Cynthia kersey



tải về 0.61 Mb.
trang1/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#31500
  1   2   3   4   5   6   7   8


CYNTHIA KERSEY

KHÔNG LÙI BƯỚC

UNSTOPPABLE



MỤC LỤC

PHẦN I, MỤC ĐÍCH TẠO NÊN TINH THẦN 10

LÁ THƯ YÊU THƯƠNG 11

CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN KHỔ 14

QUÊ NHÀ LÀ NƠI TRÁI TIM CƯ NGỤ 18

TẦM NHÌN XA 22

NGƯỜI TẠO DỰNG NIỀM TIN 27

PHẦN II, SỰ ĐAM MÊ TẠO NGUỒN NĂNG LƯỢNG VÔ HẠN 33

VƯƠN LÊN TỪ ĐỐNG TRO TÀN 34

ĐẰNG SAU MỖI GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG LÀ MỘT KỊCH BẢN PHIM HOLLYWOOD 37

NGƯỜI THIẾT KẾ MẪU GIÀY THỂ THAO CHO PHỤ NỮ 40

KHÔNG TỪ BỎ ƯỚC MƠ 44

PHẦN III, NIỀM TIN GIỮ VỮNG BƯỚC CHÂN 50

NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĐÁNG NỂ PHỤC 50

THÀNH CÔNG NHỜ VÀO NHỮNG ĐIỀU KHÔNG BIẾT TRƯỚC 55

LÀM NÊN SỰ NGHIỆP TỪ HAI BÀN TAY TRẮNG 59

PHẦN IV, LẬP KẾ HOẠCH CHO TƯƠNG LAI 66

LÊN KẾ HOẠCH CHO THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI 66

CHUẨN BỊ ĐỂ CHIẾN THẮNG 69

THAY ĐỔI ĐỊNH KIẾN 73

NGHE THEO TIẾNG NÓI TRÁI TIM 76

PHẦN V, ĐỒNG ĐỘI TẠO NÊN SỨC MẠNH 80

BỘC LỘ SỨC MẠNH QUA NHỮNG GIAN TRUÂN CUỘC ĐỜI 81

ĐẤU TRANH BẢO VỆ TRẺ EM 83

PHẦN VI, SỰ SÁNG TẠO MANG ĐẾN NHỮNG KHẢ NĂNG LỚN 88

NHÀ KINH DOANH KỲ LẠ 88

ĐOÀN XE CỨU THƯƠNG 92

SỨC MẠNH CỦA TINH THẦN SÁNG TẠO 95

PHẦN VII, KIÊN TRÌ – CHÌA KHÓA CỦA THÀNH CÔNG 98

NẾU KHÔNG THÀNH CÔNG … 101





HÃY NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ

Di sản của bạn – Tinh thần không lùi bước

Làm thế nào mà một phụ nữ không tiền, thiếu thốn kinh nghiệm và không bằng đại học lại có thể tạo ra một dòng sản phẩm trị giá 5 tỉ đô la trong khi các đại gia trong ngành này bỏ qua?

Làm thế nào mà một sinh viên cao học chỉ trong thời gian ngắn ngủi hai tuần có thể giải được hai bài toán mà những nhà toán học hàng đầu thế giới phải bối rối hàng chục năm trời?

Làm thế nào mà một cầu thủ bóng chày tầm thường chẳng có một cú đánh nào ra hồn lại có thể biến mình thành một ngôi sao sân cỏ?

Điều gì đã thúc đẩy một thiếu niên rời bỏ quê nhà ở Phi Châu và thực hiện chuyến đi hơn 4.000km đường gian khổ bằng đôi chân trần, không một đồng dính túi và không có nguồn hỗ trợ nào?

Những câu chuyện trong tập sách này sẽ giúp bạn tìm được lời giải cho những điều nêu trên. Khi phải đối đầu với hoàn cảnh khó khăn, chúng ta thường trở nên nản lòng và buông xuôi nhưng có những con người dường như lại trở nên mạnh mẽ, dũng cảm hơn. Nghịch cảnh tôi luyện họ trở nên cứng rắn, vượt qua sự sợ hãi, nghi ngờ và bao gian truân trước mắt để đạt được những điều mà tất cả những người khác đều nói là “không thể được”.

Khi chúng ta nhìn thấy những điều hạn chế của thế giới hoặc của chính mình, thì vẫn có những con người, với lòng dũng cảm và trí tưởng tượng vô biên, kiên trì bám trụ từng ngày và không ngừng khám phá những điều mới mẻ, đạt được những ước mơ to lớn, bất chấp lời cảnh báo rằng họ sẽ “không thể nào thành công”. Những tấm gương minh chứng cho ý chí không lùi bước của con người hiển hiện khắp nơi, trong xã hội xung quanh, trong gia đình hoặc trong chính bản thân chúng ta. Bằng ý chí không lùi bước con người đã tạo ra được phép nhiệm màu tưởng như không thể. Chúng ta nghiên cứu ra phương cách chữa trị bệnh nan y, phát minh ra hàng ngàn máy móc phục vụ nhân loại và xây dựng những đường băng qua núi non, biển cả. chúng ta đã lập nên mạng thông tin liên lạc và du lịch toàn cầu, đặt chân lên khám phá mặt trăng và đang vươn xa tìm hiểu cả những hành tinh xa xôi hơn nữa trong thái dương hệ.

Khả năng của con người là vô tận nếu chúng ta biết khám phá và tận dụng nó. Và không có trở ngại nào là không thể vượt qua đối với những người mang tinh thần không lùi bước.



Những lợi ích về mặt tinh thần

Nếu mỗi chúng ta đều trang bị cho mình tinh thần không lùi bước, không khuất phục trước khó khăn thì những điều con người đạt được sẽ là vô biên. Nhưng đó không phải là điều duy nhất. những ước mơ sẽ trở thành hiện thực, các cộng đồng sẽ đoàn kết nhau hơn và từng cá nhân sẽ tìm thấy nguồn động viên, khích lệ lớn lao để dũng cảm đương đầu với chính những điều đã làm mình thất bại.

Từ thành tựu vĩ đại nhất của thế giới đến những thành công nhỏ nhất của từng cá nhân trong cuộc sống hàng ngày, tinh thần không lùi bước là động lực thúc đẩy tạo nên sự thay đổi tích cực và động lực phát triển. Tinh thần này là sức mạnh lớn lao giúp phá vỡ vô số rào cản xung quanh – những rào cản của sự nghi ngờ, tiêu cực và những giới hạn do chính từng cá nhân tạo ra. Tinh thần này thúc đẩy chúng ta kiên trì phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình.

Nhưng làm thế nào để phát triển được một tinh thần không lùi bước? Phải chăng nó chỉ dành cho những người có năng lực siêu nhiên hay những người sinh ra đã có sẵn tài năng thiên phú đó? Quyển sách này được viết ra xuất phát từ việc kiếm tìm câu trả lời cho những thắc mắc nêu trên. Sau khi xem xét và nghiên cứu hàng trăm ứng viên cho quyển sách, câu trả lời mà tôi tìm thấy là “Không”. Những con người có tinh thần mạnh mẽ ấy chắc chắn không phải là siêu nhân. Họ hầu hết đều là những người như bạn, như tôi, là những người mà bạn có thể gặp hàng ngày trong cuộc sống – cũng vui sướng, thất vọng, chán nản và nếm trải nhiều khổ đau trong cuộc đời như một người bình thường. Tuy nhiên, khi nghịch cảnh ập đến, trong những giây phút tuyệt vọng nhất của cuộc đời, những con người này vẫn thể hiện một số tính cách tiêu biểu giúp họ có thể vượt lên trên những người khác. Những tính cách này cho phép họ tiếp tục chiến đấu và trụ vững trong những hoàn cảnh mà người khác có thể sẽ ngã gục hoặc buông tay đầu hàng.



Những đặc điểm của người không lùi bước

Người mang tinh thần không lùi bước thường có bảy đặc tính nổi trội. Họ là những người:



  • Cống hiến trọn đời cho mục tiêu thật sự.

  • Hành động theo tiếng nói của trái tim.

  • Tin vào ý tưởng và bản thân mình.

  • Sẵn sàng đón nhận thử thách và tạo ra sự thay đổi.

  • Tìm kiếm hỗ trợ & thiết lập cho mình một nền tảng vững chắc.

  • Tìm kiếm giải pháp sáng tạo.

  • Kiên trì, bất chấp mọi thách thức.

May mắn là bất cứ ai có ý chí đủ mạnh để theo đuổi quyết tâm đều có thể phát triển được các đặc tính này. Mỗi chương trong quyển sách này sẽ đề cập đến một đặc điểm – được minh chứng bằng những tấm gương điển hình có thật ngoài đời để bạn tham khảo. Hầu hết những nhân vật được nhắc đến trong sách đều không chỉ mang một đặc tính, tuy nhiên tôi đặt các câu chuyện vào trong chương thể hiện rõ nhất đặc tính của người đó.

Ngoài những tấm gương điển hình của nhân vật mang tinh thần không lùi bước, sách còn kèm theo một phần đặc biệt mang tiêu đề “Gương sáng trong đời”, một vài lời trích dẫn, những sự kiện ít người biết đến hoặc một vài bài thơ minh họa cho từng chủ đề. Với nhiều hình thức khác nhau, bạn sẽ được gặp gỡ những con người đã biến ước mơ của mình thành sự thật. Bối cảnh, mục tiêu và thách thức của từng người sẽ thể hiện những kinh nghiệm khác nhau. Một số người trong sách này là người rất nổi tiếng, nhưng cũng có những người có thể bạn chưa từng nghe nói đến bao giờ, tuy thế trước khi gặt hái được thành công, tất cả họ đều đã bị chỉ trích, bị gia đình, bạn bè và xã hội ngăn cản vì cho rằng những điều họ đang thực hiện là “điên rồ”, là “phi thực tế” và “không thể được”.

Trong số họ, có người học vấn cao, nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh nhưng cũng có người học hành rất ít hoặc thậm chí chưa từng được cắp sách đến trường. Tuy nhiên tất cả họ đều phải nỗ lực rất nhiều, có khi phải mất nhiều năm trời mới đạt được ước mơ của mình. Họ đều không ngừng tập trung vào hy vọng cho tương lai, thay vì đau buồn than khóc cho quá khứ.

Mối liên kết chung giữa những con người không lùi bước là tất cả đều đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua nghịch cảnh – họ không ngừng chiến đấu, không ngừng vấp ngã và nhận lãnh thất bại – đôi khi là những thất bại nặng nề, nhưng họ vẫn can đảm đứng dậy và tiếp tục bước đi. Ước mơ của họ đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng không ngừng của bản thân và họ đáp ứng điều này một cách tự nhiên, không suy nghĩ. Nhiều lúc, thử thách và khó khăn dường như quá lớn, cản trở họ bước tới, thế nhưng sức mạnh của nội lực đã thúc đẩy họ phấn đấu để vượt qua. Sau mỗi lần vấp ngã, họ lại trở nên mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn. Họ xứng đáng được hưởng thành quả từ giấc mơ của mình.

Câu chuyện về những con người dám ước mơ và mang tinh thần không lùi bước đánh thức trong mỗi chúng ta tiềm năng để ước mơ, để phấn đấu cho điều mình mong muốn, và để đạt được mục đích sau cùng. Những câu chuyện này minh chứng cho một sự thật hiển nhiên rằng – bất cứ ai, cho dù hoàn cảnh bi đát đến đâu, cũng có thể đạt được mục tiêu và vượt qua trở ngại nếu họ có đủ quyết tâm và dũng khí để làm điều đó. Những tính cách để đảm bảo cho sự thành công của những con người trong tập sách này là những điều hoàn toàn có thể học hỏi và phát triển được – chỉ cần bạn có đủ quyết tâm, ý chí và nghị lực để theo đuổi điều mình mong muốn.

Hãy bắt đầu quá trình học hỏi bằng việc tìm hiểu cuộc đời và thành công của những tấm gương trong sách. Họ mang lại cho ta nguồn cảm hứng và chỉ ta cách hướng đến mục tiêu. Những câu chuyện ở đây ngắn gọn; đọc hết một chuyện có lẽ không làm mất của bạn hơn năm phút. Tuy nhiên năm phút đó sẽ giúp bạn thấu hiểu mạch nguồn để làm hồi sinh lại những ước mơ bạn đã từ bỏ hoặc khai sinh ra những ước mơ lớn lao hơn và biến nó thành hành động cụ thể. Đó là những yếu tố then chốt để bạn trở thành người mang tinh thần KHÔNG LÙI BƯỚC.



Trở thành con người không lùi bước

Mục tiêu của bạn có thể không lớn lao như chấm dứt nạn đói trên toàn cầu, điều hành một công ty hàng tỉ đôla hoặc được xuất hiện trên bìa một tạp chí nổi tiếng, ước mơ và tham vọng của bạn có thể chỉ là thay đổi việc làm, điều hành một doanh nghiệp hay làm những công việc có ích cho cộng đồng… Tầm vóc của mục tiêu không phải là yếu tố tạo nên tinh thần không lùi bước. Tinh thần này thể hiện ở những người đề ra mục tiêu, nuôi dưỡng ước mơ – đôi khi chỉ có giá trị đối với chính người đó – và không chịu buông xuôi khi chưa đạt được ước mơ của mình.

Tất cả những gì bạn cần để bước vào cuộc hành trình này là một quyển sổ, một cây bút và một trái tim rộng mở. Những con người bạn gặp trong quyển sách này sẽ trở thành người thầy, người cố vấn tinh thần và người bạn chân thành của bạn. Họ là những tấm gương vừa dung dị vừa cao cả cho những ước mơ trong đời, thành công nhờ vào ý chí và lòng tin mạnh mẽ hơn là sự giàu có vật chất. Cho dù bạn đang ở trong giai đoạn khó khăn nào trong đời, hãy nhớ rằng họ cũng đã từng ở vào hoàn cảnh đó như bạn. Họ đã phải đối mặt với những thử thách, mất mát – có thể còn lớn hơn cả bạn hiện nay – nhưng họ đã không buông tay đầu hàng số phận, từng bước tiến lên để hướng đến thành công. Cuộc đời của họ minh chứng cho chân lý – nếu chúng ta kiên gan bền chí, không chịu bỏ cuộc, số phận rồi sẽ phải đầu hàng chúng ta. Mỗi trở ngại mà bạn phải đối phó trên đường đời là một bước tự nhiên và cần thiết để dẫn bạn tiến đến thành công.

Hãy học hỏi từ kinh nghiệm của các tấm gương trong sách, hãy tạo dựng và giữ vững niềm tin từ những thành công của họ. Hình ảnh của họ sẽ đưa bạn đến những chân trời mới, khơi nguồn tri thức, mở rộng thêm khả năng, giúp bạn chuyển sự tập trung chú ý từ vấn đề khó khăn sang các giải pháp cụ thể, từ sự thất vọng sang một quyết tâm không gì lay chuyển nổi để có thể vượt qua mọi rào cản và đạt được bất cứ ước mơ nào.

Từ hôm nay, hãy bắt đầu học hỏi và không ngừng phát triển tinh thần KHÔNG LÙI BƯỚC.

Hãy nuôi dưỡng ước mơ và tìm cách chinh phục nó – bắt đầu bằng từng bước một!

Hãy chắc chắn rằng bạn chọn một công việc là do yêu thích. Vì nếu không thích điều đang làm, bạn sẽ khó lòng dành thời gian, nỗ lực và sự tân tâm cho nó, do đó sẽ rất khó thành công. Nếu công việc đó mang đến cho bạn niềm vui và sự thích thú, bạn sẽ chấp nhận làm tất cả vì nó. Bạn sẽ hào phóng thời gian, công sức và cả sự nỗ lực mà không hề cảm thấy phải hy sinh bất cứ điều gì trong cuộc sống.”

Kathy Whitworth,

Vận động viên đánh golf

Khó khăn, trở ngại không thể cản bước được tôi. Mỗi trở ngại càng làm tăng thêm ý chí trong tôi. Tôi nuôi dưỡng ước mơ và nhắm đến nó như hướng đến một vì sao, và cứ theo đó mà tiến bước.”



- Leonardo da Vinci

PHẦN I, MỤC ĐÍCH TẠO NÊN TINH THẦN

Bảy người bạn gặp trong chương trình này là những bằng chứng sống động cho thấy một mục tiêu kiên định sẽ tạo nên tinh thần không lùi bước mạnh mẽ như thế nào. Mỗi người tập trung theo đuổi một mục tiêu riêng, có niềm đam mê khác nhau nhưng khi gặp trở ngại, họ đều dùng sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn. Họ không để cho bất kỳ trở lực nào cản bước mình trên con đường tiến đến ước mơ.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vai trò quan trọng của mục tiêu trong việc đạt được ước muốn của cuộc đời. Điều quan trọng là bạn biết ước muốn thật sự của mình là gì để thể hiện nó.



CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

LÁ THƯ YÊU THƯƠNG

Mỗi tuần, Linda Bremener gửi đi một nghìn lá thư cho những đứa trẻ không quen biết. Cha mẹ thường không muốn con mình nhận thư của người lạ, nhưng các bậc cha mẹ này thì không phải thế. Bọn trẻ viết thư trả lời, cảm ơn bà, và cha mẹ chúng cũng vậy. Những lá thư của Linda mang đến cho bọn trẻ hy vọng, giúp chúng thêm yêu cuộc sống hoặc chỉ đơn giản là mang đến cho chúng niềm vui nho nhỏ trong ngày qua những trang thư tràn đầy tình yêu thương.

Mọi chuyện bắt đầu vào một ngày của tháng 11 năm 1980, khi Andy, đứa con trai tám tuổi của Linda, bị phát hiện mắc bệnh ung thư gan. Sau khi từ bệnh viện trở về nhà, cháu nhận được hàng chục thư từ, bưu thiếp của bạn bè và người thân gửi đến san sẻ động viên tinh thân.

“Dù trước khi người đưa thư đến, cháu có mệt mỏi thế nào đi nữa, thì sau khi nhận thư, trông cháu cũng khỏe ra rất nhiều”, bà Linda nhớ lại.

Tuy nhiên, dần dần những lá thư và bưu thiếp đó cũng ít dần đi và rồi ngưng hẳn. Tinh thần của Andy cũng theo đó suy sụp dần. Lo lắng cho sức khỏe của con, Linda tự viết cho cậu bé một lá thư và ký tên “Người bạn bí mật”. Andy phấn chấn hẳn lên. Sau đó, mỗi ngày bà đều viết một lá thư động viên con trai mình và gửi nó qua đường bưu điện.

Mọi việc cứ tiếp diễn như vậy cho đến khoảng một tháng sau, một ngày nọ, Linda thấy Andy cặm cụi vẽ hình hai chon kỳ lân. Cậu bé giải thích là để gửi tặng “người bạn bí mật”. Đêm đó, sau khi đưa con vào giừng ngủ, Linda cầm bức tranh lên xem, một dòng ghi chú bên dưới bức tranh làm tim Linda nhói đau: “Mẹ ơi, con yêu mẹ!”

Đã từ lâu, Andy biết rằng chính mẹ là người đã gửi những lá thư đó cho mình. Nhưng điều đó có gì là quan trọng – điều quan trọng là những lá thư đó đã làm cho Andy hạnh phúc và góp phần nâng đỡ tinh thần cho cậu bé. Cuộc sống quý giá của Andy chấm dứt vào khoảng gần bốn năm sau đó; cháu mất ngày 31 tháng 8 năm 1984.

“Mặc dù hai đứa con khác rất tuyệt vời, nhưng nỗi đau buồn vì mất Andy vẫn rất khó nguôi ngoai. Tôi cảm thấy cuộc đời mình như chấm dứt vào ngày cháu mất”, Linda nhớ lại. Lục tìm những món đồ còn lại của Andy, Linda thấy trong tủ cháu một chiếc hộp. Bên trong hộp là quyển sổ nhỏ ghi địa chỉ và tên họ của những người bạn cháu quen trong bệnh viện ung thư không lâu trước khi cháu qua đời. Quyển sổ này làm cho Linda nghĩ rằng có thể cháu muốn bà làm “người bạn bí mật” cho những người bạn đau ốm của cháu, giống như bà đã từng làm với cháu.

Thế là bà quyết định gửi cho mỗi đứa trẻ trong quyển sổ của mình một tấm bưu thiếp. Trước khi bà kịp gửi đến đứa cuối cùng thì có một đứa bé mười hai tuổi đã viết thư cám ơn bà. Trong thư, đứa bé ấy viết: “Con không nghĩ có ai đó trên đời này biết rằng con còn sống”. Những dòng chữ này làm bà nhận ra rằng không chỉ có bà là người bị tổn thương. Bà lặng lẽ khóc, lần này không phải cho Andy hay cho bà, mà là cho đứa trẻ cô đơn, sợ hãi, đang phải đối mặt từng ngày với bệnh tật và rất cần có người quan tâm đến mình.

Vừa trả lời xong lá thư đó, bà nhận được tiếp một lá thư tương tự của một đứa trẻ khác trong danh sách của Andy. Mọi việc bắt đầu như thế. Bà đã nghe thấy tiếng gọi thiêng liêng, đã tìm được mục tiêu để mang lại cho cuộc sống của mình một ý nghĩa mới tốt đẹp hơn. Bà tự hứa với lòng sẽ viết thư cho bất kỳ đứa trẻ nào cần đến bà, cho đến khi nào chúng hoặc bản thân bà không thể viết được nữa mới thôi.

Những lá thư và bưu thiếp của bà rất ngắn gọn, chỉ vài dòng nhưng đem lại sự động viên tinh thần rất mạnh mẽ và phù hợp với hoàn cảnh từng đứa trẻ. Bọn trẻ viết thư trả lời và cha mẹ chúng cũng vậy. Họ cảm ơn bà đã mang lại sức sống mới và sự động viên cho con của họ. Linda liên hệ với bạn bè và hàng xóm của mình và chẳng bao lâu sau, họ đã lập nên một tổ chức tình nguyện viết thư động viên tinh thần cho các em nhỏ cô đơn. Họ đặt tên cho hội là Hội Lá thư Tình thương.

Linda cùng với các thành viên trong hội làm việc không biết mệt mỏi, họ dùng hết sức mình để giúp đỡ những đứa trẻ cố gắng vượt qua số mệnh không may. Tuy nhiên công việc của họ ngày một trở nên nặng nề hơn khi nhu cầu ngày càng tăng cao trong khi nguồn lực của họ có hạn, ngoài ra họ còn gặp khó khăn về tài chính như không đủ tiền để mua giấy viết thư hay tem thư… Khi đó số tiền tài trợ từ cộng đồng và những nhóm hảo tâm cạn dần, Hội Lá thư Tình thương đã đến gặp khoảng bốn mươi công ty để xin tài trợ, thế nhưng mọi lời thỉnh cầu đều bị từ chối. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục gửi thư cho bọn trẻ. Đối với Linda và ba mươi lăm người tình nguyện khác, bọn trẻ có tầm quan trọng lớn lao. Họ đã làm mọi cách để duy trì hoạt động – tổ chức bán bánh, bán quần áo cũ hoặc đơn giản là sử dụng tiền túi.

Ngày nay, hơn mười năm sau khi Linda viết lá thư đầu tiên cho một đứa trẻ bà chưa hề gặp mặt, Hội Lá thư Tình thương mỗi năm gửi đi hơn 60.000 lá thư. Nguồn tài chính của hội vẫn còn rất ít ỏi, nhưng quyết tâm của họ đã có hồi đáp. Ba mươi lăm người tình nguyện đóng góp mỗi tuần khoảng 400 giờ công viết thư. Ngoài việc gửi thư cho 1.100 đứa trẻ mỗi tuần, hội còn gửi từ 90 đến 110 món quà sinh nhật hàng tháng. Đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hội cố gắng để mỗi ngày những đứa trẻ này đều nhận được một món quà hay một lá thư. Mỗi năm, Hội Lá thư Tình thương mất đi khoảng 200 đứa trẻ trong danh sách người nhận, có thể chúng đã khỏe lại và xuất viện, nhưng cũng có thể chúng đã qua đời. Điều đáng buồn là lại có những cái tên mới xuất hiện trong danh sách của họ.

Bản thân Linda đóng góp khoảng từ bảy mươi đến tám mươi giờ làm việc mỗi tuần để giữ cho hội tiếp tục hoạt động. Cứ mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ công việc này thì lại có một cuộc điện thoại gọi đến – lại có một đứa trẻ khác hoặc một cha mẹ khác gọi đến để cảm ơn và để nói cho bà biết tầm quan trọng của công việc mà hội đang làm.

“Những điều đó như tiếp thêm sức sống cho tôi”, bà nói, “vì tôi đã từng chứng kiến sức mạnh của một lá thư tình thương trong việc mang đến sự phấn khởi tinh thần cho một đứa trẻ”.

Bà đã cho đi rất nhiều, nhưng bà nhận lại cũng không ít: một lý do để sống, một phương tiện biểu lộ tình thương, và một cảm nhận về mục đích sống.

Tôi sẽ tiếp tục những gì mình đang làm cho đến hết cuộc đời vì điều này rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã thấy một đứa trẻ khóc, tôi cũng đã nhìn thấy một đứa trẻ mỉm cười. Tôi thích những nụ cười hơn và điều quan trọng là tôi biết việc mình làm đem lại nụ cười cho những gương mặt trẻ thơ”.



Linda Bremner

TÔI SẼ KHÔNG SỐNG TRONG VÔ VỌNG

Nếu có thể cứu được một trái tim tan vỡ

Tôi sẽ không sống trong vô vọng

Nếu có thể làm cho cuộc đời ai đó bớt u buồn

Giúp xoa dịu một cơn đau nhức nhối

Hay cứu một chú chim đang bất tỉnh

Đưa nó trở về tổ ấm của mình

Tôi sẽ không sống trong vô vọng.

Emily Dickinson

Vũ khí hùng mạnh nhất trên đời chính là linh hồn con người được nung nấu bởi sự quyết tâm.”



Thống Chế Foch

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN KHỔ

Cậu mang theo lương thực đủ dùng cho năm ngày, một quyển Kinh thánh và quyển Người Hành Hương (hai tài sản quý giá nhất của cậu), một chiếc búa nhỏ để tự vệ và một chiếc mền. Vũ trang bằng những thứ thô sơ này, Legson Kayira hăng hái khởi hành chuyến đi quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Cậu sẽ đi bộ từ ngôi làng nhỏ của mình ở Nyasaland, phía bắc vùng hoang dã Đông Phi đến tận Cairo, rồi sẽ tìm cách lên một con tàu nào đó, tìm đường sang Mỹ để vào đại học.

Lúc đó là tháng 10 năm 1958, Legson mười sáu hay mười bảy tuổi thì mẹ cậu cũng không nhớ rõ. Cha mẹ cậu mù chữ và không biết chính xác nước Mỹ ở đâu hoặc cách họ bao xa. Nhưng sau cùng, dù không muốn, họ cũng phải để cho cậu lên đường.

Đối với Legson, chuyến đi này hình thành từ một giấc mơ. Dù thế nào đi nữa thì cũng chính giấc mơ này đã nung nấu quyết tâm của cậu là phải học hành đến nơi đến chốn. Cậu muốn được như thần tượng của mình, Abraham Lincoln, một người đã vươn lên từ nghèo khó để trở thành tổng thống Hoa Kỳ, và đã chiến đấu không mệt mỏi để góp phần giải phóng cho những người nô lệ da đen. Cậu muốn được như Booker T. Wasington, người đã vứt bỏ xiềng xích nô lệ để trở thành nhà cải cách và giáo dục uy tín của Hoa Kỳ, mang đến hy vọng và phẩm giá cho chính bản thân và cho những người da đen cùng khổ như ông.

Cũng như những thần tượng của mình, Legson muốn được phục vụ loài người, muốn thay đổi cả thế giới. Để thực hiện được mục tiêu của mình, trước hết cậu phải được học tập ở một trong những nơi có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Cậu biết rằng nơi tốt nhất để có được điều này là nước Mỹ xa xôi.

Hãy quên đi rằng Legson không có một xu dính túi và chẳng có cách nào trả tiền vé tàu.

Hãy quên đi rằng cậu chẳng hề có ý niệm gì về trường đại học mà cậu muốn theo học và cũng chẳng biết họ có chấp nhận cậu không.

Hãy quên đi rằng Cairo cách nơi cậu ở 3.000 dặm và trên đường đi cậu phải băng qua hàng trăm bộ lạc, nói hơn 50 thứ tiếng khác nhau mà cậu thì không hề biết thứ tiếng nào.

Hãy quên hết tất cả những điều đó. Legson đã quên. Cậu phải quên. Cậu gạt bỏ mọi thứ ra ngoài tâm trí, chỉ trừ giấc mơ đến được đất nước nơi cậu có thể tạo nên số mệnh cho mình.

Chưa bao giờ cậu quyết tâm cao như thế. Là một đứa bé, cũng có khi cậu dùng sự nghèo khổ của mình để biện minh cho việc không thể học giỏi hoặc khi cậu không làm được điều gì đó. Ta chỉ là một đứa bé nghèo, cậu đã từng nhủ với mình như thế. Ta có thể làm được gì đây?

Cũng như nhiều bạn bè khác trong làng, Legson tin rằng việc học hành chỉ làm mất thời giờ đối với một đứa trẻ nghèo sống ở thị trấn Karongo thuộc Nyasaland. Thế rồi, các nhà truyền giáo đưa cho cậu sách nói về Abraham Lincoln và Booker T. Washington. Những câu chuyện về họ đã mở ra trước mắt cậu một chân trời mới và cậu hiểu rằng bước đầu tiên cho những giấc mơ này là học tập. Từ đó, cậu hình thành nên ý tưởng đến Cairo.

Sau năm ngày dài đằng đẳng đi bộ qua những vùng lãnh thổ núi non của châu Phi, Legson chỉ đi được có 25 dặm. Cậu đã hết lương thực, nước uống cũng cạn dần và không một đồng xu dính túi. Đoạn đường 2.975 dặm còn lại có vẻ như không thể vượt qua được. Thế nhưng quay về có nghĩa là đầu hàng, là chấp nhận cuộc sống đói nghèo, ngu dốt như xưa.

Ta sẽ không bao giờ dừng lại trước khi đến được nước Mỹ, cậu tự hứa với mình như thế. Ta thà chấp nhận chết trên đường đi chứ nhất quyết không quay về. Và cậu tiếp tục cuộc hành trình.

Cũng có khi cậu đi chung với người lạ, nhưng hầu hết thời gian cậu đi một mình. Cậu đi vào từng ngôi làng một cách cẩn thận, vì không biết dân làng có thái độ thân thiện hay thù nghịch. Thỉnh thoảng cậu kiếm được việc làm và chỗ ở, nhưng rất nhiều đêm cậu phải ngủ ngoài trời. Cậu ăn trái cây rừng và bất cứ thứ rau quả nào ăn được. Kết quả là người cậu ngày càng gầy ốm và yếu đuối.

Một cơn sốt quật ngã cậu và có vẻ như cậu sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa. May mắn là những người tốt bụng đã cứu chữa cho cậu bằng các loại dược thảo, rồi cho cậu một nơi để nghỉ ngơi, hồi phục sức lực. Trong tình trạng suy kiệt và chán nản, Legson nghĩ đến chuyện trở về. Cậu nghĩ rằng có lẽ nên trở về nhà thay vì tiếp tục cuộc hành trình ngu xuẩn này để có thể mất mạng trên đường đi.

Một lần nữa, Legson mở hai quyển sách ra, đọc lại những dòng chữ quen thuộc để làm sống lại niềm tin vào chính mình và niềm tin vào mục đích sau cùng. Và rồi cậu tiếp tục lên đường. Vào ngày 19 tháng 1 năm 1960, mười lăm tháng sau khi cậu bắt đầu chuyến đi gian khổ, hiểm nguy đó cậu đến được Kampala, thủ đô của Urganda, sau khi đã vượt đoạn đường gần một ngàn dặm. Cậu ở lại Kampala sáu tháng, làm đủ mọi nghề vặt vãnh để kiếm tiền và tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để vào thư viện, đọc ngấu nghiến tất cả những gì cậu được phép chạm đến.

Trong thư viện nhỏ bé đó, cậu tình cờ phát hiện ra một quyển danh bạ các trường đại học Hoa Kỳ có kèm minh họa. Có một bức hình làm cậu đặc biệt chú ý. Đó chính là một ngôi trường cũ kỹ nhưng trông rất thân thiện, nổi lên trên nền trời xanh với những bãi cỏ xanh mát và vòi nước phun, xung quanh là những ngọn núi cao hùng vĩ nhắc cho cậu nhớ đến những đỉnh núi chọc trời ở quê nhà Nyasaland của mình.

Trường đại học Skagit Valley ở Mount Vernon, tiểu bang Washington, đã trở thành hình ảnh cụ thể đầu tiên của một ngôi trường đại học ở Mỹ trong khát vọng dường như không tưởng của L. Ngay lập tức cậu viết thư cho ông hiệu trưởng, giải thích hoàn cảnh của mình và xin ông một suất học bổng. Vì sợ rằng có thể không được nhận vào trường Skagit nên Legson cố gắng viết thư cho thật nhiều trường đại học trong chừng mực số tiền khiêm tốn của cậu cho phép.

Điều cậu lo sợ đã không xảy ra. Ông hiệu trưởng đại học Skagit xúc động vì hoàn cảnh và quyết tâm của cậu nên không những nhận cậu vào học mà còn cho cậu một phần học bổng. Người đàn ông tốt bụng này còn giúp cậu một việc làm để trả tiền ăn ở.

Một phần giấc mơ của cậu đã thành sự thật, nhưng vẫn chưa hết trở lực trên đường đi. Legson cần phải có hộ chiếu và thị thực nhập cảnh. Và để có được thị thực nhập cảnh, cậu phải có đủ tiền mua vé khứ hồi đi Mỹ.

Một lần nữa, cậu cầm lấy bút và viết thư cho những nhà truyền giáo đã dạy học cho cậu từ lúc còn bé nhờ trợ giúp. Họ vận động chính phủ cấp hộ chiếu cho cậu. Trở ngại cuối cùng cậu phải vượt qua là số tiền mua vé máy bay để có được thị thực nhập cảnh.

Không nản lòng, Legson tiếp tục hành trình đến Cairo với niềm tin vững chắc rằng sẽ có cách kiếm được số tiền cần thiết. Cậu tin chắc vào điều đó đến mức đã dùng số tiền dành dụm cuối cùng mua một đôi giày để không phải bước chân vào đại học Skagit bằng đôi chân trần.

Nhiều tháng trôi qua, và câu chuyện về chuyến đi dũng cảm của cậu bắt đầu được truyền tụng khắp nơi. Đến lúc cậu tới được Khatorum trong tình trạng kiệt sức và không một đồng xu dính túi, thì huyền thoại Legson đã vượt ra khỏi đại dương ngăn cách lục địa châu Phi và Mount Vernon, Washington. Các sinh viên đại học Skagit Valley cùng với người dân địa phương đã quyên góp đủ 650 đôla để trả tiền vé máy bay cho cậu sang Mỹ.

Khi biết được lòng tốt của những người chưa hề quen tận bên kia bờ đại dương, cậu đã quỵ xuống vì vui mừng, kiệt sức và biết ơn. Vào tháng 12 năm 1960, tức hơn hai năm kể từ lúc bắt đầu chuyến đi, Legson Kayira đặt chân đến đại học Skagit Valley. Cầm trên tay hai quyển sách quý giá, cậu hiên ngang bước chân qua cánh cổng hùng vĩ của ngôi trường mơ ước.

Nhưng Legson không dừng bước sau khi đã tốt nghiệp đại học. Tiếp tục con đường học vấn của mình, cậu trở thành giáo sư khoa học chính trị, cậu trở thành giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Cambridge tại Anh và là một tác giả với nhiều quyển sách nghiên cứu có giá trị lớn.

Cũng như thần tượng của mình là Abraham Lincoln và Booker T. Washington, Legson Kayira đã vươn lên từ một điểm xuất phát hết sức thấp kém và tự tạo nên số phận cho mình. Cậu đã thay đổi cả thế giới và trở thành ngọn hải đăng rực sáng dẫn đường cho bao số phận nghèo khổ khác như mình tiến bước.

Không giống như nhiều người Phi Châu khác, tôi đã học được một điều rằng mình không nên là nạn nhân của hoàn cảnh mà phải là người chiến thắng được hoàn cảnh”.




tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương