HÀ NỘI, 2015 BỘ giáo dục và ĐÀo tạo ngân hàng nhà NƯỚc việt nam


Dự báo các nhân tố ảnh hưởng hoạt động ngân hàng Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020



tải về 1.63 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.63 Mb.
#15427
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17

3.1. Dự báo các nhân tố ảnh hưởng hoạt động ngân hàng Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020

3.1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng luôn chịu tác động và ảnh hưởng của kinh tế giới. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đến nay, nền kinh tế thế giới hiện nay vẫn đang trên đà hồi phục một cách chậm chạp. Mặc dù tình trạng suy thoái kép không xảy ra, nhưng một số cuộc khủng hoảng liên tiếp ở quy mô quốc gia hay khu vực những năm qua đã khiến cho tình hình kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn và các nhân tố khó lường, thách thức mục tiêu phục hồi trở lại mức tăng trưởng như trước khủng hoảng còn khá xa.

Báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2015” do Liên Hợp Quốc công bố ngày 10/12/2014 dự đoán kinh tế thế giới năm 2015 và năm 2016 sẽ lần lượt tăng trưởng 3,1% và 3,3%, sau khi tính toán tăng khoảng 2,6% vào năm 2014.



Kinh tế Mỹ

Các dự báo đều phân tích nền kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế phát triển khác và xoay quanh mức 2,5-3,5% trong năm 2015. Kết quả dự báo này từ góc nhìn phân tích thị trường lao động được cải thiện, nhu cầu thị trường nội địa tăng lên, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình-lĩnh vực chiếm 70% GDP của Mỹ. FED đã chấm dứt các gói kích thích kinh tế QE. Các chuyên gia kinh tế dự đoán FED sẽ tăng lãi suất chính sách vào giữa năm 2015.



Kinh tế Trung Quốc

Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được xem là lực thúc đẩy quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hai năm tới 2015-2016 sẽ là 7% và 6,8%. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và dự báo đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay. Tăng trưởng chậm lại phù hợp với chiến lược của Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ đầu tư sang lấy tiêu dùng làm chủ đạo. Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế này là phù hợp với xu hướng phát triển chung trên thế giới.



Kinh tế Ấn Độ

Trong nền kinh tế Châu Á, Ấn Độ là một trong số ít nước được nâng dự báo tăng trưởng. Năm 2015 và trong thời gian tới, Ấn Độ và Indonesia có hy vọng gặt hái được một số lợi ích từ biện pháp cải cách tài chính, tiền tệ và cấu trúc mạnh mẽ được thực thi trong mấy năm gần đây cũng như lòng tin của nhà đầu tư đối với chính phủ mới. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm 2015 là 6,6%. Các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ có khả năng đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới.



Kinh tế Nhật Bản

Một nền kinh tế quan trọng trong khu vực Châu Á là Nhật Bản. Nền kinh tế nước này đã trải qua cuộc suy thoái lần thứ 4 trong vòng 6 năm qua, theo đó, nhiều chính sách kích thích kinh tế đã được thực hiện. Chính sách nới lỏng của NHTW Nhật (BOJ) và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ, cùng với giá năng lượng thấp là những yếu tố kích thích tăng trưởng kinh tế nước này. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn rất khó khăn và vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1%.



Như vậy, khu vực kinh tế Châu Á sẽ chịu ảnh hưởng toàn diện của cục diện kinh tế thế giới. Khu vực này được dự đoán tăng trưởng chỉ nhích hơn một chút so với năm 2014, từ 6% lên 6,2% trong năm 2015.

Khu vực đồng Euro (Eurozone)

Khu vực đồng Euro không thật lạc quan, nhiều nước vẫn đang bên bờ suy thoái kinh tế. Dự báo tăng trưởng cả khu vực này trong năm 2015 đạt 0,8%. Mặc dù các cuộc khủng hoảng của khu vực này đã được Ngân hàng Trung Ương Châu Âu kiểm soát tốt, nền kinh tế các nước cũng đã có biến chuyển nhưng còn chậm. Các nền kinh tế lớn như Pháp, Ý, Đức lại đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Pháp đã đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào nước Anh kể từ đầu năm 2015. Với sự tăng trưởng chậm 0,4% vào năm 2014, sang năm 2015, Pháp vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với khó khăn kinh tế do những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trong khu vực Eurozone. Cũng gặp những khó khăn tương tự, kinh tế Ý tăng trưởng 0,3% trong năm 2014 và dự đoán tăng trưởng khoảng 0,5% trong năm 2015. Đối với nước Đức, ngoài những khó khăn từ nguyên nhân khách quan cũng có những khó khăn từ nội tại nền kinh tế, gánh nặng từ chính sách phúc lợi và tác động của chính sách chuyển đổi năng lượng từ năm 2011 sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nước này. Dự báo tăng trưởng kinh tế Đức chỉ đạt 1% trong năm 2015.



Các nền kinh tế mới nổi khác

Mặc dù hầu hết các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2015 nhờ giá dầu giảm, thanh khoản toàn cầu tăng, và triển vọng tăng trưởng từ một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh... Các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, Mỹ Latin, Trung Đông, Bắc Phi, khu vực tiểu sa mạc Sahara sẽ có sự tăng tốc mạnh nhất trong nhóm này.

Tuy nhiên, giá hàng hóa cơ bản được dự đoán tiếp tục giảm, như giá dầu và một số nguyên liệu khác cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế một số nước, gây ra sự chuyển dịch thu nhập của các nước xuất khẩu các nguồn nguyên liệu và năng lượng này sang các nước nhập khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự tăng trưởng trái chiều của các nền kinh tế mới nổi này. Đối với các nước phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu và năng lượng, đây thực sự là một thách thức lớn.

Một số xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới 

Trong giai đoạn tới, nền kinh tế thế giới sẽ vẫn tiếp tục phát triển theo một số xu hướng chính như sau:



  • Hòa bình, hợp tác cùng phát triển:

An ninh chính trị ở một số nơi trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng xảy ra chiến tranh xung đột cục bộ, nhất là giữa nước lớn với nước nhỏ có chiều hướng gia tăng kéo theo xung đột chính trị - kinh tế, trừng phạt, cấm vận lan rộng. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Các quốc gia, các khu vực trên thế giới vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế thông qua một loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đẩy mạnh các hình thức đàm phán liên kết cũng cho thấy rõ nét xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới. Các vấn đề toàn cầu trở nên phức tạp hơn. Liên kết kinh tế và đẩy mạnh tự do hóa mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức đối với nền kinh tế các nước, đặc biệt là các nước kém phát triển.

  • Kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng nhưng còn chậm, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh lợi ích kinh tế - chính trị giữa các nước ngày càng gay gắt, bảo hộ ngày càng quyết liệt.

Báo cáo của Tổ chức Cảnh báo Thương mại toàn cầu lần thứ 12 công bố vào tháng 6/2013 cho biết, từ tháng 6/2012 đến tháng 5/2013 đã có 431 biện pháp bảo hộ mới đã được áp dụng và 183 biện pháp khác sắp được triển khai, đưa tổng số các biện pháp bảo hộ mới được áp dụng trên toàn cầu lên mức kỷ lục kể từ năm 2008. Trong số này, các biện pháp do các nước thuộc nhóm G20 áp dụng chiếm đến 65%. 

  • Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và kích cầu nội địa

Nới lỏng chính sách tiền tệ và kích cầu nội địa vẫn là xu hướng chính của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn tới. Các nước trên thế giới tiếp tục áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua hạ lãi suất và tăng cung tiền, đồng thời áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế. Các biện pháp này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ đối với sự phát triển kinh tế thế giới. Vì vậy, trong bối cảnh này, các nước cũng đã triển khai các biện pháp ổn định tài chính-tiền tệ, cũng như chú trọng hơn đến thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong tình hình thương mại toàn cầu đang gặp khó khăn (như khu vực Đông Á).

  • Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm phát triển kinh tế trên thế giới cùng sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Đông Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động trong những năm gần đây.

  • Khoa học, công nghệ phát triển nhanh, vượt bậc tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thế giới. Xu hướng ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực trên thế giới.

Xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng

Xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng thế giới trong những năm đầu thế kỷ 20 có thể tổng kết thành 4 xu hướng chủ đạo là:

- Phát triển hoạt động NHTM cung cấp các dịch vụ truyền thống. Việc phát triển cung cấp các dịch vụ truyền thống theo hướng xác định rõ định hướng phát triển đối với từng nhóm dịch vụ ngân hàng, trong đó tính liên kết giữa dịch vụ, kể cả giữa các dịch vụ ngân hàng và giữa dịch vụ ngân hàng với dịch vụ tài chính phi ngân hàng rất được chú trọng, nhằm tối ưu hóa năng lực cung ứng dịch vụ của các ngân hàng và tạo ra chuỗi dịch vụ tài chính hoàn chỉnh cho nền kinh tế.

- Phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư bao gồm các dịch vụ từ chứng khoán hóa tài sản, thực hiện các thương vụ mua lại, sáp nhập và cơ cấu lại công ty thông qua việc bao tiêu, bảo lãnh phát hành, sắp xếp CPH các công ty, chứng khoán hóa các khoản nợ.

- Phát triển mô hình ngân hàng đa năng. Ưu điểm lớn nhất của mô hình ngân hàng đầu tư là “khả năng bù trừ rủi ro” và “mở rộng cơ hội kinh doanh.” Một ngân hàng đầu tư có thể phân bổ chi phí vào nhiều đơn vị kinh doanh chiến lược và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn nhờ vào việc cung cấp một tập hợp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Việc đa dạng hoá các hoạt động tới lượt nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng lớn thường có xu hướng hoạt động như những ngân hàng đa năng, trong khi một số tổ chức nhỏ hơn lại tập trung vào việc phát triển thành những NHTM chuyên biệt hoặc ngân hàng đầu tư.

- Phát triển hoạt động ngân hàng xuyên biên giới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc bùng nổ hoạt động ngân hàng cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực này đã làm dấy lên nhu cầu tất yếu của việc phát triển hoạt động ngân hàng xuyên biên giới thông qua các hình thức như hợp tác, mua lại, sáp nhập và hiện diện thương mại.



Trước đây, các ngân hàng hoạt động theo mô hình toàn cầu, cố gắng đa dạng hóa sản phẩm cho tất cả các đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình ngân hàng hiện nay được phân loại thành 4 loại chính: các ngân hàng địa phương, các ngân hàng toàn cầu chuyên về một hoặc hai dịch vụ, các ngân hàng trong bóng tối và các ngân hàng toàn cầu cung cấp một loạt các dịch vụ bán lẻ và bán buôn[23]. Trong đó, hiện nay, có tới 30% hoạt động ngân hàng toàn cầu được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng trong bóng tối.

Ứng dụng công nghệ cao và phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiếp tục là các xu hướng phát triển chính của ngành tài chính-ngân hàng trên thế giới.

Ứng dụng công nghệ cao

Thanh toán không dùng tiền mặt gắn liền với hoạt động thương mại điện tử vẫn là xu hướng chủ đạo của hoạt động ngân hàng trên thế giới. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao là động lực chính thúc đẩy quá trình này.

Trong các dịch vụ ngân hàng hiện đại, mobile banking đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất. Theo một báo cáo mới của Juniper Research về dịch vụ ngân hàng trên di động, số lượng người dùng Mobile Banking toàn cầu sẽ vượt mốc 1 tỷ vào năm 2017, chiếm 15% tổng số thuê bao di động; năm 2019 sẽ có 1.75 tỉ người sở sử dụng thiết bị di động của mình cho các giao dịch ngân hàng, so với 800 triệu người hiện nay, chiếm 32% tổng dân số thế giới trong độ tuổi trưởng thành. Còn theo khảo sát của Edgar Dunn, công ty tư vấn về dịch vụ tài chính toàn cầu thì trong vòng 5 năm tới điện thoại di động được đánh giá là kênh thanh toán phát triển nhất tại các quốc gia. Đây là xu thế tất yếu đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Theo đó, chú trọng đến giá trị trải nghiệm và gia tăng tiện ích cho khách hàng là những đòi hỏi mạnh mẽ nhất.

Với vai trò quan trọng như vậy, công nghệ thông tin cũng có tác động nhất định đến lợi nhuận ròng của ngân hàng. Xét về mặt cơ hội, công nghệ thông tin giúp tăng 43-48% lãi ròng của ngân hàng nhưng cũng có thể kéo giảm 29-36% lợi nhuận khi xét ở khía cạnh thách thức.

Hiện các kênh phân phối truyền thống của ngân hàng là chi nhánh/phòng giao dịch, ATM/POS, phone banking, home banking và call center. Tuy nhiên, dưới tác động của công nghệ thông tin, kênh phân phối của ngân hàng sẽ chuyển dịch, phát triển mạnh trong tương lai là internet banking, mobile banking, tablet banking và social network/media.

Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Ngân hàng bán lẻ đang trở thành xu thế tiềm năng và tất yếu với việc tăng sử dụng công nghệ là di động và mạng xã hội. Các ngân hàng thế giới chịu tác động bởi 8 yếu tố chính bao gồm (1) Rủi ro, tính bất ổn tăng lên do áp lực tài khóa, bất ổn địa chính trị, (2) Môi trường pháp lý thay đổi theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn, (3) Công nghệ thay đổi nhanh chóng, (4) Thay đổi dân số học, (5) Thay đổi về xã hội và hành vi khách hàng, (6) Cạnh tranh ngày càng gay gắt với cả những đối thủ không phải là ngân hàng, (7) Hội nhập và liên kết, đặc biệt năm 2015-2016 sẽ càng sôi động, (8) Thị trường tài chính ngày càng phức tạp và tinh vi [24]

Xu thế trên thế giới, doanh số bán lẻ online tại Châu Á tăng trưởng từ 41 tỷ USD vào năm 2007 lên 149 tỷ USD vào năm 2012, trong đó doanh số bán lẻ online trên tổng doanh số bán hàng là 3.5%[24]

Tóm lại, trước những xu hướng phát triển đó, đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ bao gồm cải cách toàn diện khuôn khổ thể chế, tăng cường năng lực điều hành chính sách và giám sát hệ thống ngân hàng của NHTW, tăng cường năng lực hoạt động, năng lực tài chính và quản trị rủi ro của các NHTM, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng. Nhưng sự phát triển của các nhân tố trên chưa theo kịp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt là sự phát triển nóng của các công cụ, sản phẩm phái sinh mới đã vượt qua những tính toán thông thường và tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ khi không được quản lý chặt chẽ.

3.1.2. Bối cảnh trong nước


3.1.2.1.Tác động của việc gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới hệ thống ngân hàng Việt Nam

Hội nhập kinh tế quốc tế với từng tiến trình cụ thể đã đóng góp nhiều to lớn trong thành tựu phát triển kinh tế- xã hội nói chung và ngành ngân hàng nói riêng suốt những năm vừa qua. Quá trình tham gia hội nhập của Việt nam thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có việc Việt Nam tham gia ký kết và đàm phán các Hiệp định thương mại. Ngày 5/10/2015 Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết sau những ngày đàm phán căng thẳng. Việc quan tâm đến tiến trình TPP và những tác động của nó tới ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam đang là những vấn đề nóng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học quan tâm. Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các đơn vị tổ chức tháng 12/2015 đã làm rõ được cơ hội và thách thức đối với ngành ngân hàng Việt Nam khi tham gia TPP, cụ thể



Cơ hội cho ngân hàng Việt Nam

(i) Tiếp cận được với các luồng vốn đầu tư quốc tế

Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Theo đó, ngành Ngân hàng “có dịp” lặp lại giai đoạn phát triển thần kỳ như năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cường độ có thể thấp hơn.

Một trong những cơ hội lớn đối với các nước đang phát triển khi chính thức tham gia TPP đó là thu hút nhiều hơn vốn FDI từ các nước đối tác TPP (trong đó, có một số nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Singapore, Mỹ…). Tạo cơ hội cho các NHTM trong nước tiếp cận vốn quốc tế dễ dàng hơn, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại về quản ly và hoạt động ngân hàng khi các ngân hàng trong nước lựa chọn các ngân hàng nước ngoài danh tiếng làm đối tác chiến lược. Vì một trong các cam kết của Việt Nam khi tham gia TPP là cho phép các ngân hàng nước ngoài được đầu tư mua cổ phần của các ngân hàng trong nước. Sau khi bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài các NHTM có thể tận dụng ưu thế của họ về công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý. Mặt khác, việc tham gia TPP với những cam kết tự do hóa về mặt tài chính cũng tạo động lực cho các NHTM Việt Nam thực hiện cải tổ toàn diện về mặt tổ chức, năng lực tài chính, khả năng quản trị và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và cải thiện tính minh bạch trong hoạt động.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, các NHTM nước ngoài đến từ các khu vực tài chính phát triển làm phong phú các sản phẩm tài chính hiện đại, tạo kênh cung ứng vốn, kênh dịch vụ đa dạng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho TCTD trong nước tiếp cận thị trường tài chính quốc tế đã phát triển ở mức cao hơn. Chính vì vậy, các NHTM trong nước có cơ hội học tập và nâng cao trình độ quản trị và cung cấp dịch vụ, phát triển các loại hình và kỹ năng kinh doanh mới mà các ngân hàng trong nước chưa có hoặc có ít kinh nghiệm như: kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng thương mại quốc tế, dịch vụ ngân hàng điện tử, môi giới tiền tệ, quản lý rủi ro…



(ii) Đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Hiệp định TPP sẽ tạo triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tương lai;

Các NHTM có cơ hội phát triển các dịch vụ nằm trong chuỗi các giải pháp tài chính chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Sản phẩm là giải pháp tối ưu về nguồn vốn nhằm tài trợ thu mua nội địa, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các dịch vụ ngân hàng phù hợp và ưu đãi hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp. Với mục tiêu luôn “đồng hành cùng sự lớn mạnh không ngừng của doanh nghiệp”, các NHTM có cơ hội cung cấp giải pháp tài chính chuyên biệt đáp ứng kịp thời về vốn thu mua, nhập khẩu nguyên liệu và thanh toán các chi phí đầu vào với tài sản đảm bảo linh hoạt: tín chấp, hàng hóa, phương tiện vận tải hoặc quyền đòi nợ. Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa về vốn với tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 100% giá trị chứng từ đầu vào.

(iii) Nâng cao năng lực quản trị và tài chính

Lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung. Theo đó, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng – một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Hơn nữa, các NHTM VN có nhiều khả năng nới “room” thêm nữa cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa. Đây có thể là cơ sở để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam trong tương lai.



(iv) Được hưởng những tác động tích cực từ việc cải cách và thay đổi thể chế:

Hệ thống NHTM Việt Nam sẽ được hưởng những tác động tích cực từ việc cải cách và thay đổi thể chế nhằm tuân thủ những cam kết chung của TPP. Hiệp định TPP bao trùm cả những cam kết về những vấn đề như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển… Đây là những lợi ích lâu dài, xuyên suốt và đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.



(v) Tạo cơ hội và thúc đẩy các NHTM Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng:

Tham gia Hiệp định TPP, các NHTM Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của các nước thành viên tham gia một cách thuận lợi hơn và ít rào cản hơn. Đây sẽ là một động lực lớn thúc đẩy các NHTM Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Với việc gia nhập TPP, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có cơ hội mở rộng hoạt động ra khu vực và thế giới, đầu tư ra nước ngoài cũng tăng trưởng đáng kể, là cơ hội để các NHTM gia tăng doanh số vì họ sẽ trở thành các khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Vì vậy, các NHTM sẽ có nhiều điều kiện phát triển tốt các sản phẩm dịch vụ sang các thị trường lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam

(i) Áp lực cạnh tranh với các định chế tài chính lớn

Với sự tham gia ngày càng sâu rộng của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt các định chế tài chính đến từ Mỹ, Nhật Bản và Úc thì áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tăng lên. Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính và khả năng quản trị chuyên nghiệp sẽ gia tăng sức ép đối với khối ngân hàng trong nước. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các ngân hàng nước ngoài không những gây nhiều khó khăn cạnh tranh ở thị trường nước ngoài mà còn khiến các NHTM Việt Nam gặp nhiều bất lợi ở thị trường nội địa.

So với các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển trong khi WTO vẫn có chính sách ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển. Như vậy, rõ ràng đây là bất lợi lớn cho các NHTM Việt Nam nếu như không có đủ năng lực cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các ngân hàng nước ngoài.

(ii) Thế mạnh về chiến lược “bán lẻ” của các NHTM nước ngoài:

Chiến lược “bán lẻ” của các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên sâu.. có thể khiến ngân hàng nội địa mất dần các phân khúc thị trường quan trọng, và là vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam cần đặc biệt quan tâm và giải quyết.

Các NHTM nước ngoài phát triển dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ ngân hàng bán lẻ và kết nối hệ thống thanh toán thẻ; phát triển dịch vụ thanh toán, cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu qua Internet, triển khai dịch vụ kiều hối… Các tập đoàn thẻ tín dụng quốc tế như Master Card, Visa, American Express… mở rộng đại lý phát hành và thanh toán thẻ. Nhiều công ty chuyển tiền, đặc biệt là Western Union của Mỹ cũng mở rộng đại lý chi trả kiều hối và chuyển tiền với mạng lưới hàng nghìn chi nhánh của các NHTM trên toàn lãnh thổ các nước thành viên TPP.

Với thị trường đầy tiềm năng của các nước đang phát triển thì các ngân hàng nước ngoài đã sớm có kế hoạch chiếm lĩnh và khai thác thị trường. Tham gia vào thị trường các nước đang phát triển không có nghĩa chỉ là thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài mà mục tiêu hướng đến bằng nhiều cách khác nhau để bước chân vào thị trường, trong đó hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều muốn chiếm lĩnh thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ - một lĩnh vực đầy tiềm năng mà các ngân hàng trong nước chưa khai thác hết.



(iii) Sức ép bị chi phối và thâu tóm

Việc mở “room” tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng sức ép bị thâu tóm và chi phối cũng tăng cao. Viễn cảnh các doanh nghiệm niêm yết trong lĩnh vực sản xuất – thương mại đã từng bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối, thao túng có thể lặp lại đối với lĩnh vực ngân hàng. Và điều này càng có thể xảy ra khi vẫn chưa đưa ra được bài toán giải quyết rõ ràng cho vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng Việt Nam.



3.1.2.2. Những nhân tố vĩ mô trong nước khác tác động tới xu thế phát triển của ngân hàng

Kinh tế đang trong nhịp tăng trưởng

Theo nhận định và đánh giá của các tổ chức quốc tế như IMF, WB và các tổ chức trong nước, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2020 có chiều hướng cải thiện trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được coi là ưu tiên hàng đầu và những nỗ lực của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc thúc đẩy tín dụng, xử lý nợ xấu, miễn giảm giãn thuế. Nhờ những nỗ lực điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến ổn định hơn.GDP năm 20014 tăng 5.98% cao hơn cùng kỳ 5.42% năm 2013, CPI được kiểm soát tốt, tăng 1.84% thấp hơn so với mục tiêu và năm 2013 (6.04%). Cán cân thương mại năm 2014 thặng dư 2 tỷ USD mức cao nhất từ trước đến nay. Thị trường tài chính- tiền tệ ổn định, lãi suất cho vay và huy động có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định góp phần tích cực trong việc kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hanh cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, với kết quả đóViệt Nam đã được nâng hạn tín nhiệm tạo điều kiện cho Việt Nam phát hành thành công trái phiếu quốc tế của Chính phủ tháng 11/2014 (Moody nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức B2 lên B1; FCSLPMTch Ratings nâng tín nhiệm nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn cho Việt Nam từ mức B+ lên BB-)

Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra từ 6% - 6.2%, và dự báo mức tăng GDP từ nay đến năm 2020 chỉ đạt trên dưới 6%. Đây có thể coi là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, các cân đối lớn của kinh tế chưa thực sự vững chắc, đặc biệt là phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư . Trong khi đó năng suất lao động thấp, chất lượng đầu tư chưa cao, đặc biệt là hiệu quả sử dụng vốn của khu vực kinh tế Nhà nước. Những yếu tố này sẽ gây sức ép về vốn lên nền kinh tế thông qua việc gia tăng gánh nặng nợ nần từ bên ngoài của ngân sách Nhà nước (NSNN) thông qua hệ thống trung gian tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng; thị trường chứng khoán, trái phiếu vẫn còn kém phát triển làm hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Sức ép này tác động đến các cân đối vĩ mô, làm gia tăng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, rủi ro trong hoạt động cho vay của các TCTD… Vì vậy, nó sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự ổn định của khu vực ngân hàng. Trước thực trạng đó, gánh nặng lên CSTT trong thời gian tới sẽ gia tăng khi dư địa cho chính sách tài khóa hiện nay rất eo hẹp do áp lực chi ngân sách vẫn tăng trong điều kiện tăng thu là khó khăn, đi kèm với hàng loạt các vấn đề về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và sức ép về ổn định thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát trong điều kiện nhiều biến động của thị trường thế giới là những thách thức đối với điều hành CSTT của Việt Nam.



Lạm phát đã được duy trì ở mức thấp nhưng chưa thực sự bền vững

Như phân tích ở chương 2, giai đoạn 2005-2011 bình quân lạm phát là 12.04% nhưng từ năm 2012 đến nay lạm phát đã được kiểm soát ở mức hợp lý với bình quân khoảng 5.08% giai đoạn 2012-2014. Việc duy trì lạm phát ở mức thấp ổn định trong các năm gần đây kéo theo xu hướng cải thiện rõ ràng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: lãi suất hạ thấp, thanh khoản tốt lên, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, lạm phát thấp lại đi liền với tình trạng “không được khỏe” của nền kinh tế, với hai bằng chứng rõ ràng là sức cầu thị trường giảm và số doanh nghiệp đóng cửa tăng. Lạm phát thấp nhưng không đi liền với cam kết của NHTW để duy trì thì khả năng lạm phát cao có thể quay trở lại cũng dễ xảy ra. Như vậy, trong dài hạn, lạm phát có khả năng gia tăng và sẽ chủ yếu từ các nhân tố chi phí đẩy. Do vậy, việc thúc đẩy tín dụng nhanh trong khi năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa tương ứng có thể để lại hệ lụy đối với lạm phát. Giá các mặt hàng thiết yếu được kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh tăng cũng tác động đáng kể đến lạm phát.



Tỷ giá có xu hướng ổn định

Diễn biến kinh tế vĩ mô thuận lợi (lạm phát được kiềm chế khá tốt, thặng dư cán cân vốn đủ bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại) giúp nguồn cung ngoại tệ được cải thiện. Tỷ giá USD/VND chính thức luôn duy trì xu hướng ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhiều, đến nay đã đạt mức kỷ lục là 35 tỷ USD trong năm 2013, góp phần nâng vị thế của Việt Nam trong thị trường tài chính quốc tế trong thời gian tới. Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới sẽ giúp trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng được cải thiện (trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh từ mức -5,99% vào cuối năm 2009 lên mức 2,11% năm 2013, trạng thái trường), đồng thời giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.



Tính thanh khoản của các NHTM tuy được cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững

Kể từ năm 2012 đến nay tính thanh khoản của các NHTM nhìn chung đã được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên việc tỷ trọng huy động vốn ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao ở đa số các NHTM (khoảng 70%/ tổng huy động vốn đối với VNĐ và khoảng 85%/ tổng huy động vốn đối với USD) và tỷ lệ tín dụng/huy động vốn ở một số NHTM cũng cao đồng thời dự phòng thanh khoản không được chuẩn bị kỹ là những nguy cơ tiềm anarn rủi ro về thanh khoản và mất cân đối kỳ hạn.



Thâm hụt ngân sách và tình hình nợ công có xu hướng gia tăng tạo sức ép lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô và khu vực ngân hàng

Tốc độ tăng thâm hụt ngân sách những năm gần đây là một vấn đề đáng quan tâm. Trên thực tế diễn biến vay trong nước và nước ngoài trong thời gian qua cho thấy, nguồn vốn bù đắp cho thâm hụt ngân sách phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn trong nước, thông qua kênh phát hành trái phiếu. Điều này cũng sẽ tác động nhất định đến lượng tiền lưu thông và mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế. Thêm vào đó, thâm hụt ngân sách ở mức cao sẽ dẫn đến tình trạng nợ công tăng, gây nhiều áp lực gián tiếp lên khu vực ngân hàng, đặc biệt là về tỷ giá và dự trữ ngoại hối. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số dư nợ công tính năm 2012 là 55,7%, 2013 ước khoảng 56,7% GDP. Như vậy, nếu đem so sánh với tỷ lệ phổ biến 30% – 40% ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác thì đây là một con số cao hơn hẳn. Đây cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.



Tự do hóa tài chính và mở cửa thị trường tài chính

Trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ ngày nay, thì việc tự do hóa tài chính trong nước (cơ chế điều hành tiền tệ, lãi suất, tỷ giá,...) luôn gắn liền với tự do hóa thương mại và tài chính quốc tế (tự do hóa các giao dịch vãng lai, nới lỏng kiểm soát giao dịch vốn, mở cửa thị trường tài chính trong nước, cho phép các định chế trong nước tiếp cận nguồn vốn quốc tế). Cuộc cải cách khu vực tài chính sẽ thúc đẩy sự linh hoạt hơn về lãi suất, tỷ giá, nâng cao vai trò của thị trường trong việc phân bổ tín dụng và ngoại hối, tăng cường tính tự chủ cho các NHTM, phát triển các thị trường tiền tệ, chứng khoán và ngoại hối, đồng thời tăng quy mô các luồng vốn qua biên giới. Theo đó, sẽ xuất hiện sự bất ổn trong các hệ thống tài chính và kinh tế. Điều này đòi hỏi quá trình tự do hóa tài chính phải diễn ra từng bước theo đúng lộ trình phù hợp cùng với sự cải cách toàn bộ hệ thống tài chính trong nước cho phù hợp với tiến trình tự do hóa.

Trước sức ép về tự do hóa hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có những cải cách toàn diện từ mặt cơ chế chính sách điều hành cho đến năng lực hoạt động của các thành viên tham gia. Mức độ tự do hóa ngân hàng càng toàn diện thì mức độ cải cách càng sâu rộng. Điều này sẽ quyết định đến việc lựa chọn xu thế phát triển của hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng được những yêu cầu cải cách đặt ra.


Каталог: upload -> 4989
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
4989 -> Số: 1648/QĐ-hvnh-sđH

tải về 1.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương