DƯƠng thị NỤ MỞ ĐẦU



tải về 2.34 Mb.
trang18/19
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích2.34 Mb.
#36770
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

Mạng internet hay gọi tắt là Net còn có tên gọi khác là xa lộ thông tin, xuất hiện từ đầu năm 1970 tại Mỹ. Internet phát triển rất nhanh, và ngày nay có thể coi nó là một mạng toàn cầu, kết nối toàn bộ thế giới. Chúng ta có thể nói rằng có internet chúng ta có thể tiếp cận mọi thứ trong tầm tay. Internet là kho thông tin vô tận, là cuốn bách khoa tri thức nhân loại và cũng là một công cụ đa năng của loài người. Internet là một bước đột phá trong lĩnh vực truyền thông, xóa bỏ mọi khoảng cách về không gian và thời gian. Trong lĩnh vực dạy và học tiếng Anh, internet có thể đem lại rất nhiều ứng dụng. Khi dạy kĩ năng đọc TACN Công nghệ thông tin giáo viên có thể tổ chức các hoạt động có sử dụng internet như sau:


  • Đọc và giới thiệu về sản phẩm trên thị trường

Đối với sinh viên chuyên ngành CNTT thuộc trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, giáo trình TACN được sử dụng bao gồm nhiều đơn vị bài học thuộc nhiều chủ để khác nhau. Tuy nhiên có thể thấy rằng phần lớn các chủ đề này liên quan đến phần cứng tức là các bộ phận cấu thành hệ thống máy tính như bo mạch chủ, thiết bị ra, thiết bị vào, thiết bị lưu trữ. Trên thực tế đây chính là sản phẩm, là các loại mặt hàng các công ty máy tính cung cấp cho thị trường. Đáng chú ý là hầu hết các công ty này đều có trang web riêng giới thiệu sản phẩm của công ty mình và để có thể trao đổi mua bán trực tuyến. Có rất nhiều trang web như vậy: http://phucanh.com; http://trananh.com; v.v... Trong mỗi trang Web này ngoài phần giới thiệu công ty, các hoạt động của công ty còn có phần quan trọng giới thiệu về tất cả các sản phẩm mà công ty có bán bao gồm ảnh minh họa, cấu hình, thông số kĩ thuật, giá cá và phần người tiêu dùng nhận xét, xếp hạng (product review). Hiện nay, ngoài những trang web của các công ty cũng có các trang web của các tạp chí CNTT trực tuyến mà tiêu biểu là http://pcworld.com; http://ibm.com; http://hp.com cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích trong đó có phần giới thiệu các sản phẩm và mục nhận xét, xếp hạng sản phẩm. Những trang tạp chí điện tử này đều viết bằng tiếng Anh nên giáo viên có thể sử dụng để phát triển kĩ năng đọc cho sinh viên. Hoạt động này đòi hỏi sinh viên chuẩn bị tại nhà và báo cáo trên lớp. Trước khi học một chủ đề về một sản phẩm nào đó ví dụ như máy in, giáo viên yêu cầu sinh viên về nhà truy cập các trang web, tìm đọc về các loại máy in, trọng tâm là phần Product Review. Khi đến giờ học trên lớp, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên trình bày cá nhân hoặc theo cặp, theo nhóm về các loại máy in, các ưu điểm và nhược điểm cũng như xếp hạng (mấy sao) do người tiêu dùng bình chọn. Như vậy hoạt động này vừa giúp sinh viên phát triển kĩ năng đọc thông qua việc đọc hiểu tại nhà mà còn giúp sinh viên phát triển kĩ năng nói qua việc trình bày, thảo luận trên lớp. Hoạt động này có thể được thực hiện vào đầu giờ học cũng có thể được thực hiện vào giai đoạn Post- reading.


  • Tìm kiếm thông tin theo chủ đề để chia sẻ với cả lớp

Các đơn vị bài học trong giáo trình TACN đều được trình bày theo chủ đề rất cụ thể. Mỗi bài học sẽ tập trung giới thiệu cho sinh viên về một chủ đề và giúp sinh viên phát triển cả 4 kĩ năng ngôn ngữ. Vì thế để nghiên cứu sâu về chủ đề và cũng để giúp sinh viên nâng cao kĩ năng đọc hiểu thì giáo viên nên tạo điều kiện để sinh viên tự học theo nhóm theo phương châm dạy “lấy người học làm trung tâm”. Tùy theo số lượng sinh viên trong lớp và số chủ đề trong giáo trình, giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ, có thể gồm 4-5 sinh viên một nhóm. Sau đó giáo viên cho các nhóm lựa chọn mỗi nhóm một chủ đề; Việc phân nhóm và chọn chủ đề phải thực hiện ngay từ tuần học đầu tiên cùng việc hướng dẫn sinh viên những bước tiến hành cụ thể. Mỗi nhóm phải sử dụng công cụ tìm kiếm như Google hay Altavista, Yahoo ... để tìm một bài viết có độ dài khoảng 1 trang A4 về chủ đề đã chọn. Sau đó sinh viên phải đọc bài viết, tra cứu từ mới và đánh dấu các cụm từ, các cách diễn đạt hay để làm thành phần từ mới (Glossary). Tiếp đến sinh viên phải tự thiết kế 3 bài tập đọc hiểu: một bài trả lời câu hỏi, một bài tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa và một bài True/False (đúng/sai). Khi đến buổi học về chủ đề của nhóm nào thì nhóm đó phát cho cả lớp phần tài liệu bao gồm bài viết, glossary, bài tập. Các nhóm khác sẽ làm bài tập, nhóm chuẩn bị sẽ chữa bài cho cả lớp. Hoạt động này có thể tiến hành trong một tiết học. Để đảm bảo chất lượng các bài tập, giáo viên yêu cầu các nhóm chuẩn bị và nộp lại để giáo viên kiểm tra nội dung trước và sửa chữa những chỗ còn sai sót ít nhất là một tuần trước khi thực hiện. Thông qua việc tìm kiếm bài viết, đọc và xây dựng bài tập, sinh viên có thể nâng cao kĩ năng đọc rất nhanh. Đồng thời việc chia sẻ trên lớp học sẽ giúp tất cả các thành viên trong lớp có cơ hội phát triển kĩ năng và tiếp cận với nguồn tài liệu phong phú.

  • Giao các bài tập dịch theo nhóm

Thực tế cho thấy một trong những mục tiêu mà việc dạy TACN cần đạt được là sinh viên có thể dịch được tài liệu chuyên ngành từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để dịch chính xác tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt? Rõ ràng là chỉ khi người dịch hiểu sâu sắc văn bản tiếng Anh thì mới có thể dịch sang tiếng Việt chính xác. Kĩ năng đọc vì thế có liên quan chặt chẽ, là cơ sở cho kĩ năng dịch. Hoạt động dịch bài tập theo nhóm là một hoạt động kiểu dự án rất có ý nghĩa đối với việc nâng cao kĩ năng đọc. Hoạt động này được thực hiện ở nhà với tư cách là một hoạt động tự học.

Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 4-5 sinh viên. Mỗi nhóm sẽ phải tìm kiếm thông tin trên mạng internet với các công cụ tìm kiếm như Google, Altavista, Yahoo ... và lựa chọn 5 bài viết về 5 chủ đề trong số các chủ đề trong giáo trình. Mỗi bài viết có độ dài khoàng 500-600 từ. Sau đó các nhóm dịch các bài viết này sang tiếng Việt. Cuối bài dịch sinh viên phải có mục Glossary ghi lại những thuật ngữ mới gặp trong bài và các cách diễn đạt hay. Các hướng dẫn của giáo viên về yêu cầu và cách thức tiến hành được thực hiện từ tuần đầu kì học. Các nhóm thực hiện và đến tuần thứ 8 phải hoàn thành. Sau đó các nhóm trao đổi phần sản phẩm của mình để tự chữa cho nhóm bạn. Sản phẩm có thể trao đổi giữa các nhóm qua thư điện tử hoặc dưới dạng bản cứng. Sau đó các nhóm chỉnh sửa theo góp ý, nhận xét của nhóm bạn. Tuần thứ 10, các nhóm nộp lại sản phẩm đã chỉnh sửa của mình cho giáo viên. Giáo viên sẽ chữa bài cho các nhóm và sau đó gửi lại cho cả lớp thông qua hòm thư điện tử chung của cả lớp để các sinh viên trong lớp đều được xem sản phẩm đã được sửa chữa của tất cả các nhóm trong lớp. Qua đó sinh viên có một nguồn tham khảo phong phú, phục vụ rất tốt cho việc tự học. Hoạt động này có rất nhiều ưu điểm như:

- Phát huy tinh thần đồng đội trong cộng tác hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Phát triển kĩ năng đọc hiểu tài liệu, đặc biệt là cấu trúc câu;

- Nâng cao vốn từ vựng chuyên ngành;

- Giúp sinh viên tự học và học từ bạn mình.



Tuy nhiên để thực hiện tốt hoạt động này đòi hỏi sinh viên và giáo viên phải dành nhiều thời gian và tâm trí. Việc chữa bài dịch cho tất cả các nhóm thực sự là một việc đau đầu và tốn thời gian, nhất là những lớp có số lượng sinh viên lớn.

  • Đọc các ấn phẩm trực tuyến

Từ khi internet ra đời, chúng ta có một nguồn thông tin vô cùng phong phú. Internet giống như một thư viện khổng lồ nhưng ưu việt hơn tất cả các thư viện trên thế giới ở một điểm: bất cứ ai cũng có thể truy cập được và có thể truy cập từ bất cứ đâu và tại bất cứ thời điểm nào. Nguồn thông tin trên internet tổng hợp từ rất nhiều nguồn, thật đa dạng và luôn cập nhật. Chính vì thế giáo viên nên tận dụng thư viện điện tử này để khuyến khích sinh viên tự học, tự luyện tập nâng cao kĩ năng đọc TACN. Giáo viên nên tìm kiếm các trang web, các tạp chí trực tuyến, các trang tin newsletter ... và lập thành một danh sách cung cấp cho sinh viên. Ngoài việc tự sưu tầm các địa chỉ, giáo viên có thể làm phiếu điều tra tập hợp các địa chỉ hay của tất cả các sinh viên trong lớp. Sau đó giáo viên giới thiệu cho sinh viên khuyến khích sinh viên đăng kí làm thành viên hoặc đơn giản chỉ truy cập và đọc thông tin. Trang tạp chí phổ biến nhất là http://pcworld.com, và trang dạy và học tiếng Anh CNTT rất bổ ích như http://teach-ict.com. Với các trang tạp chí giáo viên có thể giới thiệu để sinh viên tự đọc để phát triển kĩ năng ngôn ngữ, cũng có thể yêu cầu sinh viên đọc và thực hiện các hoạt động dịch, biên soạn bài tập như đã trình bày ở trên. Còn với các trang dạy-học tiếng Anh CNTT, giáo viên giới thiệu để sinh viên tự học tại nhà hay cũng có thể chỉ định những phần nhất định yêu cầu sinh viên phải hoàn thành và báo cáo với giáo viên hàng tuần.

  • Sử dụng thư điện tử

Nếu như trước khi có thư điện tử, để gửi và nhận một lá thư từ một người bạn ở tỉnh khác cũng phải mất ít nhất hai ngày thì sự xuất hiện của internet giúp chúng ta gửi và nhận thư chỉ trong vài giây, ngay cả khi người nhận và người gửi ở cách nhau nửa vòng trái đất. Với thư điện tử, khoảng cách không còn là trở ngại và sự liên lạc giữa mọi người sẽ thật nhanh chóng. Trong dạy và học TACN Công nghệ thông tin, thư điện tử có thể được sử dụng để liên lạc giữa giáo viên và sinh viên hay giữa sinh viên với nhau nhưng phải thực hiện theo qui định “Chỉ được sử dụng tiếng Anh, không được dùng tiếng Việt”. Cả lớp lập một hòm thư chung dành cho môn học tiếng Anh và các thành viên phải thường xuyên kiểm tra thư (check mail). Việc trao đổi chuyên môn qua thư bằng tỉếng Anh sẽ đòi hỏi sinh viên phải đọc hiểu được nội dung thư mới có thể hồi đáp và giao tiếp được. Thông qua các trao đổi này sinh viên còn học hỏi được những cách diễn đạt hay của giáo viên và cũng học được nhiều từ các sinh viên khác.

* Cầu nối giữa giáo viên và sinh viên


- Giáo viên gửi cho sinh viên những qui định của khóa học, những nội dung về giáo trình, lịch trình hay tiêu chí đánh giá, yêu cầu chung của kì học.

- Giáo viên gửi các thông báo cho các buổi học tiếp theo trong quá trình dạy.

- Giáo viên cung cấp các chỉ dẫn về cách thực hiện một số nhiệm vụ giao cho sinh viên.

- Giáo viên nhận bài tập, bài chuẩn bị sinh viên gửi để nhận xét, chữa cho sinh viên và gửi lại để sinh viên hoàn thiện lại, ví dụ các bài tập viết, bài tập dịch, bài tập thuyết trình.

- Sinh viên có thể gửi những câu hỏi, những thắc mắc về bài học hay thậm chí có thể gửi tâm sự, băn khoăn cá nhân để giáo viên giúp đỡ. Những điều này rõ ràng không thể thực hiện được tại lớp học, một phần vì khuôn khổ thời gian trên lớp không cho phép. Thông qua hoạt động như vậy có thể tăng cường mối quan hệ thầy trò, v.v...

* Kênh trao đổi giữa các sinh viên trong lớp


- Gửi và nhận bài tập nhóm như bài tập dịch, thuyết trình mà không cần gặp mặt. Như vậy sinh viên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian dành để học tập.

- Trao đổi các sản phẩm như bài tập dịch, bài tập viết, bài tập đọc hiểu ... để các nhóm góp ý và sửa chữa cho các nhóm khác. Trong giáo học pháp gọi hình thức này là “sinh viên chia lợi lẫn nhau” (Peer Correction) rất hiệu quả.


  • Khuyến khích sinh viên tham gia các nhóm tin hay các diễn đàn

Các nhóm tin chính là mạng các thảo luận qua mạng gửi dưới dạng các tin nhắn và các tin nhắn được sắp xếp theo tiêu đề. Việc sắp xếp này giúp chúng ta dễ dàng lựa chọn chủ đề quan tâm, đọc ý kíến của mọi người về chủ đề đó và đưa ra ý kiến hay câu hỏi của cá nhân mình. Tất cả các tin này được lưu trữ lâu dài trên mạng internet và tất cả mọi người có thể đọc và chia sẻ. Để đọc Newsgroup chúng ta phải có:

* Newsreader: Đây là chương trình phần mềm chạy trên máy tính giúp người sử dụng đăng kí vào Newsgroup. Các chương trình Newsreader cá nhân tốt nhất là Newswatcher cho những người dùng máy tính Mac và Free Agent hay Gravity cho những người dùng máy tính thông thường. Nhiều trình duyệt web hiện có sẵn newsreader nên thường không cần phải tìm một chương trình ứng dụng riêng.

* News server: Là một chương trình chạy trên máy tính khác để gửi các tin qua internet tới máy tính của chúng ta khi chúng ta muốn đọc chúng. Chúng ta cần biết tên của News server để gõ vào khi cài đặt newsreader. Thường thì nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ cho chúng ta biết. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể chỉ cần click vào biểu tượng Read News hay thư mục News Server trong chương trình e-mail để đưa ra danh sách nhóm tin mà nhà cung cấp dịch vụ internet cho phép truy cập.

Bước đầu tiên cần làm là xem có những nhóm tin nào sẵn có trong news server của mình. Chúng được sắp sếp theo phạm trù và có phần miêu tả chi tiết từng nhóm tin cụ thể trong tile.net. Người sử dụng đăng kí vào nhóm tin bằng cách click chuột vào tên nhóm tin rồi click vào Subscribe. Khi người sử dụng có một danh sách các nhóm tin, người sử dụng lựa chọn nhóm tin yêu thích; để đọc các tin người sử dụng phải đánh dấu và click vào download để tải về.



Để có thể phát triển được kĩ năng đọc TACN đòi hỏi sinh viên phải đăng kí vào các nhóm tin có chủ đề về chuyên ngành CNTT và nhóm tin trao đổi bằng tiếng Anh. Việc tham gia diễn đàn cũng tương tự, đòi hỏi sinh viên phải lựa chọn và đăng kí vào các diễn đàn phù hợp.

  • Sử dụng Blogs và Feed Readers

Blog là một khái niệm hiện đã rất quen thuộc với giới trẻ yêu thích mạng internet. Blog chính là trang ghi nhật kí cá nhân của một người, nơi họ có thể bày tỏ những suy nghĩ, những tâm sự cá nhân và chia sẻ với bạn bè qua mạng Internet. Điểm khác biệt giữa một cuốn nhật kí cá nhân viết tay và Blog chính là ở tính “kết nối”. Tạm gọi như vậy bởi rõ ràng khi viết Blog, một người viết blog có thể chia sẻ tâm sự, quan điểm ... với rất nhiểu người khác nhau, trong đó có cả những người là những người bạn thân quen nhưng cũng có thể là những người chưa quen biết. Như vậy thông tin qua Blog có thể truyền rất nhanh và rất xa; và cũng không thể phủ nhận được rằng nó rất phong phú. Một đặc điểm quan trọng của Blog chính là người sử dụng blog có thể sử dụng Feed Reader để truy cập vào một nguồn thông tin. Khi đăng kí sử dụng Feed Reader với những chủ đề yêu thích, người sử dụng blog sẽ thường xuyên nhận được những hàng tít của các bài báo về chủ đề đó ngay khi chúng được đăng tải lên. Như vậy người sử dụng có thể đọc những thông tin mình quan tâm một cách nhanh nhất. Thay vì phải dành nhiều thời gian tìm kiếm nguồn thông tin đó, người sử dụng chỉ cần mở Blog và click chuột vào tiêu đề bài báo muốn đọc trong khoảng một vài giây. Giáo viên tiếng Anh có thể đăng kí Feed vào http://esl.about.com bằng cách sử dụng địa chỉ http://z.about. com/6/g/esl/b/index.xml.

Giáo viên dạy TACN Công nghệ thông tin có thể khai thác đặc điểm này để phát triển kĩ năng đọc cho sinh viên. Sinh viên có thể đăng kí với chủ đề các sản phẩm công nghệ thông tin, các xu hướng phát triển CNTT ..., và bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Thực tế cho thấy hiện nay sinh viên nói chung và sinh viên công nghệ nói riêng rất thích viết blog và đọc blog; blog đã trở thành một xu hướng trong giới trẻ. Vì thế chắc chắn sinh viên sẽ thấy hứng thú khi giáo viên yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ liên quan đến blog. Thông qua Feed Reader, sinh viên sẽ có thể tiếp cận nhanh chóng và có chọn lọc với những bài báo chuyên ngành. Đa số các sinh viên có thói quen đọc và viết blog mỗi ngày, vì thế họ cũng sẽ có thể tạo được thói quen đọc các bài báo chuyên ngành được gửi tới qua Feed Reader hàng ngày. Với những sinh viên có tính tự giác và khả năng tự học cao thì giáo viên không cần đưa yêu cầu gì thêm mà sinh viên hoàn toàn có thể tự nâng cao kĩ năng đọc hiểu của mình qua việc đọc các bài báo, tra cứu từ mới, học những cách diễn đạt hay để hiếu sâu văn bản. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động này, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên kể lại nội dung chính của một bài báo mà họ thấy bổ ích nhất cho cả lớp nghe. Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức thảo luận theo nhóm trong khoảng 15 phút đầu giờ học để sinh viên chia sẻ, bàn luận về những nội dung mình đã đọc. Bằng cách đó giáo viên có thể khuyến khích sinh viên tích cực đọc ở nhà hơn và đọc sâu hơn.



  • Giáo viên sử dụng Internet để phát triển tư liệu dạy học

Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của internet như một thư viện điện tử khổng lồ chứa đựng một khối lượng đồ sộ thông tin, tri thức của nhân loại. Chúng ta có thể tìm kiếm thông tin thuộc mọi lĩnh vực, và luôn có thông tin cập nhật nhất. Đối với việc dạy học tiếng Anh CNTT có một lợi thế ở chỗ thông tin về CNTT rất nhiều trên internet. Hiện nay có rất nhiều các trang cung cấp thông tin về chuyên ngành CNTT, ví dụ như các trang web tiếng Anh: http://wikipedia.com; http://pcworld.com; http://teach-ict.com; http://howstuffworks.com, http://compusa.com, v.v...

Giáo viên có thể truy cập các trang web như vậy để đọc và trau



dồi vốn kiến thức chuyên ngành cho mình, đồng thời cũng tìm được rất nhiều các dạng bài tập, các trò chơi, các tranh ảnh minh họa ... để sử dụng cho giờ dạy đọc chuyên ngành tiếng Anh CNTT của mình. Ngoài ra, giáo viên cũng sử dụng sự sáng tạo của mình để xây dựng các bài tập phát triển kĩ năng đọc cho sinh viên từ các bài báo điện tử trên các trang web đó, làm phong phú thêm tư liệu dạy học, cung cấp cho sinh viên nhiều học liệu và tài liệu tham khảo hơn. Nói chung internet là một công cụ tuyệt vời giúp giáo viên tiếng Anh chuyên ngành CNTT cũng như các giáo viên khác phát triển nguồn tư liệu dạy học của mình.

  • Sử dụng các phần mềm thiết kế bài tập ngôn ngữ như Hot Potatoes

Như đã bàn đến ở phần trên, phần mềm Hot Potatoes là một phần mềm dùng để tạo ra các dạng bài tập tương tác để các sinh viên luyện tập trực tuyến dưới hình thức giao tiếp sinh viên - máy tính. Phần mềm này gồm 5 chương trình ứng dụng: Jcloze, Jcross, Jmatch, Jmix và Jquiz và cũng có một ứng dụng thứ 6 nữa là The Masher mà tổng hợp tất cả các bài tập Hot Potatoes thành một đơn vị. Có thể hình dung Hot potatoes là một khung chương trình để giáo viên cung cấp nội dung ngôn ngữ để tạo thành một series các bài tập phát triển kĩ năng đọc. Giáo viên có thể soạn rất nhiều các dạng bài tập khác nhau như câu hỏi nhiều lựa chọn (Multiple choice), câu trả lời ngắn, ô chữ, sắp xếp trật tự từ, điền từ còn thiếu, kết hợp các yếu tố ở cột A với yếu tố ở cột B ... Ngoài việc cung cấp nội dung ngôn ngữ dưới dạng văn bản, giáo viên khi soạn bài với Hot Potatoes cũng có thể chèn thêm hình ảnh và âm thanh. Điểm hấp dẫn của các bài tập trên Hot Potatoes này chính là tính tương tác. Ví dụ khi làm bài tập Multiple choice (trả lời câu hỏi nhiều lựa chọn), sinh viên chọn câu trả lời là A trong khi đáp án đúng là C thì trên màn hình sẽ xuất hiện dòng thông báo như “What a pity! It’s not the correct answer. Please try again” (Thật tiếc. Đó chưa phải là câu trả lời đúng. Xin hãy thử lại). Khi đó sinh viên lại tiếp tục lựa chọn đáp án khác cho đến khi chọn đúng sẽ thấy xuất hiện trên màn hình máy tính một lời động viên như “Congratulation! It’s the correct answer” (Xin chúc mừng. Đó là câu trả lời đúng) hay “Well-done. Congratulation!” (Thật xuất sắc. Xin chúc mừng). Rõ ràng sự tương tác này đem lại cho sinh viên cảm giác họ đang thi đua, tranh tài cùng một người thực chứ không phải đang làm việc với một vật vô tri vô giác và họ sẽ say mê làm hơn. Điểm thú vị nữa của phần mềm này chính là khả năng tính được phần trăm các câu trả lời đúng khi tính điểm. Ví dụ như khi sinh viên trả lời đúng ngay ở lựa chọn đầu tiên, máy tính sẽ tính 100% số điểm, nếu sinh viên đúng ở lần lựa chọn thứ hai thì số điểm sẽ bị trừ đi một phần nhất định. Đây chính là yếu tố kích thích tính cạnh tranh, thi đua của sinh viên. Với những bài tập như thế này, giáo viên có thể cho sinh viên thực hành ngay trên lớp cũng có thể cung cấp để sinh viên tự luyện tại nhà.

Để sử dụng được phần mềm này để xây dựng các bài tập luyện kĩ năng đọc đòi hỏi giáo viên phải có những kiến thức về CNTT, đặc biệt là biết sử dụng phần mềm Front Page, ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML, tạo hyperlink.

Ngoài Hot Potatoes hiện nay còn có rất nhiều các chương trình học tiếng Anh khác có tính tương tác tương tự như Gapmaster (các bài luyện điền vào chỗ trống), Matchmaster (các bài tập kết hợp các cặp câu/cặp từ), Choicemaster (các bài tập lựa chọn các đáp án), Testmaster (luyện dưới dạng các bài kiểm tra), Textmixer (bài tập sắp xếp trình tự các đoạn văn trong bài), Wordstore và Vocabulary Games (các bài và trò chơi về từ vựng). Đây thực sự là một nguồn học liệu tuyệt vời và hấp dẫn đối với sinh viên chuyên ngành CNTT mà giáo viên nên khai thác, sử dụng.

Trên đây là một số ứng dụng của máy tính và CNTT trong giảng dạy, phát triển kĩ năng đọc cho sinh viên chuyên ngành CNTT. Do hạn chế về thời gian nghiên cứu, nguồn tài liệu cũng như kinh nghiệm của bản thân các giáo viên, tác giả thấy rằng những ứng dụng trên còn chưa thật đầy đủ. Thực tế chúng ta còn có thể ứng dụng CNTT trong dạy đọc TACN Công nghệ thông tin theo rất nhiều cách khác nữa. Tiêu biểu như hình thức học trực tuyến hay tổ chức các lớp học từ xa mà đã phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới.




tải về 2.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương