Căn cứ Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016



tải về 0.76 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu24.08.2017
Kích0.76 Mb.
#32729
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

1. VỊ THUỐC A GIAO

Colla Corii asini Praeparata

Vị thuốc A giao là keo chế biến từ da con lừa (Equus Asinus L.), họ Ngựa (Equidae).



1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc A giao (*):

A giao                                      1,0 kg

Cáp phấn hoặc bột mẫu lệ         200 g

Lấy khăn vải sạch lau cho hết bẩn, hơ qua lửa hoặc để trong tủ sấy ở 100°C cho mềm (chú ý không để miếng A giao chảy dễ dính vào nhau), thái nhỏ mỗi miếng có kích thước khoảng 0,5 x 0,5 cm. Cho cáp phấn vào chảo sao cho nóng rồi bỏ các miếng A giao vào sao cho đến khi A giao nở hoàn toàn không còn chỗ cứng, rây bỏ bột cáp phấn.

2. Đặc điểm cảm quan vị thuốc

Miếng vị thuốc A giao phồng đều, không còn chỗ cứng, không chảy hoặc dính vào nhau.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Hơi ấm, không độc. Quy kinh can, phế, thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Tư âm, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết (cầm máu), an thai.

b) Chủ trị: Nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu buốt, tiểu ra máu. Phụ nữ bị các chứng về huyết gây ra đau, huyết táo, kinh nguyệt không đều, khó có con, đới hạ. Khớp xương đau nhức, phù thũng, hư lao, ho suyễn cấp, ho khạc ra máu, ung nhọt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 24g/ngày, uống với rượu hoặc cho vào thuốc hoàn, tán, nước thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư, ăn uống không tiêu, nôn mửa, có hàn đàm, lưu ẩm. Không dùng chung với vị thuốc Đại hoàng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



2. VỊ THUỐC BA KÍCH

Radix Morindae officinalis Praeparata

Vị thuốc Ba kích là rễ đã phơi hay sấy khô và chế biến của cây Ba kích (Morinda officinalis How.), họ Cà phê (Rubiaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Ba kích phiến: Loại tạp, rửa sạch, bỏ lõi, cắt thành đoạn 3-5 cm, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Ba kích chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Ba kích chích rượu(*):

Ba kích phiến                            1,0 kg

Rượu (30 - 40%)                        150 ml

Cho rượu trộn đều vào Ba kích phiến, ủ 1-2 giờ cho ngấm hết rượu sau đó sao nhỏ lửa tới khô.

c) Phương pháp chế biến Ba kích chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Ba kích chích muối(*):

Ba kích phiến                            1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              150 ml

Đem dung dịch muối ăn trộn đều vào Ba kích phiến, ủ 2-4 giờ cho ngấm đều sau đó sao vàng.

d) Phương pháp chế biến Ba kích chích cam thảo

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Ba kích chích cam thảo(*):

Ba kích phiến                            1,0 kg

Cam thảo                                  50 g

Cam thảo được cắt nhỏ, sắc với nước 3 lần, mỗi lần 150 ml nước sạch, đun sôi trong 30 phút. Gộp dịch sắc, cô còn 150ml. Đem dịch cam thảo trộn đều với ba kích, ủ 6 giờ cho ngấm đều sau đó sao vàng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Ba kích là những mảnh nhỏ, có dạng quăn queo, vỏ ngoài vàng nhạt hay hơi xám. Thể chất dai, mặt cắt ngang có màu tím nhạt, mùi thơm, vị thuốc Ba kích chích cam thảo có vị hơi ngọt, vị thuốc Ba kích chích muối có vị hơi mặn, vị thuốc Ba kích chích rượu có vị hơi chát.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, ngọt; Tính ấm; Quy kinh thận.



4. Công năng - Chủ trị

a) Công năng: bổ thận tráng dương, mạnh gân cốt.

b) Chủ trị: sinh dục yếu, hiếm muộn liệt dương, di tinh, đau nhức xương khớp. Vị thuốc Ba kích chích muối tăng tác dụng quy kinh thận, để bổ thận.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 10-12 g/ngày, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho các trường hợp ỉa chảy.

6. Bảo quản

Đề nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



3. VỊ THUỐC BÁ TỬ NHÂN

Semen Platycladi orientalis Praeparata

Vị thuốc Bá tử nhân là hạt trong "nón cái" già (còn gọi là "quả") đã phơi hay sấy khô của cây Trắc bách (Platycladus orientalis (L.) Franco), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bá tử nhân sao vàng: Bá tử nhân sau khi loại bỏ tạp chất và vỏ "quả" còn sót lại cho vào chảo, dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, lấy ra, tãi cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bá tử nhân là hạt hình trứng dài hoặc bầu dục hẹp, dài 4 - 7 mm, đường kính 1,5 - 3 mm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt có các đốm nâu. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình; quy kinh tâm, thận, đại trường.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng tâm, an thần, chỉ hãn, nhuận tràng (để sống). Vị thuốc Bá tử nhân sao vàng đã giảm bớt dầu béo, giảm tác dụng nhuận tràng.

b) Chủ trị: Hư phiền mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, âm hư, ra mồ hôi trộm, táo bón.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp đại tiện lỏng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



4. VỊ THUỐC BẠCH BIỂN ĐẬU

Semen Lablab Praeparata

Vị thuốc Bạch biển đậu (Đậu ván trắng) là hạt già phơi hay sấy khô của cây Đậu ván trắng (Lablab purpureus (L.) Sweet), họ Đậu (Fabaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch biển đậu sao vàng: Lấy Bạch biển đậu sạch cho vào chảo sao nhỏ lửa (lửa văn) cho đến khi bề mặt thuốc có màu vàng nhạt thỉnh thoảng có đốm đen. bên trong hạt màu trắng ngà hoặc màu vẫn như cũ. Xay vỡ hoặc giã dập khi dùng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch biển đậu là hạt hình bầu dục hoặc hình trứng dẹt. Mặt thuốc có màu vàng nhạt thỉnh thoảng có đốm đen, bên trong hạt màu trắng ngà. Thể chất cứng chắc, vỏ mỏng dòn, có 2 lá mầm to màu trắng ngà. Khi nhai có mùi thơm không còn mùi tanh của đậu sống.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính hơi ôn. Quy kinh tỳ, vị.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Kiện tỳ hòa vị, hóa thấp.

b) Chủ trị: Tỳ vị hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, bạch đới, nôn mửa, tiết tả.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9-15 g/ngày, phối hợp trong các bài thuốc.



6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



5. VỊ THUỐC BÁCH BỘ

Radix Stemonae tuberosae Praeparata

Vị thuốc Bách bộ là rễ, đã phơi hay sấy khô của cây Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.), thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bách bộ chích mật ong

Công thức chế biến 1,0 kg Bách bộ chích mật ong(*):

Bách bộ phiến                           1,0 kg

Mật ong                                    100g

Lấy mật ong hòa trong 100ml nước, khuấy đều, trộn với Bách bộ phiến; đảo đều, ủ qua đêm (khoảng 12 giờ), sau đó sao nhỏ lửa tới khi các phiến có màu nâu nhạt.

b) Phương pháp chế biến Bách bộ chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Bách bộ chích rượu(*):

Bách bộ phiến                           1,0 kg

Rượu                                        200 ml

Dùng rượu trộn với Bách bộ phiến, đảo đều, ủ qua đêm, sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bách bộ chích mật: Màu nâu nhạt, sẫm màu hơn Bách bộ phiến, mùi thơm, vị đắng ngọt.

b) Bách bộ chích rượu: Màu nâu nhạt, mùi thơm, vị đắng, ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, hơi ngọt; Tính mát, hơi ấm; Quy kinh phế.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: nhuận phế, chỉ khái, sát trùng.

b) Chủ trị: ho, viêm phế quản, ho gà, giun đũa; dùng ngoài trị giun kim, chấy, rận, ghẻ lở, ngứa âm hộ.

Bách bộ tẩm mật còn được dùng trị âm hư, lao thấu.



5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, cao, viên.

Dùng ngoài: Liều lượng thích hợp, nấu nước để rửa hoặc nấu cao để bôi xoa.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



6. VỊ THUỐC BẠCH CHỈ

Radix angelicae dahuricae praeparata

Vị thuốc Bạch chỉ là rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ (Angelica dahurica (Fisch.ex Hoffm.) Benth. et Hook.f.), họ Hoa tán (Apiaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch chỉ phiến: Loại tạp, rửa sạch, ủ trong khoảng 3 giờ cho mềm, thái lát dày 0,2 - 0,4 cm, phơi hoặc sấy ở nhiệt độ (40 - 50°) cho khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch chỉ có vỏ ngoài màu vàng, nâu nhạt, trong ruột trắng ngà, có các vạch dọc theo rễ củ, mùi thơm đặc trưng, vị cay hơi đắng, dễ gãy vụn, chứa nhiều tinh bột.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính ôn. Quy kinh phế, vị, đại trường.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: tán phong, trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng, trừ mủ.

b) Chủ trị: cảm mạo, nhức đầu, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, bạch đới, mụn nhọt, sưng đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không nên dùng trong trường hợp âm hư hỏa uất, nhiệt thịnh.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



7. VỊ THUỐC BẠCH GIỚI TỬ

Semen Sinapis albae Praeparata

Vị thuốc Bạch giới tử là hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Cải trắng (Sinapis alba L.), họ Cải (Brassicaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bạch giới tử sao vàng: Lấy Bạch giới từ sao nhỏ lửa đến màu vàng sẫm có mùi thơm, vị cay, đặc trưng của mùi cài. Đổ ra, để nguội.

b) Phương pháp chế biến Bạch giới tử sao đen: Đun nóng chào, cho Bạch giới tử vào, đảo đều cho đến khi ngoài vỏ có màu hơi đen. Đổ ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bạch giới từ sao vàng là những hạt nhỏ, khô giòn, màu hơi vàng.

b) Bạch giới tử sao đen có màu hơi đen có vị thơm đặc trưng của họ cải, nhấm có vị hơi cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính ấm; Quy kinh phế.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: ôn phế, trừ đàm hàn, giảm đau, tiêu thũng, tán kết, thông kinh lạc, lợi khí.

b) Chủ trị: ho hàn, nhiều đờm, suyễn tức, khó thở, sườn ngực đau chướng, xương khớp tê đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp phế hư, ho khan.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



8. VỊ THUỐC BÁCH HỢP

Bulbus Lilii brownii Praeparata

Vị thuốc Bách hợp (Tỏi rừng) là vẩy đã sơ chế, phơi khô lấy ở thân hành cây Bách hợp (Lilium brownii F.E.Brown var. viridulum Baker hoặc Lilium pumilum DC.), họ Hoa loa kèn (Liliaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bách hợp phiến: Rửa sạch, tách ra từng vẩy, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Bách hợp tẩm mật

Công thức chế biến 1,0 kg Bách hợp tẩm mật(*):

Bách hợp phiến                         1,0 kg

Mật ong luyện                           0,1 kg

Hòa mật ong luyện và 0,2 lít nước sôi quấy đều, trộn vào Bách hợp phiến, để khoảng 1 giờ cho ngấm sau đó cho vào chảo sạch, sao nhỏ lửa tới khi không dính tay thì lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bách hợp có vẩy hình bầu dục, dài 2 - 5 cm, rộng 1 - 2 cm, phần giữa dày 3-4 mm, mặt ngoài màu vàng nâu, hơi bóng. Chất cứng và dai, mặt gãy phẳng, trơn bóng như sừng. Không mùi, vị hơi đắng.



3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính mát; Quy kinh phế, tâm.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng âm, nhuận phế, thanh tâm, an thần. Bách hợp chế mật tăng cường tác dụng nhuận phế, chỉ ho.

b) Chủ trị: Âm hư, ho lâu ngày, trong đờm lẫn máu, hư phiền, kinh hãi, tim đập mạnh, mất ngủ, hay ngủ mê, tinh thần hoảng sợ.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng bột.

Kiêng kỵ: Không nên dùng trong trường hợp trúng hàn (cảm lạnh), hàn thấp ứ trệ, tỳ, thận dương suy.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



9. VỊ THUỐC BẠCH LINH

Poria Praeparata

Vị thuốc Bạch linh (Phục linh) là thể nấm đã phơi hay sấy khô của nấm Phục linh (Poria cocos (Schw.) Wolf, họ Nấm lỗ (Polyporaceae), mọc ký sinh trên rễ một số loài Thông.



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch linh phiến: Chọn phân loại các thể nấm, rửa sạch, ngâm hoặc ủ trong 6-8 giờ, hơi mềm, gọt bỏ vỏ bên ngoài, thái phiến và bỏ phần lõi sau đó phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch linh là phiến không đồng nhất, màu trắng đục, hồng nhạt hoặc nâu nhạt. Thể chất chắc hơi xốp.



3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, nhạt, tính bình; Quy kinh tâm, thận, tỳ.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ hòa trung.

b) Chủ trị: viêm tiết niệu, phù nề, hồi hộp, mất ngủ, kém ăn, ỉa chảy.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9 - 15 g/ngày (có thể dùng 40 g/ ngày).

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp khi đi tiểu nhiều.

6. Bảo quản

Đề nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



10. VỊ THUỐC BẠCH MAO CĂN

Rhizoma Imperatae cylindricae Praeparata

Vị thuốc Bạch mao căn (Rễ cỏ tranh) là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cỏ tranh (Imperata cylindrica P. Beauv), Họ Lúa (Poaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bạch mao căn phiến: Rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm, rồi cắt thành đoạn 3 - 4 cm phơi khô, sàng bỏ chất vụn.

b) Phương pháp chế biến Bạch mao căn sao đen: Lấy Bạch mao căn phiến cho vào nồi sao lửa to tới khi có khói trắng bốc lên, dược liệu trở thành màu nâu đen hoặc đen, phun một ít nước sạch trừ hỏa, sao thêm khoảng 2-3 phút, lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bạch mao căn phiến: Là những đoạn thân rễ hình trụ, dài 3 - 4 cm, đường kính 0,2 - 0,4 cm. Mặt ngoài trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt, mỗi dốt dài 1 - 3,5 cm, trên các đốt còn sót lại vết tích của lá vẩy và của rễ con. Vị thuốc dai, dễ bẻ gẫy ở đốt, mặt bẻ có sợi. Mặt cắt ngang gần hình tròn, mặt ngoài lồi lõm không đều, ở giữa thường rách nứt. Vị thuốc không mùi, không vị.

b) Bạch mao căn sao đen: Là những đoạn thân rễ hình trụ, dài 1 - 3 cm. Mặt ngoài nâu đen hoặc đen, bẻ ra bên trong có màu nâu vàng hoặc nâu sẫm. Mùi thơm, không vị.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính lạnh; Quy kinh tâm, tỳ, vị, bàng quang.



4. Công năng chủ trị

a) Bạch mao căn phiến

- Công năng: lương huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu.

- Chủ trị: Khát nước bứt rứt, hoàng đản, thủy thũng do viêm thận cấp tính.

b) Bạch mao căn sao đen

- Công năng: chỉ huyết.

- Chủ trị: Nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, băng kinh.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9 - 30 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Dùng tươi 30 - 60 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người hư hỏa, không thực nhiệt. Thận trọng dùng cho phụ nữ có thai.



6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



11. VỊ THUỐC BẠCH TẬT LÊ

Fructus Tribuli terrestris Praeparata

Vị thuốc Bạch tật lê (Thích tật lê) là quả chín phơi khô của cây Bạch tật lê (Tribulus terrestris L.), họ Tật Lê (Zygophyllaceae).



1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch tật lê sao vàng: Lấy Bạch tật lê sạch cho vào nồi, sao lửa nhỏ, cho đến khi màu hơi vàng cháy xém hết các cạnh trông như gai nhọn, lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Bạch tật lê sao vàng là quả có 5 cạnh, đường kính 12 - 15 mm. Vỏ quả màu xém vàng, không còn các gai nhọn, hai mặt bên thô ráp, có vân mạng lưới, màu xám. Chất cứng, không mùi. Vị đắng, cay.



3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng, tính ấm, hơi độc; Quy kinh can, phế.



4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bình can giải uất, hoạt huyết, khu phong, sáng mắt, trị ngứa. Bạch tật lê sao vàng có tác dụng hòa hoãn tính cay tán, tăng cường tác dụng bình can, tiềm dương, trừ phong minh mục.

b) Chủ trị: Nhức đầu, chóng mặt; ngực sườn đau trướng, tắc sữa, viêm tuyến vú; đau mắt đỏ kéo màng mắt; phong chẩn, ngứa.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc viên.



6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



12. VỊ THUỐC BẠCH THƯỢC

Radix Paeoniae lactiflorae Praeparata

Vị thuốc Bạch thược (Thược dược) là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Thược dược (Paeonia lactiflora Pall., syn: Paennia albiflora Pall.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bạch thược phiến: Lấy rễ cây Bạch thược loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho lượng nước vừa phải để thấm hết vào rễ Bạch thược. Ủ qua đêm. Sau khi rửa sạch, đồ cho mềm rồi dùng dụng cụ bằng inox bào thành phiến dọc theo rễ Bạch thược sẽ cho các lát Bạch thược dài mỏng đều. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60°C.

b) Phương pháp chế biến Bạch thược sao: Dùng Bạch thược phiến ở trên cho vào chảo, đun nhỏ lửa (lửa văn), đảo đều đến khi bề mặt phiến dược liệu có màu vàng nhạt, lấy ra, để nguội. Không dùng dụng cụ bằng gang, sắt vì Bạch thược dễ bị biến màu đen.

c) Phương pháp chế biến Bạch thược chích rượu:

Công thức chế biến 1,0 kg Bạch thược chích rượu(*):

Bạch thược phiến                      1,0 kg

Rượu                                        0,3 lít

Dùng Bạch thược phiến, tẩm lượng rượu thích hợp, ủ cho thấm đều khoảng 30 phút. Cho vào chảo đun nhỏ lửa (lửa văn), đảo đều cho đến khi bề mặt dược liệu có màu hơi vàng, mùi thơm.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bạch thược phiến: phiến bạch thược mỏng, trắng, khô, thẳng hay hơi cuộn lại. Vị ngọt hơi chua

b) Bạch thược sao và Bạch thược chích rượu: có màu vàng nhạt, mùi thơm.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, chua, tính hàn. Quy kinh can, phế, tỳ, thận.



4. Công năng, chủ trị

a) Bạch thược phiến

- Công năng: Nhuận can, tiềm dương, dưỡng huyết liễm âm khí, thông kinh chỉ thống, điều kinh.

- Chủ trị: Dùng trị đau nhức do can khí bất hòa, dùng trị tả, lỵ do tỳ khí bất hòa, chóng mặt nhức dầu do can khí vượng.

b) Bạch thược sao vàng và Bạch thược chích rượu

- Công năng: Nhuận can, tiềm dương, dưỡng huyết liễm âm khí, thông kinh chỉ thống, điều kinh.

- Chủ trị: Dùng để dưỡng huyết liễm âm khí, dùng cho bổ huyết, phụ nữ kinh nguyệt không đều (để cân bằng tiết progesteron) băng lậu, thiếu máu, ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 15 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không phối ngũ với Lê lô. Không dùng trong trường hợp người bị tả, lỵ do hàn.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



13. VỊ THUỐC BẠCH TRUẬT

Rhizoma Atractylodis macrocephalae Praeparata

Vị thuốc Bạch truật là thân rễ (thường gọi là củ) phơi hay sấy khô của cây Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.), họ Cúc (Asteraceae).



1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế hiến Bạch truật phiến: Dược liệu được rửa sạch, ủ cho mềm, rút bỏ lõi, thái mỏng; phơi hay sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Bạch truật sao cám mật ong:

Công thức chế biến 1,0 kg Bạch truật sao cám mật ong(*):



Bạch truật phiến

1,0 kg

Cám

100 g

Mật ong

5,0 g

Cám được trộn với mật ong, sao đến khi bốc khói, cho Bạch truật phiến vào đảo đều đến khi phiến có màu vàng xém cạnh, có mùi thơm. Lấy ra, rây loại bỏ cám. Để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Bạch truật chích rượu:

Công thức chế biến 1,0 kg Bạch truật chích rượu(*):

Bạch truật phiến                        1,0kg

Rượu                                        100 ml

Phiến Bạch truật được trộn đều với rượu, đậy kín, ủ cho rượu thấm đều (khoảng 1 - 2 giờ). Sao nhỏ lửa đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch truật là các phiến màu vàng thẩm, cạnh hơi xém, thể chất cứng, Bạch truật sao cám mật có vị đắng, hơi ngọt, Bạch truật chích rượu có vị đắng mùi thơm đặc trưng của Bạch truật.



3. Tính vị, quy kinh

Vị đẳng, hơi ngọt, tính ấm; Quy kinh tỳ, vị.



4. Công năng, chủ trị

Công năng: bổ khí, kiện tỳ, trừ thấp, liễm hãn, an thai.

Chủ trị: tỳ hư, kém ăn, trướng bụng, ỉa chảy, mồ hôi nhiều, động thai.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho người bị táo bón.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.



14. VỊ THUỐC BÁN HẠ NAM

Rhizoma Typhonii trilobati Praeparata

Vị thuốc Bán hạ nam là thân rễ được thu hái từ cây Củ chóc (Typhonium trilobatum (L.) Schott.) Họ Ráy (Araceae).



1. Phương pháp chế biến.

a) Phương pháp chế biến Bán hạ phiến: Thân rễ của cây củ chóc chuột được rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ, đồ chín, thái phiến dày 3 - 5 mm, phơi hay sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Bán hạ chế gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Bán hạ chế gừng(*):

Bán hạ phiến                             1,0 kg

Phèn chua                                 100 g

Gừng tươi                                100 g

Nước vo gạo                            vừa đủ

Bán hạ phiến được ngâm trong dịch nước vo gạo 2 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Gạn bỏ dịch ngâm, rừa nhẹ đến sạch.

Phèn chua được tán thành bột mịn, hòa tan hoàn toàn trong 3 lít nước sạch. Ngâm tiếp bán hạ 2 ngày đến khi không còn “nhân trắng đục”. Vớt ra, phơi khô.

Bán hạ đã phơi khô được tẩm với dịch nước gừng tươi. Trộn, ủ đến khi thấm đều vào phiến thuốc. Sao đến khi có màu vàng đậm, không còn vị ngứa. Để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Bán hạ chế nước vôi trong

Công thức chế biến 1,0 kg Bán hạ chế nước vôi trong(*):

Bán hạ phiến                             1,0 kg

Cam thảo                                  150 g

Nước vôi trong                         vừa đủ.

Cam thảo nấu với 3 lít nước trong 2 giờ. Gạn lấy dịch. Ngâm Bán hạ trong dịch Cam thảo trong 2 ngày. Vớt ra, ngâm tiếp với nước vôi khoảng 3 ngày. Nếm thấy hết vị ngứa thì vớt ra, rửa nhiều lần bằng nước sạch, phơi hoặc sấy đến khô. Để nguội, đóng gói.




tải về 0.76 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương