Bùi Công Thuấn LỜi giới thiệU



tải về 0.91 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích0.91 Mb.
#7718
  1   2   3   4   5   6   7   8   9
TIẾNG KÊU

Truyện dài

Bùi Công Thuấn

LỜI GIỚI THIỆU

Giáo phận Xuân Lộc được Đức Thánh Cha Phaolô VI thành lập ngày 14 tháng 10 năm 1965. Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Giáo phận luôn dành cho Đức Maria một sự tôn kính đặc biệt. Ước mơ có một trung tâm hành hương dâng kính Đức Mẹ luôn được các Đức cố Giám Mục ấp ủ. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi Đức Cha Cố Giuse Lê Văn Ấn, vị Giám mục tiên khởi, cho khởi công xây dựng trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu và tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng vào năm 1972, nhân dịp cử hành Năm Thánh Mẫu.

Đến năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo phận, đức Cha Cố Phaolô Maria đã trao cho Ban Xây dựng Giáo phận nhiệm vụ trùng tu hai công trình hành hương Bãi Dâu và tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng.

Công việc trùng tu được mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận tích cực hưởng ứng. Mặt bằng được mở rộng, các hạng mục công trình được đồng loạt tiến hành, bao gồm tượng đài Đức Mẹ, đường Thánh Giá, đường Mân Côi, đồi Calve, nhà thờ, nhà chầu Thánh Thể, nhà hành hương và hàng ngàn bậc tam cấp đi lên các công trình đang xây dựng. Công viên cây xanh, công trường, bãi đậu xe ở trung tâm Bãi Dâu đã được chỉnh trang.

Tại tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng, công việc cũng nhộn nhịp không kém. Hàng ngàn bậc tam cấp được xây dựng dẫn lên nhà nghỉ, trạm dừng chân, lên các công trình phụ, lên tượng đài, qua các chặng đàng Thánh Giá, nhà nguyện ở chân tượng đài, và theo 33 bậc trong lòng tượng lên đến tay Chúa Giêsu. Từ đây du khách có thể nhìn ra đại dương bát ngát.

Cả hai công trình tạm hoàn thành vào ngày 22 tháng 07 năm 1997, kỷ niệm 22 năm Giám mục của Đức Cha Cố Phaolô Maria.

Vào dịp đại lễ khánh thành hai công trình này, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tề tựu về trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Chúa, Đấng qua tay Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã ban cho Giáo phận phát triển mạnh mẽ về nhân sự, cơ sở và đời sống đức tin.

Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Giáo phận Bà Rịa được thành lập và tách ra từ Giáo phận Xuân Lộc. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu và tượng đài Chúa Giêsu núi Tao Phùng đã được trao lại cho Giáo phận mới. Cũng từ đó, Giáo phận Xuân Lộc không còn trung tâm hành hương. Đứng trước những nhu cầu mục vụ của một Giáo phận có số giáo dân đông nhất nước, việc xây dựng một trung tâm hành hương mới lại càng trở nên khẩn thiết hơn.

Sau một thời gian dài tìm kiếm, Giáo phận đã có được một mặt bằng gần 20 hecta ở Russeykeo, nơi có các giáo dân vừa thoát nạn diệt chủng về sinh sống và lập xứ tại đó. Vì thế, nơi đây được xem là nơi lý tưởng để xây dựng một trung tâm hành hương dâng kính Đức Mẹ và tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì thời gian qua Giáo phận đã được Chúa, qua sự bầu cử của Đức Mẹ, ban cho biết bao ơn lành. Vì thế Giáo phận cần có nơi để bày tỏ tâm tình tạ ơn và đền tạ. Giáo phận dự tính sẽ dâng kính trung tâm hành hương này cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bởi Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là ơn đầu tiên và cao trọng nhất mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, nâng con người lên địa vị cao trọng nhất; nhưng ngược lại, con người ngày nay khắp nơi trên thế giới đang vùi dập phẩm giá con người xuống vực thẳm bằng mọi phương thế, mọi thủ đoạn, cụ thể là việc bách hại các Kitô hữu, nạn phá thai lan tràn, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn diệt chủng… Nhưng tiếc rằng phần đất này không được chấp thuận vì nằm trong vành đai an ninh quốc phòng.

Gần đây, người ta vớt được hai tượng Đức Mẹ ở sông Mêkông, Campuchia: tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (2009) và tượng Đức Mẹ Mân Côi (2012). Đó là một sự lạ lùng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Cả hai tượng đều do những người bên lương vớt. Qua việc tôn kính các tượng này, nhất là tượng Đức Mẹ Mân Côi, nhiều người lương cũng như giáo nhận được ơn lành của Đức Mẹ.

Chúng tôi nhờ thầy Micae Bùi Công Thuấn là nhà giáo, nhà văn, dựa vào sự kiện vớt được tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và tượng Đức Mẹ Mân Côi ở Campuchia; và những vấn đề đang chi phối đời sống đức tin của giới trẻ Công Giáo; những dòng thác cuồng bạo đang nhận chìm nhân phẩm con người xuống vực thẳm, để xây dựng thành một tác phẩm, dóng lên tiếng kêu cảnh báo cho mọi người, đặc biệt trong giáo phận. Bằng việc cùng nhau chung lòng, chung sức xây dựng một trung tâm hành hương tại núi Cú (Cát Minh) để tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa qua việc Chúa đã ban Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội cho Đức Mẹ, kính Đức Mẹ và kính các thánh tử đạo Việt nam.

Mặt khác, nhờ cảnh sắc thanh khiết của thiên nhiên, con người sẽ lắng đọng tâm hồn nhìn lại mình, công việc của mình, để sám hối và đền tạ. Đồng thời cũng để làm việc bác ái, vực dậy sự sống cho những con người đã bị tổn thương bởi sự chà đạp quyền con người..

` Tòa Giám Mục Xuân Lộc ngày 19 tháng 3 năm 2014

Đa Minh Nguyễn Chu Trinh

Giám mục giáo phận Xuân Lộc

________________________________________

TIẾNG KÊU – truyện dài

DẪN VÀO TRUYỆN


Vấn đề quyền sống, quyền con người đã được đặt ra trong Kinh Thánh ngay từ đầu. Sách Sáng Thế Ký chép rằng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa…Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất’.” (St 1, 27-28). Như vậy, con người có phẩm giá thật cao quý vì con người mang hình ảnh Thiên Chúa và qua ơn cứu độ của đức Giêsu, con người được thánh hiến (Ga 17, 19). Con người cũng có quyền sống hạnh phúc vì được Thiên Chúa ban phúc lành. Thế nhưng ma quỷ, tội lỗi đã làm tha hóa con người. Con người bị bách hại, nhân phẩm bị chà đạp, sự sống bị hủy diệt. Dân Israel xưa từng bị Ai Cập bắt làm nô lệ nhiều trăm năm. Pharaon đã ra lệnh tàn sát các bé trai Do Thái ném xuống sông Nil… Đến thời Đức Giêsu, vua Hêrôđê lại ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em từ hai tưởi trở xuống ở Belem và tòan vùng lân cận.

Ngày nay, vấn đề quyền sống, quyền con người, vấn đề bảo vệ nhân phẩm vẫn là vấn đề của nhân loại. Bởi sự sống, nhân phẩm của con người vẫn bị xâm hại, bị chà đạp ở khắp nơi, tội ác đối với con người vẫn ngày càng man rợ.

Pho tượng Đức Mẹ vớt được ở sông Mekong, Campuchia, gợi ra nhiều vấn đề suy tư. Tại sao tượng Đức Mẹ lại xuất hiện ở Campuchia, nơi mà 95% dân số theo đạo Phật? Nguồn gốc tượng Đức Mẹ ở đâu mà trôi giạt về đây? Thông điệp từ bức tượng có ý nghĩa gì?
Để trả lời cho những suy tư ấy, tôi đã lần theo hành trình lịch sử truyền giáo đầy máu và nước mắt của các vị thừa sai, từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Tây Nguyên; và lịch sử Giáo hội tử đạo Campuchia trong nạn diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra những năm 1975-1978. Tôi cũng nhận ra điều này, hành trình khám phá ý nghĩa tượng Đức Mẹ Mekong cũng là hành trình tái khám phá đức tin Công Giáo, ấy là tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa và thực thi thánh ý của Ngài.
Tiếng Kêu là truyện dài nghiêng về bút ký, nhưng căn cốt vẫn là một truyện hư cấu. Tư liệu được sử dụng chỉ là chất liệu xây dựng tác phẩm. Truyện được chấp bút theo tâm nguyện của Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, hướng về việc xây dựng trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ ở đồi Cát Minh, Đồng Nai mà Giáo phận Xuân Lộc đang thực hiện.

Xin được chia sẻ với bạn đọc tâm nguyện thiết tha của Đức Giám Mục Đa Minh…

Bùi Công Thuấn

Ngày 19 tháng 03 năm 2014



1.

Truyện đọc trên Internet.

Việc vớt tượng Đức Mẹ ở sông Mêkông 2012 được một nam thanh niên người Việt làm việc tại Campuchia tường thuật lại như sau:

” Ông Phan Văn Hú sinh năm 1953, sinh sống tại xóm Arey-Ksath, xã Arey-Ksath, huyện L-vi-em, tỉnh Condal. Ông là người đạo Phật, trước đây ông làm nghề thợ lặn.

Đêm 18. 11.2012, ông chiêm bao thấy một tượng bằng đồng giang tay, hình thù một người thanh niên to lớn, ông nghe tiếng phát ra từ tượng đó: “Hãy vớt tôi lên, Tôi đang nằm dưới đáy sông Mekong, Tôi gần nơi mà các người đã vớt Đức Mẹ lần trước”. Ông vội vàng đi vớt lên, nhưng nặng quá ông phải thuê máy cẩu hết 300 dollars Mỹ mà vẫn không vớt lên được.

Nhưng đó chỉ là giấc chiêm bao.

Sáng sớm tinh mơ, ông ngồi quán café của người Công giáo, ông nói: Hôm nay tôi sẽ đi lặn vớt Chúa Giêsu lên, vì đêm qua tôi mơ thấy Chúa. Mọi người nghe ông nói bán tín bán nghi. Ông gọi hai người con trai của ông là Phan văn Ì và Phan văn Mận cùng đi với ông. Đến nơi ông đã chiêm bao, ông chỉ chỗ cho hai con xuống lặn tìm. Chỉ một lát sau anh Mận đã chạm vào tượng. Ba cha con dùng máy bắn bùn ra khỏi tượng rồi lấy dây cột và dùng cầu lắc cẩu tượng lên. Có khoảng 50 thanh niên tiếp sức đưa Đức Mẹ lên bờ,

Tượng được đưa về nhà thờ Arey-Ksath (Bãi Cải) để tôn kính. Lúc đó là 13 giờ chiều ngày 19/11/2012.

Ông Hú nói: Khi vớt được Đức Mẹ lên ghe, tôi có cảm giác không phải là tượng, nhưng là thân thể của một người đang sống như chúng ta. Tôi vừa mừng vừa run, và tôi thầm thì cầu xin Mẹ ban cho vợ tôi được khỏi bệnh vì vợ tôi mắc rất nhiều bệnh.“

Sự xuất hiện của pho tượng Đức Mẹ bồng Con Thiên Chúa đã cuốn hút khách du lịch đi Campuchia. Nhiều người đã tìm đến đây để cầu xin Đức Mẹ ban ơn lành. Nhiều người truyền tai nhau “Có một bà được vớt từ dòng sông Mê Kông lên rất linh thiêng, bất cứ ai đến xin ơn gì, bà ấy cũng ban cho”.


Câu truyện dưới đây do một người hành hương Đức Mẹ Mekong 2012 kể lại. Hơi khác một chút so với câu truyện kể của anh thanh niên Việt kiều ở trên. Nhưng pho tượng Đức Mẹ và những ơn riêng Đức Mẹ ban cho những ai cầu xin Đức Mẹ thì luôn được khách hành hương chia sẻ…

***


Thạch Hải đã thức dậy trước khi gà gáy sáng, anh chuẩn bị chài lưới để lên ghe sớm. Cha anh đang bị sốt đã đi nằm viện, vì thế anh cố đánh bắt nhiều cá để có tiền chạy thuốc cho cha. Cả tuần nay ngày nào anh cũng lưới được nhiều loại cá chỉ có vào mùa nước lũ. Chưa bao giờ cha con anh đánh bắt được nhiều cá như vậy kể từ ngày theo cha anh đi chài ven sông Mêkông, hoặc sau khi anh quy y theo nghĩa vụ nhà Chùa Khmer.

Thạch Hải nhớ lại thời gian anh được gửi vào Chùa tu học. Cha mẹ đưa anh đến Chùa, tham dự nghi lễ Bambous Neakh (Lễ xuất gia), xem lễ cạo đầu, ăn bánh ngọt và nghe tụng kinh hiều rồi ra về. Ở Chùa, hàng ngày Thạch Hải học kinh Phật, nghe lời các vị sư giảng kinh, thực hành các giới luật của Chùa. Thú thực là đầu óc non nớt của Thạch Hải hoàn toàn mụ mị trước những kinh điển cao siêu của Phật. Nhưng không khí yên tĩnh của Chùa làm cho tâm tính Thạch Hải điềm đạm hơn. Thạch Hải cũng được học một số môn văn hóa và võ thuật, được học nghề truyền thống như làm nông, đánh cá để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Ngoài những giờ học kinh, Thạch Hải cũng theo các thầy đi làm những công việc như một người bình thường. Trong Chùa vẫn thường xuyên diễn ra các buổi giao lưu cộng đồng cho phép mọi người đến chơi, trò chuyện. Sau ba năm, Thạch Hải hoàn tục, được cấp giấy chứng nhận. Thực ra anh vào Chùa là để trả hiếu cho cha mẹ, vì cha mẹ anh muốn vậy. Gia đình anh theo Phật như hầu hết mọi người ở đây, nhất là mẹ anh, bà rất sùng Phật. Bà siêng tụng kinh để được vãng sanh.

Mấy ngày vừa rồi Thạch Hải có hỏi mẹ về chuyện tại sao anh phải vào Chùa tu, nhưng rồi cũng không thấy mẹ anh nói gì, có lẽ tạimẹ không tu ở Chùa nên không biết chăng. Dường như đó là một tục lệ bắt nguồn từ một truyền thuyết, mà lúc còn ở trong Chùa, Thạch Hải được nghe kể. Thuở ấy, Đức Phật giảng kinh, cóù rất nhiều tăng và người dân đến nghe. Trong rừng, có con rồng tu luyện ngàn năm tên là Kalla Neakh - rồng Kalla. Nó biến hình thành một nhà sư trẻ lén đến Chùa, ngồi lẫn với các vị sư khác để nghe Đức Phật giảng đạo. Một lần, nó ngủ thiếp đi, trở lại nguyên hình là một con rồng làm mọi người khiếp sợ. Neakh xấu hổ và lặng lẽ rút ra đứng ở bên Chùa nghe kinh từ xa. Đức Phật thấy vậy, Ngài nói: “Ta biết con muốn tu học để trở thành người. Song, con phải nhớ rằng, tạo hóa đã sinh ra con trong hình hài như vậy, là vì muốn con phục vụ cho muôn loài. Con hãy về và làm công việc của con. Để ghi nhớ lòng thành của con, ta sẽ lấy tên con đặt cho tất cả những người muốn xuất gia cửa Phật là Neakh”.

Nghe truyền thuyết ấy, Thạch Hải hiểu rằng anh đến Chùa tu là để sau này phục vụ cho tha nhân như lời Phật nói với con rồng Neakh.

Anh miên man suy nghĩ. Anh chưa muốn nói cho mọi người biết việc anh đánh bắt được nhiều cá, vì trên khúc sông quen thuộc này, nhiều bạn chài như anh, không nghe ai kháo về số cá họ đánh được. Anh hy vọng vận may của anh vẫn kéo dài.

Gà vừa gáy sáng, làng chài nhà nào cũng đã thấy lên đèn. Thạch Hải bước ra cửa, vươn vai lấy sức. Cả làng chài còn chìm trong sương sớm. Ở đây chỉ có vài chục gia đình, nhà ở dọc bên bờ sông Mêkông. Hầu hết là những căn nhà vách lá, mái lá ọp ẹp, trống trải, quay mặt ra sông. Có những cái siêu vẹo, che lợp bằng đủ mọi thứ. Sợ gió thổi tốc mái, người ta đặt lên mái lá những phên tre đan thành mành, hoặc đan

những mắt cáo bằng tre để chặn. Trong nhà ngổn ngang mọi thứ. Chiếc võng toòng teng giữa nhà. Lưới cá quăng vào một góc. Chậu thau thùng nhựa chất vào một chỗ. Mùng mền cuộn lại treo trên vách.

Nhà của người Khmer là nhà sàn, người ở trên sàn, dưới đất để vật dụng, có khi nuôi heo. Nếu là nhà nổi thì thường có một nhà chính để ở và một nhà phụ để lưới và các vật dụng khác. Nhà người Việt là nhà nền đất, khác với kiểu nhà sàn Khmer. Thạch Hải nhìn quanh nhà, vách lá đã thủng nhiều chỗ, mái nhà cũng lỗ chỗ có ánh sao. Ở ngoài đầu hồi, cha anh có làm một dàn cây để phơi lưới. Ngày ngày mẹ anh đứng vá lưới. Thạch Hải mới hoàn tục nên mọi thứ còn bỡ ngỡ, không nề nếp như khi tu ở trong Chùa, nhưng được cái thoải mái. Anh được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng. Bà dồn hết tình thương cho anh.

Tối hôm trước, sau giờ tụng kinh, bà đã nói với Thạch Hải:

- Ngày con mới học xong lớp năm, cha con đã cho con theo cha và anh Ba đi đánh cá. Mẹ rất lo vì con hiền lành và ốm yếu, liệu có kham nổi nghề đánh cá vừa vất vả vừa khổ cực như vậy không. Sông nước sẽ đào tạo con thành “rái”.

Mẹ Thạch Hải kể chuyện gia đình cho anh nghe:

- Khi chị Hai và anh Ba con đi lập gia đình ra ở riêng, cha con và con phải tần tảo làm ăn. Mẹ rất ái ngại phần vì con phải bỏ học, còn cha mẹ và chị Hai con một chữ bẻ đôi cũng không biết. Anh Ba con cũng chỉ học được nửa năm lớp ba. Cả gia đình chỉ có con được học hành và con còn phải phụ cha con để kiếm sống; đến khi con vừa quen việc với cha con, thì con lại phải đi làm công việc nghĩa vụ tôn giáo.

Ba năm qua, vắng con, một mình cha con quá cực, làm việc không nghỉ ngơi. Sáng sớm đã sửa soạn thuyền, lưới và những vật dụng cần thiết để ra sông. Mẹ có nhắc thì cha con mới ăn vội vàng vài miếng cơm rồi đi. Cha con mang theo một niêu cơm với gói muối và mè để ăn trưa, tuyệt nhiên không có một miếng thịt hoặc tôm cá gì, vì cha con giữ chay rất nhiệm nhặt. Chiều tối về, cha con cũng chỉ ăn qua loa.

Làm việc cật lực vậy, cha con cũng chỉ kiếm được chút ít đủ cho gia đình sống qua ngày. Một mình tay chèo tay lưới, sao lại với người có ghe máy đánh bắt xa bờ; rồi còn phải nhịn ăn nhịn mặc để đóng góp phần nào cho nhà Chùa để con theo đuổi nghĩa vụ tôn giáo nữa.

Vài tuần nay, con hoàn tục trở về, con mới phụ cha được ít ngày, thì cha con lại ngã bệnh. Mẹ lo quá. Cha con ăn uống kham khổ, lao lực quá sức lâu ngày sinh bệnh. Mẹ không biết lấy gì mà chạy chữa thuốc men cho cha con. Đang trong tình thế ngặt nghèo, Trời Phật lại phù hộ cho con đánh bắt được nhiều cá. Ngày nào cũng như ngày nào, mẹ phải nhờ chị dâu con gánh cá ra chợ. Chị Ba chỉ “bán cái vèo” là hết sạch. Ai cũng khen cá tươi ngon, và rối rít hỏi thăm làm sao mà bắt được mớ cá rói tươi ngon như vậy. Chị dâu con chỉ trả lời là chú út đánh được thôi. Dân buôn bán ở chợ cho rằng chị dâu con dấu mai mối để làm ăn. Phần mẹ, chỉ biết hằng ngày tụng kinh tạ ơn Trời Phật đã độ trì hoàn cảnh gia đình ta.

Người ta thì đồn ầm ĩ và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện, nhưng bà Ba và Thạch Hải vẫn im tiếng trước sự kiện này…

Hôm nay lại một lần nữa Thạch Hải dậy thật sớm, nhưng mẹ của Thạch Hải có lẽ còn dậy sớm hơn. Dường như bà đã thức trắng đêm để tụng kinh. Bà luôn cám ơn Trời Phật đã cho con trai bà đánh được nhiều cá cả tuần nay. Nhưng bà cũng băn khoăn nhiều về đứa con trai út của bà. Do đâu nó được Phật độ như vậy.

Sau nhiều lần trằn trọc và tụng niệm, bà tin rằng con bà trong ba năm tu ở trong Chùa đã gieo nhân tốt nên Trời Phật đã nhận lòng thành của bà, cho con bà được những sự may mắn lạ lùng như vậy. Bởi tại sao cùng đi đánh cá với nhiều người, Thạch Hải lại bắt được nhiều cá hơn họ, và nhờ đó bà có tiền lo thuốc cho chồng đang nằm viện. Bà không có cách giải thích nào khác. Nhân quả rõ ràng, gia đình bà ăn ở lương thiện, Thạch Hải hiền lành, gieo phúc thì gặp may lành.

Chính trong niềm vui này, bà càng đặc biệt quan tâm chăm sóc hơn cho cậu con trai út của bà. Bà ở nhà sửa soạn, chuẩn bịmọi sự cho Thạch Hải đi sông. Tấm lưới nào rách, bà tranh thủ vá lại. Đồ ăn thức uống trong ngày, bà đều lấy thêm để Thạch Hải ăn cho có sức. Bà luôn dặn dò con phải cẩn trọng để tránh tai nạn sông nước. Một mình con, biết đâu lúc vô ý… Xong việc, bà lại tụng kinh, gần như bà tụng suốt ngày. Lúc ở nhà một mình làm việc mà tâm trí bà không lúc nào rời con.

Bà vốn là người sùng đạo. Lòng tin của bà đơn sơ. Bà cầu Phật A Di Đà vì tin vào 48 lời đại nguyện của Ngài. Ngài dạy: Nếu có ai chỉ cần niệm danh hiệu A Di Đà Phật và tán tụng công đức của Ngài, là Ngài sẽ ban cho, muốn có cái ăn thì có ăn, muốn có cái mặc, nhà ở thì liền có và khi chết, được vãng sanh vào cõi thế giới của Ngài. Vì thế bà cầu nguyện cho con và cho công việc của con được an lành. Và bà tin Phật đã nhận lời của bà. Chiều đến, cậu con trai út lại về với hai bao cá rói. Bà phụ cậu út đổ cá ra hai thúng, rồi cho gọi con dâu gánh đi bán.

Thế rồi một buổi sáng, khi cậu út thức dậy để sửa soạn ra ghe thì bà cũng sửa soạn cho cậu út xong, ngoài nắm cơm muối mè như bà vẫn làm cho chồng và cậu út trước đây, hôm nay bà còn bồi dưỡng cho cậu hai chai sữa đậu nành, mấy chiếc bánh cam và một nhánh chuối.

Nhận túi xách từ tay mẹ trao với lời dặn: “Con ráng bồi dưỡng cho có sức khỏe”, Thạch Hải hơi thắc mắc: một mình cậu làm sao ăn hết phần cơm này? Tuy nhiên, anh không dám hỏi lại mẹ vì anh biết lúc này bà đang sống trong tâm tình tri ân Trời Phật và rất quý trọng anh.

Nhận lương thực của mẹ cùng với những đồ nghề đánh cá, Thạch Hải vội vã ra thẳng bãi ghe. Trời đã ửng sáng. Những chiếc ghe đánh cá của dân chài đậu ngổn ngang nơibến sông. Đó là loại ghe nhỏ, có thể chèo hoặc chạy máy kiểu như ghe tam bản. Ghe dài hơn chục mét, hai đầu vuốt nhọn để cắt sóng. Lòng ghe rộng hơn một mét, trên có sạp để đứng ngồi đánh cá, dưới lòng ghe ngăn theo từng khoang, hoặc để đồ nghề hay để rọng cá. Ghe được sơn màu xanh biển cho đẹp, và để bảo vệ gỗ cho bền.

Lác đác đã có người ra bến. Hơn một tuần nay nhiều người đã kháo nhau về những mẻ cá của Thạch Hải, chắc sẽ có nhiều người theo dõi anh. Nhưng anh chẳng có động thái nào đặc biệt. Anh vẫn ra sông với chiếc ghe cũ của cha anh như bao lâu nay, vẫn những tay lưới như mọi người. Và anh cũng chài, cũng lưới một chỗ như mọi người. Hơn nữa, anh cũng biết rằng ghe của anh nhỏ, chỉ đánh bắt cá ở gần bờ thôi. Sông Mêkông rộng mênh mông, cá tôm tha hồ vẫy vùng, nào ai có thể dụ dỗ để cá chỉ vào lưới của mình. Thạch Hải biết rõ mình là tay thợ chài vừa yếu vừa thiếu kinh nghiệm. Anh mới hoàn tục được vài tuần, nào có kỹ năng hay ngón nghề nào bí mật nơi sông nước.

Bắt được nhiều cá lại cùng một loại và nhiều ngày được như vậy, chính anh cũng không biết được nguyên nhân. Nhìn dòng Mêkông mênh mông không hết tầm mắt, nước đỏ phù sa, anh tin rằng có Trời Phật ban cho anh. Lát nữa ghe của anh sẽ ra sông như mọi người, cũng đánh cá như mọi người, nhưng lòng anh hướng về người cha đang nằm trong bệnh viện và tâm của anh hòa với lời tụng niệm của mẹ. Có lẽ Trời Phật xót thương một người con thảo hiếu như anh chăng. Anh không biết được. Trong Chùa, các thầy dạy anh rằng, nghiệp là do mình tạo ra. Anh cố gắng sống thật tốt để gặt quả tốt. Nhưng anh cũng thầm cầu cho mình đánh được nhiều cá như mọi ngày, để mẹ có tiền lo thuốc cho cha.

2

Đưa thuyền ra sông, Thạch Hải hơi ái ngại vì nước sông hôm nay dâng cao. Đứng xa nhìn thì mặt sông buổi sáng vẫn êm đềm, nhưng khi chèo chống, mới thấy dòng nước cuồn cuộn như cuốn trôi chiếc ghe đi. Ghe của Thạch Hải không có máy chạy, nên Thạch Hải phải cố sức chèo mới đưa được chiếc ghe ra chỗ thường ngày. Nhiều bạn chài của Thạch Hải đã bỏ cuộc vì kinh nghiệm lâu năm cho thấy rằng mấy ngày trước nước chảy tương đối êm còn đánh bắt được. Khi nước dâng cao, dòng sông chảy xiết, sông nước trở nên nguy hiểm. Nó cuốn trôi đi tất cả, rất khó đánh cá. Thạch Hải đưa ghe đến khúc sông quen thuộc. Anh cột thuyền vào một gốc cây, rồi đứng trên sạp thuyền, thử độ tròng trành của sóng. Không có gió lớn nên ghe không đến nỗi quá bồng bềnh, anh vẫn có thể đứng để tung lưới được. Thạch Hải vẫn tin vào ơn trợ giúp của Trời Phật.

Lưới đã được để sẵn trên sạp thuyền. Thạch Hải đứng dậy. Anh cởi bộ bà ba ra, còn lại trên người là chiếc áo thun cũ và chiếc quần đùi. Nghề sông nước ướt suốt ngày, mặc vậy cho tiện. Anh bắt đầu công việc. Hai tay anh cầm lưng lưới, túm chặt, anh khoác một vạt lưới lên cánh tay, đăm đăm nhìn dòng nước. Không biết có con cá nào đang bơi ở dưới kia không. Anh nhớ lại các tư thế quăng lưới của cha anh. Phải xoay người đủ đà để lưới bung ra hết cỡ, ôm lấy một khoảng sông rộng, có vậy mới hy vọng bắt được nhiều cá. Mấy tuần nay anh đã thành thạo với những động tác này, chân đứng đã vững, và động tác tung lưới đã đủ mạnh để lưới bung ra trông đẹp mắt và chuyên nghiệp hơn. Khi tất cả đã sẵn sàng, anh hít một hơi thật mạnh và nín thở lấy sức. Những ngón chân bám thật chặt vào sạp thuyền, anh khẽ nhún mình rồi quay vòng cho lưới bung ra. Những kẹp chì dưới của vạt chài như được tiếp sức, nó vang lên những tiếng leng keng và văng ra rất mạnh. Tấm chài như một cánh dù chụp lấy dòng sông.

Con thuyền chao mạnh. Dòng nước chảy xiết cùng với sức ghì của lưới chài làm con thuyền chúi xuống nhào lên như muốn giựt đứt dây để cuốn theo dòng nước. Thạch Hải chờ cho chài đã bám được đáy sông, anh mới tập trung sức để kéo chài lên. Chài rất nặng, phần vì nước cuốn và chắc chắn vì trong lưới có nhiều cá. Phải hồi lâu anh mới kéo được hết vạt chài lên thuyền. Anh đã trúng một đàn cá rói to. Những con cá nằm trong lưới, đầu mắc vào mắt lưới, khi lên khỏi nước, mắt còn long lanh, và miệng đang mở to để hớp không khí. Đuôi chúng vẫn giãy đành đạch. Thạch Hải biết rằng, khi còn ở dưới nước, sức quẫy của đàn cá này mạnh biết bao. Chúng đã lôi Thạch Hải dúi vào mũi thuyền. Anh hơi hoảng, nhưng vẫn cố hết sức mình. Trời Phật vẫn đang độ trì cho anh.

Anh ngồi trên sạp thuyền gỡ từng con cá cho xuống khoang. Một niềm vui lan tỏa. Mẹ anh sẽ rất mừng. Chắc mẹ vẫn vừa làm việc vừa tụng kinh. Nhìn những con cá bơi lắp sắp trong khoang thuyền, bỗng anh nghĩ vẩn vơ. Không biết những kiếp nào hóa thân trong những con cá ấy. Các thầy trong Chùa dạy anh rằng, người ta sau khi chết, tùy theo nghiệp quả lúc sống mà tái sinh vào một kiếp nào đó trong sáu cõi như cõi trời, cõi người, cõi Atula, cõi Địa Ngục, cõi Súc Sanh và cõi Ngạ Quỷ; và vì thế không được sát sinh, vì biết đâu, trong hình hài loài sinh vật đang bơi lội trước mặt anh lại không có một người thân nào đó. Anh hiểu tại sao ba anh lại ăn chay nghiêm nhặt, không ăn thịt, ăn cá bao giờ. Có điều ăn uống thiếu dinh dưỡng như vậy, ba anh đã kiệt sức. Và bây giờ ba anh đang nằm viện, đang cần có tiền thuốc thang, mẹ anh chỉ trông nhờ vào anh. Lòng hiếu lại thúc giục anh gỡ cá cho nhanh để đánh bắt tiếp. Anh đã vào Chùa tu ba năm là để trả hiếu cho cha, và bây giờ đây là hành động cụ thể, cố gắng đánh bắt nhiều cá để mẹ có tiền chữa bệnh cho cha.

Thạch Hải lại tiếp tục quăng chài, và chỉ trong ít tiếng đồng hồ, cá trong khoang thuyền của anh đã gần đầy. Xung quanh anh chưa có bạn chài nào. Họ còn đang đợi cho dòng nước bớt chảy xiết để xuất bến.

Thạch Hải vớt cá cho vào bao. Được hai bao đầy như mọi ngày. Anh tính đem cá về bán sớm cho được giá, rồi trở ra đánh bắt tiếp. Dòng nước vẫn cuồn cuộn phù sa. Anh đang định tháo dây buộc thuyền để về, thì bỗng nghe vọng lên trong đầu anh tiếng khóc của trẻ con. Tiếng khóc mơ hồ nhưng nghe rất rõ. Anh không định hướng được tiếng khóc phát ra từ đâu. Không phải tiếng trẻ con trên bờ. Ngoài kia sông Mêkông mênh mông, không có thuyền bè nào, lẽ nào có trẻ con ở đó. Tiếng khóc mỗi lúc một rõ, một lớn hơn và nghe rất gần. Bất giác anh rùng mình hoảng sợ. Biết đâu lại không là tiếng khóc của một hồn oan nào đó đang hóa thân trong con cá nằm trong bao kia. Tiếng khóc càng rõ bao nhiêu, Thạch Hải càng sợ bấy nhiêu. Anh áp tai vào bao cá, không có động tĩnh gì, rõ ràng tiếng khóc không xuất phát từ bao cá. Anh tạm yên tâm.



tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương