Chân Ngôn Tông Nhật Bản ht thích Như Điển dịch o0o Nguồn



tải về 2.3 Mb.
trang13/15
Chuyển đổi dữ liệu10.01.2018
Kích2.3 Mb.
#35966
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

XI.Tiểu sử Tác Giả

Satoo Ryoosei (Tả Đằng Lương Thịnh)

Sanh vào năm Taisho (Đại chánh) thứ 2 tại chùa làng thuộc tỉnh Sơn Hình Chiêu Hòa năm thứ 8 (1933) tốt nghiệp Trung Học theo chế độ cũ. Cha là Tăng sĩ mất; nên không tiếp tục học được nữa. Năm sau vào sống tại Trí Sơn chuyên tu học viện với tư cách là một Tăng sinh.

Chiêu Hòa năm thứ 10 (1935) tốt nghiệp học viện, trở lại nhậm chức trụ trì tại chùa quê (Hiện tại thuộc phố Sơn Hình, Tạng Vương, chùa Địa Tạng).

Sau đó vị ân sư thời còn đi học đã thí giới cho tôi (Tam Mật hành sự tác pháp) đã chỉ dạy. Đồng thời Ngài Đằng Tỉnh Long Tâm cũng đã tiếp tục dạy cho tôi học về giáo nghĩa và lý luận

Chiêu Hòa năm thứ 51 (1976) nhân cơ hội xây dựng chánh điện của Trí Tỉnh viện nên đã vào ở tại Bổn Sơn. Từ đó trở đi luôn được tiếp xúc với các vị Hóa chủ, đồng thời đã trải qua làm pháp nghi Khóa Trưởng, Pháp Vụ Bộ Trưởng v.v… Sau đó làm A Xà Lê tại Trí Sơn Giảng Truyền Sở kiêm Giám Học của Trí Sơn chuyên tu học viên.

Sách đã viết: Thập Tam Phật Pháp

Komine Ichiin (Tiểu Phong Nhứt Duẫn)

Sanh vào năm Chiêu Hòa thứ 8 (1933) tại Tokyo

Vào tháng 3 năm Chiêu Hòa thứ 31 (1956) tốt nghiệp cử nhân Giáo Dục tại Đại Học Waseda.

Tháng 3 năm Chiêu Hòa thứ 35 (1960) xong chương trình cao học về nghiên cứu khoa văn học, thuộc phân khoa Phật Giáo tại Đại Chánh Đại Học, Đại Học Viện.

Hiện tại trụ trì chùa Tam Bảo thuộc Chân Ngôn Tông phái Trí Sơn.

Trí Sơn phái Tông vụ xuất Trướng Sở Trưởng, Giáo Học

Bộ Trưởng, Trung tâm Trưởng Trung Tâm Trí Sơn Giáo Hóa v.v…


---o0o---  


XII.Lời cuối sách của Dịch Giả

Đời sống người xưa ít có phương tiện như chúng ta ngày nay; nhưng nhìn lại lịch sử truyền thừa của Phật Giáo hay các dân tộc trên thế giới, thì họ là những người có một ý chí sắt đá và một niềm tin mãnh liệt, một khi họ mong muốn thực hiện một điều gì; nhất là điều ấy làm sáng tỏ cho chân lý.

Ngài Huyền Trang (602-664), đời Đường bên Trung Quốc, đã một thân một mình băng rừng vượt suối với con ngựa trung kiên, đến và đi cũng như ở lại tu học tại Ấn Độ trong 17 năm dài. Sau khi tỏ ngộ được chơn tâm, Ngài trở lại kinh đô Trường An với bao nhiêu hoài bão, và trong những năm còn lại của đời, Ngài đã dịch thuật chứng nghĩa không biết bao nhiêu bản văn được hoàn thành từ Phạn ngữ sang Hán ngữ. Quả thật công đức cao cả này, trong lịch sử truyền thừa Phật Giáo, trước sau chỉ có một mình Ngài.

Ngài Giám Chân Hòa Thượng (687-763) người Trung Quốc, thay vì nhắm thẳng hướng Tây sang Ấn Độ để tìm nguồn mạch Phật pháp như Ngài Huyền Trang, thì Ngài lại nhắm hướng đông là Nhật Bản, để truyền Luật tông cho Phật Giáo tại xứ Phù Tạng. Ngày xưa để đi đến Nhật Bản từ Trung Hoa hay ngược lại, người ta phải dùng thuyền lớn vượt đại dương; họ phải đối đầu với sóng to gió dữ, thiên nhiên nghiệt ngã, hiểm họa đó không sao tránh được, do đó có biết bao sinh mạng phải bị vùi sâu vào lòng biển cả. Thế nhưng cuối cùng Ngài đã đến Nara, mang cả Luật Tông truyền vào Đông Độ Nhật Bản thuở bấy giờ.

Ngài Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải (774-835) người Nhật, sau khi tham dự các kỳ thi Đại Học về Tam Giáo, Ngài nhận thấy rằng: không có triết lý nào hơn đạo Phật; nên Ngài bỏ học, lặn lội vào rừng sâu núi thẳm để chiêm nghiệm tư duy cầu học. Nhưng cuối cùng chẳng gặp được minh sư. Do vậy Ngài quyết tâm theo đuổi chí nguyện của mình, tìm sang Trung Quốc, cái gốc của Phật Giáo Đại Thừa để học hỏi Mật Tông.

Cuối cùng Ngài đã gặp minh sư. Đó là Ngài Huệ Quả Hòa Thượng (746-805) tại chùa Thanh Long. Ngài là Tổ sư thứ bảy của Mật Giáo kể từ Ngài Đại Nhựt Như Lai và Ngài Hoằng Pháp Đại sư đối với Nhật Bản có thể gọi là sơ Tổ của Mật Giáo; nhưng là vị Tổ thứ 8 theo thứ tự: Đệ nhứt Tổ: Đức Đại Nhựt Như Lai, Đệ Nhị Tổ: Ngài Kim Cang Tát Đỏa, Đệ Tam Tổ Ngài Long Mãnh (Thọ) Bồ Tát. Đệ Tứ Tổ Ngài Long Trí Bồ Tát. Đệ Ngũ tổ Ngài Kim Cang Trí Tam Tạng, Đệ Lục Tổ Ngài Bất Không Tam Tạng, Đệ Thất Tổ Ngài Huệ Quả Hòa Thượng, và Ngài Hoằng Pháp Đại Sư đóng một vai trò quan trọng của Mật Giáo gắn liền liền giữa Phật Giáo Trung Hoa và Phật Giáo Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9 lúc bấy giờ.

Phần quan trọng nhất của Mật Giáo là: Tam Mật tương ưng, nghĩa là thân, khẩu và ý nhiếp làm một. Khi tu trì và vào đàn Quán Đảnh hành giả phải miên mật với 3 động tác như: hai tay bắt ấn; miệng đọc Chân Ngôn và tâm trụ vào Tam Ma Địa. Nếu một hoặc hai trong ba nghiệp nầy không thuần thục, không nhuần nhuyễn thì xem như không đạt đến chỗ vô trụ của thân và tâm.

Ngài Hoằng Pháp Đại Sư khi mang Mật Giáo về lại Nhật, hẳn nhiên cũng đã dựa theo những điều căn bản mà Ngài đã đắc pháp với Huệ Quả Hòa Thượng tại Trung Hoa; nhưng ở Nhật sau thời gian phiên dịch những kinh điển quan trọng của Mật Giáo từ chữ Hán sang chữ Nhật, Ngài đã chủ trương tư tưởng: “Tức Thân Thành Phật” điều nầy xem như táo bạo lạ kỳ, mà đương thời có lẽ những tông phái khác tại Nhật chưa thể hiện rõ ràng. Ngài cho rằng theo giáo lý của Mật Giáo con người hay nói đúng hơn là tất cả mọi chúng sanh đã đầy đủ Phật tánh từ lâu, và thân nầy chính là nhân thành Phật; nhưng vì vô minh sanh tử và trần lao phiền não che khuất chơn tâm; nên Phật tánh không hiển lộ. Bây giờ muốn Phật tánh ấy được hiển bày thì phải qua: Tam Mật gia trì và “lý cụ Thành Phật”. Lý cụ thành Phật nghĩa là qua sự gia trì của Đạo Sư, vị Phật trong tâm của chúng sanh sẽ khôi phục rõ dần. Đây cũng còn gọi là gia trì thành Phật. Nhưng đồng thời cũng có nhiều chúng sanh phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong việc thực hành Tam Mật, mới có thể “Hiển Đắc Thành Phật” được.

Như vậy Phật là đích tối thượng của giải thoát sanh tử, mà ai trong chúng ta cũng đang có. Chúng ta chỉ cần làm sao cho vị Phật ấy hiển lộ rõ ràng trong cuộc sống, trong sự sinh hoạt thường nhật là được; như vậy dù ở bất cứ một cõi nào, Đức Phật nơi tâm sẽ thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau để trở thành một pháp thân Phật.

Phật Giáo Nhật Bản tuy không phải là Phật Giáo chơn truyền như Phật Giáo Tích Lan hay Trung Hoa; nhưng vẫn có điểm nổi bật là sự truyền thừa của mỗi tông phái, theo một hệ thống rõ ràng, từ trên xuống dưới từ trước đến sau. Mặc dầu Đạo Phật của Nhật cũng bị ảnh hưởng chiến tranh loạn lạc trong suốt dòng lịch sử truyền thừa; nhưng được may mắn là những sử liệu và những chùa viện hiện còn sót lại gần như đầy đủ. Cho nên chúng ta cũng mừng cho Phật Giáo Nhật Bản, mà rất khiêm nhường khi nhìn về sự truyền thừa của Phật Giáo Việt Nam chúng ta. Riêng Thiền Tông ở Việt Nam tương đối rõ ràng hơn những tông phái khác; tuy nhiên cách lập tông truyền giáo cũng khó có thể sánh với Phật Giáo Nhật Bản được. Ngay cả Tịnh Độ là pháp môn rất được nhiều chư Tăng và Phật Tử Việt Nam hành trì trong thế kỷ thứ 20 và 21 nầy; nhưng chưa có một vị Tổ Sư Tịnh Độ đích thị rõ ràng như Ngài Huệ Viễn của Trung Hoa hay Pháp Nhiên và Thân Loan Thánh Nhơn của Nhật Bản. Ngay cả ngày nay những Đạo

Tràng Niệm Phật hay những chùa viện tu theo pháp môn Tịnh Độ của Việt Nam vẫn phải hướng về 13 vị Tổ Tịnh Độ của Trung Hoa làm căn bản; chứ Việt Nam ta chưa có một vị Tổ Sư nào tiêu biểu về Tịnh Độ Tông cả.

Đi tìm nguồn lịch sử Phật Giáo trong 2000 năm hiện hữu tại Việt Nam, quả là một điều khó khăn vô cùng cho đàn hậu học, khi tự mình muốn rõ biết sự truyền thừa của Tông Môn - hoặc giả muốn chứng minh cho người nước ngoài hiểu được. Do vậy mong rằng những vị đang có khả năng tìm hiểu về lịch sử Phật Giáo Việt Nam, cố gắng làm sao gom góp tài liệu những gì đã bị quên lãng, bỏ sót hoặc bị mất mát, mà kết tập lại thành dòng sử Việt của các Tông phái một cách rõ ràng hơn. Được vậy chắc rằng thế hệ đi sau sẽ đỡ tốn nhiều công sức tìm kiếm những gì, lẽ ra qua hơn 2000 năm lịch sử Phật Giáo Việt, đã từng có mặt trên đất nước mình, mà không cần phải tìm kiếm ở đâu xa xôi nữa.

Gần đây có một số công trình nghiên cứu về các vị danh Tăng Phật Giáo Việt Nam, các sử gia này là những vị Tăng sĩ và Cư sĩ là một đóng góp tích cực cho việc tìm hiểu lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Ngoài ra một số luận văn tốt nghiệp của các Tăng Ni sinh tại các Đại Học Phật Giáo đã đem lại phần nào sự hiểu biết căn bản của người muốn học hỏi, sưu tập. Tuy nhiên ở đây chỉ mới được thấy về thân thế, sự nghiệp của các vị Tổ. Còn những pháp môn tu hành, những hành trạng cống hiến cho đời cho đạo như: dịch thuật, văn hóa, thơ văn… hay sự chứng ngộ giải thoát v.v… vẫn chưa được triển khai đúng mức. Mong rằng trong những năm tháng tới, chúng ta sẽ có nhiều thành quả về những sự đóng góp nầy.

Năm 1971 sau khi xong chương trình đệ nhị cấp tại Việt Nam, tôi có ước nguyện sang Nhật Bản du học. Do vậy đã ghi tên vào trường Nhật Ngữ “Triều Dương” ở quận 10 Chợ lớn; học được 3 tháng thì có giấy phép xuất ngoại và lo làm thủ tục visa đi Nhật. Ngày ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản là đến Nhật để học về văn hóa và Phật Giáo. Vì Phật Giáo ở đó có rất nhiều Đại Học. Tuy rằng nghe được phong phanh đâu đó tại Nhật Bản đang có phong trào “Tân Tăng” tôi không lo, nhưng lại tò mò muốn biết họ sinh sống ra sao. Nên ngày 22 tháng 2 năm 1972 là ngày trọng đại riêng với tôi. Vì nhờ ngày ấy mà tôi đã có được một chân trời mới cho việc tu học và hành đạo của mình suốt gần 40 năm qua tại hải ngoại nầy.

Ở vào cuối thế kỷ 20 của gần 40 năm về trước dĩ nhiên là tôi không phải nhọc công đi bằng tàu thủy hay tàu buồm như những vị Tổ của Trung Hoa và Nhật Bản ở những thế kỷ thứ 7,8,9… mà tôi dùng Air Vietnam để đi từ Sài Gòn đến Hồng Kông và từ Hồng Kông đến Đài Bắc. Sau đó Air Vietnam bay tiếp đến Tokyo. Thuở ấy đường bay dài nhất thời Việt Nam Cộng Hòa của Air Vietnam là vậy. Bào huynh tôi là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thầy tôi là cố Hòa Thượng Thích Long Trí, và Sư Huynh là cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, đã trợ duyên cho tôi không ít trên chuyến hành trình ngàn dặm ấy.

Một thân một mình nơi xứ lạ quê người, tôi chỉ biết cố gắng học tiếng Nhựt tại trường Nhựt ngữ Yottsuya để mong thi đậu vào Đại Học. Thuở ấy khi các sinh viên ngoại quốc đến Nhật, phải học ít nhất là 3 hay 4 khóa mới có thể thi vào Đại Học được. Mỗi khóa học 3 tháng. Tiền học phí không phải là ít so với một tăng sinh như chúng tôi. Do vậy vừa đi học vừa đi làm, và may mắn hơn nhờ sư phụ hỏi vay mượn thêm những người quen biết, để tôi mới đủ thì giờ đi học, chứ không phải tốn nhiều thì gian cho việc đi làm. Tôi lại thuận duyên chỉ học có 3 khóa vừa đủ số tiền, rồi đi thi đến 3, 4 Viện Đại Học và cuối cùng đỗ vào Đại Học Teikyo (Đế Kinh) ở Hachioji Tokyo, thế rồi tôi chọn phân khoa Giáo Dục.

Tuy là học Giáo Dục nhưng nhờ ở chùa Nhật thuộc Nhật Liên Tông tại Hachioji; nên tôi vẫn có cơ hội tụng kinh bằng tiếng Nhật, và tìm hiểu giáo lý của Tông phái nầy. Lúc ở chùa Honryuji tiếng Nhật trao đổi hằng ngày của tôi đã khá rồi; nên cũng đã cùng với các vị Tăng Sĩ người Nhật đến các nhà Phật Tử tụng kinh đưa đám, hay các lễ Higan (Bỉ Ngạn) v.v… cũng từ đó tiếng Nhựt của tôi được tự tin hơn.

Năm 1974 là năm thứ 2 tôi học tại Đại Học Teikyo, cứ đến giờ tiếng Nhựt, Ông Thầy Kamato cứ bắt tôi phải luyện đọc và phân tích phần “Thiên nhơn thinh ngữ”; nói nghĩa đen là “âm thinh của trời và tiếng nói của người” được đăng trên tờ Asahi Shinbum. Không ngờ nhân đây tôi có cơ hội chuyển ngữ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, và từ tiếng Việt sang tiếng Nhật qua những bài viết hay chuyện cổ tích cho ông ta chấm và sữa lỗi dùm. Nhờ đó quyển Chuyện Cổ Việt Nam tập I và tập II tôi dịch của ông Nguyễn Đổng Chi từ tiếng Việt sang tiếng Nhựt đã được xuất bản vào năm 1974. Đây là cái duyên ban đầu để hôm nay ngồi viết những dòng chữ nầy, tôi xin niệm ân tất cả trong đó có Giáo Sư Kamata. Rồi cũng chính từ năm ấy cho đến hôm nay (2009) tôi đã trải dài tấm lòng của mình trên những trang giấy trắng qua 56 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Việt, Anh, Đức, Nhật, Hán và mong dệt thêm một chút tư lương cho những hành giả muốn đi vào cõi vô tung nầy.

Từ năm 1974 đến năm 2009 trong 35 năm ấy, tôi đã hoàn thành 56 tác phẩm, trong đó có 11 tác phẩm dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, và từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Đối với Phật Giáo Nhật Bản có nhiều tông phái khác nhau; nhưng tôi chỉ chọn những tông chính để hoàn thành bản nguyện của mình. Còn những tông khác nếu có nhân duyên, sau nầy hẳn hay. Ai biết được ngày mai, vì chuyện gì cũng có thể xảy ra được cả.

Sở dĩ tôi chọn dịch những tác phẩm thuộc về tông phái của Phật Giáo Nhật Bản, vì lẽ đây là những tài liệu cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu tìm hiểu, nhất là những sinh viên muốn du học Nhật Bản có đầy đủ tư liệu đọc trước khi đến Nhật; điều này vẫn hay hơn so với thời kỳ của chúng tôi cách đây gần 40 năm về trước, du học ở Nhật; nhưng chẳng biết một tí gì về Nhật Bản cả, nhất là những tông phái về Phật Giáo. Ngay cả chữ Tân Tăng nếu đọc bằng tiếng Nhật thì gọi là “Shinsoo”; nhưng hỏi ông Tăng nào cũng lắc đầu. Vì những vị ấy chẳng hiểu về ý nghĩa chữ nầy dùng để ám chỉ cho ai. Vì ở Nhật, kể từ thế kỷ thứ 13 chư Tăng theo Tịnh Độ Chơn Tông đều được quyền lập gia đình, nhất là sau thời kỳ vua Minh Trị Duy Tân năm 1868, nhà vua và triều đình có một sắc luật ban hành, bắt buộc hầu hết chư Tăng phải hoàn tục. Ngay trong hiện tại ở Nhật chỉ còn một đến hai phần trăm chư Tăng là không lập gia đình, còn lại bao nhiêu đã bị thế tục hóa hằng 150 năm nay, hay lâu hơn nữa là 700 năm. Như vậy đâu có gì “mới” để gọi là Tân Tăng, vì tính đến nay những Tăng sĩ như vậy đã ở vào thế hệ cũ rồi.

Ở đây không nên phê phán là việc tốt hay xấu, lành hay dữ. Chỉ có ai ở trong trường hợp nầy thì phải biết rằng: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” thế thôi. Vì các pháp theo trong kinh Đại Bát Niết Bàn đều luôn luôn thay đổi; không đứng yên một chỗ. Ngay như thuyết âm dương và ngũ hành cũng vậy. Thế thường âm thịnh thì dương suy và ngược lại. Khi đỉnh âm phát triển cùng tột thì đến lúc phải suy, và dương bắt đầu khởi sắc trở lại. Kinh dịch cũng như thế. “Cùng tắc biến, biến tắc thông và thông tắc cửu”. Nghĩa là cái gì đến đường cùng sẽ thay đổi, khi thay đổi sẽ thông suốt và khi thông suốt rồi lại trường cửu. Nhưng cái cuối cùng của trường cửu phải quay lại lúc ban đầu. Điều nầy cũng như thuyết: Thành, Trụ, Hoại, Không, mà Đức Phật đã dạy chúng ta cả mấy ngàn năm như vậy, phàm cái gì có sinh thì phải có mất đi; và bắt buộc phải trải qua bốn thời kỳ như thế, dầu nhanh hay chậm, do đó cái gì ở trên đời này cũng không sai luật nhân quả một ly một tí nào.

Tôi viết và dịch những tác phẩm như thế nầy cũng nhằm báo đáp thâm ân Cha Mẹ, Thầy Tổ, huynh đệ, bạn bè, đàn na, tín thí v.v… vì không có họ tôi cũng chỉ là một chiếc lá giữa dòng, không mang lại cho ai một ích lợi nào cả.

Vào ngày 22 tháng 4 năm 1977 tôi sang Đức chỉ để thăm chứ không dự định ở lại luôn đó. Thế mà từ đó đến nay (2009) đã trải qua hơn 32 mùa Xuân Thu tuế nguyệt, tôi đã sinh sống tại một đất nước ở phương Tây như vậy. Văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán … chẳng có gì giống với chúng ta, và chúng ta cũng chẳng có cái gì giống họ. Đúng là Phật đã bổ xứ rồi; nên tôi chấp nhận thuyết duyên sinh ấy.

Đến Đức sau khi quyết định ở lại, tôi liền xin tỵ nạn vì lý do Tôn Giáo. Vì thuở ấy trước năm 1977 hầu như thành phần lãnh đạo của GHPGVNTN đều bị cầm tù hay câu lưu, trong đó có cả Hòa Thượng Thích Huyền Quang, do năm 1971 bấy giờ Ngài trong tư cách là Tổng Thư Ký của Giáo Hội đã cấp giấy giới thiệu cho tôi, đến Bộ Nội Vụ xin xuất ngoại du học Nhật Bản. Chính nhờ giấy giới thiệu nầy, nộp lên chính quyền Đức mà 3 tháng sau đã được tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa cũng đã chứng nhận giấy xuất ngoại du học cho tôi vào năm 1971; nhưng đến năm 1973 thì Ngài viên tịch. Vậy những tác phẩm bằng Nhật Ngữ nầy con xin dâng trọn tâm thành, kính lên những vị ân sư khả kính để cảm tạ ân sâu của quý Ngài, mặc dầu bây giờ chẳng còn trên dương thế nữa.

Tôi xa Nhật từ năm 1977 đến nay (2009) là hơn 32 năm; nhưng khả năng viết, nói, nghe và dịch thuật của tôi hy vọng là không dỡ lắm để dịch sai ý của Tác Giả. Vì lẽ “dịch cũng là phản dịch”, nếu lỡ chuyển tải sai đi ý chính của Tác Giả muốn trình bày.

Sách nầy gồm 270 trang tiếng Nhật, tôi bắt đầu đọc từ ngày 4 tháng 7 năm 2009 và đến ngày 8 tháng 8 năm 2009 thì xong, nhân khóa tu học Phật pháp Âu Châu kỳ thứ 21 tại Calsbourg Bỉ Quốc. Tôi những sợ là Chân Ngôn Tông có rất nhiều thần chú bằng chữ Phạn, mà ngôn ngữ nầy tôi lại chẳng rành; nhưng may mắn chỉ có mấy trang thôi, và Sư Cô Giác Anh đã giúp cho việc này. Còn đa phần những thần chú khác, Quý Thầy Tác Giả đã viết thành âm tiếng Nhựt, lại còn thêm ý nghĩa ở phía dưới của mỗi Thần Chú; nên rất tiện cho người dịch cũng như người đọc tụng, thọ trì và nếu muốn tìm hiểu ý chính của những câu thần chú ấy.

Mấy năm trước khi đi tịnh tu, nhập thất và dịch sách có cả hằng 5, 3 người; hay ít nhất cũng có một Thầy đệ tử đi theo; nhưng năm nay lần thứ 7 đến Úc chỉ có một mình tôi. Sau đó 12 ngày Thầy Hạnh Định mới đến. Hành trình của tôi lần nầy trước khi đến Úc có ghé Chiangmai Thái Lan để thăm Cực Lạc Cảnh Giới Tự nơi Thầy Hạnh Nguyện và sau đó qua Lào để thăm Thầy Hạnh Tấn; chùa Bàng Long nơi Ni sư Đàm Ngọc và Đàm Quy trụ trì; thăm chùa Phật Tích nơi Thầy Minh Quang trụ trì và đặc biệt lần nầy chúng tôi có gặp vua Sãi Lào cũng như vị Trưởng Ban Hoằng Pháp của Phật Giáo tại đây nữa.

Đến Ấn Độ để làm từ thiện, cúng dường trai tăng và gặp gỡ những Tăng Ni sinh Việt Nam đang du học tại đó. Lễ cúng dường Thiên Tăng Hội nhưng vì không đủ Sư Tăng cho nên chỉ có 350 vị tham dự và số tịnh tài còn lại chúng tôi đem làm phước bố thí cho 1000 phần quà sách vở cho các em học sinh Tiểu và Trung Học tại các trường Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo quanh vùng Bồ Đề Đạo Tràng; 1000 phần ăn cho người nghèo cũng như 1000 phần gạo; mỗi phần 5kg cho những người túng thiếu tại chùa Linh Sơn. Đây là hạnh nguyện của tôi cũng như Tăng Ni Phật Tử Việt Nam tại Đức đã góp phần.

Đến Úc kỳ nầy vào ngày 19 tháng 11 năm 2009; nhưng đến ngày 23 tháng 11 tôi và đạo hữu Hồng Hoàng mới lên Thất Đa Bảo. Sau một năm trở lại thấy cảnh vật cũng vẫn như xưa, chỉ thấy được mấy cây tùng xanh thêm chút nữa. Thư phòng, Phật điện v.v… vẫn đứng yên nhìn kẻ hữu tâm đã ra đi và trở lại, với cái nắng chói chang 41 độ của ngày hôm ấy.

Tôi lạy Phật trở lại phòng xưa; nơi đã 6 lần nghỉ ngơi. Không buồn không vui; nhưng có một cái gì đó, lần nầy thiếu vắng hơn những lần trước. Có lẽ là hình bóng của chư Tăng, của các Thầy đệ tử đi cùng chăng? Nhưng rồi cũng được niềm vui, 10 ngày ở đây cùng tôi, Bác Hồng Hoàng kể chuyện rất hay, có những chuyện mà đã hơn 60 tuổi rồi tôi chưa nghe đến. Xin cảm ơn Bác về những câu chuyện thế thái nhân tình nầy.

Tôi bắt đầu dịch tác phẩm nầy từ ngày 24 tháng 11 năm 2009 và đến hôm nay là ngày 24 tháng 12 năm 2009, đúng một tháng trời tôi đã dịch xong, và đây là tác phẩm thứ 56. Cũng có lẽ đây là tác phẩm cuối cùng dịch từ Nhật Ngữ. Vì sang 2010 và 2 năm còn lại của những mùa tịnh tu nhập thấp khác, tôi sẽ chọn vài tác phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Đức để dịch. Như vậy kho tàng pháp bảo lại càng phong phú hơn.

Mỗi sáng chúng tôi thức dậy 5.30; 6.00 giờ ngồi thiền và trì tụng Thần chú Lăng nghiêm; 8.00 giờ điểm tâm và 9.00 đến 10.30 là giờ dịch thuật của tôi; sau đó nghỉ giải lao và 11.00 bắt đầu dịch lại cho đến 12 giờ, để sau đó dùng ngọ trai. Vào lúc 14.30 đến 16.00 và 17.00 đến 18.00 lại là giờ dịch thuật và rồi dùng cơm tối. Tiếp đến tôi tưới cây quanh vườn, trong khi Thầy Hạnh Định lo dọn dẹp sau bữa cơm chiều để vào lúc 20.00 Thầy trò lại đi vào phần hành trì riêng của mình. Phần tôi vẫn hành trì kinh Kim Cang mỗi tối, sau khi niệm 21 biến Đại Bi và 3 tràng hạt niệm Phật.

Tu học Phật, mỗi người đều có nhân duyên với từng loại kinh điển. Cũng với kinh Kim Cang có 4 câu mà tôi đắc ý nhất là:

“Nhứt thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán”

Nghĩa là:

Tất cả các pháp hữu vi Như mộng huyển, như ảo ảnh Như sương mai, như điện chớp Hãy nên quán như vậy”.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy nhiễu nhương và thách đố như thế nầy thì “Kim Cang Bát Nhã” là những chất liệu dưỡng sinh thật tuyệt vời đối với những hành giả đang muốn trụ vào chỗ vô trụ ấy.

Sau đó, 22.00 giờ đêm là giờ đi ngủ. Mỗi ngày trong cả tháng chương trình của tôi đều như vậy; và sau khi dịch xong, phải đọc lại một lần nữa để nhờ Sư Cô Giác Anh và vài anh chị em GĐPT Pháp Bảo đánh máy dùm. Phần vụ này khác hơn mấy năm trước có các Thầy đệ tử đi theo. Sau khi đánh máy sửa lỗi xong, nhờ Thầy Phổ Huân và Sư Cô Giác Anh chỉnh sửa lại ý văn để thành nguyên văn Việt Ngữ, như thế đọc giả mới hiểu được. Ơn ấy xin ghi nhận nơi đây đối với quý vị đã bỏ thời giờ rất nhiều cho những phần nầy.

Phần quan trọng hơn và quan trọng nhất vẫn là phần đọc lại lần cuối cùng trước khi Thầy Hạnh Bổn trình bày thành quyển sách. Nếu không nhờ Hòa Thượng Bảo Lạc, là bào huynh của tôi cũng đã học và tốt nghiệp tại Nhật, có nhân duyên biết nước Nhật và tôn giáo văn hóa tại đây; nên Hòa Thượng sẽ giảo chỉnh lại cho những chỗ không sát nghĩa lắm.

Xin tạ ơn Hòa Thượng.

Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và cô Quảng Tuệ Duyên là những người đã trang trí bìa sách cho những lần trước và lần nầy, khiến cho ai đó khi cầm đến sách cũng vui mừng muốn đọc, dầu chưa biết nội dung trong đó chứa đựng những gì. Xin thâm tạ những tấm chân tình đã mang đến sự tin yêu và lợi tha cho người khác.

Phần cuối cùng phải nói là quan trọng đó là việc ấn tống để in ấn. Nếu không có sự hùn phước của quý Đạo Hữu, Phật Tử xa gần tại Đức nói riêng Âu Châu nói chung; hay những nơi xa xôi hơn nữa như Úc Châu, những Phật Tử thuộc chùa Pháp Bảo và những chùa, những Phật Tử tại Hoa Kỳ đã đóng góp kẻ ít người nhiều, nhân những chuyến hoằng pháp của tôi như thế, để mới có thể in thành sách được; mỗi lần in ít nhất là 5000 cuốn; nhờ vậy mà nhiều người ở xa vẫn có thể đọc được. Còn những vị có ấn tống mà không đọc được cũng không sao.Vì đây là nhân tốt, để tương lai sẽ là quả thiện ở cõi nhơn thiên; và ngay bây giờ sẽ còn mãi lại với đời. Biết đâu một ngày nào đó chính mình hay người nào khác cần đến pháp tu hay chứng cứ sử liệu thì những sách vở nầy rất quan trọng. Ân đức của những người phát tâm ấn tống ấy, tôi xin ghi nhớ vào lòng.

Ngày nay thế giới của mạng thông tin toàn cầu đã phổ cập đến mọi ngõ ngách, hang cùng ngõ hẻm trên các châu lục. Người ta chỉ cần ở nhà, đến trước máy, ngồi vào bàn mở máy, ấn vào máy nút là thế giới thu gọn ấy sẽ hiện ra trước mắt; ngay cả những sách vở quý giá nhất và khó tìm nhất xưa nay, cũng trở thành không khó nữa.

Nhưng rồi cuối cùng không ai có thể ngồi hằng giờ, hằng ngày trước máy, mà buộc phải tải xuống để nghiên cứu. Tuy vậy nó không phải là một quyển sách tuyệt vời đến với những người quý sách. Nghĩa là quyển sách ấy phải đầy đủ dáng hình mới là một quyển sách có giá trị. Sau khi xem xong còn đem đặt vào tủ kính hay tủ sách của gia đình, để một khi nào đó cần, ta đem sách ra đọc lại, lúc bấy giờ ta chỉ còn cảm nhận được giá trị của quyển sách qua thời gian, chứ khó diễn tả hết bằng lời.

Tôi có hứa với mình rằng sẽ đi Úc trong 10 mùa Đông liên tục từ năm 2003 đến 2012 để tịnh tu nhập thất tại đây; và nay khi tôi viết những dòng chữ nầy cũng đã trải qua bảy mùa mưa nắng của đất trời vạn vật rồi. Chỉ còn lại ba lần nữa tôi có thể đến đây, trải dài tấm lòng của mình qua những sợi nắng của xứ Nam Bán Cầu nầy, nhằm dệt nên những sợi tơ óng ả cho Đạo và Đời; nếu có ai đó muốn cần đến để may cho mình một chiếc áo che thân lẫn che tâm, khi cuộc sống bên ngoài càng ngày sự cạnh tranh càng ráo riết, mà người ta chẳng biết nương tựa vào đâu, ngoại trừ ba ngôi Tam Bảo.

Thủy triều lên xuống ngày đêm hai lần; nhiều khi còn lụt lội và địa chấn làm cho nước biển cũng nổi cơn thịnh nộ để biến thành Đại Hồng Thủy hay Tsunami (sóng thần); nhưng với tấm lòng trung kiên của người Phật Tử dầu cho quả đất nầy có chuyển hướng xoay vần ra sao, hay hư không nầy có chuyển đổi đi chăng nữa, cũng mong rằng ý nguyện làm một vị Phật hay một vị Bồ Tát qua hạnh nguyện lợi sanh vẫn luôn còn ngự trị nơi mọi người qua các pháp tu, trong đó có Tam Mật tương ưng của Chân Ngôn Tông Mật Giáo vậy.

Kính nguyện Tam Bảo chứng minh và là đèn tuệ để soi sáng cho mọi người con Phật.

Phiên dịch công đức, khó nghĩ lường

Vô biên thắng phước đều hồi hướng

Khắp nguyện chúng sanh trong pháp giới

Đều được vãng sanh về Cực Lạc

Dịch xong ngày 24 tháng 12 năm 2009

Tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi

Nhân lần tịnh tu lần thứ 7

Dịch giả Thích Như Điển

---o0o---





tải về 2.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương