Cuộc Đời Tôn Giả Xá Lợi Phất Tác giả: nyanaponika thera dịch giả: nguyễN ĐIỀU


PHẦN THỨ BA - ÐOẠN CHÓT CỦA CUỘC ÐỜI NGÀI TRẢ MÓN NỢ TRẦN CUỐI CÙNG



tải về 0.64 Mb.
trang8/13
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích0.64 Mb.
#35694
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

PHẦN THỨ BA - ÐOẠN CHÓT CỦA CUỘC ÐỜI NGÀI TRẢ MÓN NỢ TRẦN CUỐI CÙNG

Bây giờ câu chuyện của chúng ta lại trùng vào lúc Ðức Bổn Sư sắp an nghỉ Niết-bàn (Pari-nibbàna).


Theo Kinh Mahà Parinibbàna, chương 2, thì khi ấy Ðức Thế Tôn đang kiết hạ tại làng Beluva gần thành Vesàli. Khi mùa Hạ chấm dứt, Phật đã rời nơi đó, cũng đi trên con đươøng cũ, trở về Jetavana Vihàra (Kỳ Viên tinh xá).
Phật về tới nơi, đức Trưởng lão Sàrìputta liền đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi lui lại vị trí nhật hành của mình. Nhưng hôm nay, không phải như thường lệ, ngài chợt có tác ý chẳng muốn làm việc gì khác hơn là hành thiền trọn ngày. Ðoạn ngài lấy chiếc tọa cụ bằng da của ngài ra, và phủi chân sạch sẽ ngồi lên bằng tư thế kiết già để nhập sâu vào trong A-la-hán Thánh định.
Ấy là dấu hiệu xác thân tứ đại của ngài đang tiến đến thời kỳ tan rã. Trong khi ngài sắp quyết định giờ an nghỉ vĩnh cửu của mình, ngài bỗng nhớ đến Ðức Phật và muốn biết xem Ðức Thế Tôn sẽ nhập diệt sau hay trước những đại đệ tử? Và ngài quán thấy rằng chính những đại đệ tử sẽ nhập diệt đầu tiên.
Sau đó, ngài bắt đầu quán xét thân thể của ngài và thấy rõ xác thân ô trược ấy chỉ chịu thêm được một tuần lễ nữa.
Rồi ngài tìm hiểu tiếp “Ta sẽ nhập diệt nơi nào đây? Kế ngài quán thấy: Ðức Ràhula sẽ nhập diệt cùng lúc với những vị Thiên Thánh trong từng trời thứ 33, và đức Trưởng lão Kondanõnõa sẽ nhập diệt tại hồ Chaddanta (vùng Hinsàlaya). Sau đó là đến phiên nhập diệt của mình”.
Khi những điều quán thấy như vậy và chấm dứt thì Ngài bỗng nhớ đến mẹ già, và một tác ý hiếu hạnh lại đến. Ngài nghĩ: “Mặc dù bà là mẹ của bảy vị A-la-hán 11 nhưng bà không tin tưởng gì đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Không biết hiện tại bà có chút thiện duyên nào hộ trợ để bà có thể đạt đến sư tin kính nơi Tam Bảo ấy hay không?
Rồi ngài dùng Tuệ nhãn xem xét thấy nhất thời bà đang đủ điều kiện để khai thị được Trực giác đạo (Abhisamaya), tức mở đầu cho những bước tiến hướng vào Thánh lưu. Ngài mừng rỡ vội xem xét tiếp thì thấy người có duyên để cứu độ bà lại chính là ngài chứ chẳng phải ai khác.
Vả lại, ngài tự nghĩ: “Mình đã bao phen dắt dẫn cả nhân loại lẫn chư Thiên nương ở Tam Bảo mà chứng được Thánh quả, chẳng lẽ mình không thể tẩy trừ nổi tư kiến sai lầm của chính mẹ mình hay sao?”.
Ðoạn ngài quyết định phải tiếp độ bà để đền đáp ơn sanh dưỡng ra ngài trong kiếp chót. Nhưng hiện tại sức khỏe của ngài quả rất kém, bởi ngài đang chuẩn bị để nhập Niết-bàn. Thời gian còn lại không cho phép ngài trì hưỡn thêm nữa.
Nhất tâm như vậy, ngài lập tức đến xin phép Ðức Bổn Sư để trở về làng cũ Nàlakà.
Ðồng thời ngài cũng đến gặp Ðại đức Cunda, yêu cầu người bào đệ này mời 500 vị Tỳ-kheo trong nhóm của ngài, chuẩn bị y bát để cùng đi Nàlakà. Và Ðại đức Cunda đã làm theo ý muốn ấy.
Do đó, chẳng mấy chốc tinh xá dưới sự hướng dẫn của Ðại đức Sàrìputta bỗng trở nên hoạt động. Chư Tăng thì mạnh ai nấy lo thu gọn chỗ ở, chuẩn bị hành lý. Phần ngài thì ngài dọn dẹp căn phòng của mình thật sạch sẽ, rồi ngài bước ra tận ngoài ngõ đứng nhìn vào nơi ngụ mà nghĩ rằng: “Ðây là cái nhìn cuối cùng của ta, vì ta chẳng bao giờ trở lại chỗ này nữa”. Ðoạn cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo, Ðại đức Sàrìputta đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn thêm lần nữa, và ngài nói:
– Bạch Ðức Thế Tôn. Xin Ngài cho phép đệ tử có đôi lời tán dương ân đức một vị Phật, vì thời gian nhập diệt của đệ tử đã đến. Ðệ tử sắp từ bỏ kiếp sống trần tục này.
Rồi ngài tiếp:
– Ôi một đấng Cứu thế! Một Thánh nhơn vĩ đại vô biên. Từ kiếp sống trầm luân, nhờ Ngài mà đệ tử đã được giải thoát. Ðệ tử sẽ không còn đi và về trong cõi tội lỗi nữa. Và đây là lời phụng bái sau cùng đến Ngài.
– Kiếp sống nhục thể của đệ tử đã ngăn lại rồi. Chỉ còn bảy hôm nữa, sau đó Ngũ uẩn này không kéo dài thêm được. Khi thân thể đã nằm xuống, gánh nặng luân hồi của đệ tử cũng không còn nữa.
– Ôi Ðức Bổn Sư! Thật là một hồng ân xin Ngài cho phép đệ tử ca ngợi ân đức của Ngài. Với lần sau cùng sắp nhập Niết-bàn này, đệ tử đã từ bỏ các ràng buộc hiện có để tương lai sẽ bất sanh bất tử.
Bây giờ, chúng ta hãy nhắc lại những lời dạy của Ðức Phật. Nếu Ðức Thế Tôn trả lời là “Như Lai cho phép ông nhập diệt” những kẻ hẹp hòi thù nghịch sẽ nói rằng: “Ngài tán đồng sự chết”. Và nếu Phật trả lời: “Ðừng nhập diệt vội” thì họ sẽ bảo Ngài mong muốn sự tiếp tục kiếp vô thường.
Do đó, Ðức Thế Tôn đã không nói gì theo hai cách trên. Nhưng Ngài lại hỏi:
– Này Sàrìputta! Nơi nào sẽ là chỗ nhập diệt của ông?
– Bạch Ðức Thế Tôn! Trong xứ Magadha, tại làng cũ gọi là Nàlakà, và chính căn phòng mà ngày xưa đệ tử được sanh ra sẽ là nơi nhập diệt của đệ tử.
Rồi Ðức Thế Tôn đề nghị:
– Này Sàrìputta! Hiện ông có đủ thời giờ chăng? Sau lần tiếp xúc này, những huynh đệ của ông trong hàng Tăng lữ sẽ không có dịp để thấy lại một Tỳ-kheo như ông nữa. Vậy ông nên ban bố cho họ một thời pháp cuối cùng đi.
Ðức Trưởng lão bèn thuyết một bài pháp, từ sự trình bày những uy lực mầu nhiệm của ngài cho tới mọi chiều sâu chơn lý tối thượng, rồi trở lại những tầm thường diễn tả các sự thật về cuộc đời. Cứ như vậy mà ngài đưa thính giả lên những pháp tận cùng sâu xa rồi lại cắt nghĩa thấp xuống đến những pháp tầm thường thấp thỏi. Ngài đã giảng giải Bảo pháp hết sức trực tiếp theo một phương pháp ước lệ thực tế. Và khi ngài kết thúc thời pháp, ngài đã quỳ mọp dưới chân Ðức Bổn Sư để tỏ lòng tôn kính. Khi ôm đôi chân chí tôn của Ðức Phật, Ngài đã nói:
– Sở dĩ đệ tử lễ bái những bàn chân này là vì đệ tử đã được đầy đủ sự hoàn toàn của một bậc giác ngộ để được sống trong cái thời gian vĩnh cửu và trong một không gian bất hoại (Kalpas). Nguyện vọng duy nhất của đệ tử đã được thể hiện đầy đủ. Kể từ đây về sau, đệ tử sẽ không còn dịp để tiếp xúc hay gặp gỡ Ðức Thế Tôn nữa. Giờ là phút nghiêm trọng, vì nó là sự thông tri sau cùng giữa các bậc Toàn giác. Cõi Niết-bàn, một cảnh giới không tuổi thọ, không sanh tử, bình thản, tối thượng lạc, chẳng tạo sanh đau khổ và vô cùng ổn định. Nơi đó hàng trăm ngàn chư Phật đã bước chân vào, và rồi đây đệ tử cung sẽ nhập vào cảnh đó.
Sau cùng, đức Trưởng lão khải sám:
– Bạch Ðức Thế Tôn! Từ trước đến giờ nếu đệ tử có hành vi hay lời nói nào làm Ngài không vừa ý, xin Ðức Bổn Sư hãy tha lỗi cho đệ tử vì giờ đây là điểm thời gian mà đệ tử sắp ra đi, không bao giờ trở lại.
Ðức Phật hiền từ trả lời:
– Này Sàrìputta! Không một hành vi hay lời nói nào của ông có thể làm cho Như Lai chẳng vừa ý hay quở trách ông được, bởi ông là một Tỳ-kheo uyên bác, có một sức thông minh vĩ đại, có một trí tuệ tiềm tàng sắc bén, nhanh nhẹn, sáng sủa và quảng đại 12
Rồi Phật lại tiếp:
– Này Sàrìputta! Thật là cao thượng khi một đệ tử chân thành khải sám trước Tôn sư. Nhưng thật sự lỗi lầm dù chỉ một tiếng nói hay một hành vi vô ý của ông cũng không có nữa. Với lòng từ bi, Như Lai luôn luôn chúc lành đến ông. Bây giờ thì ông có thể lên đường, và hãy tưởng nhớ đến những gì hợp thời.
Ðến đây chúng ta thấy rằng vào những dịp hiếm có như đã nói. Khi Ðức Bổn Sư tỏ lời khiển trách các đại đệ tử của Ngài: Ðó không phải là Phật bất bình đối với Ðại đức Sàrìputta về bất cứ chuyện gì. Nhưng ấy chính là Ngài muốn vạch rõ cho đệ tử ưu tú của Ngài thêm con đường nhận định bổn phận, hoặc thêm phương pháp quán sát một vấn đề.
Ngay sau khi Ðức Thế Tôn cho phép, và Ðại đức Sàrìputta đã lìa khỏi đôi bàn chân của Ðức Phật theo thể thức tôn kính mà Ngài đã thường làm, thì lúc ấy đại địa cầu đã làm cho nước trong năm châu bốn biển dao động như chứng tỏ rằng: “Mặc dù tôi đã chịu đựng được những dãy núi điệp trùng thắt lên thân thể tôi, như ngọn Meru hùng vĩ, như thành sơn cao ngất Cakkavàla và Himavantu (Hy-mã-lạp-sơn) chẳng hạn tôi cũng không chịu nổi ngày hôm nay, một ngày mà giới đức từ bi vô lượng đã được quy tụ”.
Tiếp theo đó, bỗng có một tiếng sấm đầy uy vũ vang lên trên tất cả các từng trời, và không biết một dãy mây khổng lồ từ đâu hiện ra che áng hầu hết không gian, rồi một trận mưa lịch sử đã đổ ào trên mặt đất.
Ðức Thế Tôn lại nghĩ: “Giờ đây Ta sắp cho phép một vị Chưởng pháp như Sàrìputta khởi hành”. Rồi Ngài rời khỏi chỗ ngồi của mình đến một căn phòng đầy hương thơm và đứng trên một tấm thảm ngọc.
Ðại đức Sàrìputta đi xung quanh căn phòng ấy đến ba lần giữ bên mặt của ngài về hướng Ðức Phật và làm những động tác tôn kính tại bốn nơi khác nhau. Khi ấy, thì một ý nghĩ phát lên trong trí óc ngài: “Một thời gian vô lượng và một không gian bất tận không biết đã trải qua bằng bao trăm ngàn đại kiếp (Kalpas) chính là giờ phút này. Khi ta mọp xuống dưới chân Ðức Phật Anomadassi và phát đại nguyện được gặp vị Thích Ca Như Lai. Nguyện vọng ấy đã được thể hiện và ta đã gặp Ngài. Lần gặp gỡ đầu tiên ta đã được Ngài thọ ký. Giờ đây là lần chiêm ngưỡng sau chót của ta đối với Ngài vì trong tương lai sẽ chẳng bao giờ có nữa”.
Sau cùng, bằng một cử chỉ chắp tay đưa lên cao đầy tôn kính, Ðại đức Sàrìputta đã dời gót khởi hành, mắt nhìn về hướng Ðức Phật với một tư thế bái biệt. Ngài bước đi thụt lùi như vậy cho đến khi nào không còn trông thấy Ðức Thế Tôn nữa. Và do đó, lại một lần nữa đại địa cầu cũng không thể chịu được, đã rung động làm cho nước bốn bể năm châu nổi sóng.
Kế đó, Ðức Phật bèn nhắn nhủ giữa những hàng Tăng chúng: “Này chư Tỳ-kheo! Các ông hãy đi đi! Ði tiễn chân vị Ðại sư huynh của mình”.
Phật vừa nói xong thì cả bốn nhóm Tăng lữ có mặt lập tức nối gót Ðại đức Sàrìputta ra khỏi Kỳ Viên tinh xá, để lại một mình Phật ở đó.
Riêng Ðại đức Ananda là người sẵn sàng đưa tiễn đầu tiên, và là người tỏ vẻ u buồn nhiều nhất. Ngài không ngớt thốt ra những lời thống thiết. (Như đã nói ở hai trang 44-45).
Dân chúng sống trong thành Xá-vệ cũng vậy khi nghe tin này, họ đồng kéo nhau ra khỏi nhà tiễn đưa Ðại đức Sàrìputta như một dòng suối dài bất tuyệt. Họ còn mang cả những vật thơm và tràng hoa để tỏ dấu chịu tang nữa. Cả đoàn dân chúng đi tiễn chân đức Trưởng lão, người nào cũng tỏ vẻ thổn thức và rơi lệ.
Ðại đức Sàrìputta sau đó đã khuyên nhủ đám đông dân chúng rằng:
– Hỡi quý Phật tử! Ðây là con đường mà không ai tránh khỏi. Rồi ngài yêu cầu họ trở về.
Còn đối với chư Tỳ-kheo không cùng đi với Ngài đến Nàlakà, Ngài lại nhắc nhở:
– Xin các vị hãy trở về. Ðiều bần đạo mong muốn nhất là từ nay về sau mong các vị đừng dễ duôi trong việc chăm sóc Ðức Phật.
Cứ như thế, Ngài đã khuyến dụ cả Tăng lẫn tục lần lượt trở lui. Sau cùng, chỉ còn lại nhóm đệ tử riêng của Ngài mới cùng Ngài lên đường theo ý định. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn những Tăng sĩ đang thổn thức, vừa đi vừa kể lể:
– Trước đây, vị Ðại đức của chúng ta dù có đi bao nhiêu chuyến hành trình rồi cũng trở về, nhưng lần này thì chuyến đi lại là lần ra đi không bao giờ trở lại.
Ðức Trưởng lão nghe được liền khuyên họ rằng:
– Này các huynh đệ! Các vị hãy giữ tâm thanh tịnh, vì sự luyến tiếc bất cứ hình thức nào của thế gian cũng đều vô nghĩa mà chỉ tạo thêm cho mình cái khổ.
Dù sức đang yếu nhưng ngài đã phải giảng giải cho họ nghe thật nhiều lần họ mới bình tâm.
Suốt cuộc hành trình, Ðại đức Sàrìputta đều nghỉ lại một đêm ở bất cứ nơi nào có người nghinh đón. Và như vậy trong một tuần lễ, ngài đã ban rải ân huệ giải thoát cho khá nhiều kẻ hữu duyên trong chuyến gặp gỡ sau cùng này.
Khi đến Nàlakà vào một buổi chiều, ngài bèn dừng chân gần một cây đa ở cổng làng. Thình lình lúc ấy có người cháu trai của ngài nhân việc đi ra ngoài nhìn thấy. Người ấy vội đến đảnh lễ đức Trưởng lão. Xong ngài bèn hỏi:
– Thân mẫu của bần Tăng có ở nhà không?
Người ấy trả lời: “Bạch ngài có ạ!”.
Ðức Trưởng lão liền nói: “Vậy phiền ông đi thông báo giùm cho bà biết là bần Tăng sắp về và nếu bà có hỏi chi tiết thì hãy bảo với bà rằng bần Tăng sẽ ở lại trong làng này chỉ một ngày mà thôi! Xin bà cứ sửa soạn căn phòng mà trước đây bần Tăng đã chào đời, và sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị Tỳ-kheo khác nữa nhé”.
Ông Uparevàta, tên người cháu của Ðại đức Sàrìputta, sốt sắng đến gặp mẹ ngài và báo rằng:
– Thưa bà! Ngài Sàrìputta đã về.
Nghe xong bà liền hỏi: “Hiện giờ ông ấy ở đâu?”.
– Thưa bà! Ngài đang ở tại cổng làng.
– Ông ta đi một mình hay có ai nữa không?
– Thưa bà, ngài về với năm trăm vị Tỳ-kheo.
Khi bà hỏi “Tại sao ông ta về” thì người cháu bèn thuật lại những lời nói của đức Trưởng lão. Bà liền nghĩ “Tại sao ông ta yêu cầu mình cung cấp chỗ ngụ cho rất nhiều người như thế? Phí bỏ thời gian còn trẻ để làm một Sa-môn, bộ khi về già ông ta muốn trở về làm cư sĩ hay sao?”.
Nhưng rồi bà cũng sắp đặt chỗ ngụ đầy đủ như vậy cho đức Trưởng lão và những vị Tỳ-kheo kia. Bà còn đốt nhiều cây đuốc và trao lại cho người cháu đem đến đức Trưởng lão và chư Tăng để soi đường đi về nhà.
Chẳng mấy chốc, Ðại đức Sàrìputta cùng với chư Tỳ-kheo đã vào đến sân nhà bà và ngài tự ý bước thẳng vào căn phòng cũ của mình. Sau đó, ngài nhân danh mẹ ngài mời tất cả chư Tỳ-kheo đến những chỗ dành riêng cho họ để nghỉ ngơi.
Ðại đức Sàrìputta khi ấy chợt cảm thấy một sự đau đớn lan tràn cả thân xác, ngài vội vã lên nằm trên chiếc giường của mình và nhập ngay vào đại định. Những Tỳ-kheo có bổn phận hầu hạ ngài liền túc trực quan sát. Họ thấy da mặt ngài lúc đỏ lúc xanh, nhưng đức Trưởng lão vẫn nằm im thiêm thiếp, phong thái vẫn bình an. Kế đến từ hạ thân của ngài thải ra một chất nước. Thì ra ngài đang bị bệnh đi tả hoành hành. Những học trò của ngài phải thay phiên nhau tẩy uế. Cứ một chiếc thùng đưa ra thì một thùng khác trao vào.
Người đàn bà Bà-la-môn thoạt đầu có vẻ đố kỵ những vị Tỳ-kheo kia, nhưng khi thấy họ chăm sóc con bà một cách tận tình và kính trọng thì đâm ra có hảo cảm. Rồi càng theo dõi bệnh tình của Ðại đức Sàrìputta bà càng lo sợ. Lúc bấy giờ, chính bà lại nhận thấy sự có mặt của năm trăm vị Tỳ-kheo kia quả là một điều cần thiết cho bà.
Trong Kinh còn thuật lại rằng: Lúc đó có một chuyện lạ xảy ra: Bốn vị Thiên vương cùng hỏi lẫn nhau “Hiện tại không biết vị Ðại A-la-hán, bậc thông hiểu vạn pháp kia đang trú ngụ nơi đâu?”. Cả bốn vị Phạm thiên ấy đã lập tức thấy rõ ngài đang ở tại Nàlakà, trong căn phòng ngài được sanh ra trước đây. Ngài lại đang nằm trên giường bệnh và sắp nhập Niết-bàn.
Liền đó, họ cùng bảo nhau giáng trần để chiêm bái ngài lần chót. Khi bốn vị Thiên vương đã đến phòng bệnh của Ðại đức Sàrìputta, họ tự động dùng thiên lực làm cho cơn đau của đức Trưởng lão giảm xuống, rồi thỉnh ngài xả thiền để xin lời chỉ dạy.
Ðức Trưởng lão hỏi: – Các ông là ai?
– Bạch ngài! Chúng tôi là Tứ Ðại Thiên Vương.
– Tại sao các ông đến đây?
– Chúng tôi muốn hầu ngài trong thời gian bệnh hoạn.
Nghe thế Ðại đức Sàrìputta bèn nói:
– Xin để mặc bần đạo. Vì bần đạo đã có học trò chăm sóc ở đây rồi, các vị có thể đi đi.
Khi Tứ Ðại Thiên Vương rời khỏi thì có vị vua Trời khác tên Sakka, cũng trong một vẻ tôn kính như thế, lại hiện đến thăm ngài. Tiếp theo là những vị Ðại Phạm Thiên cũng đến vấn an, nhưng tất cả đều được đức Trưởng lão bảo trở về như trước.
Người đàn bà Bà-la-môn, mẹ ngài, khi thấy những vị chư Thiên đến rồi đi như thế, bèn tự hỏi: “Họ là ai vậy kìa? – Ai mà đến tôn kính con ta như thế rồi lại đi?”. Bà tới tận cửa phòng của đức Trưởng lão để hỏi thăm Ðại đức Cunda về bệnh trạng của ngài. Ðại đức Cunda vốn thấu rõ ý muốn của Ðại đức Sàrìputta từ trước nên bước vào trong bạch với ngài rằng:
– Bạch đức Trưởng lão. Vị đại Tín nữ đã đến.
Ðại đức Sàrìputta liền mời bà vô và hỏi:
– Vì sao thân mẫu lại đến đây vào giờ bất thường này?
Bà trả lời:
– Này con! Thân mẫu đến để thăm con. Con hãy nói cho thân mẫu biết những người vừa rồi đến thăm con đầu tiên là ai vậy?
– Thưa thân mẫu! Ðó là bốn vị Ðại Thiên Vương.
Nghe thế bà liền hỏi:
– Như thế thì ông còn cao quý hơn những người đó nữa ư?
Ðức Trưởng lão đáp:
– Họ chỉ là những bậc hộ trì Phật pháp. Khi Ðức Bổn Sư đản sanh họ chính là những kẻ đến hầu hạ đầu tiên. Trong giáo lý giải thoát, họ ví như những cận vệ quân luôn luôn có uy quyền trong tay để bảo vệ một vị Phật Tổ.
– Sau khi họ đi rồi thì vị đến kế tiếp là ai thế?
– Thưa thân mẫu. Ðó là vua trời Sakka.
– Này ông con yêu quý! Ðối với đức vua Trời kia, ông có cao thượng hơn không?
Ðại đức Sàrìputta trả lời:
– Thưa thân mẫu! Ông chỉ như vị Sa-di là người theo hầu hạ và mang vác những vật dụng của một Tỳ-kheo. Khi Ðức Bổn Sư từ trên cõi trời thứ ba mươi ba (Tàvatimsa, Ðao-lợi) trở về vị trời Sakka đã mang bát và y phục của Ngài để tiễn Ngài từ Thiên giới đến cõi trần với một lòng tôn kính.
Bà lại hỏi tiếp:
– Và khi vị trời Sakka đi rồi, những vị đến sau đã dùng hào quang làm sáng cả căn phòng này là ai vậy?
– Thưa Tín nữ thân mẫu. Ðó là các vị Giáo chủ, những Ðại Phạm Thiên, những Thiên sư của chính thân mẫu đấy.
– Vậy thì ông là người cao cả nhất. Này ông con quý mến của mẹ, ông còn cao quý hơn những Ðại Phạm Thiên mà xưa nay thân mẫu hằng ngưỡng mộ ư?
– Vâng, thưa thân mẫu. Vào ngày Ðức Bổn Sư ra đời, thân mẫu nào biết rằng chính bốn vị Ðại Phạm Thiên ấy đã đón rước Ngài trong một vuông lụa đầy hào quang vàng chói.
Khi nghe vậy, mẹ Ngài bèn nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn Sư ông còn to lớn biết dường nào?”.
Trong khi bà đang phân xét như vậy, bất chợt một sự kính ngưỡng nơi Tam Bảo bỗng phát sanh và phỉ lạc tràn ngập cả tâm tư bà.
Ðức Trưởng lão quán thấy biết rằng sự thỏa thích và niềm tin đã bừng lên trong tâm hồn người mẹ rồi, đây chính là lúc mà ngài phải thuyết pháp để báo ơn sanh thành dưỡng dục. Ngài hiền hòa hỏi:
– Này thân mẫu tín nữ. Thân mẫu đang suy nghĩ gì vậy?
Bà trả lời:
– Thân mẫu đang suy nghĩ: “Nếu con trai của mình mà có phước hạnh như thế thì ân đức của Phật Thích Ca Cồ Ðàm còn to lớn biết là dường nào?”.
Ðại đức Sàrìputta liền tiếp lời:
– Ngay giây phút Ðức Bổn Sư ra đời, ngay giờ khắc Ngài chứng được quả giải thoát vĩ đại và sau khi đạt đến sự Toàn giác rồi, Ngài bắt đầu Chuyển pháp luân. Trong ba lần này có hàng vạn hiện tượng cõi đời phải rung chuyển và chấn động. Không có một đấng nào có phước đức ngang hàng với Ðức Phật. Không có một đấng nào có sự an trụ, có trí tuệ, có hạnh giải thoát, có một độ thuần thục và một sức nhận thức pháp giải thoát cao hơn Phật.
Tiếp theo, Ðại đức Sàrìputta liền cắt nghĩa cho bà một cách chi tiết những lời tán dương vừa rồi. Chẳng hạn như ngài nói:
– Thực ra, chỉ có Ðức Thế Tôn mới là đấng Ðại phúc hơn hết. Vì Ngài đã tròn đủ mười ân đức như: Ứng Cúng (Araham), Chánh Biến Tri (Sam màsambuddho), Minh Hạnh Túc (Vijjà-caranasam panno), Thiện Thệ (Sugato), Thế Gian Giải (Lokavidu), Vô Thượng Sĩ (Anuttaro), Ðiều Ngự Trượng Phu (Purisadammasàrathi), Thiên Nhơn Sư (Satthàdeva-manussànam), Phật (Buddha), Thế Tôn (Bhagavà)
Cứ như thế Ngài đã lần lượt làm cho bà thấu hiểu hết ân đức Phật đến ân đức Pháp, hết ân đức Pháp đến ân đức Tăng.
Khi người con cao thượng của bà sắp chấm dứt bài pháp, cụ bà Bà-la-môn tín nữ kia liền đắc quả Nhập lưu (Tu-đà-hoàn) một cách không dư sót. Và bà nói:
– Này người con đáng kính của mẹ! Này ngài Upatissa, tại sao trước đây ông không làm như thế để dắt dẫn mẹ? Tại sao trong suốt những năm qua ông không ban bố cho mẹ một sự hiểu biết bất tử này?
Ðức Trưởng lão bèn nghĩ: “Giờ thì ta đã đền đáp xong công ơn sanh thành của người mẹ ta rồi, người thiếu phụ Bà-la-môn mà trước đây dân làng ai cũng tôn kính và đều gọi là Rùpa Sàri. Chính nhờ bà, ta đã nên người. Pháp bảo mà ta vừa giảng cho bà thế là đủ”.
Ðoạn ngài yêu cầu bà để ngài nằm yên trong chốc lát.
Khi bà đã rút lui, ngài bèn hỏi Ðại đức Cunda:
– Này Pháp đệ! Không biết bây giờ là canh mấy rồi nhỉ?
– Bạch ngài! Trời chỉ mới vừa rạng đông.
Ðức Trưởng lão liền yêu cầu:
– Xin Pháp đệ hãy bảo chư Tỳ-kheo tập hợp lại.
Và lúc chư Tỳ-kheo tề tựu đông đủ, ngài bèn nói với Ðại đức Cunda rằng:
– Hãy khiêng tôi đem đặt vào phòng khách.
Ðại đức Cunda liền vâng lời và làm theo ý muốn của ngài.
An vị xong, đức Trưởng lão bèn tuyên bố với chư Tỳ-kheo:
– Này các huynh đệ. Trong bốn mươi bốn năm, bần đạo đã cùng sống và du hành truyền đạo với các vị, nếu bần đạo có một hành vi hay lời nói nào không vừa lòng, xin chư huynh đệ bỏ lỗi cho tôi nhé.
Tất cả đồng trả lời: – “Bạch ngài, dù một sự mích lòng nhỏ nhất đi nữa cũng chẳng bao giờ phát sanh giữa ngài với chúng tôi, ai đã noi gương ngài, theo chân ngài dù ngài khuất bóng đi nữa, họ cũng còn ghi khắc hình ảnh của ngài trong tâm khảm và như vậy bạch ngài: Nếu trước đây chúng tôi có lỗi lầm gì xin ngài từ bi tha thứ!”.
Nói xong, đức Trưởng lão liền góp nhặt những y phục xung quanh ngài, rồi tự mình phủ lên mặt, nằm xuống nghiêng mình về phía phải. Sau đó, ngay khi Ðức Bổn Sư đang sắp sửa nhập vào Vô dư Niết-bàn (Maha parinibbana) thì ngài bèn nhập vào trong cửu phẩm đại định theo cách tiến và thoái rồi nhiếp lại từ Sơ thiền trở lên cho tới Ðệ Tứ đại định. Ngay giây phút ngài đạt đến mức định ấy, thì vừng thái dương cũng vừa ló dạng ở chân trời và ngài đã hoàn toàn nhập diệt vào Niết-bàn vĩnh cửu nơi không còn dư sót bất cứ một sự dính mắc đau khổ nào.
Hôm ấy, là ngày trăng tròn tháng Kattika theo dương lịch là ngày 15 tháng 10.
Cụ bà Bà-la-môn khi chưa hay ngài đã nhập diệt suy nghĩ rằng: Không biết bệnh tình của ông con ta ra làm sao? Bà ngồi dậy đi vào trong phòng của đức Trưởng lão đặt tay lên hai chân của ngài. Lúc đó bà mới biết rằng ngài đã nhập diệt. Bà liền quỳ xuống dưới chân ngài than khóc: “Ôi người con trai yêu quý của mẹ! Trước đây mẹ đã không biết được phúc đức vô lượng của người. Vì thế mẹ không tạo được của cải bất diệt trong nhà này, và mẹ đã không biết nuôi nấng, giúp đỡ đến hàng trăm vị Sa-môn chơn chánh như giờ đây. Mẹ không tập được hạnh quý không xây cất được tinh xá”.
Bà cứ than thở như vậy cho đến khi mặt trời mọc. Lúc vầng thái dương vừa soi rõ cả không gian, bà mới cho mời những thợ chạm danh tiếng và ra lệnh mở kho của báu để lấy ra những khối vàng nặng nhất hầu chi dụng, và chế tạo đồ trần thiết trong tang lễ.
Sau đó là những cột phướn và những cửa tam quan được dựng lên ở trung tâm ngôi làng. Nơi ấy, vị tín nữ đã cho cất một ngôi nhà tế toàn bằng các loại gỗ quý. Ở xung quanh ngôi nhà tế, bà cho kiến tạo một số tiểu đình giao thông nhau bằng những hành lang rộng rãi, có mái che, và hai bên có những bao lơn bắt dính vào nhiều cây cột khảm vàng thật đẹp.
Ðoạn cuộc tế lễ bắt đầu. Người tham dự chẳng những rất đông họ hàng dân chúng mà còn có cả các hàng chư Thiên lẫn lộn. Khi số người vĩ đại ấy đã lễ bái theo nghi thức đủ một tuần lễ, họ bèn dựng lên một lò thiêu cao trọng bằng tất cả các loại trầm có mùi thơm quý nhất. Nhục thể của Ðại đức Sàrìputta được đặt lên giàn thiêu ấy và châm lửa đốt bằng những bó mồi do những rễ cây Usiva làm ra. Suốt đêm hỏa thiêu ấy, tất cả mọi người tham dự đều được nghe chư Tăng thay phiên nhau thuyết pháp. Ðức Trưởng lão Anuruddha cũng có mặt trong đêm lễ hỏa thiêu này. Ngài chính là người đã đích thân dùng nước hoa dập tắt ngọn lửa sau cùng. Ðại đức Cunda bèn góp nhặt những di hài còn lại và đặt vào trong một vuông vải lọc.
Trong khi làm như vậy, Ðại đức Cunda lại nghĩ “Ta không nên lưu lại tại đây lâu vì lúc này là thời gian Ðức Bổn Sư cũng chuẩn bị nhập diệt. Ta phải đi báo cáo cho đấng Toàn giác biết sự nhập diệt của Ðại sư huynh ta, vị đệ tử mà Ngài gọi cái tên Sàrìputta như một người thông hiểu vạn pháp”.
Liền đó, ngài lấy vuông vải lọc chứa đầy di hài Thánh thể, đồng thời với những di vật bình bát và y phục của Ðại đức Sàrìputta, rồi đến thành Sàvatth (Xá-vệ). Trên đường đi, chỉ có ban đêm là Ðại đức mới dừng chân tạm nghỉ.
Trên đây là những mẫu chuyện đã được ghi lại trong chú giải Kinh Cunda, thuộc Sati-patthàna Samyutta. Kinh này còn được bổ khuyết do những song kệ trong chú giải bộ Mahà Parinibbàna Sutta. Sự tự thuật còn giữ lại trong Kinh Cunda được trích dịch như sau:

---o0o---




tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương