Bùi Công Thuấn LỜi giới thiệU



tải về 0.91 Mb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích0.91 Mb.
#7718
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Viếng thăm xứ Chùa Tháp dịp này có một phái đoàn từ Việt Nam tới. Trên chuyến xe đi du lịch có hai mẹ con bà Thiên Phước và Thiên Thanh. Qua tin tức trên báo đài, bà Thiên Phước được biết ở Campuchia người ta mới vớt được một tượng Đức Mẹ, và tượng đã làm nhiều phép lạ. Bà chú tâm tìm hiểu vấn đề bằng cách gặp gỡ những người đã đi Campuchia về kể lại. Họ nói tượng Đức Mẹ làm phép lạ ở Campuchia là có thật, không phải chỉ là tin đồn để câu khách du lịch. Họ đã đến tận nơi đặt tượng tại nhà ông Ba Hưởng ở xóm chài. Họ tả lại tỉ mỉ pho tượng và khung cảnh xóm chài. Họ cũng cho biết Campuchia là xứ Phật giáo, người Công Giáo rất ít, không có nhà thờ. Thế nên khi đến đây, du khách cần tôn trọng văn hóa Phật giáo của người dân Campuchia. Họ kể rằng ông Ba Hưởng rất thân thiện, ông sẵn sàng kể lại việc con ông vớt được tượng và ơn lạ ông được Đức Mẹ chữa khỏi bệnh cho mọi người nghe. Ông không ngớt lời ca khen Đức Mẹ. Ông nói, trong giấc mơ ông thấy Đức Mẹ đẹp lắm, không gì ở trần gian sánh bằng…

Nghe những lời ấy bà Thiên Phước thấy náo nức trong lòng, bà muốn đi hành hương Đức Mẹ ở Campuchia ngay, nhất là khi nghe những người xin khấn Đức Mẹ được ơn lạ. Đặc biệt là những người hiếm muộn con cái. Bà đã đến bàn bạc với Cha Phương Bảo về việc bà muốn đi viếng Đức Mẹ ở Campuchia.

Cha Phương Bảo là chánh xứ Russeykeo hiện nay thay Cha cố Gioakim Hồ Quang, nguyên chánh xứ đã về hưu. Ngài là chỗ rất thân quen của gia đình, gần như mọi việc trong gia đình, bà Thiên Phước đều gặp gỡ và xin Cha chỉ dạy. Cha coi ông bà Thiên Phước là ân nhân của Giáo xứ. Ông bà đã dâng hiến cho Giáo xứ một mặt bằng gần 20 hecta để làm trung tâm hành hương Đức Mẹ.

Giáo dân Việt Nam có lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đấng bầu cử cho con cái Người trước mặt Đức Giêsu Con Thiên Chúa. Chạy đến Mẹ chắc chắn là được Mẹ cứu giúp, nhất là với con dân Giáo xứ mới được Đức Mẹ cứu thoát nạn diệt chủng ở Campuchia.

Làm một trung tâm hành hương Đức Mẹ để tạ ơn và cầu xin Người ban hòa bình cho đất nước, ban bình an cho mọi người thoát khỏi cảnh chiến tranh, hủy hoại sự sống, phá thai, chà đạp nhân phẩm… là một khát vọng của mọi giáo dân. Giáo xứ đã tiến hành công việc từ năm đến sáu năm nay, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, công trình chưa hoàn thành được…

Hôm nay đứa con gái lớn là Thiên Thanh, niềm hy vọng lớn nhất của gia đình bà đang rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng. Bà đã chạy chữa hết cách nhưng vẫn không kết quả; Thiên Thanh ngày càng trầm uất. Bà Thiên Phước đến xin ý kiến chỉ dẫn của Cha Phương Bảo. Bà biết rằng những việc con người trần gian không làm được thì Thiên Chúa làm được. Trong thâm tâm, bà định đưa Thiên Thanh đi Campuchia khấn tượng Đức Mẹ làm phép lạ, nhưng bà không biết đường đi nước bước thế nào. Lại nữa, việc tâm linh cần được Cha linh hướng chỉ dạy, nếu không dễ lầm lạc thành mê tín dị đoan.

Cha Phương Bảo là người biết nhiều về Campuchia, chắc Cha sẽ giúp bà được nhiều trong chuyến đi sắp tới.

Cha Phương Bảo cũng là người rất yêu mến Đức Mẹ. Ngài là Cha xứ của Giáo xứ Russeykeo, giáo xứ của người Việt hồi hương vì bị nạn “cap duồn” những năm 1970. Ngài đang cùng với giáo dân xây dựng trung tâm tôn kính Đức Mẹ.

Theo sự hướng dẫn của Cha Phương Bảo, bà Thiên Phước phải rất kín đáo, không tiết lộ việc bà sẽ đi đâu, làm gì cho ai, nhất là đối với Thiên Thanh. Bà chỉ làm một việc thường lệ là vào dịp hè, bà đi du lịch. Lần này, bà theo đoàn hành hương đi du lịc, tour các nước Đông Nam Á.

Bà Thiên Phước đầy ắp hy vọng về chuyến đi. Bà tin rằng mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Cha Phương Bảo cũng hướng dẫn bà đôi điều về văn hóa Campuchia khi tiếp xúc với người dân ở đây, đặc biệt là sự tôn trọng phong tục tập quán và tín ngưỡng của họ. Đạo Phật là quốc giáo ở Campuchia, 95% người dân theo đạo Phật. Nhưng đa số họ không hiểu kinh Phật, vì kinh quá cao siêu. Người dân theo Phật là để giải hạn, để làm ăn gặp may mắn, gia đình được bình an, và khi chết được vãng sanh về Tây phương cực lạc v.v… chứ không phải vì giác ngộ chân lý Phật dạy. Ở đây không có nhà thờ, vì thế ngày Chúa Nhật và ngày thường bà Thiên Phước sẽ đọc kinh thay cho Thánh lễ…

Tuy nhiên, bà Thiên Phước gặp trở ngại khi nói chuyện với Thiên Thanh về chuyến đi này. Thiên Thanh viện đủ lý do để từ chối không đi. Nàng bảo, đang bận học và kỳ thi sắp tới, bận sinh hoạt các câu lạc bộ mà Thiên Thanh là thành viên phụ trách nhóm. Sắp tới, nhóm của Thiên Thanh phải tham gia nhiều chương trình trong các lễ hội (festival) văn hóa và du lịch… Bà Thiên Phước biết đó là cách Thiên Thanh từ chối không đi với bà. Bà cũng hiểu Thiên Thanh đang bị hút về phía thế tục, về phía xã hội. Sự phát triển tâm hồn đang bị lệch, bị mất thăng bằng, nếu không nói là đang lao dốc. Bởi nếu người ta cứ hướng ra bên ngoài, cứ lao về phía trước mà không nhìn vào nội tâm, thì một lúc nào đó sẽ đánh mất mình. Bà Thiên Phước thực sự lo lắng. Bà chạy đến xin Cha Phương Bảo can thiệp.

Cha Phương Bảo là người trước đây Thiên Thanh rất kính trọng và yêu mến, nhất là khi gia đình Thiên Thanh chuyển nhượng lại khu đất gần 20 hecta để làm trung tâm hành hương Đức Mẹ. Mỗi lần đi xem đất hay đo đạc, Thiên Thanh đều đòi theo Cha, nhiều lúc ông Hoàng Văn không vui vì muốn Thiên Thanh dành giờ học hành; nhưng vì chiều con, ông lại cho Thiên Thanh đi theo. Mục đích chính của Thiên Thanh là để gặp được Cha Phương Bảo và mong được nghe Cha chia sẻ nhiều điều về đời sống của người trẻ mà Thiên Thanh chưa biết. Cha có cách nói chuyện hút hồn người nghe.

Thường thì mỗi khi đi học về thăm nhà, Thiên Thanh đều vào thăm Cha Phương Bảo. Mối quan hệ của cha mẹ Thiên Thanh với Cha làm cho Thiên Thanh thấy Cha Phương Bảo như là người thân ruột thịt của mình. Thiên Thanh còn tìm thấy ở Cha sự tin cậy về tri thức, về tâm linh. Bất cứ thắc mắc nào trong việc học tập, trong đời sống và cả trong hành đạo, Thiên Thanh hỏi Cha, đều được Cha chia sẻ thuyết phục.

Cha Phương Bảo cũng biết rằng, tuổi của Thiên Thanh là tuổi dễ gặp khủng hoảng. Từ 15 đến 25 tuổi, người trẻ rất dễ vấp ngã trong hành trình trưởng thành của mình. Đó là tuổi khao khát lý tưởng, giàu sức sáng tạo. Dám dấn thân nhưng dễ chao đảo, bồng bột và liều mạng. Thích tự mình khám phá và không thích bị áp đặt. Dám thử sức với mọi trở ngại dù chưa hề có kinh nghiệm. Dám đạp lên tất cả mà đi, nhưng lại rất dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Nhất là trong đời sống xã hội hôm nay, người trẻ sống thực dụng, sống cá nhân chủ nghĩa và chạy theo chủ nghĩa thế tục. Cha rất lo cho giới trẻ và đặc biệt quan tâm đến Thiên Thanh. Cha thường hỏi thăm ông bà Thiên Phước về Thiên Thanh khi lâu ngày không thấy Thiên Thanh về thăm nhà. Cha luôn dõi theo sự trưởng thành về đời sống tâm linh của Thiên Thanh.

Nhưng từ khi gặp “tai nạn tôn giáo” đến nay, Thiên Thanh rút vào phòng kín, ít tiếp xúc với ai và rất ít khi Thiên Thanh nhắc đến Cha Phương Bảo. Ở nhà, ông bà Hoàng Văn không hiểu thực sự điều gì đã xảy đến với Thiên Thanh. Chắc chắn không phải là chuyện thất tình, vì xưa nay đâu có nghe Thiên Thanh nói gì về bạn trai hay là dẫn bạn trai về giới thiệu với gia đình.

Chuyện này ông bà Thiên Phước đã nói rõ với Thiên Thanh. Ông bà khuyên con còn đang học thì không nên dính mắc vào chuyện tình cảm. Hơn nữa, hôn nhân là chuyện hệ trọng, cần tìm người cùng tôn giáo, người hiền lành đạo đức, người chịu thương chịu khó, ăn ở có tình có nghĩa. Không quan tâm giàu nghèo hay địa vị xã hội, quan trọng là con người. Thiên Thanh có vẻ nghe ra vấn đề và sống chuẩn mực, quan hệ có chọn lọc.

Còn chuyện học hành, ông bà Hoàng Văn luôn tôn trọng sự chọn lựa ngành nghề của con. Ông cũng khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, các nhóm từ thiện để có dịp phát triển năng lực và tập thực hành các nhân đức xã hội. Thiên Thanh sống rất thoải mái trong sự tin yêu của cha mẹ và của Cha Phương Bảo.

Bà Thiên Phước thấy khó có thể ép Thiên Thanh thực hiện kế hoạch bà đề nghị, nên bà phải nhờ đến Cha Phương Bảo trực tiếp gặp Thiên Thanh. Sau những thăm hỏi xã giao, bà thưa với Cha:

- Thưa Cha, Cha cứu con với. Con Thiên Thanh nhà con nó làm sao ấy. Con hỏi thì nó không nói, nó bảo nó không sao cả. Đi học về là nó rút vào phòng không tiếp xúc với ai. Nó dẹp hết ảnh tượng, chỉ để lại một cây Thánh Giá. Như vậy là sao, thưa Cha?

Cha Phương Bảo có vẻ suy tư. Cha hiểu rằng tuổi sinh viên là tuổi năng động. Thiên Thanh vốn dĩ là một cô gái trẻ trung sôi nổi. Chắc chắn là có chuyện gì hệ trọng không thể chia sẻ. Cha nói:

- Bà xem Thiên Thanh có bị đau ốm không, chuyện học hành có gì khó khăn không, hay là chuyện tình cảm khó nói…

- Thưa Cha không ạ. Cháu bình thường. Chuyện tình cảm thì con chưa nghe cháu đề cập đến bao giờ, với lại chúng con cũng “thoáng”, không cấm cản, mà chỉ hướng dẫn để cháu tự chọn lựa, mình là người Công Giáo, phải tìm người Công Giáo mà kết bạn. Khác tôn giáo thì rất khó.

- Bà nói phải. Cứ phải hướng dẫn cho con trẻ. Chắc Thiên Thanh có điều gì khó nói, lúc nào tiện, Thiên Thanh về, bà và Thiên Thanh vào tôi chơi.

Nhân ngày sinh nhật của Cha Phương Bảo, bà Thiên Phước đã rủ Thiên Thanh cùng đi mừng Cha. Thiên Thanh miễn cưỡng phải đi. Thiên Thanh biết sinh nhật của một người là rất quan trọng với người ấy và cũng rất quan trọng trong phép xã giao, Thiên Thanh không thể để cha mẹ thất lễ với Cha Phương Bảo được; vả lại, Cha cũng rất mến Thiên Thanh, xưa nay Thiên Thanh đâu có vắng mặt trong bất cứ lễ mừng nào của Cha bao giờ. Nhưng thực sự bây giờ Thiên Thanh không muốn gặp Cha Phương Bảo nữa, cô dường như đã hết quý mến Cha, và một lực cản nào đó cứ ngăn cô lại. Hình ảnh của Cha Phương Bảo trong cô bây giờ không còn giống như trước kia nữa.

Trước kia, Cha Phương Bảo là thần tượng của Thiên Thanh về mọi mặt. Ở Cha có nét thánh thiện của một vị mục tử hiền lành, bao dung; có nét thanh thoát của một nghệ sĩ tài hoa và có sự uyên bác của một trí thức bậc thầy về trình độ. Cha rất thấu hiểu tha nhân, biết lắng nghe và chia sẻ. Đó là một hình mẫu lý tưởng trong sâu thẳm tâm hồn Thiên Thanh mà khó có thể tìm thấy trong đời thực. Thiên Thanh tự đặt mình làm con chiên ngoan trong tay vị mục tử ấy, để ngài dẫn dắt; tự coi mình là học trò nhỏ của người thầy ấy mà học tập; và là người bạn rất thân có thể chia sẻ mọi điều, nhất là những khi có những vấn đề khó khăn trong tư tưởng.

Nhưng bây giờ Thiên Thanh không nhìn Cha Phương Bảo như vậy nữa. Mọi sự đã bị đảo lộn, đã bị bôi xóa nhem nhuốc. Những gì Thiên Thanh nhận thấy trước kia ở Cha Phương Bảo chỉ là bề ngoài, không thật, không phải như cô đã thấy, đã thầm ước mơ.

Chính Thiên Thanh cũng không ý thức được sự thay đổi ấy từ đâu và từ bao giờ. Có lẽ từ khi Thiên Thanh về thành phố học Đại Học. Từ khi Thiên Thanh gia nhập các nhóm bạn, đi sinh hoạt, thì tình cảm với Cha Phương Bảo cứ nhạt dần. Người ta bảo: “xa mặt cách lòng” là vậy. Thiên Thanh đi học Đại Học như con thuyền ra khơi. Khi rời xa tổ ấm gia đình, khi rời xa cái nôi tinh thần là Giáo xứ, khi rời xa những người thân yêu dắt dìu, thì hoàn toàn mất phương hướng. Trước mặt cô là hai chữ “tự do”. “Tự do” mênh mông! Hai tiếng ấy mới thật tuyệt. Bây giờ cô hoàn toàn có quyền sống cho mình và sống như mình mơ ước. Nhưng cô đâu có biết rằng con thuyền đức tin của cô bắt đầu trôi dạt về nơi vô định, quay quắt trong lầm lạc không sao thoát ra được. Và khi bão giông ập đến, nó sẽ bị nhận chìm.

Chương trình triết học, tôn giáo học, thuyết tiến hóa, khảo cổ học đã làm lung lay tận gốc những nhận thức của Thiên Thanh về tôn giáo.

Khảo cổ học tìm thấy nguồn gốc con người văn minh hôm nay ở Đông Phi cách nay hai trăm ngàn năm. Không có vườn địa đàng. Sáng Thế Ký chỉ là huyền thoại của người Do Thái. Không có A-đam, E-và ăn trái cấm, thì làm gì có tội tổ tông. Thuyết Tiến Hóa còn cho rằng loài người tách ra từ loài khỉ cách nay bốn triệu rưỡi năm. Không có chuyện Chúa dùng đất nặn nên A-đam và thổi hơi cho A-đam thành người sống. Tôn Giáo Học đứng trên lập trường khoa học duy vật thì lý giải rằng, tôn giáo là sự phản ánh hư ảo thế giới vật chất vào trong tâm hồn con người, rằng sự sợ hãi tạo ra thần linh. Sét đánh là do Thiên Lôi…

“Đất có thổ công, sông có hà bá”. Bao nhiêu tín ngưỡng, bao nhiêu lễ hội đều do con người tự đặt ra, tự huyễn hoặc chính mình. Chẳng hạn, có nơi thờ cá ông và tổ chức lễ hội cá ông hằng năm, người làm nghề biển tin rằng nhờ ông mà chài lưới được mùa. Người đi trên thuyền, trên tàu bị sóng to gió lớn vùi giập, cầu ông thì được ông độ qua khỏi sóng gió. Tín ngưỡng như thế chỉ là do ”sự sợ hãi” mà phát sinh. Ngày xưa còn có tín ngưỡng phồn thực, tức là tục thờ bộ phận sinh dục nam nữ mà người ta gọi là Linga và Yoni. Đối với con người văn minh hôm nay, đó là điều quái gở. Vậy mà ở nước Nhật hiện nay vẫn có lễ hội phồn thực, người ta rước một tượng tạc bộ phận sinh dục nam rất to đến đền để làm lễ. Trước đền người ta bán những cây chocolat, những quà lưu niệm hình Linga khách mua để cầu may…

Những hiểu biết lầm lạc ấy dẫn Thiên Thanh vào bóng tối của ma quỷ. Đức tin và khoa học trở thành một trận chiến trong đầu Thiên Thanh.

Không ai nói cho Thiên Thanh biết về bản chất của những giả thuyết khoa học. Giả thuyết chỉ là giả thuyết, giả thuyết sau lật nhào giả thuyết trước. Giả thuyết thì không phải chân lý. Thiên Thanh cũng không biết rằng khoa học hoàn toàn bất lực trước những vấn đề tâm linh. Không một khoa học nào biết được sự sống là gì, sự sống bắt nguồn từ đâu và sau cái chết, con người đi đâu. Và dù khoa học của con người tiến bộ đến đâu cũng không thể khám phá được những bí mật của vũ trụ vô cùng vô tận này. Dù là thuyết Big Bang hay thuyết đa vũ trụ, vẫn hoàn toàn bất lực trước những điều kỳ diệu phi thường của tạo hóa.

Thiên Thanh cũng không biết rằng, khoa học là con đường tìm kiếm chân lý, và chân lý khoa học phải được chứng minh. Vậy mà, chính khoa học phải dựa trên những cái không thể chứng minh. Toán học Euclide chẳng hạn, phải dựa hoàn toàn trên những định đề Euclide, là những tiền đề không thể chứng minh. Định lý bất toàn của Kurt Godel và nguyên lý bất định của Heisenberg đã chỉ ra rằng, không một hệ thống nào có thể hiểu chính nó, mà phải dựa vào những gì bên ngoài nó. Muốn hiểu vũ trụ thì phải đứng bên ngoài vũ trụ để nhìn, ai có thể đứng bên ngoài vũ trụ? Người ta phải dựa vào đức tin.

Như vậy khoa học và đức tin đâu có mâu thuẫn với nhau. Trí não con người quá nhỏ bé để nhận thức vũ trụ, nếu không nói là không thể hiểu được vũ trụ mênh mông đến như thế nào. Đáng thương thay Thiên Thanh không biết những điều cần phải biết.

Người ta dạy cho Thiên Thanh biết: linh mục chỉ là một tầng lớp thống trị và sống bám vào “con chiên”. Con chiên ngoan đạo là người biết cúi đầu cầu nguyện và thò tay vào túi móc tiền dâng cúng. Như cha mẹ cô đã dâng hiến đất cho nhà thờ, và cả tiền bạc nữa, để được gọi là “ân nhân”. Các vị linh mục ấy chẳng làm gì cho những con chiên “ghẻ”, như con chiên vùng sâu, vùng xa đói nghèo.

Thiên Thanh đã theo những nhóm Thiện Nguyện đi sinh hoạt, đi làm từ thiện. Nhóm trao đổi về mọi vấn đề của người trẻ, có cả giờ trao đổi về Kinh Thánh. Không khí hết sức cởi mở, dân chủ và thoải mái. Trong nhóm có hai sinh viên Hàn Quốc đang thực tập ở Việt Nam. Họ theo đạo Tin Lành. Họ rất cởi mở và năng động. Họ bảo, người theo Đức Giêsu là người sống yêu thương, quan tâm chia sẻ với người nghèo, chia sẻ cụ thể đồng tiền, chén gạo lúc ngặt nghèo, thăm viếng ủi an lúc bệnh tật khó khăn. Hành động ấy chính là rao giảng, không đứng trên bục giảng mà nói suông. Thời đại công nghiệp, tôn giáo cần phải bỏ những nghi lễ rườm rà phong kiến. Người theo Chúa chỉ cần một quyển Kinh Thánh là đủ. Lời Chúa là tất cả, đọc và suy niệm ở bất cứ chỗ nào cũng được, không cần phải đến nhà thờ. Chúa mạc khải cho những kẻ bé mọn, không cần phải linh mục mới giảng được Kinh Thánh.

Lại còn chuyện xưng tội. Nhóm bạn Thiện Nguyện nói, Chúa luôn dạy yêu thương và tha thứ. Chúa chịu đóng đinh, Người đã tha thứ và cứu rỗi tất cả, người theo Chúa không còn mắc tội gì. Và nếu có tội thì đã có pháp luật xử. Người theo Chúa, sống vì tha nhân, yêu thương tha nhân như chính mình thì làm gì có tội. Nếu cảm thấy có lỗi với anh em, thì cứ đứng giữa cộng đoàn, sám hối và chia sẻ. Ngày xưa các tông đồ theo Chúa có ai xưng tội với Chúa bao giờ. Họ đi rao giảng rồi về cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ kinh nghiệm, có người thành công, có người thất bại, có lần nào Chúa nào có bắt tội các ông ấy đâu…

Nhóm bạn Thiện Nguyện còn chỉ cho Thiên Thanh nhiều điều mà trước kia Thiên Thanh không được nghe. Họ nói, sau khi ông Giuse chết bà Maria đã tái hôn và sinh ra Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn, và Giu-đa (Mt 13,55). Thiên Chúa chỉ nương nhờ nơi Maria để nhập thể làm người chứ Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa. Luận điệu đó nhằm phủ nhận vai trò cộng tác của Mẹ Maria vào chương trình cứu chuộc của Chúa.

Những chuyện như thế Thiên Thanh không nghiên cứu Kinh Thánh nên không biết thực hư. Nhưng chuyện về các linh mục thì Thiên Thanh có thể kiểm chứng. Nhóm bạn nói: linh mục bây giờ người nào cũng sống đầy đủ tiện nghi hiện đại, có người đi xe con tiền tỷ, kết bạn với đại gia. Có ai đi chân đất và kết bạn với những kẻ khố rách áo ôm đâu. Họ nói, Kinh Thánh dạy rằng: Nước Trời là của người nghèo, chứ không phải là của người “có tinh thần nghèo khó”. Có người giải thích rằng: cứ làm giàu đi, rồi dùng tiền của phi nghĩa để mua Nước Trời, càng nhiều tiền gửi ngân hàng càng tốt, chỉ cần “có tinh thần nghèo khó” là được. Không phải vậy. Chúa khẳng định, kẻ giàu có vào nước Thiên Chúa khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Chúa bảo anh nhà giàu về bán tài sản chia cho người nghèo rồi theo Chúa, nhưng anh ta đi luôn. Chúa lại quyết liệt, rạch ròi: Không ai có thể làm tôi hai chủ. Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc. Chân lý là thế nhưng các vị mục tử có sống vậy đâu. Các ngài chỉ rao giảng thôi, còn người nghèo thì cứ sống tủi nhục trong hắt hủi.

Bạn sinh viên Hàn Quốc nói rằng: ở bên nước họ, tín hữu Tin Lành ở Nam Hàn được giáo huấn Lời Chúa để hiểu đạo, để rồi tin theo đạo, sống theo đạo, và dạn dĩ rao giảng Tin Lành của đấng Christ cho nhiều người khác. Nhiều tín hữu Hàn Quốc tin rằng sự thành công và thịnh vượng chính là dấu chỉ của ơn phước Chúa ban. Hai nhà Kinh tế học Robert J.Barro và Rachel McCleary cho rằng những xã hội có niềm tin cao độ và tỉ lệ đi thờ phượng Chúa cho thấy có tỉ lệ kinh tế tăng trưởng. Tin Lành là tôn giáo phù hợp nhất với thời đại công nghiệp, vì tôn trọng tự do của con người, đề cao tinh thần dân chủ và có sinh hoạt giản dị. Tin Lành thích ứng được với mọi hoàn cảnh vì có nhiều hệ phái, không tập trung như một tổ chức thống nhất toàn cầu. Ngày nay, người ta dễ dàng nhận thấy những nước có nền công nghiệp tiên tiến là những nước có đông người theo đạo Tin Lành như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Đức, Hà Lan…

Bị tiêm nhiễm những điều lầm lạc như vậy, đầu óc Thiên Thanh cứ rối tung lên và lòng đạo cứ nguội lạnh dần. Cô đi nhà thờ là theo quán tính. Cô nhìn linh mục cử hành Thánh lễ chỉ là những hành động có ý nghĩa biểu tượng, không có gì là linh thiêng. Tượng ảnh là giả tạo, đó chỉ là cục đá, khúc cây vô tri do người ta tôn làm thần thánh.

Rất tiếc là Thiên Thanh không đến những giáo xứ vùng sâu vùng xa, những giáo xứ không có nhà thờ, chỉ có nhà tạm, những giáo xứ ở miền Tây chẳng hạn, hay ở Tây Nguyên, để thấy người Mục Tử đã từ bỏ tất cả để theo Chúa chăm sóc đoàn chiên như thế nào. Thiên Thanh cũng không đến những trung tâm hành hương như Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Trà Kiệu, đền thánh Giuse, đền thánh Martin… để chứng kiến sức mạnh đức tin của hàng vạn, hàng vạn con người, có cả những người bên lương. Và để tự trả lời những vấn nạn của mình? Một người đã mù thì không thể nhìn thấy đường mà đi…

Có điều Thiên Thanh không nói với ai suy nghĩ của mình, bởi cô không còn tin ai nữa. Cuộc đấu tranh trong nội tâm cô đã tàn phá tất cả những gì được bồi đắp từ nhỏ. Và cô lâm vào trạng thái trầm cảm. Phải có một biến cố nào đó, thật mãnh liệt, như biến cố Damas thì may ra con mắt tâm linh của cô mới mở ra được. Còn bây giờ, tình cảnh tăm tối trong tâm hồn cô thật đáng thương.

Thiên Thanh đi với mẹ đến chúc mừng sinh nhật Cha Phương Bảo. Như một người mất hồn, Thiên Thanh trở nên thờ ơ và xa lạ.

Cha Phương Bảo đã được báo trước. Cha vẫn vui vẻ, nồng nhiệt và gần gũi như từ trước đến giờ. Cha hỏi thăm việc học và sự thăng tiến của Thiên Thanh. Cha không đả động gì đến những bất ổn trong tâm hồn Thiên Thanh, bởi lúc này Cha biết: nếu bùng nổ những bức xúc trong một tâm hồn đã nguội lạnh thì chỉ làm đổ vỡ thêm. Cần có thời gian để khâu vá một trái tim đã rạn vỡ. Cũng cần có những thực tiễn để Thiên Thanh nhận thức và tự giác ngộ. Con đường tự chứng ngộ là con đường đau khổ mà mỗi cá nhân phải vượt qua. Cha tin rằng ơn Chúa vẫn hằng đổ trên Thiên Thanh và Chúa Thánh Thần sẽ giúp cô vượt qua những cơn thử thách.

Cha Phương Bảo gợi ý cho Thiên Thanh đi du lịch và giúp Cha thu thập tin tức và hình ảnh để Cha viết sách. Khác với mọi lần, mọi đề nghị của Cha Phương Bảo đều được Thiên Thanh chấp nhận ngay cách hồn nhiên vui vẻ, lần này Cha phải cố nài nỉ, Thiên Thanh mới thuận ý. Cha Phương Bảo biết rằng, như thế là còn hy vọng. Thiên Thanh chưa hoàn toàn đánh mất gia đình, đánh mất những tình thân, và bây giờ phải thắp lửa tin yêu trong lòng cô để xua tan đi bóng đêm và băng giá. Cha hướng dẫn cho Thiên Thanh về văn hóa xứ Campuchia, về những địa danh trong Tour Du Lịch.

Thiên Thanh tỏ ra chú ý lắng nghe và thích thú về những câu chuyện Cha kể, vì những chuyện như thế, Thiên Thanh chưa nghe sách báo nào nói đến. Cha cũng chỉ cho bà Thiên Phước cách giúp Thiên Thanh trong cuộc viếng thăm tượng Đức Mẹ mới tìm thấy ở sông Mekong. Ngài chúc lành cho chuyến đi của hai người và chờ tin vui Thiên Thanh đem về.



7

Chuyến xe khởi hành lúc 4 giờ sáng, đến Tây Ninh lúc 7 giờ, dừng lại nửa giờ ăn đặc sản bánh canh Tây Ninh. Có người bảo, bánh canh có gì là đặc sản, ở Việt Nam, đâu mà chả có. Nhưng ở đây có cái riêng của chủ quán: Bánh tráng cuốn thịt heo luộc được thái to bản ăn với nhiều loại lá cây hái ở trong rừng. Bánh canh sợi mềm và ngon hơn, mỗi tô bánh canh có một cục thịt heo to. Sáng thức sớm, đói bụng mà làm một tô bánh canh nóng thì khỏe người. Khách du lịch ra vào quán nườm nượp, không khí có vẻ náo nức.

Bà Thiên Phước và Thiên Thanh chọn một bàn ngồi chung với những người cùng đoàn để làm quen. Xe đi sớm, trên xe ai cũng ngủ, chưa ai biết ai, trừ những người đi theo nhóm gia đình. Câu chuyện làm quen mới chỉ bắt đầu từ lúc khởi hành và đoạn đường lên Tây Ninh. Ai cũng than khổ:

- Xe chạy như rùa!

Tài xế bảo:

- Công an bắn tốc độ dữ lắm, bị bấm thẻ là treo niêu, vợ con cạp đất mà ăn.

Mọi người chép miệng cảm thông với bác tài, không ao nỡ cằn nhằn điều gì nữa. Nghề nào cũng có cái khổ của nó. Làm dân thì phải sống và làm việc theo pháp luật.

Một đoạn đường hơn trăm cây số mà xe chạy gần 4 giờ, và phải đóng tiền qua trạm bảy lần. Ai đó nói: “Cái đất nước mình nó vậy”. Thiên Thanh chỉ im lặng quan sát, nàng không thấy có cảm xúc, vì những chuyện như vậy với cô đã quá quen, không biết bên Campuchia có vậy không.

Sau khi rời quán bánh canh, xe trực chỉ biên giới đi cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh.

Hơn 9 giờ, xe dừng ở trạm Mộc Bài. Trong khi chờ làm Visa qua trạm, ai cũng tranh thủ chụp hình, sợ xe đi nhanh sẽ không kịp ghi lại kỷ niệm một lần xuất ngoại. Người đứng góc này, người xoay ống kính góc kia, cố chụp cho được cái cổng chào rất to và cột tháp rất cao. Cổng trạm có hình mái cong như hai bàn tay đưa lên, mang phong cách phương Đông. Tháp cao, trên ngọn có bánh xe công nông và những con chim hạc như trong trống đồng, nhưng nhìn xa như tháp của một ngôi Chùa có xa luân nhà Phật, tức là giống bánh xe luân hồi. Nhìn xa phía bên kia là đất nước Campuchia.

Những tưởng làm thủ tục thị thực Visa mất chừng một giờ là cùng, vậy mà Thiên Thanh phải chờ đến gần 11 giờ trưa mới qua trạm Việt Nam. Trời nắng, nóng như trong nhà mồ. Sao mà rùa quá, không chịu nổi. Chỉ có mỗi việc đóng dấu thị thực vài chục người mà mất 3 tiếng đồng hồ. Kiểu này sang trạm Campuchia mất 3 tiếng nữa là hết ngày.

Thiên Thanh cảm thấy bực bội, thời buổi computer kết nối Internet mà làm việc còn thế này thì bao giờ mới theo kịp người ta. Nghĩ vậy, nhưng Thiên Thanh chẳng biết nói với ai. Cho đến khi qua trạm phía Campuchia, cô mới thở phào nhẹ nhõm. Phía Campuchia họ làm rất nhanh. Du khách xếp hàng một, có bốn năm dãy làm thủ tục. Từng người một, đi qua camera chụp hình rồi đi ra, chỉ mất chừng 20 phút. Xe đón đoàn chờ sẵn ở cổng.



tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương