Cynthia kersey



tải về 0.61 Mb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#31500
1   2   3   4   5   6   7   8

Maury Wills

Người thông minh học được kinh nghiệm của người khác. Người bình thường học được kinh nghiệm của chính mình. Kẻ dại khờ thì không học hỏi được điều gì cả”.



Vern McLellan

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI LĂM

THAY ĐỔI ĐỊNH KIẾN

Phần lớn các luật sư tương lai đều nghĩ tới trường luật khi chọn trường đại học. Số khác biết nhìn xa hơn thì khởi sự lên kế hoạch từ khi còn ở trung học. Còn Leah Sears đã quyết tâm theo nghề luật ngay từ tuổi mà phần lớn trẻ nhỏ đang nghĩ tới một chiếc xe đạp mới hay một đôi giày trượt patanh. Khi lên bảy, Leah đã đặt mua tập danh mục trường luật đầu tiên để nghiên cứu.

Khi nhìn vào hình ảnh các sinh viên trong trường luật, nhất là trường Harvard và Yale, Leah nhận ra mình chẳng giống ai trong số đó. Cô là người da đen, những sinh viên cô thấy trong các bức ảnh đó không chỉ là người da trắng mà phần lớn là nam giới.

“Tự nhiên tôi có mặc cảm và cảm thấy mình thấp kém”, cô nhớ lại. Và chính lúc đó, trong cô hình thành một quyết tâm: “Tôi nghĩ mình nhất định phải thành danh, để làm được điều gì đó cho mình và để thay đổi cách nhìn của mọi người”, không chỉ cho chính cô, mà còn những người không được như cô. Cô muốn tạo ra những thay đổi cho những người cần có cơ may trong đời, những người không thuộc thành phần của đa số, những người mà khi nhìn vào gương chỉ thấy hình ảnh của một “kẻ vô danh” trong đó.

Leah biết rằng nếu muốn thành công cô phải bắt tay vào học tập không ngừng nghỉ ngay từ hôm nay. Được song thân nâng đỡ và khuyến khích, Leah bắt đầu tự tin và đạt được thành tích ngày càng xuất sắc ở trường, cô cũng tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa. Vào thời ấy, không hề có một người Mỹ gốc Phi nào được tham gia vào đội cổ động thể thao của trường, tuy nhiên điều đó đã không ngăn được cô.

Leah hăng say tập luyện và đã phá được rào cản về màu da, cô được tuyển vào đội cổ vũ thể thao mặc dù vậy, việc học hành luôn được cô đặt ở tầm quan trọng nhất: “Có được bằng cấp từ những trường khá nhất là một yếu tố quan trọng để đạt tới mục tiêu”, cô nói, “Bởi vì cha mẹ tôi không đủ điều kiện cho tôi theo học các trường đó, tôi phải tận lực để giành được một suất học bổng”. Sự kiên trì gian khổ của cô đã mang lại kết quả. Cô được một học bổng trọn gói vào Đại học Cornell và tốt nghiệp hạng danh dự vào tháng 6 năm 1976, sau đó hoàn tất học vị luật sư tại Khoa Luật của Đại học Emory vào năm 1980.

Lúc hai mươi tuổi, cô gia nhập công ty luật Alston & Bird, một công ty luật uy tín ở thành phố Atlanta, dù cô nhận thấy kinh nghiệm ở đó thật bổ ích, nhưng nó liên quan tới “quá nhiều công việc giấy tờ và không có cơ hội giao tiếp”, nó quá xa cách mục tiêu ban đầu của Leah. Sau hai năm, cô rời nơi đó và nhận một chức vụ có lương thấp hơn nhiều, làm chánh án tòa giao thông tại tòa án thành phố Atlanta. Lối đi này có vẻ đúng hướng.

“Tôi lớn lên ở buổi giao thời của phong trào đòi quyền công dân và phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và tôi thấy luật pháp đã mang lại nhiều thay đổi cho những người như tôi”, cô nhận định. Bao tháng ngày chuẩn bị nay đã đến thời điểm thích hợp. Giờ đây, với từng bước đi, cô nhận ra rằng mình đã khám phá ra một chân trời mới. “Thời ấy có rất ít luật sư là người da đen và hầu như không có ai là nữ cả do đó tôi không có ai để cố vấn, học hỏi kinh nghiệm và noi gương”. Cũng chính vì thế mà để thành công trong bất cứ việc gì cô cũng phải làm vất vả gấp đôi mọi người.

Năm 1983, cô làm mẹ và sinh tiếp đứa con thứ hai vào năm 1986, tuy thế cô không để cho việc này làm ảnh hưởng đến công việc của mình. Khi mở chiến dịch tranh cử chức thẩm phán ở tòa thượng thẩm vào năm 1988, cô hầu như dành hết thời gian cho công việc: “Từ lúc ra tranh cử, mỗi đêm tôi chỉ ngủ có ba hoặc bốn tiếng đồng hồ”. Leah đã trở thành người trẻ nhất và là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên được bầu vào Tòa Thượng Thẩm tiểu bang Georgia.

Bốn năm sau, cô tiến một bước lớn trong đời khi Thống đốc Zell Miller đích thân bổ nhiệm cô vào Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Georgia. Leah là người phụ nữ đầu tiên, trẻ nhất (36 tuổi) và là người Mỹ gốc Phi thứ hai từng được ngồi vào ghế chánh án tòa án cao nhất bang Georgia.

Những thành công ấy cô có được là do sự học hỏi, làm việc cật lực và sự phấn đấu không ngừng nhưng nhiều người vẫn bác bỏ những cố gắng của cô và cho đó chỉ là hình thức ủng hộ việc giành quyền bình đẳng cho người da đen.

“Người ta không nghĩ tôi có được vị trí này vì tôi là một quan tòa giỏi mà vì tôi là phụ nữ hoặc vì là người da đen” cô nói. Bên cạnh đó còn có một khoảng cách nữa giữa cô và các quan tòa khác: đó là tuổi tác. Có lần một vị quan tòa lớn tuổi đã đưa ra một lời bình về “chiến tranh”. Leah đã nói với ông ta rằng: “Ông muốn nói về cuộc chiến nào?”. Và ông ta đáp: “Thế chiến thứ hai, tôi cho đó là một cuộc chiến quan trọng”. Leah nhớ cô đã nói lại rằng: “Tôi thì nghĩ đến cuộc chiến ở Việt Nam, và đó là minh họa điển hình cho việc người ta không hiểu nhau”. Vị quan tòa đó nghiêng người về phía cô và buông một câu cộc lốc: “Cô còn quá trẻ, không thể làm việc trong một tòa án như thế này!”

“Tôi biết tôi phải làm việc cật lực và chuẩn bị nhiều hơn bất cứ ai khác để giành được sự kính trọng của những người ngang hàng và các luật sư đã hành nghề trước tôi”.

Leah đến văn phòng mỗi sáng vào lúc 5 giờ 30 trước hết thảy mọi người và thận trọng xem lại các vụ việc do cô phụ trách. Cô đọc biên bản và thảo luận với thư ký tòa án vào mỗi buổi sáng. Trước mỗi cuộc họp hàng tuần, cô đều chuẩn bị kỹ lưỡng những điều định phát biểu, không bao giờ “nói mà không chuẩn bị” và nhờ nhân viên góp ý giúp những điều cô đã trình bày.

“Tôi thường xuyên nói chuyện với các quan tòa khác, hỏi họ những điều mà tôi chưa rõ, thật tâm muốn học hỏi. Dần dần, họ bắt đầu cởi mở hơn với tôi, chấp nhận tôi và cuối cùng là thực sự lắng nghe tôi.”

Thẩm phán Leah Sears đang góp phần tạo ra những thay đổi mà cô đã muốn thực hiệ khi còn là một cô bé. Cô đang thay đổi cả thế giới, theo từng vụ kiện, từng con người. “Thành công của tôi chính là kết quả của cả một đời chuẩn bị và làm việc cật lực. Đây là cả một quá trình xây dựng và học hỏi nên khi cơ hội đến tôi đã sẵn sàng để học hỏi và tiếp nhận”.

Không có cách nào dẹp bỏ những kẻ công kích bạn tốt hơn là chuẩn bị kỹ lưỡng công việc kết hợp với kiến thức bạn tích lũy được qua quá trình học hỏi. Hãy nắm vững về điều bạn sẽ nói. Đừng nghĩ tới đâu nói tới đó. Sự xuất sắc và thấu đáo luôn chiếm được lòng kính phục của người khác”.



Thẩm phán Leah Sears

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI SÁU

NGHE THEO TIẾNG NÓI TRÁI TIM

Sự từ chối. Nó chui ra khỏi thùng thư, xuất hiện khá ư lịch sự ở ống nghe điện thoại và lẻn ra khỏi máy fax. Ít nhà văn nào thoát cảnh bị từ chối. Nhiều người đã đầu hàng, nhưng Noreen Ayres không nằm trong số đó. Bà đã mất ba mươi lăm năm, nhưng sau cùng đã chứng minh được rằng sự bác bỏ cũng chỉ là một bản nháp của một câu chuyện thành đạt.

Từ năm lên mười bốn tuổi, Noreen đã mơ ước trở thành nhà văn. Một giáo viên đã nhận ra tài năng của bà vào năm đó và đề nghị bà học tiếp vào đại học. Đối với Noreen, đại học là một điều gần như không tưởng; gia đình bà không ai từng học hết bậc trung học nói chi tới đại học và cũng chưa bao giờ bà nghe bố mẹ nói tới chuyện học hành.

Tự mình bà thì chắc chẳng khi nào Noreen nghĩ tới chuyện vào đại học hoặc có một sự nghiệp riêng, nhưng người giáo viên kia đã thắp lên trong lòng bà một ánh lửa. Bà xa nhà lúc mười bảy tuổi, chịu làm đủ mọi nghề để cố sức vượt qua đại học.

Tại đại học, các trợ giảng cũng nhận thấy một nét đặc biệt gì đó nơi lối viết của Noreen. Nhưng trước khi có thể phát triển việc viết văn của mình, bà đã lập gia đình và sinh con. Sau đó bà đếm lùi thời gian còn lại của mình: bảy năm trời chỉ ở nhà nuôi con, tiếp đó là tám năm theo học đại học bán thời gian và kiếm được văn bằng thạc sĩ để có thể dạy học. Trong khi làm thư ký dạy học, đôi lúc Noreen đã viết thơ và truyện ngắn trong giờ rảnh. Năm tháng trôi qua và Noreen mới chỉ thành công được đôi chút trong lãnh vực viết văn. Bà kiếm được chân sửa bản in, viết và biên tập văn bản kỹ thuật. Thêm sáu năm trôi qua, nhưng thành công trong nghiệp bút nghiên vẫn lẩn tránh Noreen. Rồi các truyện ngắn của bà đoạt giải và nhận được những lá thư khuyến khích từ các nhà biên tập, còn lại một vấn đề duy nhất – không ai xuất bản truyện của bà.

Thời gian cạn dần và Noreen biết rõ điều đó. Vào tuổi ba mươi tám, sau khi ly dị người chồng thứ nhất, bà tái hôn với Tom Glagola, một nhà văn nhiều khát vọng. Họ đưa ra hai lời thề ước: thề sẽ sống trọn đời bên nhau và thề sẽ cùng trở thành nhà văn có tác phẩm được xuất bản. Mỗi người phải làm một nghề để kiếm sống và họ tranh thủ mọi giây phút rảnh rang để viết. Thế nhưng sau sáu năm nỗ lực, các tác phẩm của họ vẫn chưa được xuất bản. Mang cảm giác gần như tuyệt vọng, Noreen và chồng đã đánh bạo không đi làm nữa để dành trọn thời gian cho nghiệp viết. Để có tiền mưu sinh, họ đã phải thế chấp căn nhà của mình. Họ lập luận rằng cho dù không thành công thì khi tới tuổi sáu mươi lăm họ cũng sẽ mãn nguyện vì dù sao mình cũng đã dồn hết tâm lực cho việc sáng tác.

Noreen đã viết hết truyện này tới truyện kia và đem nộp khắp nơi. Đồng hồ cứ tích tắc gõ nhịp thời gian. Một năm rưỡi nữa trôi qua và chưa có một truyện nào được xuất bản. Bà bắt đầu ngã lòng, tự hỏi mình rằng phải chăng những công sức bỏ ra rốt cuộc cũng đi vào hư không. Noreen phân vân đứng giữa hai ngã đường: dẹp bỏ giấc mơ hay chiến đấu tới cùng để đạt được mục tiêu. Sau nhiều đêm trăn trở, bà đã chọn cách thứ hai.

Bà tham gia vào một câu lạc bộ nhà văn. Được sự động viên và hỗ trợ của các thành viên trong nhóm, Noreen chuyển sang viết thể loại tiểu thuyết bí ẩn. Truyện trinh thám đầu tay của bà được gửi tới ba mươi ba công ty môi giới xuất bản và bà nhận được đúng ba mươi ba thư từ chối. Cả ba nhà xuất bản bà gửi bản thảo tới cũng thẳng thừng từ chối – họ khen ngợi về văn phong nhưng không thích kỹ năng kể chuyện của bà. Xem điều đó như là cơ hội để học hỏi, Noreen ghi danh học về điều tra tội phạm và khoa pháp y, thu thập các bài viết về tội phạm từ các tạp chí xuất bản định kỳ và gặp gỡ các nhà chuyên nghiệp về lĩnh vực đó. Một ngày kia bà nghe được một vụ án rất đau lòng. Đó là câu chuyện về một nhân viên cửa hàng bách hóa tận tâm bị giết hết sức dã man trong một vụ cướp. Cảm kích và bị cuốn hút, Noreen ngồi vào bàn viết lại câu chuyện.

Noreen đem một trăm trang đầu tới một cuộc hội thảo có những nhân vật nổi tiếng của giới văn học tham dự. Tại hội nghị, bà đã trao bản thảo cho vị đại diện của công ty môi giới xuất bản William Morris đầy uy tín. Lần này bản thảo của bà không bị bác bỏ. Người đó chỉ hỏi bà một câu: “Thế bà muốn ứng trước bao nhiêu?”. Tiền ứng trước thông thường cho một nhà văn chưa có ấn phẩm xuất bản là 5 ngàn tới 7 ngàn đô la. Noreen không biết điều đó, do vậy bà buộc miệng nói ra một số tiền có thể cho phép bà dành trọn thời gian để sáng tác trong hai năm: 150.000 đôla. Ông ấy nói sẽ liên lạc với bà.

Vài ngày sau ông ta gọi điện đến và nói rằng nhà xuất bản không đáp ứng được yêu cầu của bà. Thay vào đó, họ đề nghị 120.000 đôla và một bản hợp đồng cho hai cuốn sách mới; quả là một giao dịch chưa từng có đối với một nhà văn mới.

Sau cùng, khi trở thành một nhà văn có sách xuất bản, Noreen đã năm mươi hai tuổi. Cuốn sách đầu tiên của bà “A World the Color of Salt”, xuất bản năm 1992, nhận được nhiều lời tán dương và quy tụ được nhiều độc giả hâm mộ. “Carcass Trade” cuốn sách thứ hai của bà, được xuất bản vào năm 1994 và bà vừa hoàn thành cuốn thứ ba “The Juan Doe Murders”.

Cho dù đã viết ròng rã trên ba thập niên trước khi tác phẩm được xuất bản, cuối cùng Noreen cũng đã đạt được mục tiêu của mình. Chẳng ai có thể tiên đoán được Noreen sẽ viết gì trong tương lai nhưng chắc chắn bà sẽ không viết về sự hối tiếc.

Một nhà văn không thể biết được khi nào mình thành công hoặc liệu nó có tới với mình không. Bạn chỉ có thể làm hết sức mình và chuẩn bị cho khoảnh khắc của thời cơ bằng cách viết, viết, viết – và rồi viết thêm mãi”.



Noreen Ayers

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Khi sinh tôi, mẹ còn rất trẻ, chỉ mới 19 tuổi, do đó tôi lớn lên với ông bà ngoại tại một thị trấn nông thôn ở miền Bắc California. Tôi là một đứa trẻ béo phì, chân bẹt và vì vậy nên đi đứng không vững vàng. Ngoài ra, tôi còn bị khuyết tật về tiếng nói. Khi nói chuyện, giọng của tôi nghe như đang ngậm đá trong miệng vậy. Ai cũng cười vì không hiểu tôi đang nói gì. Hầu hết thời thơ ấu, tôi trốn trong tạp dề của bà tôi.

Ở trường học, mọi việc còn tồi tệ hơn. Tôi nhận ra là mình nói chuyện không giống như những đứa trẻ khác và chúng chọc ghẹo tôi cho đến khi tôi không nói được tiếng nào nữa. Cũng may mắn là tôi gặp được hai cô giáo hết sức tận tình trong việc giúp tôi tìm được tiếng nói của mình.

Người đầu tiên là cô Phar. Cô vừa mới tốt nghiệp đại học và là một phụ nữ trẻ đầy sáng tạo, mặc dù khi mới gặp cô, tôi không nghĩ thế. Cô bảo chúng tôi viết một câu chuyện và đọc lên trước lớp. Chuyện bình thường nhưng với tôi là một thử thách quá lớn. Trước nay tôi luôn bị người khác trêu chọc, và tôi nghĩ chẳng có lý do gì phải đứng lên trước lớp cho đám bạn cười nhạo. Sau khi nghe lời khẩn cầu của tôi, cô nói rằng nếu tôi viết được một câu chuyện hay, đúng ngữ pháp thì cô sẽ đọc thay cho tôi. Và tôi đã làm theo lời cô.

Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Tôi bắt đầu viết nhiều truyện ngắn và tập tành làm thơ. Tôi nghĩ rằng nếu có thể tạo ấn tượng với các giáo viên qua tính sáng tạo, có thể họ sẽ không để ý đến khuyết tật của tôi. Không lâu sau, đám bạn học bắt đầu tìm đến tôi để nhờ giúp đỡ về bài viết. Nhờ đó, tôi cảm thấy lòng tự trọng của mình được nâng lên vì khi hỏi bài tôi như thế, chúng không còn cười nhạo tôi nữa.

Nhưng cuộc đời tôi chỉ thật sự thay đổi khi tôi lên 14 tuổi. Đứa em nhỏ của tôi vô ý đập thẳng một chai thủy tinh vào mặt tôi. Miệng tôi sưng vù lên và hàm răng bị lung lay. Vài tuần sau, chúng ngả màu đen và mẹ mang tôi đến bác sĩ.

Ông xem xét và khám phá ra một điều – tôi có hai hàm răng bị chẹn lại và đó là lý do tôi không thể nói năng bình thường được. Ông đã chữa cho tôi bằng cách nhổ bỏ hết các răng ở hàm trên và thay vào đó là hàm răng giả. Tuy vậy, vòm miệng của tôi bị biến dạng nên tôi vẫn nói năng không bình thường.

Khi vào trung học, cô giáo dạy tiếng Anh gọi tôi lên đọc bài và khi nghe giọng của tôi, cô bảo tôi đến gặp cô sau giờ học. Cô tên là Abna Aggrey Lancaster. Sau khi nghe tôi kể về tình trạng của mình, cô đề nghị tôi đến văn phòng sau mỗi buổi học để cô tập luyện cho tôi.

Và tôi đã tập luyện như vậy mỗi ngày, trong suốt bốn năm trời ròng rã. Cô bắt tôi học thuộc lòng và đọc lại từng bài thơ và những đoạn độc thoại của Shakespreare. Cô bắt tôi phát âm tròn trịa từng câu chữ một. Không những học nói, tôi còn học cách đi đứng, lấy hơi và giữ hơi khi nói.S

Đến năm cuối, tôi đã có thể bước lên sân khấu và diễn một đoạn độc thoại mang tên “Tình yêu của Mẹ” trong một cuộc thi hùng biện. Khi tôi đọc xong, cả trường đứng dậy, vỗ tay chúc mừng. Không thể diễn tả được niềm vui của tôi khi giành được giải nhất vì chính điều mà lâu nay mọi người vẫn chế giễu tôi. Chính khuyết tật lớn nhất của tôi lại giúp tôi phát triển tài năng của mình. Tuy thế tôi không thể nào quên được sự gian lao khổ cực và những khoảng thời gian bỏ ra để có được thành công ngày hôm nay.

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có khả năng vươn lên khỏi những yếu đuối và thậm chí còn có thể sử dụng chính những điều này làm nền tảng cho thành công của mình. Nếu chúng ta sẵn sàng tập luyện và phát triển các kỹ năng, chúng ta có thể thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.

Jackie Torrence

Jackie Torrence là một người kể chuyện chuyên nghiệp đã đi khắp nơi trên thế giới để chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người trong những buổi thi kể chuyện, tại các trường đại học và trên các đài phát thanh, truyền hình.

Khi gặp trở ngại trên đường đi, hãy tập trung vào đích đến và giữ vững mục tiêu, sẵn sàng để vượt qua. Nếu kiên trì, chúng ta cũng sẽ động viên được những người khác cùng đi tới và với sức mạnh đoàn kết đó, không có gì có thể cản nổi bước chân ta.”



Wayne Barton

PHẦN V, ĐỒNG ĐỘI TẠO NÊN SỨC MẠNH

Mặc dù việc theo đuổi ước mơ có lúc làm cho bạn trở thành người cô độc, nhưng không vì thế mà nhất thiết bạn phải làm kẻ độc hành. Những người có tinh thần không lùi bước trong chương này đã tạo được sự ủng hộ của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, cố vấn. Họ đã cùng đồng hành với những người này trên con đường đến thành công. Nếu lúc khởi đầu không có người hỗ trợ, người có tinh thần không lùi bước sẽ đi tìm họ. Họ tập hợp xung quanh mình một đội ngũ đồng chí hướng, có khi chỉ là một nhóm nhỏ, có khi là một tập thể lớn, nhưng luôn đủ mạnh để ủng hộ cho họ về cảm xúc và đủ tri thức để giúp họ đến thành công.

Bạn không nhất thiết phải một mình đến thành công. Đội ngũ của bạn càng mạnh, bạn càng có khả năng thành một người không lùi bước.

Tôi luôn tìm đọc về những người có năng lực vô hạn để không biết đến những điều mà con người không thể làm được.”

Henry Ford

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI BẢY

BỘC LỘ SỨC MẠNH QUA NHỮNG GIAN TRUÂN CUỘC ĐỜI

Hội đồng giám khảo đã tặng cho Tom Harken một trong những giải thưởng danh giá nhất nước Mỹ, đó là giải thưởng Horatio Alger – được trao hàng năm cho những cá nhân đã khắc phục được nghịch cảnh cam go để đạt được thành quả to tát trong lãnh vực hoạt động của mình. Nhưng mãi tới khi Tom can đảm lên tiếng thừa nhận thì khán giả và hội đồng giám khảo mới nhận ra được nghịch cảnh của ông thực sự lớn lao đến mức nào. Tối hôm đó, Tom Harken đã thú nhận một bí mật mà ông đã che dấu gần năm mươi năm.

Tom Harken, nhà doanh nghiệp tài ba, một triệu phú thành đạt, chủ nhân và người kinh doanh nhượng quyền của chuỗi nhà hàng Casa Olé, đã công khai thú nhận rằng ông bị mù chữ gần suốt cuộc đời mình. Trong khi bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường, Tom phải nằm trong bệnh viện chiến đấu với bệnh bại liệt và suốt một năm trời ông chỉ quanh quẩn bên chiếc máy hô hấp nhân tạo. Rồi sau khi rời bệnh viện để về nhà, ông lại mắc bệnh lao và bị cách ly trong phòng tám tháng trời. Năm tháng trôi qua, Tom càng ngày càng trượt dài trong việc học.

Cuối cùng khi có cơ hội trở lại trường, một giáo viên đã vô ý chế nhạo Tom khi cậu không thể nhận ra được một từ thật đơn giản “con mèo”. Như giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly chứa đựng sự uất ức, chán chường, người giáo viên đã làm xói mòn sự tự tin trong cậu. Tom bỏ học và thay vào đó cậu đã cậy nhờ vào cái mà cha cậu gọi là “một khả năng nói tốt và làm việc chăm chỉ”.

Những năm sau đó, Tom có thêm một chỗ dựa vững chắc nữa: sự hỗ trợ của Melba, người vợ thông minh và luôn biết động viên chồng. Trước khi lấy nhau, Melba, vợ ông biết chồng mình mù chữ. Cô phát hiện ra điều đó khi Tom bảo cô điền giúp mẫu đơn đăng ký kết hôn.

Tom bắt đầu làm người chào hàng, ông đi hết nhà này tới nhà khác tại Oklahoma để bán máy hút bụi. Khi bán được một máy, Tom cố ghi nhớ tên và địa chỉ khách hàng, người chủ và thông tin tín dụng. Khi về nhà, đêm đã khuya khi các con đã ngủ, ông lại sử dụng tới trí nhớ được phát huy tối đa của mình để lập lại những thông tin chi tiết cho Melba điền vào mẫu phiếu bán hàng cần thiết.

Với tinh thần không hề mỏi mệt và luôn đầy quyết tâm, đôi khi mỗi ngày Tom phải gõ cửa cả trăm nhà mới bán được một chiếc. Ông làm việc chăm chỉ đến độ được ghi tên vào Phòng Truyền Thống của công ty Kirby Vacuum Cleaner Company dù lúc đó ông vẫn chưa biết đọc.

Sau vài năm, với sự hỗ trợ và khích lệ của Melba, Tom mua được một doanh nghiệp buôn xe giải trí và trở thành người môi giới bán hàng độc lập hàng đầu trong ngành kinh doanh này. Sự mạo hiểm tiếp theo của ông là mở nhà hàng và sau này phát triển thành một chỗi mười hai nhà hàng dù đến thực đơn của nhà hàng mình Tom vẫn chưa đọc được.

Khi đi ăn tiệm, ông luôn gọi bánh kẹp phô mai vì cho rằng hầu như nhà hàng nào cũng đều có món đó. Sách lược đó công hiệu được một vài năm cho tới khi một ngày nọ, một cô phục vụ đã nói một cách cộc lốc với ông: “Sao vậy, ông không biết đọc hay sao? ở đây không có bánh kẹp phô mai”. Đây là một trong vô vàn dịp bẽ mặt mà Tom đã trải qua hầu như hàng ngày trong cuộc đời mình.

Thế nhưng nỗi đau buồn lớn nhất Tom phải gánh chịu lại không phải trong công việc mà ngay tại gia đình, ngay trong chiếc ghế bành khi hai đứa con bé nhỏ trèo lên lòng và bảo cha đọc truyện cho chúng nghe. Melba vội vàng can thiệp bằng cách bảo các con rằng cha đang mệt và cô đã thay chồng đọc truyện cho chúng nghe. Các con của Tom giờ đã lớn khôn và đã trở thành thương gia mà vẫn không biết rằng cha mình mù chữ.

Tom tuy không đọc nổi những biển báo hiệu trên các xa lộ nhưng chắc chắn ông có thể đọc được những biển báo hiệu của cuộc đời mình. Tom hiểu rằng nếu không biết chữ, ông sẽ không bao giờ được tự do hoặc hạnh phúc trọn vẹn. Vậy nên ông khởi sự bước vào cuộc mạo hiểm gian nan nhất trong đời mình, cuộc hành trình tìm đến với những con chữ. Bước đầu tiên và cũng là bước khó khăn nhất là nhờ người giúp đỡ.

“Không có gì là không thể được”, ông nói, “nếu bạn đủ khiêm tốn và gan dạ để nhờ đúng người biết cách giúp bạn”. Người nhiệt thành, hợp lý nhất để ông nhờ giúp chính là người luôn luôn tin tưởng và hỗ trợ Tom – đó chính là Melba vợ ông. Đêm đêm Melba lại dạy chồng đọc, bắt đầu từng từ một. Phải mất nhiều năm và Tom không phải là một hoc viên dễ dạy; đôi lần ông đã nản chí và đôi lúc đã nổi khùng. Nhưng rồi sự kiên nhẫn và chăm chỉ đã giúp ông từng bước một đọc được những câu đơn giản, sau đó là những đoạn văn dài hơn.

Tom Harken đã rất xúc động khi biết mình được trao giải thưởng Horatio Alger. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông quyết định tiết lộ cho công chúng biết bí mật của ông và Melba đã giữ kín bấy lâu nay. Ông hy vọng điều đó sẽ khích lệ những người mù chữ khác học đọc được như ông và cất đi nỗi tủi nhục đè nặng trên vai họ như ông đã từng phải gánh chịu. Trước tiên ông nói cho hai con biết. Chúng sững sờ, nhưng phản ứng của chúng không là gì khi so với phản ứng của thính giả tại lễ trao giải thưởng Horatio Alger. Hàng trăm người tham dự, những con người thành đạt trong mọi lĩnh vực, đã lặng người khi nghe Tom thú nhận sự thật, một bi kịch mà ông mới thoát khỏi gần đây thôi.

Khi Tom chấm dứt bài nói chuyện, thính giả đã đứng lên vỗ tay, rồi họ ùn ùn kéo tới bắt tay con người đã làm cho họ cảm động đến rơi lệ.

Tom Harken, giống như nhiều người thành đạt khác, không hề hối tiếc về những gian truân trong quá khứ.

“Chính những gian khó đó”, ông nói, “đã giúp tôi bộc lộ sức mạnh. Giờ đây tôi muốn chia sẻ sức mạnh đó cho người khác”.

Tom đã diễn thuyết trên 500 bài về tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết cho cả trẻ em lẫn người lớn, cổ vũ họ bước theo cùng một cuộc hành trình mà chính ông đã cất bước. Ông cũng cho họ biết rằng đôi lúc trên đường họ có thể sẽ lúng túng và nản lòng nhưng sẽ luôn có người sẵn lòng hướng dẫn họ từng bước một, để đi từ sự hỗ thẹn tới vinh quang.

Bạn có thể giúp tôi không? Đó là những lời mà bạn cần nói và có người sẽ sẵn lòng giúp bạn”. Tom Harken

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI TÁM

ĐẤU TRANH BẢO VỆ TRẺ EM

Cả thời thơ ấu, Iqbal Masih giam mình nơi khung cửi trong một nhà máy dệt thảm tối tăm ở Pakistan. Lúc lên bốn, bố mẹ cậu buộc phải cho cậu đi làm thuê để hoàn lại khoản nợ 16 đôla. Cậu làm việc mười hai tới mười sáu giờ mỗi ngày, bảy ngày trong một tuần và mỗi tháng có trong tay không tới một đôla. Chẳng bao giờ cậu được học đọc hoặc học viết. Cậu gầy gò và suy dinh dưỡng.

Craig Kielburger trải qua thời thơ ấu của mình tại vùng ngoại ô đủ tiện nghi và được cha mẹ đều là giáo viên nuôi dạy. Ban ngày cậu đi học. Trong giờ rảnh, cậu tiêu hao vô chừng sức lực vào trượt băng, bơi lội và trượt tuyết.

Hai cậu bé sống ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau – cho tới năm cả hai cùng bước sang tuổi mười hai. Cậu bé bần cùng ở Đông Phương và cậu bé được cưng chiều ở Tây Phương đã cùng nhau trở thành biểu tượng cho một nỗ lực chung để giải phóng trẻ em bị bắt làm nô lệ.

Khi lên mười, Iqbal được giải thoát khỏi nhà giam của nhà máy. Suốt hai năm sau đó, cậu được xem như một vị anh hùng quốc tế, một biểu tượng sống cho một chiến dịch dũng cảm chống lại tình trạng bóc lột trong ngành công nghiệp dệt thảm ở Pakistan. Thế rồi, khi lên mười hai, Iqbal đã bị sát hại, tiếng nói của cậu mãi mãi im lặng.

Nửa vòng trái đất bên kia, Craig Kielburger đọc về cuộc đời và cái chết của Iqbal trong một tờ báo địa phương. Chính khoảnh khắc đó, những ngày thơ ấu vô tư lự của a Craig đã chấm hết. Sôi sục vì động lòng trắc ẩn và ý thức công bằng, Craig nguyện làm mọi điều có thể được để góp phần chấm dứt nạn bóc lột trẻ em. Cậu có đủ thông minh và hiểu biết để thấy rằng không thể làm chuyện đó một mình. Cậu cần phải kêu gọi sự giúp đỡ của người khác. Người ta nói với cậu rằng cậu còn quá nhỏ. Họ bảo rằng chẳng ai nghe cậu đâu. Nhưng Craig Kielburger, đang tuổi mười hai, là một người biết cách hoạt động hiệu quả. Cậu biết cách liên kết mọi người để hoạt động vì mục đích chung.

Cậu đọc tất cả tài liệu có được về 200 triệu trẻ em trên thế giới đang làm việc trong những điều kiện nô lệ. Nhưng đọc thôi thì chưa đủ. Craig muốn tận mắt thấy trẻ em và tình trạng nơi chúng làm việc. Ban đầu, cha mẹ cậu từ chối. Xét cho cùng, Craig chưa đủ tuổi để đi xe điện ngầm tới trung tâm thành phố một mình. Nhưng Craig vẫn nhất quyết thực hiện ý định, cậu bán một số đồ chơi để gom tiền cho chuyến đi. Cảm động trước quyết tâm của con, bố mẹ cậu cuối cùng đồng ý cho cậu đi. Và với sự đóng góp của một số thân nhân, họ gom cho cậu một số tiền cần thiết để đi sang châu Á trong bảy tuần.

Trang bị một máy quay video và tại mỗi chặng dừng chân đều có các nhà hoạt động nhân quyền đi kèm, Craig đi từ Bangladesh tới Thái Lan và đi tiếp tới Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Cậu đi khắp từ nhà xưởng tới các nhà máy tối tăm ẩm thấp. Cậu đã gặp một bé gái làm công việc bỏ kẹo vào bịch suốt mười một tiếng mỗi ngày trong một căn phòng ngột ngạt và nóng nực và một chú bé đi chân không làm công việc khâu bóng. Cậu đã nói chuyện với từng đứa trẻ và bọn trẻ nhiệt tình kể cho cậu như thể chúng chưa bao giờ được nói. Vào cuối chuyến đi, Craig đã hành hương tới chính nơi kết thúc con đường đấu tranh của Iqbal, một nấm mồ không bia đá nằm trong một nghĩa trang nhỏ.

Trong khi Craig đi vòng quanh châu Á, thủ tướng Canada cũng có mặt ở đó. Craig xin gặp thủ tướng nhưng ông ta đã từ chối. Dù sao, Craig cũng chỉ là một đứa trẻ, còn quá trẻ để lên tiếng đấu tranh. Tuy nhiên, giới truyền thông lại rất thích nghe Craig và hai công nhân thiếu nhi kia kể chuyện. Bài tường thuật sau đó đã gây bất bình trong dân chúng; mọi người dân trên khắp đất nước Canada đều quan tâm tới vấn đề lao động trẻ em. Thủ tướng sau đó đã đề nghị được gặp Craig.

Craig biết mình phải làm gì nhưng cậu không thể đạt được mục tiêu khi chỉ có một mình, cậu cần phải có một tổ chức. Craig nghĩ rằng chẳng có đối tác nào tốt hơn bạn học của mình, là những người giống như chính cậu, bị người lớn xem là còn “quá trẻ chẳng biết gì”.

Khi trở về nhà, Craig đem những tấm ảnh gây đau lòng và những trường hợp thương tâm kể cho các bạn học nghe. Craig nói: “Các bạn có muốn góp một tay để xóa bỏ tình trạng này không?” Mọi người đều hăng hái tham gia và họ đã cùng nhau thành lập nên một nhóm có tên là “Giải Phóng Trẻ Em”, họp hàng tuần để chia sẻ thông tin và thảo luận chiến lược hành động. Craig cũng liên lạc với các tổ chức khác để kiếm thêm thông tin, hỗ trợ và tạo cơ hội giao lưu với nhau. Nhóm của cậu ngày càng phát triển.

Sau khi nghe Craig trình bày tại hội nghị hàng năm của Liên Đoàn Lao Động Ontario, 2.000 nhà lãnh đạo công đoàn cũng tham gia ủng hộ tổ chức của cậu; họ tặng cho nhóm “Giải Phóng Trẻ Em” 150.000 đôla.

Thị trưởng Toronto ban lệnh cấm sản xuất pháo bông trong những xưởng lao động trẻ em. Bộ trưởng Ngoại Giao đề nghị Craig nhận vị trí cố vấn trong chính quyền Canada và Quốc Hội Mỹ mời Craig tới thuyết trình.

Giờ đây chính quyền Canada đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong các hoạt động nhằm loại bỏ lao động trẻ em và tình trạng bóc lột trẻ em.

“Trẻ có một đặc điểm là có sức mạnh tinh thần to tát hơn người lớn nhiều”, Craig nói, “Trẻ em giàu óc tưởng tượng, vẫn nghĩ rằng mình có thể bay được. Trẻ em thậm chí còn nghĩ rằng mình có thể nói chuyện với các bộ trưởng như những người ngang hàng”.

Trong hai năm ngắn ngủi, nhóm “Giải Phóng Trẻ Em” đã mở rộng ra cả ngàn thành viên và phát triển thành một phong trào quốc tế có chi hội ở khắp Châu Âu và Châu Á. Nhóm “Giải Phóng Trẻ Em” đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Nó làm thay đổi pháp luật và bắt đầu làm thay đổi cuộc sống của 200 triệu trẻ em khắp nơi trên thế giới.

Rất dễ làm ngơ và nói rằng tôi chẳng biết gì về vấn đề đó. Nhưng một khi bạn biết, một khi bạn đã thấy vấn đề đó nơi đôi mắt trẻ em, bạn phải có trách nhiệm làm một điều gì đó. Hợp quần gây sức mạnh và nếu tất cả chúng ta cùng chung sức hoạt động, thì không gì ngăn cản nổi chúng ta”.




tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương