Bùi Công Thuấn LỜi giới thiệU



tải về 0.91 Mb.
trang3/9
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích0.91 Mb.
#7718
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Nghe ông Ba kể rồi Thạch Hải kể, mọi người đều “ồ” lên ngạc nhiên. Mọi người đều nhận rằng gia đình ông Ba Hưởng thời gian qua đã được Trời Phật ban cho bao nhiêu việc tốt, nhưng rồi họ lại thắc mắc: Vị thần này là vị thần tôn giáo nào? Có đúng là vị thần này đã ban ơn cho gia đình ông Ba không? Tại sao chỉ độ trì gia đình ông Ba mà không giúp đỡ cho gia đình khác?

Ở làng chài này và cả làng nổi trên Hồ Tonlé Sap có nhiều gia đình đang sống rất nghèo vì hầu hết là dân lưu tán, không có giấy tờ gì nên không thể làm được việc gì. Họ kiếm ăn chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá. Những tháng bị cấm đánh bắt cá thì chỉ có cách bám theo du khách xin ăn. Trẻ con hầu hết phải thất học. Lâu lâu được các đoàn thể từ thiện ghé thăm, cho ít vật dụng, ít thùng mì ăn liền. Bao nhiêu người đau yếu bệnh tật phải chết tức tưởi vì không có tiền thuốc thang... Rồi họ suy luận, có thể là có người nào đó đã bí mật giúp đỡ nhà ông Ba, và ông Ba bịa ra câu chuyện này để che dấu họ.

Họ cũng đã từng nghe chuyện kể rằng, có những nhà truyền đạo, đến vùng dân nghèo làm việc từ thiện. Họ hứa nếu cải đạo thì sẽ giúp đỡ chuyện này chuyện khác. Số tiền giúp đỡ có khi đến năm, ba triệu đồng. Họ giúp sửa nhà, giúp trả nợ, đóng tiền học cho con, cho vay vốn làm ăn, đặc biệt là những người đau ốm đang nằm viện. Những nhà truyền giáo tìm đến an ủi, giúp tiền thuốc thang.

Những việc từ thiện như thế tác động mạnh đến đức tin người bệnh và thân nhân họ. Từ đó họ dễ dàng nghe theo nhà truyền giáo mà cải đạo. Đành rằng, theo một tôn giáo nào đó là quyền tự do của cá nhân; đành rằng những việc từ thiện là tốt. Chẳng hạn nạn đói Ất Dậu 1945 ở miền Bắc, có những làng Công Giáo toàn tòng không ai chết vì giáo dân giúp đỡ lẫn nhau, trong khi những làng bên “lương” có rất nhiều người chết. Dù vậy, sự việc ở nhà ông Ba là rất đáng ngờ. Biết đâu lúc ở bệnh viện ông Ba đã được một tổ chức truyền giáo nào giúp đỡ, rồi dụ dỗ cải đạo, chối bỏ truyền thống của dân tộc. Dân làng chài kết luận: việc của gia đình ông Ba đây phải thưa trình lên chính quyền và chức sắc tôn giáo mới được.

Gia đình ông Ba đang trong bầu khí hân hoan, bỗng trở nên lo âu. Đã có nhân viên an ninh đến dòm ngó nhà, đã có những chức sắc tôn giáo đến thăm. Nhưng thực sự là họ quan sát cách sinh hoạt của gia đình ông Ba, quan sát những thay đổi ở gia đình ông để xác định những tin tức loan truyền trong dân thực hư là thế nào. Dù chưa thấy có gì khác lạ, nhưng sự hiện diện của một pho tượng lạ trong nhà ông Ba đủ là một bằng chứng không còn nghi ngờ.

Gia đình ông Ba Hưởng thực sự bối rối trong cách giải quyết pho tượng. Bà Ba nói với ông Ba:

- Ngay từ lúc thằng út đưa tượng về nhà, tôi đã sợ sự hiện diện của tượng lạ ở nhà. Các chức sắc sẽ biết, họ sẽ làm khó mình, biết đâu họ sẽ loại ra khỏi làng xã như đã tẩy chay những người cải đạo. Nhưng khi thấy thằng út đánh bắt được nhiều cá và ông khỏe mạnh trở về nhà nhờ vị nữ thần này cứu chữa thì tôi không biết phải làm sao.

Bà Ba lo lắng hỏi cha con Thạch Hải:

- Sự thể đã như thế này, giờ cha con ông tính sao?

Ông khẳng định:

- Mạng sống tôi coi như đã tận rồi, tôi được khỏe mạnh và lại trở về với gia đình là do vị phúc thần này cứu chữa, nên mạng sống tôi thuộc về vị thần này.

Bà Ba tỏ ra ái ngại:

- Người ta định làm khó nhà mình vì nghi ngờ ông định cải đạo? Nhưng ông có biết vị phúc thần này đạo nào không mà cải đạo?

Ông Ba ngẩn người ra một lát rồi gạt đi:

- Việc đó tính sau. Nhưng bà thử tính xem: đáng lý ra, hôm nay bà đã đưa tiễn tôi đi hỏa thiêu rồi, nhưng tôi được vị phúc thần này cho khỏe lại, thì ai cho tôi khỏe lại thì tôi thuộc về người ấy.

- Thế ông không nghĩ đến chuyện rắc rối sẽ đến với vợ con ông hay sao? - Bà Ba quyết liệt hơn.

Ông Ba bỗng nổi nóng:

- Bà nói rắc rối là rắc rối cái gì? Mình đã cải đạo gì đâu mà loại trừ mình, và nếu có cải đạo thì việc ấy có làm hại gì đến ai? Đó là chuyện riêng của mình, chuyện tâm linh không ai có quyền cấm cản, bà biết không. Sao lúc tôi ốm gần chết mấy người không đến cứu tôi đi? Còn bao nhiêu người nghèo kia, bao nhiêu trẻ con thất học kia, sao không thấy ai giúp đỡ họ đi. Nói gì cũng phải cụ thể! bằng hành động cụ thể! Dân làng chài này là dân lưu tán, mảnh giấy tùy thân không có, không làm gì mà sống nếu không lặn ngụp ở dưới sông kia. Tôi vì lao động kiệt sức mà phải vào viện. Họ đã không giúp đỡ tôi mà còn làm khó tôi, tôi không cam chịu đâu!...

Bà Ba biết không thể thuyết phục được ông Ba. Nỗi lo cứ lớn dần, bà nức nở khóc. Bà quay sang cậu út, bà hỏi:

- Còn con thì sao? Con có bỏ mẹ không?

Thạch Hải nghe ông Ba nói, anh thấy có lý có tình, nhưng Thạch Hải cũng thương mẹ, bà Ba không hỏi việc cải đạo mà tác động đến tình cảm của anh, làm anh khó xử:

- Con bỏ mẹ làm sao được - Cậu út đáp - Mẹ sinh con ra, nuôi dạy con khôn lớn đến giờ này, lúc nào mẹ cũng vẫn là mẹ con. Dẫu thế nào, con cũng không đời nào bỏ mẹ. Nhưng trong lúc này, nhờ vị phúc thần ẩn trong bức tượng kia, ba được khỏi bệnh đúng vào giờ con đưa tượng về nhà, thì điều ấy cho con biết chắc rằng, chính vị phúc thần ấy đã giúp gia đình mình.

Bà Ba có vẻ yên lòng hơn, nhưng vẫn không thôi lo lắng vì bà là một Phật tử. Các thông tin về ý kiến của các chức sắc tôn giáo và chính quyền làm bà luôn lo lắng, bà hỏi Thạch Hải:

- Con nghĩ sao việc kết án của các chức sắc?

Im lặng một lát, bà hỏi tiếp:

- Mình phải làm gì với pho tượng này?

Thạch Hải vốn mộc mạc chân chất, với lại anh còn nhỏ, chưa có giao tiếp xã hội nên nghĩ sao nói vậy:

- Mẹ để coi người ta làm gì mình cái đã. Mới chỉ là những thông tin không chính thức. Các thầy trong Chùa chắc sẽ không làm khó dễ mình, bởi mình có làm ác để tạo ra ác nghiệp trái với chữ Tâm của Phật đâu. Xưa nay mình vẫn sống lương thiện, vẫn cầu Trời cầu Phật, vẫn thờ ông Địa, ông Táo, thần sông thần núi, vẫn tôn kính những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước được phong thần, nào có chuyện gì đâu! Mẹ đừng quá lo!...

Ông Ba khẳng định thêm:

- Hơi đâu mà bà lo, việc tới đâu, hay tới đó. Bà cứ yên tâm. Đạo nào cũng cần cái tâm, cái lương tâm, cái lòng yêu thương con người. Phật tại Tâm. Tâm tức Phật. Mỗi chúng sinh là Phật sẽ thành. Những kẻ ác tâm dù có tu vạn kiếp thì vẫn phải vào cõi Ngạ Quỷ.

Nói vậy thôi chứ thực sự gia đình ông Ba Hưởng đang rất lúng túng trong việc xử lý pho tượng. Làm thế nào để không ảnh hưởng đến sinh hoạt và tình cảm tôn giáo của cộng đồng, nhưng cũng phải làm gì để không vô ơn bạc nghĩa với vị phúc thần trong pho tượng kia đã cứu giúp gia đình ông Ba.

Chưa bao giờ tôn giáo lại trở thành phức tạp trong gia đình ông và gây ra sự phức tạp cho cộng đồng, bởi ở đất nước này Phật giáo là quốc giáo, 95% người dân theo đạo Phật, họ cũng lớn lên trong truyền thống văn hóa Phật. Chỉ một đụng chạm nhỏ vào truyền thống văn hóa ấy sẽ có thể gây ra những hậu quả không lường hết được. Ông Ba Hưởng cố suy nghĩ để tìm một giải pháp, song sức khỏe chưa cho ông tập trung để suy nghĩ đến nơi đến chốn một điều gì. Ông cảm thấy đầu mình rất căng, đành phải hỷ xả. Chuyện tới đâu tính tới đó.

5

Việc gia đình ông Ba chưa giải quyết xong thì ngoài đường đã ồn ào tiếng người. Cả bà Ba và Thạch Hải chưa biết phải ứng xử thế nào thì một đoàn người rất đông đã đi vào sân nhà. Ông Ba Hưởng nhìn ra ngoài. Ông nhận ra có quý chức tôn giáo, có nhân viên an ninh khu vực, có cả những người vác máy quay phim và đeo máy ảnh nữa, chắc là nhà báo hay phóng viên truyền hình.

“Chà, thế này thì nghiêm trọng rồi. Rất nhiều người hiếu kỳ cũng đang chạy đến, chắc là họ muốn được lên tivi không chừng!”. Ông Ba biết chắc rằng chuyện rầy rà sẽ đến. Nhưng vì đã chuẩn bị tinh thần trước nên ông cũng vững tâm.

Ông Ba mời khách vào nhà. Nhà ông là nhà lá nhỏ chỉ đủ cho quý chức tôn giáo và nhân viên an ninh khu vực có chỗ ngồi làm việc. Họ ngồi tạm trên những chiếc ghế đẩu gỗ do ông Ba tự đóng. Những người quay phim đứng ở góc nhà để có thế quay bao quát được toàn cảnh. Người đến xem mỗi lúc một đông, họ đứng chật xung quanh nhà ông Ba. Anh em an ninh phải yêu cầu bà con giữ trật tự để các phóng viên báo chí truyền thanh truyền hình làm việc.

Sau khi tự giới thiệu và nói rõ mục đích làm việc, viên trưởng đoàn nói to trước mọi người.

- Theo yêu cầu của viên chức tôn giáo, chúng tôi đến đây để làm rõ những vấn đề sau đây: Trước hết là việc gia đình ông đưa tượng lạ về nhà, không rõ nguồn gốc tung tích, không rõ mục đích sử dụng tượng làm gì, ông mua hay ai cho ai tặng, có phải là do các phái đoàn truyền đạo nước ngoài tặng không. Việc thứ hai là việc ông bất ngờ khỏi bệnh. Có thực là trước đó ông bị bệnh trầm trọng không, việc ông khỏi bệnh diễn ra như thế nào, xin ông tường trình rõ. Thứ ba là việc cậu út mới tu ở Chùa về, liên tục đánh bắt được nhiều cá. Việc này là do kinh nghiệm học được nghề đánh bắt cá trong Chùa hay kinh nghiệm gia truyền của gia đình ông, hay một lý do nào khác, xin cho chúng tôi được biết, để tránh những đồn đoán duy tâm, xuyên tạc gây ra những hậu quả không tốt cho cộng đồng, nhất và làm xôn xao lòng dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự cộng đồng và sinh hoạt tôn giáo. Chúng tôi đại diện chính quyền và tôn giáo yêu cầu ông Ba trình bày rõ.

Vị đại diện nói bằng một giọng khá căng thẳng, tuy ngôn từ là rõ ràng và khách quan, nhưng ngầm trong giọng nói là sự răn đe, vì đặt ra những vấn đề không đúng với thực tế của gia đình ông Ba.

Ông Ba cảm thấy mình bị xúc phạm, ông muốn làm to chuyện, nhưng ông cố kiềm chế. Ông tự nghĩ: Mình cứ trình bày đúng sự thật, còn ai hiểu sao, nghĩ sao là quyền của họ. Nhưng ông buộc họ phải tôn trọng sự thật. Ông từ tốn trả lời. Các ống kính đều tập trung vào ông. Đèn “flash” chớp lia lịa. Lần đầu tiên bị đặt vào tình huống nghiêm trọng như thế này, ông có hơi bị khớp, người ta thấy tay ông run run, có thể là ông mất bình tĩnh, cũng có thể là ông chưa khỏe hẳn. Mọi con mắt người đứng xem đều nín thở, vì họ muốn biết thực hư câu chuyện thế nào và cách xử lý của chức sắc tôn giáo và chính quyền ra sao. Ông Ba nói rõ ràng, bình tĩnh:

- Thưa quý vị, việc tôi đau ốm, nằm cả tuần nay ở bệnh viện thì quý vị cứ đến bệnh viện xác minh. Chúng tôi có giấy ra viện do bác sĩ giám đốc bệnh viện huyện cấp hẳn hoi. Chẳng nhẽ tự dưng tôi lại muốn mình bệnh để vào bệnh viện nằm, hay chẳng nhẽ các bác sĩ lại không chẩn đoán được bệnh của tôi? Tôi nằm hai tuần lễ đâu phải có một ngày. Hôm xe cấp cứu đưa tôi đi, ở quanh đây có nhiều bà con chứng kiến.

Phía ngoài có tiếng ồn ào. Viên trưởng đoàn tiếp lời ông Ba:

- Việc ông Ba vừa trình bày, chúng tôi đã có chứng cứ. Trước khi đến đây, chúng tôi đã đến nhà thương, xin bác sĩ giám đốc và bác sĩ điều trị cho xem xét hồ sơ bệnh án nằm viện của ông. Chúng tôi đã nắm được ngày nhập viện, ngày ra viện, chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Ông bị bệnh phổi nặng, đã chuyển sang ung thư di căn. Nhưng chuyện ông khỏi bệnh bất ngờ, và xuất viện thực hư thế nào chúng tôi cần phải làm rõ.

Ông Ba Hưởng cười vui vẻ nói:

- Cám ơn quý vị đã làm chứng cho tôi. Quả thật, tôi đã được khỏi bệnh một cách lạ lùng…

Viên chức ngắt lời ông Ba:

- Chúng tôi nghe người dân nói rằng, ông khỏi bệnh là do được một vị phúc thần chữa cho. Vị phúc thần ấy ẩn trong một pho tượng ở nhà ông. Xin ông cho biết rõ sự việc.

Ông Ba Hưởng thấy đây là dịp cần nói cho mọi người biết để tạ ơn vị phúc thần, nên ông không ngần ngại nói sự thật:

- Đêm hôm trước ngày xuất viện, tôi trở bệnh đau nặng, mệt quá và thiếp đi. Tôi thấy một nữ thần rất phúc hậu, sáng láng đến nhà tôi và cầm tay tôi nâng tôi dậy. Ánh sáng từ áo của Người bao trùm tôi, tự nhiên tôi thấy khỏe, khi tỉnh ra thì vị nữ thần ấy biến mất từ lúc nào. Khi về nhà tôi thấy pho tượng của vị phúc thần ấy ở nhà. Con trai út của tôi nói rằng, nó mò được ở đáy sông trong lần đánh cá vừa rồi. Thưa quý ngài, sự thật là vậy.

Ngoài sân có tiếng xôn xao:

- Lạ quá! Linh quá!

Viên trưởng đoàn yêu cầu mọi người im lặng, ông ta có vẻ mềm dịu hơn sau khi nghe ông Ba Hưởng nói, vì nhận ra sự thành thực chân chất ở người trong cuộc. Ông ta nói:

- Thưa tất cả mọi người, đây mới là bước đầu phần tìm hiểu, xác minh của chúng tôi, còn kết luận thế nào phải chờ cấp trên. Chúng ta cần hết sức tôn trọng sự thật khách quan để vấn đề sớm được sáng tỏ. Chúng tôi ghi nhận lời ông Ba.

Quay sang Thạch Hải, ông trưởng đoàn nói:

- Theo như lời cha anh nói, thì anh là người vớt được bức tượng này ở sông. Anh nên nói rõ, anh vớt được như thế nào, hoặc nếu ai cho anh, thì anh cũng trình bày đúng sự thật. Người ta bảo rằng ai đó đã cho anh bức tượng khi cha anh đang nằm viện.

Thạch Hải thực sự lúng túng, bởi chưa bao giờ anh phải trả lời những việc ngoài sức tưởng tượng của mình. Anh vốn sống khép kín trong Chùa, mới trở về nhà được ít bữa, mọi chuyện còn bỡ ngỡ, và giờ phải đặt vào một tình huống hết sức nghiêm trọng. Anh cố định tâm rồi trả lời:

- Thưa quý chức, tôi mới ở Chùa về, đâu có quen ai ở ngoài đời. Tôi vừa về là cha tôi đi nằm viện. Nhà rất đơn người, chỉ có tôi và mẹ tôi. Mỗi ngày tôi cố sức đánh bắt cá để có tiền chạy thuốc cho cha tôi. Tôi cũng quăng chài và thả lưới như mọi người, chẳng có bí quyết gì hết. Hôm kia, lúc tôi sắp chèo thuyền về thì từ trong tâm tôi nghe có tiếng khóc dưới sông, tôi nhảy xuống xem có đứa trẻ nào trôi sông hay không, và tôi vớt được pho tượng này. Ngay sau đó là cha tôi xuất viện về nhà. Cha tôi bảo rằng trong giấc mơ, người thấy vị nữ thần đã chữa cha tôi khỏi bệnh giống như pho tượng này. Dạ, chuyện chỉ có vậy. Tôi đã khai đúng sự thật.

Viên trưởng đoàn thấy không có gì để khai thác thêm, nhưng vấn đề trung tâm bây giờ là pho tượng. Giải quyết vấn đề pho tượng là giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan. Ông ta hỏi bà Ba:

- Xin bà cho biết pho tượng này ở đâu mà có trong nhà bà.

Bà Ba biết rằng lời khai của bà rất quan trọng, vì bà là nhân chứng cho chồng bà và con trai bà, nếu lời khai của bà có điều gì mâu thuẫn với lời khai của chồng hay của con, chắc chắn vấn đề sẽ rắc rối thêm. Bà thành tâm cầu với vị phúc thần trong pho tượng cho mình nói năng được rõ ràng. Nãy giờ bà ngồi khép nép trong góc nhà, bà đứng dậy hướng về phía viên trưởng đoàn. Ống kính thu hình bây giờ tập trung vào bà. Bà Ba ăn mặc đơn sơ, áo bà ba nâu đã cũ, tóc búi cao, hai tay đan vào nhau rất chặt như để giữ bình tình. Nét mặt của bà hiền lành, chân chất. Giọng nói của bà cũng nhỏ nhẹ:

- Thưa quý chức, như mọi khi, con tôi vác về hai bao cá. Hôm ấy, ngày ông nhà tôi xuất viện về nhà, nó vác về ba bao, một bao để trên giường, hai bao cá tôi phụ nó đổ vào thùng cho con dâu đi bán. Rồi nó kể cho tôi nghe việc vớt pho tượng như đã kể cho quý vị vừa nghe. Tôi có nói với con: “Nhà mình thờ Phật, con liệu xem để đem bức tượng đi chỗ khác”. Nó bảo: “Không được, chẳng lẽ lại vứt tượng xuống sông?”, vì nó tin rằng vị thần trong pho tượng này đã cho nó đánh bắt được nhiều cá, và khi ông nhà tôi trở về, thì ông lại khẳng định chính vị phúc thần trong pho tượng này cho ông khỏi bệnh. Tôi bối rối chưa biết suy tính thế nào cho phải với thần linh.

Viên trưởng đoàn biết không còn gì để khai thác thêm, ông ta nói:

- Thưa cả nhà, chúng tôi đã ghi lời tường trình của ba người. Chúng tôi sẽ thẩm tra lại từ các nguồn tin khác nữa. Kết luận như thế nào sẽ làm việc với ông bà sau. Bây giờ chúng tôi xin tận mắt chụp hình bức tượng lạ và gia đình ông.

Viên trưởng đoàn dừng lại hỏi ông Ba:

- Ông có bằng lòng không?

- Chúng tôi sẵn sàng.

Thạch Hải mở cái mền trùm pho tượng ra. Mọi người dán mắt nhìn. Ống kính truyền hình vừa quay toàn cảnh buổi làm việc vừa lấy cận ảnh pho tượng lạ. Họ biết đây là pho tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu bên đạo Công Giáo. Gọi là pho tượng lạ vì pho tượng Công Giáo xuất hiện trong một nước mà Phật giáo là quốc giáo, không rõ nguồn gốc. Tượng lại do một người theo đạo Phật vớt được, và lại làm phép lạ ở một gia đình theo đạo Phật mà mọi người đã chứng kiến nhãn tiền.

Các phóng viên chụp hình xong, viên trưởng đoàn hướng về phía ông Ba hỏi tiếp:

- Ông thấy khỏe mạnh như lúc trước không?

- Thưa khỏe. Như các ông vừa điều tra bệnh án của tôi. Hoàn cảnh gia đình tôi: vợ yếu, con đông, công việc làm ăn khó khăn nên tôi phải làm việc cật lực cũng không đủ ăn, nên tôi bị lao phổi. Cứ chạy chữa được ít bữa, hết tiền, tôi lại lao vào công việc, nên bệnh tình càng ngày càng nặng. Lần nhập viện vừa rồi tôi nghĩ là chín mươi đến một trăm phần trăm tôi sẽ bị hỏa thiêu.

Nghe ông nói “hỏa thiêu”, bà Ba hắng giọng ho, sợ ông nói gở.

Ông Ba giơ tay chỉ bức tượng nói tiếp:

- Hôm nay tôi được khỏi bệnh là nhờ Bà này chữa tôi…

Bà Ba càng hắng giọng to hơn, rồi bà vội nói vào:

- Việc ông được khỏi bệnh phải để cho cấp trên quyết đoán, sao ông lại nói vội vậy?

Ông Ba định cãi lại vợ, nhưng ông thôi không nói nữa.

Thấy trời đã về chiều, nhà ông Ba lại tối, nên viên trưởng đoàn quay sang hỏi người con dâu:

- Chị là con dâu trong gia đình, chị là người bán cá do anh Hải đánh bắt, chị cũng là người chăm sóc cha chồng ở bệnh viện, chị có ý kiến gì về sự việc này?

Chị khiêm tốn trả lời:

- Ngày nào chú út cũng đem về hai bao cá ngon, tôi đem ra chợ bán cái vèo là hết. Ai cũng hỏi đánh bắt ở đâu được nhiều cá và toàn cá ngon như vậy, tôi nói chú út chài lưới ở ngoài sông như mọi người. Bán xong tôi đem cơm cho cha chồng tôi và chăm sóc người ở bệnh viện. Ngày nào tôi cũng hỏi bác sĩ về bệnh tình của người. Các bác sĩ đều ái ngại. Tôi lo lắm.

Hôm cha tôi xuất viện, hôm đó khoảng hơn chín giờ sáng, tôi đem cơm cho cha tôi. Khi vào đến phòng, tôi thấy cha tôi đang quỳ ở dưới đất, nhìn lên trời vái lia lịa. Có ai đó nói chắc cha tôi điên. Tôi chạy lại đỡ cha tôi dậy, nhưng cha tôi la lên: “Cha hết bệnh rồi”.

Sau đó các bác sĩ chạy đến, họ xét nghiệm lại và cho cha tôi xuất viện. Thưa quý chức sự việc là như thế.

Bà Ba tiếp lời con dâu:

- Thưa quý chức, nhờ con dâu tôi mà gia đình tôi mới có ngày đoàn tụ này. Cách đây mấy tuần, ông xã nhà tôi đau nặng phải đi nhà thương, cháu út nhà tôi mới đi nghĩa vụ tôn giáo về. Gia đình chúng tôi túng quẫn quá phải để cháu đi chài, may ra có kiếm được chút ít gì để phụ vào ăn uống cho qua ngày. Không ngờ sau ít ngày làm ăn, cả tuần lễ nay, ngày nào cháu cũng đánh bắt được vài bao cá. Con dâu nhà tôi đem ra chợ bán, nên tiền thuốc men cho ông nhà tôi có phần đỡ hơn, rồi con dâu tôi ở lại chăm sóc cha chồng thay tôi…

Viên trưởng đoàn hỏi tiếp:

- Vậy khi bà thấy cậu út này đưa tượng về nhà, bà có ý kiến gì không?

Bây giờ bà Ba đã bình tĩnh hơn vì thấy thái độ của viên trưởng đoàn đã có vẻ thân thiện:

- Nhìn thấy thằng út đem tượng lạ về, tôi đã hoảng hồn kêu Trời Phật và vội vàng đóng cửa lại. Tôi sợ có tượng lạ, Trời Phật sẽ phạt, và sợ người ngoài nhìn thấy tượng lạ vào nhà, người ta báo cho quý chức thì không biết phải khai báo thế nào. Tôi đã nói thằng út đưa tượng trả về chỗ cũ, nhưng nó không chịu. Thằng út kể tất cả những điều lạ lùng trước, đang và sau khi thấy tượng. Nó bảo gia đình tôi đã nhận được nhiều ơn phúc, nên nó không chịu đưa tượng đi. Chúng tôi đang tính đi lên nhà thương hỏi ý kiến ông nhà tôi thì bất ngờ ông xuất viện về nhà. Mọi chuyện thì các ông đã rõ rồi đó.



6

Câu chuyện bức tượng lạ đưa về nhà ông Ba Hưởng tưởng chừng đã dừng lại; nhưng chính từ gia đình ông Ba Hưởng xuất hiện những điều lạ đã gây xáo trộn và sợ hãi trong đời sống tôn giáo xóm chài. Các viên chức tôn giáo trong xóm rất khó chịu, họ muốn tìm ra sự thật để chặn đứng sự hoang mang trong dân. Vì thế, trong đoàn đến nhà ông Ba Hưởng thẩm tra vừa rồi đã có các viên chức phụ trách tôn giáo ở làng chài, có cả chức sắc cấp cao hơn. Họ nghĩ rằng đây có thể là một hoạt động cải đạo, bằng cách giúp đỡ người bệnh và phao lên chuyện phép lạ, để thu hút sự hiếu kỳ, mê tín trong dân. Nhưng họ đã thất vọng.

Các cơ quan báo đài và viên an ninh đã đến nhà ông Ba Hưởng để làm sáng tỏ vấn đề, nhưng đã không được như ý. Gia đình ông Ba Hưởng đã khai báo rất thành thật và rất rõ ràng, không có chỗ nào mờ ám, ẩn khuất, cũng không có bóng dáng nào của nhà truyền đạo, cũng chưa có sự cải đạo nào. Còn sự hiện diện của pho tượng là một sự thật không thể chối cãi. Tượng cũ, đã hoen rỉ và trầy xước, không phải tượng mới đúc để đem tặng. Báo đài đã tường thuật khá khách quan sự thật ở nhà ông Ba Hưởng. Họ cũng tường thuật cả những người được ơn lạ khi cầu xin tượng nữ thần. Cũng có thể có những chuyện được người dân “thổi phồng” lên không kiểm chứng được, nhưng được báo, đài tường thuật, đã tác động rất mạnh vào dư luận. Thay vì ngăn chặn sự lan tỏa những tin tức về pho tượng, báo đài lại làm cho những tin tức này lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn.

Gia đình ông Ba Hưởng sau những ngày “thử thách” đã trở lại bình an. Bà Ba không còn bắt chồng và con phải đem tượng đi nơi khác. Còn cha con ông Ba một lòng thành kính biết ơn vị phúc thần ẩn trong pho tượng. Vì nhà chật chội, lại có bàn thờ Phật của bà Ba, ông Ba đã đặt tượng ra ngoài sân, trên một tảng đá lớn, có mái che mưa nắng và ngày ngày thắp nhang vái tượng. Ông không biết tụng kinh hay làm nghi thức gì để bày tỏ niềm tin tâm linh của mình, nhưng ông tin rằng chính nữ thần trong pho tượng này đã cứu giúp ông. Có một điều đến nay chưa giải thích được, là theo lời kể của Thạch Hải, nơi khúc sông vớt được tượng lại có tiếng khóc của trẻ con vang lên trong tâm mình. Quan sát kỹ pho tượng, cha con ông Ba suy đoán rằng, tiếng khóc trẻ con chắc là của em bé được bồng trên tay vị nữ thần. Nhưng sao lại là tiếng khóc mà không là một âm thanh nào khác? Hẳn là phải có một thông điệp nào chăng? Hàng ngày khi thắp nhang trước pho tượng, cha con ông luôn nghĩ đến điều ấy.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà ông Ba Hưởng đã trở thành nơi có nhiều khách từ phương xa lui tới. Họ là khách hành hương. Lúc đầu thỉnh thoảng có một vài người, sau người ta đến càng lúc càng đông. Ông Ba phải thu dọn sân sạch sẽ, che thêm mái lá cho mát chỗ đứng của khách những lúc nắng mưa.

Thế là từ đó, nhà ông Ba Hưởng trở thành một điểm đến của các Tour Du Lịch xứ Chùa Tháp. Khách du lịch từ thủ đô Phnom Penh ra thăm đảo “Hy Vọng”, không Tour nào là không có khách đến viếng tượng Đức Mẹ làm phép lạ. Họ đến để xin ơn, và nhiều người trong số họ đã được ơn riêng.

Làng chài trở nên náo nhiệt. Các quán giải khát bắt đầu mọc lên. Có cả những người bán hoa tươi, vì khách du lịch thường mua hoa đặt dưới chân tượng Đức Mẹ. Người ta cũng tự nguyện thắp đèn cầy và đọc kinh chung, rất thành kính. Ông Ba Hưởng không hiểu biết gì nhiều về tôn giáo, ông chỉ nghe người ta nói: khách hành hương là người Công Giáo ở khắp nơi tìm đến, phần nhiều là người Việt ở trong nước sang và người Việt ở Pháp, Mỹ, Úc đi du lịch Campuchia. Đã có một vài chức sắc của một họ đạo ở nhà thờ Arey Ksath đến đây. Họ đã ngỏ ý xin đưa pho tượng về Giáo xứ, nhưng ông Ba không chịu. Với ông, pho tượng Đức Mẹ là một ân nhân. Ngài đã cứu ông khỏi cái chết hiểm nghèo, vì thế ông phải hết lòng biết ơn Ngài.

Hàng ngày, ông dùng khăn mềm lau sạch bụi bám trên tượng, thu xếp hoa tươi khách hành hương để lại, để vào một chỗ trang trọng. Ông cũng giúp đỡ khách hành hương những nhu cầu cần thiết. Thái độ của ông cung kính, nhiệt thành, khiến khách hành hương tưởng ông là người có đạo.

***

Những năm gần đây, người Việt trong nước đi du lịch nhiều. Do ít tiền, họ sang những nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, vừa gần gũi về văn hóa, vừa tranh thủ thời gian. Đó cũng là một nét sinh hoạt trong xu thế toàn cầu hóa và trong khối Asean. Có đi thăm các nước bạn, người Việt trong nước mới hiểu rõ mình hơn. Quả là Việt Nam được trời cho thiên nhiên đẹp. Thật đáng tự hào. Suốt từ Bắc chí Nam, nơi nào ở Việt Nam cũng có thắng cảnh, có thể khai thác du lịch. Có điều chúng ta chưa biết cách làm. Khi du khách đến Thái Lan, các công ty tổ chức Tour cho các thiếu nữ xinh đẹp mặc quốc phục chào đón và chụp hình với khách ngay từ bước chân đầu tiên xuống xe. Họ kết hợp du lịch văn hóa với tham quan mua sắm, và họ móc tiền túi du khách bằng đủ loại dịch vụ.



Du lịch Campuchia còn sơ sài. Chủ yếu họ dựa vào Angkor Wat và AngKor Thom ở Siem Reap, biển Hồ Tonlé Sap và thủ đô Phnom Penh, một thành phố quen thuộc như ở Sài Gòn.



tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương