ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 10 chủ ĐỀ CÔng nghiệp quốc phòNG


I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH



tải về 323.85 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích323.85 Kb.
#29572
1   2   3   4

I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH


Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Công nghiệp quốc phòng được xác định là một bộ phận quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng; là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng - an ninh; tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 đã có một chương (Chương IV) quy định về vị trí, nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng (Điều 22); xây dựng công nghiệp quốc phòng (Điều 23); cơ sở trong công nghiệp quốc phòng (Điều 24); trách nhiệm quản lý công nghiệp quốc phòng (Điều 25).

Để thi hành các quy định tại Chương IV của Luật Quốc phòng về công nghiệp quốc phòng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2006/NĐ-CP ngày 24/4/2006 về công nghiệp quốc phòng.

Ngày 20 tháng 7 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 111/2007/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý về công nghiệp quốc phòng.

Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng đã được hình thành. Tuy nhiên, các văn bản đã ban hành vẫn chỉ quy định những nguyên tắc chung, chưa quy định cụ thể nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cũng như nguồn lực, chính sách của Nhà nước và cơ chế quản lý theo yêu cầu mới đối với công nghiệp quốc phòng.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 42/2006/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng, các cơ quan trong Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành liên quan được giao chủ trì triển khai biên soạn các văn bản hướng dẫn thực hiện. Nhưng do cơ chế quản lý chưa rõ nên đến nay tiến độ còn chậm. Các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, nhất là các văn bản quy định cụ thể về: thủ tục, điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng; cơ chế quản lý điều hành; vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng; chế độ chính sách đối với tổ chức, cá nhân phục vụ trong công nghiệp quốc phòng; hỗ trợ kỹ thuật mới, bảo vệ môi trường và đánh giá tác động của môi trường đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng. Việc quản lý, điều hành hoạt động công nghiệp quốc phòng còn nhiều bất cập.

Vì thế, việc ban hành Pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng để tạo cơ sở pháp lý xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là rất cần thiết.

Ban hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật Quốc phòng năm 2005, làm cơ sở pháp lý cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến tới xây dựng một đạo Luật về công nghiệp quốc phòng.

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành. Các quy định trong Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng phải phù hợp với nội dung, tinh thần các Nghị quyết của Đảng và các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công nghiệp quốc phòng, tạo được khung pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Nội dung Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng phải quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm xây dựng và quản lý công nghiệp quốc phòng, góp phần khắc phục những bất cập hiện nay của công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là cơ chế tổ chức, quản lý công nghiệp quốc phòng, tạo thuận lợi cho công nghiệp quốc phòng có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành một bộ phận của công nghiệp quốc gia, trong điều kiện hội nhập, mở cửa ngày càng sâu rộng và nước ta đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới (WTO).



II- BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LỆNH

Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII, phiên họp thứ 5 thông qua ngày 26 tháng 01 năm 2008.

Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng là văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật Quốc phòng năm 2005 về công nghiệp quốc phòng, làm cơ sở pháp lý về cơ cấu tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn từ nay đến năm 2012, để những năm tiếp theo xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành một ngành công nghiệp tiên tiến, từng bước hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng tạo ra một cơ chế mới về tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng. Đó là việc mở rộng đối tượng và phạm vi hoạt động sản xuất hàng quốc phòng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia. Hiện nay, các thành phần kinh tế và ngành công nghiệp của nước ta đang trên đà phát triển, các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn được hình thành khắp các vùng trong cả nước và hoạt động hiệu quả. Mặt khác, nước ta là một trong những quốc gia có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty, các tập đoàn kinh tế siêu quốc gia, xuyên quốc gia cũng đã và đang đầu tư lớn vào nước ta, hoạt động đa ngành, hình thành cơ cấu ngành kinh tế - kỹ thuật chủ chốt có khả năng “lưỡng dụng” hoá cao. Đồng thời, nước ta đã giữ mối quan hệ truyền thống, lâu dài với các nước có công nghệ tiên tiến trong suốt hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Vì thế Pháp lệnh ra đời tạo một cơ chế mở rộng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước và của nền kinh tế quốc dân cũng như kết quả của việc hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học kỹ thuật tiên tiến để xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng. Pháp lệnh cũng tạo ra cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, các ngành nghề mang tính đặc thù của công nghiệp quốc phòng và chính sách ưu đãi đối với người lao động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng xác định lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng theo chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng, để công nghiệp quốc phòng hoà nhập vào công nghiệp quốc gia; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và quản lý công nghiệp quốc phòng, khắc phục những bất cập hiện nay về cơ chế tổ chức quản lý công nghiệp quốc phòng, tạo thuận lợi cho công nghiệp quốc phòng có bước phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập của công nghiệp quốc gia.

1. Bố cục của Pháp lệnh:

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng gồm 7 Chương, 27 Điều, cụ thể như sau:



- Chương I . Những quy định chung

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; vị trí, nhiệm vụ; nguyên tắc xây dựng và phát triển; nghiên cứu khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng và các hành vi bị nghiêm cấm.



- Chương II. Tổ chức, hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định các loại cơ sở công nghiệp quốc phòng; hoạt động của các cơ sở công nghiệp quốc phòng; Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng và đặt hàng quốc phòng.



- Chương III. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

Chương này gồm 4 điều (từ Điều 12 đến Điều 15) quy định về xây dựng và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng.



- Chương IV. Nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 16 đến Điều 20) quy định về nguồn vốn đầu tư phát triển; nhân lực; vật tư kỹ thuật; phục vụ công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng.



- Chương V. Chính sách đối với công nghiệp quốc phòng

Chương này gồm 3 điều (từ Điều 21 đến Điều 23) quy định về chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp quốc phòng động viên; chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong công nghiệp quốc phòng.



- Chương VI. Quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng

Chương này gồm 2 điều (Điều 24 và Điều 25) quy định nội dung quản lý nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng; trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghiệp quốc phòng.



- Chương VII. Điều khoản thi hành

Chương này có 2 điều (Điều 26 và Điều 27) quy định hiệu lực thi hành, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.



2. Nội dung cơ bản của Pháp lệnh

2.1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

2.1.1 Phạm vi điều chỉnh:

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng quy định nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; chính sách đối với công nghiệp quốc phòng; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng.

2.1.2. Đối tượng áp dụng:

Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam , tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Trong điều kiện hiện nay, nước ta đã tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), để đẩy mạnh tiến trình công nghiệp, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, trong đó có vấn đề hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng cần có cơ chế mở để thực hiện. Vì vậy, Pháp lệnh đã quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh động viên công nghiệp.

2.1.3 Về nguyên tắc: Pháp lệnh quy định bốn nguyên tắc sau:

- Thứ nhất, Công nghiệp quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

- Thứ hai, Công nghiệp quốc phòng tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.

- Thứ ba, Công nghiệp quốc phòng phải phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

- Thứ tư, Công nghiệp quốc phòng phải tự chủ, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

2.1.4. Về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh xác định:

- Công nghiệp quốc phòng là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; là bộ phận của công nghiệp quốc gia.

- Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ:

Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng;

Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vấn đề trên được quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh.

2.1.5 Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng xác định các nguyên tắc hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng bao gồm:

- Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Bảo đảm bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;

- Ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng;

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự; quy chế xuất nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng và các quy định khác liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

Về nội dung hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng bao gồm:

- Thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước;

- Trao đổi thông tin, tài liệu kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng;

- Các hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất, sửa chữa lớn, hợp tác nghiên cứu ứng dụng, triển khai sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng;

- Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng.

1.1.6. Các hành vi bị nghiêm cấm

Pháp lệnh cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:

- Tiết lộ bí mật nhà nước về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp quốc phòng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh.

- Phá hoại, mua, bán, tặng, cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.

- Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và sản phẩm chuyên dụng do công nghiệp quốc phòng sản xuất.

- Chiếm đoạt, sử dụng và chuyển giao trái phép những thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

- Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp quốc phòng.



2.2. Về tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh quy định có 2 loại hình: cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (hiện do Quân đội đang trực tiếp quản lý) và cơ sở công nghiệp quốc phòng động viên (là những cơ sở công nghiệp ngoài quân đội). Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khác khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ thì đều có thể được tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Đây là cơ chế tổ chức để mở rộng phạm vi hoạt động sản xuất hàng quốc phòng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước và của nền kinh tế quốc dân để xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng phù hợp với thực tế.

2.2.1 Cơ sở công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh quy định Cơ sở công nghiệp quốc phòng bao gồm:

- Cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật được Nhà nước đầu tư phục vụ quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý ( sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt).

Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có nhiệm vụ:

Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng theo đặt hàng hoặc giao kế hoạch; Hướng dẫn chuyển giao công nghệ, đào tạo, huấn luyện nhân lực, chuẩn bị động viên công nghiệp; Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm theo yêu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị khi đất nước chuyển sang thời chiến; Liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế để sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh và tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

Lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo Chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng do Chính phủ quy định;

- Cơ sở sản xuất công nghiệp được Nhà nước đầu tư xây dựng năng lực sản xuất phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp động viên).

Cơ sở công nghiệp động viên có nhiệm vụ:

Trong thời bình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản, sản xuất thử để duy trì năng lực thiết bị dây chuyền; tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng; Thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp.

2.2.2. Tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng của các tổ chức, cá nhân

Pháp lênh quy định về hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của các tổ chức, cá nhân cụ thể như sau:

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng là tổ chức không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 7 Pháp lệnh này (cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp động viên) và cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh do Chính phủ quy định.

Điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2.2.3 Về đặt hàng quốc phòng

Pháp lệnh quy định cụ thể về thẩm quyền đặt hàng quốc phòng như sau:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch đặt hàng quốc phòng, điều kiện đặt hàng, danh mục, giá sản phẩm, dịch vụ và thủ tục thanh toán.

- Bộ Quốc phòng thực hiện đặt hàng quốc phòng với tổ chức, cá nhân để sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

2.3.1 Về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh quy định việc quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, tiên tiến;

- Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng cần theo những căn cứ như sau:

- Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

- Chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho lực lượng vũ trang nhân dân;

- Quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Nội dung quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm;

- Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng;

- Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

2.3.2 Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh quy định:

- Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trình Chính phủ.

2.3.3 Về xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện.



2.4. Nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh quy định nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm nguồn vốn, nhân lực, nhập khẩu, đất để đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, cụ thể như sau:

2.4.1. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

- Ngân sách nhà nước;

- Quỹ phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt;

- Đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh.

Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng phải thực hiện theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

2.4.2. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng

Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

- Những người có ngành nghề và trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, có nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng;

- Cán bộ, công chức và công nhân trong và ngoài quân đội được cấp có thẩm quyền điều động vào phục vụ trong tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng;

- Lao động hợp đồng.

2.4.3. Nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng

- Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với việc nhập khẩu các loại vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp quốc phòng mà trong nước chưa sản xuất được, thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan lập Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu trình Thủ tướng Chính phủ.

2.4.4. Đất phục vụ công nghiệp quốc phòng

- Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp quốc phòng.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Pháp lệnh quy định việc nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, trong đó xác định Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan xác định và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng.

2.5. Chính sách của Nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng

 2.5.1. Đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, ngành nghề mũi nhọn và đặc thù của công nghiệp quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các dự án quan trọng trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

- Chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề tại các trường trong, ngoài quân đội và ở nước ngoài;

- Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật trong trường hợp bị thương

2.5.2. Đối với cơ sở công nghiệp động viên

- Các chính sách theo quy định của pháp luật khi chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp;

- Ưu đãi về thuế, chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi tham gia sản xuất hàng quốc phòng.

- Hỗ trợ ngân sách để đầu tư hoàn thiện công nghệ lưỡng dụng.

2.6. Về quản lý nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng

Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Đây là một bước trong lộ trình chuyển công nghiệp quốc phòng thành một bộ phận của công nghiệp quốc gia cho phù hợp với thực tiễn quản lý công nghiệp quốc phòng. Do vậy, theo quy định của Pháp lệnh, Bộ Quốc phòng ngoài chức năng là cơ quan đặt hàng quốc phòng, còn tiếp tục giúp Chính phủ tổ chức một cơ quan quản lý mới (dự kiến là Uỷ ban quốc gia về công nghiệp quốc phòng).

Chính phủ sẽ quy định lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng để thực hiện vấn đề này.


Phần thứ ba

GIỚI THIỆU CÔNG NGHIỆP

QUỐC PHÒNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

I. NGÀNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC


1. Vài nét về Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (COSTIND).

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thời kỳ những năm 50-60 của thế kỷ XX vốn được sự giúp đỡ, trang bị của Liên Xô nên ngay sau thời kỳ giải phóng, hàng loạt các cơ sở công nghiệp quốc phòng đã được xây dựng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc (Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cát Lâm). Những vũ khí, trang bị nổi tiếng thời kỳ đầu của Trung Quốc như ô tô quân sự "Hồng Hà", xe tăng Type 59, máy bay tiêm kích J-5, J-6, tên lửa phòng không "Hồng Kỳ-2", đều mang dấu ấn rõ nét của Liên Xô.

Sau một thời gian dài bị đình trệ về công nghệ, kỹ thuật và bị thu nhỏ về quy mô, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã trải qua quá trình cơ cấu lại một cách sâu rộng, trở nên tinh gọn, có khả năng đáp ứng hiệu quả hơn và tốt hơn các yêu cầu về công nghệ cao của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Trước tháng 3 năm 2008, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, gọi tắt theo tên viết tắt tiếng Anh là COSTIND, là một cơ quan ngang bộ thuộc Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, có nhiệm vụ hoạch định chính sách cho mua sắm quốc phòng và có vai trò như một cơ quan chịu trách nhiệm về việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ cho lĩnh vực quân sự. COSTIND được thành lập năm 1982 bao gồm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, Sở Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước và Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Trang bị thuộc Quân uỷ Trung ương. Năm 1998 có sự tổ chức lại của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, tiêu điểm chính của việc tổ chức lại là chia tách khối đặt hàng và khối cung ứng ra làm hai phần tách biệt, bộ phận cung ứng vẫn lấy tên COSTIND. Tháng 3 năm 2008 COSTIND đã được hợp nhất vào “siêu bộ” có tên Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và vẫn giữ vai trò quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng. COSTIND được đổi tên thành SASTIND (States Administration for Science, Technology and Industry for National Defence). Các tổ chức dưới sự quản lý của COSTIND nay là SASTIND gồm có 5 trường đại học, 2 viện nghiên cứu, và 10 tập đoàn kinh tế. Các tập đoàn kinh tế đó là:

- Tập đoàn công nghiệp hàng không số 1

- Tập đoàn công nghiệp hàng không số 2

- Tập đoàn công nghiệp Hoa Bắc

- Tập đoàn công nghiệp Hoa Nam

- Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc

- Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc

- Tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc

- Tập đoàn điện máy hàng không vũ trụ Trung Quốc

- Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc

- Tập đoàn kỹ thuật và xây dựng hạt nhân Trung Quốc




tải về 323.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương