Bùi Công Thuấn LỜi giới thiệU



tải về 0.91 Mb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu27.07.2016
Kích0.91 Mb.
#7718
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Tiếng khóc trẻ con lại vang lên khẩn thiết hơn. Thạch Hải nghe như tiếng kêu cứu. Anh thực sự hoảng sợ, bởi tiếng khóc không còn là mơ hồ, mà dường như ở đâu đây. Anh nhìn đăm đăm xuống dòng chảy, như cố sức xuyên qua dòng nước xem có đứa trẻ nào rơi xuống sông trôi đến đây rồi vướng không. Bởi trên sông chỗ này chỗ kia có những cây cọc người ta cắm để neo thuyền. Cũng có những đám cây chà người ta quây lưới. Dòng sông đỏ phù sa cuồn cuộn chảy. Và tuyệt nhiên không có dấu tích gì có một đứa trẻ trôi trên sông dính mắc ở đây.

Thạch Hải quan sát kỹ cây cọc nơi anh cột chiếc ghe, anh săm soi hai bên lườn ghe. Không có gì vướng mắc. Ghe của anh không kéo theo bất cứ vật dụng gì, để không bị cản nước chèo cho đỡ tốn sức. Anh định tháo dây cột ghe và chèo vào bờ thì tiếng khóc lại vang lên. Rõ ràng là tiếng khóc từ dưới sông. Ghé tai sát mặt nước, Thạch Hải nghe tiếng khóc rất rõ. Anh băn khoăn, sao lại có em bé nào nằm dưới lòng sông này mà khóc? Và nếu nằm dưới lòng sông thì làm sao còn sống nổi? Sao suốt buổi anh quăng lưới lại không đụng chạm gì đứa bé? Thạch Hải chợt thấy gai ốc nổi lên, anh nghĩ đến hà bá hay thủy thần của sông? Nhưng nếu là các vị thần thì sao lại phát ra tiếng khóc trẻ con. Không thể hiểu được, Thạch Hải đành phải lấy lòng thành cầu xin Trời Phật phù hộ cho anh.

Kiểm điểm lại đời anh, từ nhỏ anh đã được gọi là “Phật nhỏ” hiền lành, dễ thương, ai cũng quý mến chăm sóc anh. Cha mẹ anh nghèo khó, phải chật vật lắm mới nuôi được ba người con. Dòng họ ba đời vẫn được tiếng là đạo hạnh, cha mẹ anh tuy không tu hành nhưng vẫn giữ đạo luật rất cặn kẽ, còn anh thì mới làm bổn phận tôn giáo về, anh cũng muốn tu, nhưng vì cha mẹ già yếu, nhà nghèo nên anh không đạt ước nguyện. Nghĩ vậy anh thấy mình chẳng làm gì thất đức để Trời Phật phạt anh. Vậy tiếng kêu cứu này là của ai và muốn điều gì ở anh?

Lương tâm thôi thúc anh buộc phải tìm cho ra căn nguyên tiếng khóc của trẻ dưới lòng sông. Anh quyết định lặn tìm dưới đáy sông, gần chỗ anh buộc chiếc ghe, vì tiếng khóc nghe gần đâu đây. Sau khi đã kiểm soát lại dây cột thuyền, Thạch Hải còn cẩn thận cột thêm một sợi dây vào gốc cây, rồi anh mới nhảy xuống sông. Phải cố sức anh mới bơi xuống đáy sông vì nước chảy xiết, nhưng khi chân anh vừa chạm đất thì dòng nước lại cuốn anh đi. Không sao mò mẫm được gì. Thạch Hải vội ngoi lên mặt nước, anh bấu vào mạn thuyền rồi trèo lên sạp. Lần này, anh cột một sợi dây vào ngang người, định vị chỗ tiếng khóc rồi mới nhảy xuống nước. Dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy, nhưng nhờ có sợi dây, anh vẫn giữ được vị trí. Anh mở mắt nhìn đáy sông, nước đục nên chẳng thấy gì đành lấy tay quờ quạng. Anh mò mẫm một hồi lâu dưới đáy sông, Thạch Hải chỉ thấy đất bùn. Hết một hơi lặn, anh lại phải trồi lên.

Mùa khô từ tháng Mười Một đến tháng Năm độ sâu của sông có chỗ chỉ khoảng một hai mét. Vào mùa mưa có chỗ sâu đến chín mét. Nơi Thạch Hải lặn sâu khoảng bốn năm mét, vì thế anh không thể lặn được lâu. Định tâm lại, Thạch Hải thấy mình đã trôi quá xa chỗ tiếng kêu mà anh đã nghe rõ ngay ở chỗ thuyền anh cột. Một lần nữa, anh lại leo lên thuyền định hướng chỗ tiếng kêu rồi lấy hơi nhảy xuống sông. Lần này, anh cẩn thận hơn, định vị được chỗ tiếng kêu, tính toán được khoảng cách dòng nước sẽ cuốn anh đi. Khi vừa chạm tới đáy sông, bất ngờ anh sờ thấy một khối gì cứng giữ anh lại. Anh lại trồi lên lấy hơi dài hơn và lặn xuống sờ xem cái khối ấy là cái gì.

Ngay lúc ấy anh có một cảm giác rất lạ lùng lan tỏa toàn thân. Anh lặn khá lâu mà không bị ngộp. Khối cứng như có sức hút rất mạnh khiến anh không còn bị nước cuốn đi. Sau khi sờ toàn khối, anh đoán chừng đó là một pho tượng bằng kim loại, có hình thù như một người. Phải chăng là tượng của vị thần nào mà người ta đã bỏ đi? Nhưng ai đã bỏ tượng này xuống sông và bỏ từ bao giờ? Sao tượng lại phát ra tiếng khóc? Và tượng không bị trôi dạt đi? Có thể là vì tượng khá nặng và bị chôn quá nửa dưới bùn đất đáy sông, nên vẫn còn nằm nguyên tại chỗ.

Anh quyết định ôm tượng lên và thật lạ lùng, khi anh vừa chạm tay và dùng hết sức mình để cố gắng đưa tượng lên thì tượng nhẹ tênh, khiến anh chỉ cần một tay ôm tượng, một tay bơi mấy thước là có thể bấu vào mạn thuyền được.

Đưa được tượng lên thuyền, anh vội vàng tắm rửa và lấy bình nước uống của anh rửa sạch tượng. Tượng bằng đồng, gần bằng người thật, và dù có hoen ố đôi chút, vẫn còn nguyên nét sáng ngời của một vị thần nữ phúc hậu và nhân từ, tay bồng một trẻ nhỏ. Dường như anh đã nhìn thấy tượng nữ thần này ở đâu đó, có lẽ ở khuôn viên của một nhà thờ anh có dịp đi ngang qua. Anh vừa lau tượng, vừa thấy niềm vui trong lòng.

Xong việc, anh quỳ gối xuống lạy bức tượng, dù anh chưa biết tượng đó là vị thần thuộc tôn giáo nào, nhưng anh xác nhận rằng tiếng kêu mà anh nghe được là từ bức tượng này phát ra và từ bấy lâu nay anh được may mắn có lẽ nhờ vị thần này.

Thạch Hải lấy chiếc khăn lớn mà mẹ anh đã mua cho nhờ lợi nhuận sau mấy mẻ cá, phòng khi anh bị lạnh mà anh vẫn chưa dùng, anh bọc tượng cẩn thận và cho vào bao để đưa về, tránh tất cả sự tò mò của người khác theo dõi anh từ cả tuần nay, lỡ anh đã gặp may…

3

Đưa ghe vào bến, Thạch Hải ngó trước ngó sau để tìm người giúp đỡ đưa cá và tượng về nhà.

May mắn thay, lúc đó có một chiếc xe lôi của người quen vừa chở đồ cho ai đó đi ngang qua, Thạch Hải vội nhờ chở cá về nhà. Được sự đồng ý, anh nhanh chóng chuyển cá và tượng lên xe. Người lái xe lôi đang mải lo chuyện gì đó, nên cũng chẳng để ý Thạch Hải nhờ chở cái gì. Hơn nữa, quãng đường cũng không xa lắm.

Xe vừa dừng lại, Mẹ Thạch Hải đã mở cửa ngồi đón con từ lâu như thường lệ. Bà vội chạy ra phụ con đưa cá xuống. Bà rất vui vì hôm nay Thạch Hải bắt được nhiều cá, nên phải thuê xe lôi chở cá về, hơn hẳn mọi lần. Bà chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy Hải ôm một bao đặt xuống giường, không sợ bao cá làm tanh giường nằm hay sao, hay là bao đựng vật gì? Bà hỏi:

- Bao gì vậy con?

Hải đưa một ngón tay lên miệng ra dấu cho mẹ giữ im lặng. Anh nói:

- Mẹ cứ để đó cho con.

Điều này càng làm bà mẹ tò mò, không phải cá thì là cái gì? Nghĩ vậy nhưng bà không dám mở bao. Bà phụ con đổ cá ra hai cái thùng, để vào góc nhà chờ con dâu đem ra chợ bán.

Hải nói với mẹ về cái bao còn để trên giường.

- Con giao cho mẹ đó, mẹ mở ra coi đi.

Trước khi mở bao, bà lấy tay nắn nắn bên ngoài và thử đoán xem là vật gì. Vật trong bao rất cứng, không đoán được, nhưng chắc là bằng sắt hay bằng thứ gì đó, không phải là thứ có thể ăn được. Lúc đầu bà nghĩ, chắc Hải vớt được vật gì đó trôi nổi trên sông, có thể là những dụng cụ của một chiếc thuyền đắm, trôi giạt đến chỗ anh đánh cá, và anh vớt lên. Nhưng bây giờ, cái đồ vật bên trong bao ngoài dự đoán của bà. Vật gì mà Hải lại bảo bà giữ im lặng để người ngoài không tò mò?

Bà mẹ vội vã cởi dây buộc miệng bao. Bà kinh ngạc vì từ trong bao toát ra một mùi hương ngào ngạt, như hương hoa rất thơm. Khi miệng bao được kéo sát xuống đáy, thì lộ ra pho tượng một người phụ nữõ bồng con trên tay rất lạ. Mẹ Thạch Hải bị choáng vì sự việc bất ngờ và lạ lùng. Bà có linh cảm ngay thần khí và uy lực từ pho tượng, tuy vô hình nhưng rất mạnh mẽ, mùi hương lạ của tượng làm bà tin ngay đây là một phúc thần. Trong một chớp mắt như ngất đi, bà thấy một quầng sáng chói lọi phát ra từ pho tượng. Nhưng khi định thần lại, bà nhận ra ngay tình thế của bà. Cả đời ông bà và cả dòng họ nội ngoại bao đời vẫn ăn chay niệm Phật, một lòng trung thành với Phật, làm việc lành để có được phúc nghiệp, mong kiếp sau gia đình có được hạnh phúc, thoát được cảnh nghèo nàn. Trước mặt bà là tượng một thần nữ, lại không phải là Quan Thế Âm Bồ Tát mà bà vẫn tôn sùng. Bà sợ mình làm việc bất xứng với Phật, đưa thần lạ về nhà, Trời Phật sẽ giáng phạt. Bà quay sang nhìn Hải và nói:

- Con đem ngay tượng đi, trả về chỗ cũ. Trời ơi, con không biết rằng đụng chạm đến thần linh thì sẽ mang họa suốt kiếp. Con mang ngay đi. Mẹ sợ lắm.

- Không được mẹ à. Bức tượng này kêu khóc bảo con đem về nhà!

- Con nói sao? Bức tượng này biết khóc, còn bảo con mang về nhà? Mẹ không hiểu?

- Là như thế này, lúc con định cởi dây chèo thuyền vào bờ thì con nghe từ tâm con tiếng khóc trẻ con. Tiếng khóc từ dưới sông. Con lặn xuống thì vớt lên được bức tượng này. Con nghĩ ngay đến sự việc lạ lùng cả tuần nay là ngày nào con cũng đánh bắt được nhiều cá ở chỗ bức tượng. Giờ mẹ bảo con trả tượng về sông thì sao con làm được.

Đến lượt mẹ Thạch Hải đứng chết lặng. Đúng là cả tuần nay ngày nào Hải cũng đánh bắt được nhiều cá, một hiện tượng lạ mà bà không sao giải thích được. Bà chỉ tin rằng Trời Phật độ cho con bà, vì Hải là đứa hiếu thảo, mới đi tu ở Chùa về. Hải cố làm việc để có tiền lo thuốc cho cha đang nằm viện. Bà nghĩ đơn giản vậy, nhưng bà cũng biết xưa nay không có chuyện phép lạ ở nhà người thờ Phật.

Người theo Phật chỉ tin vào nhân quả, vào nghiệp báo, ở hiền thì gặp lành, ăn ở nhân hậu thì sẽ được vãng sinh vào cõi cực lạc. Đời là bể khổ. Chính mình tạo ra nghiệp quả cho mình. Bà tụng niệm Phật A Di Đà vì tin vào 48 đại nguyện của Ngài. Bà cũng nghe nói có những vị bồ tát đã thành Phật, nhưng chưa về cõi Niết Bàn, mà ở lại cứu độ chúng sinh trong cõi trầm luân. Bà đang thờ một vị ấy. Những khi quá khổ bà thường cầu xin Quan Thế Âm Bồ Tát. Bà không biết pho tượng này là của nữ thần nào. Nhưng chắc là một phúc thần. Thần Phật ở những cảnh giới khác nhau, đâu có ở chung với nhau được. Bây giờ phải làm sao!

Hai mẹ con đang khó xử về sự hiện diện của bức tượng và Thạch Hải cũng đang tính lên nhà thương để thỉnh ý cha, thì nghe tiếng chị dâu và tiếng người đàn ông nào giống tiếng của cha, bà mẹ liền giục Thạch Hải:

- Con mau lấy mền phủ lên tượng và tìm cái gì che đi.

Thạch Hải vội vàng lấy mền phủ lên tượng và đặt mấy vật dụng nữa để gần tượng để tránh sự chú ý, rồi đóng cửa lại.

Nghe tiếng kêu cửa. Thạch Hải nhìn ra cửa. Bà mẹ mở cửa ra. Vừa thấy chồng và con dâu, bà la lên:

- Ô..ô..ông…ủa, ông xuất viện từ hồi nào vậy?

Thạch Hải vội ra đỡ chị dâu mang vật dụng ở bệnh viện vào nhà, còn bà mẹ đỡ tay ông Ba Hưởng. Bà để ông nằm lên chiếc võng căng ngang giữa nhà, rồi săn đón hỏi han:

- Ông đang bệnh nặng, bác sĩ cho ông về là sao?

- Bác sĩ nói tôi hết bệnh rồi, cho về.

- Lúc tôi lên thăm ông, ông còn nằm liệt giường, bác sĩ còn nói với tôi là trường hợp của ông rất khó. Tôi nghe vậy tôi rầu thúi ruột, chỉ biết cầu trời khấn Phật cho ông, vậy mà hôm nay ông đã xuất viện, thật không hiểu nổi.

Cha Thạch Hải ngồi trên võng, thảnh thơi, vui vẻ như người không có bệnh tật gì, tuy có hơi gầy một chút, bởi xưa nay ông ăn chay. Ông nói trong sự ngạc nhiên:

- Hôm nay, khoảng 9 giờ rưỡi, bác sĩ khám bệnh cho tôi như mọi ngày. Ông có vẻ rất ngạc nhiên. Ông đặt ống nghe khắp lưng và ngực tôi, nghe đi nghe lại rất kỹ, rồi xem bệnh án, xem các toa thuốc đã điều trị. Ông lại hỏi các bác sĩ trực đã khám và điều trị cho tôi mấy tuần nay. Họ nói chuyện với nhau những gì tôi không hiểu. Họ cũng nói rằng họ không sao hiểu được trường hợp của tôi, vì theo dõi biểu đồ khám và điều trị của tôi, họ thấy tình trạng bệnh của tôi mỗi ngày mỗi trầm trọng. Nay bỗng dưng kiểm tra, lại không thấy dấu vết gì tổn thương ở phổi. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ hội chẩn nói tôi hết bệnh và cho tôi xuất viện. Lúc ấy con dâu vừa đưa đồ ăn đến.

Thấy vợ và con có vẻ đăm chiêu về hiện tượng của ông, ông nói:

- Được khỏi bệnh là tôi mừng rồi. Chắc là nhờ thần Phật cứu giúp. Nhà mình nghèo, nếu tôi nằm liệt giường thì lấy tiền đâu lo thuốc, và ngộ nhỡ tôi có mệnh hệ nào thì mẹ con bà sống làm sao.

Thấy ông trở về nhà, đi đứng khỏe mạnh, vui vẻ bên cạnh cô con dâu ôm gói đồ đạc, bà con lối xóm kéo đến hỏi thăm. Họ rất ngạc nhiên. Hôm trước, ông phải nằm xe cấp cứu đưa đến bệnh viện, hôm nay đã trở về khỏe re; rồi họ thắc mắc hỏi han về bệnh tình của ông. Do đâu mà ông được khỏi bệnh cách mau lẹ như vậy. Họ tin chắc ông được Trời Phật độ mạng cho qua khỏi cơn hoạn nạn. Hơn thế chuyện Hải gặp may đánh được nhiều cá cũng là do Trời Phật cho.

Phần cha của Thạch Hải, khi gặp mọi người lối xóm, ông đều chia sẻ niềm vui và hào hứng tường thuật lại việc ông được khỏi bệnh.

- Như bà con biết đó, lần vào viện này là lần thứ ba rồi, khi đưa tôi lên xe cấp cứu, tôi không hy vọng được trở về nhà, phần vì bệnh phổi mỗi ngày một nặng hơn; gia đình tôi lại gặp khó khăn và đơn chiếc. Bà nhà tôi thì già yếu phải ở nhà chăm sóc con gà con heo. Còn thằng út thì mới hết nghĩa vụ tôn giáo, mới vào nghề chài của tôi còn non yếu, đồ ăn thức uống ngày hai bữa phải nhờ con dâu tiếp tế, thuốc men chỉ còn biết nhờ vào nhà thương.

Trong hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ lần này vào viện là về với ông bà luôn. Sáng nay, khi bác sĩ cho tôi về cũng nhắc lại: “Khi đưa ông nhập viện, qua những chứng từ nằm viện những lần trước và bệnh lần này chúng tôi thấy ông khó lòng qua khỏi, nhưng thấy hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc của gia đình ông, nhất là lời năn nỉ của cô con dâu ông, chúng tôi cũng nhận để chữa trị cho ông được ngày nào hay ngày đó”.

Ông Ba Hưởng nói tiếp:

- Phần tôi, ngay khi ngã bệnh lại, tôi chỉ muốn ở nhà để sớm về với ông bà, nhưng bà nhà tôi và các con cháu cứ nằng nặc nài ép tôi đi bệnh viện. Chiều ý mọi người, tôi liền thử một lần nữa. Đến bệnh viện, trước khi cho nhập viện, nhà thương xem xét bệnh án của tôi, họ chỉ khuyên con Ba - con dâu của tôi đưa tôi về nhà để chăm sóc cho tôi. Tôi muốn ăn thứ gì thì cứ cho tôi ăn. Nhưng con dâu tôi khóc lóc năn nỉ và nói với bác sĩ rằng: tôi ăn chay nhiệm nhặt kỹ lắm, chẳng thèm ăn thứ gì. Họ hỏi thêm về nghề nghiệp của tôi, con Ba kể lể tôi làm nghề đánh cá vất vả khó khăn lắm.

Sau khi thăm hỏi, bác sĩ trực thấy tội nghiệp tôi, liền chấp thuận cho tôi được nằm viện với lời nhắn con Ba: “Ông cụ lao lực quá, ăn uống thiếu chất, phổi bị tổn thương, có thể là ung thư thời kỳ cuối, tình hình ngày càng nặng, khó qua khỏi được…”.

Nghe con Ba nói lại, tôi đã dặn con Ba: “Đừng cho gia đình biết kẻo phải lo lắng thêm, để mình tôi chịu được rồi”.

Con Ba liền òa lên khóc, tôi phải trấn an nó: “Trời Phật có mắt, có nhiều việc người ta không làm được, nhưng Trời Phật làm được”.

Thế rồi vì công việc và vì có con dại, con Ba cũng không còn giờ ở lại chăm sóc tôi như trước, tôi nằm viện một mình, ngày hai bữa, nó đưa đồ ăn đến cho tôi.

Ông Ba Hưởng nhìn mọi người như chia sẻ tình cảnh cùng quẫn của mình:

- Tôi còn biết làm gì. Nằm nhà thương, tôi có nhiều giờ tụng kinh và cầu nguyện với Phật cho gia đình. Tôi biết, tôi nằm đây đã yên phận, nhưng gia đình còn phải khổ cực nhiều hơn tôi. Bà nhà tôi đã vậy, nhưng nhất là thằng út, mới hết nghĩa vụ tôn giáo, nghề nghiệp thì chưa quen, nhất là thời buổi làm ăn khó khăn, thời tiết thất thường, bão tố luôn luôn, không khéo lại mất tài sản, có khi còn mất mạng. Đêm ngày tôi tụng kinh lo lắng, hễ cứ nhắm mắt vào thì lo âu lại ùa đến kéo tôi dậy.

Mọi người ồn ào:

- Ừ, dạo này nước dâng, sóng gió nhiều mà chú út thì có vẻ yếu đuối, ông lo là phải.

Ông Ba chờ mọi người bớt xôn xao rồi nói tiếp:

- May mà mới đây, con Ba báo cho tôi biết là thằng út nhà tôi gặp may, ngày nào cũng đánh bắt được một tạ cá rói, bán cái vèo là hết. Tôi không nghĩ rằng nó giỏi vậy. Mới ở Chùa về nào đã biết làm ăn gì. Dù sao nhờ nó mà giải quyết được một phần nào cuộc sống. Nhưng sự khốn khó của gia đình tôi vẫn còn đó làm tôi không nguôi lo lắng. Bệnh trạng của tôi không thấy khả quan. Bác sĩ điều trị nói chuyện với nhau, tôi nghe loáng thoáng rằng tình hình của tôi tiếp tục đi xuống.

Nghe ông Ba Hưởng nói, mọi người nhìn nhau rồi nhìn ông. Họ có vẻ quan tâm:

- Lúc ấy ông thấy trong người thế nào?

- Tôi không lo gì việc sống chết. Tử sinh là lẽ thường mà. Đời người ai rồi cũng một lần qua sông, nhưng tôi lo cho bà nhà tôi và thằng út, không biết nó sẽ sống thế nào, vì thằng út yếu đuối lắm.

Mọi người lại nhao nhao lên:

- Thế sao ông lại khỏi bệnh mau vậy?

Ánh mắt ông Ba Hưởng sáng rực lên, hướng nhìn lên trên, rất thành khẩn và tôn kính. Ông chậm rãi kể, lời sâu lắng từ đáy lòng:

- Sáng hôm nay, tôi mệt quá. Đêm qua trở bệnh, ngộp thở không ngủ được, phần vì lo lắng cho gia đình. Khi trời tảng sáng, tôi đã rơi vào hôn mê. Tôi thấy một vị thần nữ đi vào nhà tôi. Bà rất đẹp, tôi chưa từng thấy người nào đẹp và phúc hậu như Bà. Người Bà chiếu tỏa hào quang sáng chói. Bà thăm hỏi từng người. Bà đến chỗ tôi, thấy tôi bệnh nặng, Bà đưa tay kéo tôi ngồi dậy. Một luồng ánh sáng từ người Bà bao trùm lấy tôi. Ngay lập tức tôi cảm thấy dễ chịu. Bà nói tôi nằm nghỉ và hứa sẽ gặp lại tôi… rồi Bà biến đi trong vầng hào quang rất đẹp.

Mọi người lại nhao nhao:

- Thần nữ ấy có phải là Phật Bà Quan Âm không?

Ông Ba vội trả lời, ông nói như đang nhìn thấy vị nữ thần ở trước mặt:

- Không phải, tôi biết Phật Bà Quan Âm đội mũ ni xanh, ngồi trên tòa sen, bên tay mặt có một con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay hầu. Vị nữ thần này mặc áo dài trắng, có khăn xanh, thắt lưng xanh, trên tay bồng một đứa bé, nét mặt rất nhân hậu.

Mọi người trầm trồ:

- Lạ quá! Lạ quá!

Ông Ba kể tiếp:

- Giật mình thức dậy, tôi cảm thấy mình dễ chịu như trong giấc mơ, tôi không còn đau đớn trong người nữa. Lúc đó, tôi thật sự ngỡ ngàng và không dám tin vào mình. Tôi không ngờ sự việc vừa xảy ra trong mơ lại là thực. Tôi tin rằng vị thần trong mơ đã cứu chữa tôi. Tôi vội vàng bước xuống khỏi giường bệnh và quỳ chắp tay tạ ơn. Tôi hướng về vị thần mà vái. Các bệnh nhân cùng phòng nhìn tôi ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao tôi đang nằm trên giường lại lăn xuống đất rồi chắp tay lạy lia lịa. Miệng tôi nói thầm: “Con xin tạ ơn Người, con xin tạ ơn Người”.

Đúng lúc đó, con Ba đưa đồ ăn đến cho tôi, tôi nói lớn: “Cha hết bệnh rồi…”. Lúc đầu, con Ba không tin vào mắt mình, nó hốt hoảng, tưởng tôi lên cơn sốt nên bị mê sảng. Nó chạy lại đỡ tôi ngồi lên giường, định đi gọi bác sĩ trực. Không riêng con Ba mà cả phòng bệnh, mọi người đã chứng kiến đều không thể biết điều gì đã xảy ra cho tôi. Có người la lên vì họ tưởng tôi điên. Bác sĩ trực thấy ồn ào cũng chạy đến. Tôi nói với bác sĩ tôi hết bệnh, khỏe lại như người thường rồi. Bác sĩ và y tá trực cũng hoảng. Bác sĩ đưa tay sờ trán tôi, cầm tay tôi, thân nhiệt tôi bình thường, không có sốt. Ông kinh ngạc. Khi mọi người thấy tôi vui vẻ và đi đứng như người thường, họ mới tin lời tôi nói, nhưng họ không sao hiểu được chuyện gì lạ lùng đã xảy ra cho tôi.

Ông Ba nhìn mọi người một lượt xem phản ứng của họ thế nào. Có thể họ cho rằng ông mê sảng nên mơ thấy vậy, nhưng họ không sao giải thích được sự việc ông đang ở nhà, ở trước mặt họ và khỏe mạnh bình thường. Ông kể tiếp:

- Con Ba đưa tôi đến bác sĩ trưởng khoa để kiểm tra và xin cho tôi xuất viện. Bác sĩ đã cẩn thận xem lại bệnh án và nghe tôi tường thuật lại việc tôi được khỏi bệnh cách lạ thường. Họ hỏi tôi lý do tôi được khỏi bệnh, tôi cũng chẳng biết, chỉ biết tôi đã được khỏe lại bình thường. Bác sĩ làm hồ sơ cho tôi xuất viện. Tôi mừng vô cùng, không ngờ tôi còn trở về với gia đình và bà con.

Ông Ba vuốt tóc mấy đứa trẻ đứng bên ông. Những đứa trẻ nhìn ông và há hốc miệng ra nghe. Mấy tuần nay nghe nói ông đi nhà thương và ốm sắp chết, chúng buồn lắm; giờ thấy ông về, chúng vây quanh ông, đứa nắm tay ông, đứa níu áo ông như không để cho ông đi nữa. Ông Ba kể tiếp câu chuyện của mình:

- Con Ba đòi thuê xe và báo cho gia đình biết tin vui này. Tôi nói với nó là tôi khỏe lại và có thể đi bộ được và đồng thời để cho gia đình được vui, nhất là để cho thằng út trưa hoặc chiều thấy tôi đã về, nó mới ngạc nhiên.

Ông uống một ngụm nước rồi nói tiếp:

- Đúng như tôi dự đoán, trên đường về nhà, lối xóm đều yên tĩnh vì người lớn đã đi làm, nó chỉ ồn ào khi chiều đến, người dân đã đi chài về. Đám trẻ con, đứa lớn một chút đã theo nhà đi thuyền, hoặc đứa khác bơi thuyền chậu thau đi ăn xin du khách. Một ít đứa ở nhà với ông bà già trông nhà và trông coi em bé.

Thấy tôi về nhà, mấy con chó đánh hơi trước, nó nhảy bổ vào người tôi rồi kêu lên vì mừng, khua động cả xóm chài. Tôi thấy nhiều nhà mở cửa ngó ra, họ trố mắt nhìn, họ không tin rằng tôi trở về. Lúc ấy cửa nhà tôi còn đóng, cô con dâu phải gọi cửa.

Mọi người nghe chuyện đều cám ơn Trời Phật và chúc mừng ông Ba. Có người nắm lấy tay ông, người đặt tay trên vai ông, có người đứng sững nhìn ông để chứng thật rằng ông đã trở về khỏe mạnh. Họ ra về và đem theo việc lạ lùng của ông. Họ không sao hiểu được.

Thạch Hải và bà Ba nghe ông Ba kể thì nghĩ ngay đến bức tượng đang để trong nhà. Họ vẫn còn dấu kín chưa cho ông Ba biết. Và bây giờ, họ thực sự bối rối, có nên cho ông Ba biết sự việc Thạch Hải đã đưa tượng một nữ thần về nhà không? Và sau cùng, như có gì đốt lửa trong lòng, Thạch Hải đành phải cho ông Ba biết trong nhà có bức tượng nữ thần mình đem về. Ông Ba vội vã mở mền trùm pho tượng để trên giường. Ông nhìn bức tượng một cách thành kính, rồi bất chợt ông sụp lạy và la lên:

- Đúng vị nữ thần này đã cứu chữa cho tôi. Xin tạ ơn Người. Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng giữa giấc mơ và sự thật như thế này?

Ông Ba và cả nhà khóc nức nở...



4

Tin ông Ba Hưởng được khỏi bệnh đột ngột, khỏe mạnh trở về nhà đã sớm lan rộng khắp làng chài, chẳng mấy chốc, người ta kéo đến đầy nhà ông. Thực ra, cả tuần lễ nay gia đình ông Ba là điểm được chú ý đến vì những mẻ cá tươi ngon mà những người rành nghề và đầy kinh nghiệm cũng không thể có được; bây giờ lại đến tin ông Ba được lành bệnh đột ngột.

Họ háo hức kéo đến tận nhà để được xem tận mắt con người bằng xương bằng thịt của ông Ba, mà chỉ cách đây hai tuần ông đã được đem đi nhà thương để cấp cứu, và ai cũng bảo: kỳ này ông Ba khó lòng qua khỏi, vì nhà thương đã gần như nhà riêng của ông rồi… Thế mà giờ này ông đã khỏe mạnh…

Trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, ông Ba chỉ kể lại vắn tắt giấc mơ và sự khỏi bệnh lạ lùng của mình. Ông không kết luận điều gì, song người nghe hiểu rằng sự việc ông khỏi bệnh phải do yếu tố siêu nhiên, bởi ông đang nằm nhà thương, các bác sĩ đang điều trị cho ông đều biết tình trạng bệnh của ông mỗi ngày mỗi trầm trọng. Vậy mà chỉ sau một đêm ông hết bệnh. Các bác sĩ thì không tin vào chuyện duy tâm; nhưng họ không sao giải thích được trường hợp của ông. Còn bây giờ xóm chài lại nghĩ đến sức mạnh của thần linh. Họ hỏi ông Ba:

- Vị thần nào đã cứu ông Ba vậy?

Theo ý của bà Ba Hưởng, thì bà muốn giấu nhẹm sự hiện diện của tượng thần này, vì không biết của tôn giáo nào, nhưng giờ đây thì không thể giấu được nữa rồi. Bà đành nháy mắt ra hiệu cho Thạch Hải thuật lại việc gặp được bức tượng thần.

Đang chờ ý mẹ, được mẹ ra dấu, Thạch Hải mở mền che tượng đặt trên giường, đưa tượng lên đặt trên bàn trước mặt mọi người, rồi thuật lại cho ông Ba và mọi người nghe sự xuất hiện của tượng trong gia đình. Mọi người kinh ngạc nhìn pho tượng lạ. Tượng trông rất cũ, bằng đồng, cao gần bằng người thật, một vài chỗ đã hoen ố trầy xước, không phải là tượng Phật Quan Âm. Ở xóm chài này mọi người đều theo Phật giáo, lại ít ra ngoài, nên họ không biết hình tượng của các tôn giáo khác.

Thạch Hải nói:

- Hôm đó, nước sông dâng lên và chảy xiết, những người bạn chài không dám đánh bắt, vì theo kinh nghiệm, họ cho rằng không thể đánh bắt được gì, lại có thể gặp nguy hiểm. Còn tôi vì hoàn cảnh gia đình, tôi không thể trở về tay không, tôi đành liều ở lại và tìm cách thả lưới. Tôi đã lưới được hai mẻ cá rói to mà chính tôi cũng không thể tin được.

Sau hai mẻ cá lạ đó, tôi đang định thu dọn về thì từ trong tâm tôi, nghe tiếng em bé kêu khóc. Nhìn lui nhìn tới và lục lọi tìm kiếm khắp nơi trên bờ, trên cây, dưới nước cũng chẳng thấy dấu hiệu gì. Lúc đó, tôi hơi hoảng sợ, nhưng rồi tiếng khóc lại vang lên càng lúc càng rõ mồn một. Tôi đã ngụp lặn dưới nước để tìm kiếm. Mãi đến lần thứ ba, tôi mới định vị được và sờ thấy một vật gì thật cứng và đứng thẳng, khiến tôi có thể víu vào để khỏi bị nước cuốn đi. Tôi đã sờ thấy bức tượng thần này. Tôi vội vàng đưa lên ghe cách nhẹ nhàng hơn tôi tưởng. Sau đó, tôi đóng bao đưa tượng về nhà.

Đưa tượng về nhà, mẹ tôi sợ hãi, hoảng hốt, tính đậy kín, gọi chị dâu tôi đang đi bán số cá tôi bắt được, đến nhà thương hỏi ba tôi sẽ xử lý ra sao với bức tượng thần này. Tôi sang gọi chị dâu thì chị dâu tôi đã đến giờ đưa cơm cho cha tôi vào lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm nay, khớp với giờ cha tôi được khỏi bệnh.



tải về 0.91 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương