Chúa nhậT chúa thánh thần hiện xuống ga 20: 19-23 23-05-2010



tải về 496.54 Kb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích496.54 Kb.
#33082
1   2   3   4   5   6   7   8

Trái tim:

Kiểm soát cảm xúc là một lãnh vực thuộc về trái tim. Trái tim được điều khiển bằng một lý trí lành mạnh, sẽ không còn chịu tác động của sự nóng nảy, giận run khi đối diện sự ác. Trái tim nhân hậu, hiền lành, là một trái tim đã trải qua kinh nghiệm của đời sống Chúa Thánh Thần tác động. Hoa trái cụ thể là bình an và vui tươi trong tâm hồn, cần có phương pháp để thấy được kết quả của hoa trái.


“Hãy biết mình”, là một phương pháp cổ xưa của những người khôn ngoan dạy bảo. Biết mình klhông chỉ trên bình diện tri thức, của cải, ý thức hay lòng đạo. Biết mình với chiều kích sâu xa của tâm hồn mỗi khi biểu hiện bộc phát ra bên ngoài.


Bằng sự quan sát này, thiền quán dạy ba bước cụ thể:



  • Bước 1:Tránh mọi sự làm xáo trộn tâm hồn, qua con đường ngũ giới.

  • Bước 2: Kiểm soát tâm trí bằng việc tập hít thở.

  • Bước 3: Thanh tẩy tâm trí, bằng cách nhìn vào chiều sâu bản tính của mình.

Con đường luyện tập thiêng liêng của Thánh Ignatio: dựa vào quan sát cảm xúc buồn – vui và giải thích nguyên nhân.


Vui: Tại sao vui, có nguyên nhân hay không có nguyên nhân. Nếu có nguyên nhân thì xem lại nguyên nhân có là thực tại bền vững không, nếu không bền vững thì không phải là hoa trái của Chúa Thánh Thần: Ví dụ, vui khi trúng vé số, trúng mánh, được thuận lợi…là những nguyên nhân không bền vững. Nếu không có nguyên nhân, vui luôn trong mọi hoàn cảnh, là niềm vui đích thực của hoa trái Chúa Thánh Thần.

Buồn: Tại sao buồn, có nguyên nhân hay không có nguyên nhân. Nếu có nguyên nhân, nỗi buồn cần được sửa chữa bằng hòa giải, bằng tha thứ, bằng Bí tích Giải tội. Ví dụ khi buồn giận bởi thù hận, oán ghét, ghen tức, làm xúc phạm đến người khác…

Nếu không có nguyên nhân: Đó là thử thách của mỗi nhịp bước lên bậc thang nhân đức, Chúa Thánh Thần mời gọi sống phó thác hơn nữa.




Hành động:

Lý trí và con tim lành mạnh là kho tàng xuất phát ra các hành vi tốt lành của con người. Chúa Giêsu nói: “Không có cái gì xấu từ ngoài vào trong con người, chỉ có cái xấu từ trong con người xuất phát ra” (Mt 15, 18 – 21). Đó là phát biểu của Đấng bậc Thầy của Thiền sư.


Khi lên tiếng cảnh báo: Chúa Giêsu thấy nguy hiểm của những bọn giả hình đang tự dẫn đến chỗ hư vong. Khi sử dụng từ ngữ, “khốn cho…”ngôn từ của Chúa Giêsu xuất phát từ trái tim yêu thương và một lý trí trong sáng mà khuyến nhủ cách đặc biệt. Khác với lời nguyền rủa xuất phát từ tâm hồn gian ác, lý trí mù quáng.


Khi hành động tỏ ra bức xúc: lật đổ, đánh đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Trọng tâm của hành xử này cũng không xuất phát từ tâm đen tối. Chúa Giêsu hành xử từ một tâm hồn thanh sạch và lên tiếng đừng làm ô uế tâm hồn là đền thờ.


Và rất nhiều hành động yêu thương, yêu cho đến bằng lòng chịu chết cho người mình yêu.

Nhiều cách hành động của Chúa Giêsu gợi lên hai chiều kích đáng chú ý:


  • Nơi gặp gỡ, an ủi những tâm hồn sầu khổ, nghèo khó, kẻ bất hạnh.

  • Nơi kẻ gian ác, cứng lòng, dã tâm muốn loại bỏ triệt hạ.

Dù con người cứng lòng, chai đá, giết chết Chúa Giêsu, Ngài vẫn một lòng yêu thương, cầu nguyện và tha thứ cho họ. Nhân cách đặc biệt mà Chúa Giêsu dạy: “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ làm hại mình” (Mt 5, 44).


Suy ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rõ ràng hoa trái Chúa Thánh Thần làm nên sự phong phú và tràn đầy sức sống trong Ngài. Xin cho chúng con một lý trí lành mạnh, một trái tim nhân hậu để phát sinh những hành động yêu thương. Yêu thương trong tác động của Chúa Thánh Thần để chúng sống yêu thương.


Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
THÁNH THẦN, HỒNG ÂN VÀ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Lm. An Phong, OP
Chuẩn bị mừng năm Toàn xá 2000, Hội thánh dành một năm tôn vinh Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba trong cũng một Thiên Chúa. Ấy thế nhưng nhiều người trong chúng ta cảm thấy ít thoải mái khi nói về Thánh Thần. Người huyền nhiệm quá ! Biết trình bày Người như thế nào đây !
* Cơn lốc hình ảnh : Thần Khí khó nắm bắt, bởi vì Người linh lợi và sống động. Đàng khác, danh của Người là hơi thở, gió. Ai có thể giữ được hơi thở hay nắm được gió trong lòng bàn tay. Đức Giêsu từng nói với ông Nicôđêmô : "Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy" (Ga 3,8). Chính vì thế, khó có thể thành hình một ý tưởng về Người, khó đóng khung Người vào những khái niệm. Trăm lần như một, Người vuột rất nhanh ra khỏi cái khung khái niệm, chuyển sang một hình thái khác, ví như những áng mây trên trời được những làn gió thổi trôi đi. Thần Khí ghê tởm sự bất động. Thế nên chỉ còn có những hình ảnh để diễn tả Người thôi. Bởi vì hình ảnh thì uyển chuyển và linh động.


  • Gió mạnh mẽ nhưng không thể giữ lại được : Người nào muốn biết Thần Khí là Đấng nào và Người hành động ra sao, thì phải để ý nhận xét gió. Gió thổi, đưa mây đi tứ phương. Gió thổi, tung bụi đường. Gió thổi, tung những hạt bông nhỏ xíu và đưa đến những mảnh đất xa. Gió đó, nhưng nào ai thấy. Gió là người khách không được mời. Ta chỉ biết là gió đã đến thăm, bởi vì gió lay động, và lắm khi mở toang những cánh cửa. Gió làm cho hoa lá trong vườn rung rinh lay động và đôi khi gió làm cho cả cây đa cổ thụ bật tung gốc rễ.

Ấy, Thần Khí cũng như vậy : Người mạnh mẽ, không thể cầm giữ được và huyền diệu như gió. Người ở đây, Người ở kia, nhưng Người lại đi xa ngay tức thì. Bao giờ cũng thật nhanh, thật nhanh. Lạnh buốt như kim châm, nhưng cũng lại nóng sốt như có đem theo lửa. Người chắp cánh cho tất cả để bay bổng, nhẹ tênh. Nhưng Người cũng có thể làm cho tắc nghẽn, chẳng có gì có thể ngăn trở được.

  • Huyền diệu mà lại lặng lẽ kiên trì như dòng suối : Thần Khí lại tựa như dòng suối. Còn gì huyền diệu hơn, trung thành với vị trí của mình hơn là dòng suối. Hiếm khi ta biết dòng suối phát nguyên từ đâu. Nó có đó, ngay tức khắc, vọt lên từ giữa hai tảng đá to, hoặc từ dưới một đám rêu phong. Nhưng ta lại cứ thích ngồi lại bên dòng suối và lắng nghe dòng suối. Bởi lẽ dòng suối nào cũng có những tiếng róc rách dễ thương và quyến rũ. Người thời cổ từng cho rằng các cô tiên nữ sống và nhảy múa bên những dòng suối. Họ gọi là suối tiên.

  • Nóng cháy và linh lợi như lửa : Thần Khí lại giống như lửa. Người ta bảo "người kia nói có lửa"... để nói đến sức sống nơi người nói lan tràn qua ngôn ngữ. Thần Khí cũng có nhiều điểm chung với lửa. Lửa lôi cuốn mãnh liệt. Ai đã từng tham dự những buổi lửa trại hoặc đã từng ngồi chung quanh lò sưởi, hẳn từng thấy ở đó người ta không nhìn nhau, mà nhìn những ngọn lửa bập bùng hay tí tách. Lửa qui tụ. Tự nhiên người ta ngồi quây quần chung quanh bếp lửa, mà ít cần phải mời mọc hay nhắc nhở. Thần Khí cũng như thế, Thần Khí sưởi ấm, Thần Khí lôi cuốn, Thần Khí qui tụ con người lại.

  • Dễ thương như chú chim câu : Đây lại là một hình ảnh nữa. Chúng ta thường nhìn thấy trong các thánh đường : trên tháp nhà thờ chú chim câu như thể muốn tung cánh bay tít lên không trung, ở bục giảng... chim câu là hình ảnh huy hoàng của Thần Khí không phải vì nó biết bay, nhưng vì nét duyên dáng của nó khi bay. Chim câu bay hay không bay, lúc nào nó cũng đẹp. Và chim câu không bay hung bạo như chim én. Chim câu không hạ cánh bất chợt như diều hâu. Chim câu chẳng nhảy nhót như chim sẻ. Chim câu có một kiểu riêng của chim câu.

  • Dầu chữa lành và tỏa hương thơm phức : Thần Khí còn ví tựa dầu thơm và dầu xức chữa lành vết thương. Không gì làm cho con người chán bằng đau khổ. Không gì làm cho con người mạnh bằng lời an ủi và sức chữa lành. Người ta trở nên một con người khác hẳn : vui tính - "có tinh thần tích cực" - và mọi thứ đều bình yên, không còn xáo trộn. Thế nên, thời kỳ dưỡng bệnh nào cũng là thời kỳ ân phúc: ta cảm thấy sức sống như đang trở về.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin đổ tràn hồng ân, tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trên đời sống chúng con. Xin Ngài đốt nóng ngọn lửa mến Chúa yêu người nơi chúng con. Xin Ngài xua tan bóng tối mây mù của lòng ích kỷ, gian tham, hận thù, ghen ghét nơi tâm hồn chúng con. Xin dọi ánh sáng Thiên Chúa trên bước đường chúng con đi.

Lm. An Phong, OP
TRUYỀN THÔNG VÀ LỮA
Lm. Giuse Đổ Vân Lực, OP
Giữa cảnh rừng khuya, ngọn lửa bập bùng. Những hình ảnh huyền thoại lũ lượt kéo về vùng tâm tư hoang lạnh. Lòng người bừng lên nguồn hứng khởi vô biên. Hiện tại và quá khứ như quyện vào nhau theo ánh lửa ngày càng dâng cao. Ngọn lửa đã làm bùng dậy mạch sống con tim. Ngọn lửa nối liền lòng người. Niềm vui trào lên trong lòng tuổi trẻ. Màn đêm như ngừng trôi. Tất cả bắt đầu một nhịp sống mới, dù ngày đã tàn lụi ...

Sau cảnh biệt ly trên núi Olivê tiễn Thày về trời là đêm trường thương nhớ trong lòng các môn đệ. Niềm vui không xóa nổi nỗi nhớ. Bỗng nhiên, ngọn lửa Thánh Linh thắp lên. Tất cả đã thay đổi. Một thế giới mới bắt đầu.


SỨC MẠNH THẦN KHÍ

Thế giới mới bắt đầu ngay lúc Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Quang cảnh vô cùng ngoạn mục : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:1-4) Nhiều hình ảnh cho ta cảm tưởng ngọn lửa Thánh Linh chỉ đậu trên đầu Mười Hai Tông đồ. Thực tế, mọi người hiện diện đều đón nhận ngọn lửa Thánh Thần. Cả một biển lửa bùng lên.


Không phải vô tình Thánh Linh lấy hình ngọn lửa để công bố một thế giới mới. Bất cứ vật gì chạm tới lửa đều phải thay đổi. Thánh Linh muốn biến mọi tín hữu thành những ngọn lửa thiêu đốt trần gian. Miệng lưỡi các tín hữu tiên khởi đã thành những ngọn lửa biến đổi môi trường. Mọi người kinh ngạc không phải vì tài thông thạo ngoại ngữ lạ lùng của các tín hữu, nhưng vì ngôn ngữ và văn hóa của mình vẫn được tôn trọng nguyên vẹn khi đón nhận đức tin. Mọi khác biệt đều tìm được hiệp nhất trong Thần Khí.
Chính ngọn lửa Thánh Linh khiến tiếng nói các tín hữu soi thấu tâm hồn và mở mắt cho các dân tộc nhận biết những kỳ công của Thiên Chúa. Kỳ công của Thiên Chúa không phải là những công việc bên ngoài, nhưng là chính sự hiệp nhất trong chân lý đức tin nơi Chúa Kitô. Ðó là công trình của Thần Chân Lý. Chính Thần Chân Lý đã mở mắt muôn dân nhìn ra sự thật về Thiên Chúa và con người. Từ đó, họ mới thấy con đường trở về với Thiên Chúa tình yêu và chấp nhận nhau như anh em.
Chính nhờ sự thật, Thần Khí thánh hóa và làm cho cá nhân cũng như dân Chúa nên thánh. Chúa Thánh Linh đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Từ cuộc tạo dựng đến ngày thế mạt, Thánh Linh luôn là quyền năng Thiên Chúa làm nên lịch sử. Thần Khí thay đổi vạn vật. Thân xác tơi tả của Chúa chịu đóng đinh trở thành thân thể vinh quang của Chúa Phục Sinh. Lời loài người “chuyên chở” lời Thiên Chúa. Bánh trở thành Mình Thánh Chúa Kitô. Giáo Hội thành điềm báo Nước Trời …
LỬA TRUYỀN THÔNG

Ðức tin không hủy diệt, nhưng nâng cao văn hóa dân tộc. Hơn nữa, đức tin tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Thực thế, “Thiên Chúa muốn được tôn vinh và chúc tụng bằng mọi thứ ngôn ngữ, mọi nền văn hóa. Như thế mới hiển thị rõ nét sự đa dạng đa năng giữa các chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô (1 Cr 12:12-13), cũng như được hiển thị rõ nét công trình của Chúa Giêsu và Thần Khí của Người là quy tụ về một mối những con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Ga 11:52).” (1) Tất cả đều do ngọn lửa Thánh Linh tác động trực tiếp đến công cuộc truyền thông của các tín hữu tiên khởi.


“Tự bản chất, truyền thông là truyền giáo.” (2) Thực vậy, các dân tộc phải thú nhận: “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.” (Cv 2:11) Các tín hữu tiên khởi là khuôn mẫu cho những ai đang làm truyền thông hôm nay. Họ không có những phương tiện hiện đại, nhưng nắm rất vững các nguyên tắc truyền thông như sau :

  • Nội dung : những kỳ công của Thiên Chúa nơi cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô. Chúa Kitô đã chết vì loan báo Tin Mừng cứu độ. Người là nhà truyền thông lý tưởng vì chỉ biết làm chứng và truyền thông sự thật. Tất cả cuộc đời Người là một kỳ công tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa. Các tông đồ và các Kitô hữu đã tìm mọi dịp để loan báo cho muôn dân biết Ðức Giêsu là “con đường, sự thật và sự sống.” (Ga 14:6) Họ đã lấy máu đào để minh chứng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống đến trần gian để cứu độ nhân loại.

  • Phương tiện : ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc. Các tông đồ và tín hữu tiên khởi đã xử dụng phương tiện truyền thông đơn giản nhất là ngôn ngữ của mình. Nhưng khi nghe họ giảng, các dân tộc “đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2:6) Ðiều lạ lùng ấy chứng tỏ Thánh Linh muốn tách biệt Giáo Hội khỏi Do thái giáo. Muốn theo Do thái giáo, người tân tòng bắt buộc phải từ bỏ ngôn ngữ và văn hóa của mình. Ngược lại, Thánh Linh muốn phá tung mọi biên giới để Giáo Hội nhập thể vào văn hóa của các dân tộc. Bởi thế, ngay phương tiện truyền thông cũng đã cho thấy công giáo tính của Giáo Hội.

  • Mục đích : hiệp nhất muôn dân trong Ðức Giêsu Kitô. Truyền thông cũng như truyền giáo phải nêu cao mục đích hiệp nhất muôn dân như Chúa đã vạch ra. Ðây là sứ mệnh cao cả nhất Chúa đã trao phó cho Giáo Hội, nhất là cho những nhà truyền thông. Tất cả những gì gây chia rẽ Giáo Hội đều nằm ngoài mục đích này. Khi đã đánh mất mục đích, truyền thông còn có ý nghĩa và giá trị gì không ? Sự khác biệt không làm cho chúng ta phải xa cách và đối kháng nhau. Cần phải có một tinh thần cởi mở như Chúa Giêsu mới có đủ sáng suốt và kiên nhẫn tìm ra con đường đối thoại để hòa hợp và hiệp nhất.

  • Ðối tượng : muôn dân. “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô.” (Gl 3:28) Không có ai bị gạt ra ngoài lề. Truyền thông Lời Chúa cho mọi người, dù họ là ai, ở trong tình trạng hay trình độ nào. Không có một thứ Lời Chúa dành riêng cho một đấng bậc nào. Tất cả đều bình đẳng trong việc đón nhận Lời Chúa. Toàn thể nhân loại phải là đối tượng của truyền thông Công giáo.

  • Nguyên tắc : phục vụ chân lý. Người truyền thông tiên khởi của Giáo Hội đã bước theo Ðức Kitô. Như Ðức Kitô, họ cũng là con đường để mọi người đi qua gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Họ là con đường dẫn mọi người đến sự sống và sự thật là Ðức Kitô. Tương tự Ðức Kitô, họ được kêu gọi và có sứ mệnh “làm chứng cho sự thật.” (Ga 18:37) Ðây là nguyên tắc quan trọng nhất. Giáo Hội luôn kêu gọi mọi giới truyền thông phục vụ chân lý. Các tin tức sai lạc và một chiều đã làm cho thế giới hôm nay nhiều rối loạn và làm con người mất hạnh phúc và tự do. Chỉ có chân lý mới giải thoát và đem lại sư hiệp nhất cần thiết cho Giáo Hội và xã hội. Chỉ có chân lý mới làm cho gia đình hạnh phúc và mở ra một tương lai tươi sáng. Bởi thế, nếu chỉ nhắm thỏa mãn tham vọng hay trục lợi, truyền thông không còn tuân thủ nguyên tắc tối cao và tối cần của mình nữa. Bao cuộc chiến tranh thiêu sống hàng triệu sinh linh cũng chỉ vì những thông tin sai lạc. Bao người đành phải sống kiếp trâu ngựa vì sự thật bị bưng bít hay xuyên tạc.

  • Ðộng lực : Thánh Linh. Trước khi muốn đốt sáng trần gian và biến đổi nhân loại, người làm truyền thông phải có ngọn lửa Thánh Linh trong lòng. “Thần Khí nói trong tâm hồn mỗi tín hữu, nơi Người cư ngụ, bằng cách làm cho họ nghe được ‘tiếng’ của Người. Đôi khi Người bảo họ tha thứ, phục vụ, cho đi, yêu thương. Người dạy họ đâu là sự thiện, đâu là sự ác. Người nhắc nhớ và làm cho họ thực hành Lời sống, Lời mà Tin mừng gieo nơi chúng ta. Kitô hữu phải bước đi dưới sức thúc đẩy của Thần Khí, ngõ hầu Người có thể tác động trong lòng họ với sức mạnh sáng tạo của Người, để đưa họ đến sự thánh thiện, đến chỗ được thần hoá cùng sống lại. Chúng tôi thường cho rằng cách thế tốt nhất để mến yêu Chúa Thánh Thần, tôn vinh Người, giữ Người hiện diện trong lòng chúng ta, chính là lắng nghe tiếng Người, tiếng có thể soi sáng chúng ta trong mọi giây phút của cuộc sống...” (3) Chính vì không được Thánh Linh thúc đẩy và bị ác thần hướng dẫn, nhiều người cố tình xuyên tạc sự thật, nhằm nô lệ hóa con người hay chia rẽ cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.


SỨ MỆNH TRUYỀN THÔNG

Ngọn lửa Thánh Linh cũng đang tạo nên những sản phẩm khác nhau trong Giáo Hội và thế giới. Nhưng nếu mỗi người cứ thu tích sức nóng Thần Khí cho riêng mình, cộng đoàn sẽ không tạo được một chứng từ giá trị nào trong công cuộc truyền thông sứ điệp của Chúa cho muôn dân.


Khi phục vụ, phải biết xóa bỏ chính mình, người làm truyền thông mới có thể hoàn thành sứ mệnh phục vụ chân lý. Nếu họ còn cố bám lấy cái tôi, Chúa Kitô sẽ phải nhường bước. “Truyền thông không đơn thuần là diễn đạt ý tưởng và biểu lộ tình cảm. Nhưng khi đạt tới mức độ sâu thẳm nhất, truyền thông là tận hiến chính mình vì tình yêu.” (4) Ngành truyền thông Công giáo Việt nam hôm nay đang phục vụ ai ? Tại sao có tình trạng “bát nháo” như hiện nay ? Truyền thông đó còn đóng nổi vai trò và hoàn thành sứ mệnh không ? Có hướng dẫn dư luận hay bị dư luận hướng dẫn ? Có theo nguyên tắc bác ái và phục vụ chân lý nữa không ?
Chưa bao giờ dân Chúa hoang mang như ngày nay. Muốn đem lại bình an cho dân Chúa và hiệp nhất Giáo Hội, nên nhớ mỗi người làm truyền thông là một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo không thể rao giảng bằng những lời thóa mạ, kết án hay đe loi. Những thái độ và tiếng nói tiêu cực không bao giờ trình bày được sự thật cần thiết cho sự hiệp nhất. Ðã xưa quá rồi lối truyền đạo bằng những kiểu trịch thượng như vậy. “Giáo hội coi các phương tiện truyền thông là ‘những tặng phẩm của Thiên Chúa' quan phòng dùng để hiệp nhất mọi người trong tình huynh đệ và bởi thế giúp họ cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.” (5)
Khi góp ý với các vị lãnh đạo, chúng ta cần cầu xin Thánh Linh ban ơn khôn ngoan. Người là Thần Chân Lý. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Linh không những để ở với chúng ta suốt đời, nhưng còn dạy chúng ta mọi điều. Thánh Linh hiện diện để hiệp nhất chúng ta. Thánh Linh dẫn chúng ta vào đường ngay nẻo chính. Không phải lúc nào cũng dễ dàng đón nghe sự thật. Làm chứng cho sự thật càng không dễ chút nào. Chân lý không thể giải thoát và biến đổi con người, nếu không có ơn dũng cảm từ ngọn lửa Thần Khí. Vì Thánh Linh là Ðấng Bảo Trợ, tại sao chúng ta không theo lẽ phải mà tranh đấu cho công lý ?

Cần gấp rút nhìn sâu vào thực tế để cùng tìm hiểu sức mạnh và tầm mức đại chúng của các phương tiện truyền thông trong công cuộc giáo dục và truyền giáo cho muôn dân hôm nay. “Dù được trình bày cho các cá nhân, các phương tiện truyền thông xã hội, cũng đụng chạm và ảnh hưởng tới toàn thể xã hội. Các phương tiện đó giúp đại chúng nhanh chóng biết những gì đang xảy ra trên thế giới và những quan điểm đương thời. Bởi thế, để giúp xã hội hiện đại hoạt động nhịp nhàng với những nhu cầu phức tạp và luôn biến đổi, và luôn có những thảo luận liên khắn khít trong xã hội, chúng ta không thể bỏ qua những phương tiện truyền thông này. Ðiều này rất phù hợp quan niệm Kitô giáo về cách thức con người sống chung với nhau. Các tiến bộ kỹ thuật này có mục đích cao cả là đưa con người lại gần nhau. Khi cho nhau biết về những nỗi sợ và niềm hy vọng chung, con người giúp nhau giải quyết vấn đề. Và dựa trên tiêu chuẩn này, Kitô hữu đánh giá các phương tiện truyền thông có góp phần vào hạnh phúc nhân loại hay không.” (6)


Hơn nữa, “các thách đố giáo dục trong thế giới hiện nay thường liên hệ tới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, đang cạnh tranh với trường học, Giáo Hội, và ngay cả với gia đình nữa. Trong bối cảnh này, việc đào tạo để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông thật là quan trọng: cha mẹ, các giáo viên và cộng đoàn Giáo Hội được kêu gọi để hợp tác trong việc giáo dục các thiếu nhi và thanh niên biết chọn lựa và trưởng thành trong việc phê bình, biết đánh giá cái gì thực sự là đẹp đẽ và phù hợp với luân lý. Đàng khác, các phương tiện truyền thông cũng cần phải góp phần của mình trong công cuộc giáo dục, bằng cách cổ võ phẩm giá của con người, của hôn nhân và gia đình, những thành tựu của nền văn minh. Không thể nào chấp nhận được những chương trình nào gieo rắc bạo lực và những thái độ phản xã hội, hoặc hạ giá phái tính, nhất là khi trình diễn cho các vị thành niên. Vì thế tôi xin lặp lại lời kêu gọi những nhà hữu trách trong kỹ nghệ sản xuất phim ảnh, những người hoạt động trong ngành truyền thông, xin họ hãy bảo vệ ích lợi chung, tôn trọng chân lý và che chở phẩm giá của con người và của gia đình.” (7)
Cần phải chú ý tới những vấn đề lớn lao như thế trong truyền thông, thay vì tốn bao thời giờ cãi vã nhau về những vấn đề quá xưa và không thiết thực. Có người quá khích đến nỗi moi móc đời tư của các linh mục. Những xâm phạm như thế không phù hợp với những nguyên tắc tối thiểu trong ngành truyền thông. Cần hướng về tương lai để bắt kịp đà tiến của Giáo Hội và xã hội.
Chưa bao giờ Thiên Chúa trao vào tay Giáo Hội một phương tiện rao truyền Lời Chúa lớn mạnh như ngày nay. Muốn xử dụng chính xác truyền thông dưới mọi hình thức hiện đại, theo gương các tín hữu tiên khởi, “người thông tin Công giáo trước tiên phải là người có lòng tin chân thành và đầy hứng khởi, người đã gặp Thiên Chúa và cộng tác với Giáo Hội trong việc loan báo sứ điệp. Trong đời sống hằng ngày, họ phải trung thành với sứ điệp và sáng tạo trong những hình thức để loan truyền sứ điệp này, luôn luôn với viễn tượng của chân lý, ích lợi chung và tự do.” (8)
Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh đến hướng dẫn và hun nóng các nhà truyền thông để họ ngày càng phục vụ dân Chúa tốt đẹp và hữu hiệu hơn. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đang dấn thân tích cực vào ngành truyền thông. Xin cho GHVN có đủ cơ hội và những phương tiện truyền thông hiện đại để rao truyền Danh Chúa khắp nơi. Amen.
1. Lời Chúa Cho Mọi Người, 2005:529.

2. ÐGM Foley, Zenit 21.05.2007.

3. Chiara Lubich, trích lại từ Lm. Fabio Ciardi & Gabriella Fallacara, trong Lời sống Tháng Sáu 2007.

4. ÐGH Phaolô VI, “Communio et Progressio,” 23.05.1971.

5. Ibid.

6. Ibid.

7. ÐGH Bênêđictô XVI, “Các thiếu nhi và phương tiện truyền thông: một thách đố cho cuộc giáo dục.”

8. ÐGM Foley, Zenit 21.05.2007.

Lm. Giuse Đổ Vân Lực, OP

NHƯ CON CÁ SỐNG TRONG NƯỚC
Lm. Giuse Nguyễn Cao luật, OP

Biến cố làm đảo lộn

Vẫn biết rằng trình thuật về Hiện Xuống không chỉ thuật lại thời khởi đầu của Hội Thánh, mà còn kết thúc sách Tin Mừng, trong đó tất cả chân lý về Hội Thánh được bày tỏ. Thế nhưng, cả bốn sách Tin Mừng đều không thuật lại sự kiện này, mà chỉ có sách Công vụ. Tại sao thế ?


Thật ra, không phải là các tác giả sách Tin Mừng không ý thức tầm quan trọng của biến cố này, nhưng các ông thấy không cần phải nhắc lại một sự thật xét như là một thực tại đã được khẳng định trong suốt bộ Tin Mừng. Sách Công vụ chỉ là kể lại biến cố quan trọng này theo một hình thức quen thuộc trong truyền thống Do-thái.
Đối với người Do-thái, lễ Hiện Xuống - theo truyền thống là lễ Ngũ Tuần - là kỷ niệm nhắc lại hồng ân họ đã lãnh nhận, tức lề luật. Chính lề luật do Thiên Chúa ban đã biến một đám đông nô lệ thành một dân liên đới với nhau, bởi vì tất cả đều hướng đến một mục đích và quyết định cùng đi với nhau trên một con đường. Từ xa xưa, một số bản văn Do-thái không phải Thánh Kinh đã sử dụng hình ảnh về lửa, gió, tiếng động, để mô tả tính cách đảo lộn của biến cố tại núi Xi-nai. Thánh Lu-ca cũng mượn lại những hình ảnh này để thuật lại sự kiện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ.
Tuy vậy, các tác giả sách Tin Mừng cảm thấy không cần phải sử dụng một hình thức đặc biệt để diễn tả sự đổi mới từ nền tảng mà các ông đã không ngừng thuật lại trong suốt bản Tin Mừng.
Thánh Gio-an tóm tắt điều cốt yếu này trong một vài dòng ngắn ngủi : các Tông Đồ, và sau các ông, các tín hữu, tất cả đều tham dự vào sự sống, vào sự bình an do Đức Giê-su đem lại. Được Thần Khí Thiên Chúa thấm nhập, họ ra đi khắp thế giới, sống và thể hiện ơn tha thứ và tình thương xót của Thiên Chúa. Sứ mệnh của họ được thu tóm trong một mệnh lệnh đơn giản : ra đi loan báo Tin Mừng hoà giải và ơn tha thứ. Nhờ vậy, nhân loại được tái lập và tái sinh.
Đó chính là lễ Hiện Xuống - từ nay trở đi được bày tỏ cho toàn thế giới. Ngọn lửa và ngọn gió thần linh có mặt ở đó, với những ai biết nhìn và biết nghe.
Lời thì thầm của Thiên Chúa

Con cá có ý thức được nó đang sống trong nước không nhỉ ? Điều này không rõ ! Nhưng chắc chắn rằng thật là khó để ý thức được mình đang sống mầu nhiệm của lễ Hiện Xuống. Nếu có ai đó đề nghị với bạn : hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ trong hai giây thôi về câu hỏi : "Mầu nhiệm Hiện Xuống là gì ?" Bạn sẽ trả lời như thế nào ? Có thể bạn sẽ nghĩ đến khung cảnh của ngày lễ, như sách Công vụ Tông Đồ thuật lại : vào một ngày cuối tuần, 50 ngày sau lễ Vượt Qua ; những hình lưỡi lửa xuất hiện trên đầu các Tông Đồ; ông Phê-rô đọc một bài diễn văn và mọi người đều hiểu điều ông nói ...


Lễ Hiện Xuống, đó là điều bạn vừa nghĩ. Thế nhưng lễ Hiện Xuống còn có một điều gì đó quan trọng hơn, để trở thành lễ trọng tương tự như lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Đó là hồng ân Thánh Thần.
Không có lễ Hiện Xuống, Phục Sinh sẽ không đạt được ý nghĩa trọn vẹn ; hay nói cách khác, người ta không hiểu được Phục Sinh là gì : các phụ nữ đến ngôi mộ trống và sợ hãi.
Không có lễ Hiện Xuống, các Ki-tô hữu mãi mãi vẫn là những người lý thuyết : họ cố gắng tìm ra một thứ quy luật sống xuyên qua những tài liệu không đầy đủ về Đức Ki-tô.

Không có lễ Hiện Xuống, Ki-tô giáo chỉ là một thứ ý thức hệ mà mỗi người thừa hưởng không thể đồng ý với nhau : mỗi người đều tự nhận mình đang nắm giữ chân lý và chỉ "phần" mình mới đúng.


Như vậy, từ ngữ phục sinh quá ngắn ngủi. Nếu người Ki-tô hữu chỉ tin rằng Đức Kitô Phục Sinh, thì có thể nói, chừng đó chưa đủ để tin Đức Kitô đã Phục Sinh. Và nếu chỉ tin Đức Kitô là Con TC, hay hơn một chút, như kinh Tin Kính : "Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha ...", thì cũng vẫn kể là chưa đủ để gọi là tin vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Do đó, người Ki-tô hữu còn phải tin rằng, Đức Ki-tô Phục Sinh là cho mỗi người. Hôm nay, lúc này, Người vẫn đang sống và yêu thương mỗi người.
Những câu chuyện tình vẫn luôn khó diễn tả. Thánh Lu-ca đã sử dụng thời điểm 50 ngày sau lễ Vượt Qua để trình bày điều này. Còn thánh Gio-an lại muốn diễn tả ngay sau biến cố Phục Sinh. Cũng có thể tác giả Tin Mừng thứ tư đã muốn nói đến điều này khi thuật lại sự kiện Đức Giê-su bị đâm thủng cạnh sườn : máu và nước là bằng chứng cụ thể về mối liên hệ giữa Đức Giê-su và mỗi người.
Tóm lại, lễ Hiện Xuống tựa như một lời thì thầm của Thiên Chúa vào trong cuộc sống của mỗi người, nhất là những người đau khổ, những kẻ bị bỏ rơi. Lễ Hiện Xuống cũng giống như tình yêu, như sự sống, và khó mà diễn tả. Nhờ mầu nhiệm này, mỗi người sống, tựa như con cá sống trong nước ...
Chúng ta có Chúa Thánh Thần

Chúng ta là những người được xức dầu,

được Thiên Chúa đóng ấn,

chúng ta có Chúa Thánh Thần.

Người lấp đầy những vực sâu thăm thẳm

của cuộc đời chúng ta.

Người là sự sống trong chúng ta,

giúp chúng ta vượt qua cái chết.

Người là nguồn hạnh phúc bất tận,

làm ngưng mọi dòng lệ,

cho dù nó vẫn đang tràn ngập cuộc sống chúng ta.

Người là Thiên Chúa sống trong ta,

là sự thánh thiện của tâm hổn,

là niềm vui thầm kín,

là sức mạnh diệu kỳ,

ngay cả khi tâm trí và sức lực của chúng ta đã cạn kiệt.

Người ở trong chúng ta, nâng đỡ lòng tin của chúng ta,

giúp chúng ta hiểu biết về Đức Giê-su.

Người là nguồn hy vọng vực ta chỗi dậy khi ta quỵ ngã,

Người là tình yêu luôn ấp ủ ta và giúp ta biết yêu thương.

Người biến chúng ta thành những người quảng đại và vui vẻ,

mặc dù trái tim chúng ta vẫn khô cứng và muộn phiền.

Người là tuổi trẻ mãi mãi không tàn phai,

cho dù tuổi già vẫn đang đè nặng

trên thời đại và tâm hồn chúng ta.

Người là nụ cười có sức phá vỡ mọi nỗi buồn,

Người là niềm tin tưởng làm cho ta luôn sống động,

là tự do và hạnh phúc

nâng đỡ tâm hồn chúng ta.

Nhờ Thánh Thần,

chúng ta trở thành những con người

hơn là chúng ta tưởng và mong ước.

theo Karl Rahner

Lm. Giuse Nguyễn Cao luật, OP


tải về 496.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương