Cuộc Đời Tôn Giả Xá Lợi Phất Tác giả: nyanaponika thera dịch giả: nguyễN ĐIỀU


ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA BỊ KHIỂN TRÁCH VÌ NHÓM HỌC TRÒ



tải về 0.64 Mb.
trang7/13
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích0.64 Mb.
#35694
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   13

ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA BỊ KHIỂN TRÁCH VÌ NHÓM HỌC TRÒ

Theo Càtuma Sutta, tức Kinh số 67 trong Majjhima Nikàya, thì có một lần Ðức Phật đã khéo léo khiển trách Trưởng lão Sàrìputta như sau:


“Lúc ấy có một số đông Tỳ-kheo mới nhập môn, là những đệ tử của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna. Lần đầu tiên họ kéo đến để xin ra mắt Ðức Phật, nhưng khi đến nơi lại chia ra làm nhiều nhóm nói lời nhảm nhí với những Tỳ-kheo đang ngụ trong tinh xá Càtuma.
Nghe có sự ồn ào, Ðức Phật liền tập trung Tăng chúng để hỏi nguyên do. Ngài được biết đó là sự hỗn loạn bởi những vị Tỳ-kheo mới đến gây ra. Trong Kinh không nói rõ là các vị Tỳ-kheo thăm viếng có mặt lúc Phật hỏi hay không. Nhưng chắc chắn là họ phải có mặt, vì Ðức Phật đã nghiêm khắc thốt ra những lời dạy như sau:
– Này các Tỳ-kheo! Các ông hãy đi ngay. Như Lai muốn các ông ra khỏi chỗ này lập tức. Các ông không thể đến gần một vị Phật bằng đức hạnh như vậy.
Bị quở phạt, có một số Tỳ-kheo kinh sợ bỏ đi, còn một số chỉ có mặt trong đám chứ không gây ra sự ồn ào được phép ở lại.
Sau đó, Ðức Phật nói với Ðại đức Sàrìputta:
– Này Sàrìputta! Ông nghĩ như thế nào khi Như Lai đuổi nhóm Tỳ-kheo ấy?
– Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử nghĩ: “Ðức Thế Tôn muốn giữ mãi sự trang nghiêm thanh tịnh trong lúc này”. Do đó, chúng đệ tử phải tôn trọng và vâng lời, rút lui một cách có trật tự.
Ðức Phật dạy:
– Này Sàrìputta! Dừng lại! Ðừng để cho những ý nghĩ như thế phát sanh trong ông nữa.
Và Ðức Phật quay sang Ðại đức Mahà Mog-gallàna cũng hỏi một câu tương tự.
Ðại đức Mahà Moggallàna trả lời:
– Bạch Ðức Thế Tôn! Khi Ðức Thế Tôn đuổi những vị Tỳ-kheo ấy đi, đệ tử nghĩ rằng: “Ðức Thế Tôn vì muốn giữ lại sự trang nghiêm thanh tịnh để làm gương giải thoát cho tất cả nhân loại”. Do đó, đệ tử và đạo huynh Sàrìputta giờ đây phải trở về chăm lo Tăng chúng.
Ðức Thế Tôn nói:
– Này Mahà Moggallàna! Ðúng thế! Ông trả lời đúng đấy! Việc cần thiết hoặc là chính Như Lai, hoặc là Sàrìputta, hoặc là Mahà Mog-gallàna phải đích thân khuyên giáo chúng Tăng.
Phần kết thúc, tuy bài Kinh không nêu rõ nhưng chắc chắn là hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã trở về giáo huấn những học trò của mình một cách nghiêm khắc và kỹ lưỡng.
---o0o---

ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA BỊ VU CÁO

Có một lần, Ðức Phật ngụ tại Kỳ Viên tinh xá cùng với đông đảo chúng Tăng, Ðại đức Sàrìputta là nạn nhân của một sự kết tội sai lầm. Chuyện xảy ra như sau:


Lúc ấy là thời gian ra hạ, mùa mưa cũng vừa chấm dứt. Chư Tăng phương xa đến nhập hạ tại Kỳ Viên tinh xá đang lần lượt kiếu từ Ðức Phật và những vị Tôn túc để trở về.
Vì Tăng chúng quá đông nên khi tạm biệt nhau, Ðại đức Sàrìputta đã thành thật tuyên bố một câu: “Bần đạo chỉ quen nhớ những vị nào theo tên ám chỉ giới hạnh hơn là tên của gia đình đặt cho họ”.
Trong số đó có một vị Tỳ-kheo, không ai biết tên gọi căn cứ theo giới hạnh của ông là gì hoặc tên của gia đình đặt cho ông ra sao. Nhưng vì ông hằng mong muốn Ðại đức Sàrìputta gọi ông bằng một cái tên ám chỉ ông là người đức hạnh, ít nhất cũng trong khi cáo từ nhau.
Tuy nhiên, giữa đám đông Tăng chúng, Ðại đức Trưởng lão đã không cho ông ta sự phân biệt này. Và vị Tỳ-kheo ấy đã trở nên bất mãn, ông bèn suy nghĩ: “Ngài không tiếp độ mình như tiếp độ những vị khác!”.
Rồi ông ta có mặc cảm Ðại đức Sàrìputta đối xử bất công. Lúc ấy, nhân việc đức Trưởng lão đi ngang, chéo y của ngài bị gió phất quét nhẹ lên mình ông, khiến ông càng bực tức hơn nữa. Ông liền đến gần Ðức Phật phàn nàn:
– Bạch Ðức Thế Tôn! Chắc Ðại đức Sàrì-putta đang hãnh diện mình là một đại đệ tử nên đã đánh con một tát tay đến nỗi tai con gần như bị hỏng. Sau khi làm như vậy, ngài đã không tỏ ra vẻ người hối lỗi với con mà còn bỏ đi không đếm xỉa gì đến con cả.
Ðức Phật bèn gọi Ðại đức Sàrìputta vào và truyền lệnh đại hội Tăng chúng.
Trong khi chờ đợi, Ðại đức Mahà Moggallàna và Ðại đức Ananda dọ biết rõ có một sự cáo oan xảy ra, vội gặp gỡ tất cả các nhóm Tỳ-kheo và nói lên rằng:
– Bạch chư huynh đệ! Xin các ngài hãy tới dự Tăng hội. Khi Ðại đức Sàrìputta đối diện trước Ðức Bổn Sư rồi, ngài chỉ thốt ra những sự thật. Sự thật ấy sẽ vang rền như tiếng gầm của một con sư tử.
(Câu này dịch sát theo chữ Pàli là “Shanada” có nghĩa là một giọng nói tự nhiên lẫn trầm hùng, đảm bảo chắc chắn ấy là sự thật).
Và đúng như điều vừa nói! Khi Ðức Bổn Sư chất vấn Trưởng lão Sàrìputta, thay vì ngài vạch rõ sự vu cáo, ngài lại nói:
– Bạch Ðức Thế Tôn! Khi một người đã được vững chắc trong đạo quả, làm chủ được bản tâm rồi, người ấy có thể nào làm đau đớn một đồng đạo của mình mà bỏ đi không một lời sám hối?
– Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử của đấng Siêu xuất tam giới khi đã thuần thục trong Thánh đạo thì không còn trạng thái sân hận hoặc thù nghịch nữa, trái lại chỉ có một phẩm tánh hỷ xả vô biên như quả đất. Ðại cầu này có bao giờ phản đối bất cứ vật gì dù dơ hay sạch, dù đẹp hay xấu, dù thuận hay nghịch mà thế gian vất lên mình nó đâu?
Mặt khác, đệ tử của đấng Toàn giác khi đã chứng quả Bất lai (A-la-hán) thì tham dục không còn nữa, dù chỉ vi tế trong một sát-na thời gian hay trong một tế bào vật chất.
Theo chú giải Kinh Shanada thì lúc Ðại đức Sàrìputta thốt ra những lời như vậy, quả địa cầu đã rung chuyển đến chín lần để xác minh sự thật. Và toàn thể đại hội đã giải tán với tấm lòng kinh cảm. Riêng vị Tỳ-kheo vu khống thật vô cùng hối hận. Ông xấu hổ quỳ mọp dưới chân Ðức Thế Tôn để xin nhận tội nói xấu của mình.
Kế đó Ðức Phật liền khuyên:
– Này Sàrìputta! Hãy tha lỗi cho vị Tỳ-kheo ngu dại này đi, kẻo không cái đầu của ông ấy sẽ vỡ làm bảy miếng.
Ðại đức Sàrìputta cung kính đáp lời:
– Bạch Ðức Bổn Sư! Tự nhiên là đệ tử đã tha thứ cho vị Tỳ-kheo này rồi.
Và với hai bàn tay chắp lại, đức Trưởng lão tiếp: “Ngoài ra, đệ tử cũng xin Sư ấy tha lỗi cho đệ tử nếu vì vô tình mà đệ tử làm bất cứ điều gì mích lòng”.
Ðoạn cả hai được Ðức Phật xử hòa.
Chư Tăng vô cùng thán phục. Họ đều nói: “Ðại đức Sàrìputta quả thật là một tấm gương tốt. Ngài đã tỏ ra thân mến đối với vị Tỳ-kheo vu khống kia. Hành động của ngài chính là một hành động đại xá. Lẽ ra ông ta phải tỏ vẻ hạ mình biết lỗi trước ngài mới phải, đằng này ngài lại đưa hai tay với vẻ cung kính xin lỗi ông ta nữa”.
Nghe Tăng chúng bình phẩm, Ðức Phật còn giải thích thêm:
– Này chư Tỳ-kheo! Ðối với ông Sàrìputta thì việc nuôi dưỡng lòng sân hận và oán thù không thể nào có được. Tâm hồn của Sa-môn Sàrìputta giống như quả đất vĩ đại hay vững chắc như trụ thành môn và yên lặng như một hồ nước trong.
Rồi Ngài ngâm kệ:
“Chỉ có quả đất và những cột trụ chống đỡ cửa thành trì mới là những vật không bao giờ biết sân hận. Với một tâm hồn trong sáng như một bể nước yên lặng thì một Sa-môn có giới đức như thế, vòng sanh tử luân hồi sẽ không còn xoay tròn họ nữa”.
Có một câu chuyện khác cũng nói về đức tánh này của Ðại đức Sàrìputta. Ngay trong thời gian Tăng-già mới thành lập, một Tỳ-kheo tên Kolàlika, nhận thấy sự sốt sắng chăm lo tổ chức Giáo hội của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna, sanh lòng ganh tị và hiểu lầm hai vị đại đệ tử này có dụng ý gì đây, rồi đến bạch với Ðức Thế Tôn về “những ham muốn tội lỗi của hai vị ấy”.
Ðức Bổn Sư liền khuyên dạy:
– Này Kolàlika! Ðừng nên nói như vậy. Ông nên có những ý nghĩ thân thiện và tin tưởng nơi Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna thì hơn, vì họ là những người có hạnh kiểm rất tốt và đầy lòng từ bi”.
Nhưng ông Tỳ-kheo lầm lạc không vâng lời Ðức Phật. Ông cứ khăng khăng với sự kết tội sai lầm của mình. Chẳng bao lâu sau, khắp thân thể ông mọc đầy mụn nhọt, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi ông chết vì cái bệnh này.
Chuyện đó được khá nhiều chỗ trong Kinh nhắc đến. Chẳng hạn như trong các Kinh Brahma Samyutta No 10, Kinh Nipàta Mahà Vanga No 10, Kinh Anguttara Nikàya V-170 và Kinh Takkàriya Jàtaka No 481.
Chính sự so sánh về hai câu chuyện vu cáo nói trên đã cho ta biết tầm quan trọng của tính ăn năn tội lỗi. Không phải vấn đề hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna chịu nhận hay không chịu nhận sự sám hối của Tỳ-kheo Kolà-lika, mà chính là đương sự có thấy rõ ác tâm của mình hay không. Những lời sám hối của ông ta nếu có đến các ngài cũng sẽ chẳng làm thay đổi gì thái độ của nhị vị đại đệ tử ấy, vì hai Trưởng lão này lúc nào cũng hỷ xả cho vị Tỳ-kheo tội lỗi nói trên vì hai ngài không muốn cho ông ta phải nhận hậu quả của nghiệp ác.

---o0o---




tải về 0.64 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương