Chúa nhậT chúa thánh thần hiện xuống ga 20: 19-23 23-05-2010


CHÚA NHẬT CHÚA TT HIỆN XUỐNG



tải về 496.54 Kb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích496.54 Kb.
#33082
1   2   3   4   5   6   7   8

CHÚA NHẬT CHÚA TT HIỆN XUỐNG
Lm. Ignatiô Hồ Thông

Sau triều đại của Chúa Cha trên dân Thiên Chúa mà Mùa Vọng nhắc nhớ, sau việc Chúa Con đến trên trần gian mà chúng ta tưởng niệm từ Mầu Nhiệm Nhập Thể đến lễ Thăng Thiên, Phụng Vụ hôm nay cử hành Chúa Thánh Thần, Đấng tỏ mình ra vào lễ Ngũ Tuần, làm Giáo Hội tăng trưởng và Ơn Cứu Độ được sinh hoa kết trái.

Cv 2: 1-11

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca tường thuật Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, Đức Trinh Nữ, vài người phụ nữ và vài anh em của Đức Giêsu, khi họ cùng nhau tề tựu trong phòng Tiệc Ly. Biến cố này rất gần với biến cố Xi-nai mà lễ Ngũ Tuần Do thái tưởng niệm vào đúng ngày này.

1Cr 12: 3b-7, 12-13

Trong thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng những đặc sủng khác nhau làm chứng tác động của Chúa Thánh Thần. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đón nhận những ân ban Thánh Thần. Vì chỉ có một Thánh Thần để hình thành nên một thân thể.

Ga 20: 19-23

Tin Mừng Gioan tường thuật việc Đức Giê-su trao ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay từ khi Ngài sống lại. Vào buổi chiều Phục Sinh, Đức Giê-su hiện ra ở giữa các môn đệ của Ngài, thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Chắc chắn những ân ban Thánh Thần chỉ bày tỏ sau nầy. Tuy nhiên, thánh Gioan nhấn mạnh rằng biến cố Vượt Qua là biến cố từ đó Giáo Hội khai sinh. Thánh Thần ở với Giáo Hội ngay từ ngày đầu tiên Phục Sinh.


BÀI ĐỌC I Cv 2: 1-11:

Sau khi đã chứng kiến Chúa Giê-su về trời, các Tông Đồ quay trở về Giê-ru-sa-lem tuân theo lời dặn của Đức Giê-su trước khi Ngài chia tay với các ông: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24: 49).


Nơi họ tụ họp là “lầu trên” (Cv 1: 13). Có lẽ là phòng Tiệc Ly, nơi Đức Giê-su đã đồng bàn lần cuối cùng với các ông và Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể: đó cũng là căn phòng cửa đóng then cài mà Đức Giê-su đã hiện ra vào buổi chiều Phục Sinh, đó cũng là căn phòng mà Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các ông.


1. Mọi người đang tề tựu một nơi:

Không nên hiểu “mọi người đang tề tựu” như “buổi họp mặt của một trăm hai mươi người” vài ngày trước đây để chọn ông Mát-thi-a làm Tông Đồ thay thế ông Giu-đa (Cv 1:15). Đúng hơn là một nhóm người hạn định hơn mà thánh Lu-ca mô tả ở 1: 13-14: các Tông Đồ, vài người phụ nữ, Đức Ma-ri-a thân mẫu của Đức Giê-su và anh em của Đức Giê-su.

Họ tề tựu một nơi, trầm tư và cầu nguyện trong khi chờ đợi biến cố mà Đức Giê-su đã hứa: Chúa Thánh Thần ngự xuống. Ấy vậy, một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Để tỏ mình ra, Chúa Thánh Thần chọn ngày Đại Lễ Do thái được gọi là “Lễ Ngũ Tuần”, ngày lễ dân Do thái tưởng niệm Giao Ước được ký kết trên núi Xi-nai giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong tiếng sấm chớp và dưới dấu chỉ của lửa.
Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được bày tỏ kín đáo hơn, nhưng tương tự : “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”.


2. Lễ Ngũ Tuần:

Lễ Ngũ Tuần được xác định vào ngày thứ năm mươi sau bảy tuần lễ Vượt Qua, bởi vì bảy tuần (7 x 7) là dấu chỉ của sự viên mãn. Lễ Ngũ Tuần Do thái tự nguồn gốc đã không tưởng niệm Giao Ước Si-nai, nhưng là lễ Mùa, lễ kết thúc thời kỳ Vượt Qua được khai mạc bởi việc dâng tiến bó lúa đầu tiên (Đnl 16: 9-10). Tuy nhiên, các lễ hội của Ít-ra-en đều đã trải qua một tiến trình tinh thần hóa: từ bình diện tự nhiên đến bình diện Lịch Sử Thánh, bởi vì Lịch Sử đối với dân Chúa chọn cốt thiết là hành động của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua trở thành lễ tưởng niệm cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, lễ Lều (lễ thu hoạch nho) ghi nhớ cuộc hành trình trong hoang địa. Sau cùng, lễ Ngũ Tuần, dù tương đối muộn thời, được nối kết vào những biến cố Xuất Hành. Khi Giao Ước được k‎ý kết  trên núi Xi-nai, năm mươi ngày sau cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, lễ Ngũ Tuần cử hành sinh nhật của cuộc giải thoát nầy. Vào thời kỳ tiếp cận với kỷ nguyên Kitô giáo, lễ Ngũ Tuần còn hơn ngày lễ tưởng niệm, nó là dấu chỉ hằng năm làm mới lại giao ước. Vào ngày lễ này, dân Chúa lập lại lời thề hứa trung thành.




3. Xi-nai và Tiệc Ly:

Trên núi Xi-nai, lời hứa Giao Ước và ân ban Lề Luật đã được cử hành đặc biệt long trọng, mà tác giả Kinh Thánh miêu tả theo bút pháp gần với ngoa dụ. Những biểu tượng được mượn phần lớn trong các tôn giáo như giông tố kèm theo những cuộc thần hiện. Trong Do Thái giáo, có một ghi nhận đặc thù: Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất và siêu việt từ chối tất cả mọi hình ảnh về Ngài, chấp nhận dấu chỉ lửa (hay ánh sáng, đám mây rực sáng) và gió (cuồng phong hay cơn gió thoảng) gần với hơi thở, đồng nghĩa với “thần khí”. Đây là những hình ảnh phi vật chất nhất.


Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được mô tả theo những cuộc thần hiện Cựu Ước. Hơn nữa, những hình ảnh truyền thống nầy trở nên phong phú nhờ những đóng góp của văn chương Khải Huyền. Trận cuồng phong loan báo cuộc tụ họp muôn dân vào ngày Chung Thẩm. Những lưỡi lửa thuộc vào cũng một hình tượng của thời chung cuộc nầy. Thánh Lu-ca nối kết chúng trực tiếp vào ân ban ngôn ngữ mà các Tông Đồ đón nhận. Rõ ràng kỷ nguyên Kitô giáo được loan báo bởi cùng những dấu chỉ với kỷ nguyên cánh chung.
Cuối cùng truyền thống Kinh Sư suy niệm biến cố Sinai đã khai triển những hàm chứa của biến cố nầy. Như là tiếng của ông Mô-sê được phân chia thành bảy mươi ngôn ngữ ngỏ hầu tất cả mọi dân tộc đều có thể nghe hiểu.
Ngoài ra, làm thế nào không gợi ra lời nguyện ước của ông Mô-sê : “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11: 29).
Như vậy, có một sự liên tục từ Cựu Ước đến Tân Ước. Tân Ước đáp trả cho một sự mong chờ của Cựu Ước. Mười hai Tông Đồ có mặt ở phòng Tiệc Ly để tiếp tục sự nghiệp của Đức Kitô. Nhưng những khác biệt thì sâu xa.


4. Phép rửa trong Thánh Thần:

Và ai nấy đều được đầy ơn Thánh Thần”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo trước: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước…Còn Đấng đến sau tôi…Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3: 11). Tất cả các Tông Đồ đã không đón nhận phép rửa bằng nước, nhưng đều lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Giáo Hội khởi đi từ ngày lễ Ngũ Tuần Kitô giáo.


Những biến cố Xi-nai thiết lập triều đại Lề Luật trong khi những biến cố Tiệc Ly khai mạc kỷ nguyên Thánh Thần. Xưa kia một dân duy nhất làm đối tượng của việc Thiên Chúa tuyển chọn. Từ nay, mọi người đều được mời gọi dự phần vào cùng một ơn cứu độ. Vì thế, ân ban Thánh Thần đầu tiên là ân ban ngôn ngữ, ân ban cho phép các Tông Đồ ngỏ lời với đám đông thính giả dù sinh trưởng ở đâu cũng đều nghe các Tông Đồ dùng tiếng nói của họ mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Khi kể ra một danh sách dài về nguồn gốc khác nhau của họ, thánh Lu-ca nhấn mạnh chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng.
Như vậy, lễ Ngũ Tuần đối lập với tình tiết của Tháp Ba-ben (St 11), theo đó việc ngôn ngữ khác nhau và việc muôn dân phân tán xem ra là một án phạt. Bấy giờ Giáo Hội của Đức Kitô dâng hiến cho nhân loại khả năng hiệp nhất.
Một ân ban Thánh Thần khác, có thể hiểu biết ngay tức khắc, đó là ân ban Sức Mạnh. Ngay khi được tràn đầy Thánh Thần, các Tông Đồ mở tung cửa căn phòng trước đây vẫn còn cửa đóng then cài. Họ cất cao giọng trên công trường; và chỉ sau vài tuần biến cố bi thảm của đồi Can-vê, họ dạn dĩ phục quyền Đấng chịu đóng đinh và làm chứng về sự Phục Sinh của Ngài.


5. Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a:

Như chúng ta đã ghi nhận trước đây, cách nói “mọi người đang tề tựu một nơi” bao gồm Đức Ma-ri-a và vài phụ nữ. Đức Ma-ri-a phải có mặt vào ngày Giáo Hội được khai sinh trong Thánh Thần: thân mẫu của Đức Giê-su đã được nối kết với Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ trong căn phòng Na-da-rét thầm lặng kín đáo. Thiên Chúa lặng lẽ đến ở giữa nhân loại. Bây giờ là tình mẫu tử khác, tình mẫu tử của thân thể mầu nhiệm của Con Mẹ mà Đức Ma-ri-a từ nay đảm nhận.


Vài phụ nữ khác, chắc hẳn có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, cũng đón nhận Thánh Thần. Những người phụ nữ nầy sẽ không phải dãi dầu sương gió rong ruổi dặm trường để làm chứng cho Đức Giê-su Phục Sinh. Họ sẽ không chịu cảnh bắt bớ tù đày như các Tông Đồ, nhưng họ làm chứng theo cách khác. Họ hoạt động nhiều đến nổi truyền thống sẽ gọi bà Ma-ri-a Mác-đa-la là “Tông Đồ của các Tông Đồ.”


BÀI ĐỌC II 1Cr 12: 3b-7, 12-13

Thánh Phao-lô viết từ Ê-phê-sô, có lẽ vào mùa xuân 55, cho các tín hữu Cô-rin-tô, mà thánh nhân đã thiết lập vài năm trước đây, vào khoảng 50-52.




1. Cộng đoàn Ki-tô hữu Cô-rin-tô:

Đây là một cộng đoàn sống động và năng động nhưng cũng gặp phải nhiều bất đồng nội bộ đã khiến cho thánh nhân bận lòng không ít. Đó là đối tượng của thư thứ nhất nầy, cộng đoàn sống giữa thế giới ngoại giáo và trong một thành phố rộng mở cho những ảnh hưởng ngoại tại, nhất là những thần bí Đông Phương vào lúc đó đang sôi động. Những trào lưu nầy không phải không gây nên vài nguy hiểm đối với cách sống của các Kitô hữu.


Ngoài ra, và đây là nét chung không riêng gì cho cộng đoàn Cô-rin-tô, trong những năm khởi đầu của mình, những cộng đoàn tín hữu thiếu cơ cấu, chưa có cơ chế, khuôn mẫu thì yếu và chưa đủ. Ở Cô-rin-tô, ông A-pô-lô và ông Ti-mô-thê không thường xuyên hiện diện. Các tín hữu ngẫu hứng tùy tiện. Ân ban Thánh Thần được bổ sung vào những thiếu thốn ban đầu. Quả thật, ơn đặc sủng thì nhiều, sau đó càng lúc càng hiếm.
Các tín hữu Cô-rin-tô xem ra đã được ban cho những đặc sủng khác nhau, thường thường gây xôn xao dư luận hay phô trương. Vì thế, thánh nhân đòi hỏi họ trước tiên phải hiểu căn nguyên của những đặc sủng nầy.

2. Căn nguyên duy nhất của các đặc sủng: Thiên Chúa Ba Ngôi.

Phải lưu ‎ý rằng thánh Phao-lô đặt những đặc sủng và hoạt động Kitô hữu dưới dấu chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, khởi đầu là Chúa Thánh Thần:

- Những đặc sủng thì đa dạng, nhưng luôn luôn chỉ có một Thánh Thần.

- Nhiều thừa tác khác nhau trong Giáo Hội, nhưng luôn luôn chỉ có một Đức Chúa (Đức Kitô).

- Nhiều họat động khác nhau, nhưng luôn luôn có một Thiên Chúa (Chúa Cha), Đấng họat động trong mọi người.


3. Mục đích duy nhất của các đặc sủng: vì lợi ích chung.

Thánh nhân đưa ra “luật vàng”: tiêu chuẩn của các đặc sủng phải là vì lợi ích của cộng đoàn. Nghĩa là, nếu không vì ích lợi của cộng đoàn thì những đặc sủng chỉ là giả hiệu. Tiếp theo là sự so sánh nổi tiếng về một thân thể duy nhất với nhiều bộ phận: một Đức Kitô, một Giáo Hội, bất chấp nhiều bộ phận khác nhau.

Nguyên tắc của sự duy nhất chính là Thánh Thần, Đấng duy nhất và từ Ngài mà mọi đặc sủng được ban cho tất cả mọi tín hữu. Sự sống Thánh Thần trào dâng trong chúng ta như nguồn nước hằng sống: “Tất cả chúng ta đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”.


TIN MỪNG Ga 20: 19-23

Chúng ta đã đọc đoạn Tin Mừng nầy vào Chúa Nhật II Phục Sinh, được trích dẫn dài hơn và trong viễn cảnh biến cố Phục Sinh.




1. Lễ Ngũ Tuần của Tin Mừng Gioan:

Hôm nay, Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta bản văn nầy trong viễn cảnh lễ Ngũ Tuần. Quả thật, đoạn văn nầy thường được gọi “lễ Ngũ Tuần theo Tin Mừng Gioan”: “Đức Giê-su thổi hơi trên các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”. Chúng ta sẽ thấy đây không phải là mâu thuẫn với biến cố được tường thuật bởi sách Công Vụ nhưng là bổ túc thần học: “Giáo Hội được khai sinh kể từ biến cố Phục Sinh” ngay cả nếu những ân ban Thánh Thần sẽ được bày tỏ sau nầy.


Vài nét đặc trưng của đoạn Tin Mừng hôm nay đáng được nhấn mạnh hay nhắc nhớ.




2. Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi:

Vào ngày này, cộng đoàn nhỏ bé nầy hình thành Giáo Hội của Đức Giê-su. Ngài ủy thác cho họ sứ mạng là tiếp tục sự nghiệp của Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, và Ngài thổi hơi trên các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Giáo Hội được khai sinh dưới dấu hiệu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong những lời dạy cốt yếu của bản văn nầy.




3. Cuộc sáng tạo mới:

Đức Giê-su thổi hơi trên họ, lập lại cử chỉ của Đấng Sáng Tạo, Đấng làm sinh động con người bằng cách thổi hơi sự sống của chính mình vào con người. Động từ được thánh Gioan sử dụng chúng ta không gặp thấy ở bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước, nhưng đích thật động từ của sách Sáng Thế để chỉ cử chỉ của Đấng Sáng Tạo trong việc tạo dựng con người đầu tiên (St 2: 7).


Đây cũng là động từ mô tả những bộ xương khô được hồi sinh trong một thị kiến nởi tiếng của Ê-dê-ki-en: “Ngươi hãy nói với thần khí: Hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những vong nhân nầy cho chúng được hồi sinh.” (Ed 37: 9). Vì thế, động từ này cốt yếu là đánh dấu “một cuộc sáng tạo mới,” một thế giới mới được khai sinh. Đức Giê-su làm cho các môn đệ của Ngài trở thành nhân tố của nhân loại được tái sinh. Để làm như vậy, Ngài sáng tạo họ lại và tăng cường họ bằng cách thổi Thần Khí của Ngài trên họ, Ngài ban cho họ quyền tha thứ anh em của mình…Ngài đã hứa với họ: máu của Ngài đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.


4. Biến cố Ngũ Tuần và biến cố Phục Sinh:

Thánh Gioan luôn luôn nhắm đến việc tuôn đổ Thánh Thần như được nối kết với biến cố Phục Sinh. Ông đã diễn tả tư tưởng nầy ở nơi lời công bố của Đức Giê-su khi nói về chính mình “dòng nước hằng sống” vào lễ Lều: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” (Ga 7: 39).


Lễ Ngũ Tuần kín đáo và thân tình nầy mà Tin Mừng Gioan giữ lại, chỉ là khúc dạo đầu của Lễ Ngũ Tuần ngoạn mục, ở đó tác động Thần Khí sẽ biến đổi ngay tức khắc các môn đệ. Tuy nhiên, khi đặt biến cố Vượt Qua và biến cố Ngũ Tuần một cách nào đó bên cạnh nhau, thánh Gioan nhấn mạnh sự duy nhất sâu xa của hai biến cố nầy. Hai ngày đại lễ được nối kết rồi trong Do thái giáo. Đến phiên mình, thánh Gioan khẳng định sự bền vững của chúng trong viễn cảnh mới.

Lm. Ignatiô Hồ Thông


MẠCH NƯỚC TUÔN TRÀO SỰ SỐNG
Lm. Ignatiô Trần Ngà
Nước là yếu tố thiết yếu cho sự sống.

Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Ở đâu không có nước, sự sống không thể tồn tại.


Trong cơ thể con người, nước chiếm đến ba phần tư. Con người có thể nhịn ăn cả tháng không chết nhưng không thể nhịn khát quá năm ngày.


Khi các nhà khoa học phát hiện có nước trên mặt trăng, người ta có quyền hy vọng rằng mai đây con người có thể sống được trên đó.


Sa mạc Negev cực kỳ khô cằn nóng cháy không một loài cây cỏ nào mọc được, nhưng từ khi người Do-thái đưa nước ngọt từ biển hồ Ga-li-lê về tới đây thì sa mạc nóng cháy nầy trở thành những trang trại trù phú và những vườn cam danh tiếng, cung cấp vô vàn quả cam ngon ngọt cho thị trường khắp nơi.


Chúa Thánh Thần là mạch nước hằng sống xuất phát từ Chúa Giê-su.


Hôm ấy, vào dịp lễ Lều của người Do-thái, sau khi vị tư tế cùng dân chúng kiệu một bình bằng vàng đựng đầy nước lấy từ hồ Si-lô-ác về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nhằm tôn vinh sự kiện xưa kia Thiên Chúa đã cho nước từ tảng đá chảy ra cho dân Ít-ra-en trong hoang địa khỏi chết khát; và đang khi dân chúng tưng bừng phất cao các cành lá, đồng thanh cất cao những khúc ca cảm tạ Thiên Chúa đã ban nguồn nước nuôi sống cha ông họ, thì “bấy giờ Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống." (Ấy là) Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” (Ga 7, 38-39)


Và khi nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su cũng tỏ cho bà biết rằng ai uống các nguồn nước tự nhiên sẽ còn khát mãi, còn: “ai uống nước tôi (Chúa Giê-su) cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi (Chúa Giê-su) cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Gioan 4, 14)


Nguồn nước thiêng liêng mà Chúa Giê-su hứa ban cho người Do-thái trong ngày lễ Lều hay cho người phụ nữ Sa-ma-ri chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.


Qua Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 4, Công Đồng Vatican II đã xác nhận điều nầy:

“Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.(trích dẫn Gioan 4,14 và 7,38.)”



Nước thấm nhập vào các loài hoa giúp chúng trổ sinh những bông hoa muôn màu muôn sắc rất tuyệt vời, nước thấm nhập vào các loài cây ăn trái giúp chúng cung ứng cho đời muôn vạn thứ trái trăng ngon ngọt với những hương vị khác nhau, nước thấm nhập vào đất đai khiến đất cằn khô trở nên vườn cây tươi tốt… thì Chúa Thánh Thần thấm nhập đến đâu cũng làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng cách diệu kỳ đến đó.



Chúng ta hãy lắng nghe thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, nhận định về những “hoa trái” do ơn Thánh Thần mang lại:

“Như cây khô đâm chồi nẩy lộc sau khi hút nước, thì linh hồn tội lỗi biết sám hối và đáng được ơn Thánh Thần cũng sinh hoa kết trái công chính như vậy. Dù chỉ có một cách hiện hữu duy nhất, nhưng do ý Thiên Chúa và nhân danh Đức Ki-tô, Thánh Thần vẫn tạo ra nhiều năng lực khác nhau.


Thật vậy, Thánh Thần dùng miệng người nầy để giảng sự khôn ngoan, lấy lời ngôn sứ mà soi trí người kia, ban cho kẻ nầy quyền xua trừ ma quỷ, cho kẻ kia ơn giải thích Thánh Kinh, thêm sức cho kẻ nầy sống tiết độ, dạy cho người kia biết thương người, cho người nầy biết ăn chay và sống đời khổ hạnh, cho người kia biết khinh chê những thú vui thể xác, cho kẻ khác nữa ơn chuẩn bị tử đạo.” (Trích: giáo huấn của thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, trong giờ kinh sách ngày thứ hai tuần 7 phục sinh)


Hiệu quả Chúa Thánh Thần mang lại cho những ai đón nhận thật phong phú và tốt đẹp biết bao. Vậy chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su để “uống” cho no thỏa Chúa Thánh Thần và nhờ đó, cuộc đời chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.




Lm. Ignatiô Trần Ngà
GIÁO HỘI ĐƯỢC KHAI SINH
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Hội Thánh công giáo. Mùa phục sinh được diễn tả bằng hai biến cố lớn, hai lần Chúa Thánh Thần hiện xuống: Lần thứ nhất vào buổi chiều ngày Chúa sống lại và lần thứ hai vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Để làm chứng cho việc Chúa chết và sống lại, Chúa phục sinh đã đổ tràn Thánh Thần của Ngài trên các tông đồ để các Ngài làm chứng cho Chúa và được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng.

Ngày Lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh Giáo Hội truyền giáo, một Giáo Hội được đầy tràn Chúa Thánh Thần, một Giáo Hội được sai đi để rao giảng Tin Mừng cứu rỗi. Hội Thánh ấy vẫn luôn là Giáo Hội truyền giáo cho đến ngày cánh chung, ngày tận cùng thế giới: ” Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em “ “ Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần “( Ga 20, 21-22 ). Ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã được đổi mới hoàn toàn nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa tuyển chọn và sai đi. Vâng, các môn đệ, các tông đồ trước khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần vẫn luôn ở trong tâm trạng hoang mang, hoài nghi, lo sợ. Các Ngài vẫn nhát đảm, vẫn rụt rè, vẫn ham danh vọng, ham lợi nhuận, có thể nói các Ngài vẫn còn đang hoàn toàn sống như những người thế gian, bình thường. Các Ngài ít học, chậm hiểu. Nay, Chúa Thánh Thần đến, các Ngài đã được hoàn toàn đổi mới. Thánh Phêrô trước kia rất sợ, Ngài sợ trước câu nói của một tên tớ gái, Ngài sợ không dám tới gần Chúa trong cuộc thương khó của Chúa, nhưng khi có Chúa Thánh Thần, Ngài đã rao giảng, một bài duy nhất đã làm cho hơn 3.000 người trở lại với Chúa.Và rồi tất cả các tông đồ đều mạnh mẽ rao giảng Đức Kitô, các Ngài còn dám hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa phục sinh. Thực tế, các Ngài được Chúa Thánh Thần biến đổi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Do đó, các Ngài không phải đang say rượu như nhiều người lầm tưởng mà là tràn đầy Chúa Thánh Thần.


Ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần dưới hình lưỡi lửa đã đi vào nội tâm của các tông đồ. Đây là một cuộc thanh luyện, một cuộc xức dầu. Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động trong tâm hồn của mọi Kitô hữu. Chúa Thánh Thần biến đổi con người chúng ta để chúng ta sống xứng ơn gọi làm con Thiên Chúa. Buổi chiều ngày phục sinh, Chúa sống lại hiện ra với các môn đệ và thổi hơi trên các Ngài, rồi nói: ” Hãy nhận lấy Thánh Thần “. Chúa phục sinh quả thực cũng đang gửi Chúa Thánh Thần cho nhân loại, cho chúng ta. Thánh Thần sẽ làm cho người môn đệ của Chúa và nhân loại những hành động và suy nghĩ rập theo những tâm tình của Chúa Giêsu.


Thánh Thần là sự sống của Giáo Hội. Thánh Thần là Đấng tốt lành phát sinh những hoa trái tươi tốt. Những hoa trái ấy là sự bình an, vui mừng và yêu mến. Vui mừng, yêu mến và bình an là món quà tặng quí giá nhất Chúa trao cho nhân loại, cho con người.


Giáo Hội do Chúa phục sinh thiết lập luôn tôn tại nhờ sự hiện diện của Ngài và nhờ ơn huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần tuôn trào.




Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần của Chúa đến để đổi mới mặt địa cầu và đổi mới tâm hồn con người.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

THÁNH THẦN HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG
Lm. Bùi Quang Tuấn, CSsR
Đúng năm mươi ngày sau Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, Giáo hội long trọng mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đấng đã đến để đốt lên lửa mến yêu và truyền ban lòng can đảm loan báo Tin Mừng cho các môn đệ.

Không hiểu sao tuy đã được chứng kiến tận mắt Chúa Phục Sinh, được đàm đạo và ăn uống với Ngài, được nghe tận tai lời sai bảo làm nhân chứng cho Nước trời, ấy thế mà các người theo Chúa vẫn lo sợ. Chỉ biết cửa đóng then cài. Mãi cho đến một hôm, đang lúc họ hội nhau đông đủ trên phòng kín, thì bỗng từ trời có cơn gió mạnh. Tiếng rào rào như thể cuồng phong. Và lập tức, một quang cảnh kỳ lạ diễn ra: những lưỡi lửa xuất hiện, đậu trên từng người. Kết quả là ai nấy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần.


Hiện tượng gió thổi trong ngày lễ Hiện xuống nhắc lại sự việc "khí thần bay là trên mặt nước" trong sách Sáng Thế Ký; bên cạnh đó, hình ảnh các tông đồ đầy tràn thần khí cũng gợi lên hình ảnh con người đầu tiên được thổi vào mình đầy hơi sự sống. Như thế, biến cố Hiện xuống đã trở nên một cuộc tạo thành mới, với Thánh Thần Thiên Chúa được thổi vào thế giới để khai sinh một nhiệm thể sống động là Giáo hội của Đức Kitô.


Bằng việc loan báo Tin Mừng, khởi đi từ các thánh tông đồ, một thời đại mới đã khởi đầu. Đó là thời đại mà Giáo hội được hướng dẫn và thánh hoá dưới tác động của Ngôi Ba Thiên Chúa.

Đặc sủng loan báo Tin Mừng được Chúa Thánh Thần ban xuống qua hình lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ. Hình lửa này tượng trưng cho sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa, như xưa kia Moisen đã tiếp cận sự hiện diện thần linh qua ngọn lửa cháy nơi bụi gai (Xh 3).

Ngay sau khi tiếp nhận ơn Chúa Thánh Thần, như lời tường thuật của Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ, các môn đệ đã thay đổi thái độ sống. Họ mở tung cánh cửa của rụt rè nhát đảm. Họ mạnh bạo cất tiếng nói. Tiếng nói đã phát ra từ miệng lưỡi của những con người đánh cá quê mùa, thất học. Nhưng tiếng nói ấy đã được dân chúng từ 13 vùng đất--đại diện cho các dân tộc từ bắc chí nam, từ đông sang tây--nghe và hiểu. Tất cả đều là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.


Ngày xưa, khi lòng dạ con người kiêu căng ngạo mạn với trời, đòi xây tháp Baben để lên đương đầu với Thiên Chúa, tiếng nói của họ, tuy là anh em một nhà, đã trở nên bất đồng. Mầm mống rối loạn, mơ hồ, kình địch, và phân ly đã nảy sinh. Người ta không còn hiểu nhau. Kết quả là phân tán. Ngày nay, Thần Khí đã xuống để qui tụ con cái từ muôn nước về cùng một mối, giúp họ hiểu nhau trong cùng một thứ ngôn ngữ là tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa.


Theo niềm tin Kitô giáo, Thánh Thần là sức mạnh của yêu thương mà qua đó Chúa Cha đã trao ban trọn vẹn chính mình cho Chúa Con. Chúa Con đón nhận trọn vẹn sự sống từ nơi Cha, và rồi trong tình yêu của Thánh Thần, Ngài đã dâng lại trọn vẹn cho Cha. Như thế, Chúa Thánh Thần chính là Tình Yêu Hiệp Thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cũng chính là nguồn ơn thông hiệp mọi tâm hồn trong cùng một niềm tin vào Đức Giêsu.

Như lời Thánh Phaolô khẳng định: "Trong Thần Khí độc nhất, hết thảy chúng ta nhờ thanh tẩy mà được nhập vào Thân Mình độc nhất..., và hết thảy đều đã được cùng uống một Thần Khí độc nhất" (1 Cor 12:13). Như thế, những hành vi, thái độ hay lời nói gây nên phân rẽ, rối loạn trong lòng Giáo hội đều tương phản với đường lối của Thánh Thần.

Thần Khí độc nhất liên kết mọi thành phần Kitô hữu chính là Thần khí thương yêu. Vì chỉ có yêu thương mới có nên một. Có yêu thương mới có the đạt đến việc cùng nhau thông hiệp trọn vẹn trong Thiên Chúa. Thánh Gioan đã nhấn mạnh: "Nếu ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa mới lưu lại trong ta. Nơi điều này mà ta biết là mình lưu lại trong Người và Người ở trong ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho ta" (1 Ga 4:13-14).


Thánh Phaolô cũng cùng một niềm xác tín: "Lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta" (Rm 5:5).


Như thế, nhờ Thánh Thần mà ta có thể cất bước trên lối đường thương yêu, đi vào sự nên một với tha nhân trong Đức Kitô. Lắm khi người ta hay than trách: "không thể nào yêu nổi con người ấy." Có phải vì họ đã tận tâm tận lực nhưng không thành, hay vì chưa có Thần Khí Yêu Thương tác động và đỡ nâng?


Chỉ cần một luồng gió của ngày lễ Ngũ Tuần thổi qua, con người sẽ có dư can đảm mở tung cánh cửa tâm hồn để đến với anh chị em. Chỉ cần một đốm lửa của ơn Thánh Thần, bạn và tôi sẽ có đủ sức mạnh để công bố Tin Mừng Yêu Thương cho mọi người chung quanh.

Nhưng vấn đề là người ta có biết cùng nhau tề tựu để cầu nguyện như các tông đồ ngày xưa hay không. Thế nên để kiến tạo hiệp nhất và xây đắp tình yêu, con người cần phải cùng nhau ngồi xuống cầu nguyện.
Lm. Bùi Quang Tuấn, CSsR



tải về 496.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương