. Cô ta mảnh dẻ, có đôi mắt nâu và to, lông mi dài cong, có
nét nhìn nghiêng rất hấp dẫn đối với William. Abby buông thõng mớ tóc
hung xuống theo một kiểu mà xưa nay William vốn không thích.
“Matthew bảo em là sang năm tới anh vào Harvard,” cô ta gợi chuyện.
“Đúng đấy. Cô muốn nhảy không?”
“Cảm ơn,” cô ta nói.
Những bước chân của anh lúc nãy thoải mái mà bây giờ sao ngượng
ngùng thế nào ấy. Anh giẫm cả lên chân cô ta và đưa cô ta đụng vào những
người khác. Anh xin lỗi. Cô ta mỉm cười. Anh ôm cô ta lại sát người, rồi cả
hai người lại tiếp tục nhảy.


“Bà có biết cái cô gái kia suốt từ nãy chỉ có nhảy với William không?” bà
ngoại Cabot nghi ngờ hỏi.
Bà nội Kane gương mục kỉnh lên nhìn cô gái đang nhảy cùng với William
lúc này đi ra ngoài bãi cỏ.
“Abby Blount,” bà Kane nói.
“Tức là cô cháu gái của Đô Đốc Blount ấy ư?” bà ngoại Cabot hỏi.
“Đúng thế.”
Bà ngoại Cabot gật đầu có vẻ hài lòng.
William đưa Abby Blount ra tận góc vườn, đứng lại dưới gốc một cây hạt
dẻ to ngày xưa anh hay trèo lên đó.
“Lần đầu gặp một cô gái nào anh cũng định hôn cô ta hay sao?” Abby hỏi.
“Nói thật tình là anh chưa bao giờ hôn một cô gái nào,” William đáp.
“Thế thì em hân hạnh quá.” Abby cười.
Cô ta giơ một bên má hồng cho anh hôn, rồi đến đôi môi mọng đỏ. Liền
sau đó đòi anh quay trở vào trong nhà. Hai cụ bà theo dõi thấy họ quay vào
sớm liền yên tâm.
Tối hôm đó về phòng ngủ của William, hai anh chàng thanh niên ngồi bàn
tán về chuyện vừa qua.
“Cuộc chiêu đãi không đến nỗi nào.” Matthew nói. “Cũng bõ công mình
đi từ New York về cái tỉnh lẻ này, và mặc dầu cậu đã hớt tay trên cô gái của
mình.”
“Thế cậu tưởng cô ta giúp cho mình mất trinh hay sao?” William hỏi lại,
không để ý đến lời trách đùa của Matthew.
“Dù sao cậu cũng có ba tuần lễ để tìm hiểu, nhưng mình e rằng cậu sẽ phát
hiện ra cô ta cũng chưa mất trinh,” Matthew nói. “Theo hiểu biết chuyên môn
của mình là như thế. Mình đánh cuộc năm đôla với cậu là cô ta không đổ
trước những lời tán tỉnh của William Lowell Kane.”
William tính một kế hoạch cẩn thận. Anh nghĩ mất trinh là một chuyện,


còn mất năm đôla với Matthew lại là chuyện khác. Sau vũ hội, hầu như ngày
nào anh cũng gặp Abby Blount, nhân tiện có ngôi nhà riêng của mình và có
xe. Anh bắt đầu cảm thấy giá như không có bố mẹ Abby theo dõi và kín đáo
kiểm soát cô con gái thì hoạt động của anh đã khá hơn rồi. Cho đến ngày cuối
cùng hết hạn nghỉ hè, anh cũng thấy mình chẳng đến gần được mục tiêu hơn
chút nào.
Quyết tâm thắng cuộc và lấy năm đôla, hôm đó William gửi đến cho Abby
một bó hoa hồng từ sáng sớm, rồi đến tối rủ cô ta đi ăn ở nhà hàng Joseph và
cuối cùng kéo được cô ta về phòng mình.
“Anh làm sao lại có được chai whisky như thế này? Cấm rượu kia mà?”
Abby hỏi.
“Ô, có khó gì lắm đâu,” William khoe.
Thực ra đó là anh đã giấu được một chai rượu bourbon của Henry Osborne
ngay sau khi anh ta rời ngôi nhà này ra đi, và William lấy làm may mà còn
giữ đến hôm nay chứ không uống hết.
William rót rượu ra uống. Rượu làm anh suýt sặc và làm Abby chảy cả
nước mắt.
Anh ngồi xuống bên cạnh cô ta, quàng tay qua vai. Cô ngả người theo.
Cô ta nhìn anh tha thiết, đôi mắt nâu mở to.
“Ôi William, em nghĩ anh cũng hay lắm,” cô ta vừa thở vừa nói.
Khuôn mặt như búp bê của cô khiến anh không cưỡng nổi. Cô ta để cho
anh hôn. Rồi mạnh bạo hơn, William đưa bàn tay lần theo cổ tay của cô lên
ngực và dừng lại ở đó như cảnh sát giao thông dừng một đoàn xe vẫy. Bỗng
cô ta đỏ mặt không bằng lòng và đẩy tay anh xuống, để cho giao thông tiếp
tục bình thường.
“William, anh không nên làm thế.”
“Tại sao không?” William nói, vẫn cứ cố ôm chặt lấy cô.
“Vì anh không thể biết được nó sẽ kết thúc như thế nào.”


“Anh có một ý kiến này hay lắm.”
Nhưng trước khi anh nói được câu gì thì Abby đã đẩy lùi anh ra và vội
đứng dậy vuốt lại áo.
“Thôi, có lẽ em về nhà đây, William.”
“Em vừa mới đến mà.”
“Mẹ sẽ hỏi em làm gì ở đây.”
“Thì em bảo là không làm gì cả.”
“Đúng thế, tốt hơn là không làm gì cả,” cô ta tiếp lời.
“Nhưng ngày mai anh về rồi,” Anh tránh không nói là về trường.
“Vậy anh có thể viết thư cho em, William.”
Không giống như Valentino, William biết là khi nào mình thất bại. Anh
đứng dậy, chỉnh lại ca vát, cầm tay Abby rồi lái xe đưa cô về nhà.
Hôm sau, trở lại trường, Matthew Lester nhận của William tờ bạc năm
đôla và ngạc nhiên nghe anh nói:
“Cậu mà nói thêm câu gì nữa Matthew, là mình sẽ dùng cây gậy dã cầu
đánh đuổi cậu chạy quanh trường cho mà coi.”
“Mình chả nghĩ ra câu gì mà nói được, trừ mỗi điều là tỏ ra thông cảm với
cậu thôi.”
“Matthew, cậu chết với mình nhé.”
○○○
Trong học kỳ cuối năm ở St. Paul, William bắt đầu để ý đến bà vợ ông
chủ nhà chỗ anh ở. Bà ta trông khá đẹp, chỉ có bụng và mông hơi xệ, nhưng
bà ta giữ được bộ ngực tuyệt vời và bộ tóc đen sum suê trên đầu chỉ mới có
vài sợi bạc. Một hôm vào thứ bảy, nhân William bị trẹo tay ở sau trận khúc
côn cầu về, bà Raglan lấy băng mát ra bó tay cho anh. Bà ta đứng gần hơn
mức cần thiết, để tay William cọ vào ngực. Anh thấy cảm giác dễ chịu lắm.


Rồi một dịp khác anh bị sốt phải nằm trong trạm xá mấy ngày, bà ta đích thân
đem thức ăn đến cho anh. Bà ta ngồi ngay trên giường của anh, người bà cọ
vào chân anh qua lần vải mỏng. Anh cũng lấy thế làm thích.
Người ta đồn bà ta là vợ thứ hai của ông Raglan. Trong cả ngôi nhà ấy,
không ai cho là ông Raglan có thể chịu nổi một vợ chứ đừng nói đến hai.
Thỉnh thoảng bà Raglan bằng những cái thở dài và bằng im lặng của mình,
cho thấy là số phận của bà chẳng sung sướng gì.
Với nhiệm vụ trưởng nhà, mỗi tối vào lúc mười rưỡi là William phải đến
báo cáo cho ông Raglan biết là anh đã tắt hết đèn và chuẩn bị đi ngủ. Tối hôm
thứ hai lúc gõ cửa buồng ông Raglan như mọi lần, anh ngạc nhiên nghe thấy
chỉ có tiếng tiếng bà Raglan gọi anh vào. Bà ta đang nằm trên chiếc ghế dài
và mặc chiếc áo khoác ngoài bằng lụa giống như kiểu áo Nhật.
William nắm tay núm cửa nói:
“Đèn tắt hết rồi, và tôi cũng đã khóa cửa ngoài. Bà Raglan, chúc bà ngủ
ngon.”
Bà ta thả hai chân xuống đất, thoáng để lộ đùi trần dưới làn áo lụa.
“Sao anh vội thế, William. Lúc nào cũng vội vã khổ sở.” Bà bước ra gần
bàn nói. “Sao anh không nán lại một lúc, uống sôcôla nóng với tôi đi. Tôi thật
dở quá, lại đi làm hai cốc, mà quên mất là ông Raglan phải đến thứ bảy mới
về.”
Bà ta nhấn mạnh vào chữ thứ bảy. Bà đem một cốc còn đang nóng bốc hơi
đến và ngước nhìn lên xem câu nói của mình có tác động gì đến anh không.
Bà ta đưa cốc cho anh với vẻ thỏa mãn, để tay mình chạm vào tay anh. Anh
lấy thìa ngoáy cốc sôcôla nóng.
“Ông Gerald nhà tôi đi họp hội nghị,” bà ta giải thích. Lần đầu tiên anh
nghe nói đến tên tục của ông Raglan. “Anh ra đóng cửa đi, William, rồi vào
đây ngồi với tôi.”
William ngập ngừng. Anh ra đóng cửa, nhưng không dám ngồi xuống
chiếc ghế của ông Raglan, cũng không dám ngồi xuống bên bà ta. Sau anh


quyết định dù sao ngồi ghế của ông Raglan cũng đỡ hơn. Anh bước ra phía
đó.
“Không, không,” bà ta vừa nói vừa vỗ vào chỗ bên cạnh mình.
William quay lại từ từ ngồi xuống đó, mắt nhìn vào cốc nước để xem đối
phó thế nào. Anh uống ực một hơi, bỏng cả lưỡi. Thấy bà Raglan đứng dậy,
anh nhẹ người. Bà ta lại rót thêm vào cốc anh, mặc cho anh từ chối, rồi nhẹ
nhàng ra góc phòng, lên dây cót chiếc máy hát và cho chạy đĩa hát. Lúc bà ta
quay lại anh vẫn còn đang nhìn xuống đất.
“Chẳng lẽ anh để cho phụ nữ nhảy một mình sao William?”
Anh nhìn lên. Bà Raglan lắc lư theo điệu nhạc. William đứng dậy giơ tay
ôm lấy bà nhưng để khoảng cách thật xa. Giá có ông Raglan ở đây mà đứng
chen vào giữa cũng còn đủ chỗ. Sau vài nhịp thì bà ta nhích lại gần William
hơn. Tay bà từ từ để tuột từ vai xuống lưng anh. Đĩa hát dừng lại, William
nghĩ bụng thế là mình thoát và quay lại với cốc sôcôla nóng. Nhưng bà ta đã
lộn mặt đĩa hát và trở về ngay trong vòng tay của anh.
“Bà Raglan ạ, tôi nghĩ có lẽ là…”
“Yên trí đi, William.”
Anh mạnh bạo nhìn thẳng vào mắt bà ta. Anh định nói với bà nữa nhưng
không biết nói gì. Lúc này bà ta đã sờ lần khắp nơi trên lưng anh và anh cảm
thấy đùi bà ta đã nhẹ nhàng cọ vào người mình. Anh chợt quàng tay ôm chặt
lấy bà.
“Đấy, như thế tốt lắm,” bà ta nói.
Họ từ từ đi những bước vòng quanh căn phòng, mỗi lúc ghì chặt lấy nhau
hơn. Cứ như thế từng bước một, từng bước một cho đến cuối đĩa hát. Lúc bà
ta lui người để đi ra tắt đèn thì anh muốn bà ta quay lại ngay chỗ mình. Anh
đứng trong chỗ tối, không cử động, lắng nghe tiếng lụa sột soạt và trông rõ
thấy cả bóng người đang trút bỏ quần áo.
Đến lúc bà ta đến giúp William cởi quần áo của anh và đưa anh trở lại
chiếc ghế dài thì bài hát cũng vừa hết, chỉ còn tiếng kim máy hát gại vào đĩa.


Trong bóng tối, anh vụng về đưa tay sờ vào mấy chỗ trên cơ thể bà ta. Anh
cảm thấy nó không đúng như anh đã tưởng tượng. Vừa sờ lên ngực bà ta, anh
đã rụt tay lại. Anh bắt đầu có những cảm giác tưởng như trước đây nằm mơ
cũng không có. Anh muốn rên lên thật to nhưng cố nhịn, không dám thốt ra
một lời nào, sợ tỏ ra ngớ ngẩn quá chăng. Hai tay bà ta vẫn vòng lấy lưng anh
và nhẹ nhàng kéo anh nằm đè lên mình.
William loay hoay không biết làm thế nào vừa để thực hiện được điều
mong muốn vừa không tỏ ra mình thiếu kinh nghiệm. Anh thấy nó không dễ
dàng như anh nghĩ, và càng loay hoay càng như vụng thêm. Một lát sau, bà ta
lại đưa tay luồn xuống dưới bụng anh, hướng dẫn anh hành động một cách
thông thạo. Nhưng anh cũng lập tức rùng mình rồi rủn cả người.
“Tôi xin lỗi,” William nói. Anh không biết làm gì tiếp theo, nhưng vẫn
nằm yên trên bụng bà ta một lúc.
“Mai sẽ khá hơn,” bà ta nói.
Anh lại nghe thấy tiếng kim máy hát gại vào đĩa.
Suốt cả ngày hôm sau, lúc nào bà Raglan cũng hiện lên trong óc anh. Kết
quả là đêm hôm đó bà ta đã thở dài khoan khoái. Sang đêm thứ tư, bà ta hổn
hển. Đêm thứ năm, bà ta rên rỉ. Đêm thứ sáu, bà ta hét lên sung sướng. Đến
thứ bảy, ông Raglan đi hội họp về, thì lúc đó coi như William đã hoàn toàn
những bài học của anh về môn ấy.
Đến cuối kỳ nghỉ lễ Phục sinh, thì Abby Blount coi như đã bị William
chinh phục. Thế là Matthew mất năm đôla, còn Abby thì mất trinh. Theo bà
Raglan nói thì đó chẳng qua là một hiện tượng không tránh khỏi. Trong suốt
kỳ nghỉ chỉ có mỗi chuyện đó xảy ra thôi, vì Abby đã đi theo bố mẹ về nghỉ ở
Palm Beach, còn William thì đóng cửa chúi đầu vào sách vở, chỉ thỉnh thoảng
mới gặp hai cụ bà và Alan Lloyd. Còn ít tuần nữa là đã thi tốt nghiệp. Ông
Raglan không đi họp hội nghị ở đâu nữa và William cũng không có hoạt động
nào khác được.
Trong những ngày cuối học kỳ, anh với Matthew ngồi yên trong phòng


học hàng giờ, không ai nói với nhau trừ phi Matthew có vài vấn đề về toán
không giải được. Cuối cùng, kỳ thi mong đợi từ lâu đã đến. Tất cả chỉ có một
tuần lễ mà họ gọi là “tàn bạo”. Thi xong rồi, cả hai anh chàng sốt ruột chỉ
muốn biết ngay kết quả. Nhưng rồi họ chờ hết ngày này sang ngày khác, mãi
chẳng thấy gì, đâm ra không còn tin ở chính mình nữa. Học bổng Hamilton
về toán để vào trường Harvard được cấp trên một cơ sở rất chặt chẽ, mà học
sinh ở toàn nước Mỹ đều có quyền được nhận học bổng ấy. William không
biết thế nào mà xét đoán được xem địch thủ của mình tài giỏi đến đâu. Thời
gian tiếp tục trôi qua mà không thấy nói gì, William bắt đầu nghĩ có lẽ mình
thất bại.
Hôm đó William đang ở ngoài bãi chơi đá cầu với những học sinh lớp
dưới, coi như giết nốt thì giờ của những ngày cuối cùng trước khi rời trường,
thì có một bức điện gửi đến. Những ngày cuối cùng ở trường này thường có
rất nhiều học sinh bị đuổi học hoặc vì say rượu, hoặc vì đập vỡ cửa kính,
thậm chí vì tìm cách ngủ với con gái hay vợ của các thầy giáo.
William đang khoe là anh sẽ thắng trong trận dã cầu này với mức chưa
từng có từ trước đến nay và mọi người đang cười đùa trước lời tuyên bố quá
đáng của anh thì người ta đưa vào tay cho anh bức điện. Anh quên hết ngay
mọi thứ, vứt bỏ cây gậy dã cầu xuống, và đưa tay xé chiếc phong bì nhỏ màu
vàng. Mọi người chung quanh hồi hộp chờ anh đọc bức điện.
Matthew bước đến nhìn nét mặt William xem đó là tin mừng hay tin buồn.
Nét mặt vẫn bình thường, William đưa bức điện cho Matthew xem. Vừa đọc
xong, Matthew đã nhảy cẫng lên, quẳng bức điện xuống đất rồi ôm lấy
William chạy vòng quanh sân. Một người khác bước đến nhặt bức điện lên
xem rồi chuyền tay nhau cho đến người cuối cùng xem bức điện lại chính là
người đã đem nó đến lúc nãy. Anh ta đã không được cảm ơn thì chớ, mà còn
là người cuối cùng được biết nội dung bức điện.
Đó là bức điện gửi cho William Lowell Kane. Trong đó viết:

tải về 2.37 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương