CÓ Thằng cuội già Ôm một mối mơ!


NỖI NIỀM CẢM XÚC VỚI JAMBOREE APR 26TH



tải về 5.39 Mb.
trang19/24
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích5.39 Mb.
#36425
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

NỖI NIỀM CẢM XÚC
VỚI JAMBOREE APR 26TH


Năm 2005, khi các mẫu tự P .H .I .L .I .P .P .I .N. E .S rực sáng trên một ngọn đồi cao, không xa nơi chúng tôi đang dự lễ bế mạc APR Jamboree 25 tại Thái Lan, và khi cuối cùng chỉ còn lại những tàn lửa đỏ bay theo gió, tôi không nghĩ rằng 4 năm sau nữa mình sẽ lại tham dự Jamboree 26, thật là ấn tượng vì lúc ấy chúng tôi vừa trải qua những phút giây xúc động đến nỗi không hát được trọn bài Auld lang Syne, nhìn mắt ai cũng ướt, trên quảng trường rộng bao la với sự có mặt của hàng nghìn Hướng đạo sinh đến từ các nước thuộc vùng Châu Á Thái Bình Dương, ở đó những trái tim đang gần lại bên nhau, chúng tôi cùng ngước nhìn về nơi vừa cháy sáng tên của đất nước Philippines, nơi mà Jamboree lần thứ 26 sẽ được tổ chức.

Cuối tháng12 năm 2009 tôi nhận được mail của Ông Rasheed cho biết là Jamboree APR 26 sẽ được tổ chức từ 27/12 đến 3/1 và hỏi tôi có tham dự không, tôi giật mình nhìn lịch, hôm đó đã là ngày 23/12 rồi, hỏi ra thì mới biết mọi người đã đăng ký từ trước, tôi do dự nửa muốn đi, nửa không... Nếu đi thì quá muộn để làm thủ tục đăng ký trại và mua vé máy bay, lại còn công việc ở công ty nữa, tôi đang làm ở phòng đối ngoại, mọi việc giao tiếp với đối tác, chính tôi là người phải chịu trách nhiệm…

Tôi cố gắng hết sức trong 2 hôm thu xếp xong mọi thứ và quyết định lấy vé đi trong ngày 25/12, để kịp dự buổi họp mặt đầu tiên của tất cả IST vào ngày 26/12, tôi thích thú vì được phân công làm việc với tư cách là một “phóng viên” của Phòng Truyền Thông – Jamboree 26. Lần này tôi không đem valy theo lời khuyên của BTC trại, mà chỉ gói gọn hành trang trong 2 chiếc balô, một mình lên đường...

Chuyến bay khởi hành lúc 15:30 chiều 25/12, hôm ấy trời đẹp, ngồi bên tôi là một KTS người Anh, Ông nhìn vào hoa huệ tím trên ngực áo tôi và thân ái giới thiệu ông đã từng là một thiếu sinh... Còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp Tăng bá Hùng cũng dễ thương như thế ! Dù chưa biết mặt nhau nhưng tôi đã nhận ra anh nhờ Hoa Bách Hợp trên chiếc xe anh đang chạy…

Trò chuyện vui vẻ tôi quên mất thời gian ngồi trên máy bay, lấy hành lý thật nhanh tôi nhìn quanh xem ai sẽ đến đón mình đây. Chẳng thấy ai cả, ra đến sảnh ngoài cũng không thấy ai, tôi nhớ lại lần đi Thái Lan, BTC trại đã sắp xếp việc đón tiếp thật chu đáo và tuyệt vời ngay tại sân bay và đất trại, tôi đã học hỏi được cách làm việc này, và nhận được nhiều sự khen ngợi khi hoàn tất việc đón đưa tất cả khách mời trong nước và tử khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam cho sự kiện Mrs. World 2009 bằng cả 3 phương tiện: hàng không, đường bộ và đường thủy. Bây giờ thì tôi một mình ở sân bay ! chợt thấy một nhóm mặc đồng phục HĐ đằng xa, họ cũng đã nhìn thấy tôi, chúng tôi tiến về phía nhau, bắt tay nhau và tôi nhận ra rằng họ là những HĐS đến từ đất nước Thái Lan, họ đến trước tôi, nhưng chưa có ai đến đón. Tôi nghĩ việc đầu tiên phải làm là mua một Sim điện thoại, các bạn Thái lo lắng vì không có số để liên lạc, họ rất vui khi biết tôi đã sắp sẵn điều này, tôi có đến 3 số để gọi, phòng khi gặp sự cố, tôi gọi và một giọng nói thật thân thiết cho biết xe đang trên đường đến sân bay.

Trong thời gian chờ đợi chúng tôi trò chuyện và chụp ảnh kỷ niệm, khi xe đến Chị trưởng đoàn Philippines đến đón chúng tôi cùng với 3 anh chị em khác, sau khi chào hỏi thân tình, chúng tôi lên xe tiến về đất trại.

Ngồi trên xe chúng tôi hát hò thật là vui, anh tài xế giới thiệu những điều “kỳ lạ” trên đường khi tôi hỏi, xe chạy thật lâu mà vẫn chưa đến đất trại, chúng tôi cảm thấy đói lắm rồi nên đề nghị anh tài xế dừng lại đâu đó để ăn tối, nhưng đã quá muộn để tìm một quán ăn nào đó ở đoạn đường này nên chúng tôi phải tiếp tục đi, khi xe về đến nơi thì đã gần 10g đêm. Tôi nhìn quanh chỉ thấy rừng núi âm u, vắng lặng, hình như mọi thứ vẫn còn đang tiến hành, tre và gỗ vẫn còn đang ngổn ngang... Sau khi thu xếp xong chỗ nghỉ, chúng tôi đi xuống đồi, ăn bữa cơm đầu tiên trên đất trại....

Tôi tỉnh giấc bởi tiếng chim hót véo von, cửa sổ tràn ngập một màu xanh của núi rừng, không khí thật trong lành, tôi bước ra ban công, rùng mình vì những giọt sương mai còn đọng trên đầu ngọn lá, theo gió giọt lên tóc và má tôi, tôi thấy mình thật vui và hưng phấn, hôm nay đã là 26/12.

Cầm chiếc bản đồ trên tay chúng tôi đi tìm nơi đăng ký làm thủ tục nhập trại, để đến được nơi này chúng tôi phải đi qua nhiều dốc núi quanh co, lại còn ba lô nặng trĩu, ấy thế mà vui, mệt thì nghỉ... Tôi lại khám phá một điều đặc biệt từ HĐ Thái, họ có một thái độ trân trọng vô cùng đối với bộ đồng phục HĐ, và cũng là lời giải thích vì sao đồng phục của họ không có nếp nhăn như của chúng ta khi qua một hành trình dài, đơn giản là vì các bộ đồng phục của họ được móc vào các mắc áo, và cứ thế mà mang theo thay vì xếp vào ba lô như chúng ta vẫn thường làm, trại của các em HĐ Thái luôn căng một dây dọc theo góc khuất của trại, và các em móc những bộ đồng phục của mình lên đó một cách tươm tất.

Đi mãi rồi cũng đến, chúng tôi theo mũi tên hướng dẫn bước vào Sub Camp Luz.

Các bạn Thái nhận lều trại và vẫy tay chào tôi, nhưng tôi thì phải ngồi đó chờ. Đến trưa các Trưởng của IST Camp vẫn chưa giải quyết để cho tôi nhập trại vì những lý do tế nhị... họ mời tôi đi theo đoàn ăn cơm, tại đó tôi đã gặp ông Rasheed, Ông như một người anh cả, bực bội khi biết rằng cho đến giờ phút này thủ tục cho tôi vẫn chưa xong. Ông ra lệnh: “Phải đưa cô ấy đến Phòng Truyền Thông ngay...”.. tôi lên xe vui buồn lẫn lộn, dù sao các anh cũng đã xin lỗi và tỏ thái độ hết sức quan tâm cho tôi ngay sau đó, nhưng một nỗi niềm không nói được thành lời, nó cứ nhói mãi trong tim, các anh chị em HĐ Việt nam của tôi đâu rồi, hãy ngồi gần lại với nhau và nắm tay nhau, đừng xa cách nữa …

Chỉ trong ngày 26, tính ra tôi đã leo lên, và xuống dốc núi không biết bao nhiêu lần, chỉ biết tối lại 2 bắp chân đau nhừ, tôi cũng không nghĩ là mình khỏe thế, có lẽ nhờ núi rừng thiên nhiên, cứ mỗi sáng mai thức dậy lại thấy mình tràn trề sinh lực để bắt đầu một ngày mới.... “GOOD MORNING..”

Thời gian phục vụ tại phòng truyền thông là một kỷ niệm đẹp, là dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi, nó như một đại gia đình mà trong đó tất cả chúng tôi thương yêu nhau và làm việc hết sức mình để đem lại cho Jamboree 26 những hình ảnh và bài viết sinh động. Trưởng Nixon, cao to, giọng nói sang sảng, rất nghiêm khắc và làm việc “không ai theo nỗi”, đêm nào cũng làm việc thâu đêm cùng với những thành viên khác, họ là những HĐS xuất sắc của Philippines, còn rất trẻ nhưng tất cả đều tỏ ra thành thạo trong lãnh vực truyền thông. Ở đây chỉ có 5 “phóng viên” nước ngoài là: Josh - một thanh niên người Mỹ, …(?).. người Trung hoa, Asia- cô gái Thái nhỏ nhắn xinh xắn và tôi, HĐS Việt nam .

Những ngày đầu tiên tại phòng Truyền thông với tôi không dễ dàng lắm, nhưng tôi luôn cố gắng hết sức để cho mọi người hiểu về đất nước Việt nam nói chung và phong trào HĐVN nói riêng, cho đến hôm Trưởng Nixon chấp thuận lời đề nghị của tôi: Cho phép đăng bài viết về HĐVN và hình ảnh in lớn ở trang nhất, thì tôi biết mình đã thuyết phục và tạo được sự tin yêu của mọi người ở đây, vui mừng không tả xiết, tôi vội chạy đi báo tin cho cả hai đoàn Việt nam đang sinh hoạt ở 2 đất trại khác nhau biết, tập trung và chụp một tấm hình thật đẹp để đăng lên trang bìa của tờ báo số 3, cứ nghĩ là mọi việc không có gì trở ngại, tôi hưng phấn viết bài thật nhanh, nhưng thúc hối mãi mà 2 bên vẫn chưa có thì giờ để chụp hình chung được.

Bây giờ nhìn lại trang nhất của tờ báo số 3 tôi vẫn còn cảm giác tiếc nuối đó, tôi đã thay vào đó bằng hình ảnh của các em HĐS Korea đang đánh trống, để có được tấm ảnh này tôi đã phải bấm máy đến gần 20 tấm ở mọi góc cạnh mới chọn được tấm hình này, tôi say mê nhìn các em tập dượt để chuẩn bị cho đêm lửa trại, cho buổi tiệc chiêu đãi và cho đêm bế mạc, thật ấn tượng vô cùng….

Jamboree 26 có 5 số báo tất cả, từ số 1 đến số 5 đều có hình ảnh HĐS Việt Nam, tôi hài lòng về điều này, vì tôi cứ lo người ta cắt đi, tôi yêu mến hình ảnh các em trong đoàn của Trưởng Phạm thanh Hiệp với áo dài truyền thống Việt nam, và khi lên sân khấu với tiết mục “cái trống cơm”, rất dễ thương và làm mọi người thích thú lắm ..

Cũng chính tiết mục này năm 2005 tại Thái Lan các em đã nhận được nhiều sự khen ngợi… Đây là điều mà tôi cảm nhận được khi các anh chị em ở phòng truyền thông hỏi tôi rất nhiều về tà áo dài, về chiếc nón lá... thật hãnh diện làm sao khi đưa các bạn HĐS các nước khác đến thăm trại Việt Nam, lúc anh Thái Hùng đang làm cổng trại, những chiếc nón lá được kết thành hình chữ S là lời giới thiệu cho tất cả mọi người biết thêm về đất nước Việt Nam, tự hào lắm chứ...

Niềm tự hào đó có thể thấy rất rõ khi các đoàn rầm rập đi trên các nẻo đường quanh co của núi Makiling - ngọn núi huyền thoại ở Los Baños - Philippines. Tôi dùng từ “các nẻo đường quanh co” vì trên ngọn núi đó có 6 Sub- Camps : Sub- Camp Daza, Sub-Camp Lim, Romulo, Vargas, Stevenot và Sub-camp Luz từ những sub-camp này các đoàn tập trung về Grand Arena là nơi dành cho những sự kiện lớn như Lễ khai mạc, Đón giao thừa và Lễ bế mạc... Đoàn nào đi cũng khí thế, nhưng hoành tráng nhất chắc chắn phải là Philippines, vì họ là nước chủ nhà và có số lượng HĐS rất đông. Các khẩu lệnh vang dội cả núi rừng, nhìn hình ảnh HĐS các nước trong bộ đồng phục với đủ mọi chuyên hiệu trên dây đeo chéo ngang ngực, với cờ nước, với tên đoàn... đẹp quá, họ bước đi rầm rập, hào hùng… tôi nhìn và ước mong một ngày nào đó tất cả chúng ta, những HĐSVN cũng sẽ là một khối thống nhất, hùng mạnh…

Khi ra đến xứ người, tinh thần dân tộc cao lắm, trên con đường đi đến nơi ăn cơm, chúng tôi thường đi theo đoàn, tôi không thích chiếc áo vest màu vàng “rực rỡ” với chữ “PRESS” màu đỏ to đùng sau lưng, nhưng Trưởng Nixon đã nói rõ nội quy rồi, khi bước chân ra khỏi phòng truyền thông là không được rời cái áo đó! Thực lòng tôi chỉ muốn mọi người nhìn thấy hàng chữ “Hướng Đạo Việt Nam” trên ngực áo của tôi thôi !

Tôi vẫn còn nhớ và sẽ nhớ mãi không thôi, những phút giây chúng tôi đi trên triền núi ấy, đoạn đường tối om, một bên là núi và một bên là thung sâu, trăng lấp ló sau những tán cây rừng, vây quanh tôi là những bạn bè với những ngôn ngữ khác nhau, tôi dạy cho các bạn nói và hát tiếng Việt, tôi đề nghị: khi tôi hướng dẫn đếm số bằng tiếng Việt thì đồng thời tất cả những ngôn ngữ khác cũng phải áp dụng luôn, “ Một, hai, ba... mười” “one, two, three... ten” “Isa, dalawa, tatlo, ...sampu”... chúng tôi luôn làm tất cả bạn bè đi trên đường thích thú tham gia vào, và cứ thế mỗi tối, chúng tôi học hỏi nhau biết bao nhiêu điều, và điều mà tôi có được đó là trái tim nhân ái, rộng mở, chan chứa tình yêu thương cho tha nhân ..

Jamboree 26 tổ chức trên ngọn núi Makiling, với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, đất trại bao la và địa hình khác biệt, có nơi là thảm cỏ xanh mượt mà với cây cao bóng mát, có nơi xa tít dưới chân đồi, hoặc trên triền núi cao, hoặc thật thấp so với mặt đường, từ thực tế đó mới thấy được tài năng của các HĐS khi bước đi trên những bậc thang làm bằng tre, những bậc cấp đẽo sâu vào đất núi với tay vịn quanh co, để xuống được lều trại của họ. Thật thú vị khi nhìn những thiếu sinh đem nước về, để chuyền được những thùng nước lên trại của mình ở trên cao, các em đứng chuyền theo bậc thang vừa chuyền vừa hát...

Lắm người trách móc và bực bội vì điều kiện sinh hoạt quá khó khăn, nhất là về điện, nước và cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu vệ sinh, biết làm sao hơn? Không thể nào so sánh với Thái Lan về khía cạnh này được!

Tại Jamboree 25 ở Thái Lan, hệ thống vệ sinh đã được thiết lập một cách “dã chiến”, họ tận dụng những bồn vệ sinh rẻ tiền, đường ống dẫn tiêu, hầm chứa... cứ mỗi tiểu trại thì có một khu vực vệ sinh riêng biệt, bao gồm khoảng 20 buồng đối diện nhau, buồng tắm thì có vòi sen, nam và nữ riêng biệt, bên ngoài thì có các dãy vòi nước để vệ sinh buổi sáng. Lại có cả một trung tâm phục vụ Internet! Siêu thị mênh mông! Bệnh viện lớn nhỏ, nhưng thôi... nơi nào có điều kiện thì mình học hỏi, gặp nơi khó khăn thì mình chia sẻ, nặng nhẹ làm chi....

Tham dự Jamboree lần này tôi có dịp len lỏi khắp mọi nơi, đặc biệt là hệ thống trò chơi liên hoàn mà trạm đầu tiên ở trên cao, gần mặt đường, rồi cứ thế xuống dần dưới đáy thung sâu, đủ các loại hình, nó đòi hỏi các em một sự dẻo dai, khéo léo, can đảm, thông minh và bản lĩnh. Tại mỗi trạm đều có các IST phụ trách. Tôi cứ theo các em mà xuống mãi, say mê vì những hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương... nhìn quanh chỉ có mình tôi là PV duy nhất có mặt ở đây, thế nên tôi nhanh tay ghi hình lia lịa, hình ảnh độc đáo nhất mà tôi có được đó chính là lúc một em bé trai đang cố hết sức để trườn qua lòng những cái lốp xe thì chiếc quần dài bên ngoài cứ tuột dần, các em chung quanh vỗ tay reo hò, còn em thì ngơ ngác như nai, tôi chụp cận cảnh… cũng “ác” thiệt, nhưng đó là khoảnh khắc hiếm hoi...

Những ngày trại qua đi thật nhanh, khi đã khá quen với từng khuôn mặt, từng giọng nói, những tính cách riêng, quen với từng con đường trên núi mà ngày đầu tiên lạ lẫm, mình cứ lạc đường hoài, quen với từng cơn gió lạnh mà mỗi sáng tất cả chúng tôi phải dậy khi trời chưa sáng tỏ để chạy 5 km thể dục buổi sáng, quen với mùi cây cỏ núi rừng, thì đó là lúc phải chuẩn bị để nói lời chia tay ..

Đêm cuối cùng sau khi dự lễ bế mạc tai quảng trường, chúng tôi tập trung về trụ sở, họp mặt và tổng kết. Khi trưởng Nixon yêu cầu tôi phát biểu, tôi nói mà không cầm được nước mắt, và không chỉ riêng tôi, đêm ấy hình như mắt ai cũng ngân ngấn nước...

Tạm biệt Makiling! Tạm biệt Laguna! Tôi nhìn ra ngoài cửa xe, những bông lau trắng xóa trên triền núi phất phơ trong gió như đang vẫy chào...

Thiên Nga Thận Trọng

Hoàng Thị Lý

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU ĐỂ KỶ NIỆM & RÚT KINH NGHIỆM
từ 26th Asia-Pacific Regional Scout Jamboree


Cũng ở trên vùng đất trại này, năm 1959 Đoàn HĐVN tham dự Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới lần thứ 10, khi trở về ai cũng đã khen ngợi hết lời, có lẽ vì lần đầu tiên họ được mục kích một sự kiện hoành tráng của HĐTG so với những cuộc Họp Bạn trong nước. Cũng có thể đó là 1 cuộc HBTG nên được tài trợ nhiều hơn và có nhiều Trường HĐ các nước giàu kinh nghiệm tổ chức Jamboree cọng tác thành thử được hoàn hảo hơn.

Giờ đây, nhiều người trong đoàn VN đã từng tham dự các Jamboree ở Thái Lan và Indonesia thì cho rằng kỳ Họp Bạn này thua kém xa.

Tiềm năng kinh tế của Philippines không bằng các nước kể trên, lại đang bất ổn về chính trị và vừa trải qua những thiên tai: bão lụt, núi lửa… thế mà vẫn yểm trợ cho việc tổ chức một Trại Họp Bạn của gần 14.000 HĐS… thì cũng là một cố gắng đáng kể. Chê thì dễ, nhưng đến khi vào việc mới thấy khó, biết đến bao giờ HĐVN mới có thể tổ chức được quy mô như họ bây giờ?!

Dù sao, chúng ta cũng cảm ơn Hội Hướng Đạo Philippines đã dành cho HĐVN những cảm tình nồng hậu và họ đối đãi với chúng ta như các Tổ chức HĐ Quốc gia (NSO) khác mặc dầu HĐVN chưa được HĐTG tái công nhận, thế mà trên quà lưu niệm của Ban Điều Hành trại tặng cho đoàn VN, họ đã có khắc

Maraming Salamat Po!

Vietnamese Scout Association

From


Boy Scouts of the Philippines

26th Asia – Pacific Regional Scout Jamboree

Sau đây là vài điều ghi lại để kỷ niệm 26th APRSJ và rút kinh nghiệm cho những chuyến đi sau này.

* ĐỒNG PHỤC LÀ BỘ MẶT LỊCH SỰ CỦA PHÁI ĐOÀN:

Chúng ta thường quan niệm rằng đi trại trong rừng núi miễn là giữ cho đồng phục sạch sẽ tươm tất thì được rồi chứ không cần thẳng nếp như khi đi dạo phố.

Lúc đứng chờ ở Phòng ghi danh nhập trại, thấy nhiều đoàn HĐ các nước, ngoài balô, mỗi người đều cầm ở tay một móc quần áo có bọc nylon rất cẩn thận để khỏi nhàu nát và vấy bẩn; tôi cứ ngỡ rằng họ đem theo y phục để dạo phố Manila sau ngày mãn trại.

Đến khi diễn hành khai mạc Họp Bạn, thấy phái đoàn của họ ai nấy đều mặc đồng phục thẳng nếp rất lịch sự. Lúc đó mới ngộ ra rằng: đồng phục ở Jamboree cần chăm chút hơn áo quần dạo phố, vì dù đi trên đại lộ đông đúc của Thủ đô thì cũng chỉ có chừng vài chục hoặc vài trăm người nhìn mình, chứ ở quảng trường của Trại Họp Bạn thì cả hơn 13 ngàn cặp mắt chú mục vào đoàn ta. Vì thể diện Quốc gia, mình phải ăn mặc chỉnh tề hơn cả khi đi dạo phố. Đó là một bài học mà ít người chú ý đến.

Sau đó, khi đi thăm các trại, tôi thấy họ căng dây để treo các móc áo, giữ y phục thẳng nếp để còn mặc lại trong những buổi lễ hội và đến ngày bế mạc trại… vẫn tươm tất như buổi ban đầu.

* TIỀN HUNG HẬU CÁT: (đây là tiêu đề mà Trưởng Thái Hùng đưa lên “giupich.org”)

Vì mua vé máy bay không trùng một chuyến nên phái đoàn HĐVN một nửa đi bằng Cebu Airline lúc 01 giờ khuya ngày 27.12.09 và ½ đi bằng Philippines Airline lúc 15 giờ; lại có chuyện trục trặc là các Thiếu sinh của HĐLTT quên làm thủ tục bảo lãnh của phụ huynh nên mãi đến 28.12.09 mới được lên máy bay. Vì đinh ninh chúng ta ít người tham dự nên Ban Tổ chức chia đất trại cho Đoàn HĐVN ở Sub Camp Romulo hơi hẹp, thành thử khi đoàn HĐLTT tới nơi thì không đủ chỗ cắm lều thêm. Vì vậy Ban Quản Trại chia thêm cho VN một khu vực mới ở Sub Camp Vargas vừa rộng rãi hơn mà lại đầy đủ tiện nghi vì gần Siêu thị và Mess Hall (nhà ăn lớn cho toàn thể Huynh Trưởng và Tráng sinh trong IST camp).

Nhờ thế mà HĐVN hiện diện ở cả 2 Tiểu trại Romulo và Vargas, chỉ sau các nước Philippines (6 tiểu trại: Camus, Romulo, Daza, Lim, Vargas & Stevenot), Indonesia (6 tiểu trại), Maldives (4 tiểu trại), Malaysia (3 tiểu trại).

Các phái đoàn chia ra 2 Tiểu trại thì ngoài Việt Nam còn có: Brunei, India, Korea & Thailand.

Các nước chỉ ở 1 Tiểu trại gồm có: Australia, Bangladesh, Bhutan, Cambodia, England, Hong Kong, Japan, Macau, Mongolia, Nepal, New-Zealand, French-Polynesia, Pakistan, Singapore, Sri-Lanka, Sweden, Taiwan-China, USA.

Có người tiếc rẻ vì cho rằng các HĐSVN không cắm trại cùng một Sub-Camp để cho các em thắt chặt tình thân hữu, hoặc lo ngại HĐS các nước khác biết ACE VN còn chia rẽ.

Theo tôi thì cho rằng “Tiền hung hậu cát” vì nhờ ở 2 Tiểu trại nên nhiều người biết đến HĐVN hơn:

- Ở Jamboree thì các HĐS bất cứ nước nào và dù ở Sub-Camp khác cũng đều rất thân thiện với bất kỳ ai gặp mặt trên đường và trong các sinh hoạt cộng đồng chứ cần gì phải ở chung 1 chỗ.

- Chỉ một vài Trưởng chủ chốt (Key Leader) của APR mới biết rõ chúng ta còn gồm nhiều khối, chứ HĐ các nước chẳng ai biết đến nội tình HĐVN, có chăng thì chỉ biết rằng chúng ta còn chờ nhà nước cho phép chính thức tái phục hoạt để được hội nhập WOSM. Họ còn nghĩ rằng phái đoàn VN hùng hậu mới được chia 2 tiểu trại.

- Nhờ ở 2 tiểu trại nên HĐVN có 2 nơi triển lãm:

* Ở làng APR: ngoài một số hình ảnh triển lãm cho mọi người xem, có rất đông Huynh trưởng & HĐS các nước đến sắp hàng vào tham quan để được in lụa các huy hiệu HĐVN trên áo của HĐS các nước. Đúng là chi phí ít nhưng hiệu quả nhiều.

* Ở Sub-Camp Vargas, nhờ khuôn viên rộng rãi, HĐLTT mặc quốc phục biểu diễn đàn tranh, viết thư pháp, tặng sổ tay, nón lá VN… lại còn có những tấm áp-phích lớn ghi The Memory of APR Scout Jamboree để các Trưởng và HĐS ký lưu niệm… cũng thu hút được nhiều khách tham quan. Chính tôi hân hạnh được mời ký vào bảng lưu niệm của Key Leader đầu tiên, tiếp đó là Trưởng ThianHong Boon – Giám đốc Huấn luyện APR…

Trưởng Thái Hùng, Phạm Văn Nhân và Tôi đều có đến thăm Trại của HĐLTT tại Sub-Camp Vargas nhiều lần và rất vui mừng được biết cả 2 đoàn đều đồng ý rằng 9 giờ sáng ngày 01.01.2010 sẽ chào cờ chung ở đây vì sân rộng đủ chỗ cho mọi người, rồi sau đó cùng ra Đài kỷ niệm của HĐ.Philippines có biểu hiện bàn tay chào 3 ngón kiểu HĐ rất đồ sộ và hoành tráng để chụp hình lưu niệm.

Rất tiếc điều trên không thực hiện được vì vào giờ đó Trưởng Binay (Chủ tịch APR) muốn gặp mặt tất cả HĐSVN tại trụ sở của HĐ Philippines… nhưng cuối cùng dời lại lúc 6 giờ chiều mà không kịp thông báo sớm làm chúng tôi mất một dịp chào cờ chung đầu năm mới. Đó là một sự cố ngoài ý muốn.

* ẤN TƯỢNG CHIẾC NÓN LÁ VIỆT NAM:

Tôi và Trưởng Phạm Văn Nhân đi lang thang thăm các trại để chụp hình lưu niệm. Trời nắng chang chang nên đội nón lá cho mát… nhờ thế mà gặp bất cứ ai trên đường họ đều chào hỏi: “Are you VietNam Scouts?”

Chúng tôi hỏi tại sao biết? Họ bảo nhìn cái nón lá trên đầu là biết HĐVN.

Có người khoe chiếc nón lá với tên viết bằng thư pháp bên trên… họ bảo: “Mấy hôm nay được nhiều quà nhưng cái nón này là tặng phẩm ưng ý nhất!”

Chúng tôi đến thăm và ăn trưa ở đoàn VN tại Sub-Camp Romulo, gặp lúc mấy người chụp ảnh chuyên nghiệp của Ban Tổ Chức trại đi giao hình. Họ thường chụp hình các Trại sinh rồi in khổ lớn 20 x 30 cm trên nền bìa báo TIME, bán mỗi tấm 200 pesos mà ai cũng thích mua để về lòe với bạn bè rằng mình được “lăng xê” trên mặt báo. Họ thấy mấy nón lá mà Trưởng Thái Hùng gắn trên cổng trại theo hình chữ S tiêu biểu cho khu vực của HĐVN, ai cũng muốn xin nhưng chưa mãn trại thành thử không cho được. Họ bèn năn nỉ đổi 1 nón lá lấy 3 tấm hình; như vậy 1 nón lá VN trị giá đến 600 pesos (tương đương 300.000 VND)

Trên đường về lữ quán, chúng tôi gặp vài Trưởng Philippines lớn tuổi, họ bảo vẫn còn nhớ mãi đoàn HĐVN tham dự 10th World Scout Jamboree tại Makiling này 50 năm trước với nón lá đặc trưng Việt Nam.

Sau đó lại gặp một Trưởng lớn tuổi, không hiểu người Úc hoặc Tân Tây Lan, cũng bảo rằng năm 1955-1956 tại Clifford Park – bang Víctoria của Úc có 3rd Asia-Pacific Jamboree cũng còn gọi là Pan-Pacific Jamboree (đừng lầm lẫn với Asia-Pacific Regional Scout Jamboree vì mãi đến năm 1973 mới có APR Scout Jamboree đầu tiên), tuy đoàn HĐVN ít người2 nhưng đi đâu họ cũng nhận ra nhờ áo nâu và nón lá. Hễ gặp đoàn VN thì họ bèn chào và hô “Yota”3

* VĂN NGHỆ CỦA ĐOÀN HĐVN:

Vì một vài trục trặc nho nhỏ nên các đoàn định không tham dự… mãi đến trước khi khai mạc trại khoảng hơn 1 tháng thì mọi phía mới quyết định góp mặt tại 26th APRSJ. Tuy thời gian còn ngắn ngủi nhưng mọi người đều cố gắng tập luyện để “đem chuông đi đánh xứ người”, nhờ vậy mà các tiết mục văn nghệ của VN đều làm cho khán giả thích thú:

- Các mục trình diễn với quốc phục: Cái trống cơm, Chiếc nón quai thao, múa quạt… đều đặc sắc.

- Bài hát “Đèo cao” bằng tiếng Anh (tuy giọng hát chưa hay) và tiếng reo chính thức của HĐVN làm cho mọi người dễ nhớ đến các cụm từ “Dô ta” và “A dô ta” nên hễ thấy HĐS VN bèn chào “Yota scout”!

Rút kinh nghiệm là nên trình diễn những tiết mục tập thể dễ thu hút khán thính giả, nhất là những bài hát “Dô ta” mà HĐVN đã từng trình diễn trong các Jamboree trước đây vẫn còn âm hưởng trong ký ức của nhiều người.

* DIỄU HÀNH CỦA PHÁI ĐOÀN HĐ ẤN TƯỢNG NHẤT: Trái với đoàn HĐ Philippines trên 10.000 người, đại diện HĐ Macau chỉ có 1 đoàn viên duy nhất dùng 2 tay trương cờ nước mình (không dùng cán) vẫn hiên ngang diễu hành qua khán đài danh dự và trước gần 14.000 cặp mắt của HĐS các nước. Sau đó trên tờ báo của trại, em này còn tự tin nhắn nhủ: “Tuy tôi đến Philippines chỉ một mình nhưng vẫn không ngại lẻ loi vì tin tưởng rằng sẽ được sống chan hòa trong tình huynh đệ HĐ. Vậy các bạn hãy mạnh dạn ghi danh tham dự Jamboree nếu nước mình không có ai cùng đi”. Vậy có Trưởng hoặc HĐS VN nào dám đơn thân độc mã tham dự 27th APRSJ vào tháng 8, 2010 ở Đại Hàn không?

* SWAPPING: đó là tục lệ trao đổi kỷ vật trong các Jamboree mà nhiều người nghe nhầm là shopping. Vì đây không có mục đích mua bán. Theo nguyên tắc thì:

- Các người lớn chỉ trao đổi với người lớn (Trưởng và Tráng sinh thuộc International Service Team (IST) hoặc Contingent Service Team (CST) ).

- Thiếu sinh chỉ trao đổi với Thiếu sinh.

- Giá trị trao đổi phải ngang nhau (áo đổi áo, khăn quàng đổi khăn quàng, nón đổi nón, huy hiệu đổi huy hiệu ngang cấp, tem đổi tem, tiền đổi tiền ngang giá trị - họ thường thích tiền kim loại. Nói chung là không lợi dụng nhau trong việc đổi chác. Tuy nhiên khi đã thích “của hiếm” thì bao nhiêu cũng đổi tùy theo sự thỏa thuận của đôi bên chứ không bị ép buộc…)

Thông thường thì những ngày cuối trại có dành thì giờ để đi giao lưu giữa các Tiểu trại đồng thời xin chữ ký và địa chỉ để lưu niệm và liên lạc thư từ về sau…

Có thể Swapping bất cứ nơi đâu: gặp nhau trên lộ trình, có người trải tấm nylon ở vệ đường hoặc trước cổng trại mình như kiểu bày hàng ở chợ trời để trao đổi.



Rút kinh nghiệm nên mang theo nhiều nón lá, tiền kim loại, tem thư, các huy hiệu càng nhiều càng tốt vì dễ kiếm mà mang theo cũng nhẹ nhàng… có nhiều người giỏi Swapping nên khi đi chỉ 1 balô mà khi về thì “tay xách nách mang” đủ thứ.

* JAMBOREE NƠI MÀ TÌNH HUYNH ĐỆ ĐƯỢC THỂ HIỆN RÕ:

Đoàn chúng tôi rời TpHCM lúc 01 giờ ngày 27.12.09, Cebu Airline đưa chúng tôi đến Manila sau 150 phút bay ngang biển. Vừa xuống phi trường thì đã có 1 Trưởng HĐ Philippines đón tiếp để dẫn chúng tôi đi qua cổng Hải quan & nhập cảnh được nhanh chóng mà khỏi phải làm những thủ tục như những hành khách khác. Ra đến phòng Đợi thì đã có 1 chị trong Staff của ban Tổ chức Trại niềm nở chào mừng rất thân mật và lo điều động xe đưa chúng tôi đến đất trại Makiling ở Los Baños cách Manila 65 km về hướng Đông-Nam.

Trước khi vào phòng “Đăng ký nhập trại” thì tất cả mọi người phải ngồi trên xe để Toán y tế lên đo thân nhiệt và đóng một dấu “đã kiểm dịch” bằng mục tím vào cườm tay rồi mới được xuống xe, mọi người nói đùa là được chứng nhận xuất xưởng “lò heo Chánh Hưng”.

Mỗi người phải đóng 200 USD trại phí. Mất một buổi sáng ngồi chờ để nhận những vật dụng trại: nón, áo thun, khăn quàng, bảng tên, bình đựng nước, Guide book…

Sau khi ăn trưa thì các Trưởng và Tráng sinh được chuyển qua Sub-Camp Luz dành cho Toán phục vụ Quốc tế và Trưởng (International Service Team & Adult Camp), còn các Thiếu sinh của phái đoàn thì về Tiểu trại Romulo – Các IST và Trưởng được phát cho 2 người một lều. Các Trưởng lớn tuổi muốn ở trong nhà thì có thể thuê phòng của Đại học xá với giá 400 USD/1 tuần.

Ở trại chỉ được phát loại “đèn bão sản xuất thủ công” thắp bằng dầu hỏa. Nước chỉ có ban ngày cho đến 9 giờ đêm.

Để đủ tiện nghi có thể thức đến 2-3 giờ sáng mà viết, đánh máy bản tin và nén hình chụp ban ngày vào computer kịp chuyển về cho trang web “giupich.org” hằng ngày, nên chúng tôi và Đoàn Cần Thơ có nhờ Anh Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phái đoàn HĐ Úc – đã đến trại từ ngày hôm trước thuê giúp 1 Bungalow ở khu nghỉ dưỡng Pook Ni Maria Makiling gần hồ bơi Quốc gia của Philippines.

Khu vực cắm trại rộng gần 58 hectares, tính đường chim bay thì cách nhau vài km, nhưng đi theo đường nhựa thì từ đầu đến cuối trại cũng trên 10 km.

Trưởng Hà hẹn sẽ liên lạc khi Đoàn HĐVN qua đến nơi, nhưng vì sóng điện thoại chập chờn nên tới xế chiều vẫn chưa bắt được tin tức. Trưởng Thái Hùng nóng lòng bèn lên Tiểu trại Lim để tìm nhưng không gặp Trưởng Hà bèn về Sub-camp Romulo giúp các em làm thủ công trại. Tôi phải ở lại tiểu trại Luz để chờ Trưởng Hà. Gần 16 giờ thì Trưởng Hà cùng các anh Lê văn Lệ, Phan Lạc Cảnh… trong phái đoàn Úc đến tìm chúng tôi. Gặp nhau mừng quá! Trong trại IST có nhiều Trưởng của Úc tham dự, tôi được anh Hà giới thiệu với Trưởng Bert Laws đã 80 tuổi mà vẫn cùng vợ tham dự trại. Lần đầu gặp nhau, chỉ qua bắt tay trái mà thấy thắm thiết như anh em ruột thịt. Thế mới thấy tình huynh đệ HĐQT thể hiện rõ nét.

Chờ mãi vẫn không thấy anh Hùng về, Trưởng Hà bảo các anh Lệ & Cảnh mang tất cả hành lý của chúng tôi ra xe Jeepey (một loại xe cải tiến từ xe Jeep của Mỹ để lại thành xe chở khách dài gần bằng xe buýt với màu sắc trang hoàng sặc sỡ) để đưa về nhà trọ và hứa sẽ tìm đón Trưởng Hùng sau.

Bungalow Marikit dành cho chúng tôi có 2 phòng ngủ với 4 giường, 1 phòng khách và 1 toilet. Có đầy đủ tiện nghi: điện, nước & quạt máy. Phong cảnh chung quanh rất nên thơ, nhìn xuống hồ bơi Quốc gia của Philippines rộng và trong xanh, thật mát mắt.

Gia đình các Trưởng HĐ Úc gồm: Nguyễn Mạnh Hà, Lê Văn Lệ & Bác sĩ Tuấn thuê chung 1 căn nhà 2 tầng ở phía chân đồi ngay chiếc cầu bên suối rất thơ mộng. Các Chị chiêu đãi bữa ăn tối với Sandwich, thịt hộp và mì ăn liền vì chỉ mới qua trước 1 ngày nên cũng chưa ra phố sắm sửa gì được. Bữa ăn tối thanh đạm nhưng tôi thấy ngon hơn là vào nhà hàng lớn, một phần vì từ sáng đến giờ chỉ lót bụng một bánh Hamburger bằng nắm tay, nhất là nhờ không khí đầm ấm và thân tình mặc dầu lần đầu chúng tôi được gặp đông đủ gia đình các vị ấy. Anh Nhân đau chân không xuống được thì Anh Lệ phải leo mấy chục bậc cấp mang thức ăn lên; và cứ thế, hằng ngày Chị Hà nhìn lên đồi mà thấy căn nhà Marikit mở cửa thì biết là chúng tôi không ra Mess Hall để ăn cơm của trại bèn làm cơm hộp mang lên… vì vậy tuy xa nhà mà chúng tôi có cảm tưởng như đang ở với đại gia đình.

Đến gần 21 giờ vẫn chưa nhận được tin của Tr. Hùng, tôi đòi đi tìm thì các Anh cùng đi, đến Sub-camp Lim thì Tr. Hà & Tr. Lệ vào kiểm soát sinh hoạt của phái đoàn Úc, còn Anh Cảnh thì dẫn tôi ra tiểu trại IST. Không thấy Trưởng Hùng đâu, nhưng ngạc nhiên thấy cột cờ của Đoàn VN cao nhất trại, anh em cho biết hồi chiều Trưởng Hùng thuê xe chở về cây tre thật dài, dựng cột cờ cho đoàn xong thì ra khu Đăng ký nhập trại để chờ các Tráng sinh Cần Thơ và đoàn HĐLTT. Gặp A. Hùng thì được biết họ đã đến Manila từ 6 giờ chiều mà mãi đến 11 giờ đêm vẫn chưa về đến đất trại. Nhìn các xe chở đoàn Indonesia & Malaysia vào trại nườm nượp mà chạnh lòng vì nhân số của mình chẳng thấm gì so với họ.

Thấy anh Cảnh đứng chờ, thỉnh thoảng lại ngáp dài ngáp ngắn cũng ái ngại, bảo anh về trước thì anh không chịu, tôi bèn lấy cớ bị mệt nhờ anh đưa về và để bản đồ lộ trình lại cho Tr. Hùng & các Tráng sinh tự tìm đường về. Anh Cảnh dặn dò Trưởng Hùng rất kỹ càng khi vào cổng khu Pook Ni Maria Makiling thì đi đến ngôi nhà có chiếc cầu bên suối rồi gọi anh ra dẫn đường lên Bungalow chúng tôi trọ.

Khi nghe tiếng lục đục ở phòng khách, tôi tỉnh dậy thì thấy A. Hùng & đoàn Cần Thơ đã về tới. Nhìn đồng hồ thì đã 3 giờ sáng. Hỏi làm sao biết đường mà lên thì Tr. Hùng cho biết A. Cảnh chờ ở trước nhà A. Hà trọ để đưa lên. Hỏi sao về trễ vậy thì biết là phải nán lại để hướng dẫn thu xếp chỗ ngủ cho đoàn LTT kẽo các em nằm ngoài sương gió tội nghiệp vì ở Tiểu trại Romulo thiếu chỗ cắm lều, vả lại chưa đóng trại phí thì họ chưa đưa về Sub Camp.

Mới 6 giờ sáng đã có A. Cảnh và A. Tiến đến vấn an, thấy các anh từ trên đồi đi xuống mới biết rằng anh Cảnh phải thức đợi dưới nhà trọ của Trưởng Hà để dẫn A. Hùng & đoàn lên chứ kỳ thực anh ở Bungalow trên đồi cao hơn chỗ chúng tôi nữa.

Không những chỉ anh em HĐ mà cả người thân trong gia đình họ cũng đối đãi với chúng tôi chân tình chẳng khác gì bà con ruột thịt nên tôi rất cảm động và ghi lòng tạc dạ cảm tình tốt đẹp đó.

Ban đầu cứ ngỡ rằng tuy người ở Úc kẻ ở VN nhưng vì tình đồng hương nên đối đãi với nhau như vậy. Tối đến, tôi lại có dịp thấy tình Huynh đệ HĐ Quốc tế cũng chẳng khác gì trong cùng một nước.

Lễ Khai mạc trại kết thúc, chúng tôi đến Mess Hall ăn cơm tối. Sau đó Trưởng Hùng và các Tráng sinh đi họp ở Trại IST nên tôi lủi thủi quay về Lữ quán một mình. Hôm nay 13.11. âl, cứ đinh ninh rằng trăng sáng tỏ soi rõ đường về nên khỏi mang đèn pin, không ngờ rừng cây cổ thụ ven đường tán lá sum sê giao nhau che khuất ánh trăng, thi thoảng mới có vài tia sáng chiếu xuống thành lỗ chỗ đốm trắng đốm đen trên mặt lộ bêton làm cho con mắt song thị vì thoái hóa võng mạc trở nên chấp chóa khó thấy rõ đường đi. Đang tần ngần không biết nên rẽ ngã nào thì nghe tiếng giày lộp cộp đằng sau, thấp thoáng thấy một người mặc váy đi tới bèn hỏi:

- Chị ơi! Đường này có phải lối về cư xá nhìn xuống hồ bơi không? (Tôi ngỡ trong vùng này chỉ có 1 hồ bơi thôi nên nói vậy cho gọn).

- Phải đấy! Mời anh theo tôi!

Chị ấy bước đi thoăn thoắt, bỗng nhìn lui thấy tôi quờ quạng đi sau xa bèn trở lại hỏi:

- Anh đau chân hay sao mà đi chậm vậy!?

- Chân thì không đau nhưng mắt bị thoái hóa võng mạc nên đêm tối chỉ thấy lờ mờ thành khó đi.

- Anh bao nhiêu tuổi mà giảm thị lực sớm vậy?

- Ồ! Năm mươi năm trước tôi mới 23 tuổi.

Có lẽ chị ta không hiểu lối nói cà rỡn của Nguyễn Công Trứ nên hỏi lại:

- Cái gì? Cái gì?!

Tôi nhắc lại câu trên chậm rãi và rõ ràng hơn.

- Vậy anh 73 tuổi rồi à?

- Vài hôm nữa đón mừng năm mới, tính theo tuổi Việt Nam thì phải là 74 lận!

Chị ấy xích lại gần, quàng tay sau lưng nắm chặt dây nịt HĐ của tôi và bảo:

- Ôi Bố ơi! Hãy khoác lấy vai con mà đi cho vững kẻo té bây giờ!

Trời tối nên không thấy chị ta già hay trẻ, nhưng tiếng nói còn trong trẻo. Qua câu chuyện được biết chị là một ALT của Philippines, đang làm Giảng viên một trường Đại học ở vùng này. Hiện chị đang phục vụ trong Reception and Tours committee của IST Camp. Chị đưa tôi đến một khu nhà thắp đèn sáng choang có đề: Module 2: AQUATIC, giới thiệu với các Trưởng ở đó và bảo:

- Commissioner SAM trọ ở một Bungalow tại Pook Ni Maria Makiling, ai có xe gắn máy thì đưa giúp Trưởng ấy về. Nhớ dìu lên tận nhà ở trên đồi kẽo Trưởng mắt kém vấp các bậc cấp rồi bị té!

Nói xong, chị siết chặt tay tôi và chào:

- Good Morning!

Tôi ngại nói Good Morning khi đã gần 10 giờ khuya nên nói:

- Cảm ơn chị! Mong được tái ngộ! bye-bye.

Các Trưởng ở căn cứ này đều là HLV bơi lội, họ mời tôi ngày mai đến xem sinh hoạt của module Aquatic, rồi dẫn tôi đi quanh xem các hồ bơi. Thì ra vùng này không phải chỉ có 1 hồ bơi gần nơi tôi ở trọ, mà còn có nhiều hồ lớn hơn chiếm hết cả 1 thung lũng nên tha hồ tổ chức những trò chơi dưới nước.

Một Trưởng dẫn xe Honda ra để chở tôi về. Mọi người ở đấy lại chào tôi: Good Morning!

Ngồi đằng sau xe, tôi nghĩ mông lung: quái lạ, các Thiếu sinh có thể kém Anh ngữ nên suốt ngày chào Good Morning; cớ sao chị ấy là Giảng viên Đại học mà cũng nói sai Anh ngữ.

Xe Honda ngừng ngay dưới bậc cấp lên nhà trọ. Tôi cảm ơn và định quay gót đi lên, anh bạn ấy bảo:

- Chờ tôi dựng xe rồi dìu Trưởng lên!

- Cảm ơn, không dám làm phiền Trưởng! Ở đây có đèn đủ sáng, vả lại quen đường, tôi có thể một mình đi lên được!

- Để tôi đưa Trưởng lên! Chị ấy đã cẩn thận dặn dò, nhỡ Trưởng vấp té, ngày mai chị ấy biết thì lột da tôi đấy!

Anh bèn kẹp tay tôi đưa lên tận cửa nhà, bắt tay Trưởng Nhân rồi lại chào chúng tôi cũng bằng 2 từ Good Morning!

Lại Good Morning, làm cả đêm trong tai tôi cứ lùng bùng 2 tiếng Good Morning. Và ngay trong giấc mộng tôi vẫn cảm nhận được tình huynh đệ HĐ thể hiện rất rõ trong những dịp Jamboree như thế này.

Sáng mai thức dậy, thấy anh Nguyễn Văn Đém đang đánh máy bài Good Morning gửi về cho Website “giupich.org” thì tôi mới hiểu sở dĩ các HĐS Philippines luôn miệng chào Good Morning không kể giờ giấc nào trong ngày vì quan niệm rằng đối với HĐ thì cuộc đời luôn luôn rạng rỡ như buổi bình minh. Thì ra mình kém lịch duyệt mà lại ngỡ người ta kém Anh ngữ!



Với tinh thần cầu tiến và theo ý nghĩa trên, tôi xin kết thúc bài này và chào các bạn: GOOD MORNING!

Sư tử đảm đương TTS


Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 5.39 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương