Chúa nhậT chúa thánh thần hiện xuống ga 20: 19-23 23-05-2010


Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an



tải về 496.54 Kb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích496.54 Kb.
#33082
1   2   3   4   5   6   7   8

3. Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an

Khi Đức Giêsu đi vào cuộc Khổ nạn, các môn đệ buồn sầu lo lắng, tâm trạng hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông được bình an và niềm vui, không còn sợ sệt gì nữa, nhưng lòng rất thanh thản. Đức Giêsu đứng giữa các ông và nói: ”Bình an cho các con”. Còn một niềm vui nữa là đem bình an và tha thứ cho những người khác: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”.


Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi. Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả. Tình trạng này thật là buồn chán. Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết. Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy. Người ấy là ai ? Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất.




Truyện: Nhà biên kịch Henri Ghéon.

Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích Giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau: ”Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác…. Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: ”Hãy về Bình an. Thánh Thần đã ngự trong con” ! Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tôi lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”…



III. CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI


1. Phải hiểu biết về Chúa Thánh Thần

Chúng ta có thể nói khi Đức Giêsu lên trời là chấm dứt thời kỳ của Ngài ở trần gian và nhường chỗ cho thời kỳ của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã thực hiện và hoàn tất chương trình cứu độ nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng ban phát công nghiệp ấy cho chúng ta qua bí tích.


Chúa Thánh Thần vẫn còn tiếp tục những công việc của Đức Giêsu trong Giáo hội, không những Ngài hoạt động một cách chung chung, mà Ngài còn hoạt động trong từng người, soi sáng, thúc đẩy mỗi khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta hành động.


Khi học giáo lý chúng ta học và biết nhiều về Chúa Cha cũng như về Chúa Con. Thế nhưng nếu có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả lời không hơn gì những tín hữu Ephêsô thưở trước. Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ: ”Các ngươi đã nhận Chúa Thánh Thần chưa” ? Và họ đã trả lời: ”Chúng tôi chưa hề hay biết có một Chúa Thánh Thần”. Phải, Thánh Thần là Thiên đã bị quên lãng trong đời sống.


Sách giáo lý đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính, cùng một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy. Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ngôi thứ Ba lại là Chúa Thánh Thần ? Sở dĩ chúng ta biết được là vì Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.


Thực vậy, khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sống Giorđan, thì Tin mừng đã ghi nhận: Bấy giờ trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu mà ngự xuống, rồi từ trời có tiếng phán: ”Này là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng”. Hoặc trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ:”Các con hãy đi giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.


Rất may công đồng Vatican II đã dành cho Chúa Thánh Thần một chỗ quan trọng khiến chúng ta tìm hiểu vai trò quan trọng của Ngài trong đời sống Giáo hội và trong từng người.


Trong mạch sống Giáo hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta. Không những cần cho những thừa tác viên của Giáo hội để chu toàn phận sự mà còn cần cho mọi người để sống đức tin và bác ái. Mọi cố gắng của Giáo hội và của mỗi người đều cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói: ”Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”(Phạm văn Phượng).




2. Những ân ban của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta bằng những ân ban của Ngài mà chúng ta gọi là Bảy ơn cả của Chúa Thánh Thần với mục đích soi sáng, hướng dẫn và giúp ta nên thánh.Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu từng ơn của Ngài.

Ơn Khôn ngoan là ơn giúp chúng ta nâng cao tâm hồn lên trên mọi sự vật mau qua trên mặt đất, để hướng về những sự không mau qua, những sự vĩnh cửu.

Ơn thông hiểu; như một đèn pha thần thánh, chiếu tỏa sáng làn chân lý Chúa tỏ ra cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa các chân lý ấy.


Ơn lo liệu: như một địa bàn ơn thần thánh, trong những khó khăn, bối rối trong đời sống. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phải làm gì để vinh danh Chúa và cứu vớt linh hồn chúng ta cũng như anh em chúng ta.


Ơn sức mạnh: nghĩa là can đảm. Chúa Thánh Thần cho chúng ta sự can đảm thiêng liêng cần thiết để giữ luật Chúa và luật của Giáo hội. Tử đạo là điển hình cao nhất của ơn sức mạnh.


Ơn hiểu biết: là giúp ta phán đoán đúng đắn các tạo vật, giúp biết sử dụng kiến thức đúng đắn. Ơn hiểu biết không phải chỉ để thâu thập các sự kiện về thế gian, nhưng là đặt chúng ta trong liên quan và trật tự.


Ơn đạo đức: là tình yêu và lòng nhiệt thành của con người đối với Cha mình, là ước muốn của người con mong làm đẹp ý Cha mình. Như một ân huệ của Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức giúp ta tôn kính và yêu mến Chúa là Cha chúng ta. Nó giúp ta thi hành những gì đẹp lòng Chúa, yêu giúp đỡ anh em, yêu cầu nguyện và yêu Lời Chúa.


Ơn kính sợ Chúa: là ơn giúp ta sợ làm mất lòng Chúa. Không phải sợ hãi như nô lệ sợ chủ, nhưng sợ làm phiền lòng Đấng yêu thương chúng ta. Đấng chúng ta yêu mến. Như Kinh Thánh nói: ”Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan” (Arthur Tonne).


Đây là mầu nhiệm của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. TĐ Deus caritas est, số 33). Được qui tụ lại với Mẹ Maria lúc Giáo hội mới được khai sinh, giờ đây Giáo hội cầu nguyện như sau: ”Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến ! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa”. Amen.



Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
NGÔN NGỮ CHÚA THÁNH THẦN
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Sách Sáng thế 11,1-9 kể câu chuyện về Tháp Babel. Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: - Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất. Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng đó, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả. Hình ảnh tháp Babel mượn từ các tháp ziggurat miền Lưỡng Hà: tháp vuông, nhiều tầng, càng cao tầng nhỏ lại. Những tháp này xây trong khu vực đền thờ với mục đích tôn giáo là để bắt liên lạc với thần trên cao bằng dâng lễ vật và làm bệ để thần lên xuống với con người. Ngày nay còn có nhiều di tích về các tháp này. Tác giả Thánh kinh mượn hình ảnh các tháp Ziggurat để cắt nghĩa tại sao loài người lại chia rẽ và phân tán, từ đó dạy bài học tôn giáo. Babel bởi động từ balal (làm cho lộn xộn). Tác giả dùng hình ảnh xây tháp Babel để chỉ tội cộng đồng của con người, muốn dựa vào sức lực và tài năng của mình để chống lại Chúa, gạt bỏ Chúa mà tự quyết định cho mình. Trong Cựu ước, Babel là kinh đô của một đế quốc hùng mạnh tượng trưng cho sự kiêu căng.

Một khi con người đã loại bỏ Chúa, tự nhiên chia rẽ và phân tán với đồng loại. Kiêu căng gây chia rẽ. Thiên Chúa là duy nhất và là giềng mối hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể được tái lập bởi và quanh Thiên Chúa. Ngày Hiên Xuống, Thánh Thần sẽ hiệp nhất nhân loại quanh Đức Kitô Phục Sinh (Cv 2,1-11). Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Thánh Thần là nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Giáo Hội trở thành Giáo Hội của mọi dân tộc.


Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh. Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong thời gian lễ Ngũ Tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các Tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhiên, sửng sốt, thán phục và bàn tán cùng nhau: - Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa?


Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo mà mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Có được như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống mãnh liệt. Chúa Thánh Thần là sự trẻ trung của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là năng lực đổi mới thế giới. Ngài như luồng gió cường tráng. Ngài như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.


Qua hình ảnh lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng nơi các Tông đồ, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần dùng đã liên kết và tạo nên sự cảm thông. Đó chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu. Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài là thiếu vắng tình yêu, chúng ta không thể hiểu biết nhau, không thể xích lại gần nhau và không thể cảm thông với nhau. Khi đó hận thù sẽ bùng nổ.


Chương 17, Tin mừng Gioan là lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh thánh mà Phụng vụ Lời Chúa đọc trong tuần lễ này, trong đó Chúa Giêsu với tư cách là Thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên chúa và loàingười đã dâng Chúa Cha lời khấn nguyện. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh Ngài qua cái chết và sự sống lại của Ngài; Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cầu nguyện cho những ai tin vào Ngài được hiệp nhất trong yêu thương. Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người vào nguy cơ ỷ lại chính mình, kiêu căng tự mãn. Chúa Giêsu cũng không cầu xin cho họ có quyền lực vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu tham vọng, tham vọng thống trị, tham vọng giàu sang và nhiều tham vọng khác. Khi cầu nguyện cho Giáo hội, Chúa Giêsu không xin cho Giáo hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật, gìn giữ Giáo hội trong tình thương, hiệp nhất Giáo hội trong Chân Lý và thánh hiến Giáo hội trong Sự Thật.


Vào năm 1887, một người Ba Lan tên là Zamenhof, đã tạo ra và cổ động cho một thứ ngôn ngữ quốc tế. ông ước mong mọi người có thể sử dụng ngôn ngữ ấy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ quốc tế này đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Thế giới vẫn còn tràn ngập những hận thù và chiến tranh. Không đạt kết quả vì người ta không sử dụng thứ ngôn ngữ của tình yêu và không đặt tình yêu làm nền tảng cho mọi mối liên hệ.


Tình yêu chân chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tình yêu là một thứ ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được. Tình yêu không chỉ được nói bằng lời, bằng tiếng. Tình yêu còn được nói bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng việc làm và bằng cả cuộc sống đong đầy tình bác ái huynh đệ. Một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ thân thiện, hay một việc làm giúp đỡ, ngôn ngữ tình yêu dễ hiểu dễ gần nhau. Ngôn ngữ này giúp con người hiểu được nhau và hiểu được chính Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên ai yêu thương thì gặp được Thiên Chúa.


Rất nhiều khi nhờ những hành động bác ái yêu thương mà những kẻ tội lỗi biết đường ăn năn trở về cùng Chúa. Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh hoạt xã hội, đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, hiềm khích. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, nghi kị. Hãy nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Vì ngôn ngữ của tình yêu chính là ngôn ngữ tạo được sự cảm thông và bất cứ ai cũng có thể hiểu được. Máy vi tính là phát minh hiện đại của con người. Máy cũng có một thứ ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của máy vi tính xây dựng trên cơ sở lý luận toán học và sự chính xác. Ngôn ngữ máy vi tính giúp con người rất nhiều trong việc thông tin và trao đổi liên lạc với nhau nhanh chóng. Trong đời sống, con người dùng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ như Anh, Pháp, Việt Nam... cho nhu cầu thông tin liên lạc với nhau. Nhưng có một thứ ngôn ngữ ngay từ thuở sơ sinh ai cũng có, ai cũng biết. Đó là ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ vỗ về âu yếm, ngôn ngữ sưởi ấm tâm hồn. Khi ngôn ngữ này được nói ra bằng âm thanh hay biểu lộ qua nét mặt nụ cười của ông bà cha mẹ, anh chị em, tất cả mọi người đều hiểu được cả. Ngôn ngữ tình yêu phát xuất từ trái tim tâm hồn, nên gọn nhẹ trong sáng và truyền đi tín hiệu nhanh chóng nhạy cảm ngay từ những giây phút đầu tiên của sự sống một con người. Qua ngôn ngữ tình yêu, mối liên lạc tình người được xây dựng từ cha mẹ tới con cái, con người với nhau trong đời sống.


Ngôn ngữ tình yêu không viết bằng mẫu tự A B C hay hình vẽ biểu tượng như chữ Nho, chữ Thái lan, chữ Ả rập... cũng không bằng những dấu hiệu chương trình lý luận toán học như ngôn ngữ của máy vi tính. Ngôn ngữ tình yêu từ bẩm sinh đã nằm ẩn sâu trong trái tim tâm hồn mỗi người. Ai ai cũng có chương trình ngôn ngữ đó và đều có thể sử dụng được chương trình này.


Dù là tiếng mẹ đẻ, ta cũng cần phải học, phải mài giũa, phải sửa đổi mới hoàn chỉnh trong sáng văn phạm cùng câu cú. Dù là ngôn ngữ đã được hệ thống và cài sẵn chương trình chạy trong máy vi tính, người sử dụng máy cũng vẫn phải học cách sử dụng điều khiển sao cho đúng không bị sai lầm.


Những sai lầm trong tiếng mẹ đẻ và trong ngôn ngữ máy vi tính là do con người sử dụng gây ra. Cần phải điều chỉnh lại cách sử dụng sao cho đúng. Trong ngôn ngữ tình yêu cũng thế, khi chương trình ngôn ngữ này sai lỗi là do con người gây ra. Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mỗi người chương trình ngôn ngữ tình yêu. Khi sử dụng hoặc là con người không dùng đúng chương trình hoặc là muốn sử dụng sai của riêng mình. Vì thế sinh ra sai lầm và không còn truyền đi tín hiệu thông tin, không hiểu nhau được nữa.


Những sai lầm đó là do thiếu tình liên đới với nhau, do chỉ chú ý tìm quyền lợi riêng tư cho mình. Ngôn ngữ tình yêu kêu gọi sự hiểu biết thông cảm với nhau, niềm vui, niềm hy vọng, sự tha thứ làm hòa và tình liên đới trong cuộc sống. Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các thánh Tông đồ đã tìm ra được ngôn ngữ chung cho cả nhân loại. Ngôn ngữ tình yêu do Chúa Thánh Thần mang đến và ghi khắc trong tâm hồn con người. Qua ngôn ngữ này ai cũng hiểu được Tin mừng ơn cứu độ của Chúa Giêsu và đến với nhau rồi cùng nhau tìm về với Thiên Chúa. Ngôn ngữ Thánh Thần kiến tạo một gia đình, mọi người là anh em con một Cha trên trời. Chúa Thánh Thần mang từ trời cao đến cho con người ngôn ngữ của Chúa Cha, ngôn ngữ này khác gì là “tiếng mẹ đẻ” của con người: ngôn ngữ tình yêu – ngôn ngữ của toàn cầu.


Kinh Thánh đã được dịch ra hơn hai ngàn ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.


Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu, để chúng con luôn nói với nhau bằng ngôn ngữ của Ngài, ngôn ngữ yêu thương và hiệp nhất. Amen.


Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”. Cái nhìn triết học này chủ yếu căn cứ vào các hiện tượng lặp đi lặp lại, trong tự nhiên lẫn xã hội, để rồi rút ra những quy luật nào đó khả dĩ giúp ta đặt vấn đề, dù rằng có thiên về tính chủ quan nhưng vẫn phản ảnh một điều gì đó rất thật của cuộc sống. Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý. Một hiện tượng khác: Đang là chủng sinh thì sống phải phép, lịch sự đủ đầy, bỗng sau khi được đặt tay ban Thánh Thần qua Nghi thức phong chức linh mục, thì có đôi vị lại hành xử theo cung cách cha chú, ta đây.

Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Ai trao cho chúng ta một tặng phẩm mà chúng ta không nhận hay chưa nhận thì cũng là chưa có, nói đúng hơn, là chưa có hiệu quả. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.


Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.


1.Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21)


2.Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x. Mt 5,44-45).


3.Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x.1Cor 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.


Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây (x.Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, ngưòi kém phận…



Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

HOA TRÁI CHÚA THÁNH THẦN
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Đời người ước mong an bình và vui tươi luôn gặp phải sầu khổ. Hoa trái Chúa Thánh Thần bị tắt ngúm trong lòng người, bởi những ích kỷ, chia rẽ làm nên những cản trở. “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22- 23).

Vượt xa với luật tự nhiên, sơ đẳng dạy con người giữ điều này tránh điều kia hoặc nền luân lý bổn phận như E. Kant đề xuất. Chiều kích Thánh Phaolô muốn trình bày về hoa trái Chúa Thánh Thần:



  • Lý trí: tốt lành, trung tín, tự chủ.

  • Trái tim: yêu thương, hoan lạc và an bình.

  • Hành động: nhẫn nhục, nhân hậu và hiền hoà.


Lý trí:

Một lý trí sáng suốt luôn khởi đầu từ nguồn gốc lương tâm trong sạch. Xáo động của lý trí cũng bắt nguồn từ lương tâm chai lỳ và vẩn đục. Xưa kia để tránh vẩn đục lương tâm, người ta khuyên chuyển ý hướng ngay lành. Sự chuyển hướng này dần dần người ta cũng khám phá ra, mới chỉ là né tránh vấn đề, một cách thụ động để giữ cho lương tâm ngay lành. Dồn nén và tránh né một điều xấu là một nguy cơ bùng nổ sau này. Do đó, người ta khuyên đồi diện với những vấn nạn của nó.


Cách thức đối diện không thể tự nhiên có được, cần có một thực tập, trong đời sống tu đức gọi là luyện tập thiêng liêng. Cái xấu nổi dậy trong con người rất khó biết nó xuất hiện lúc nào và cách nào; do đó, nhiều lần khiến người ta lu mờ lý trí, hả hê cho nóng giận, trút oán; sau đó mới hồi tỉnh ăn năn sám hối, xin Chúa tha thứ và xin người thứ lỗi.


Quan sát con người trước khi nóng giận sục sôi, cho thấy hai điều: Hơi thở dồn dập – xúc cảm cơ thể nóng rần lên. Hai điều cơ bản này xuất phát từ cơ chế tự nhiên của con người thề lý. Bắt đầu tu tập thiêng liêng trong các tôn giáo tự nhiên, người ta dạy, kiểm soát hơi thở và cảm xúc. Rất tự nhiên nhưng lại cũng rất tràn đầy Thánh Thần, con đường tu tập thiêng liêng Kitô giáo, đưa việc kiểm soát hơi thở thể lý sang lãnh vực siêu nhiên để tập thở trong Chúa Thánh Thần. Hít vào như nhịp đón nhận “Thần Khí ban sự sống” (St 1, 7), thở ra như nhịp của “phó nộp cho Thần Khí” (Ga 19, 30). Chúa Thánh Thần đổi mới qua việc thánh hóa con người chúng ta mỗi giây phút hơi thở của cuộc sống.


Hít vào là hơi thở trong sạch lành mạnh đón nhận từ Chúa Thánh Thần. Thở ra là phó dâng cho Chúa Thánh Thần mọi gánh lo âu, phiền muộn, oán ghét, hận thù thuộc về thế gian. Qua hai nhịp thở hít này, Chúa Thánh Thần đổi mới mọi sự trong con người, và cũng qua đó đổi mới khuôn mặt địa cầu.




tải về 496.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương