Chúa nhậT chúa thánh thần hiện xuống ga 20: 19-23 23-05-2010


ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN



tải về 496.54 Kb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích496.54 Kb.
#33082
1   2   3   4   5   6   7   8

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Chính trong ngày thứ năm mươi sau biến cố Phục sinh, Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, đánh dấu một trang sử mới trong công trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Giáo hội được khai sinh. Kể từ đây, hành trình của Giáo hội tiến về nhà Cha được tràn đầy ơn thánh Chúa và rộng mở dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn cảm hứng, sự bình an, lòng hân hoan và sự mạnh mẽ làm cho các môn đệ cũng như cho Giáo hội thời sơ khai can đảm ra đi loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc.

Sách Công vụ Tông đồ ghi lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống nhằm vào ngày lễ Ngũ tuần của người Dothái. Có thể nói


biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cách nào đó đã làm mờ đi ý nghĩa của ngày lễ ngũ tuần vốn xuất phát từ ngày lễ truyền thống của nhà nông cũng như sau này dùng để kỷ niệm ngày Giavê ban Lề luật và thiết lập Giao ước Xinai với dân. Bởi biến cố hôm nay chính là ngày lễ Ngũ Tuần mới, ngày mà sách Công vụ Tông đồ ghi lại rất nhiều dấu lạ do Chúa Thánh Thần mang đến.


Tiếng gió và hình lưỡi lửa là những hiện tượng khác thường trong ngày lễ Ngũ tuần. Tiếng gió hẳn gợi nhớ đến thời gian lúc khởi đầu công trình tạo dựng vũ trụ, khi mà “Thần Khí Giavê bay lượn trên mặt nước” (St 1,2b) để tác tạo muôn loài. Chúa Thánh Thần chính là làn gió, là hơi thở làm bừng lên sự sống như Ngôn sứ Edêkien xưa đã trông thấy chính Thần Khí đã làm hồi sinh cả một thung lũng xương khô và gầy đét (x. Ed 37, 1-14). Trong ngôn ngữ Hípri, từ ngữ Thần Khí thuộc giống cái, dường như có ngụ ý rằng Thần Khí của Thiên Chúa giống như người mẹ hiền sản sinh những người con trong tình yêu thương từ ái của mình.


Còn hình ảnh Lưỡi Lửa, chúng ta có thể hiểu lưỡi chính là lời nói, là lời ca của con người. Để con người nói lời của Thiên Chúa, truyền thông sứ điệp của Thiên Chúa, lưỡi đó cần phải được thanh luyện, cần thiết phải đi qua ngọn lửa Thánh Thần để có thể đi vào tâm trí người nghe những lời nói chân thật nhằm đốt nóng tâm hồn mọi người lòng yêu mến Thiên Chúa. Các môn đệ nhờ được tôi luyện bởi ngọn lửa tình yêu và lòng nhiệt thành của Chúa Thánh Thần, khiến các ông hăng hái ra đi, rao giảng Tin mừng và làm chứng cho tình yêu Chúa Giêsu.


Đồng thời với những dấu lạ chính là những ơn ích thiêng liêng do Chúa Thánh Thần mang đến. Một trong số đó chính là ơn nói “các thứ tiếng khác nhau”. Các thứ tiếng khác nhau ở đây cần phải hiểu thế nào? Thật thú vị là có nhiều cách giải thích khác nhau xung quanh vấn đề này.


Có người cho rằng các môn đệ biết nói nhiều ngoại ngữ (Công vụ Tông đồ ghi lại 16 thứ tiếng khác nhau)! Có lẽ không đúng. Vì các môn đệ lúc bấy giờ đa số là dân biển, đánh bắt cá làm sao có thể “siêu quần bạt chúng” như vậy được. Ngôn ngữ mẹ đẻ của các ông chính là tiếng Aram, và cùng lắm thì các ông nói được tiếng Hylạp chứ làm gì có chuyện biết nói mười mấy ngoại ngữ trên.


Có người lại cho rằng các ông nói tiếng lạ. Thánh kinh có ghi lại ơn nói tiếng lạ này (x. Cv 2,3-4; 10, 44-46; 1 Cr 12, 10). Ơn nói tiếng lạ tức là một thứ ngôn ngữ chẳng ai có thể hiểu được bởi xuất phát từ nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần và giống như tình trạng xuất thần. Vì là thứ tiếng “chẳng giống ai” nên cần phải có người thông dịch lại. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho người hiểu được loại ngôn ngữ này để truyền đạt cho người nghe. Thế nhưng sách Công vụ Tông đồ không ghi lại có ai đứng ra để giải thích cho đám đông đang nghe các môn đệ nói. Đám đông hiểu trực tiếp tiếng nói của các môn đệ.


Có lẽ cách giải thích sau đây dễ chấp nhận hơn, vì nó liên quan đến câu chuyện về tháp Baben (x. St 11). Thời đó, con người nói cùng một thứ tiếng. Chính vì thế sinh ra lòng kiêu ngạo, phạm thượng đến Giavê Thiên Chúa. Họ muốn làm một ngọn tháp cao chọc trời và bất cần sự có mặt của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa đã khiến cho tiếng nói của con cháu Nôe phải xáo trộn, chẳng còn ai hiểu ai. Nay nhờ biến cố Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hàn gắn sự chia rẽ ngôn ngữ đó của loài người. Các môn đệ tuy nói tiếng mẹ đẻ của mình nhưng nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng khiến cho mọi dân tộc, tuy không cùng một ngôn ngữ, đều có thể hiểu được sứ điệp của Thiên Chúa.


Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các môn đệ hăng hái ra đi, theo chân Thầy Chí Thánh rao giảng Tin mừng. Hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là bình an và sự tha thứ. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ của tình yêu sẽ nối kết tất cả nên một. Từ nay, sứ mạng của Giáo hội chính là đi đến muôn dân để rao giảng về một Đức Kytô chịu đóng đinh, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới với sự trợ giúp cách đặc biệt của Chúa Thánh Thần.


Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến canh tân bộ mặt thế giới, Giáo hội và gia đình nhân loại hầu tất cả cùng chung một tiếng nói của Tình yêu, ơn an bình và sự hiệp nhất.



Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ GIÁO HỘI
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng Giáo Hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Giáo hội của Chúa sẽ tan rã thê lương. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi. Giáo hội vẫn tồn tại. Có những lúc Giáo hội đi vào những khúc quanh đen tối của dòng lịch sử khi mà thế quyền điều khiển Giáo hội, Giáo hội chỉ là con cờ trong tay chính quyền sai khiến, thế nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, bàn tay Thiên Chúa vẫn dẫn dắt Giáo hội đi theo thánh ý Chúa. Có những lúc Giáo hội tưởng như đã đổ xập xuống khi mà người điều hành Giáo hội lại sống thiếu bổn phận, thiếu trong sạch và đạo đức, nhưng Thiên Chúa vẫn giúp Giáo hội vượt qua những khủng hoảng, những mây mù đen tối để có thể tiếp tục bay cao, bay xa và đi đến tận cùng trái đất.

Giáo hội vẫn trường tồn qua mọi thời đại dầu có phải đương đầu với bao khó khăn, bất trắc và hiểm nguy vì linh hồn của Giáo hội chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa mãi hằng sống. Thiên Chúa vẫn hiện hữu giữa lòng Giáo hội. Chúa Giê-su Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài hứa ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là sức mạnh của Giáo hội đến nỗi cửa hoả ngục cũng không thắng được. Ngài là thành luỹ chở che Giáo hội giữa những phong ba bão tố cuộc đời. Ngài còn ban cho Giáo hội Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của Giáo Hội. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn của những phần tử trong Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ uốn nắn những tư tưởng, những đường lối lệch lạc, sai lầm của con người phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh cho thấy: con người từng toa rập với ma quỷ để phá đổ chương trình của Chúa, nhưng Thiên Chúa đã sửa sai và làm cho tốt hơn. Điển hình là tội của Adam đã phá vỡ những điều tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã biến thành Tội Hồng Phúc để ban Đấng Cứu Thế cho nhân trần. Giuse đã từng bị các anh bán qua Ai Cập, nhưng đó lại là cơ hội để cứu giúp cho cả dòng tộc Giacop.. . Và còn, còn rất nhiều những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để đưa lịch sử trở về với chương trình của Thiên Chúa.

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giáo hội biến chất hay hư hoại. Thế gian luôn thù ghét Giáo hội. Thế gian luôn tìm cách phân chia Giáo hội. Vì Giáo hội thuộc về Thiên Chúa nên thế gian tìm cách loại trừ. Chúa Giê-su Ngài đã biết trước những khó khăn sẽ tới với Giáo hội, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến để gìn giữ, canh tân Giáo hội. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Sự hiên diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội như muốn nói với chúng ta: Giáo hội không tồn tại bởi những con người cụ thể. Giáo hội càng không phát triển dựa vào tài trí một con người nào đó. Giáo hội luôn được lớn mạnh vì có sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội.

Thực vậy, có ai nghĩ rằng chỉ vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém về trình độ học thức, về nghị lực lại có thể mang tin mừng Chúa trải rộng khắp Năm Châu? Có ai nghĩ rằng Phê-rô vụng về năm nào lại có thể mang về cho Nước Chúa biết bao mẻ cá kỳ diệu là các tín hữu ky-tô? Có ai nghĩ rằng Giáo hội phát triển không nhờ tài trí con người, không nhờ những thoả hiệp với thế gian, những bổng lộc của vua quan mà Giáo hội phát triển, vươn lên mạnh mẽ qua những gian truân, những nước mắt và máu đổ, như lời Tertuniano đã từng nói: “Máu các thánh tử đạo sẽ làm trổ sinh các tín hữu”? Ở thế kỷ 20, có ai ngờ rằng biểu tượng sáng giá cho đời sống chứng nhân tin mừng lại nằm trong một con người nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Tê-rê-sa? Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.


Vì thế, là người ky-tô hữu thiết tưởng chúng ta đừng nhìn Giáo hội với con mắt trần thế, chúng ta sẽ không thấy tương lai. Vì Giáo hội vẫn còn bất cập, vẫn còn những lập trường cá nhân hàm hồ, vẫn còn những khiếm khuyết nên có thể chúng ta sẽ thất vọng về những gì đang diễn ra trong Giáo hội. Hãy nhìn Giáo hội với con mắt của đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn trung thành với Giáo hội. Chúa sẽ có cách để gìn giữ Giáo Hội. Chương trình của Chúa chắc chắn sẽ cao hơn những gì chúng ta thấy, chúng ta nghĩ. Tư tưởng của Chúa luôn là sự kinh ngạc đến lạ thường mà con người mãi mãi không thể hiểu được! Hãy tín thác vào Chúa để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đứng về phía Giáo hội để cầu nguyện, để bảo vệ, để giúp Giáo hội vượt qua những khó khăn trước mắt. Đừng ngồi đó để nguyền rửa nhau hay giận dỗi nhau, nhưng hãy cùng nắm tay nhau đi chung một con đường có tên Giê-su. Con đường của Giê-su là con đường âm thầm, mục nát để đem lại sự sống cho đời. Con đường của Giê-su đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa đời làm cho đời tốt hơn chứ không đảo lộn thế gian. Đừng bắt ai theo quan điểm của mình. Đừng lôi kéo ai theo phe nhóm mình. Hãy tìm lối sống hoà hợp giữa thế gian. Không hoà tan nhưng vẫn giữ được giá trị của phúc âm từ chính đời sống hiệp nhất yêu thương trong lòng Giáo hội.



Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức hồng y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

ÔI THẦN LINH CHÚA
Lm. Anphong Trần Đức Phương
Trong Bữa Tiệc Ly, trước khi ra đi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã hứa với các Tông đồ: “Thày sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho chúng con Đấng Phù Trợ để ở với chúng con luôn mãi…” (Gioan 14: 16). Trước khi về Trời, Chúa Giêsu cũng nói với các Tông đồ: “Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên chúng con. Bấy giờ, chúng con sẽ là chứng nhân của Thày tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1: 8).
Vào đúng  ngày Lễ Ngũ Tuần (Pentecost) của người Do Thái (50 ngày sau Lễ Phục Sinh và 10 ngày sau Lễ Chúa Giêsu Lên Trời), Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ trong khi các ngài đang đồng tâm nhất trí cầu nguyện trong ngôi nhà các ông cư ngụ, và có mặt Đức Maria và mấy người khác nữa (Cv 1: 14). Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ và các ông được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần (Cv 2: 4). Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa, biến cải các ông từ những con người chỉ mơ ước “một vương quốc trần gian” (Cv 1: 6) được ơn soi sáng nhìn rõ ra thực tại Nước Trời và hiểu rõ đầy đủ hơn về các điều Chúa Giêsu giảng dạy. Hơn nữa, từ những con người nhát đảm, sợ sệt, ở trong nhà “đóng kín cửa” (Gioan 20: 19), các ông trở nên những con người can đảm “mở cửa ra” để hăng hái ra ngoài rao giảng và làm chứng cho Chúa ngay vào ngày Lễ Ngũ Tuần; lúc đó đang có nhiều người từ các nơi tụ họp về Giêrusalem để mừng Lễ. Đặc biệt hơn nữa, cũng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mà những người nghe các ông giảng dạy, dù họ nói các tiếng khác nhau, nhưng đều hiểu hết các điều các Tông đồ nói (Cv 2: 5-11).
Lễ Chúa Thánh  Thần Hiện Xuống được mừng vào Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh.
Thánh Lễ Vọng (Chiều Thứ Bảy): Bài Đọc I : có thể chọn Sách Khởi Nguyên 11: 1-9; Xuất Hành 19: 3-8, 16-20; Êgiêkiêl 37: 1-14; hoặc Gioen: 3:1-5. Bài Đọc II: Thư Rôma 8: 22-27. Bài Phúc Âm: Gioan: 7: 37-39. Các Bài Đọc Sách Thánh chiều nay đều hướng tâm trí chúng ta về hoạt động của Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, hiện hữu từ thuở đời đời, là Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng ban ơn thánh hóa.
Lễ Chính Ngày: Bài Đọc I (Cv 2: 1-11) ghi lại việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ, thánh hóa và làm cho các ông trở nên những người thông thái, can đảm rao giảng Phúc Âm Tình Thương của Chúa cho mọi người lúc đó đang tụ tập mừng Lễ Năm Mươi tại Giêrusalem. Bài Đọc II (1 Corintô 12: 3-7, 12-13) nói đến việc Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mỗi tâm hồn để thánh hóa và liên kết nên một thân thể mầu nhiệm trong Hội Thánh Chúa, để mỗi người, tùy theo chức vụ, hoạt động mà đem lại lợi ích chung cho toàn thân thể là Hội Thánh Chúa. Bài Phúc Âm (Gioan 20: 19-23) ghi lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ đang tụ họp cầu nguyện tại Giêrusalem, chúc bình an và ơn Chúa Thánh Thần cho các ông và ban quyền tha tội cho các ông: “Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha…”
Suy gẫm các Bài Đọc trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta thấy: Qua mọi thời gian, Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong Giáo Hội để dẫn dắt Giáo Hội qua mọi thử  thách, mọi sóng gió trần gian, để Giáo Hội luôn giữ vững Đức Tin tinh tuyền, luôn “Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền” như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính. Chúa Thánh Thần cũng luôn hiện diện trong tâm hồn mỗi tín hữu chúng ta sau khi đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, để giúp chúng ta chu toàn nhiệm vụ sống Đức Tin, rao giảng Đức Tin, và “làm chứng cho Chúa” ở mọi nơi và cho mọi người. 
Hơn nữa, từ thời các Thánh Tông đồ cho đến ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn chọn một số người để  đại diện Chúa chăn dắt đoàn chiên Chúa ở  trần gian. Đó là những Chủ Chăn với những nhiệm vụ khác nhau, và đứng đầu là Đức Giáo Hoàng. Dù ở địa vị nào, tất cả đều chỉ là “những con người, những dụng cụ bất toàn,” nhưng Chúa vẫn dùng để làm các công việc của Chúa ở trần gian. Các Thánh Tông đồ (kể cả Phêrô là vị Giáo Hoàng đầu tiên, hay Thánh Phaolô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại) dù là những chủ chăn đầu tiên của Giáo Hội phải đương đầu với bao sóng gió, bão táp thuở ban đầu, nhưng xét theo con mắt trần gian, cũng chỉ là những con người “bình dân, ít học thức, lại hay nhát đảm, sợ sệt!” nhưng Chúa vẫn dùng vì “ơn Chúa đủ cho con” và sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa càng được tỏ rạng nơi “những người yếu đuối.”
Ơn Gọi của Chúa luôn là một mầu nhiệm và những người được Chúa chọn vẫn phải khiêm nhường tự thú nhận “không phải vì con Chúa chọn con nhưng vì bí nhiệm Tình Yêu Chúa!”
“Cây càng cao, gió càng lay!” “Càng ở địa vị cao, càng gặp nhiều bão táp!” Các chủ chăn luôn cần những hy sinh và lời cầu nguyện của chúng ta, nhất là trong Năm Linh Mục này, để được ơn Chúa nâng đỡ mà vượt qua mọi thử thách, và noi gương Chúa Giêsu, chịu đựng mọi khổ nhục để luôn cương quyết hướng dẫn Đoàn Chiên Chúa đi đúng theo đường lối của Chúa và Giáo Hội. “Đường lối Chúa thì nhiệm mầu!” “Thiên Chúa vẽ những đường thẳng bằng những nét cong!” Xin Chúa cho chúng ta luôn khiêm tốn nhận ra ý Chúa và luôn biết tôn kính và thuần phục những Chủ Chăn mà Chúa sai đến giữa chúng ta để phục vụ Chúa và Giáo Hội.


Lm. Anphong Trần Đức Phương


VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Theo Tin mừng của Gioan, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay chiều ngày Phục sinh: ”Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”(Ga 20,22). Tuy nhiên chúng ta nên tránh xa cảm tưởng có sự xẩy ra hai lần việc Thánh Thần được ban cho long trọng lúc ban đầu. Luca và Gioan nói về cùng một việc: Chúa sống lại ban ơn Chúa Thánh Thần và khai mạc sứ mạng của Giáo hội. Sự khác nhau của hai ông về thời điểm là do quan điểm thần học của mỗi ông. Hay nói khác đi, lễ Hiện xuống là ngày Đức Giêsu đặc biệt giới thiệu Giáo hội cho muôn dân muôn nước.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ hãy ở lại trong thành chờ đợi Chúa Thánh Thần. Vâng lệnh Chúa, 120 môn đệ cùng với Đức Maria tụ họp nhau cầu nguyện trong nhà, có lẽ nhà Tiệc ly. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông với tiếng gió thổi ào ào và những hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ông. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông nói được nhiều thứ tiếng lạ, ai cũng có thể hiểu được và sau đó các ông can đảm đi rao giảng Đức Kitô Phục sinh cho mọi người.


Ngày nay, lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo hội vì Ngài là Đấng soi sáng, đổi mới, ban bình an và niềm vui cho mọi người. Ngài là hồn sống của Giáo hội. Nếu không có Ngài thì mọi hoạt động trở nên trống rỗng. Ngài cũng vẫn hoạt động trong mỗi người chúng ta với Bảy ơn cả của Ngài để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh.



I. BỐI CẢNH NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG


1. Ý nghĩa bài Tin mừng hôm nay

Phụng vụ chọn lựa bài Tin mừng này trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho cả ba năm A,B,C là vì trong bài này thánh sử Gioan đã kể lại việc Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các Tông đồ “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.


Việc ban Thánh Thần biểu lộ ý nghĩa: Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của các Tông đồ. Vì thế qua việc mừng lễ này Giáo hội muốn cho chúng ta xác tin hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội và đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta tha thiết hơn trong việc cảm tạ và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày.




2. Tại nhà Tiệc Ly

Ngày lễ Phục sinh Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20,21-23). Nhưng ngày lễ Hiện xuống Chúa Thánh Thần đến một cách long trọng và là ngày khai sinh Giáo hội hay ngày giới thiệu Giáo hội cho muôn dân (Cv 2,1-13). Cũng như qua bí tích Rửa tội, chúng ta nhận Chúa Thánh Thần rồi, nhưng qua bí tích Thêm sức, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách long trọng và dồi dào để trở thành chiến sĩ Chúa Kitô.


Lễ Ngũ Tuần là một trong ba đại lễ của người Do thái. Lễ này được mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua, là để tạ ơn Chúa vì mùa thu hoạch lúa mì vừa kết thúc và cũng là để kỷ niệm Thiên Chúa ban Lề luật trên núi Sinai.


Trước khi về trời Đức Giêsu đã ra lệnh cho môn đệ đi rảo giảng Tin mừng, rồi Ngài thêm: ”Nhưng hãy đợi trong thành cho đến khi các con được mặc lấy quyền năng bởi trời”, và 120 người ấy đã hoàn toàn vâng theo. Dầu phần lớn trong số họ không có nhà cửa gì tại thủ đô, nhưng vẫn trung thành họp nhau cầu nguyện để trông chờ ứng nghiệm điều Đức Giêsu đã hứa.


Trong số 120 người tụ họp tại nhà Tiệc Ly, có Đức Maria, các tông đồ và một số người khác. Theo như thánh Phaolô đã kể lại trong thư thứ nhất Côrintô 15,6 thì 500 người đã cùng được gặp Chúa khi Ngài hiện đến sau Phục sinh, chúng ta không hiểu tại sao họ lại không hiện diện trong dịp họp mặt này. Sách Công vụ Tông đồ cũng ghi đặc điểm của cuộc hội họp này là "Tất cả đều kiên tâm nhất trí cầu nguyện liên tục cùng với Đức Maria”.


Sách Công vụ Tông đồ còn ghi: ”Mọi người đang tề tựu tại một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”(Cv 2, 1-4).


Trong Kinh Thánh lửa cũng được dùng để chỉ về chức vụ của Chúa Thánh Thần. Như gió thổi và làm cho loài người tươi mát thế nào, thì lửa lại tiêu sạch rơm rác hôi thối chung quanh nhà chúng ta khiến xóm giềng dễ chịu. Chúa Thánh Thần sẽ tác động để đời sống tốt lành của chúng ta tỏa hương, gây ảnh hưởng tốt, và Chúa đưa tới vinh quang đời sống tốt đẹp của chúng ta.


Tiếng gió động ào ào tượng trưng sức sống thần khí, khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào thẳng người được dựng nên bằng bùn đất. Hơi thở thần khí đã biến bùn đất thành Adong sống động. Từ đó Adong trở thành người đầy sức sống tốt lành và tràn đầy sinh lực hạnh phúc. Luồng gió mới của thần khí nay cũng thổi vào khắp các cơ thể xác thịt của Tông đồ biến đổi các ông thành chi thể mới của Đức Kitô chứa đầy những đặc sủng để các ông phục vụ nhiều việc khác nhau vì ích chung nhờ Thánh Thần đang hoạt động nơi các ông (Vũ khắc Nghiêm).


Qua càc bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta có thể gọi lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Giáo hội, hay ngày Đức Giêsu giới thiệu Giáo hội cho muôn dân, nhưng đồng thời Chúa cũng cho biết lễ Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động mạnh mẽ bên trong Giáo hội, ví dụ: Công đồng Vatican II là một lễ Hiện xuống mới. Công đồng đã quyết định một cách bất ngờ và đã canh tân Giáo hội cho phù hợp với bước tiến của thế giới ngày nay.




II. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN


1. Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng

Tuy đã ở với Đức Giêsu gần 3 năm trời, các môn đệ cũng chưa hiểu thấu được những lời Ngài dạy, những việc Ngài làm. Chẳng hạn một ngày nọ Đức Giêsu nói với các môn đệ: ”Con người sẹ phải bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Ngài nhưng ba ngày sau khi chết Ngài sẽ sống lại”. Thánh Marcô liền chú thích thêm: ”Nhưng các môn đệ chẳng hiểu điều Ngài muốn nói và họ sợ hãi không dám hỏi Ngài”(Mc 9,31-32).


Tương tự như thế, sau khi mô tả Đức Giêsu cỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem vào Chúa nhật lễ lá, thánh Gioan nói rằng: ”Thoạt tiên các môn đệ Ngài không hiểu được điều này, nhưng sau khi Đức Giêsu được vinh hiển thì họ nhớ lại những điều này đã được viết về Ngài”(Ga 12,16). Hoặc dịp khác, có lần Đức Giêsu bảo các nhà cầm quyền ở Giêrusalem: ”Hãy tiêu hủy đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Đoạn thánh Gioan chú thích thêm: ”Tuy nhiên Đức Giêsu có ý nói về đền thờ thân xác Ngài. Do đó, khi Ngài từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều này, và nhờ đó họ tin vào Kinh Thánh và những lời Đức Giêsu đã nói ra”(Ga 2,20-22).


Điều gì đã xẩy ra cho các môn đệ Đức Giêsu giúp họ thấu hiểu được những điều này ? Đó chính là điều Đức Giêsu đã từng nói: ”Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và sẽ nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói với các con”(Ga 14,26).


Nói cách khác, điều làm cho các Phúc âm có giá trị dường ấy là vì chúng đã được viết dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự đến vào dịp lễ Hiện xuống. Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ Đức Giêsu sự thấu hiểu mới mẻ về các lời dạy của Đức Giêsu. Chính sự thấu hiểu này đã được các Phúc âm ghi lại.




2. Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới

Khi được lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được đổi mới hoàn toàn. Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Đức Giêsu chịu Thương khó và Phục sinh. Có 3000 người xin được rửa tội. Giáo hội được khai sinh từ đó vào ngày lễ Ngũ tuần. Thánh Thần đến, Giáo hội khai sinh.

Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông đồ nhỏ, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin mừng Phục sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Chúa Thánh Thần để bẻ gẫy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.

Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một lòng tin vào Chúa. Các ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp, bách hại, Giáo hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.


Vậy bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại của Giáo hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh, là quyền năng của Chúa Thánh Thần.




Truyện: Các nữ tu tại Vendée.

Các chị dòng tại tu viện Vendée nước Pháp không quên rằng Chúa Thánh Thần là quan trọng. Trong thời kỳ cách mạng Pháp, nhiều linh mục và nữ tu bị giết. Toàn thể các chị ở tu viện Vendée bị kết án lên máy chém. Chị nào cũng hiểu lên máy chém ghê sợ chừng nào, nhưng không một chị nào tỏ ra sợ sệt chút gì hết. Trái lại, đứng sát bên nhau, các chị cất tiếng hát bài thực du dương. Đứng trước cái chết, các chị vẫn ca hát, và bài hát các chị hát là bài thánh ca “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến” (Diamond, Đồng cỏ non, tr 93).





tải về 496.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương