Bùi Công Thuấn LỜi giới thiệU



tải về 0.91 Mb.
trang5/9
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích0.91 Mb.
#7718
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Nữ hướng dẫn viên người Campuchia đón đoàn lên xe. Cô chừng 20 tuổi, màu da chỉ hơi ngăm, không quá rám nắng như người Khmer bản địa. Cô nói tiếng Việt như người miền Tây. Khi mọi người đã an vị trên xe, cô gửi lời chào và nói rằng cô là người hướng dẫn tour suốt thời gian du khách lưu lại trên đất nước Campuchia. Cô có cha là người Khmer, mẹ là người Việt miền Tây. Cô đã ở Việt Nam lúc nhỏ và học trường du lịch ở Việt Nam hai năm. Hèn chi, du khách có cảm giác rất gần gũi thân thiện. Chỉ khi cô ta nói chuyện với tài xế bằng tiếng Campuchia, lúc ấy người ta mới biết cô là người Campuchia.

Du khách trong đoàn phần nhiều là đi nghỉ hè. Có gia đình đi cả cha mẹ, con cái và có cả người lớn tuổi. Nhiều người lúc ở trên xe, tay lần chuỗi bồ đề, chắc là Phật tử đi tham quan đất Phật để cầu phước. Cùng đi với bà Thiên Phước, có mấy người muốn đến chỗ Đức Mẹ làm phép lạ mà họ nghe đồn. Nhờ thế, bà Thiên Phước kết bạn rất nhanh.

Người lớn từng trải, họ hiểu nhau ngay sau vài câu xã giao. Nhất là cùng tôn giáo, cùng mục đích đi hành hương, thì tâm tình tôn giáo là sợi dây rất chắc kết nối họ với nhau. Họ không ngại thổ lộ những chuyện riêng tư mang đến xin khấn với Đức Mẹ. Có người chồng bị ung thư thời kỳ cuối. Có người con gái bỏ nhà đi, tìm không thấy, chỉ biết chạy đến Mẹ. Có người làm ăn khánh tận bị nợ xiết đến xin Mẹ cứu giúp. Mỗi người mỗi cảnh, thì thầm truyện trò với nhau, như đã thân nhau từ bao giờ. Nhờ thế họ quên thời gian và đường xa.

Thiên Thanh không quan tâm đến chuyện người lớn, chuyện Đức Mẹ làm phép lạ. Thiên Thanh chỉ muốn biết đất nước người ta có giống đất nước mình hay không.

Xe chạy rất nhanh. Kim đồng hồ chỉ tốc độ vọt lên 100km rồi 120km. Chưa bao giờ ở Việt Nam mà xe chở khách dám chạy với tốc độ như vậy. Có người hỏi tài xế :

- Không sợ công an bắn tốc độ hay sao?

- Ở đây không có công an, chạy thoải mái. Nhưng cũng rất sợ.

- Bác tài sợ gì?

- Sợ bò thả rông băng qua đường bất chợt.

- Bò thả rông không sợ bị bắt bán cho tiệm phở hay sao?

- Người ta thả, nó đi ăn, tối tự tìm về, chẳng ai bắt cả.

Thiên Thanh nhìn ra hai bên đường. Cảnh vật lướt qua rất nhanh. Lác đác có một vài căn nhà. Cánh đồng mênh mông, trơ đất trắng, không thấy trồng trọt gì. Đúng là lâu lâu lại thấy mấy con bò gặm cỏ bên đường. Không thấy có người chăn bò.

- Bác tài ơi, sao ở đây người ta không trồng trọt gì vậy?

- Không có nước. Không có hệ thống kinh rạch dẫn nước vào ruộng nên không trồng được gì.

- Thế người dân làm gì để sống.

- Đi làm thuê. Nhìn trên đường kia, có nhiều tốp người đạp xe đạp. Họ đi làm. Lúc trở về, người nào vui vẻ là người ấy có việc làm, người nào rầu rĩ là hôm ấy thất nghiệp.

- Trước cửa nhà người dân có những cái máng chắn bằng tấm nilon trắng là cái gì vậy bác tài?

- Là cái máng người ta bắt dế. Ban đêm người ta bắt điện sáng, dế bay đến đụng vào tấm nilon, rơi xuống bọng nước có muối, sáng ra người ta vớt lên cho vào chảo chiên lên rồi đem bán.

- Thiệt vậy sao?

- Ở đây người ta ăn dế, ăn bò cạp núi và đủ thứ.

Du khách trên xe ồ lên ngạc nhiên. Có người lại hỏi:

- Sao Nhà Nước không lập nhà máy sản xuất hàng hóa cho dân làm?

- Người dân Campuchia không sản xuất, vì hàng Thái Lan và hàng Việt Nam rất nhiều và rẻ, hàng sản xuất trong nước mắc, không ai mua.

Mọi người lại kinh ngạc.

- À ra vậy!

Cô hướng dẫn giới thiệu với đoàn vài điều về đất nước Campuchia. Cô ta nói giọng hơi lơ lớ, cuối câu thường thêm vào chữ “Hayza!”. Đặc biệt phát âm “r” thành “g” như người Nam bộ.

- Hôm nay xe sẽ chạy suốt ngày, Hayza! Quý khách nhìn bản đồ sẽ thấy xe chạy suốt từ Nam lên phía Bắc gần hết đất nước Campuchia. Mình rời cửa khẩu Mộc Bài, mình đi theo quốc lộ 7 lên Kampong Cham, rồi sang quốc lộ 6 đi Kampong Thom và lên Siem Reap, Hayza!. Tên Siem Reap có nghĩa là người Xiêm bị bại trận. Hayza!

Khách trên xe lắng nghe và nhìn theo tay chỉ trên bản đồ của hướng dẫn viên du lịch. Cất tấm bản đồ đi, cô hướng dẫn nói tiếp:

- Có mấy điều lưu ý quý vị. Ở bên đường thường có những cổng Chùa, nhưng Chùa lại nằm sâu trong làng, cách đó hàng cây số. Chùa Campuchia chỉ thờ Phật, không thờ Quan Âm như ở Việt Nam, Hayza!

Cô hướng dẫn viên bắt đầu nói say mê, nhất là những khác biệt văn hóa với người Việt.

- Trước kia thanh niên Khmer phải vào Chùa tu hết. Hayza, có người tu luôn, có người tu tập. Muốn lấy được vợ hay muốn xin việc làm phải có giấy nhà Chùa chứng nhận mình đã tu. Hayza! trong Chùa dạy chữ, dạy đạo đức nên chứng chỉ của nhà Chùa có giá trị. Hayza! Ở Campuchia buổi sáng các vị sư đi hóa duyên, ai có gì cho nấy. Người dân có thể cho cơm, cho tiền hay thức ăn. Họ ăn mặn chứ không ăn chay. Và chỉ ăn một bữa sáng thôi, nhịn tới sáng hôm sau.

Campuchia vẫn giữ chế độ mẫu hệ. Con gái cưới chồng, con trai ở rể. Hayza! con gái đi làm nuôi sống gia đình, con trai làm việc nhà. Nhà có con gái tới tuổi lấy chồng thì treo vải hồng ở cửa sổ. Chàng trai nào muốn tìm hiểu thì xin đến ở. Anh ta được nhà vợ thử thách 3 tháng. Nếu được thì sẽ cho cưới vợ. Không được thì đi. Ngày nay anh trai nào có tiền gửi ngân hàng, có công ăn việc làm là có thể lấy vợ. Ở Campuchia có tiền thì có thể mua được mọi thứ. Nhưng chứng nhận của nhà Chùa thì không mua được, Hayza!

Mọi người lại ồ lên và chăm chú nhìn vào những căn nhà lụp xụp ven đường, nhưng chẳng thấy có nhà nào có rèm cửa màu hồng cả. Không biết điều cô hướng dẫn viên nói là thực hay chỉ đùa cho vui. Đã quá trưa, mọi người đều đói bụng. Cô hướng dẫn làm dịu cơn đói:

- Hôm nay mình qua khẩu hơi trễ nên ăn trễ một chút, quý khách xin vui lòng. Có điều này xin lưu ý: Ở đây người ta ăn bằng tay. Lấy tay bốc cơm, bốc thức ăn, không dùng đũa hay muỗng như ở Việt Nam.

Có người hỏi:

- Vậy ăn canh thì ăn làm sao?

- À, mình dùng ống hút để hút nước canh, sau đó dùng tay để bốc rau trong tô canh!

Thiên Thanh chợt la lên:

- Eo ôi, làm sao mà ăn kiểu vậy được, dơ quá hà!

Mọi người nơm nớp lo lắng về cách ăn uống ở đây. Ăn kiểu bốc như thế này thì mất vệ sinh quá. Lại nghe nói có món mắm bò hóc, nặng mùi rất khó ăn. Chuyến đi này chắc là nhịn đói thôi. Cô hướng dẫn cũng chỉ cho mấy tiếng Campuchia:

- Anh ơi: boong ơi, em ơi: ôn ơi (tiếng gọi thân mật)

- Đói bụng là gì? - có người lên tiếng hỏi.

- Là heo bai,

- Gọi thêm cơm là gì?

- Là thêm bai. Còn muốn thêm gì nữa thì cứ chỉ vào món đó là tiếp viên họ hiểu.

Câu chuyện cứ cuốn mọi người vào sự hiếu kỳ. Bà Thiên Phước và Thiên Thanh ngồi cạnh nhau trông như hai chị em gái. Người mẹ có dáng sang trọng, tự nhiên, nét mặt phúc hậu. Tuy bà có tuổi nhưng trông còn rất đẹp. Thiên Thanh ngồi bên cạnh mặc quần jean xanh, áo pul trắng, đeo kính trông rất trẻ trung và trí thức. Cô cũng có khuôn mặt thanh tú của mẹ, nhưng dường như không được vui.

Câu chuyện của cô hướng dẫn viên cùng những điều lạ lùng Thiên Thanh quan sát được trên đường đi làm cho cô quên đi những nặng nề trong lòng. Cô thấy đất nước này người dân còn nghèo quá. Việt Nam là nước nghèo song còn thấy những cánh đồng xanh tốt phì nhiêu, ở đây chỉ có đất trắng. Nhà bên đường chỉ là nhà sàn lợp lá, không thấy có ngành nghề sản xuất gì.

Xế chiều xe mới tới Siem Reap. Sau khi ăn tối và nhận phòng ở khách sạn, du khách được đi chợ tối tự do. Cô hướng dẫn nói rằng, nên đi theo nhóm để thuê xe Tuk Tuk cho rẻ. Ở đây mua gì cũng phải trả giá, nếu không sẽ bị hớ. Người bán hàng nói được tiếng Anh và tiếng Việt. Nhưng quý khách nhớ mang theo card khách sạn, nếu lạc còn biết đường về. Kế hoạch tham quan ngày mai là đến thành phố cổ Mahendraparvata, thành phố 1200 năm tuổi mới được nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Baptiste Chevance tìm thấy gần đây.

Mahendraparvata có nghĩa là “Núi của thần Indra vĩ đại" (Thần Indra là vị thần có 1000 mắt, có khả năng kiềm chế tình dục). Thành phố nằm sâu trong vùng rừng núi Phnom Kulen ở Siem Reap. Các chuyên gia cho rằng Mahendraparvata được xây dựng trước Angkor Wat khoảng 350 năm. Sau đó đoàn sẽ đi Angkor Wat và Angkor Thom.

Chuyến đi dài và căng thẳng nên ngay sau khi đọc kinh tối với mẹ, Thiên Thanh đã lăn ra ngủ. Lần đầu tiên Thiên Thanh được ngủ một giấc ngon lành, nên khi thức dậy nàng thấy tinh thần vui tươi và rạng rỡ. Cảm giác như bừng tỉnh sau những ngày tháng dài sống trong bóng đêm u tối. Cô hướng dẫn viên thông báo lộ trình và nhắc mọi người đi ngay sau ăn sáng.

Đoàn xe rời Siem Reap. Thành phố buổi sáng khá êm ả. Đường phố vắng người. Vài chiếc xe đưa rước khách du lịch di chuyển chậm qua các con phố. Khu vực này mới xây dựng làm trung tâm du lịch nên có các cửa hàng và các bảng quảng cáo như thường thấy ở các thành phố khác. Cô hướng dẫn cho biết: nhà ở đây không xây cao quá năm tầng, để không che khuất Angkor Wat nằm sâu trong rừng.

Xe bắt đầu đi vào con đường dẫn đến Mahendraparvata. Thành phố cổ này mới chỉ được phát hiện qua công nghệ Lidar nên chưa được khai quật để tham quan. Xe chạy vòng vòng qua những cánh rừng chỉ để du khách biết khu vực có thành phố cổ, sau đó rẽ vào con đường dẫn đến Angkor Wat. Khu đền đài này khá rộng. Xe dừng ở ngoài cổng xa, du khách được hướng dẫn đi bộ vào. Các đoàn tham quan đều có người cầm cờ dẫn đường đi trước.

Trời bắt đầu nắng nóng. Thiên Thanh dừng ở ngoài cổng để mua một chiếc khăn Campuchia. Nàng ghé vào một sạp bán khăn và đồ lưu niệm bên đường. Sạp có mái lá che giống như sạp bán hàng ở những điểm tham quan du lịch ở Việt Nam. Thiên Thanh chọn một chiếc khăn màu cam rồi ướm thử lên xem có phù hợp với màu áo không. Nàng có vẻ ưng ý. Màu này mà lên hình thì rất nổi. Thiên Thanh hỏi chị bán hàng:

- Chị nói tiếng Việt được không?

Chị bán hàng người Campuchia lắc đầu. Thiên Thanh hỏi:

- How much does it cost? (Giá bao nhiêu?)

- 4 Dollars (Chị ta đưa ra 4 ngón tay)

- Too expensive! (Mắc quá)

- How much do you pay? (Cô trả bao nhiêu?)

- 2 Dollars (2 Đô)

Khi Thiên Thanh bỏ đi thì chị ta gọi lại bán. Nàng nghĩ, ở đây cũng nói thách chẳng khác gì chợ Bến Thành. Thiên Thanh quấn chiếc khăn lên đầu theo cách quấn khăn của người Campuchia, trông ngồ ngộ. Bà Thiên Phước bảo con gái:

- Bây giờ con là con gái Cam rồi nha. Kiếm một chàng Cam kiều nữa là đẹp đôi. Nhưng mà theo phong tục Campuchia, anh ta phải đến ở rể ba tháng xem giò cẳng có biết làm ăn không.

Hai mẹ con cùng cười. Rồi Thiên Thanh nhờ mẹ chụp cho mình mấy tấm hình với chiếc khăn Campuchia. Thiên Thanh tìm một vị trí có thể lấy được toàn bộ đền đài Angkor Wat. Rồi cả hai cùng đi theo đoàn vào Angkor.

Vừa đi, hướng dẫn viên vừa giới thiệu: Siem Reap nổi tiếng với quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, đền Bayon có tượng Phật 4 mặt, Đền Ta Phrum. Cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên đồi Bakheng. Angkor Wat (Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ hay Chùa), thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo. Nằm cách thủ đô Phnom Penh 240 km về hướng Bắc, Angkor Wat được xây dựng dưới thời vua Surja-warman II (1113-1150), mới đầu để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành đền thờ Phật. Angkor Thom là thành phố thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer. Thành được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Ngày nay quần thể là một kiến trúc tuyệt đẹp, hoành tráng về tầm vóc, chạm khắc tinh vi. Đá được lấy từ ngọn núi cách xa 60km và được kéo bằng voi về. Đường kéo bị bào mòn rồi nước chảy thành sông. Angkor Wat cao 65 mét.

Trong khu đền Angkor tuyệt nhiên không có hàng quán, không có người xin ăn. Rải rác có những công nhân người Campuchia cuốc cỏ, lượm rác trên sân đền. Lâu lâu họ ngước nhìn đoàn tham quan và cười thân thiện. Thiên Thanh hỏi chuyện họ, nhưng họ không nói được tiếng Việt, cũng không giao tiếp được bằng tiếng Anh, cô mỉm cười vẫy tay chào họ rồi đi.

Angkor Wat thật hùng vĩ. Những nhà thiết kế ngày xưa vĩ đại hơn sự tưởng tượng của Thiên Thanh. Họ lấy đá từ một nơi rất xa đưa về đây, rồi xẻ thành những khối có cạnh phẳng và đặt chồng lên nhau thành những dãy nhà liền nhau, nhiều tầng, có những đỉnh tháp cao. Thiên Thanh thấy có những khối đá rất to phải vài chục người khiêng mới nổi. Trên mặt đá quanh đền đều chạm trổ hình của các cô gái Apsara rất tinh tế. Nơi đây không có người ở, và chính phủ Campuchia cũng không sử dụng để làm gì. Tất cả trở thành hoang phế. Có những chỗ đá bị sụp đổ ngổn ngang, nhưng không được tu sửa. Công trình vĩ đại này nhà nước không đủ sức để trùng tu. Nhiều du khách leo lên tháp cao để chụp hình. Thiên Thanh chỉ đứng dưới nhìn lên, cô sợ độ cao. Nhìn ngôi đền cổ vĩ đại bị bỏ hoang phế, trong lòng Thiên Thanh thoáng ngậm ngùi. Những con người vĩ đại của ngày xưa đã trở về với hư không. Cái mà họ tưởng có thể tồn tại muôn đời giờ chỉ còn là một phế tích, uổng phí không biết bao nhiêu công sức của người lao động.

Ở Angkor Thom, Thiên Thanh cũng có những cảm giác ngậm ngùi như vậy. Lâu đài, thành quách, đá chồng lên đá, kỳ vĩ nhưng hoang phế. Có lẽ người ta chỉ đến đây một lần cho biết, và để suy gẫm về lịch sử, về sự tàn phá của thời gian và về kiếp nhân sinh. Bất giác trong lòng Thiên Thanh vang lên câu thơ Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan, sao mà ngậm ngùi đau đớn:

“Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”

Rời Angkor Wat, Angkor Thom, Thiên Thanh lại lâm vào trạng thái trầm mặc. Buổi tối hôm ấy nhà hàng ở Siem Reap có chương trình văn nghệ Apsara. Các thiếu nữ Campuchia ban ngày trông đen đen quê mùa nhưng khi họ hóa trang thành các cô gái Apsara, dưới ánh đèn sân khấu cùng với những trang phục lấp lánh vàng, họ trở nên xinh đẹp tuyệt vời. Những động tác múa của họ nhẹ nhàng uyển chuyển và rất tình tứ.

Dân tộc này không chỉ hùng vĩ với Angkor nhưng còn rất nghệ sĩ trong những động tác múa Apsara. Thiên Thanh cứ trầm trồ khen ngợi. Bất giác cô nhận ra dân tộc Việt chẳng có một điệu múa riêng nào. Người Việt thua xa người Campuchia cả về sự hùng vĩ và những đặc sắc tinh tế trong sáng tạo nghệ thuật. Điều ấy càng làm cho Thiên Thanh ngậm ngùi hơn. Trạng thái u uất lại ập đến. Suốt đêm Thiên Thanh không sao chợp mắt được. Gần sáng mới thiếp đi.

***


Ngày hôm nay đoàn đi “Đảo Hy Vọng”, nơi hành hương chính của Phật tử trong mùa Vu Lan. Trên đường đến “Đảo Hy Vọng”, khách du lịch sẽ đi ngang qua con đường rẽ vào xóm chài, nơi có tượng Đức Mẹ làm phép lạ. Vì tượng mới tìm được nên còn nóng dư luận. Cô hướng dẫn tour kể lại những thông tin mà báo, đài đã đăng về tượng lạ, nhưng còn kể thêm những câu chuyện của khách du lịch đi theo tour của cô đến đây và được ơn lạ ngay trên đường về.

Thực ra cô chỉ làm công việc giới thiệu những địa danh du lịch chứ không có mục đích tôn giáo, giống như cô đã giới thiệu những truyền thuyết về cây cầu Kompong Kdei 1000 năm tuổi, hay các truyền thuyết về Angkor Wat, Angkor Thom. Người Việt Nam rất nhạy cảm với vấn đề tâm linh, nhiều người trên xe muốn được ghé vào nơi có tượng Đức Mẹ. Vì đây không phải là điểm tham quan của tour nên bà Thiên Phước và các bà bạn đã thương lượng với người hướng dẫn để xe ngừng ít phút tại nhà ông Ba Hưởng.

Xe đang chạy trên quốc lộ 6 thì rẽ vào con đường đất hướng về phía sông Mê-kông, quãng đường không xa lắm, đâu chừng 10 phút thì đến xóm chài. Đây là một vùng quê như những vùng quê khác ở Campuchia. Cũng những vạt đồng ruộng nứt nẻ, một vài cây thốt nốt vươn cao, rải rác những căn nhà sàn lợp lá, và thấp thoáng những con bò gặm cỏ ở những bờ bụi.

Cô hướng dẫn thông báo xe dừng 15 phút cho khách có nhu cầu viếng tượng Đức Mẹ. Mọi người vội vã xuống xe. Người hướng dẫn chỉ cho mọi người căn nhà lá của ông Ba Hưởng. Căn nhà ọp ẹp như nhiều nhà của dân chài bên bờ sông. Trên mái có những miếng nilon che những chỗ lá đã thủng. Phía đầu hồi có dàn cây phơi lưới. Từ xa du khách cũng nhìn thấy tượng Đức Mẹ đứng trên bệ đá ở trước sân. Có một mái che tượng, và đủ che cho người đứng thắp nhang.

Khách du lịch đã xuống xe gần hết, chỉ còn mẹ con Thiên Thanh. Không hiểu sao Thiên Thanh cứ ngồi lì trên xe, bà Thiên Phước nhắc con.

- Xuống viếng Đức Mẹ đi, con.

Thiên Thanh vẫn lầm lì không nói không rằng. Quả thực, khi nghe người hướng dẫn viên giới thiệu về tượng Đức Mẹ mới tìm thấy và những phép lạ Đức Mẹ đã làm, Thiên Thanh vẫn dửng dưng và còn có thái độ không tin. Trong đầu cô lại vang lên lời những người bạn Tin Lành nói về bà Maria, rằng Bà không phải là Mẹ Thiên Chúa, rằng Bà tái hôn và có thêm mấy người con… Cô không còn nhìn thấy ở Bà vẻ đẹp linh thánh của Mẹ Thiên Chúa nữa. Cô cũng không tin vào ảnh tượng là thứ người ta làm ra để tự mình lừa dối mình. Nào ai biết được Bà Maria, một người Do Thái sống cách nay hơn 2000 năm hình thù thế nào để mà vẽ mà tạc. Kinh Thánh cũng không hề miêu tả Bà làm bất cứ phép lạ nào. Bà chỉ là một phụ nữ bình thường như những người phụ nữ khác theo Chúa. Thiên Thanh thấy lòng mình nguội lạnh. Cô nói với mẹ:

- Mẹ xuống đi, con bị mệt. Đêm qua mất ngủ giờ cái đầu còn quay quay. Con muốn nghỉ một lát.

Nói rồi Thiên Thanh gục đầu xuống lưng ghế phía trước. Bà Thiên Phước biết không thể làm gì khác được, bởi Thiên Thanh đã trưởng thành, cần được tôn trọng. Mọi sự thúc bách hay áp đặt sẽ chỉ làm tăng thêm sự chống đối. Tuổi trẻ vốn dễ phản ứng bộc phát khi bị áp đặt phải tuân theo mệnh lệnh của người lớn. Bà đành xuống chỗ tượng Đức Mẹ chung với các bà khác, không muốn đôi co với Thiên Thanh, sợ người ta biết sự bất hòa giữa hai mẹ con, và lòng đạo nguội lạnh của Thiên Thanh. Tình thương con của người mẹ bao giờ cũng đầy ắp bao dung. Bà chỉ còn biết cậy trông vào Đức Mẹ.

Chuyến đi này của bà là để xin ơn Đức Mẹ cứu chữa cho Thiên Thanh. Sự chân thành của bà, lòng tin của bà là chính. Lòng tin của bà có đủ mạnh để được Đức Mẹ nhận lời hay không, sự hy sinh cầu nguyện của bà có đủ sức kéo ơn của Đức Mẹ xuống cho Thiên Thanh hay không? Suốt chặng đường chuyến đi, bà đã liên lỉ đọc kinh cầu xin Đức Mẹ. Bà không biết Thiên Thanh bệnh gì, chỉ mơ hồ rằng Thiên Thanh đã nhạt đạo, đã có những cử chỉ đi ngược với truyền thống đức tin làm cho bà rất lo sợ. Bà cầu xin Đức Mẹ cho Thiên Thanh sớm trở lại bình thường, nhiệt thành sống đạo.

Thiên Thanh gục đầu xuống lưng ghế trong trạng thái đầu óc quay quay như trong một cơn choáng. Có thể là do đêm qua mất ngủ, cũng có thể là do Thiên Thanh đã kiệt sức trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Nàng đã oằn mình chịu đựng những sấm sét trong cuộc giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối. Đã vật lộn ngộp thở giữa khoa học và đức tin, đã mất phương hướng giữa giả thuyết và thực tiễn. Đã chao đảo giữa một bên là tình thương của cha mẹ, Cha Phương Bảo và một bên là nỗ lực cá nhân đi tìm chân lý. Và giờ này đây Thiên Thanh đang chới với bên bờ vực. Cô nhìn thấy một miệng vực đen ngòm, sâu thẳm như trong một lỗ đen vũ trụ. Bất giác người cô rung lên một cơn sợ hãi toát mồ hôi hạn.

Một ánh chớp lóe lên trong tâm thức và ánh sáng rạng rỡ dần ra. Những hình ảnh của lịch sử lần lượt đi qua tâm trí Thiên Thanh. Phêrô đang đi trên mặt nước bỗng chìm xuống. Chúa đưa tay đỡ và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi”. Khi Tôma đòi xỏ tay vào lỗ đinh và vết đâm trên cạnh sườn Chúa thì mới tin Người sống lại. Chúa hiện ra giữa các tông đồ, Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Còn Phaolô trên đường Damas, một người hăng hái bách đạo, đã ngã ngựa trong ánh sáng chói lòa của Chúa, để rồi trở thành một tông đồ vĩ đại làm chứng cho Chúa trong suốt trường kỳ lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo hội. Hàng trăm ngàn giáo dân Việt Nam đã tử vì đạo dưới thời vua nhà Nguyễn. Chẳng lẽ tất cả những người ấy là u mê, cái chết của họ không đủ làm chứng cho chân lý hay sao. Và những giáo dân được Đức Mẹ cứu ở La Vang chẳng lẽ chỉ là huyền thoại…

Trong đầu Thiên Thanh vang lên một lời rất dịu êm Chúa Giêsu nói với Tôma: "Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Tin bằng thực nghiệm là đúng và là tốt, nhưng tin bằng đức tin thì có phúc hơn. Phải chăng Chúa đang nói với Thiên Thanh điều này ở đây và bây giờ?

Bà Thiên Phước đã cầu nguyện xong và quay trở lại để xem tình hình Thiên Thanh thế nào. Từ phía dưới bà đi lên, khuôn mặt rạng rỡ trong nắng. Thiên Thanh nhìn mẹ, bất chợt, trong một chớp mắt, Thiên Thanh nhìn thấy khuôn mặt Đức Mẹ. Đúng là khuôn mặt Đức Mẹ đang nhìn Thiên Thanh. Thiên Thanh thảng thốt kêu lên: “Lạy Chúa! Lạy Thiên Chúa của con! Lạy Mẹ Maria”. Thiên Thanh tỉnh hẳn. Bà Thiên Phước nhìn con, quan sát rất nhanh thái độ của Thiên Thanh.

Thấy con đã có dấu hiệu tỉnh hẳn, bà mở bóp lấy tràng chuỗi mà Cha Phương Bảo đã trao cho bà với lời dặn: “Khi thấy Thiên Thanh đã có dấu hiệu chuyển biến, thì lấy tràng chuỗi đeo vào cổ cho Thiên Thanh để nhờ Đức Mẹ cứu”. Thiên Thanh ngoan ngoãn đón nhận. Bà Thiên Phước nói:

- Con xuống viếng Đức Mẹ đi! Có chuyện gì con cứ thưa với Đức Mẹ. Mẹ đã cầu nguyện cho con rồi.

Thiên Thanh vẫn nhìn mẹ đăm đăm để kiểm tra lại phút giao cảm bất chợt vừa rồi. “Đúng là mẹ mình, sao lúc nãy mình nhìn rất rõ khuôn mặt Đức Mẹ đang nhìn mình trìu mến!”.

Bà Thiên Phước thấy con không nói gì mà cứ nhìn mình đăm đăm liền nói:

- Con không nhớ Cha Phương Bảo nhờ con chuyện gì sao. Mẹ nhắc con nhé: Cha nhờ con chụp hình, ghi chép tất cả chuyến đi, đặc biệt là chụp hình và ghi chép tượng Đức Mẹ, sao con không giúp Cha? Xe sắp chuyển bánh rồi!

Thiên Thanh như sực tỉnh, cô chạy như bay xuống chỗ tượng Đức Mẹ và quỳ đọc kinh rất sốt sắng, rồi cô lấy máy ảnh chụp hình tượng Đức Mẹ ở nhiều góc độ, để Cha Phương Bảo có thể như được tận mắt chiêm ngưỡng Đức Mẹ.

Lúc ấy bà Thiên Phước gọi điện cho Cha Phương Bảo để ngài nói chuyện với Thiên Thanh. Bà kể cho Cha nghe rằng Thiên Thanh đang quỳ trước tượng Đức Mẹ đọc kinh rất sốt sắng và đang chụp hình. Cha Phương Bảo thăm hỏi chuyến đi, về tượng Đức Mẹ, giải thích cho Thiên Thanh một số chi tiết.

Nghe giọng nói Thiên Thanh và sự nhiệt thành của cô, Cha hiểu đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn người trẻ cứng lòng tin nhưng yếu đuối này. Cha tin rằng: việc người ta không làm được thì Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ, mọi sự sẽ có thể hết. Cha chúc mẹ con Thiên Thanh có một chuyến đi đầy ơn lành của Đức Mẹ, và mong Thiên Thanh mang về cho Cha nhiều tư liệu quý.

Thiên Thanh ngưng nói chuyện và đưa điện thoại cho mẹ. Bỗng dưng cô tiến lại gần tượng, tháo cỗ tràng hạt của mình đang đeo, và vòng vào tay Chúa Giêsu. Lúc đó, mọi người nhận ra: mẫu tượng này, tay Chúa Giêsu phải có tràng hạt mới đúng, chắc chắn là khi tượng bị lạc, cỗ tràng hạt đã mất.

Thiên Thanh tìm Thạch Hải và ông Ba Hưởng để hỏi thăm. Thiên Thanh đã trở lại sự hồn nhiên, nhanh nhẹn, vui vẻ như xưa. Tác phong làm việc như một phóng viên chuyên nghiệp.

Trước một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, và thân mật như vậy, Thạch Hải rất vui. Ông Ba Hưởng hứa sẵn sàng nói cho Thiên Thanh nghe mọi điều về ơn Đức Mẹ đã cho ông. Ông cũng nói: Nếu Thiên Thanh cần gì, Thạch Hải sẽ sẵn sàng giúp.

8

Mặc dù ngoài chương trình và địa điểm du lịch, nhưng chiều theo yêu cầu của khách du lịch, đặc biệt là sự giao kèo của bà Thiên Phước, đoàn du lịch đã dừng lại nhà ông bà Ba Hưởng cả tiếng đồng hồ để mọi người cầu nguyện, chụp ảnh, hỏi thăm tin tức.

Các hướng dẫn viên lên tiếng nhắc nhở đoàn lên xe để đến điểm tham quan tiếp theo. Bỗng Thiên Thanh quay sang nói nhỏ với mẹ:

- Nếu có thể được, mẹ cho con bãi bỏ chuyến du lịch này để con ở lại đây lấy hình ảnh và tin tức cho Cha Phương Bảo…

Giờ đến lần bà Thiên Phước ngạc nhiên, chỉ trong ít phút, bà chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi nơi đứa con cưng của bà: từ thái độ gần như bướng bỉnh chống đối, đến thái độ miễn cưỡng vâng lời; rồi đến sự biến đổi hiền lành, thánh thiện hơn trước kia; bây giờ lại nhiệt tình quá mong muốn của Cha Phương Bảo.

Thực ra, Cha Phương Bảo nhờ Thiên Thanh chụp hình và ghi chép chỉ là cái cớ để Thiên Thanh chịu đi du lịch và để bà Thiên Phước khấn Đức Mẹ ban ơn cho cô trở lại với Chúa.



tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương