Căn cứ Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016


Đặc điểm cảm quan của vị thuốc



tải về 0.76 Mb.
trang6/10
Chuyển đổi dữ liệu24.08.2017
Kích0.76 Mb.
#32729
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hậu phác chế gừng là những phiến mỏng có kích thước dài 5-7 cm, dầy 2-3mm, màu hơi xám, nhấm có vị hơi đắng, mùi thơm của gừng.



3. Tính vị, quy kinh:

Vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh tỳ, vị, phế, đại tràng.



4. Công năng, chủ trị

a) Hậu phác tẩm gừng:

- Công năng: hạ khí, tiêu đờm, trừ hàn thấp, trừ đầy trướng.

- Chủ trị: bụng bí tích, dầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Hậu phác chế với gừng để tăng tính ấm, đồng thời giảm tính kích thích ở họng, khi uống. Hậu phác tẩm nước gừng phơi âm can thích hợp cho trường hợp bụng đầy trướng, bí tích, nôn mửa.

b) Hậu phác chích gừng và Hậu phác chưng với gừng:

- Công năng: hạ khí, tiêu đờm, trừ hàn thấp, trừ đầy trướng.

- Chủ trị: bụng bí tích, đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Hậu phác chế với gừng để tăng tính ấm, đồng thời giảm tính kích thích ở họng, khi uống. Hậu phác chích với gừng thích hợp cho trường hợp nhiều đờm, ho, khó thở vì khi sao đã làm giảm được tính kích thích họng của Hậu phác. Trường hợp nấu với gừng, vừa để làm mềm Hậu phác, giúp cho việc dễ dàng thái phiến vừa có ý nghĩa chế gừng vào Hậu phác để đạt các mục đích nói trên.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai; Không dùng cho người có nguyên khí kém.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



40. VỊ THUỐC HOÀI SƠN

Tuber Dioscoreae persimilis Praeparata

Vị thuốc Hoài sơn là rễ củ đã chế biến, phơi hay sấy khô của cây Hoài sơn, (Dioscorea persimilis Prain et Burkill), họ Củ nâu (Dioscoreaceae).



1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Hoài sơn(*):

Hoài sơn                                   1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Đun nóng cám đến khi bốc khói trắng, cho dược liệu vào đến khi có màu vàng hay vàng nâu có chấm đen, rây bỏ cám. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hoài sơn là phiến thuốc bên ngoài có màu vàng hay vàng nâu có chấm đen, bẻ ra bên trong có màu trắng, mùi thơm.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt; Tính bình. Quy kinh: tỳ, vị, phế, thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ tỳ, dưỡng vị, chỉ tả.

b) Chủ trị: kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, đới hạ, tiêu khát.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 16 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người có thực tà thấp nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



41. VỊ THUỐC HOÀNG BÁ

Cortex Phellodendri Praeparata

Vị thuốc Hoàng bá là vỏ thân và vỏ cành (đã cạo bỏ lớp bần) phơi hay sấy khô của cây Hoàng bá (Phellodendron chinense Schneid. hoặc Phellodendron amurense Rupr.), họ Cam (Rutaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hoàng bá phiến: Vỏ thân và vỏ cành cạo sạch lớp bần, cắt thành từng miếng, phơi hoặc sấy khô ở 50°C được Hoàng bá phiến.

b) Phương pháp chế biến Hoàng bá chích muối ăn

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng bá chích muối ăn(*):

Hoàng bá phiến                         1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              0,2 lít

Tẩm Hoàng bá phiến với dung dịch muối ăn 5%, trộn đều, ủ cho thấm hết nước muối. Sao lửa nhỏ đến khi khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phiến thuốc có mặt ngoài màu vàng nâu, mặt trong màu nâu nhạt, có nhiều các vết nhăn dọc nhỏ, dài. Hơi xém cạnh. Vết bẻ lởm chởm, thể chất rắn, nhẹ, màu vàng rơm. Mùi thơm đắng.



3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Qui vào các kinh thận, bàng quang.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thanh nhiệt táo thấp, tư âm giáng hỏa, giải độc. Hoàng bá chế tăng hòa hoãn tính táo, vị đắng, tăng cường tả hỏa.

b) Chủ trị: Âm hư phát sốt, xương đau âm ỉ, ra mồ hôi trộm; viêm tiết niệu; tả lỵ thấp nhiệt; hoàng đản; mụn nhọt lở ngứa.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ hư, đại tiện lỏng, ăn uống không tiêu.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



42. VỊ THUỐC HOÀNG CẦM

Radix Scutellariae Praeparata

Vị thuốc Hoàng cầm là rễ đã phơi hay sấy khô và cạo vỏ của cây Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georgi), họ Bạc hà (Lamiaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hoàng cầm phiến: Rễ Hoàng cầm được rửa sạch. Đồ mềm trong 1 giờ. Thái phiến vát, dài 3 - 5 cm, dày 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 60 - 70 °C.

b) Phương pháp chế biến Hoàng cầm sao vàng: Lấy Hoàng cầm phiến cho vào chảo, vừa đun vừa đảo đều tay cho đến khi mặt ngoài của phiến có màu vàng đậm, bên trong có màu vàng tươi. Đổ ra, tãi mỏng.

c) Phương pháp chế biến Hoàng cầm sao đen: Lấy Hoàng cầm phiến cho vào chảo đã đun nóng già (khoảng 180 - 200 °C), đảo đều tay cho đến khi mặt ngoài của phiến có màu đen, bên trong có màu nâu vàng. Đổ ra, tãi mỏng, tránh cháy; đôi khi có thể phun ít nước lã sạch vào dược liệu sao.

d) Phương pháp chế biến Hoàng cầm chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng cầm chích rượu(*):

Hoàng cầm phiến                      1,0 kg

Rượu                                        0,15 lít

Trộn đều Hoàng cầm phiến với rượu trắng. Ủ 30 phút cho ngấm hết rượu. Đem sao, đến khi mặt ngoài phiến có màu vàng thẫm. Đổ ra tãi mỏng cho nguội.

e) Phương pháp chế biến Hoàng cầm chích mật ong

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng cầm chích mật ong:

Hoàng cầm phiến                      1,0 kg

Mật ong (loại mật luyện)            0,4 kg

Đem mật ong thêm ít nước sạch để hòa loãng. Trộn đều Hoàng cầm phiến với mật ong. Ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao vàng với độ lửa tăng dần tới khi sờ không dính tay, Hoàng cầm có màu vàng đậm, mùi thơm mật ong. Cũng có thể đem mật ong đun tới sủi bọt, cho Hoàng cầm phiến vào trộn đều. Sao tới khi sờ không dính tay, mặt ngoài có màu vàng đậm, mùi thơm mật ong. Lấy ra tãi mỏng cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hoàng cầm phiến có màu vàng sáng, Hoàng cầm sao vàng, Hàng cầm chích rượu, mặt ngoài phiến có màu vàng đậm, nhấm có vị đắng. Hoàng cầm sao đen, toàn bộ bề ngoài có màu đen, bẻ ra bên trong có màu nâu hơi vàng, nhấm có vị đắng. Hoàng cầm chích mật mặt ngoài phiến có màu vàng đậm, nhấm có vị đắng, thơm mùi mật ong.



3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, Tính hàn. Quy kinh tâm, phế, can, đởm, đại tràng, tiểu tràng.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thanh thấp nhiệt can đởm, trừ hỏa độc ở tạng phế, lương huyết, chỉ huyết an thai.

b) Chủ trị: viêm phổi, phế ung, phế có mủ, sốt cao, hàn nhiệt vãng lai, động thai chảy máu, thổ huyết, máu cam, đau bụng tả lỵ, tiểu tiện ra máu. Trường hợp bị chảy máu dùng hoàng cầm sao đen, ho nhiều dùng hoàng cầm chích mật ong.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn hoặc có thai không bị động thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



43. VỊ THUỐC HOÀNG KỲ

Radix Astragali membranacei Praeparata

Vị thuốc Hoàng kỳ là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus Bunge.), họ Đậu (Fabaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Hoàng kỳ chích mật

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng kỳ chích mật(*):

Hoàng kỳ phiến                         1,0 kg

Mật ong                                    150g

Hoàng kỳ phiến được tẩm và trộn đều với mật ong đã hòa loãng khoảng 100ml nước sôi, ủ cho tới khi thấm đều, sao nhỏ lửa, đảo đều tay cho đến khi mặt ngoài có màu vàng nâu, sờ không dính tay, lấy ra, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hoàng kỳ bề ngoài có màu vàng nâu, hơi bóng, có mùi thơm và vị ngọt.



3. Tính vị, quy kinh

Vị hơi ngọt, tính ấm. Quy kinh phế và tỳ.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: ích khí, kiện tỳ, bổ trung, cố biếu.

b) Chủ trị: trung khí hư, người yếu mệt, kém ăn, phân lông lâu ngày, sa tạng phủ, tiện huyết, rong huyết, ra nhiều mồ hôi.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 20 g/ ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp ngoại cảm tích trệ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



44. VỊ THUỐC HOÀNG LIÊN

Rhizoma Coptidis Praeparata

Vị thuốc Hoàng liên (Hoàng liên chân gà) là thân rễ phơi hay sấy khô của nhiều loài Hoàng liên chân gà như Coptis chinensis Franch. Coptis quinquesecta Wang, hoặc Coptis teeta Wall., họ Hoàng liên (Ranunculaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hoàng liên chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng liên chích rượu(*):

Hoàng liên phiến                       1,0 kg

Rượu                                        150 ml

Lấy rượu trộn đều với Hoàng liên phiến, ủ 1 giờ cho ngấm rượu sau đó sao vàng.

b) Phương pháp chế biến Hoàng liên chích gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng liên chích gừng(*):

Hoàng liên phiến                       1,0 kg

Gừng tươi                                100 g

Gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; giã tiếp, thêm nước sạch, làm vài lần và thêm nước sạch cho đủ 150ml. Đem nước gừng trộn đều vào Hoàng liên, ủ 1giờ cho ngấm sau đó sao vàng.

c) Phương pháp chế biến Hoàng liên chích giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng liên chích giấm(*):

Hoàng liên phiến                       1,0 kg

Giấm ăn                                    100 ml

Lấy giấm trộn đều với hoàng liên, ủ 30 phút đến 1 giờ cho ngấm đều sau đó sao vàng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hoàng liên chích rượu, chích gừng, chích giấm, đều có màu vàng đậm, vị đắng, riêng chích gừng có mùi thơm của gừng.



3. Tính vị quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Quy kinh tâm, tỳ, vị, đại tràng.



4. Công năng, chủ trị

a) Hoàng liên chích gừng

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền.

- Chủ trị: viêm ruột, tả, lị, bồn chồn, mất ngủ, đau mắt đỏ, hoàng đản, sốt cao, hôn mê, mụn nhọt, lở ngứa. Hoàng liên chích gừng dùng trong các trường hợp sốt cao.

b) Hoàng liên chích giấm

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền.

- Chủ trị: viêm ruột, tả, lị, bồn chồn, mất ngủ, đau mắt đỏ, hoàng đán, sốt cao, hôn mê, mụn nhọt, lở ngứa. Hoàng liên chích giấm trị viêm gan, viêm túi mật.

c) Hoàng liên chích rượu

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền.

- Chủ trị: viêm ruột, tả, lị, bồn chồn, mất ngủ, đau mắt đỏ, hoàng đản, sốt cao, hôn mê, mụn nhọt, lở ngứa. Hoàng liên chích rượu trị viêm niêm mạc miệng, lưỡi, đau mắt đỏ, viêm tai giữa.



5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư phiền nhiệt, tỳ hư tiết tả.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



45. VỊ THUỐC HOÀNG TINH

Rhizoma Polygonati Praeparata

Vị thuốc Hoàng tinh là thân rễ đã phơi hay sấy khô của một số loài Hoàng tinh: Polygonatum kingianum Coll. et Hemsl., Polygonatum sibiricum Red. hoặc Polygonatum cyrtonema Hua., họ Mạch môn đông (Convallariaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Hoàng tinh chế rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng tinh chế rượu(*):

Hoàng tinh                                1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Rửa sạch Hoàng tinh củ, gọt bỏ vỏ ngoài và rễ con trộn với rượu, cho vào thùng đậy nắp, đun cách thủy để dược liệu hút hết rượu trong khoảng 24 giờ đến khi có màu đen bóng, lấy ra phơi âm can hoặc sấy cho se, thái phiến dày 2-3 mm, phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hoàng tinh có phiến dày 2 - 3 mm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu đen. Chất dẻo, dai dính, khó bẻ, mặt bẻ trông như sừng, bên trong màu đen. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Quy kinh tỳ, phế, thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: kiện tỳ, nhuận phế, ích thận.

b) Chủ trị: tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát. Hoàng tinh chế giảm vị tê, tránh kích thích họng, tăng cường tác dụng bổ thận, tinh, huyết.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 16 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, rượu hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người phế vị có đờm thấp nặng. Không dùng hoàng tinh sống bị ngứa họng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



46. VỊ THUỐC HÒE HOA

Flos Styphnolobii japonici Praeparata

Vị thuốc Hòe hoa là nụ hoa đã phơi hay sấy nhẹ đến khô của cây Hòe [Styphnolobium japonicum (L.) Schott, Syn. Sophora japonica L.], họ Đậu (Fabaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hòe hoa sao vàng: Sau khi làm nóng dụng cụ, cho Hòe hoa đảo đều đến khi mặt ngoài vàng đậm. Lấy ra, để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Hòe hoa sao cháy: Sau khi làm nóng dụng cụ, cho Hòe hoa đảo đều đến khi toàn bộ phía ngoài bị đen, bên trong có màu nâu hơi vàng, có mùi thơm. Lấy ra, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Hòe hoa sao vàng có màu vàng đậm, mùi thơm, bên trong vàng sáng.

b) Hòe hoa sao cháy có phía ngoài màu đen đều, bên trong có màu nâu, mùi thơm cháy.

3. Tính vị, quy kinh

Vị hơi đắng, tính hơi hàn. Quy kinh can, đại tràng.



4. Công năng, chủ trị

a) Hoa hòe sao vàng

- Công năng: lương huyết, chỉ huyết, thanh can, tả hỏa, hạ huyết áp.

- Chủ trị: trĩ xuất huyết, ho ra máu, băng huyết, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, đầu đau, đại tiểu tiện ra máu... Hoa hòe sao vàng dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, xơ vữa mạch, huyết áp tăng.

b) Hoa hòe sao cháy

- Công năng: lương huyết, chỉ huyết, thanh can, tả hỏa, hạ huyết áp.

- Chủ trị: trĩ xuất huyết, ho ra máu, băng huyết, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, đầu đau, đại tiểu tiện ra máu... Hoa hòe sao cháy dùng trong các trường hợp chảy máu.

5. Cách dùng

Dùng 4 - 12g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



47. VỊ THUỐC HƯƠNG PHỤ

Rhizoma Cyperi Praeparata

Vị thuốc Hương phụ (Củ gấu) là thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.,) hoặc cây Hương phụ biển (C. stoloniferus Retz.,) họ Cói (Cyperaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hương phụ phiến hoặc mảnh nhỏ

Hương phụ rửa sạch, loại bỏ tạp chất, ủ một đêm cho mềm, thái lát hoặc đập nhỏ. Sấy khô. Lấy ra, để nguội, đóng gói.



b) Phương pháp chế biến Hương phụ tứ chế

Công thức chế biến 1,0 kg Hương phụ tứ chế(*):



Hương phụ phiến

1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%

150 ml

Nước gừng 5%

150 ml

Giấm

150 ml

Rượu

150 ml

Chia hương phụ thành 4 phần đều nhau, mỗi phần 250 g, từng phần sẽ được tẩm riêng với mỗi loại phụ liệu trên. Để một đêm, sau đó sao vàng đến khi có mùi thơm là được (riêng phần tẩm với rượu tiến hành vi sao). Trộn đều 4 phần hương phụ đã chế được Hương phụ tứ chế.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hương phụ là những mảnh nhỏ hoặc lát mỏng, bên ngoài vỏ có màu nâu hoặc nâu sẫm, mặt lát có màu nâu nhạt hơi hồng. Mùi thơm, có vị cay, hơi đắng ngọt.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, hơi đắng, tính ấm. Qui kinh can.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: điều khí, khai uất, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau.

b) Chủ trị: kinh nguyệt không đều, vô kinh, bế kinh, tiêu thực, giảm đau vùng ngực sườn, đau thượng vị, hạ vị.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp chứng âm hư và huyết nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



48. VỊ THUỐC HUYỀN HỒ SÁCH

Rhizoma Corydalis Praeparata

Vị thuốc Huyền hồ sách (Diên hồ sách, Nguyên hồ) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây huyền hồ (Corydalis yanhusuo W.T.Wang.), họ Thuốc phiện (Papaveraceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sinh Huyền hồ: Loại tạp chất, rửa sạch, phơi khô, giã dập nát thành mảnh nhỏ trước khi dùng.

b) Phương pháp chế biến Thố Huyền hồ: Huyền hồ loại tạp, rửa sạch, phơi hoặc sấy đến se, trộn với giấm ăn, ủ 1-2 giờ cho ngấm hết giấm, đem sao nhỏ lửa cho tới khô, hoặc cho vào nồi đun sôi cách thủy đến khi giấm thấm hết vào bên trong, lấy ra phơi hoặc sấy khô, thái lát mỏng hoặc đập dập trước khi dùng. Dùng 2 lít giấm ăn cho 10 kg Huyền hồ.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc:

Vị thuốc Huyền hồ sách có vỏ ngoài màu nâu xám, mặt cắt có màu vàng nhạt, nhấm có vị cay, hoặc cay chua (Thố huyền hồ).



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng, tính ôn. Quy kinh can, phế, tỳ.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: lợi khí, hoạt huyết, chỉ thống.

b) Chủ trị: ngực sườn đau tức, đau thượng vị, vô kinh, bế kinh, ứ huyết sau sinh, đau sưng do chấn thương.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai, băng huyết, rong huyết, sản hậu, huyết hư.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



49. VỊ THUỐC HY THIÊM

Herba Siegesbeckiae Praeparata

Vị thuốc Hy thiêm là sản phẩm đã chế biến từ bộ phận trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.), họ Cúc (Asteraceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hy thiêm tẩm rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hy thiêm tẩm rượu(*):

Hy thiêm                                   1,0 kg

Rượu                                        200 ml

Dùng Hy thiêm đã cắt đoạn, cho vào dụng cụ, thêm rượu trộn đều, đậy kín, ủ khoảng 30 phút - 1h cho tới khi rượu ngấm hoàn toàn. Lấy ra phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hy thiêm tẩm rượu có màu xám, vị đắng.



3. Tính vị, quy kinh

Vị khổ; Tính hàn. Quy kinh can, thận



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc.

b) Chủ trị: Đau khớp do phong thấp, đau yếu thắt lưng, đầu gối, tê bại, đau buốt tứ chi, bán thân bất toại, chân tay tê buốt

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 16 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác.



6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



50. VỊ THUỐC KÊ NỘI KIM

Endothelium Corneum Gigeriae Galli Praeparata

Vị thuốc Kê nội kim là lớp màng trong đã phơi hoặc sấy khô của mề con Gà (Gallus gallus domesticus Brisson), họ Chim trĩ (Phasianidae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Kê nội kim phiến: Nhặt và loại tạp chất, rửa sạch, để ráo nước, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Kê nội kim sao: Lấy Kê nội kim sạch, rang với cát, đến khi phồng lên, lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Kê nội kim phiến: Màng gần nguyên hoặc từng mảnh khô cong, cuộn lại, dày khoảng 0,2 cm. Mặt ngoài màu vàng, lục vàng hoặc nâu vàng, màng mỏng trong mờ, có nếp nhăn dọc nhô lên. Chất giòn dễ gãy vỡ, vết gãy bóng như sừng. Mùi hơi tanh, vị hơi đắng.

b) Kê nội kim sao: Có màu nâu vàng sậm tới màu vàng sém đen. trên bề mặt có những nốt phồng nhỏ, bị vỡ khi bóp nhẹ, mảnh vỡ bóng láng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Quy kinh tỳ.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Kiện vị, tiêu thực, sáp tinh. Kê nội kim sao tăng cường tác dụng kiện vị tiêu thực.

b) Chủ trị: Thực tích không tiêu, bụng đầy trướng, nôn mửa, kiết lỵ, di tinh. Trẻ em cam tích, đái dầm.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp bị tích trệ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



51. VỊ THUỐC KHIẾM THỰC

Semen Euryales Praeparata

Vị thuốc khiếm thực là hạt của quả chín phơi hay sấy khô của cây Khiếm thực (Euryales ferox Salisb.), họ Súng (Nymphaeaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Khiếm thực sao vàng

Đem khiếm thực sao nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài có màu vàng hoặc hơi vàng



b) Phương pháp chế biến Khiếm thực sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Khiếm thực sao cám(*):

Khiếm thực                               1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Đun chảo nóng già, đổ cám vào sao tới lúc bốc khói trắng, cho khiếm thực vào, đảo đều tới khi toàn bộ bên ngoài có màu hơi vàng. Đổ ra tãi mỏng cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Khiếm thực sau khi chế phía ngoài vỏ có màu nâu thẫm, phía trong hạt có màu vàng hoặc hơi vàng, mùi thơm, nhấm có vị hơi ngậy, hơi chát.




tải về 0.76 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương