Cynthia kersey



tải về 0.61 Mb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#31500
1   2   3   4   5   6   7   8

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI HAI

LÀM NÊN SỰ NGHIỆP TỪ HAI BÀN TAY TRẮNG

Khi Maria Elena Ibanez còn là một cô bé sống ở Colombia, cha cô ghi tên cô vào học một khóa lập trình máy tính. Máy tính ngày càng phổ biến ở châu Mỹ Latinh, bất chấp giá của nó lên đến 100.000 đôla và mọi người nhanh chóng bị cuốn hút bởi công nghệ mang tính cách mạng này. Năm 1973, cô sang Hoa Kỳ học đại học ngành máy tính. Sau khi tốt nghiệp, cô chợt nảy ra một ý tưởng.

Giá máy tính cá nhân ở Hoa Kỳ là 8.000 đôla, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá máy bán cho các doanh nghiệp ở châu Mỹ Latinh. Tại sao không thiết lập một hệ thống phân phối máy tính các nhân sang Nam Mỹ trong khi thị trường màu mỡ này còn đang bỏ ngỏ? Cô mang ý tưởng này đến những công ty máy tính lớn của thập niên 1980 và đề nghị họ cho cô phân phối sản phẩm của họ ở đất nước cô.

Maria Elena kể lại: “Họ bảo tôi nên quên ý kiến đó đi, rằng châu Mỹ Latinh đang khủng hoảng kinh tế, đang rất nghèo nên sẽ không có tiền để mua máy tính. Họ cho rằng thị trường này quá nhỏ, không đáng để đầu tư hay quan tâm đến”.

Maria Elena thì lại nhìn nhận theo cách khác, cô nhìn thấy cơ hội ở những nơi người khác chỉ thấy sự giới hạn: “Tôi nghĩ nếu như thị trường này chỉ là 10 triệu đôla thì cũng là một con số lớn đối với tôi, tôi có thể kiếm được tiền từ doanh thu này và không lo có người cạnh tranh với mình”.

Cô chỉ là một phụ nữ hai mươi ba tuổi, không có kinh nghiệm về bán hàng, tiếp thị. Đó là ba yếu tố để những giám đốc cô tiếp xúc cho là yếu tố bất lợi. Nhưng cô biết rõ hai điều: máy tính ở Hoa Kỳ rẻ và châu Mỹ Latinh đang cần máy tính. Tràn đầy hy vọng lạc quan, cô đến gặp chủ ngân hàng thứ nhất để hỏi vay tiền. Ông này yêu cầu cô cho xem kế hoạch kinh doanh. Maria Elena chưa bao giờ nghe nói đến thứ này. Người chủ ngân hàng thứ hai hỏi cô có kế hoạch tiếp thị không. Lại một lần nữa cô chẳng biết đó là thứ gì. Thế cùng, cô đành đến gặp trực tiếp các nhà phân phối. Hầu hết họ chẳng muốn tiếp cô nhưng có hai công ty chịu lắng nghe cô với vẻ ngờ vực. Cô hỏi: “Hiện nay doanh số của các ông ở châu Mỹ Latinh là bao nhiêu?” Họ trả lời: “Chẳng đáng là bao”. Cô nói tiếp: “Vậy các ông nghĩ sao nếu như tôi bán cho các ông 10.000 đôla tiền sản phẩm trong một năm”. Thấy không mất mát gì nên công ty Altos Computers đồng ý cho cô độc quyền phân phối tại thị trường này trong vòng chín tháng nhưng buộc cô phải thanh toán bằng tiền mặt.

Bước kế tiếp cô gọi cho một công ty du lịch để đưa ra yêu cầu: “Lấy cho tôi một vé đi từ Miami về đến Argentina, ghé lại bất kỳ thành phố lớn nào mà tôi không phải trả thêm tiền”. Đó là kế hoạch tiếp thị của cô. Sau này cô nói: “Sự dốt nát đôi khi là một lợi thế và mang đến cho ta những thành công bất ngờ. Tôi không hề biết rằng mình đang lao đầu vào một công việc kinh doanh hết sức rủi ro”.

Không có một chút kinh nghiệm nào ngoài niềm tin vào mục tiêu và trực giác. Cô đến Colombia, đăng ký khách sạn, mở niên giám điện thoại và bắt đầu gọi cho những nhà phân phối máy tính tại đây. “Tôi nghĩ rằng công ty nào quảng cáo nhiều hẳn là công ty lớn. Do đó, tôi chọn những công ty có đăng quảng cáo lớn để gọi trước”. Ngày hôm sau, với tất cả lịch hẹn xếp đầy trong ngày, cô bắt đầu đi chào hàng. Vào thập niên 1980, một phụ nữ làm kỹ sư là chuyện hiếm thấy và những doanh nhân châu Mỹ Latinh không quen giao dịch với phụ nữ - đặc biệt là các cô gái tóc vàng xinh xắn trông chỉ chừng 18 tuổi như Maria Elena. Cô đã biến điều bất lợi này thành ưu điểm cho mình bằng cách chứng minh rằng nhiệt tình tuổi trẻ của cô cũng tương xứng như kiến thức và hiểu biết của cô.

Maria Elena mô tả phản ứng của các khách hàng tiềm năng cô tiếp xúc như sau: “Họ ngạc nhiên khi thấy một cô gái trẻ có thể trình bày các vấn đề kỹ thuật mới nhất, những điều mà họ cũng không biết. Họ có thái độ tích cực vì tôi mang đến cho họ một sản phẩm tuyệt vời, giá cả hợp lý và sản phẩm này sẽ giúp họ cạnh tranh với các đối thủ lớn trong ngành”.

Tiếp theo, cô thực hiện chuyến đi bão táp ba tuần qua Ecuador, Chile, Peru và Argentina. Ở mỗi nước, cô cũng dùng đúng phương pháp tìm kiếm đối tác bằng niên giám điện thoại để tiếp thị sản phẩm.

“Tôi dự tính sẽ bán được 10.000 đôla sản phẩm một năm và chỉ sau ba tuần, khi trở lại Mỹ, tôi đã có trong tay các đơn đặt hàng trị giá 100.000 đôla, trả trước bằng tiền mặt”. Đối với một người chỉ quen kiếm được 6 đôla một giờ bằng việc làm phụ tá giáo sư trong trường đại học thì con sô này là cả một gia tài lớn.

Dần dần, Maria Elena đạt đến doanh số hàng triệu, nhiều triệu đôla. Trong năm năm kế tiếp, Maria Elena đạt đến con số phi thường là 15 triệu đôla. Năm 1987, tạp chí Inc. xếp hạng công ty International Micro System của cô thứ 55 trong danh sách 500 công ty phát triển nhanh nhất. Năm 1988, Maria Elena bán công ty nhưng vẫn tiếp tục ở lại làm việc cho đến khi doanh số đạt 70 triệu đôla.

Sau đó, cô quyết định thành lập một công ty khác bán máy tính qua Phi châu. Lại một lần nữa các chuyên gia marketing bảo cô rằng châu Phi quá nghèo, không đủ tiền mua máy tính, đặc biệt là khi một phụ nữ không phải người Phi đi thương lượng kinh doanh ở một xứ sở do đàn ông thống trị. Đã quen với những lời ngăn cản, Maria Elena cảm thấy rằng những người mang tiếng là chuyên gia có cái nhìn rất thiển cận. Cô chỉ tin vào tầm nhìn của chính mình. Năm 1991, cô bay đến Nairobi, thủ đô của Kenya, chỉ trang bị bằng một tập danh mục giới thiệu sản phẩm và một tấm bản đồ. Cô vào khác sạn và cũng bắt đầu lục lọi trong danh bạ điện thoại. Hai tuần sau, cô bay về nhà với các đơn đặt hàng trị giá 150.000 đôla.

Trong thời gian đầu, cô phải làm việc trong nhà để xe, sau đó dọn sang một nhà kho nhỏ và bắt đầu đưa sản phẩm sang châu Phi. Thêm nhiều đơn đặt hàng nữa được gửi đến. Chỉ trong bốn tháng, cô đã bán được số máy tính trị giá 700.000 đôla. Năm thứ hai, doanh số công ty tăng lên 2,4 triệu đôla và năm năm sau nữa tăng gấp đôi con số này, rồi năm sau lại gấp đôi lần nữa. Trong suốt thập niên 1990, với doanh số tổng cộng 13 triệu đôla mỗi năm, công ty International High Tech Marketing của cô lại được đưa vào danh sách 500 công ty phát triển nhanh nhất của tạp chí Inc.

Maria Elena là người duy nhất trong lịch sử của tạp chí uy tín này được hai lần đưa vào danh sách với hai công ty khác nhau, tạo dựng từ nguồn vốn ban đầu là con số không.

Maria Elena Ibanez chào bán những sản phẩm tốt. Điều đó hoàn toàn không thể chối cãi, nhưng thành công của cô được xây dựng trên niềm tin vào chính mình và lòng kiên định sắt đá. Không có một kế hoạch tiếp thị, kế hoạch kinh doanh nào trên đời này cho bạn được điều đó.

Mọi người đều có quyền khuyên bảo người khác đừng làm thế này, hãy làm thế kia, nếu không muốn bị xói mòn niềm tin, hãy quên họ đi. Và mỗi khi gặp phải trở ngại, điều mà tôi vẫn gặp mỗi tuần, thì hãy xem đó là một cơ hội, đừng xem đó là điều không thể vượt qua. Hãy làm tất cả những gì bạn có thể làm để vượt qua trở ngại thật nhanh. Nếu giữ vững được niềm tin và ước mơ trong tim, chắc chắn rồi bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn”.



Maria Elena Ibanez

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Tôi là một sinh viên cao học ngành toán ở đại học California tại Barkeley. Một hôm, tôi đến lớp trễ và vội vàng chép lấy chép để hai bài toán trên bảng vì cứ nghĩ rằng đây là bài tập giáo sư cho về nhà. Đêm đó, khi ngồi vào bàn làm việc, tôi mới thấy rằng hai bài toán này vô cùng khó, khó nhất từ trước đến nay. Nhiều đêm liên tục, tôi đánh vật với hai bài toán này, thử đủ mọi cách nhưng vẫn không tài nào giải được, tuy thế tôi kiên quyết không chịu bỏ cuộc.

Vài hôm sau, tôi chợt nghĩ ra một cách và giải được cả hai bài. Tôi đem bài giải lên lớp. Giáo sư bảo tôi để lên bàn ông chung với một đống giấy tờ, tôi lo bài làm của mình bị thất lạc nhưng không còn chọn lựa nào khác.

Sáu tuần sau, vào một buổi sáng thứ bảy, tôi bị đánh thức dậy vì tiếng đập cửa gấp gáp. Ra mở cửa, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy giáo sư đang đứng đó. Ông kêu lên khi thấy tôi: “Gorge! Em đã làm được hai bài toán đó à?”

“Vâng, thưa thầy!”, tôi trả lời, “Đó là bài tập thầy cho về nhà mà?”.

Giáo sư giải thích cho tôi hiểu rằng đó không phải là bài tập, mà là hai bài toán nổi tiếng đang làm điên đầu các nhà toán học hiện nay. Ông không thể tin nổi là tôi đã giải được chỉ trong vài ngày.

Nếu trước đó tôi biết rằng đây là hai bài toán nổi tiếng chưa giải được, chắc chắn tôi sẽ không dám thử. Ý nghĩ tích cực rõ ràng có một sức mạnh vô biên.

George B. Dantzig

George B. Dantzig là giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu thuật toán và máy tính của đại học Stanford.

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Để có thể chuyên tâm vào việc viết lách, tôi phải nghỉ việc, sống bằng tiền dành dụm và hy vọng rằng những điều mình viết ra không phải là nhảm nhí mà là một kịch bản có thể bán được. Tôi đã làm nghề tư vấn tiếp thị trong mười một năm và trở thành người phụ nữ đầu tiên có chức vụ cao trong công ty. Dù thành đạt trong sự nghiệp nhưng tôi vẫn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu một điều gì đó. Vụ ly dị đau buồn đã buộc tôi phải nhìn lại cuộc đời mình. Một ngày, khi đang trầm tư suy nghĩ về những điều mình thật sự muốn làm trong đời, một giọng nói ở đâu đó sâu thẳm trong tâm trí chợt cất lên: “Xưa nay bạn vẫn thích viết văn mà!”. Chỉ có vậy, không gì ngoài một lời nhắc nhở. Từ trước đến nay dù đó là điều ưa thích nhưng chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến việc thực hiện. Một giọng nói khác hỏi xoáy vào tôi: “Bạn nghĩ mình là ai kia chứ?”.

Có nhiều lý do để tôi tin rằng mình có thể thành công trong nghề viết lách. Trước nay tôi vẫn thích đọc sách nhưng chưa bao giờ dám cầm bút viết thử, dường như với tôi đó chỉ là một giấc mơ xa tầm tay. Giờ đây, ở tuổi ba mươi lăm, tôi muốn thực hiện điều mình ấp ủ bấy lâu. Từ sâu thẳm đáy lòng, tôi cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt nhưng tôi cứ mãi đắn đo vì thật tình cũng không tin vào năng lực của mình.

Và tôi bất chấp sự sợ hãi, gạt bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn, tôi bỏ việc và bắt đầu ngồi viết. Dù trong bất cứ điều kiện nào tôi cũng buộc mình phải viết năm trang giấy mỗi ngày. Không cần biết mình viết hay dở ra sao, chỉ cần phải viết cho được năm trang. Và thông thường những thứ tôi viết ra lúc ban đầu chẳng có giá trị gì. Sau một năm rưỡi, tôi cũng hoàn thành được bản thảo viết tay đầu tiên và mang đi đánh máy. Phải đến ba tháng sau tôi mới có can đảm đến lấy. Giọng nói trong đầu tôi lại cất lên hăm dọa: “Chẳng có ai chịu mua nó đâu!” Tôi biết rằng đây là giai đoạn quan trọng nhất, khó khăn nhất: bán được tác phẩm của mình.

Tôi gửi bản thảo “The First Wives Club” đến cho mười một nhà xuất bản và tất cả đều trả lời: “Chúng tôi không nhận các bản thảo không phải do chúng tôi đặt hàng”. Sau cùng có một biên tập viên chịu đọc nhưng ông ta bảo rằng câu chuyện của tôi “rất khó tin” và “không ai quan tâm đến câu chuyện của những phụ nữ trung niên bị chồng bỏ rơi”. Tôi thì lại nghĩ khác, những điều tôi viết ra chính là chuyện đã xảy ra với tôi, với bạn bè tôi và cả những phụ nữ thuộc thế hệ của mẹ tôi. Và tôi biết sẽ có người quan tâm.

Tôi bắt đầu gọi cho các công ty đại diện. Sau nhiều tháng, tôi tìm được một công ty đồng ý giới thiệu tác phẩm của tôi. Điều đầu tiên ông ta làm là yêu cầu tôi chỉnh lại bản thảo. Theo ông ta thì những nhân vật trong đó chưa đủ bi đát để tạo cảm xúc cho độc giả. Ông ta yêu cầu tôi thay đổi ba chi tiết: cho người thứ nhất một con mèo bị bệnh bạch cầu, người thứ hai có đứa con bị thiểu năng tâm thần và người thứ ba có đứa con chết từ khi còn bé. Tôi thật sự bị sốc khi nghe những đề nghị này. Tôi không muốn những nhân vật của mình trở nên thánh thiện một cách phi thực tế hoặc những ông chồng trong sách trở nên hoàn toàn xấu xa. Tuy vậy, sau cùng tôi cũng làm theo vì tin rằng ông ta có hiểu biết và kinh nghiệm hơn trong việc nhận biết ý thích của độc giả.

Và điều gì đến phải đến, bản thảo sau khi chỉnh sửa đã bị chính nhà xuất bản thân tín nhất của ông ta từ chối. Không còn lời nào diễn tả được sự thất vọng của tôi. Nhưng may mắn rằng bản thảo này lạc đến Hollywood và rơi vào tay Todd Harris. Ông ta tin vào những điều tôi viết và gửi nó đến ba nhà sản xuất phim là phụ nữ. Sherry Lansing, Tổng giám đố hãng Paramount Pictures, chú ý đến tác phẩm của tôi. Bà mua quyền xuất bản và nói với tôi bà chỉ không thích ba điều: con mèo bị bệnh bạch cầu, đứa bé thiểu năng tâm thần và đứa bé chết yểu. Tôi thật sự kinh ngạc. Tôi viết lại bản thảo theo như lúc ban đầu và được nhà xuất bản Simon and Schuster đồng ý phát hành.

Kinh nghiệm này dạy cho tôi một bài học khó quên: Nếu bạn tin vào bản thân và quan điểm của mình, bạn sẽ làm được mọi điều. Khi từ bỏ những thứ ấy, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì.



Olivia Goldsmith

Olivia Goldsmith là tác giả cuốn tiểu thuyết ăn khách “The First Wives Club”, về sau trở thành một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1996. Bà cũng là tác giả của các quyển bestseller “Marrying Mom” và “Switcheroo”.

GƯƠNG SÁNG TRONG ĐỜI

Tôi gặp phải một tình trạng nan giải. Một mặt, tôi rất muốn trở thành y tá, tôi thích được giúp đỡ người khác. Mặt khác, tôi không thích việc phải đi học bốn giờ mỗi ngày. Điểm số của tôi cho thấy rõ điều đó. Năm 19 tuổi, tôi rớt lần đầu khi thi vào trường y tá. Năm thứ hai tôi rớt thêm lần nữa.

Trong chương trình đào tạo y tá, có một giáo viên ít tỏ ra kiên nhẫn với những người không toàn tâm toàn ý học tập và những nỗ lực nửa vời xếp tôi vào nhóm người cô không ưa. Cô nói rằng tôi không có những tố chất cần thiết để trở thành y tá và tôi nên nghỉ học. Những lời nói của cô cứ vang vọng mãi trong đầu tôi. Sau khi thi rớt lần hai, tôi nghĩ có lẽ mình không đủ khả năng thật.

Cảm thấy buồn vì liên tiếp thất bại, tôi dọn đến sống ở một thành phố khác, tránh xa gia đình và bè bạn. Tôi cần thời gian để chỉnh đốn lại đời mình và cần một việc làm. Vì ưa thích môi trường bệnh viện nên tôi nhận việc ngồi ghi toa cho bác sĩ. Công việc không đến nỗi nào nhưng ý muốn làm y tá không lúc nào nguôi ngoai trong tôi. Năm năm sau đó, năm nào tôi cũng nuôi ý định dự thi trở lại thế nhưng khi đến ngày ghi danh, tôi tìm mọi lý do để không đăng ký. Nào là quá bận rộn, không đủ tiền học hoặc công việc không cho phép. Nhiều năm trôi qua, và tôi cũng chẳng hề tiến thêm được bước nào đến gần mục tiêu đã định. Nhận ra rằng mình không có đủ sức mạnh để thực hiện mong ước này một mình, tôi cầu xin Thượng Đế ban cho tôi sức mạnh để đạt được điều tôi mơ ước. Bạn bè mua tặng tôi những quyển sách dạy cách suy nghĩ tích cực. Niềm tin của tôi dần lớn mạnh và lòng can đảm, ý chí cũng từ đó tăng theo. Qua một thời gian, tôi đủ mạnh mẽ để tin rằng không có điều gì là không làm được.

Năm đó là 1978. Và khi đến ngày ghi danh, tôi dũng cảm bước vào đăng ký dự thi. Bạn hỏi tôi có hồi hộp không à? Chắc chắn là có. Nhưng lần này sự tự tin đã nâng bước chân tôi. Hai năm sau, tôi tốt nghiệp hạng danh dự trong nhóm 5% giỏi nhất và trở thành một y tá như mong muốn. Tôi phải mất năm năm để tìm ra được niềm tin, tạo sự tự tin và để có được dũng khí thử làm lại cuộc đời một lần nữa

Susan Robinson

Susan Robinson là y tá ở Orlando, tiểu bang Florida.

Bạn phải tìm cho được một điều gì đó bạn thật sự yêu thích để có thể chấp nhận rủi ro, xông xáo vì nó và phá vỡ các rào cản luôn chắn ngang đường. Nếu không có được cảm xúc đó, bạn sẽ sớm nản lòng và dừng bước ngay từ trở ngại đầu tiên.”



George Lucas

PHẦN IV, LẬP KẾ HOẠCH CHO TƯƠNG LAI

Hoạch định là một yếu tố quan trọng để có được thành công cho từng con người trong chương này. Họ hoạch định, nghiên cứu, tìm kiếm lời khuyên, thu thập thông tin, phát triển kỹ năng, chuẩn bị đầy đủ cho việc thự hiện ước mơ của mình. Và khi thời cơ đến, họ đã sẵn sàng.

Người bình thường không có kế hoạch thực tế nào cho tương lai. Họ có thể có sự tưởng tượng và hy vọng, nhưng không bao giờ lập kế hoạch cụ thể cho các mục tiêu của mình. Bạn hãy tự hoạch định cho mình những việc phải làm để có thể đạt được những điều mình mong muốn.

Thành công là một trạng thái tinh thần. Nếu bạn muốn thành công, hãy tự xem mình là một thành công.”

Tiên sĩ Joyce Brothers

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI BA

LÊN KẾ HOẠCH CHO THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI

“Chắc mày khùng rồi!”. Đó là những gì mà bạn bè đã nói với Lee Dunham hồi năm 1971 khi anh bỏ nghề cảnh sát, một công việc khá ổn định và đầu tư món tiền dành dụm suốt đời vào việc kinh doanh nhà hàng vốn ẩn chứa rủi ro. Nhà hàng của anh không chỉ mang nhiều tính rủi ro mà còn hết sức hiểm nguy nữa. Đó là một đại lý McDonald nhượng quyền đầu tiên đặt tại thành phố New York – ngay giữa khu Harlem tràn ngập tội phạm.

Từ nhỏ Lee đã luôn ôm ấp mộng kinh doanh. Trong khi bạn bè đồng trang lứa tụ tập chơi banh trong các khu đất trống ở Brooklyn, cậu bé Lee lại tìm cách kiếm tiền: cậu đi thu lượm chai sữa và bán lại cho các cửa hàng tạp hóa để kiếm tiền tiêu vặt. Ngoài việc có quầy đánh giày riêng cậu còn làm thêm việc giao báo và tạp phẩm.

Từ khi còn bé, cậu đã hứa với mẹ mình rằng một ngày nào đó mẹ sẽ không phải đi giặt đồ thuê để kiếm sống nữa, cậu sẽ có công việc kinh doanh riêng để kiếm tiền nuôi dưỡng mẹ. “Đừng suy nghĩ viễn vông nữa, học bài đi!” mẹ cậu phải la lên như thế để ngắt lời con trai. Bà tin rằng chẳng ai thuộc dòng họ Dunham có thể thoát khỏi kiếp làm thuê, huống hồ là làm chủ một doanh nghiệp. Bà luôn nói với con: “Chẳng đời nào con có thể mở nổi một doanh nghiệp đâu”.

Năm tháng trôi qua, niềm đam mê kinh doanh của Lee chẳng hề phai nhạt. Sau khi học xong trung học, anh gia nhập ngành Không Quân, ghi danh vào học trường ẩm thực của Không Quân và đã trở thành một đầu bếp tài năng đến độ được đề cử phục vụ phòng ăn cho sĩ quan.

Giã từ Không Quân, suốt bốn năm sau đó anh làm việc cho một vài nhà hàng, trong đó có một nhà hàng thuộc khách sạn Waldorf Astoria danh tiếng ở New York. Lee mong muốn mở nhà hàng riêng nhưng lại thấy mình chưa đủ kiến thức để kinh doanh thành công. Anh đăng ký theo học lớp đêm ở trường quản trị kinh doanh, đồng thời nộp đơn vào ngành cảnh sát.

Anh theo nghề cảnh sát suốt mười lăm năm. Những lúc rảnh rỗi, anh làm thêm nghề mộc và tiếp tục theo học trường quản trị kinh doanh. “Tôi đã dành dụm tất cả tiền lương khi làm cảnh sát,” anh kể lại. “Suốt mười lăm năm, tôi tiêu pha dè sẻn, không đi xem phim, không du lịch cũng chẳng bước chân tới sân bóng chày. Chỉ có làm việc, học hành và nuôi dưỡng giấc mơ ấp ủ bấy lâu nay là được làm chủ một doanh nghiệp”. Đến năm 1971, Lee để dành được 42.000 đôla, đã đến lúc để anh biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Lee muốn mở một nhà hàng cao cấp tại Brooklyn. Khi có sẵn kế hoạch kinh doanh trong tay, anh bắt đầu tìm nguồn tài trợ. Các ngân hàng đều từ chối.

Không thể kiếm được vốn liếng để mở một nhà hàng độc lập, Lee đành chuyển hướng tìm cách làm đại lý nhượng quyền và liên hệ với rất nhiều công ty. Sau cùng công ty McDonald đồng ý cấp phép cho anh mở cơ sở kinh doanh nhượng quyền, với điều kiện là Lee phải mở một nhà hàng McDonald tại nội thành, cơ sở đầu tiên ở đó. Họ muốn tìm hiểu xem liệu mô hình nhà hàng bán thức ăn nhanh có thể thành công tại nội thành hay không. Lee được coi là người thích hợp điều khiển nhà hàng đầu tiên đó. Để mua được giấy phép kinh doanh nhượng quyền, Lee đã phải đầu tư trọn món tiền dành dụm suốt đời và vay thêm 150.000 đôla nữa. Bạn bè đều nghĩ rằng anh sẽ đánh mất tất cả những gì đã dành dụm, hy sinh trong bao năm qua. Sau nhiều đêm mất ngủ vì trằn trọc nghĩ suy, cuối cùng Lee quyết định tiến hành.

Anh đã đặt trọn niềm tin vào những điều đã chuẩn bị từ lâu nay – những năm tháng mơ ước, lên kế hoạch, học tập và dành dụm. Anh chính thức ký hợp đồng điều hành nhà hàng của McDonald ở nội thành.

Những tháng đầu quả là một thảm họa. Các băng nhóm du đãng đụng độ nhau, tiếng súng rền vang, những vụ bạo lực gây rối nơi nhà hàng làm khách hàng sợ hãi bỏ đi. Nhân viên của nhà hàng thì đánh cắp thức ăn và tiền mặt, két sắt của anh thường bị cậy phá. Tệ hơn nữa là Lee không thể có được sự trợ giúp từ công ty McDonald; họ e ngại đến mức không dám bước chân vào khu vực của người da đen. Lee đành phải đơn thân độc mã hành động. Dù bị hao tổn hàng hóa, lợi nhuận và suy giảm lòng tin nhưng Lee không để cho ai đánh cắp giấc mơ của mình.

Anh bèn thảo một chiến lược để thay đổi tình tình. Trước tiên, anh gửi tới những tên côn đồ ở vùng lân cận một thông điệp nói rằng nhà hàng McDonald không phải là lãnh địa của chúng. Để làm cho tối hậu thư của mình có hiệu lực, anh cần tạo ra một phương thức thay thế cho tội phạm và bạo lực. Trong con mắt của những thanh niên đó, Lee thấy được cái nhìn bất lực như anh thấy trong chính gia đình mình. Anh thấy mình cần tạo ra hy vọng và cơ hội cho đám trẻ. Anh khẳng định rằng cửa hàng của anh không chỉ mang đến cho cộng đồng những sản phẩm thức ăn nhanh McDonald – mà còn tạo cho nó một sự đổi mới.

Lee đã thẳng thắn nói chuyện với thành viên của các băng nhóm và khuyến khích họ xây dựng lại cuộc đời. Anh đã làm một chuyện mà nhiều người đã không hề nghĩ tới: mướn chính các thành viên đó, tạo cơ hội việc làm cho họ. Anh cũng quản lý các hoạt động của mình chặt chẽ hơn – tiến hành kiểm tra đột xuất sổ sách của thủ quỹ, đuổi việc những người không chân thật, cải thiện điều kiện làm việc và hướng dẫn nhân viên về dịch vụ và quản lý khách hàng. Anh luôn chú trọng tới hai điều: nhà hàng của anh cung cấp lối thoát cho cuộc sống bế tắc và nhân viên phục vụ khách hàng càng nhanh và hiệu quả thì lối thoát đó càng có lợi.

Lee cũng tham gia tài trợ cho các đội thể thao, cấp học bổng cho học sinh nghèo để lôi kéo trẻ em hè phố vào sinh hoạt và học tập ở các trung tâm và trường học cộng đồng. Nhà hàng nội thành New York lúc này trở thành một đại lý đặc quyền sinh lãi nhất của McDonald, với doanh thu trên 1,5 triệu đôla một năm. Các đại diện của công ty vài tháng trước kia không thèm đặt chân tới Harlem giờ đây lũ lượt kéo tới cửa hàng Lee để tìm hiểu về công việc kinh doanh của anh. Câu trả lời của Lee thật ngắn gọn và đơn giản: “Hãy hết lòng phục vụ khách hàng, nhân viên và cộng đồng”.

Hiện nay, Lee Dunham làm chủ chín nhà hàng, 435 nhân viên và phục vụ hàng ngàn bữa ăn mỗi ngày. Mẹ anh đã từ lâu không phải nhận đồ về nhà giặt để kiếm sống nữa.

Điều quan trọng hơn cả là Lee đã mở đường cho hàng ngàn doanh nghiệp người Mỹ gốc Phi, những người đang nỗ lực làm việc mỗi ngày để biến giấc mơ của mình thành hiện thực, giúp cộng đồng và mang đến cho mọi người niềm hy vọng. Thành công trong kinh doanh, không chỉ giúp thay đổi cuộc đời anh mà còn làm thay đổi cuộc đời của nhiều người trong cộng đồng anh.

Tôi luôn mơ ước thực hiện những điều to tát và tốt đẹp trong cuộc sống, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và cộng đồng mình. Bạn không thể làm điều này trong một sớm một chiều được. Để làm được việc lớn, chúng ta phải lên kế hoạch và chuẩn bị. Tôi đã sẵn lòng bỏ ra mười lăm năm tự chuẩn bị trươc khi bước vào cuộc thách thức này”.



Lee Dunham

Vinh quang không phải ở chỗ không bao giờ thất bại, mà là dám đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”.



Khổng Tử

CÂU CHUYỆN THỨ MƯỜI BỐN

CHUẨN BỊ ĐỂ CHIẾN THẮNG

Nếu như trên đời có người không hy vọng gì trở thành ngôi sao bóng chày của một liên đoàn tầm cỡ, thì người đó chính là Maury Wills.

Năm 1950, khi đến thử việc ở đội Brooklyn Dodgers, anh chỉ cao 1.7m và nặng 68 kg. Với tầm vóc nhỏ bé này anh không thể có được vị trí nào trong đội hình. Anh là một tay chạy nước rút tuyệt vời, một tay ném bóng đầy triển vọng và một tay chặn bóng giỏi, nhưng anh đáng bóng thì chẳng ra hồn. Đội Dodgers đồng ý ký hợp đồng với anh nhưng gửi anh xuống đội hạng hai để rèn luyện thêm. Maury đã tuyên bố với bạn bè quyết tâm của mình: “Hai năm nữa, tôi sẽ có mặt tại Brooklyn để chơi cùng với các danh thủ khác trong đội tuyển”.

Dù tự tin và quyết tâm, nhưng suốt năm tám rưỡi Maury đã phải khổ sở trong đội hạng hai. Thế nhưng anh vẫn không nản lòng. Anh là một tấm gương điển hình cho sự kiên nhẫn, gắng sức và luyện tập không ngừng. Sau cùng anh không chỉ được thăng lên đội hạng nhất mà còn trở thành một cầu thủ nổi tiếng.

Khởi sự từ hạng D, cấp thấp nhất trên thang bóng chày, Maury thi đấu hết trận này đến trận khác, chịu đựng sự kỳ thị chủng tộc của các cổ động viên quá khích và chật vật nuôi sống gia đình với đồng lương còm cõi là 150 đôla một tháng.

Anh biết rằng nếu hoàn thiện kỹ năng và có lối chơi tốt anh sẽ có cơ may được chơi cho một câu lạc bộ mạnh vì thế Maury đã luyện đánh bóng liên tục nhiều giờ mỗi ngày. Sau bao năm rèn luyện mệt nhọc, cơ hội vẫn chưa đến, thay vì nản lòng anh vẫn kiên trì tập luyện và không chịu bỏ cuộc.

Một ngày kia, ông bầu Bobby Bragan nhìn thấy Maury đánh bóng hai lần từ phía trái tại vị trí phát bóng. Ông hiểu ngay Maury sợ đánh trái bóng cong trúng vào đầu và Bobby biết rằng nếu một cầu thủ không thể đánh trúng một trái bóng cong, người đó sẽ không bao giờ leo lên được hạng nhất.

Bobby đề nghị Maury cố “đánh đổi bên” – học đánh cả bên trái và bên phải để có thể cảm thấy an toàn hơn khi gặp người ném bóng thuận tay phải từ bên đối nghịch của vị trí phát bóng.

“Là một cầu thủ đánh bóng thuận tay phải, cậu đang ở giai đoạn bảy tuổi rưỡi thôi” – Bobby nói với Maury – “Sáng mai ra đây tôi sẽ ném cho cậu đánh”. Ngày hôm sau, khi ném bóng cho Maury đánh, Bobby phát hiện một triển vọng mới. Sau bốn ngày, Maury hăm hở thử đánh đổi bên, nhưng Bobby đề nghị cậu chờ đợi cho đến khi đội đi đấu xa để Maury khỏi bị lúng túng trước những cổ động viên đội nhà. Hai tuần sau, cơ hội đến. Maury đánh trúng được hai trái. “Tôi bắt đầu cảm thấy mình lại là cầu thủ bóng chày”, Maury nói. “Hai cú đánh đó đã hồi sinh hy vọng và mơ ước được thi đấu cùng đội tuyển”. Cuối mùa, Maury đã kiện toàn khả năng chặn bóng và hé mở triển vọng trở thành cầu thủ đánh thuận cả hai tay. Dù khả năng của anh đã được cải thiện, nhưng độ Brooklyn vẫn chưa cho anh thăng hạng.

Trong năm thứ tám ở đội hạng hai, Maury tiếp tục luyện tập cùng với ông bầu Bobby. Rồi cầu thủ chặn bóng của đội Dodgers bị chấn thương và họ buộc phải tìm người thay thế. Bobby Bragan gọi điện cho họ và bảo: “Các anh đã có một cầu thủ chặn bóng ngay tại đây, tại sao lại phải tìm kiếm ở nơi khác?”. Và họ đáp: “Maury không chơi được đâu. Cậu ấy chỉ giỏi chặn bóng mà thôi!”

“Bây giờ cậu ấy đã khá hơn nhiều rồi. Hãy cho cậu ấy một cơ hội đi!”, Bobby nói. Họ chấp nhận và Maury đã đáp máy bay đến gia nhập đội tuyển tại Milwaukee. Trong những trận đấu tiếp đó, Maury bắt đầu nhận ra chơi trong liên đoàn hạng nhất rất khác với trong liên đoàn hạng hai. Dù là một cầu thủ chặn bóng giỏi nhưng các cú đánh của anh vẫn chưa đạt trình độ như mong muốn. Các ông bầu để anh đánh vài lần mỗi trận và phải đưa anh ra khỏi sân trong đợt đánh thứ bảy để thay một cầu thủ khác vào.

“Tôi biết nếu không đánh tốt hơn, tôi sẽ phải trở về đội hạng hai”. Maury không bao giờ muốn quay về vạch xuất phát nên anh đã nhờ một huấn luyện viên tên là Pete Reiser giúp anh luyện đánh bóng hai tiếng mỗi ngày, trước buổi tập thông thường của đội. Những ngày sau đó, Maury tập đánh bóng liên tục bất chấp mọi thời tiết, anh tập cho tới khi đôi tay phồng giộp lên và rướm máu mới thôi. Thế nhưng dù nỗ lực thế nào, những cú đánh của anh vẫn chưa đủ mạnh. Anh tiếp tục bị đưa ra khỏi sân trong đợt đánh bóng thứ bảy. Quá chán nản, Maury đã tính chuyện giã từ sân bóng.

Tuy nhiên, Pete không để cho Maury bỏ cuộc. Ông nhận ra rằng sự chuẩn bị của Maury còn thiếu mất một mục quan trọng. Suốt thời gian này, Maury đã tập luyện thành thạo đôi bàn tay, cánh tay, tư thế và động tác người. Pete tự hỏi phải chăng cản trở lớn nhất chính là sự tự tin của Maury. Do vậy Pete đã đổi cách huấn luyện. Mỗi buổi tập, Pete và Maury dùng ba chục phút để đánh bóng và chín chục phút để chuẩn bị tinh thần cho Maury. Ngồi ngoài khu vực phát bóng, Pete có thể tập trung lưu ý về tư duy và thái độ của Maury. Pete đảm bảo với Maury rằng anh đã có những tố chất và kỹ năng cần thiết, và nếu anh kiên trì tập luyện, cuối cùng rồi anh sẽ thành công.

“Tôi hiểu sự tự tin chỉ đến sau một mức độ thành công nào đó, và sự thành công lại đến sau quá trình tập luyện và chuẩn bị”

Hai tuần sau, Maury đánh trúng ngay trong lần đánh bóng đầu tiên, rồi lần thứ hai. Trong đợt đánh bóng thứ bảy định mệnh, anh hồi hộp đợi ông bầu Walter Alston gọi trở về chỗ dành cho cầu thủ dự bị nhưng thay vì vậy, Alston đã gật đầu ra hiệu cho anh tiếp tục chơi và Maury đã đáp trả bằng một cú đánh trúng đích nữa.

Sau tám năm rưỡi đầy chán chường, Maury cuối cùng đã tìm được “bệ phóng” của mình. Ngày hôm sau, anh đánh trúng được hai lần nữa, ngày tiếp theo cũng thế. Số lần đánh trúng của anh đã tăng vọt lên. Trong mùa đấu năm ấy, Maury đã khẳng định được tài năng của mình cả trong vai trò cầu thủ chặn bóng lẫn đánh bóng của một liên đoàn lớn và ngày một khẳng định thêm tài năng bẩm sinh – tốc độ trời cho của mình – những cú nhảy mạnh và dứt khoát, những cú lừa bóng ngoạn mục, tốc độ chạy vượt trạm thần tốc… Tất cả đã trở thành một vũ khí riêng biệt của Maury để gây phân tâm cho người ném bóng và cuốn hút thêm hàng ngàn người hâm mộ tới vận động trường để theo dõi phép thần thông – những điều mà ngoài vận động viên huyền thoại Ty Cobb ra chẳng ai trong lịch sử bóng chày có thể sánh bằng.

Không bằng lòng với chính mình, Maury quyết tâm vượt qua thành tích của Ty Cobb. Năm 1919, Cobb đã vượt 96 trạm ghi điểm trong 156 trận đấu. Cho dù mùa bóng chày thông thường năm 1962 bao gồm 162 trận đấu, mục tiêu của Maury là phá kỷ lục 156 trận đấu, như Cobb đã thực hiện.

Và Maury đã thi đấu hết mình. Anh đã trượt vào trạm ghi điểm nhiều lần đến độ bị lột cả da chân từ hông tới mắt cá. Dù bị máu chảy, thâm tím và phải băng bó, anh vẫn không chịu lùi bước.

Cuối cùng ở trận đấu thứ 155, trước hàng triệu khán giả ở vận động trường và qua truyền hình, Maury đã đánh trúng hai bóng và chạy ghi được hai điểm. Anh đã phá được kỷ lục của một liên đoàn lớn tồn tại trong suốt bốn mươi bảy năm trời. Cuối mùa bóng, Maury được tặng danh hiệu Cầu Thủ Sáng Giá Nhất của Liên Đoàn Quốc Gia, bên cạnh các nhân tài được ghi tên vào Phòng Truyền Thống như Willie Mays, Don Drysdale va Sandy Koufax.

Cầu thủ có lần tưởng chừng mãi mãi bị kẹt lại ở liên đoàn hạng hai, theo định mệnh phải kết thúc sự nghiệp trong thứ hạng tầm thường, đã tự biến đổi thành một ngôi sao đích thực. Tất cả là nhờ nhiều năm kiên trì, không nản lòng sau mỗi lần bị từ chối, Maury vẫn kiên trì chuẩn bị bản thân. Rồi khi thời cơ tới, khi có cơ hội tỏa sáng, anh đã sẵn sàng.

May mắn là khi cơ hội gặp được sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.




tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương