Căn cứ Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016


Bảo quản Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc. 77. VỊ THUỐC SINH ĐỊA



tải về 0.76 Mb.
trang9/10
Chuyển đổi dữ liệu24.08.2017
Kích0.76 Mb.
#32729
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



77. VỊ THUỐC SINH ĐỊA

Radix Rehmanniae Praeparata

Vị thuốc Sinh địa là rễ của cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.), họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp 1

Sau khi thu hoạch, rễ củ Địa hoàng được phân thành 3 loại. Các rễ củ có cùng kích cỡ, phơi nắng cho héo bớt, xếp vào lò và sấy. Sấy ngày đầu ở nhiệt độ 40 - 50°C, những ngày sau đó có thể nâng nhiệt độ lên 60°C trong khoảng 3 - 4 ngày cho đến khi lớp ngoài có màu nâu hơi đen, ruột rễ sinh địa có màu nâu hơi vàng, Sinh địa khô dẻo, chắc là được. Thử Sinh địa bằng cách đặt rễ củ Sinh địa dọc theo bàn tay rồi bóp lại, rễ củ sinh địa không duỗi ra hoặc duỗi ít là được. Khi dùng rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô.



b) Phương pháp 2: chia làm 3 giai đoạn

- Giai đoạn sấy: Địa hoàng sau khi thu hoạch, rũ sạch đất cát, phân làm 3 loại cùng kích cỡ. Xếp các rễ củ Địa hoàng vào tủ sấy, củ loại 1 xếp ở tầng dưới, củ loại 2 xếp ở tầng giữa, củ loại 3 xếp ở tầng trên, sấy 24 giờ ở 35 - 40°C, ngày đảo 2 lần. Ngày thứ 2 và ngày thứ 3 sấy ở nhiệt độ 45 - 50°C, ngày thứ 4 và ngày thứ 5 duy trì ở nhiệt độ 50 - 55oC, ngày thứ 6 và ngày thứ 7 sấy ở nhiệt độ 60°C. Bóp thấy rễ củ nào mềm dẻo thì lấy ra. những củ nào còn lõi cứng thì sấy tiếp đến khi mềm dẻo thì thôi.

- Giai đoạn ủ: Tãi những rễ củ Địa hoàng đã sấy xong ra nền nhà nơi cao ráo, thoáng gió trong 7 ngày để rễ củ hút ẩm trở lại. Sau đó dồn Địa hoàng thành đống, lấy bao bố tẩm ướt phủ lên đống Địa hoàng trong 3 ngày đến khi mốc xám mọc đều.

- Giai đoạn sấy thành phẩm: Sau khi ủ xong, sấy địa hoàng ở nhiệt độ 50 - 60°C trong 1 ngày đến khi thu được Sinh địa khô chắc, lớp ngoài củ màu xám, ruột màu vàng nâu. Khi dùng loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát và phơi hoặc sấy khô.

c) Phương pháp 3:

Địa hoàng sau khi thu hoạch rũ bỏ đất cát, loại bỏ rễ con, phân làm 3 loại cùng kích cỡ, tãi mỏng nơi khô ráo, thoáng gió, phơi nắng, đảo thường xuyên đến khi khô chắc lớp ngoài ngoài củ màu xám, ruột màu vàng nâu. Khi dùng loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái lát, phơi hoặc sấy khô.



2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Sinh địa khô chắc, dẻo dai, bên ngoài củ có màu nâu xám, ruột có màu nâu vàng hoặc vàng nâu.



3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn, lương. Quy kinh tâm, can, thận, tiểu trường.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng:

- Thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch.

- Can địa hoàng thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết, chỉ huyết sinh tân.

b) Chủ trị:

- Sinh địa chữa huyết hư nội nhiệt, khát, lưỡi đỏ, nục huyết (chảy máu cam), động thai, phát ban chẩn, cổ họng sưng đau, tân dịch thiếu.

- Can địa hoàng dùng chữa thấp khớp dạng thấp.

5. Liều dùng

Dùng 9 - 30 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người tỳ vị hư hàn.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



78. VỊ THUỐC SƠN THÙ

Fructus Corni Praeparata

Vị thuốc Sơn thù là quả gần chín phơi hay sấy khô đã bỏ hạt của cây Sơn thù du (Cornus officinalis Sieb. Et Zucc.), họ Thù du (Comaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sơn thù nhục: Nhặt sạch tạp chất, lấy quả khô, bỏ hạt là được.

b) Phương pháp chế biến Sơn thù chưng: Cho Sơn thù nhục vào lồng hấp, hấp khoảng 3 giờ đến khi có màu đen, lấy ra phơi khô.

c) Phương pháp chế biến Sơn thù tẩm rượu chưng

Công thức chế biến 1,0 kg Sơn thù tẩm rượu chưng(*):

Sơn thù nhục                            1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Trộn đều Sơn thù nhục với rượu, cho vào dụng cụ thích hợp, đậy kín; cho vào nồi nước đun cách thuỷ, đun đến khi nào hút hết rượu, lấy ra, phơi hay sấy nhẹ đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Sơn thù nhục: Là những quả đã vỡ, nhăn nheo do tách bỏ hạt, dài 1,0 - 1,7 cm, cùi dày không đến 0,15 cm. Mặt ngoài màu hồng tía hoặc nâu tía, nhăn nheo bóng láng, có miệng rạch bỏ hạt, một đầu có rốn nhỏ hình tròn. Màu sắc mặt trong tương đối nhạt hơn và ẩm, không trơn bóng. Không mùi, vị chua chát và hơi đắng.

b) Sơn thù tẩm rượu chưng: Là những hình phiến không theo quy tắc nào hoặc dạng hình nang, có mặt ngoài màu cánh gián, nhăn nheo, bóng láng. Mùi hơi thơm, vị chua chát và hơi đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị chua chát, hơi ôn; Quy kinh can và thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ can thận; liễm mồ hôi, sáp tinh khí.

b) Chủ trị: Đau lưng mỏi gối, ù tai, tai điếc, di tinh, liệt dương, đi đái rắt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người bên trong có thấp nhiệt, mệnh môn hỏa thịnh, tiểu tiện ít.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



79. VỊ THUỐC SƠN TRA

Fructus Mali Praeparata

Vị thuốc Sơn tra là quả chín thái phiến, phơi hay sấy khô của cây Sơn tra (Malus doumeri Bois. A. Che5.) họ Hoa hồng (Rosaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sơn tra sao qua: Lấy sơn tra phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi có mùi thơm bốc lên.

b) Phương pháp chế biến Sơn tra sao đen: Lấy sơn tra phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi bên ngoài có màu xám đen bên trong màu vàng đen.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Sơn tra sao qua: Phiến thuốc màu vàng nâu, chất thịt, vỏ ngoài bong nhăn nheo, màu nâu, có những vân lốm đốm. Mùi đặc trưng của Sơn tra, vị chua.

b) Sơn tra sao đen: Phiến thuốc màu xám đen, bên trong có màu nâu tro, chất thịt. Mùi cháy, vị đắng chua.

3. Tính vị, quy kinh

Vị chua, ngọt, tính nóng. Quy kinh tỳ, vị, can.



4. Công năng chủ trị

a) Sơn tra sao qua

- Công năng: Tiêu thực tích, hành huyết khử ứ.

- Chủ trị: ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Sơn tra sao qua: Giảm tính chua, hòa hoãn tác dụng kích thích dạ dày, tăng cường tác dụng tiêu thực hóa tích.

b) Sơn tra sao đen

- Công năng: Tiêu thực tích, hành huyết khử ứ.

- Chủ trị: ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Sơn tra sao đen: Tăng cường tác dụng thu liễm, chỉ tả, chỉ huyết. Trị chứng ăn không tiêu (đặc biệt là thức ăn mỡ), đau bụng, đầy chướng, ợ hơi, đàm ẩm, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết đau bụng.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 20 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, bột hoặc viên.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ hư ăn kém, không có chứng tích tụ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



80. VỊ THUỐC TẦM VÔI

Bombyx Botryticatus Praeparata

Vị thuốc Tầm vôi (Bạch cương tàm, Cương tàm) là cả con tằm (Bombyx mori L.), họ Tằm tơ Bombycydae). Loài tằm này đã nhiễm vi nấm Botrytis bassiana Bals., họ Mucedinaceae, thuộc phân ngành Nấm bất toàn (Deuteromycotina).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp 1

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Tầm vôi(*):

Tầm vôi                                    1,0 kg

Cám gạo                                   0,1 kg

Tầm vôi loại bỏ những con không đạt chất lượng (mình cong queo, ruột ướt đen), rửa sạch, sấy khô, loại bỏ tạp chất, cho cám gạo vào chảo, đun cho đến khi có khói bốc lên, bỏ tầm vôi vào sao nhỏ lửa, đảo đều tay cho đến khi bề ngoài tầm vôi biến thành màu vàng, lấy ra, sàng sạch cám, để nguội.

b) Phương pháp 2

Tầm vôi loại bỏ những con không đạt chất lượng, ngâm vào nước vo gạo một đêm, quấy nhẹ tay cho tơ nhả hết và nhả hết nhớt, vớt ra loại tạp, đem phơi hoặc sấy khô.



2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Tầm vôi có màu đều trắng, gần hình trụ, thường cong và co lại, dài 2 - 5 cm, đường kính 0,5 - 0,7 cm.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, mặn, tính bình. Quy kinh tâm, can, tỳ, phế.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Khử phong, hóa đàm, trừ kinh giản.

b) Chủ trị: Kinh giản (động kinh), đau rát họng, nổi mẩn ngứa ở da, viêm hạch lâm ba, trúng phong gây liệt mặt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 5 - 9 g/ngày.



6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



81. VỊ THUỐC TANG PHIÊU TIÊU

Ootheca mantidis Praeparata

Vị thuốc Tang phiêu tiêu là sản phẩm đã chế biến từ tổ trứng lúc chưa nở của con bọ ngựa sống trên cây Dâu (Monts alba L.), họ Dâu tằm (Moraceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Tang phiêu tiêu chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Tang phiêu tiêu chích muối(*)

Tang phiêu tiêu phiến                 1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              100 ml

Trộn dung dịch nước muối vào Tang phiên tiêu phiến, ủ 30 phút. Sao lửa nhỏ đến khô, có mùi thơm.

2. Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến

Màu nâu vàng hoặc nâu hơi xám, mùi thơm, vị hơi chát.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cam, hàm, tính bình. Quy kinh can, thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Ích thận, cố tinh, thông tiện, thông kinh hoạt lạc.

b) Chủ trị: Thận hư, di tinh, tiết tinh sớm, liệt dương.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6g - 12g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư hỏa vượng, bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện ngắn, đỏ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



82. VỊ THUỐC TÁO NHÂN

Semen Ziziphi mauritianae Praeparata

Vị thuốc Táo nhân là nhân (Hắc táo nhân) của hạt già đã phơi hay sấy khô của cây Táo ta hay còn gọi là Táo chua (Ziziphus mauritiana Lamk.), họ Táo ta (Rhamnaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Táo nhân sao đen: Đun nóng dụng cụ, cho táo nhân vào đảo đều đến khi mặt ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu hơi vàng. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hắc táo nhân là hạt hình đĩa, một đầu hơi nhọt, một mặt khum hình thấu kính, có mặt ngoài đen, bên trong có màu nâu hơi vàng, mùi thơm, vị đắng nhẹ.



3. Tính vị, quy kinh

Vị hơi chua, hơi ngọt. Tính bình. Quy kinh tâm.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng tâm, an thần, sinh tân dịch, liễm hãn.

b) Chủ trị: Tâm thần bất an, thần kinh suy nhược, tim hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, mất ngũ, nhiều mồ hôi, suy giảm tân dịch, háo khát.

5. Cách dùng

Dùng 4-12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp những người sốt cao, cảm nặng.

6. Bảo quản

Đế nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



83. VỊ THUỐC THẠCH QUYẾT MINH

Concha Haliotidis Praeparata

Vị thuốc Thạch quyết minh là vỏ một số loài bào ngư biển đã loại sạch phần thịt và được phơi hoặc sấy khô. Bao gồm các loài: Haliotis diversicolor Reeve, H. disscus hanai Ino. H. ruber (Leach), H. asinina Linnaeus, H. gigantea Gmelin, họ Bào ngư (Haliotidae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp sơ chế Thạch quyết minh sống: loại bỏ tạp chất, rửa sạch để ráo, phơi hoặc sấy khô, đập dập hoặc đập thành miếng.

b) Phương pháp chế biến Thạch quyết minh nung hở: Xếp Thạch quyết minh vào lò nung không khói hoặc dụng cụ thích hợp, nung trực tiếp trên ngọn lửa đến khi khối Thạch quyết minh hồng rực, nước và các tinh thể bay hơi hoàn toàn, lấy ra để nguội. Khi dùng thì tán thành bột mịn.

c) Phương pháp chế biến Thạch quyết minh nung kín: Thùng để nung là những thùng có lỗ thoáng ở hai đầu, xếp than hoa đã đượm hồng dưới đáy thùng cùng với một lượt dày trấu. Thạch quyết minh được xếp vào thùng thành các lớp cách lượt với trấu từ dưới lên (trấu nhiều hơn thạch quyết minh). Thường được đặt cách mặt đất để không khí được lưu thông. Thời gian nung khoảng 10 giờ cho đến khi trấu hóa thành tro. Để nguội, sàng bỏ tro. Thạch quyết minh đã nung trở nên giòn, dễ gãy vụn.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Thạch quyết minh chế có màu nâu trắng, khô, giòn, dễ bẻ, bề ngoài vị thuốc lỗ trỗ giống như tổ ong. Vị khô, hơi mặn.



3. Tính vị, quy kinh

Vị mặn, tính bình. Quy kinh can và phế.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bình can, giáng hỏa, sáng mắt.

b) Chủ trị: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt kéo màng, thông manh.

5. Liều dùng

Dùng 3 - 15 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn không có nhiệt thực.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



84. VỊ THUỐC THẠCH XƯƠNG BỒ

Rhizoma Acori graminei Praeparata

Vị thuốc Thạch xương bồ chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Thạch Xương bổ lá to (Acorus gramineus Soland. var. macrospadiceus), họ Ráy (Araceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thạch xương bồ sao vàng

Lấy Thạch xương bồ phiến sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ bề mặt phiến có màu vàng hoặc hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.



b) Phương pháp chế biến Thạch xương bồ sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Thạch xương bồ sao cám(*):

Thạch xương bồ phiến              1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Sao cám tới lúc bốc khói trắng, cho Thạch xương bồ phiến vào, đảo đều tới khi toàn bộ mặt phiến Thạch xương bồ có màu vàng. Lấy ra, để nguội, loại bỏ hết cám.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thạch xương bồ là những phiến mỏng, cong queo, màu vàng đậm, có vị cay hơi đắng, mùi thơm đặc trưng.



3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, vi khổ; Tính ôn. Quy kinh tâm, can, tỳ.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Thông khiếu, trục đờm, chỉ ho, bình suyễn, tăng trí nhớ, tán phong, giải độc sát trùng.

b) Chủ trị: đờm vít tắc, hôn mê, suyễn tức, khó thở, viêm phế quản, ho, nhiều đờm (Thạch xương bồ sao vàng), tai ù, tim loạn nhịp (Thạch xương bồ sao cám).

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 8 g/ngày thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp âm hư hòa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi.

6. Bảo quản:

Đẻ nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



85. VỊ THUỐC THĂNG MA

Rhizoma Cimicifugae Praeparata

Vị thuốc Thăng ma là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đại tam diệp Thăng ma (Cimicifuga heracleifolia Kom.), Hưng an Thăng ma [Cimicifuga dahurica (Turcz) Maxim.], hoặc Thăng ma (Cimicifuga foetida L.), họ Hoàng liên (Ranunculaceaẹ).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thăng ma phiến: Nhặt hết tạp chất, ngâm rửa sạch, lấy ra ủ khoảng 2 giờ cho ẩm đều, thái phiến ngay, sấy hay phơi khô nhanh.

b) Phương pháp chế biến Thăng ma chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Thăng ma chích rượu(*)

Thăng ma phiến                         1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Lấy Thăng ma phiến cho vào nồi, cho rượu vào, đảo đều, ủ trong 1 giờ. Dùng lửa nhỏ sao cho đến khi bốc mùi rượu ra là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Thăng ma phiến: Là những phiến dày không quá 4 mm. Chung quanh có màu tím đen, phía trong màu trắng nhạt, ở giữa thường rỗng, hình thù không nhất định. Không mùi.

b) Thăng ma chích rượu: Là những phiến dày không quá 4 mm, hơi cong queo. Chung quanh màu tím nhạt, phía trong màu trắng vàng nhạt. Có mùi thơm của rượu.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, cay, hơi đắng, hơi hàn; Quy kinh phế, tỳ, vị và đại tràng.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Phát tán phong nhiệt, thăng dương, giải độc, thấu ban.

b) Chủ trị: dùng trong trường hợp nhức đầu, nóng rét, đau họng, đau răng; mụn lở ở miệng; sa trực tràng; sa dạ con; ban sởi không mọc hết.

5. Liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp khi sởi đã mọc hết, hen suyễn nghịch khí.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



86. VỊ THUỐC THẢO QUYẾT MINH

Semen Cassiae torae Praeparata

Vị thuốc Thảo quyết minh (Hạt muồng) là hạt già đã phơi hay sấy khô của cây Thảo quyết minh (Cassia tora L.), Họ Đậu (Fabaceae).



1. Phương pháp chế biến:

a) Phương pháp chế biến Thảo quyết minh sao vàng: Sao lửa vừa, đảo đều đến khi vị thuốc nổ đều, mùi thơm rõ rệt. Để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Thảo quyết minh sao cháy: Sao lửa to, đảo đều đến khi khói màu vàng bay lên, bên ngoài có màu đen, bên trong màu nâu đen; mùi thơm cháy, lấy ra. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Thảo quyết minh sao vàng: Mùi thơm đặc trưng, màu nâu sẫm.

b) Thảo quyết minh sao cháy: Mặt ngoài màu đen, bên trong màu nâu đen, mùi thơm cháy đặc trưng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, mặn, ngọt; tính hơi hàn. Quy kinh can, đại trường.



4. Công năng, chủ trị

a) Thảo quyết minh sao vàng:

- Công năng: Lợi mật, nhuận tràng, minh mục.

- Chủ trị: Chứng ứ mật vàng da: viêm gan virus, viêm túi mật; cao huyết áp, mắt mờ, táo bón.

b) Thảo quyết minh sao cháy:

- Công năng: an thần.

- Chủ trị: chứng mất ngủ, khó ngủ.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 16 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Thảo quyết minh sao vàng không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, người đang bị tiêu chảy.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



87. VỊ THUỐC THỎ TY TỬ

Semen Cuscutae Praeparata

Vị thuốc Thỏ ty từ là hạt lấy ở quả chín đã phơi hay sấy khô của dây Tơ hồng vàng (Cuscuta chinensis Lam.), họ Tơ hồng (Cuscutaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Thỏ ty tử chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Thỏ ty tử chích muối(*):

Thỏ ty tử                                   1,0 kg

Muối ăn                                    20g

Hòa tan muối vào khoảng 150 ml nước, trộn đều nước muối vào Thỏ ty từ, để khoảng 30 phút cho hạt ngấm đều, sao nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng lên, màu vàng nâu, mùi thơm nhẹ. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thỏ ty tử có mặt ngoài màu vàng nâu, có vết nứt, mùi thơm nhẹ.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, ngọt; tính ôn, bình. Quy kinh can, thận, tỳ.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ thận ích tinh, sáp niệu, an thai, dưỡng can minh mục, kiện tỳ, chỉ tả.

b) Chủ trị: Liệt dương, di tinh, lưng gối đau mỏi, động thai, mắt mờ, tiêu chảy.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.



6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



88. VỊ THUỐC THỤC ĐỊA

Radix Rehmanniae praeparatus

Vị thuốc Thục địa là sản phẩm được chế biến từ Rễ cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa), họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).



1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg Thục địa(*):



Sinh địa

1,0 kg

Rượu trắng

100 ml

Gừng tươi

50 g

Sa nhân

15g

Chế dịch rượu gừng: gừng tươi được rửa sạch, giã nát, thêm 50 ml rượu, nghiền, vắt lấy dịch. Thêm 50ml rượu vào bã gừng, nghiền, vắt lấy dịch sau đó trộn dịch trên.

Sinh địa được rửa sạch, xếp vào dụng cụ chưng. Thêm dịch rượu gừng, trộn đều. Ủ 2-3 giờ. Thêm nước đủ ngập (khoảng 2 lít). Đun liên tục 3 ngày đêm. Trong quá trình đun, lấy dịch nấu tưới đều lên. Vớt sinh địa, phơi hoặc sấy đến khi khô se. Tẩm dịch nấu vào sinh địa, phơi hoặc sấy tiếp, làm 5-7 lần đến khi hết dịch nấu. Phơi đến khi cầm không dính tay, màu đen, thể chất nhuận dẻo. Để nguội, đóng gói.



2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thục địa có màu đen bóng, thể chất nhuận dẻo, cầm không thấy dính tay, mùi thơm ngọt đặc trưng.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt; tính ôn. Quy kinh tâm, can, thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ âm, bổ huyết, sinh tân dịch.

b) Chủ trị: hội chứng huyết hư, âm hư: thiếu máu gây hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, rối loạn kinh nguyệt, háo khát nước, đau nhức xương (cốt chưng triều nhiệt), di mộng tinh.

5. Cách dùng

Dùng 10-16 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp khi đang rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Thận trọng khi dùng cho người có hàm lượng đường huyết quá giới hạn.



5. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



89. VỊ THUỐC THƯƠNG NHĨ TỬ

Fructus Xanthii Praeparata

Vị thuốc Thương nhĩ tử là quả già phơi hay sấy khô của cây Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L), họ Cúc (Asteraceae)



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thương nhĩ tử sao cháy gai: Đun lửa to cho chảo thật nóng, cho Thương nhĩ tử đã rửa sạch, phơi khô vào, đảo đều và không cần nhanh đến khi các gai bên ngoài cháy đen và bốc mùi thơm. Để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Thương nhĩ tử tẩm rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Thương nhĩ tử tẩm rượu(*):

Thương nhĩ tử                           1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Cho Thương nhĩ tử đã rửa sạch, phơi khô vào chậu, đổ Rượu 30° vào, trộn đều, ủ trong 2 giờ, cho vào đồ chín trong 1 giờ. Bỏ ra sấy khô là được.



tải về 0.76 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương