Cynthia kersey



tải về 0.61 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#31500
1   2   3   4   5   6   7   8

Sheri Poe

Hạnh phúc không phải là thứ có được qua sự tự hài lòng, mà phải là sự trung thành với một mục tiêu cao đẹp trong đời.”



Hellen Keller

CÂU CHUYỆN THỨ CHÍN

KHÔNG TỪ BỎ ƯỚC MƠ

Có thể đó là tiếng gõ nhịp đều đặn của chiếc đồng hồ văn phòng. Cũng có thể đó là giọng nài nỉ vang vọng trong đầu mà cô không thể nào bắt nó im đi được khi năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua.

Dù có là gì đi nữa thì đó cũng là một ngày đặc biệt trong cuộc đời của Robyn Allan khi cô quyết định rời văn phòng đúng giờ tan sở, trèo lên một chiếc taxi và làm điều mà cô mong muốn làm hơn bất cứ điều gì khác trên đời: múa.

“Tôi tự thề với mình rằng dù thế nào thì vẫn phải lên taxi đúng giờ tan sở để tiếp tục theo đuổi nghiệp múa. Khi ngồi trên xe rồi, tôi lại cảm thấy day dứt vì đã ra về đúng giờ thay vì làm việc thêm như mọi khi. Lần kế tiếp, tôi thấy dễ dàng hơn khi ra về đúng giờ. Từ đó về sau, mọi việc ngày càng trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Robyn là nhà kinh tế học tài năng, đảm nhận chức vụ cao trong một công ty tài chính của Canada ở Vancouver. Cô có hai đứa con và một ngôi nhà xinh xắn thế nhưng cô vẫn thấy trong lòng trống vắng; cảm thấy dường như mình vẫn chưa thật sự sống trọn vẹn. Từ năm mười sáu tuổi, khi tham gia lớp múa đầu tiên, cô đã có niềm đam mê cháy bỏng và mong muốn được trở thành vũ công chuyên nghiệp. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn theo học các lớp dạy múa và tham gia biểu diễn nhưng chưa bao giờ cô thực sự bộc lộ hết năng lực cần thiết để thành công. Trong khi đó, công việc kinh doanh lại đến với cô dễ dàng hơn. Cô lấy bằng thạc sĩ kinh tế và thành công trong nghề nghiệp của mình.

“Cha mẹ tôi vẫn dạy rằng hãy làm những gì mình có thể làm tốt và nếu không thể làm tốt được điều gì đó thì đừng làm. Tôi đam mê nghệ thuật múa nhưng không đủ tài năng để trở nên nổi trội, tôi luôn mang trong lòng cảm giác dằn vặt giữa hai thái cực – từ bỏ hay là tiếp tục theo đuổi nó”.

Nghe theo lời dạy của cha mẹ và tuân theo những điều mà cô cảm thấy rằng xã hội cần đến cô, Robyn chôn vùi đam mê và tận tâm với gia đình, sự nghiệp. Tuy nhiên, cô luôn mơ đến một ngày sẽ làm được một chương trình biểu diễn nghệ thuật múa trọn vẹn tại nhà hát. Nhưng cô vẫn tự thuyết phục mình là khôn có thời gian, năng lực, sự sáng tạo và tài chính để làm được điều này.

Một ngày kia, đang ngồi trong văn phòng cô chợt nhận ra một điều làm cô bứt rứt không yên – cô đã ba mươi hai tuổi và ngày càng già đi, nếu cứ lưỡng lự cô sẽ không còn cơ hội để biểu diễn trên sân khấu nữa, và sẽ không bao giờ hoàn thành được ước mơ của mình. Ngay lúc đó, cô cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt – cô sẽ dàn dựng một buổi trình diễn, cho dù người ta có cười nhạo cô, cho dù cô có phải múa trong một nhà hát vắng ngắt khán giả. Đó là ngày cô quyết định nhảy lên chiếc taxi và trở lại với những bài học múa bằng một quyết tâm không gì lay chuyển nổi.

Sự đam mê và lòng quyết tâm tạo nên những điều thật kỳ diệu. Vài ngày sau, một người bạn cho cô xem bài báo nói về Andravy Mayes, một biên đạo múa đồng thời là nghệ sĩ múa ở Los Angeles sẽ đến mở lớp ở vùng White Rock gần đó. Robyn do dự, sau đó thu hết can đảm gọi điện cho ông này. “Mọi việc sau đó diễn ra như một phép thần kỳ - chúng tôi gặp nhau và sau khi nghe tôi bày tỏ nỗi lòng ông ấy đã đồng ý giúp tôi thực hiện ước mơ của mình”.

Và trong những giờ nghỉ, hai người cùng nhau viết nên tác phẩm “Don’t Break the Glass”, một vở nhạc kịch nói về một người phụ nữ phấn đấu tìm được vị trí cho mình trên sân khấu và trong cuộc đời. Họ dàn dựng từng màn của vở nhạc kịch, tập các vai chính và chiêu mộ thêm diễn viên, nghệ sĩ múa khác cho các vai còn lại. Andravy là người thầy và người bạn mà Robyn đang cần.

“Ông ấy biết cách giúp tôi thể hiện những điểm mạnh của mình, làm cho tôi xuất hiện trong tư thế đẹp hơn, theo đúng cách của một biên đạo múa – giúp diễn viên xuất hiện dưới ánh sáng tốt nhất hoặc góc quay hình đẹp nhất. Ông ấy biết rõ năng lực của tôi, tôi có thể làm được gì và không làm được gì”.

Mặc dù Andravy biết cách tập trung vào những điểm mạnh của Robyn, nhưng rõ ràng con đường trở thành diễn viên múa không hề đơn giản và dễ dàng. Vở nhạc kịch đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý và sự kiên trì nhẫn nại vô biên, kể cả khi mọi việc diễn ra không như ý muốn, kể cả khi thể xác bị đớn đau vì luyện tập không ngừng nghỉ. Qua nhiều lần tập luyện, Robyn trở nên tiến bộ vượt bậc và mọi việc bắt đầu đi vào khuôn khổ.

Điều ngạc nhiên nhất đối với Robyn là cô không hề phải hy sinh những điều khác trong cuộc sống để theo đuổi ước mơ của mình. “Trước nay tôi vẫn nghĩ rằng nếu ta làm điều gì đòi hỏi nhiều nỗ lực, thì những chuyện khác sẽ bị bỏ bê, ví dụ như con cái hay sự nghiệp. Trái lại, tôi làm việc với năng suất cao hơn và đạt kết quả tốt hơn cả trước. Tôi trở nên tự tin và ý thức rõ về bản thân. Tôi cũng vui vẻ hơn và dành thời gian cho con cái nhiều hơn. Chúng cũng phụ giúp tôi trong những việc như mang đồ đạc, điều chỉnh ánh sáng và chúng rất thích làm những điều này. Chưa bao giờ gia đình chúng tôi gắn bó và thân thiết với nhau như thế.”

Bảy tháng sau khi gặp Andravy, vở nhạc kịch “Don’t Break the Glass” ra mắt thành công ở Vancouver. Nó được chào đón nồng nhiệt đến mức Robyn và Andravy tiếp tục đưa vở kịch đến diễn tại White Rock. “Người ta ưa thích vở kịch vì nó thể hiện đúng tâm trạng của họ. Con người ta ai cũng có những ước mơ chưa thực hiện được, và nhiều người đã bỏ qua cơ hội khám phá kho báu vô giá trong năng lực của chính mình – đó chính là sự dao động giữa con người hiện tại và con người họ mong muốn trở thành”.

Robyn tiến bước trong đời với cả hai sự nghiệp – công việc kinh doanh và trên sân khấu. Cô trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc cho công ty bảo hiểm British Columbia, công ty bảo hiểm lớn nhất Cânda. Với tư cách là chủ tịch công ty riêng của mình, cô là một nhà tư vấn doanh nghiệp và là một diễn giả được nhiều nơi mời đón. Thế nhưng Robyn vẫn thu xếp được thời gian để sản xuất, biên đạo và trình diễn cho bốn chương trình vũ kịch thu hút nhiều khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao. Robyn Allan đã làm được điều mình mong muốn bằng cách lắng nghe tiếng nhạc vọng lên từ trái tim mình.

Nhiều người trong chúng ta không dám theo đuổi đam mê hay những điều mình mong muốn nhất vì như thế có nghĩa là chấp nhận rủi ro và thậm chí phải đối mặt với cả sự thất bại. Nhưng theo đuổi đam mê bằng bầu nhiệt huyết nóng bỏng của con tim và một tinh thần quyết chí, bản thân nó đã là một thành công. Thất bại lớn nhất của con người là không bao giờ dám chấp nhận thử thách”.

Robyn Allan

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Một đặc tính quan trọng giúp tôi đạt được thành công chính là sự nhiệt tình. Tôi luôn cảm thấy phấn khích đối với mọi điều mình làm và tôi thấy rằng đam mê là một thứ có thể lây lan.

Thái độ này đã giúp ích tôi không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh giải trí mà còn hỗ trợ tôi rất nhiều trong các dự án giúp đỡ người khác. Thông thường, những dự án này mang đến cho tôi nhiều sự tưởng thưởng hơn là các thành công trong nghề nghiệp. Một trong những dự án phi lợi nhuận của tôi là “Bàn tay nước Mỹ” năm 1986. Nguồn cảm hứng để tôi thực hiện dự án này đến từ chiến dịch “Africa We Are the World”, trong đó hàng chục ca sĩ và nhạc sĩ hàng đầu thế giới đã tập trung lại cùng hát và thu âm một bài hát để quyên góp được 60 triệu đôla giúp đỡ cho những gia đình người châu Phi gặp nạn đói. Trong khi tham gia tổ chức sự kiện này, tôi chợt nảy ra ý tưởng tạo nên một hàng rào bằng người băng ngang qua nước Mỹ vào ngày Chiến Sĩ Trận Vong để gửi đi thông điệp về quyết tâm của chúng tôi trong việc giải quyết tình trạng đói nghèo và vô gia cư. Tôi tưởng tượng đến cảnh hàng triệu người nắm tay nhau, tạo nên một hàng người liền lạc, kéo dài trên 4.000 dặm băng qua mười bảy tiểu bang của nước Mỹ.

Khi thảo luận ý kiến này, ai cũng cho rằng đó là một ý tưởng hay nhưng hết sức điên rồ, và về mặt logic là hoàn toàn không thể được. Thực tế chính tôi cũng không biết làm sao thực hiện được điều này. Nhưng vấn đề là do quá thích thú ý tưởng này, nên tôi tin rằng có thể thực hiện được. Tôi mang nhiệt tình của mình đến bàn với Sergio Zyman, phó giám đốc tiếp thị của Coca Cola và thuyết phục ông ta chi ra 5 triệu đôla để thực hiện dự án này. Với số tiền ban đầu đó, chúng tôi bắt tay vào tổ chức và quảng bá cho sự kiện này. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra những khó khó khăn phải đương đầu. Chúng tôi phải tiến hành vô số thủ tục pháp lý, hành chính để được cho phép ở từng tiểu bang, chỉ riêng tiền bảo hiểm đã mất đứt 3 triệu đôla. Các phương tiện truyền thông bắt đầu chỉ trích chúng tôi và dự án này đã trở thành đề tài cho những chuyện cười chế diễu. Thậm chí khi đi máy bay, tôi còn không dám ngồi gần cửa sổ để khỏi phải nhìn thấy những dặm đường vô tận mà tôi phải tìm người đứng cho đầy.

Mỗi ngày, tôi bay đến vài ba thành phố để diễn thuyết, xuất hiện trên TV để cố gắng kêu gọi người tình nguyện. Thế nhưng khi chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày 25 tháng 5, số người đăng ký chưa đầy một triệu, không bằng 20% số người chúng tôi cần. Chúng tôi phải tiếp tục quảng bá, giới thiệu sự kiện này và khuyến khích người dân Mỹ tham gia.

Vào ngày Chiến Sĩ Trận Vong năm 1986, có 5 triệu rưỡi người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em thuộc mọi màu da và sắc tộc đã đổ ra tham gia chiến dịch. Tổng cộng chiến dịch này đã quyên góp được 34 triệu đôla và được công nhận là chiến dịch có nhiều người tham gia nhất trong lịch sử. Nó trở thành biểu tượng cho niềm tin và được hàng trăm triệu người khác trên thế giới chứng kiến.

Nếu muốn làm được những điều to tát, bạn phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro thứ nhất là dám cảm nhận sâu sắc, có được niềm đam mê về những điều mình muốn thực hiện. Nhiệt tình là chìa khóa để vượt qua mọi trở ngại, cho dù ước mơ của bạn chỉ là để thay đổi một người hay một triệu người thì cũng vậy thôi.

Ken Kragen

Ken Kragen là một trong những giám đốc và nhà sản xuất thành công nhất Hollywood, quản lý những diễn viên như Kenny Rogers, Travis Tritt, Trisa Yearwood và Lionel Richie.

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Ngay từ đầu, tôi đã quyết định không để cho bất kỳ ý kiến của người nào ngăn cản đam mê trở thành nhạc sĩ của mình. Tôi lớn lên trong một nông trại ở miền đông bắc Scotland và bắt đầu học piano từ năm lên tám. Càng lớn, niềm đam mê âm nhạc của tôi càng tăng. Nhưng tôi cũng bắt đầu mất dần thính giác. Các bác sĩ kết luận rằng nguyên do là vì một dây thần kinh bị tổn thương và đến năm 12 tuổi, tôi bị điếc hoàn toàn. Nhưng tình yêu âm nhạc trong tôi lại không hề chết.

Mục tiêu của tôi là trở thành một người chơi solo nhạc gõ, mặc dù thời đó chưa ai làm được, tôi phải học cách “nghe” âm nhạc bằng một cách không giống với mọi người. Khi chơi nhạc, tôi bỏ giày ra, chỉ mang vớ và cảm nhận âm sắc của một nốt nhạc bằng sự rung động qua cơ thể và qua trí tưởng tượng. Thế giới âm thanh của tôi tồn tại bằng cách sử dụng tất cả những giác quan còn lại của mình.

Tôi quyết định phải chứng minh mình là một nhạc sĩ, không muốn người ta nhìn nhận tôi là một nhạc sĩ điếc. Tôi đăng ký vào Học Viện Âm Nhạc Hoàng Gia ở Luân Đôn, là trường âm nhạc danh tiếng nhất vào thời đó. Chưa từng có thí sinh khiếm thính nào dám thi vào đây và một số giáo viên không muốn nhận tôi. Thế nhưng qua bài thi trình diễn, tôi được nhận và sau cùng tốt nghiệp ra trường với hạng danh dự cao nhất.

Sau đó, tôi trở thành người đầu tiên trình diễn solo nhạc cụ gõ chuyên nghiệp. Tôi đã viết và sáng tác nhiều bản nhạc cho người chơi nhạc cụ gõ vì có rất ít bản được viết riêng cho thể loại này.

Tôi trở thành nghệ sĩ solo mười năm nay là vì ngay từ đầu tôi đã xác định dù các bác sĩ có chuẩn đoán thế nào tôi cũng không để ai ngăn cản niềm đam mê của mình. Bạn đừng để người khác xác định tương lai cho mình. Hãy làm theo những gì trái tim mách bảo vì chỉ điều đó mới đưa bạn đến được nơi bạn muốn đến.



Evelyn Glennie

Evelyn Glennie là phụ nữ đầu tiên trình diễn solo nhạc cụ gõ. Bà trình diễn 120 buổi hòa nhạc mỗi năm và đã ghi âm được chín đĩa hát.

Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn trong cuộc đời này nếu có được niềm tin vững chắc vào bản thân, một ý chí kiên định, một trái tim cháy bỏng và một số thần tượng để tạo nguồn cảm hứng cho mình.”



(Tyrone Mugsy Bogues – Trên Mảnh Đất Của Những Người Khổng Lồ)

PHẦN III, NIỀM TIN GIỮ VỮNG BƯỚC CHÂN

Điều gì đã thúc đẩy những con người bạn sẽ gặp trong chương này theo đuổi mục tiêu của họ khi tất cả những người xung quanh đều nói rằng điều đó là không thể được? Đó chính là niềm tin. Họ tin tưởng tuyệt đối vào ước mơ của mình cho dù không ai tin rằng họ làm được. Niềm tin là điều kiện tiên quyết để có được tinh thần không lùi bước. Với niềm tin vững chắc, bạn có thể biến mục tiêu và ước mơ của mình thành hành động cụ thể. Khi thật sự tin tưởng và hiều rõ sức mạnh của niềm tin, bạn có thể chịu đựng được những lần thất bại và có thể điều chỉnh được mình trong mọi tình huống.

Khi niềm tin được củng cố, khi nó có vị trí vững vàng trong tâm trí bạn và không điều gì làm ảnh hưởng, niềm tin đó sẽ trở thành quyết tâm sắt đã.

Nếu biết bỏ ngoài tai những lời chỉ trích và chiến thắng trở ngại, sẽ không giới hạn nào bó buộc và ngăn cản được bước chân bạn.

Có những cuộc chiến mà ta không thể thắng ngay từ lần đầu ra quân”



Margaret Thatcher

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI

NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĐÁNG NỂ PHỤC

Điều đó không thể được. Một người liệt cả tứ chi, ngồi xe lăn, lại muốn tham gia chạy maratong thi ba môn phối hợp và thậm chí cả cuộc thi nổi tiếng Người Đàn Ông Mạnh Nhất Thế Giới. Điều đó hoàn toàn không thể được, thế nhưng lại một lần nữa, anh về đích, trước cả một số người tham gia, với nụ cười rạng rỡ trên môi đã trở nên vô cùng thân thuộc với người xem.

Rick Hoyt đã 631 lần băng ngang sợi băng rôn về đích trong hai mươi năm qua và thường là anh nằm trong số 50% người về sớm nhất, thậm chí có khi anh là người thắng cuộc. Nhưng anh không bao giờ về đích một mình. Có khi trước anh, có khi sau anh, là một nửa còn lại của đội gia đình Hoyt, tức Dick, bố anh.

Người ta cũng không thể tin vào những gì ông Dick làm được – một người đàn ông tuổi trung niên, kiên trì chạy từng dặm đường một, đẩy người con trai trên chiếc xe lăn. Ông cũng chính là người đặt Rick lên xe đạp, đua theo đoạn đường lên xuống mọi con dốc. Chính ông đã đẩy Rick bơi qua hai dặm đường trong những cuộc thi ba môn phối hợp.

Nhưng gia đình Hoyt có thói quen làm những điều người khác cho rằng không thể được.

Năm 1962, khi Rick chào đời, các bác sĩ nói với cha mẹ anh rằng đứa con bé bỏng của họ sẽ chỉ mang lại cho họ sự đau buồn và khuyên hai ông bà nên đưa con vào viện chăm sóc trẻ khuyết tật. Rick mắc bệnh bại não nên toàn thân không cử động được và phải sống đời sống thực vật suốt đời. Bác sĩ khẳng định như thế và còn nói thêm rằng sẽ không bao giờ đứa bé có thể hòa nhập vào xã hội được.

Bất chấp lời khuyên của họ, gia đình Hoyt vẫn mang đứa bé về nhà ở vùng North Reading, tiểu bang Massachusetts và quyết định nuôi đứa con tật nguyền của mình như một người bình thường. Vào thời đó, y học chưa hiểu nhiều lắm về bệnh bại não và do đó chưa thể xác định mức độ “thiểu năng” của Rick. Học cách sống với một đứa trẻ thiểu năng trầm trọng là điều khó khăn đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào, nhưng gia đình Hoyt không phải là những người bình thường. Họ bắt đầu chứng minh “thiểu năng” chỉ là những thử thách để chiến thắng, không phải là những rào cản không thể vượt qua.

Cách giao tiếp duy nhất của Rick là gật đầu khi đồng ý và lắc đầu khi muốn nói không. Các chuyên viên ngôn ngữ tin rằng Rick không thể nào nói được. Cha mẹ anh thì tin vào điều ngược lại. Họ quyên được 5.000 đôla tặng cho đại học Tufts để hỗ trợ việc nghiên cứu chế tạo thiết bị giao tiếp tương tác đầu tiên. Thiết bị này cho phép một người không nói được có thể “trò chuyện” bằng cách lướt qua một bảng chữ cái và chữ số điện tử để chọn từ cần thiết, tạo nên một thông điệp trọn vẹn. Khi Rick được mười hai tuổi, thiết bị này đã sẵn sàng đưa vào thử nghiệm. Các kỹ sư của đại học Tufts và gia đình Hoyt hồi hộp đứng xung quanh Rick, chờ nghe những từ đầu tiên của cậu bé. Rick dùng đầu chạm vào một cần gạt điện tử để phát ra âm thanh: “Đi đi, gấu”.

Dick kể lại: “Tất cả chúng tôi đều phá lên cười vì Rick đã khẳng định điều lâu nay chúng tôi vẫn tin. Nó có một tinh thần mạnh khỏe, năng động và cả óc hài hước nữa”.

Vì Rick tỏ vẻ quan tâm đến thể thao nên gia đình thường mang cậu theo những lần đi câu cá, bơi thuyền và thậm chí cả leo núi. Cậu tham gia bằng cách được cột chặt vào lưng của cha. Gia đình cậu nhận ra sự ham thích phiêu lưu, thử thách của cậu và thấy ở cậu một con người có đầu óc bình thường, với nhu cầu, hy vọng bình thường như mọi người và ý muốn được người khác tôn trọng. Thiết bị giao tiếp tương tác đóng một vai trò lớn trong việc giúp Rick diễn đạt điều mình muốn và thể hiện rằng cậu là một người ham học hỏi và thông minh. Thế nhưng trường học không nhận cậu với lý do là cậu không tự đi đứng, ăn uống và nói chuyện được. Năm mười bốn tuổi, nhờ phát triển được khả năng giao tiếp thông qua thiết bị này và cũng nhờ một đạo luật mới quy định mọi trẻ em đều có quyền đi học, sau cùng Rick cũng được nhận vào trường trung học, nơi có những trợ lý đặc biệt để giúp cậu trong những nhu cầu bình thường. Cũng trong giai đoạn phát triển quan trọng này, Rick đã tìm thấy chất xúc tác cho sự nghiệp thể thao phi thường của mình sau này.

Năm 1977, khi Rick mới mười bảy tuổi, cậu nghe tin có một cuộc chạy bộ năm dặm sẽ được tổ chức để quyên góp tiền chữa bệnh cho một sinh viên đại học bị tai nạn xe hơi. Rick nói với cha rằng cậu muốn “chạy” trong cuộc thi này để góp phần mình cho người sinh viên kia. Phản ứng đầu tiên của cha cậu là vô cùng kinh ngạc. “Tôi nghĩ, bản thân mình, bốn mươi tuổi, mỗi tuần tập chạy vài buổi chỉ để giữ gìn sức khỏe, chưa hề dám nghĩ đến việc tham dự một cuộc đua nào. Tôi chẳng hiểu nổi làm sao mình có thể tham gia một cuộc đua, đó là chưa nói đến việc phải đẩy thêm chiếc xe lăn của Rick nữa. Nhưng tôi biết điều này có ý nghĩa rất lớn đến tinh thần con trai tôi cho nên sau cùng tôi đồng ý.”

Sau cuộc đua, ông Dick phải nằm liệt giường mất hai tuần, đau đớn khắp người. Nhưng một đêm nọ, trong khi ông đang xoa bóp các bắp cơ, Rick đến bên ông gõ một thông điệp đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông kể từ đó: “Bố ơi, khi con chạy cùng với bố, con có cảm giác như mình con không còn là người tàn tật nữa”. Sau cùng Rick đã tìm được điều có thể mang đến cho cậu sự tự do. Ngay lúc đó, ông Dick biết rõ mình phải làm gì. Nếu Rick muốn trở thành vận động viên và tham gia các cuộc tranh tài, ông sẽ cho con mượn tay chân của mình để làm được điều nó ham thích. Nhưng muốn vậy, ông phải thiết kế một chiếc xe lăn nhẹ hơn để không phải cố gắng quá mức khi tham gia.

Hai năm sau đó, ông Dick cùng với một kỹ sư nữa vừa nghiên cứu thiết kế một chiếc xe lăn đặc biệt vừa cùng với Rick tập luyện và tham gia các cuộc tranh tài trong vùng bằng chiếc xe cũ. Khi chiếc xe mới hoàn thành vào tháng 9 năm 1979, hai cha con tham gia cuộc thi chính thức đầu tiên, cuộc đua năm dặm ở Springfield, bang Massachustts. Họ về đích thứ 150 trong tổng số 300 người tham gia. Họ tiếp tục tham gia những cuộc đua ở nhiều thành phố khác vào những ngày nghỉ cuối tuần. Họ dám ghi tên tham dự cả cuộc đua Marathon Boston nổi tiếng – một chặng đường 26,2 dặm cực kỳ gian khổ. Cha con ông đăng ký vào danh sách những vận động viên đi xe lăn, vì người khuyết tật cũng được tham gia vào cuộc đua này và người ta dành đường chạy riêng, giải thưởng riêng cho họ. Rick là một người bại liệt hoàn toàn và phải có người đẩy nên họ không chấp nhận, tuy bị từ chối nhưng cha con nhà Hoyt vẫn tham gia. Họ đứng cuối dãy xe lăn. Tất cả những nhà tài trợ và ban tổ chức đều không để ý đến họ nhưng công chúng đứng xem hai bên đường thì rất chú ý và mọi người nồng nhiệt reo hò động viên hai cha con khi họ đi qua. Khi ông Dick đẩy chiếc xe lăn của con về đến đích, đám đông vỡ òa ra, cuồng nhiệt chúc mừng. Trong số 7.400 người tham gia, cha con ông về đích trong nhóm 90% người đầu tiên. Và đây chỉ là lần đầu họ tham gia về đích trong cuộc đua Marathon Boston.

Trong những năm đó, Rick đã chứng tỏ mình không chỉ là một vận động viên khác thường. Cậu lấy được bằng cử nhân về giáo dục đặc biệt ở đại học Boston, trở thành người bại liệt không nói được đầu tiên tốt nghiệp trường này.

Đến năm 1984, Dick đã trở thành vận động viên nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp. Ba môn phối hợp là một cuộc thi rất khó khăn, kết hợp cả bơi đường dài, đi xe đạp đường dài và chạy băng đồng. Những người tổ chức chỉ muốn mời Dick tham gia một mình và ông từ chối. Năm sau họ lại mời lần nữa nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối nếu không cho con ông tham gia. Ông nói với ban tổ chức: “Rick là lý do để tôi chơi thể thao. Và tôi không hề có ý định tham gia một mình. Nó chính là động lực thúc đẩy tôi. Hơn nữa, nếu không có nó, tôi chẳng biết làm gì với đôi tay mình”.

Sau cùng, ban tổ chức chấp thuận cho Rick cùng tham gia với điều kiện là ông Dick phải thiết kế các dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả hai cha con trong cuộc tranh tài. Cũng nên nói rõ rằng ông Dick không biết bơi và từ năm sáu tuổi đến nay cũng chưa hề đi xe đạp, nhưng ông không không quan tâm. Sau tất cả những gì hai cha con đã làm được, thì những điều này chỉ là chuyện nhỏ.

Dick bắt đầu tập luyện và thiết kế những dụng cụ cần thiết để ông có thể cùng thi đấu với Rick. Chiếc xe đạp nặng gần 30kg, Rick nặng khoảng 45kg và Dick 85kg – tổng cộng khoảng 160kg phải chở lên dốc, kiên trì vượt qua các chướng ngại vật chất và tinh thần. Rick và Dick hoàn thành cuộc đua đó và những cuộc tranh tài ba môn phối hợp khác về sau nữa.

Từ những cuộc thi như thế, ông Dick đã rút ra được một chân lý: “Không có gì mà hai cha con ta không cùng nhau làm được”. Hai cha con ông đã cùng nhau hoàn tất được cuộc thi Người Đàn Ông Khỏe Nhất Thế Giới, một cuộc tranh tài mà chỉ cần tham dự được hết các môn thi đã được xem là thành công lớn – bơi 2,4 dặm, đua xe đạp 112 dặm và chạy bộ 26,2 dặm. Vì điều kiện tranh tài cuộc thi này vô cùng khắc nghiệt, được tổ chức trên một hòn đảo của Hawaii với nhiệt độ ngoài trời nóng như đổ lửa, độ ẩm cao và liên tục phải vượt đồi cho nên hai cha con phải chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng.

Trong suốt một năm trời, họ liên tục tham gia các cuộc tranh tài ở địa phương vào những ngày nghỉ cuối tuần. Trong tuần, khi Rick đi học, ông Dick tập luyện một mình. Mỗi ngày ông tập bơi hai dặm, chạy bộ tám dặm và đạp xe từ 35 đến 40 dặm, đồng thời đẩy theo một bao xi măng nặng gần 50kg. Kết quả là hai cha con đã tham gia và hoàn tất mọi môn thi ở bốn cuộc tranh tài như thế. Họ cũng đã tham gia những cuộc chạy và đi xe đạp xuyên nước Mỹ, từ Los Angeles về Boston, suốt 3.735 dặm đường liên tục không nghỉ. Và sau khi tham gia cuộc thi Marathons Boston lần thứ ba mươi lăm, cuộc thi mà họ bị từ chối lúc ban đầu năm 1981, họ được tặng thưởng huy chương danh dự ở cuộc đua kỷ niệm lần thứ 100 cuộc tranh tài này.

Dick cho rằng chính con trai ông mới là vận động viên, không phải ông: “Khi tôi đứng sau chiếc xe lăn của Rick, dường như điều kỳ diệu mới xảy ra. Rick là động lực thúc đẩy tôi. Tôi cho nó mượn thân xác của tôi nhưng chính tinh thần nó mới thúc đẩy hai cha con tiến bước”. Hai cha con đã cùng dự thi trong suốt hai mươi năm, họ về đích thứ bao nhiêu không quan trọng, ngay từ lúc bước chân vào vạch xuất phát, họ đã là người chiến thắng.

Mọi người đều nói rằng sau này tôi rồi sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Cha mẹ tôi và bản thân tôi thì không nghĩ thế. Chúng tôi đã chứng minh cho mọi người thấy là họ đã sai lầm”.



Rick Hoyt

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI MỘT

THÀNH CÔNG NHỜ VÀO NHỮNG ĐIỀU KHÔNG BIẾT TRƯỚC

Pam Lontos không hề có chút hiểu biết, kinh nghiệm gì trong lĩnh vực kinh doanh và niềm đam mê của cô cũng bình thường như những cô bé học sinh khác, thế nhưng cô lại thành công – và đạt được thành công bằng những cách không giống như mọi người vẫn nghĩ. Cô đặt ra những mục tiêu không tưởng và theo đuổi chúng bằng những cách thức khác thường. Cô liên tục đánh cuộc vào những dự án gần như không tưởng – đơn giản chỉ vì cô không biết làm cách nào cho tốt hơn.

Cô không biết vì hầu hết cuộc đời cô là do người khác kiểm soát. Khi lớn lên, cha mẹ cô không cho cô đương đầu với bất cứ rủi ro nào. Cô không được đi biển vì “có thể chết đuối”; cô không được xuống phố mua sắm với bạn bè vì “quá nguy hiểm”. Khi lập gia đình, chồng cô đã thuyết phục cô từ bỏ việc học ngành tâm lý, chuyên môn chính mà cô rất yêu thích, để học ngành sư phạm, một nghề an toàn hơn nhưng cô hoàn toàn không có chút hứng thú nào.

Sau ba năm chán nản, Pam bỏ nghề và hy vọng sẽ tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời nếu dành hết thời gian cho con cái, gia đình. Trái lại, cô lại cảm thấy chán nản và thất vọng hơn bao giờ hết.

Hàng triệu phụ nữ khác cũng lâm vào tình trạng này. Pam Lontos cảm thấy trống vắng và vô dụng, mặc dù cô có hai đứa con ngoan ngoãn, một ngôi nhà xinh xắn và một người chồng thành đạt nhưng không cùng cảm xúc. Cô chỉ sống cho qua ngày và cảm thấy mình không làm được việc gì. Càng ý thức được điều đó, cô càng cảm thấy chán nản hơn.

Người ta đối phó với sự trầm uất bằng nhiều cách khác nhau. Có người tập thiền. Có người tìm đến rượu và ma túy. Pam chọn cách ngủ và trong năm năm trời, cô sống hầu hết thời gian của mình trên giường. Mỗi sáng cô thức dậy, đưa con đi học, sau đó trở về nhà và lại tìm đến giấc ngủ cho quên đi sự chán chường.

Đến khoảng năm ba mươi tuổi, cô ngủ khoảng 18 giờ mỗi ngày và trọng lượng tăng lên khoảng 20kg. Lòng tự trọng, sự tự tin và ý nghĩa cuộc sống hoàn toàn biến mất. Trong những giờ phút ít ỏi thức dậy, cô đã nghĩ đến chuyện tự sát nhưng không đủ can đảm để thực hiện. Trạng thái trầm uất, chán nản của cô đi đến mức cùng cực và cô cảm thấy mình chỉ còn một lựa chọn duy nhất. Nếu cuộc sống không đáng sống và nếu cô không đủ can đảm để tự sát, vậy chọn lựa cuối cùng là phải thay đổi.

“Tôi đã chờ cả cuộc đời mình để có ai đó thay đổi cuộc đời giùm tôi. Và phép màu đó đã không xảy ra”. Bất chấp mọi khó khăn, trở ngại, Pam quyết định phải trèo ra khỏi hố sâu cuộc đời do mình tạo ra để tìm lại ý nghĩa cuộc sống.

Bước chân đầu tiên của Pam trở lại với thế giới là ghi danh vào một câu lạc bộ thể dục với hy vọng lấy lại vóc dáng thon thả trước đây. Đây chỉ là chuyện nhỏ, nhưng ngay giây phút bước chân qua cánh cửa câu lạc bộ, cô cảm giác như mình vừa bước chân vào cuộc sống mới.

Hướng dẫn viên phòng thực tập là Jim, một người đầy nghị lực và năng động, nhận thấy rằng Pam cần có sự động viên đặc biệt. Anh khuyến khích cô tập luyện, hứa rằng cô sẽ đạt được kết quả mong muốn nếu kiên trì theo đuổi. Anh cũng cho cô mượn những băng cassette với các bài giảng động viên, khuyến khích con người sống tích cực hơn. Pam nghe đi nghe lại những cuốn băng này hàng chục lần. Khi trọng lượng của cô giảm xuống, cũng là lúc sự sợ hãi, lo lắng của cô cũng giảm theo.

Sau vài tháng, Pam đã đủ can đảm để tự hỏi mình một điều mà xưa nay cô chưa từng dám: Ta muốn làm gì? Lúc còn bé, cô đã phụ bán giày cho gia đình. Có lẽ một công việc mua bán gì đó sẽ làm cô thích thú. Vì cô đã đạt được những kết quả tốt trong việc tập thể dục và hoàn toàn tin vào câu lạc bộ, cô tự nghĩ tại sao lại không bắt đầu từ chính nơi này.

Mặc dù chưa từng có kinh nghiệm về việc bán thẻ hội viên, cô vẫn đề nghị Jim cho cô nhận việc này. Cô thách thức: “Anh đã là người cho tôi những cuốn băng động viên đó, thúc giục tôi phải thay đổi cuộc đời mình, vậy anh phải tuyển dụng tôi chứ!”. Jim cho cô nhận việc, nhưng không chỉ có thê. Anh chia sẻ với cô triết lý lạc quan của mình về cuộc sống và khuyến khích Pam vượt qua những nỗi sợ hãi thường ngày. Khi Pam nói rằng cô chưa bao giờ lái xe xuống phố và không dám làm việc đó, Jim bảo cô ngồi sau tay lái, buộc cô phải lái xe , còn anh ngồi cạnh bên và chỉ đường cho tôi.

Khi lòng tự tin của tôi gia tăng, doanh số cũng tăng theo. Chỉ trong vài tuần, Pam đã lái xe khắp thành phố, bán được nhiều thẻ hơn bất kỳ người nào khác. Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, cô đã tiến được một bước thật xa. Triết lý của Jim đã trở thành một châm ngôn sống của cô: “Đừng nói với tôi rằng điều đó là không thể nếu như bạn chưa thử sức”.

Thành công của Pam năm đó đã tạo cho cô một tư thế sẵn sàng để đối đầu với những thử thách mới. Có một đài phát thanh mới thành lập trong thị trấn của cô. Cô đến gặp và thuyết phục tổng giám đốc tuyển dụng để cô đi mời quảng cáo cho đài, mặc dù cô hiểu rằng sẽ không được nhận lương và chỉ có tiền hoa hồng.

Cô không biết rằng mời quảng cáo trên đài phát thanh là chuyện khó nhất trên đời vì không có một lượng thính giả nhất định. Cô cũng không biết rằng chỉ nên đến chào mời những công ty nhỏ vì các công ty lớn sẽ đòi hỏi một lượng khán thính giả đông hơn. Vì không biết những điều này, cô dũng cảm gọi đến các công ty lớn nhỏ và bán thời gian quảng cáo căn cứ vào sức mua của họ hơn là theo số lượng người nghe.

Pam cũng không hề biết rằng thời điểm tháng giêng, sau mùa nghỉ giáng sinh và năm mới là thời điểm tồi tệ nhất của nghề bán hàng, đặc biệt là bán thời gian quảng cáo. Do đó, trong khi những người khác tạm thời nghỉ ngơi chờ đến tháng hai, thì cô lại nỗ lực bằng và có thể nhiều hơn các tháng khác và kiếm được hợp đồng quảng cáo kỷ lục đối với thời điểm tháng giêng cho đài phát thanh. Từ đó, Pam tiếp tục đứng đầu về doanh thu, doanh số bán hàng của cô bằng sáu người nhân viên khác cộng lại.

Sự tự tin của Pam tăng lên và tạo cho cô sức mạnh đủ để giải quyết việc hôn nhân. Sau nhiều lần nỗ lực hàn gắn không thành, vợ chồng cô đã chia tay nhau.

Nghề kinh doanh đài phát thanh có những lúc thăng trầm. Có một giai đoạn số thính giả của đài rớt thảm hại, tụt xuống gần chót bảng xếp hạng. Nhưng Pam không hề biết rằng thông thường trong những trường hợp như vậy, nhân viên thường bỏ đi để tìm cơ hội tốt hơn ở những nơi khác. Trong khi mọi người thi nhau nộp đơn nghỉ việc, cô lại xin vào chức vụ giám đốc kinh doanh đang bỏ trống. Ông tổng giám đốc đồng ý vì quá ngạc nhiên, không thể tranh cãi với cô được. Cô nhận một chức vụ khó khăn nhất trên đời mà lại vui mừng như người vừa trúng số.

Trong buổi họp phòng kinh doanh đầu tiên, Pam đưa ra chỉ tiêu doanh thu trong tháng là 100.000 đôla. Tất cả những người có mặt trong phòng đều há hốc miệng ngạc nhiên. Trước nay, doanh thu của Pam trung bình là 35.000 đôla một tháng, và cô nghĩ rằng ba nhân viên khác cũng làm được như vậy. Sau cuộc họp, ông tổng giám đốc ngay lập tức gọi cô vào phòng và giải thích rằng doanh thu trung bình hàng tháng của đài là 42.000 đôla, trong đó cô mang về 35.000 còn ba nhân viên kia được 7.000. Đặt ra chỉ tiêu doanh thu 100.000 hoàn toàn là chuyện không tưởng.

Đêm đó, Pam suy nghĩ và định hạ xuống còn 50.000. Thế nhưng sáng hôm sau, trên đường đi làm, cô nghe lại lần nữa cuốn băng ưa thích. Cô quyết định giữ nguyên chỉ tiêu “phi thực tế” 100.000 đôla. Khi họp với nhóm nhân viên kinh doanh sáng hôm đó, cô khẳng định với họ niềm tin rằng sẽ làm được.

Đến 4 giờ 30 chiều ngày cuối cùng của tháng đó, doanh số của bộ phận kinh doanh đã lên đến 100.018 đôla. Đến tháng 12, doanh số vọt lên 140.000 đôla và ba tháng sau là 180.000. Tháng 11 năm kế tiếp, nhóm bán hàng của Pam đạt con số kỷ lục là 272.000 đôla. Họ đạt đượ kết quả không tiền khoáng hậu này bất chấp một điều rằng số lượng thính giả tăng không đáng kể.

Chỉ sau hai năm làm việc với tư cách giám đốc kinh doanh, Pam được đề bạt lên chức vụ phó chủ tịch công ty phụ trách kinh doanh, bỏ qua bước đệm là trở thành tổng giám đốc. Cô không biết rằng thông thường phải mất tối thiểu năm năm đến mười năm mới lên đến chức vụ đó và chưa từng có ai được được đề bạt thẳng từ giám đốc kinh doanh lên phó chủ tịch cả. Pam nói: “May mắn là tôi không biết. Nếu biết thì chắc tôi vẫn là giám đốc kinh doanh”.

Sau bốn năm làm việc thành công ở đây, Pam xin nghỉ để bắt đầu một cuộc chơi mới. Hiện nay Pam Lontos là một diễn giả, tác giả, cố vấn kinh doanh và tiếp thị thành công cho các công ty, cho những người khác muốn thành đạt như cô. Cô truyền cho họ niềm tin vào những điều có thể làm được để vượt qua mọi hạn chế và trở ngại.

Cô có một câu châm ngôn muốn chia sẻ với bạn khi có người nói với bạn rằng chuyện gì đó là không thể: “Bạn hãy nhìn thẳng vào mắt người ấy và nói: Đừng nói với tôi rằng điều đó là không thể khi bạn chưa làm thử”.



tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương