Cynthia kersey



tải về 0.61 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#31500
1   2   3   4   5   6   7   8

Mary Joan Willard

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Có một người giúp bạn làm được tất cả những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình bằng cách mà bạn sẽ không bao giờ tự mình làm được. Mẹ tôi, Ruby Lloyd Wilson, là một trong những người như thế.

Cha tôi mất khi tôi mới chín tháng tuổi, và mệ tôi trở thành góa phụ, một mình nuôi con từ năm mười tám tuổi. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn nhưng tình thương mẹ dành cho tôi thật vô bờ bến. Mỗi đêm, bà đều ôm tôi vào lòng và nói những lời về sau này làm thay đổi cả cuộc đời tôi: “Kemmons, con sinh ra để làm những điều vĩ đại, con có thể thành công trong bất kỳ công việc nào nếu như con làm việc chăm chỉ để có điều mình muốn”.

Năm mười bốn tuổi, tôi bị tai nạn xe hơi và các bác sĩ nói rằng tôi sẽ không bao giờ bước đi được nữa. Mẹ tôi xin tạm nghỉ việc ở nhà máy sản xuất thịt hộp và vào ở trong bệnh viện để chăm sóc tôi. Mỗi ngày, bà đều trò chuyện với tôi bằng một giọng nói nhẹ nhàng, đầy tình thương, khẳng định với tôi rằng bất chấp những điều bác sĩ nói, tôi vẫn có thể đi lại được nếu như tôi thật sự mong muốn điều đó. Bà đã thắp lên trong tôi nghị lực và niềm tin nơi chính bản thân mình. Một năm sau, tôi trở lại trường học – trên chính đôi chân của mình.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, mẹ tôi cũng mất việc như hàng triệu người khác. Năm đó tôi mười bảy tuổi và bất chấp sự phản kháng của mẹ, tôi nghỉ học đi làm để lo cho cuộc sống của hai mẹ con. Tôi xác định sứ mạng của đời mình là phải thành công cho cả phần của mẹ và tôi thề rằng sẽ không bao giờ sống lại kiếp nghèo nữa.

Trong những năm sau đó, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh. Nhưng khúc quanh lớn nhất trong đời tôi xảy ra khi tôi đưa vợ và năm đứa con đi nghỉ hè năm 1951. Tôi bực mình vì chỗ ở trong khu nghỉ mát này quá kém và càng tức giận hơn với việc họ tính phụ phí 2 đôla cho mỗi đứa trẻ. Số tiền này đối với nhiều gia đình là quá lớn. Tôi tự nhủ phải làm gì để cho nhiều người có điều kiện cho con cái đi nghỉ hè. Tôi bàn với vợ phương án mở nhà trọ bình dân và không tính phụ phí khi có trẻ em đi kèm. Tôi muốn tạo dựng một thương hiệu để mọi người có thể tin tưởng vào đó. Tôi nghĩ có thể phải xây khoảng 400 nhà trọ như thế trên toàn quốc, mỗi cái cách nhau khoảng 150 dặm đường. Rất nhiều người hoài nghi dự án này vì cho đến lúc đó, chưa có ai dám đưa ra một điều gì tương tự như thế.

Không có gì ngạc nhiên khi mẹ là người ủng hộ tôi nhiệt tình nhất và là người đầu tiên tham gia vào dự án. Bà trực tiếp đứng quầy tiếp tân và tham gia thiết kế phần trang trí cho một căn nhà đầu tiên. Thời gian đầu, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Nhưng những lời mẹ dạy thời thơ ấu vẫn in sâu trong tim và tôi vào thành công của mình. Mười lăm năm sau, chúng tôi sở hữu một hệ thống khách sạn lớn nhất thế giới, trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành kinh doanh này.

Có thể bạn không có được những điều kiện thuận lợi khi khởi đầu cuộc sống, nhưng nếu bạn xác định được sứ mệnh xứng đáng cho bạn cống hiến và tin vào khả năng của mình thì không gì có thể ngăn được bạn vươn đến thành công.



Kemmons Wilson

Kemmons Willson là người sáng lập khách sạn Holiday Inn đầu tiên năm 1951 và đưa nó trở thành một hệ thống khách sạn lớn nhất thế giới. Khi ông về hưu năm 1979, công ty có 1.759 khách sạn tại hơn 50 quốc gia với doanh thu hàng năm lên đến 1 tỉ đôla.

NGƯỜI XÂY CẦU

Một người già đi trên đường cô độc

Vào buổi chiều lạnh lẽo thê lương

Đến một vực sâu mênh mông thăm thẳm

Với con sông buồn thảm chảy quanh.

Người băng ngang trong ánh chiều nhập nhoạng

Dòng sông cuồn cuộn chẳng làm ông sờn lòng

Nhưng khi đã đến bờ kia an toàn

Ông quay lại xây cầu băng ngang con sóng dữ.

Một người đi gần đó hỏi: “Bạn ơi,

Anh chỉ phí thời gian vô ích

Chuyến đi của anh đã xong rồi

Có bao giờ còn quay lại nơi đây lần nữa

Đã băng qua vực thẳm an toàn

Sao còn phải xây cầu làm chi nữa?”

Người thợ xây ngẩng mái đầu bạc trắng:

Bạn ơi, trên con đường tôi đã đi qua



Theo chân tôi là một người bạn trẻ

Chàng trai này rồi sẽ phải qua đây

Dòng sông này chẳng làm tôi sợ hãi

Nhưng sẽ là cạm bẫy vùi thây chàng trai đó

Anh ta sẽ qua đây trong buổi chiều nhập nhoạng

Tôi xây cầu là để dành cho anh ta đấy chứ!”

Will Allen Dromgoole

Thất bại trong cuộc đời chính là công cụ giúp tôi học hỏi. Tôi đã sử dụng chúng như những bàn đạp và không để chúng làm mình nản lòng. Thất bại chỉ có mặt khi bạn ngừng phấn đấu còn tôi chẳng bao giờ ngừng phấn đấu cả.



Tom Monaghan

PHẦN II, SỰ ĐAM MÊ TẠO NGUỒN NĂNG LƯỢNG VÔ HẠN

Khi mục đích tạo nên tinh thần, nó cũng đồng thời tạo ra ngọn lửa vĩnh cửu trong tim những con người mang tinh thần không lùi bước. Ngọn lửa đó là sự đam mê và nó được thể hiện rõ ràng ở những con người bạn sẽ gặp trong chương này.

Nếu gặp họ, bạn sẽ thấy niềm đam mê trong ánh mắt, nghe được sự đam mê đó trong giọng nói và cảm nhận được nó qua gương mặt của họ. Sự đam mê đem đến cho họ nguồn năng lượng vô hạn, tạo cho họ lực đẩy để vượt qua khó khăn, thử thách và mang đến niềm vui khi thiếu vắng sự tưởng thưởng nội tâm.

Bạn có niềm đam mê đó trong cuộc sống không? Con đường sự nghiệp bạn đang theo đuổi có mang đến cho bạn nguồn sinh khí và nhiệt tình vô tận không?

Sống có mục đích và theo đuổi những ước mơ phù hợp với năng lực và ý thích của mình, bạn sẽ dễ dàng tạo ra được sự đam mê không gì ngăn cản nổi. Và khi đó, không có trở ngại nào trên đời làm cho bạn chùn bước.



CÂU CHUYỆN THỨ SÁU

VƯƠN LÊN TỪ ĐỐNG TRO TÀN

Francisco Bucio không muốn gì hơn trên cuộc đời này ngoài việc trở thành bác sĩ phẫu thuật.

Ở tuổi hai mươi bảy, Francisco ngày càng tiến bước gần hơn đến ước mơ cháy bỏng của mình. Tài năng giúp anh có được một chỗ làm tại viện giải phẩu thẩm mỹ trong Bện viện Đa khoa ở thành phố Mexico, và chỉ trong vài năm tới, anh có thể mở phòng mạch riêng. Ngày 19 tháng 9 năm 1985, thế giới dường như sụp đổ xuống chân anh.

Một trận động đất, thuộc loại lớn nhất trong lịch sử, đo được 8,1 độ Richter, đã làm thiệt mạng 4.200 công dân Mỹ, nhưng ngoài mất mát về nhân mạng nó đã gây ra một thứ thiệt hại không thể đo lường được – đó là thiệt hại về ước mơ của con người.

Khi trận động đất xảy ra, Francisco đang ở trong phòng mạch trên tầng thứ năm của bệnh viện. Khi trận động đất chấm dứt, anh rơi xuống tầng trệt, bị chôn vùi dưới hàng tấn bê tông. Trong bóng tối ken đặc ở xung quanh, anh nghe thấy tiếng hấp hối của người bạn và nhận ra rằng bàn tay phải của mình – bàn tay dùng để giải phẩu – đang bị đè dưới một thanh đà thép khổng lồ. Bất chấp đau đớn, anh dùng hết sức để kéo bàn tay ra nhưng không được. Anh bắt đầu hoảng hốt vì bản thân là bác sĩ, anh biết rằng nếu máu không tuần hoàn, bàn tay sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Nhiều giờ trôi qua, Francisco chập chờn trong cơn đau nửa tỉnh nửa mê, càng lúc càng yếu dần đi. Ở bên ngoài, gia đình anh một lần nữa thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá của mình. Cha anh và sáu người anh em khác của anh cùng với vô số những người tình nguyện khác điên cuồng đào bới trong đống gạch vụn bằng tất cả các loại cuốc xẻng có được. Họ không phút giây nào để mất đi niềm hy vọng. Bốn ngày sau, họ đào đến chỗ Francisco.

Các bác sĩ trong đội cứu hộ nhanh chóng đến nơi và sau khi hội ý, họ quyết định cắt bỏ bàn tay của Francisco để cứu anh nhưng gia đình anh từ chối vì họ biết ước mơ lớn nhất của đời anh là được trở thành bác sĩ giải phẩu. Đội cứu hộ phải làm việc cật lực thêm ba giờ nữa để dùng cần trục nâng thanh đà thép đang đè lên bàn tay Francisco ra và đưa anh vào bệnh viện. Nhiều tháng sau đó, trong khi thủ đô Mexico phải ngày đêm chiến đấu để xây lại thành phố đổ nát thì Francisco cũng chiến đấu từng giờ để giành lại giấc mơ của mình.

Bước đầu là một cuộc giải phẩu kéo dài mười tám tiếng để cứu lấy bàn tay cho Francisco. Nhưng theo giời gian, hy vọng của Francisco càng lúc càng lụi tàn dần. Những đầu dây thần kinh trên các ngón tay không thể phục hồi được và sau ba tuần các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ đi bốn ngón tay, chỉ còn lại ngón cái trên bàn tay phải.

Không nản lòng, Francisco đặt ra một quyết tâm sắt đá cho tương lai phía trước. Mục tiêu của anh bây giờ là cứu lấy những gì còn lại của bàn tay phải. Trong mấy tháng sau đó, anh phải chịu thêm năm lần giải phẩu nữa nhưng bàn tay của anh vẫn không hoạt động. Không có bàn tay phải, ước mơ làm bác sĩ giải phẩu của Francisco tan tành theo mây khói. Anh dò hỏi khắp nơi mong tìm kiếm được một phép màu.

Và cuộc tìm kiếm đã đưa anh đến San Francisco và gặp được bác sĩ Harry Buncke, Trưởng khoa Vi phẫu của bệnh viện trung tâm Davices. Bác sĩ Buncke là người đi tiên phong trong việc cấy ghép ngón chân để thay cho những ngón tay bị mất. Francisco nhận ra rằng bác sĩ Buncke là hy vọng cuối cùng của anh và anh đã tự hứa với mình rằng: Nếu bác sĩ Buncke có thể giải phẩu cấy ghép thành công cho anh, anh sẽ cố gắng để làm được phần việc còn lại.

Trong cuộc giải phẩu khó khăn và kéo dài tiếp đó, bác sĩ Buncke đã thay ngón tay đeo nhẫn và ngón út của Francisco bằng hai ngón chân. Nhờ vậy, anh có thể làm được những động tác đơn giản như cài nút áo và cầm các món đồ lên bằng ngón cái và hai “ngón tay” mới.

Khi đã hồi phục hoàn toàn sau cuộc giải phẩu phức tạp đó, Francisco dốc toàn lực cho một đợt chữa trị tập trung và luyện tập miệt mài. Anh bỏ ra nhiều giờ liền chỉ để tập nhặt các quân cờ và xếp chúng vào đúng chỗ trên bàn cờ, và dùng hàng xấp giấy trắng để tập ký tên cho đến khi anh có thể ký được tên mình đẹp như khi chưa bị thương tật. Bác sĩ Buncke đảm bảo với anh rằng: “Bàn tay con người có khả năng tự hồi phục theo nhu cầu. Nếu nhu cầu đủ mạnh thì các kỹ năng sẽ phục hồi theo”.

Sau vài tháng tập luyện cật lực, Francisco trở lại thành phố Mexico để phụ giúp một số việc lặt vặt trong bệnh viện và tiếp tục nỗ lực luyện tập như một vận động viên Olympic muốn giành huy chương vàng. Anh đi bơi để cho cánh tay quen làm việc, tăng cường sức mạnh cơ bắp và tập tháo rồi cột hàng trăm loại nút thắt khác nhau, tập cài kim vào quần áo, bẻ thức ăn thành từng mảnh nhỏ và xoay tròn những quả bóng kim loại giữa các ngón tay.

Thời gian đầu sau khi giải phẩu, Francisco không làm được dù là những việc nhỏ và đơn giản nhất nhưng giờ đây anh có thể làm được nhiều việc tỉ mỉ một cách rất chính xác. Anh cũng luyện tập bàn tay trái, cố gắng để trở thành người thuận cả hai tay.

Và đến một ngày anh phải đối mặt với bài kiểm tra quan trọng nhất. Có một bác sĩ nội trú lâu nay quan sát Francisco tập luyện và chứng kiến những thành công của anh – từ việc làm những chuyện đơn giản như lau chùi và băng bó vết thương cho đến khi anh thực hiện được những ca giải phẩu đơn giản như xóa nốt ruồi. Vị bác sĩ này đã quyết định nhờ anh đứng phụ giúp cho một ca mổ gãy sống mũi.

Ca mổ này rất phức tạp và Francisco nghĩ rằng chắc là anh chỉ đứng để phụ đưa dụng cụ mà thôi nhưng khi chuẩn bị lấy phần sụn từ xương sườn người này để thay cho sống mũi, vị bác sĩ quay sang Francisco và nói: “Anh tháo sụn đi”.

Francisco hoàn toàn bất ngờ. Đây là giây phút quyết định. Anh biết rõ rằng nếu thất bại, anh sẽ vĩnh viễn không còn được cầm dao mổ nữa, sẽ không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, nhưng nếu thành công anh sẽ có cơ hội để trở lại nghề bác sĩ giải phẫu.

Thu hết can đảm vào đôi tay tật nguyền, anh đặt nhát dao đầu tiên. Công việc này một bác sĩ bình thường có thể làm trong mười phút nhưng Francisco phải mất đến hơn một giờ, nhưng đó làm một giờ chiến thắng.

Sau này, khi kể lại ca mổ hôm đó, anh nói: “Công việc đó đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự khéo léo nên khi hoàn thành, tôi biết rằng từ nay mình có thể làm được bất cứ điều gì”.

Hiện nay, Francisco Bucio là một bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ có uy tín ở hai bệnh viện tại Tijuana và đã thực hiện thành công nhiều loại giải phẩu khác nhau. Anh cũng là người luôn tình nguyện tham gia vào những đợt khám bệnh cho người nghèo, chỉnh sửa hàm lệch cho trẻ em và giải phẩu thẩm mỹ cho những nạn nhân bị bỏng.

“Bản thân mình đã trải qua sáu cuộc giải phẫu nên tôi biết rõ sự đau đớn của bệnh nhân. Tôi hiểu rõ cảm giác sợ hãi khi bước lên bàn mổ”, anh nói.

Một vài người đã trìu mến gọi anh là “vị bác sĩ giải phẫu bằng chân”. Francisco không lấy làm phiền về chuyện đó. Anh chỉ cười và nói: “Bàn tay tôi không đẹp, nhưng nó làm được việc. Đó là một phép màu giúp tôi làm được công việc mà tôi yêu thích nhất và để tôi trao tặng lại phép màu đó cho những người bất hạnh khác”.

Tất cả chúng ta đều gặp phải một trở ngại nào đó trong cuộc sống, nhưng nếu bạn vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt tình cháy sáng trong tim, bạn có thể sẽ giữ vững bước chân để tiến gần hơn đến ước mơ của mình”.



Bác sĩ Francisco Bucio

CÂU CHUYỆN THỨ BẢY

ĐẰNG SAU MỖI GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG LÀ MỘT KỊCH BẢN PHIM HOLLYWOOD

Ngay từ ban đầu ai cũng nghĩ là Stephen J. Cannell sẽ chẳng thể làm được điều gì lớn lao trong tương lai. Từ những ngày đầu cắp sách đến trường, Stephen đã phải chiến đấu vất vả để tập đọc trong khi bạn bè cùng trang lứa có thể học những kỹ năng cao hơn. Để không phải vướng bận về tình trạng của ông, nhà trường đã chọn giải pháp cho ông nghỉ học – một đặc quyền mà các trường tư thường làm vào những năm 50. Họ đuổi học ông ở năm lớp một, độ tuổi quan trọng khi trẻ con bắt đầu hình thành ý thức về giá trị và năng lực của bản thân. Đến năm lớp bốn, họ đánh rớt ông. Sau đó Stephen vào học ở trường trẻ em đặc biệt. Ở đây người ta cho rằng ông đọc kém là do mắt yếu, bất chấp kết quả đo thị lực của ông là 20/20, họ vẫn bắt ông phải tập những bài tập nâng cao thị lực một giờ mỗi ngày.

Tình hình cũng chẳng sáng sủa gì hơn khi ông vào học ở một trường trung học tư danh tiếng ở Connecticut. Ông ở lại lớp mười và một lần nữa bị đuổi học. Stephen chuyển sang ngôi trường khác học lại lớp mười và sau cùng cũng tốt nghiệp được trung học với thứ hạng chót lớp.

Nhiều năm sau những thất bại này, ở tuổi ba mươi lăm, Stephen mới khám phá ra ông bị mắc chứng khó đọc – một bệnh lý liên quan đến khả năng học tập nhưng hoàn toàn không liên quan đến trí thông minh. Ngày nay, người ta có thể nhận biết bệnh lý này từ rất sớm và có thể chữa trị được khi phát hiện. Thế nhưng vào thời Stephen, đứa trẻ mắc bệnh khó đọc bị xem là “chậm tiến” và “tối dạ”. Trước Stephen rất lâu, có ba đứa trẻ khác cũng mắc chứng khó đọc và hẳn cũng phải chịu nhiều uất ức tương tự, đó là Albert Einstein, Thomas Edison và Hans Christian Andersen.

Nhiều người cho rằng những thất bại trong học tập có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và làm lụi tắt mọi tham vọng của Stephen nếu ông không có những nguồn động viên khác: sự thành công trong lĩnh vực bóng đá và điền kinh, một người cha luôn tin tưởng và ủng hộ ông (chính cha ông cũng gặp trở ngại trong học vấn và về sau mới biết là cả hai cha con cùng mắc chung một chứng bệnh) và một trí tưởng tượng phong phú tỉ lệ nghịch với điểm số nghèo nàn của ông trong trường học.

Stephen có một trí tưởng tượng thật đặc biệt và phi thường. Trong khi những học sinh khác vùi đầu vào bài giảng và kiếm tìm điểm số thì Stephen suốt ngày ngồi nhìn ra cửa sổ thả hồn phiêu du khắp nơi. Cha ông thường gọi ông là “thằng kể chuyện” vì ông luôn sáng tác ra nhiều câu chuyện kỳ thú để giúp vui cho bọn trẻ trong khu phố. Khả năng đọc và ghi nhớ của Stephen rất kém nhưng bù lại, trí tưởng tượng của ông rất nhanh nhạy và mạnh mẽ.

Năm 1961, nhờ một suất học bổng của liên đoàn bóng bầu dục mà ông được vào học ở trường đại học Oregon nhưng sau đó ông bị mất học bổng vì thành tích học tập kém cỏi. Trong thời gian ở đại học, ông gặp Ralph Salisbury, một giáo sư dạy văn có óc sáng tạo và khả năng khuyến khích học sinh. Giáo sư Salisbury đã giúp Stephen có cơ hội chuyển tải những câu chuyện tưởng tượng của mình lên mặt giấy, nhờ đó Stephen đã quyết định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Quả là một sự lựa chọn thú vị đối với một người đã nhiều lần bị đánh rớt trong môn ngôn ngữ: “Vì nghĩ mình là một đứa trẻ đần độn nên tôi không dám mơ ước trở thành người sáng tác văn chương. Tôi viết chỉ để mua vui cho chính mình và nhờ vậy thấy dễ dàng hơn nhiều do không bị áp lực nào cả”.

Sau khi tốt nghiệp đại học một cách chật vật, Stephen cảm thấy do dự khi phải tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình là thiết kế và trang trí nội thất vì ông không hề có hứng thú với công việc này. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, ông lại dành khoảng một giờ ngồi vào máy đánh chữ và sáng tác, sau tăng lên hai giờ. Không lâu sau, Stephen dành ra mỗi đêm bốn tiếng để sáng tác truyện ngắn, kịch bản phim, kịch bản truyền hình và các thể loại khác từ trí tưởng tượng sinh động và phong phú của mình.

Ông nói: “Trước đây trong thâm tâm, tôi cứ nghĩ mình không phải là một người thông minh nhưng rồi tôi tự nhủ: có sao đâu. Bây giờ thì tôi không nghĩ về điều đó nữa”. Stephen đã tìm được cho mình một công việc mà ông thực sự yêu thích. Và nơi đâu có sự đam mê thì nơi đó có ý chí, có quyết tâm và có sự thành công. Nghiệp viết văn của Stephen bắt đầu khởi sắc vào năm 1966 khi ông bán được một kịch bản truyền hình mang tên Adam 12. Kể từ đó, ông đã sáng tạo hoặc đồng sáng tạo nhiều chương trình hơn bất kỳ một ai khác trong lịch sử truyền hình, kể cả những chương trình truyền hình lớn, thu hút một lượng đông đảo khán giả như The Rockford Files, Baretta, The A-Team, Hunter, Riptide, Wiseguy và The Commish. Stephen cũng trở thành nhà sản xuất độc lập lớn nhất của các chương trình truyền hình chính và đã nhiều lần được nhận giải Emmy. Về sau, ông thành lập phòng quay phim của riêng mình và nhanh chóng vượt qua mức doanh thu một tỉ đô la. Hiện nay ông đang hoàn tất quyển tiểu thuyết thứ ba cùng với một số chương trình đã phát sóng và đang hoàn thành.

Stephen vẫn còn nhớ về sự bối rối của mình khi nghe người bình luận về chương trình đầu tiên của ông nhận xét là “một thiên tài sáng chói bắt đầu xuất hiện”. Chưa bao giờ ông nghĩ mình là một thiên tài. Tuy nhiên, ông may mắn có được một người cha hiểu được ông, động viên ông và một người mẹ luôn khuyến khích ông theo đuổi sự đam mê và thực hiện ước mơ của mình. Stephen xem cha như một người bạn, người cố vấn tinh thần tốt nhất cho mình. Trong phòng làm việc của ông luôn treo một tấm hình của cha ông.

Stephen J. Cannell không những đã chiến thắng được chứng bệnh khó đọc mà còn biến nó thành một lợi thế cho mình. Rất nhiều nhân vật trong các sáng tác của ông là người bị ruồng bỏ, những người không bình thường như ông. Ông cảm thấy rằng sự thất vọng của những năm đầu đời đã giúp ông có được một sự quả cảm và một động lực để “thúc đẩy” công việc kinh doanh. Điều quan trọng hơn hết, thế giới tưởng tượng mà ông đã tạo ra để làm nơi trú ẩn cho mình khi còn trẻ đã trở thành một thế giới bao la phong phú để từ đó ông có thể khai thác vô vàn ý tưởng cho các kịch bản truyền hình và tiểu thuyết.

Niềm đam mê của Stephen trong việc chia sẻ ý tưởng và những câu chuyện mới lạ đến thế giới đã biến một học sinh kém cỏi nhất lớp trở thành một trong những con người thành công nhất trong ngành công nghiệp truyền hình.

CÂU CHUYỆN THỨ TÁM

NGƯỜI THIẾT KẾ MẪU GIÀY THỂ THAO CHO PHỤ NỮ

Tại sao không mang lại cho nó sức sống mới – là câu mà Sheri Poe thường hay tự hỏi mình khi cô cùng với bạn bè bước ra khỏi lớp học thể dục, lưng đau nhức và chân phồng rộp lên vì giày không thích hợp. Sheri thử làm một cuộc nghiên cứu và thấy rằng giày thể thao nữ chỉ là phiên bản thu nhỏ của giày nam giới, mặc dù bàn chân phụ nữ có hình dạng hoàn toàn khác.

Cô và chồng mình là Martin Birrittella, lâu nay vẫn cố tìm một ngành kinh doanh thích hợp để khởi nghiệp, và lần này họ nghĩ tại sao không lập nên một công ty sản xuất giày thể thao cho phụ nữ.

Những người xung quanh sẵn sàng đưa ra hàng ngàn lý do để giải thích với Sheri và Martin tại sao không nên làm việc này. Thứ nhất, họ không có vốn và cũng chẳng có kinh nghiệm gì trong ngành này. Các chuyên gia thì cho rằng chỉ có họa là điên mới dám thách thức Nike và Reebok, những đại gia đang thống trị thị trường giày thể thao. Ngoài ra, cả Sheri và Martin đều không có bằng đại học. Chuyện học hành của Sheri dang dở sau khi cô bị xâm hại tình dục ở năm thứ nhất đại học. Sự kiện đau buồn đó kéo theo chứng cuồng ăn vô độ, bệnh viêm gan và các bệnh tật khác làm cuộc đời Sheri trở nên u buồn. Quyết tâm luyện tập thể dục để lấy lại vóc dáng đã giúp cô hàn gắn vết thương lòng. Sau khi vượt qua được trở ngại lớn nhất là hồi phục lại tinh thần sau vụ xâm hại ô nhục đó, Sheri quyết tâm đối đầu với thử thách mới là thiết kế mẫu giày thể thao phù hợp cho bàn chân phụ nữ.

Thứ nhất, cô tự mình tìm hiểu mọi chuyện. Đóng vai một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cô bỏ ra nhiều tháng trời phỏng vấn hàng trăm khách hàng và nhân viên cửa hàng giày dép chỉ để tìm hiểu và khẳng định rằng nhu cầu về giày thể thao cho phụ nữ là có thật và rất khả quan.

Để có tiền khởi nghiệp, hai vợ chồng tạm cầm cố ngôi nhà nhỏ của họ và vay mượn thêm của bạn bè, gia đình và bất cứ người nào chia sẻ nhiệt tình với dự án của họ. Sau đó, họ tìm đến những tổ chức đầu tư rủi ro để thảo luận về những khoản vay lớn hơn.

“Phản ứng của họ thật giống như nhau,” Sheri nhớ lại. “Họ nói rằng chúng tôi hẳn là điên mới nghĩ rằng có thể chen chân vào thị trường này khi không hề có kinh nghiệm gì, và không tin chúng tôi có thể tạo dựng được thương hiệu trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt ấy. Họ đề nghị chúng tôi bán ý tưởng này cho Nike hoặc Reebok và quên ý định tự kinh doanh đi. Chúng tôi muốn sản xuất giày thể thao phụ nữ vì biết rằng nhu cầu này rất lớn và chưa có người đáp ứng. Tôi luôn mơ đến ngày được nhìn thấy sản phẩm của mình dưới chân các huấn luyện viên thể dục, bày bán trong các cửa hàng, siêu thị và có quầy trưng bày trong một cuộc triển lãm lớn bên cạnh Nike và Reebok. Viễn cảnh đó đối với tôi đẹp đến nỗi tôi bỏ ngoài tai bất cứ lời can ngăn nào”.

Mặc dù quyết tâm cao, nhưng thực tế hoàn toàn không dễ dàng. Ước mơ của họ đòi hỏi phải có một khoản đầu tư tài chính khổng lồ, và những công ty đầu tư rủi ro đề nghị rằng cách tốt nhất để huy động được khoản tiền này là đưa công ty ra thị trường chứng khoán. Sau vài tháng, Sheri và Martin tìm được một chủ ngân hàng chịu đầu tư. Ông này cảm thấy thích thú với ý tưởng “giày của phụ nữ làm cho phụ nữ”. Ông cho họ vay 250.000 đôla và viết một lá thư nêu rõ ý định sẽ đưa công ty này lên thị trường chứng khoán vào mùa xuân năm 1988. Vợ chồng Sheri cuối cùng cũng có được số vốn cần thiết lúc ban đầu.

Thời gian là yếu tố sống còn, nhưng thời gian dường như cũng chống lại họ. Ngay khi chuẩn bị để niêm yết cổ phiếu thì thị trường chứng khoán gặp khủng hoảng. “Tôi rất sợ hãi và lo lắng”, Sheri nhớ lại, “Làm sao chúng tôi có thể bán được cổ phiếu khi thị trường đang biến động như thế?” Họ hồi hộp chờ đợi cú điện thoại đòi tiền của chủ ngân hàng nhưng trái với điều họ lo sợ, hôm sau ông ta gọi đến và nói rằng vẫn rất quan tâm đến công ty của họ, ông đề nghị họ nên tiếp tục kế hoạch niêm yết cổ phiếu của công ty như đã định.

Năm tháng sau, cổ phiếu của Ryka được bán ra thị trường. Đợt đấu giá này đã mang về 4 triệu đôla, mặc dù Ryka chưa bán được chiếc giày nào. Tương lai có vẻ sáng sủa. Niềm đam mê và sự nhiệt tình cháy bỏng của Sheri và Martin đã giúp họ vượt qua được trở lực lớn. Trong nhiều tháng sau đó, họ sẽ còn cần đến sự nhiệt tình này.

Đôi giày đầu tiên sản xuất theo đơn đặt hàng được giao trến, Sheri vui mừng xỏ chân vào. Tim cô chùng xuống. Đây không phải đôi giày mà họ đã thiết kế. Nhà sản xuất đã dùng nhầm mẫu giày và chỉ đơn giản là thu nhỏ kích cỡ giày nam giới lại. Ý tưởng kinh doanh trọng tâm của công ty vì thế đã không còn. Tai hại hơn là hàng ngàn đôi giày như thế đã được chuyển đến các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Sheri buộc phải nhanh chóng hành động. Cô liên hệ với các đại lý lớn giải thích cho họ về sai sót này. Họ đồng ý gửi trả lại giày, Sheri cho thu hồi toàn bộ và đặt làm lại đợt hàng mới theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra lúc ban đầu.

Tuy hoạt động trở lại nhưng Ryka đã bỏ qua hết mùa bán hàng. Thời gian bị mất này là một điều vô cùng tai hại đối với họ. Sheri nghĩ phải tìm cách để cho mọi người chú ý đến sản phẩm của mình – và phải làm càng nhanh càng tốt. Với nguồn tài chính có hạn, cô lập ra kế hoạch quảng cáo đặc biệt, nhằm vào các huấn luyện viên thể dục – những người sẽ trở thành quảng cáo sống cho sản phẩm của mình. Cô bán giày cho họ với giá thật rẻ, sau đó nhờ họ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sau khi dùng thử giày của cô, họ nhận ra ngay sự khác biệt, họ khuyến cáo học viên sử dụng sản phẩm của Ryka, từ đó sản phẩm của Sheri được mọi người để ý đến.

Bây giờ là lúc để vươn xa hơn, và một lần nữa, Sheri lại thể hiện quyết tâm. Năm 1987, hầu như không có giám đốc nữ nào trong ngành công nghiệp giày thể thao, Sheri muốn tận dụng lợi thế đặc biệt này. Vì Ryka không đủ tiền để thực hiện một chiến dịch quảng cáo lớn, cô sử dụng cách thức riêng của mình: mang câu chuyện của Ryka đến với các phương tiện truyền thông. Cô thuê một công ty phụ trách việc tiếp xúc và gửi cho tổng biên tập các tờ báo và tạp chí lớn một đôi giày kèm theo một lá thư kể lại câu chuyện của Ryka. Chiến thuật này vô cùng hiệu quả. Chỉ trong một năm, Sheri đã được đưa lên tạp chí Nữ Doanh Nhân và tờ Người Phụ Nữ Làm Việc và xuất hiện ở hàng chục các bài báo trong những tạp chí chuyên ngành sản phẩm thể thao.

Một trong những người phụ nữ nổi tiếng được Sheri gửi tặng quà là Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình số một của Mỹ. Cứ vài tháng một lần, Sheri lại gửi một thùng giày và áo thun đến cho Oprah và nhân viên của bà, hy vọng sẽ được họ chú ý đến. Một ngày nọ, điện thoại reo. Người quản lý của Oprah mời Sheri tham gia vào một chương trình của bà.

“Tôi sững sờ!”, Sheri nhớ lại, “đến mức mặt tôi trắng bệch đi và gần như nghẹn thở”. Người này giải thích rằng thực tế lúc đầu Sheri không có trong danh sách khách mời của Oprah, nhưng trong một cuộc họp, khi đang cân nhắc để mời một số nữ doanh nhân tham gia vào chương trình sắp đến, Oprah chú ý đến những thùng giày Ryka chất đầy trong góc phòng. Và Oprah đã đề nghị mời Sheri tham gia. Lần xuất hiện đó của Sheri trên TV là cơ hội quảng cáo sản phẩm cải tiến của cô trước một lượng khán giả lên đến hàng triệu phụ nữ toàn quốc. Trong vòng vài tuần, tất cả sản phẩm Ryka được bán sạch, công ty thậm chí không còn hàng để cung cấp cho các đại lý nữa. Một điều lẽ ra sẽ đưa công ty tiến lên một thành công mới lại bất ngờ trở thành một tai nạn rủi ro. Ryka mất ba tháng mới hồi phục được uy tín với các đại lý của mình. Sheri buộc phải tái cơ cấu lại công ty để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng cao.

Vài năm sau, một sự kiện nữa bất ngờ xảy đến, lần này là từ Anh Quốc xa xôi và người nổi tiếng ấy là công nương Diana. Khi biết được công nương phải chiến đấu chống lại căn bệnh thèm ăn, Sheri trong một lúc bốc đồng, đã viết thư cho công nương, bày tỏ sự thông cảm và chia sẻ kinh nghiệm của mình. Cô không viết thư với tư cách một người hâm mộ công nương, củng chẳng phải một nhà sản xuất giày cho phụ nữ, mà viết với tư cách người đồng cảnh ngộ. Để đảm bảo lá thư đến được tay Diana, Sheri yêu cầu nhà phân phối của cô ở Anh tìm cho ra người huấn luyện viên thể dục của công nương. Một thùng giày được chuyển đến người huấn luyện viên và người này đồng ý đưa thư và giày đến tận tay Diana. Lá thư đó mang đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Những tấm hình công nương chụp trong vòng ba tháng sau đó, Sheri đều thấy hình ảnh công nương xuất hiện với đôi giày của Ryka.

Phụ nữ trên toàn thế giới cũng nhìn thấy điều đó và doanh số của Ryka bắt đầu tăng vọt lên. Năm 1994, nó đạt đến mức kỷ lục là 15 triệu đôla. Mặc dù thành công như thế, Sheri vẫn cảm thấy công ty dường như vẫn thiếu đi cái gì đó, thiếu đi phần hồn, cái tạo nên sức sống cho công ty. “Chúng ta là một công ty bán sản phẩm dành riêng cho phụ nữ. Tôi thấy cần phải đóng góp một điều gì đó cho sự phát triển và hạnh phúc của phụ nữ. Trước đây tôi vẫn nghĩ nếu công ty ăn nên làm ra, tôi sẽ làm điều gì đó khác biệt”.

Nhận ra rằng tình trạng bạo hành gia đình là nguyên do hàng đầu dẫn đến chấn thương cho phụ nữ, Sheri đã thành lập nên tổ chức mang tên Lấy Lại Lòng Tự Trọng – một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận tài trợ chỗ ở, chương trình giáo dục và trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, mỗi đôi giày của Ryka đều có kèm theo một tấm thẻ nhỏ ghi lời khuyên về cách giữ an toàn cho mình hoặc điều phải làm khi bị tấn công.

Sheri Poe đã làm cho ngành công nghiệp giày thể thao thức tỉnh, nhận ra tầm quan trọng của thị trường giày thể thao cho phụ nữ. Kể từ đó, ngành công nghiệp này đã phát triển thành một ngành mỗi năm mang về 5 tỉ đôla. Ryka hiện nay đã sáp nhập với Global Sports Inc., và tiếp tục sản xuất những đôi giày được thiết kế riêng cho bàn chân phụ nữ. Sheri vẫn là nhà sáng lập và người phát ngôn cho Ryka. Hiện nay, cô đang theo đuổi một niềm đam mê kinh doanh mới là phát triển các sản phẩm dành cho trẻ em.

Nhờ đam mê và lòng quyết tâm của Sheri Poe, phụ nữ ngày nay có thể thoải mái bước đi với những đôi giày thích hợp hơn với mình. Điều quan trọng là doanh số Ryka tăng có nghĩa là thêm nhiều phụ nữ nạn nhân của sự xâm hại sẽ được che chở an toàn và tự tin hơn.

Lý do để chúng tôi làm được điều này là vì chúng tôi nhìn thấy được nhu cầu của thị trường, có một niềm đam mê vô tận và kiên quyết thực hiện điều mình mong muốn. Nhiệt tình của chúng tôi đã lan truyền sang người khác và nhờ đó mà tìm được người muốn giúp đỡ chúng tôi”.




tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương