Chúa nhậT chúa thánh thần hiện xuống ga 20: 19-23 23-05-2010



tải về 496.54 Kb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích496.54 Kb.
#33082
1   2   3   4   5   6   7   8

6. Chúa Thánh Thần, Ðấng biến đổi

Bài trích sách Tông đồ Công vụ thuật lại biến cố ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ có nhiều điều rất phi thường: gió thổi ào ào như giông tố, những cục lửa có hình như cái lưỡi đậu trên đầu mỗi vị, sau đó các tông đồ nói tiếng lạ nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà đủ mọi sắc dân khác nhau đều có thể hiểu. Những điều phi thường đó khiến cho đám đông dân chúng bở ngỡ kinh hoàng... Rồi hàng ngàn người đã xin lãnh phép Rửa Tội...


Nhưng điều quan trọng không phải là những biến cố phi thường ngoạn mục đó, mà chính là một cuộc biến đổi bên trong các tông đồ, rất âm thầm nhưng lại rất toàn diện: các ông là những người đã từng sát cánh ngày đêm với Chúa Giêsu , cùng ăn,, cùng đi, cùng làm với Chúa Giêsu suốt 3 năm trời, được Chúa Giêsu dạy dỗ rất nhiều, được chứng kiến biết bao việc làm của Chúa Giêsu ... Nhưng vốn tầm thường các ông cũng vẫn còn là những kẻ tầm thường. Tầm thường đến nỗi Thầy vừa bị bắt là tất cả bỏ chạy tan hoang, trốn chui trốn nhủi trong phòng đóng kín cửa không ai dám ló đầu ra ngoài. Tại sao thế? Vì bấy lâu nay các ông đi theo Chúa với tính toán vụ lợi, các ông hiểu giáo lý của Chúa một cách phàm tục: Ði theo Chúa như đi theo một chính trị gia đang lên hương với hy vọng sau này tới ngày thành công sẽ được chia chác địa vị quyền lợi; Chúa dạy giáo lý về nước Trời mà các ông thỉ chỉ hiểu về một nước thế tục. Cái chết của Chúa Giêsu đã làn tiêu tan mọi tham vọng chính trị, những quyền lợi các ông mong chờ cũng thành mây khói luôn, và cả sự an toàn của bản thân các ông cũng đang bị đe doạ nữa. Vì thế các ông sợ sệt, ẩn trốn.
Khi người ta theo Chúa với đầu óc vụ lợi, thì người ta tầm thường

Chúa Thánh Thần đến làm một cuộc thay đổi toàn diện: thay đổi lối nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán của các ông: Hiểu giáo lý của Chúa cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước nữa; từ đó các ông quyết định vẫn theo Chúa nhưng không phải vì tính toán vụ lợi mà vì tình yêu hy sinh xả thân hoàn toàn. Cuộc thay đổi ấy đã giúp các ông hết tầm thường, biến các ông trở nên những kẻ trung thành, những cột trụ của Giáo Hội, đến nỗi dù đe doạ, dù tù đày, dù tra tấn, dù gươm giáo, các ông cũng vẫn can đảm và hăng say loan truyền niềm tin vào Chúa.


Ngày nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, điều chính yếu chúng ta mong ước cũng không phải là có những hiện tượng lạ gió thổi ào ào, lưỡi lửa trên đầu và nói tiếng lạ.... mà chúng ta mong chờ chính sự biến đổi sâu xa và toàn diện ấy trong tâm hồn chúng ta.

Ðó cũng chính là ý tưởng của ÐGH Phaolô VI trong bài huấn dụ của ngài hôm 29.11.1972. Ngài mô tả trong Giáo Hội có nhiều người theo đạo chỉ vì óc vụ lợi và hiểu giáo lý một cách phàm tục. Chính vì thế mà theo ngài, Giáo hội ngày nay cần có một lễ Hiện Xuống mới, để xin trích dẫn nguyên văn lời ngài "làm cho Giáo Hội được sống động, như có một luồng gió thiêng liêng làm căng buồm con thuyền Giáo Hội, là nguồn suối bên trong ban tràn đầy ánh sáng và sức mạnh cho Giáo Hội..."


Chắc chúng ta cũng ở trong tình trạng của các tông đồ trước ngày được Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúng ta cũng đã từng theo đạo mười mấy, hai ba chục năm trời, đã từng Rửa tội, đã bao nhiêu lần xưng tội rước lễ, đã từng lãnh bí tích thêm sức, đã bao nhiêu lần nghe giảng dạy đủ mọi điều giáo lý, Tin mừng.. nhưng con người của chúng ta vẫn cứ mãi tầm thường. Ðầu óc chúng ta còn đầy tính toán vụ lợi và tinh thần phàm tục: chúng ta theo đạo để xin Chúa ban ơn cho mình, được làm ăn thành công, được khỏi nỗi buồn khổ này, được đạt đến niềm mơ ước kia. Rồi khi nào cầu xin không được hay cứ gặp khốn khó thì ta chán muốn bỏ đạo, khi gặp nguy hiểm thì ta trốn chui trốn nhủi, không dám đến nhà thờ như các tông đồ xưa trốn kín trong phòng không dám ló đầu ra. Chúng ta cũng cắt nghĩa giáo lý theo kiểu cách phàm tục, không muốn tin những điều siêu nhiên, mầu nhiệm về Thiên Chúa, về linh hồn, về thiên đàng hoả ngục, về bí tích; chúng ta đòi hỏi Giáo Hội có những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống và chống đối những chỉ dẫn của Giáo Hội mà ta cho là khắt khe, chẳng hạn về việc vợ chồng ly dị, về các phương pháp ngừa thai v.v....Tóm lại, giữ đạo một cách vụ lợi và phàm tục như thế nên cuộc sống đạo của chúng ta nó thờ ơ, thụ động, dật dờ làm sao ấy. Ta sống đạo nhưng sống như một cái xác không hồn, không hứng khởi.

Muốn cho các xác lờ đờ này thực sự có sức sống sinh động, nghĩa là muốn cho cuộc sống đạo của chúng ta được hăng hái, tích cực, phấn khởi, thì cần phải có Chúa Thánh Thần hiện xuống trên chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta toàn diện như các tông đồ ngày xưa: làm cho chúng ta hiểu giáo lý Chúa một cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước làm cho chúng ta theo Chúa không phải vì vụ lợi muốn được điều này điều nọ mà chi vì chúng ta thực sự tin Chúa, yêu Chúa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin yêu đó.


V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT: Anh chị em thân mến

Thể theo lời Ðức Giêsu cầu xin, Chúa Cha đã ban Thánh Thần để quy tụ chúng ta thành Giáo Hội. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và cầu xin.


1. Lễ Hiện xuống là ngày khai sinh Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin / Chúa Cha ban Thánh Thần để soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các vị mục tử / trong việc điều khiển con thuyền Hội Thánh / vượt qua mọi phong ba bão táp ở trần gian.

2. Nhiều nơi trên thế giới ngày nay vẫn còn đang sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha cử Thánh Thần đến / đem yêu thương vào nơi oán thù / đem niềm vui cho người đau khổ / đem hòa bình cho những vùng còn khói lửa chiến tranh.

3. Ngày hôm nay / bạo lực và hận thù vẫn còn đang làm cho biết bao gia đình phải tan nát / biết bao người phải lâm vào cảnh khốn khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha ban Thánh Thần là nguồn tình yêu / để đổi mới lòng trí con người trên khắp địa cầu.

4. Ðường lối Thiên Chúa thì nhiệm mầu / Lời Người thì cao siêu / nhiều khi chúng ta không thể hiểu tường tận được / Vì thế chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha / ban Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người chỉ bảo và nhắc nhở chúng ta / những điều Chúa Giêsu đã dạy lúc còn ở với các môn đệ.
CT: Lạy Chúa Cha nhân hậu, không bao giờ chúng con có thể khám phá được hết những kỳ diệu của tình yêu Chúa dành cho chúng con trong cuộc sống. Ước gì Thánh Thần Chúa thâm nhập lòng trí chúng con, và biến đổi cuộc đời chúng con nên một lời ca tụng tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ...

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

NGƯỜI TRỒNG CÂY SỒI

Chủ đề: "Lễ Hiện Xuống thách đố chúng ta phải cụ thể hóa bí tích thêm sức thành việc phục vụ của Kitô giáo."

Lm. Mark Link, SJ
Vào năm 1983, trong khi Israel chiếm đóng Lebanon, thì tại Evanston thuộc tiểu bang Illinois, có một cậu bé 13 tuổi làm lễ Bar Mitzvah để được công nhận đã tới tuổi trưởng thành. Sau nghi lễ, cậu bé liền đọc lá thư cậu tính gởi cho Thủ Tướng đương thời của Israel là Menachem Begin. Cậu giới thiệu cho các bạn về lá thư đó như sau:

"Nghi Lễ Bar Mitzvah tôi vừa lãnh nhận đánh dấu thời điểm tôi trở thành một người Do Thái trưởng thành... Tôi có bổn phận nói lên cảm nghĩ của mình... Vì vậy tôi tính viết một lá thư gởi cho Thủ Tướng Begin. Tôi xin đọc cho các bạn nghe:

"Trọng kính Thủ Tướng Begin, nhân dịp cháu nhận lãnh nghi lễ Bar Mitzvah cháu cảm thấy mình có bổn phận nói lên cảm nghĩ về cuộc chiến ở Labanon..."

"Cháu hiểu được lý do khiến ngài đã hành động, tuy nhiên cháu vẫn nghĩ rằng chiến tranh là một phương cách sai trái. Nếu điều này có xảy ra lần nữa, cháu khuyên ngài nên là kẻ dấn thân đầu tiên vào việc tìm kiếm hoà bình... Bằng cách đi đến từng quốc gia Ả Rập giống như ngài Sadat đã đến Israel. Nếu Israel sống hoà bình với người Ả Rập thì PLO (Mặt trận giải phóng Palestine) sẽ không còn căn cứ để gây tổn thương và giết chóc dân Do Thái ở Israel nữa."

Kết thúc lá thư, cậu bé viết: "Thay vì mua những vật trang hoàng bàn ăn, cũng như kẹo và hạt dẻ để ăn tiệc mừng lễ Bar Mitzvah của cháu, cháu đã xin gia đình gởi món tiền ấy cho bệnh viện ở Netanya tại Israel, nơi những người Do Thái bị thương trong chiến tranh hiện đang điều trị. Kính thư. Peter Burgh"
Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, lá thư vào dịp lễ Bar Mitzvah cũng như món tiền Peter gởi đến bệnh viện Do Thái nói lên điều gì với chúng ta đây?

Nghi thức Do Thái Bar Mitzvah uỷ nhiệm cho thanh niên Do Thái một vai trò tích cực hơn trong cộng đồng Do Thái. Nghi thức ấy mời gọi họ vào việc phụng sự và trách nhiệm dành riêng cho người đã trưởng thành. Nghi thức Do Thái Bar Mitzvah khá giống với Bí Tích Thêm Sức Kitô giáo. Bí tích Thêm Sức cũng uỷ nhiệm cho thanh niên Kitô giáo vai trò tích cực hơn trong cộng đồng Kitô Giáo. Mời gọi họ vào việc phụng sự và trách nhiệm dành riêng cho người trưởng thành.

Lá thư và món tiền của Peter Burgh cho thấy nỗ lực thi hành những trách nhiệm mới mẻ dành cho người trưởng thành nơi cậu ta. Chúng trình bày cho thấy nỗ lực dấn thân ngay vào dịp nhận nghi thức Bar Mitzvah của cậu.
Ðây là một trong những mục đích chúng ta mừng lễ Hiện Xuống hàng năm. Lễ Hiện Xuống tác động như một lời mời gọi chúng ta phụng sự. Lễ này nhắc nhở kitô hữu trên toàn thế giới phải dấn thân ngay sau nghi thức Thêm Sức của mình. Phải chuyển nghi thức ấy thành hành động cụ thể.
Ðối với một số kitô hữu, điều này có nghĩa là được mời gọi đảm nhận vai trò phụng sự thuộc cấp cao hơn, tức là làm chứng cho Phúc âm một cách rõ ràng công khai truyền hoặc giảng Phúc Âm và thi hành quyền lãnh đạo công khai trong cộng đồng Kitô giáo. Còn đối với những Kitô hữu khác, việc dấn thân này lại mang ý nghĩa việc phụng sự thuộc tầng cấp thấp hơn, tức là làm chứng cho Phúc âm một cách ít rõ ràng hơn. Chẳng hạn như cầu nguyện và hy sinh cho cộng đồng kitô giáo giống trường hợp Peter Burgh đã làm đối với cộng đồng Do Thái của cậu ta.
Việc phục vụ của người kitô hữu khác biệt nhau bởi vì ân sủng thiêng liêng của người kitô hữu cũng khác nhau. Thánh Phaolô đã nêu ra điểm này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô như sau: "Có nhiều loại ân sủng thiêng liêng khác nhau nhưng cũng đều do một Thần Khí ban cho. Có nhiều phương cách phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Ðức Chúa được phụng sự. Có nhiều khả năng phụng sự khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng phục vụ riêng" (1 cr 12: 4-6).
Lễ Hiện Xuống mời gọi mỗi người chúng ta thực hành các ân sủng thiêng liêng mà chúng ta nhận lãnh vào dịp lễ Thêm Sức của chúng ta. Lễ Hiện Xuống mời gọi chúng ta hành động và bảo chúng ta phải dấn thân ngay sau nghi thức lãnh nhận bí tích Thêm Sức và chuyển biến nó thành hành động.

Tôi xin minh hoạ điều ấy bằng câu chuyện sau:

Vào thập niên 1930, có một du khách trẻ đi thám hiểm, dãy núi Alpes thuộc nước Pháp. Anh ta đi đến một dải đất trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng, vừa cấm lai vãng, lại vừa xấu xí nữa. Ðúng là một nơi mà qúi bạn sẽ vội vã đi ngay.

Ðột nhiên người du khách trẻ dừng sững lại trên lối đi. Ngay giữa vùng đất hoang vu mênh mông là một ông già đang khom lưng mang trên túi hạt sồi, tay cầm một ống sắt dài bốn bộ (cỡ 1m2). Ông ta đang dùng ống sắt ấy đâm xuống làm thành những chiếc lỗ trong đất đoạn bốc ra từ chiếc túi những hạt sồi rồi đặt vào mỗi lỗ một hạt. Ông nói với chàng du khách: "Tôi đã trồng hơn 100 ngàn hạt sồi. Có lẽ chỉ một phần mười số hạt sẽ mọc lên". Vợ con ông đã chết cả rồi, và ông dồn những năm cuối đời để làm việc này. Ông nói: "Tôi muốn làm một điều hữu ích."


Hai mươi năm sau, người du khách về lại miếng đất hoang vu dạo trước. Ðiều trông thấy trước mắt khiến chàng sửng sốt đến nỗi chàng không thể tin vào mắt mình. mảnh đất hiện được phủ rợp bởi một cánh rừng xinh đẹp rộng hai dặm và dài năm dặm. Nơi đây có chim chóc ca hát, các loài thú nô đùa và hoa rừng ngát hương.

Người du khách đứng lặng ở đó vừa nhớ lại mảnh đất hoang vu trước đây bây giờ đã thành mảnh đất xinh đẹp. Tất cả là đều do có người chăm sóc nó.


Lễ Hiện Xuống có một lời mời gọi hành động. Lễ này mời gọi chúng ta góp phần mở rộng Nước Chúa trên traí đất. Quí vị cũng như tôi có thể thay đổi một phần của nó như ông già đã làm.
Chúng ta đã nhận lãnh túi đựng hạt sồi và khúc ống sắt khi chúng ta chịu bí tích Thêm Sức. Bây giờ chúng ta phải làm nên một cái gì với những vật dụng trên. Chỉ cần một ít can đảm -- giống như lòng can đảm của Peter Burgh biểu lộ trong việc viết thư cho Thủ tướng Begin hoặc lòng can đảm của ông già trong việc trồng hạt sồi.
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện.

"Xin hãy đến!



Lạy Chúa Thánh linh, xin Ngài hãy đến!

Xin hãy đến làm ánh sáng hứơng dẫn chúng con.

Xin hãy đến làm sức mạnh nâng đỡ chúng con.

Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh linh.

Xin Ngài hãy đến!

Xin hãy giúp chúng con đổi mới bộ mặt trái đất.".


Lm. Mark Link, SJ

CHÚA NHẬT CHÚA TT HIỆN XUỐNG
Lm. Augustine, SJ
Một thiếu nữ mới từ thành phố Paris của nước Pháp trở về. Cả thân xác và tinh thần của Ma-đa-len đã bị hao mòn tột độ. Cha mẹ cô lấy làm ghê sợ trước những lời nói phạm thượng và thô tục thường xuyên phát ra từ miệng lưỡi của đứa con hư hỏng.

Một người thuộc làng bên cạnh chỉ quen biết với gia đình Ma-đa-len sơ qua mà thôi, đó là chị Mônica. Mônica cảm thấy không thể dửng dưng trước hiện tượng nói trên. Một hôm, Mônica đến gần căn nhà bi thảm ấy, thì nghe thấy Mađalen đang gào théo một bản nhạc thô tục và chán đời với những điệp khúc gợi cảm nhớp nhúa và khiêu khích. Chị Mônica tự nhiên muốn rút lui nhưng bất ngờ nghe thấy chính tiếng của người mẹ của Mađalen gào thét:



  • Mày là đồ gái điếm trơ trẽn

  • Mày là đồ gái điếm trơ trẽn… có im cái mồm mày đi không?

Mađalen càng giận dữ hét lên:

  • Bà đừng la lối làm chi mất công! Tôi sẽ tự tử ngay bây giờ đây. Như thế cho tiện. Chẳng phiền hà gì đến ai, cả bà lẫn tôi.

Chị Mônica đứng sững sờ. Nghe những tiếng la hét loại đó, chị không thể không rợn tóc gáy. Chị cảm thấy có bổn phận phải can thiệp. Trước khi gõ cửa, chị hắng giọng để báo trước. Rồi chị bước qua cánh cửa đã bị mọt ăn một cách thê thảm.

Khi ấy Mađalen đang ngồi gần lò sưởi với vẻ giận dữ ghê gớm. Cô đang lồng lộn sẵn sàng tuôn ra những lời thô tục. Nhưng ánh sáng từ cặp mắt của người mới bước vào bao trùm và ngăn cản Mađalen. Mônica tiến lại bên Mađalen với tất cả sự trìu mến như chưa bao giờ người thiếu nữ này đã nhận được từ nơi gia đình mình. Mônica nhẹ nhàng lên tiếng:



  • Chị đi ngang qua đây… Em có thể cho chị xin một ly nước được không?

Mađalen đứng dậy lấy nước cho khách. Khách lặng lẽ uống thứ nước táo rữa ấy rồi nói:

  • Em vui lòng đan cho chị mấy búp len này. Việc này, bình thường chắc chẳng thích thú gì đối với em. Nhưng chị rất lấy làm quí được có tương quan với em.

Chị Mônica vừa nói vừa tiến lại ngồi trên chiếc ghế thấp bên cạnh Mađalen. Đột nhiên chị ấp ủ đôi bàn tay của Mađalen trong bàn tay của chị và nói:

  • Mađalen ơi, em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn.

Một sức mạnh tinh thần tỏa ra từ Mônica. Mađalen nghiệm thấy sức mạnh đó nên chấp nhận để yên đôi bàn tay đã trở nên ngoan ngoãn của cô trong bàn tay chị Mônica. Mađalen muốn trả lời nhưng cô nghẹn ngào chỉ còn biết khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ nhỏ dài trên đôi má cằn cỗi của cô. Cô bắt đầu thổn thức:

  • Đã ba năm nay, em không thể khóc được!

Đứa con bà giờ đây có thể được cứu

Bà mẹ của Mađalen cũng nức nở. Bà biết rằng đứa con của bà giờ đây có thể được cứu thoát.


Nhân vật Mônica trong câu chuyện nói trên thực tỏ ra là một con người có sức thu hút phi thường. Chỉ xuất hiện trong chốc lát, con người ấy đã hoàn toàn làm chủ được tình hình.


Từ đâu phát sinh ra một ơn biến đổi lạ lùng đến như vậy, cả nơi người con, lẫn người mẹ? Phải chăng đó chính là biến cố của Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vẫn còn nối dài trong lịch sử? Chính lúc tội giết chết là lúc Thiên Chúa biểu dương quyền lực để mang lại sự sống cho kẻ tuyệt vọng.


Họ đau đớn hỏi: Chúng tôi phải làm gì?

Xưa tông đồ Phêrô đã đặt người Do Thái vào đúng bối cảnh của tội ác là họ đã giết chết Đấng Kitô của Thiên Chúa nên họ đã đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô và các tông đồ rằng: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?" Rồi Phêrô đã cho họ biết rằng họ phải sám hối và mỗi người phải chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội. Và hôm đó đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,36-41). Nay trong giây phút cực kỳ giận dữ với người mẹ, Mađalen chỉ còn thấy tự sát là con đường duy nhất ở trước mặt. Đó là lúc chị Mônica cảm thấy có sức mạnh nội tâm đòi chị phải can thiệp để cứu sống một linh hồn. Chị là hiện thân của tình yêu và lòng quí chuộng đối với những giá trị cao quí nhất còn thức tỉnh nơi cõi lòng Mađalen. Cuối cùng Mađalen đã chọn tình yêu và sự sống thay vì chọn hận thù và sự chết. Mađalen đã ngoan ngoãn để bàn tay mình ở yên trong lòng bàn tay chị Mônica. Và Mađalen đã khóc trong khi mẹ cô cũng nức nở với hai hàng lệ sám hối. Quả thật, đúng như lời thánh tông đồ Phaolô nói là: "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rom 5,20). Tất cả biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đều được tóm gọn trong câu nói đó.

Riêng bài Tin Mừng hôm nay về Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ gồm hai phần. Trước hết Đức Giêsu cho các môn đệ thấy tay và cạnh sườn Người để các ông thâm tín rằng đó là chính Thầy các ông: Đấng đã chịu khổ hình thập giá nhưng nay đã sống lại (cc.19-20). Kế đến Đức Giêsu ban cho các ông Thánh Thần và sai các ông đi với sứ mạng tháo gỡ tội khỏi loài người để họ được tự do (cc.21-23).




Đấng Toàn năng và Toàn mến

cc.19-20 cho thấy một Đức Giêsu không những là Đấng toàn năng mà còn là Đấng toàn mến. Hãy đặt mình vào bối cảnh các môn đệ còn trong tình trạng lo âu sợ hãi. Nguồn gốc của lo âu ấy chính là Thầy các ông: Nếu Thầy các ông mà bị người ta đấu tố, bị lên án và bị giết trên khổ hình thập giá, thì số phận riêng của các ông thật là chao đảo. Nhưng toàn bộ nỗi lo âu sợ hãi đó đã được tháo gỡ nơi Đức Giêsu toàn năng, Đấng đã toàn thắng mọi gian nan thử thách và tử thần! Tùy ở mức độ các môn đệ tin vào quyền năng của Thầy các ông mà các ông được tự do và bình an. Nhưng Thầy các ông nay sống lại còn là Đấng toàn mến. Hãy coi các dấu đinh trên tay, nhất là hãy coi cạnh sườn Thầy bị đâm thâu qua: Tất cả đều cho thấy Thầy các ông là Đấng toàn mến. Không có dấu vết nào nơi hiện hữu của Thầy mà lại không phải là để ban tặng cho các môn đệ: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã chịu thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người. Người đã chịu chết thời Phongxiô Philatô…" Đó là lời tuyên tín về Đấng toàn mến như các tông đồ đã để lại.


c. 21 Không chỉ cho các môn đệ thấy Đức Giêsu phục sinh sai phái các ông, mà còn cho thấy việc sai phái đó tiếp nối chính việc Chúa Cha sai phái Chúa Giêsu. Các ông được sai đi để tham dự vào chính công trình cứu nhân độ thế do Chúa phục sinh thực hiện.


Một cuộc tạo dựng mới

c. 22 Chúa Giêsu phục sinh "thổi hơi vào các môn đệ." Ở đây điều được hiểu về một cuộc tạo dựng mới vượt trên cuộc tạo dưng về sự sống tự nhiên (St 2,7; Kn 15,11). Chúa Giêsu ban cho các môn đệ Thánh Thần là nguyên ủy của sự sống mới. Hồng ân Thánh Linh gắn liền với việc các ông được sai phái. Vì lời Đức Giêsu nói là thần khí và là sự sống mới (Ga 3,34; 6,63).


Các môn đệ được sai đi là để rao giảng Lời Đức Giêsu hầu làm cho người nghe trở nên Con Thiên Chúa (x. Ga 13,20).


c. 23 Đức Giêsu đã được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian (Ga 1,29). Các môn đệ của Đức Giêsu sẽ tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu là ban ơn tha tội. Quyền năng được ban cho các ông để tha tội gắn liền với Chúa Thánh Linh là Đấng thanh luyện và ban sự sống cho loài người (Ed 36, 25-27; 37, 3-6).


Như vậy việc cô Mađalen ra mềm lòng đã là một ơn lạ lùng. Nhưng ơn đó cần được tiếp nối bằng quá trình gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng toàn năng và toàn mến. Người mới có những lời mang lại sự sống đời đời (Ga 6,68). Chính do Người mà ơn tha tội được ban ngang qua những thừa tác viên được Người sai phái.




Một số câu hỏi gợi ý

  1. Điều gì nơi cách hành xử của chị Mônica đã khiến cô Mađalen ra mềm lòng: Cái nhìn trìu mến đầu tiên? Một số hành vi nhờ cậy trong tầm tay của Mađalen như xin một ly nước, yêu cầu đan mấy búp len? Lời đề nghị đáp ứng đúng nhu cầu nơi Mađalen là "Em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn" ? Hay bạn nghĩ tới những điều khác?

  2. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay điều gì cần được tiếp nối cuộc biến đổi đầu tiên nơi Mađalen? Gặp gỡ Đức Kitô trong cầu nguyện hàng ngày? Trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu qua việc hấp thụ lời Người giảng dạy? Chịu phép rửa tội? Lãnh nhận bí tích hoà giải? v.v…



Lm. Augustine, SJ


NÓI ĐƯỢC CÁC THỨ TIẾNG .
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

LỜI CHÚA: Cv 2,1-11



1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5 Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Dothái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô, và Axia, 10 có người là dân Phygia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; 11 nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Kêta hay người Arập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!"

 

SUY NIỆM



Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái. Nhiều người Do Thái sùng đạo từ nước ngoài về Giêrusalem dự lễ. Còn Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ, trong đó có Ðức Maria,
thì cầu nguyện tại lầu trên một căn nhà trong thành.

Chính trong bầu khí của một cộng đoàn cầu nguyện mà Thánh Thần, Ðấng Cha hứa ban, đến với họ. Thánh Thần chẳng có một khuôn mặt để ta ngắm nhìn nhưng ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những dấu chỉ khả giác: một tiếng từ trời như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người. Bổng chốc Thánh Thần đầy tràn mọi người hiện diện. Có cái gì đó được mở tung, để tự do bay bổng. Có ngọn gió ùa đầy nhà làm căng buồng phổi. Có ngọn lửa ấm lan tỏa trong trái tim. Có cái gì thôi thúc người ta mở cửa, đi ra và cất tiếng. Phải kêu to cho mọi người, chẳng có gì phải sợ, về những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Thầy Giêsu.


Trước mặt mười hai ông đánh cá quê mùa ít học, người từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Họ là những người Do Thái sinh sống ở nước ngoài, nên họ đã kinh ngạc, sửng sốt, thán phục, khi họ nghe các ông nói được tiếng của vùng đất họ sống. Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Thánh Thần, nhằm giúp cho việc loan báo Tin Mừng nơi mọi dân tộc. Tin Mừng bằng tiếng mẹ đẻ giúp người nghe cảm thấy gần gũi. Rồi Tin Mừng ấy lại trở thành gạch nối liên kết mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, xã hội, văn hoá khác biệt. Như thế Thánh Thần làm con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc. Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Ðã có lúc những người nói cùng một thứ tiếng mà vẫn không hiểu nhau.
Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo. Ðức Giêsu đã chào đời tại Châu Á từ 2,000 năm. Làm sao để người Châu Á hiểu được Tin Mừng: đó là vấn đề mà tất cả chúng ta hết sức quan tâm. Hiểu được là bước đầu để đón nhận và tin theo. "Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa" (c.11).

Làm sao chúng ta sử dụng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Á Châu để trình bày mặc khải của Ðức Giêsu Con Thiên Chúa? Phong tục, văn hoá, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống của họ cũng là những thứ ngôn ngữ mà ta cần trân trọng tìm hiểu. Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt hiểu và hiểu được điều họ nói.


Xin cho Hội Thánh biết khiêm tốn và can đảm học lại ngôn ngữ của những người mà Chúa sai ta đến. Kinh Thánh đã được dịch ra 2,197 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.

 

GỢI Ý CHIA SẺ



  • Nhờ sức mạnh Thánh Thần, những ông đánh cá đã mạnh dạn đứng lên loan báo Tin Mừng. Bạn đã nhận Thánh Thần khi được rửa tội và thêm sức; có khi nào bạn dám can đảm nói lên niềm tin của bạn không?

  • Gia đình, cuộc sống, nghề nghiệp của bạn cũng là những thứ ngôn ngữ. Bạn có thấy mình nói về Chúa qua những ngôn ngữ ấy không?

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu, xin ban cho con
một thời để yêu và một thời để sống; để con sống vì tình yêu Thiên Chúa, để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa. Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu, và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống để mỗi giây phút sống con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.

Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu để từng giây phút yêu, con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.


Cuối cùng, xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một:
để sống là yêu và yêu là sống, vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


tải về 496.54 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương