A dục vưƠng (asoka) cuộC ĐỜi và SỰ nghiệP



tải về 1.22 Mb.
trang16/19
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.22 Mb.
#6622
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19
Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: Nhà vua này muốn gì ở chúng ta? Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phức từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để được lợi ích đời này và đời sau.
Vì vậy ta tuyên bố với các ngươi, do làm như thế ta trả xong món nợ cho các chúng sinh, và ta nhắc nhở và bảo cho các ngươi rằng ý định, quyết tâm và lời hứa của ta là không bao giờ thay đổi. Do đó các ngươi cần làm tốt các bổn phận của mình để mọi người hiểu rằng “đức vua là cha của chúng ta; chúng ta là con cái của người; người hiểu chúng ta như hiểu chính mình.” Cùng lúc nhắc nhở và báo cho các ngươi biết rõ ý chí, quyết tâm và lời hức không vi phạm của ta, ta cũng có chỉ thị gởi đến các quan chức khắp các tỉnh thành để họ thực hiện mục đích này. Vì các ngươi là những người có trách nhiệm làm cho dân tin, mang lại lợi ích và hạnh phúc đời này và đời sau cho dân; do đó, nếu các ngươi sẽ đạt được hạnh phúc cõi trời và hoàn thành các nghĩa vụ đối với ta. Vì lẽ ấy, ta cho khắc bia ký này tại đây để các quan chức cao cấp không ngừng nỗ lực làm việc khiến cho các dân tộc ở các vùng biên giới đạt được tin tưởng và thực hành đạo đức tôn giáo.
Chỉ dụ này phải được công bố vào các ngày Tisya trong năm, trong khoảng thời gian giữa các ngày Tisya và vào các dịp thuận lợi để cho mọi người cùng nghe, thậm chí cho một người nghe. Làm như thế tức là các ngươi thực hiện đầy đủ lời ta dạy.
D.Mười bốn bia ký
Bia ký I,(Shahbazgarhi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho khắc đạo dụ này: Tất cả mọi người không được giết hại sinh vật và dùng sinh vật để tế lễ. Không được tiến hành lễ hội Samàja. Vì lẽ đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, thấy rõ nhiều bất công trong lễ hội Samàja. Tuy nhiên đức Thánh thượng cũng nhận thấy lễ hội có những thứ đáng ca ngợi.
Trước đây, trong nhà trù của Hoàng gia, hàng trăm ngàn sinhvật bị giết mỗi ngày cho mục đích ẩm thực. Nhưng nay, khi đạo dụ này được ban ra, chỉ có ba sinh vật bị giết thịt, hai con công và một con nai, nhưng nai thì không thường xuyên. Ngay cả ba sinh vật này về sau sẽ không còn bị giết thịt nữa.
Bia ký II, (Girnar)
Khắp nơi trong vương quốc của đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, và tại các lãnh địa như Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmraparnì, tại xứ sở vua Hy Lạp Antiocho và tại các xứ sở các vị vua láng giềng của vua Hy Lạp Antiocho- khắp các nơi ấy, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho xây dựng hai loại hình trị liệu-chăm sóc y tế cho người và trị liệu cho thú vật. Các loại cây làm thuốc cần cho việc điều trị người và thú được phép nhập khẩu và cho trồng tại những nơi chưa có. Các loại cây lấy rễ và cây ăn quả cũng được phép nhập khẩu và cho trồng khắp nơi. Trên các trục lộ, các giếng nước được xây dựng và các loại cây được gieo trồng để phục vụ tiện ích cho người và thú vật.
Bia ký III,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như thế này: Mười hai năm sau khi lên ngôi, ta ban lệnh như sau: Khắp nơi trong vương quốc của ta, các quan chức Yukta, Ràjùka và các quan chức Pràdeśika phải thực hiện tuần du năm năm một lần nhằm phổ biến Chánh pháp (Dharma) và thúc đẩy các công việc khác. Họ cần phải giảng dạy cho quần chúng như sau; Phụng dưỡng cha mẹ là cao quý; chia sẻ với bạn bè, giúp đỡ bà con, thân bằng quyến thuộc,cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn là cao quý; không sát hại sinh vật là cao quý; không tiêu xài phung phí hay tiết kiệm là cao quý. Hội đồng bộ trưởng cần phải chỉ thị các quan chức Yukta kết toán các khoản công tác phí của các quan chức tuần du theo tinh thần luật định của Hoàng gia.
Bia ký IV,(Girnar)
Hàng trăm năm trước đây, việc giết hại thú vật để tế lễ, đối xử tàn ác với sinh linh, xử sự không đúng với bà con, với các Sa-môn và Bà-la-môn đã không ngừng gia tằng. Nhưng ngày nay, do đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, thực hành Chánh pháp (Dharma), tiếng trống trận (bherì-ghosa) mở ra cho mọi người quang cảnh các thế giới thần tiên,các loài voi, các khối lửa và nhiều cảnh giới chư thiên khác.
Ngày nay, nhờ các huấn chỉ tôn giáo do đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ban bố, việc từ bỏ sát hại súc vật,không gây tổn hại cho sinh linh, xử sự đúng đắn với bà con, với các Sa-môn, và Bà-la-môn, hiếu kính cha mẹ và tôn trọng các bậc trưởng thượng đã được gia tăng, như chưa từng thấy mấy trăm năm trước đây.
Đạo đức đã được phát triển và đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thực hành đạo đức này. Các con cái và cháu chắt của đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, sẽ thúc đẩy sự thực hành đạo đức này cho đến môn đời, sẽ sống trong Chánh pháp (Dharma) và sẽ truyền dạy Chánh pháp, bởi đây là việc làm cao cả, nghĩa là, giảng dạy Chánh pháp.
Thực hành đạo đức không thuộc về người không có đức hạnh. Vì vậy sự phát triển đạo đức là đáng ca ngợi. Vì lý do này, chỉ dụ này được viết ra để các con cái và cháu chắt của ta luôn luôn thúc đẩy đạo đức và không để đạo đức biến mất. Chỉ dụ này được đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, cho khắc khi ngài đăng quang được mười hai năm.
Bia ký V,(Mànsehrà)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Điều thiện thật khó làm. Người nào làm điều thiện, người ấy thành tựu được điều khó làm. Cho đến nay ta đã làm được nhiều điều thiện.
Do đó, t among các con cái và cháu chắt nhiều đời của ta sẽ noi gương ta làm nhiều điều thiện. Nhưng người nào tỏ ra lơ là hay bỏ qua một phần làm thiện tức người ấy sẽ làm ác . Điều ác hay tội lỗi cần phải được tiêu diệt.
Trước đây, các quan chức Dharma-Mahàmàtra chưa từng được biết tới. Nhưng nay, mười ba năm sau khi lên ngôi, ta thành lập các quan chức Dharma-Mahàmàtra, ta dùng các quan chức này trong mọi giáo phái nhằm xây dựng và phát triển Chánh pháp vì lợi ích và hạnh phúc cho những ai tận trung với tôn giáo. Các quan chức này cũng được cắt cử phục vụ tại các xứ sở và dân tộc như Yona, Kamboja,Gandhàra, Ràstrika, Pitinika và các dân tộc Aparànta hay các bộ tộc biên giới phía tây. Họ được đề cử phục vụ trong quân đội, trong các hội chúng ẩn sĩ Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, giữa những người nghèo khó và người già yếu nhằm mục đích mang lại lợi ích và hạnh phúc cho họ và để giúp những người thực hành Chánh pháp thoát khỏi phiền toái. Họ cũng được đề cử nhằm xem xét đơn kháng án của các phạm nhân, giúp phạm nhân khỏi bị ngược đãi, giải phóng phạm nhân trong trường hợp phạm nhân phải nuôi con dại hay gặp quá nhiều bất hạnh hoặc bị khổ sở bởi tuổi già. Họ cũng được bổ làm việc tại Pàtaliputra và tại các tỉnh thành bên ngoài, trong các hậu cung của các anh chị em ta và bất cứ nơi nào có thân nhân của ta sinh sống. Ta dùng các quan chức Dharma-Mahàmàtra này khắp nơi trong vương quốc của ta để họ giúp mọi người thực hành Chánh pháp, tận trung với Chánh pháp và làm các việc thiện.
Vì vậy, ta cho khắc đạo dụ này để Chánh pháp được trường tồn và để cho các tế hệ con cháu của ta muôn đời sống trong Chánh pháp.
Bia ký VI,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ban chiếu chỉ như sau: Trong các triều đại trước đây, công tác quản trị hay tiếp thu các trình báo không được tiến hành vào mọi lúc. Vì vậy nay ta sắp xếp lại như sau: vào mọi lúc, khi ta đang ăn, đang ngủ, đang ở hậu cung, đang ở các trại chăn nuôi, đang ở chổ thuyết giáo, đang vui chơi hay bất kỳ ở đâu, các quan lại có trách nhiệm khấu trình (Prativedaka) phải trình báo cho ta mọi việc liên quan đến nhân dân. Ta phải giải quyết mọi vấn đề của dân ở bất cứ nơi đâu. Và nếu ta ra lệnh bằng miệng cho một người nào đó hiến tặng tiền bạc hay công bố ý định của ta thì các ngươi phải ghi là “ lệnh cho hiến tặng tiền bạc hay công bố thánh chỉ ,” hoặc giả khi tar a lệnh cho các quan chức cao cấp của nhà nước (Mahà-màtra) về một vấn đề nào đó khẩn cấp mà theo đó tranh luận hay bàn cãi xảy ra tại Hội đồng các quan lại (Parisat) thì ngay lập tức các ngươi phải trình báo sự việc cho ta vào mọi lúc và ở mọi nơi. Đây là thánh chỉ của ta. Bởi ta không thấy hài lòng về mình trong sự nỗ lực giải quyết công việc. Trách nhiệm thiêng liêng của ta là thúc đẩy lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó căn bản là nỗ lực giải quyết công việc.Không có việc làm nào cao cả hơn là thúc đẩy lợi ích cộng đồng. Và nếu như ta có nỗ lực làm điều gì thì điều đó có nghĩa là ta trả xong món nợ cho tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh được hạnh phúc đời này và hưởng được thiên giới đời sau.
Vì lý do này,ta cho khắc đạo dụ này để cho lời ta được bền lâu, ngỏ hầu các con cái và cháu chắt nhiều đời của ta sẽ vâng theo vì lợi ích của tất cả chúng. Nhưng lợi ích và hạnh phúc rất khó thành tựu trừ phi phải nỗ lực và bền bỉ.
Bia ký VII,(Shahbazgarhi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, mong muốn quần chúng mọi giáo phái sống khắp mọi nơi. Vì tất cả họ đều ước muốn chế ngự tham dục và sống thanh tịnh . Tuy nhiên quần chúng thì có nhiều khuynh hướng và ham muốn khác nhau. Họ có thể thực hiện toàn bộ hay một phần các bổn phận của mình. Nhưng dù cho người nào có ít bố thí, ít chế ngự tham dục, ít nội tâm thanh tịnh, ít lòng biết ơn và ít kiên trì lòng tin đi nữa thì cũng cần thiết và đáng được ca ngợi.
Bia ký VIII,(Shahbazgarhi)
Trong các thời quá khứ, chư vị Hoàng đế từng thực hiện những cuộc du hành hưởng lạc gọi là Vihàrayàtrà, trong đó gồm việc săn bắn và các trò tiêu khiển khác tương tự. Nhưng khi lên ngôi mười năm, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ngự giá chiêm ngưỡng chỗ đức Phật giác ngộ (Sambodhi), kể từ đó ngài thực hiện những cuộc du hành Chánh pháp (Dharma-yàtra) trong đó ngài thăm và tặng quà cho các Sa-môn và Bà-la-môn, thăm viếng dân chúng trong nước, hướng dẫn và thảoluận với họ về đạo đức. Việc làm này khiến đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, có thêm niềm vui lớn.
Bia ký IX,(Kalsi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Quần chúng thường tổ chức nhiều lễ lạc khác nhau. Lúc gặp ngộ cảnh bất trắc, cưới vợ gả chồng cho con, sinh nhật con cái, tiễn người đi xa-vào những lúc ấy quần chúng thường tiến hành các lễ hội khác nhau. Nhưng trong những trường hợp như vậy, những người mẹ và những người vợ thường bày ra những buổi lễ đông đúc ,linh tinh, tầm thường, không lợi ích.
Nay các lễ hội cần được xem xét lại và tiến hành có hiệu quả hơn. Các lễ hội trước đây chỉ mang lại kết quả nhỏ. Tuy nhiên chúng sẽ mang lại quả lợi ích lớn nếu được tiến hành hợp với Chánh pháp. Nghĩa là các lễ hội trong đó người ta đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở , tôn kính thầy cô giáo,tránh gây tổn hại cho các sinhvật, bố thí cúng dường cho các Sa-môn,Bà-la-môn. Những lễ hội như thế được gọi là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala).
Do đó, tất cả mọi người-cha mẹ, con cái, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, người đồng nghiệp hay thậm chí kẻ hàng xóm-nên khuyên bảo nhau như thế này: “ Việc này đáng ca ngợi; lễ hội này đáng được tiến hành cho đến khi đạt được mục đích; lễ hội như vậy tôi sẽ thực hiện.” Bởi cáclễ hội kia khác những lễ hội này – chúng không có kết quả chắc chắn. Chúng có thể đưa đến kết quả hoặc không , và nếu có cũng chỉ giới hạn ở đời này. Nhưng lễ hội Chánh pháp thì vượt ra ngoài thời gian. Giả sử người ta không đạt kết quả ngay đời này thì đời sau sẽ được phước đức vô tận. Nhưng nếu người ta đạt kết quả ngày đời này thì cả hai đường đều gặp vận may, nghĩa là, kết quả ngay trong đời này và phước đức vô tận ở đời sau nhờ nuôi dưỡng vận may Chánh pháp (Dharma-mangala).
Bia ký X,(Kalsi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, không xem danh tiếng là thứ mang lại nhiều lợi ích, trừ phi nó được xây dựng như ý ngài mong muốn, tức là , tất cả mọi người trong hiện tại và trong tương lai sẽ lắng nghe Chánh pháp và thực hành Chánh pháp. Vì lẽ đó mà đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, ước muốn được danh tiếng. Và bất cứ nỗ lực nào của ngài, tất cả đều vì lợi ích đời sau và đều khiến cho mọi người thoát khỏi trói buộc hay khổ đau. Trói buộc hay khổ đau tức là điều ác hay tội lỗi. Quả là những người có địa vị danh giá hay địa vị thấp hèn đều khó thành tựu mục đích này trừ phi phải nỗ lực hết mình và xả ly tất cả. tuy nhiên trong hai hạng người này, hạng có điạ vị danh giá khó đạt mục đích hơn.
Bia ký XI,(Shahbazgarhi)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, dạy như sau: Không có bố thí nào bằng Pháp thí (Dharma-dàna), nghĩa là hiểu rõ Chánh pháp, ban bố Chánh pháp và xử sự bằng Chánh pháp. Bố thí Chánh pháp được làm như sau: đối xử nhân hậu với người tôi tớ, kẻ giúp việc hiếu kính cha mẹ; chia sẻ và giúp đỡ bạn bè, bà con; bố thí cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; không sát hại sinh vật hay dùng sinh vật cho mục đích tế lễ.
Tất cả cha mẹ, con cái, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, người đồng nghiệp, hay kẻ láng giềng cần phải phổ biến Pháp thí này, nói như sau: “ Việc làm này đáng ca ngợi, việc làm này đáng được xem là bổn phận.” Làm như thế, người ta đạt được lợi ích đời này và hưởng phước báu vô tận đời sau nhờ công đức Pháp thí (Dharma-dàna).
Bia ký XII,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tôn trọng hết thảy mọi giáo phái, dù là hạng tu sĩ xuất gia hay tại gia cư sĩ; ngài bày tỏ lòng tôn trọng bằng cách tặng quà và cúng dường các vật dụng cho thành viên các giáo phái. Nhưng đức Thánh thượng không xem các tặng vật và lòng kính trọng bề ngoài ấy là quan trọng bằng sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái. Sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái có thể làm bằng nhiều cách, nhưng gốc rễ là chế ngự lời nói, nghĩa là, không nên tôn trọng giáo phái của mình và đặt điều nói xấu giáo phái của người khác. Trái lại, người ta nên tôn trọng giáo phái của người khác vì lý do này hay vì lý do khác. Làm như thế, người ta vừa phát huy giáo phái của mình vừa giúp phát huy giáo phái của người khác.Bằng ngược lại, người ta sẽ làm tổn thương giáo phái của chính mình và làm thương tổn giáo phái của người khác. Những ai tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng; “ như vậy ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta,” thì ngược lại người ấy chỉ làm tổn thương ngiêm trọng giáo phái của chính mình. Do đó, hoà hợp tôn giáo là điều đáng ca ngợi. Trong ý nghĩa như vậy, tất cả mọi giáo phái cần lằng nghe và sẵn sàng lằng nghe giáo lý của người khác. Đây chính là ước muốn của đức Thánh thượng, tức là, tất cả mọi giáo phái cần có sự hiểu biết rộng rãi và nguồn giáo lý thâm hậu. Và những ai tự bằng lòng với niềm tin của mình, những người ấy cần phải được bảo là đức Thánh thượng không xem tặng vật và lòng kính trọng bề ngoài là quan trọng bằng sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái.
Vì lẽ đó, ta bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra (trông coi về đạo đức xã hội), các quan chức Strì-adhyaksa-mahàmàtra (trông coi các vấn đề phụ nữ), các quan chức có trách nhiệm về chăn nuôi mục súc và các bộ phận quan lại khác nhằm mục đích khuyến khích các giáo phái phát triển và làm rạng danh Chánh pháp.
Bia ký XIII,(Shahbazgarhi)
Tám năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, chinh phục xứ Kalinga. 15.000 người bị bắt làm tù binh, 100.000 người bị giết chết và hàng trăm ngàn người khác đã bỏ mạng trên chiến trường này.
Sauk hi chinh phục xứ Kalinga, đức Thánh thượng Priyadarśì, nguời con yêu quý của các thần linh, đã thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp. Đức Thánh thượng cảm thấy hối tiếc việc chinh phục Kalinga vì đã gây ra cảnh tàn sát, chết chóc và đày ải khổ đau và đáng thương tâm cho dân chúng một xứ sở độclập. Nhưng đức Thánh thượng càng thấy đau đớn hơn nếu chết chóc, thương tật hay đày ải lại xảy ra cho thân nhân các Sa-môn và Bà-la-môn hay tín đồ các giáo phái hay những người gia chủ sống với đạo tâm kiên cố và có đức hạnh như hiếu kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng, tôn trọng thầy cô giáo, xử sự tốt đối với bạn bè, đồng nghiệp, ân nhân bà con quyến thuộc, người làm công, kẻ nô bộc.Lại nữa, ngài hết sức đau buồn nếu thiên tai bất hạnh ập đến cho bạn bè, người quen, đồng nghiệp và thân bằng quyến thuộc của những người có cảm tình thủy chung, vì điều này gây tai ách cho họ dù rằng họ có cuộc sống ổn định. Tất cả tai ương này mọi người phải gánh chịu như nhau nhưng đức Thánh thượng là người đau khổ nhất. Ngoại trừ xứ Yona,không có quốc gia nào không có các hội chúng Sa-môn và Bà-la-môn cư trú. Cũng vậy, không nơi nào trong một quốc gia lại không có những người tin theo giáo phái này hay tôn giáo nọ.
Do đó, ngày nay, dù việc chết chóc có con số chỉ bằng một phần trăm hay một phần ngàn số người bị chết, bị thương và bị bắt ở Kalinga, đức Thánh thượng cũng xem điều ấy là nghiêm trọng. Chẳng những thế,ngài sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm sai lầm trong trường hợp đáng tha thứ. Ngay cả đám lục lâm thảo khấu nằm trong vương quốc của ngài, đức Thánh thượng cũng ra sức thuyết phục chúng trở về con đường lương thiện, để chúng thấy rõ sức mạnh ăn năn của ngài mà thấy xấu hổ về các hành vi phạm pháp của mình và tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Quả vậy, đức Thánh thượng mong muốn tất cả chúng sanh thoát khỏi bị hại, chế ngự tham dục, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc.
Đức Thánh thượng cho rằng chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava).Và ngài đã thực hiện thành công mục tiêu chiến thắng này trong vương quốc của ngài và trong số các dân tộc vùng biên giới, thậm chí vươn xa 600 do do tuần, đến xứ Yona do đức vua Antiocho trị vì và xa hơn là xứ sở của bốn vị vua Ptolemy, Antigono, Maga và Alexander; cũng vậy tại các xứ sở Chola, Pàndya và Tàmrapanì ở phương nam. Khắp nơi trong lãnh thổ và các dân tộc nằm dưới quyền cai quản của ngài như Yona,Kampoja,Nabhaka,Nabhiti,Pitinika,Andhra và Palida, dân chúng đều tuân theo huấn chỉ đạo đức của ngài. Thậm chí đức Thánh thượng mong rằng tại những xứ sở mà các sứ giả của ngài chưa đến được, quần chúng ở những nơi ấy sau khi nghe được các huấn chỉ của ngài sẽ thực hành Chánh pháp. Chiến thắng bằng đạo đức ấy, tình thương được mở ra. Dù tình thương ấy chưa bộc lộ mạnh mẽ, đức Thánh thượng xem đây là nhân tố đưa đến kết quả lớn trong tương lai.
Vì lẽ đó, đạo dụ này được viết ra để các con cái và cháu chắt của ta không còn nghĩ đến sự chinh phục nào khác ngoài việc chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái. Và chúng cần hiểu rằng chỉ có thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái mới là chiến thắng thực sự. Sự chinh phục như vậy đưa đến lợi ích đời này và đời sau. Mong rằng tất cả chúng được hạnh phúc trong sự nỗ lực thực hành Chánh pháp. Mong tất cả chúng được lợi ích đời này và đời sau.
Bia ký XIV,(Girnar)
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho khắc các đạo dụ dưới nhiều hình thức khác nhau; tóm tắt, trung bình hay giải thích rộng rãi. Nhưng thường thì các đạo tu ấy không được viết đúng ở mọi nơi. Vương quốc của đức Thánh thượng rất rộng lớn nên ngài đã cho khắc nhiều đạo dụ và sẽ cho khắc nhiều đạo dụ hơn nữa khiến dân chúng nghe được điều hay lẻ phải mà hành theo. Tuy nhiên, có đôi khi vì lý do địa phương hay vì lý do cắt xén các tảng đá hay do lỗi của người khắc bia mà các đạo dụ đã được viết ra không đầy đủ.
E.Các đạo dụ khắc trên bảy trụ đá
Trụ đá I
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, ta đã cho khắc đạo dụ này. hạnh phúc đời này và đời sau thật khó đạt, trừ phi phải hết lòng yêu quý Chánh pháp, hết lòng xem xét chính mình, hết lòng vâng theo Chánh pháp, hết lòng lo sợ điều ác và hết lòng nỗ lực làm điều thiện. Quả vậy, nhờ huấn chỉ đạo đức của ta mà càng ngày quần chúng càng yêu quý Chánh pháp và sống theo Chánh pháp.
Tất cả các quan chức Purusa của ta, dù là cấp cao, cấp thấp hay bậc trung, đều phải làm đúng như điều ta dạy và phải thực thi đúng đắn các bổn phận của mình, nghĩa là phải có trách nhiệm nhắc nhở những người có tâm lý hay thay đổi hoàn thành các bổn phận của họ. Các quan chức Anta-mahàmàtra của ta cũng phải làm như thế. Sau đây là huấn chỉ của ta cho các ngươi: quản lý theo Chánh pháp (hay pháp luật), giải quyết công việc theo Chánh pháp, khiến cho dân được hạnh phúc nhờ Chánh pháp và bảo vệ dân bằng Chánh pháp.
Trụ đá II
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh , tuyên cáo như sau: Chánh pháp là thiện. Nhưng thế nào là Chánh pháp? Ấy là tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, có từ tâm, sống với tâm hào phóng, chân thật và trong sạch.
Ta đã giúp cho mọi người hiểu biết tâm linh bằng nhiều cách khác nhau. Đối với loài hai chân và bốn chân, các loài chim và các loài sống dưới nước, ta đã ra lệng đối xử từ tâm, thậm chí cho tới ân huệ, về sự sống của chúng. Tương tự, ta đã làm nhiều điều thiện khác.
Vì lẽ đó, ta cho khắc đạo dụ này để nó được bền lâu và để mọi người nương theo đó mà sống .Người nào thực hành theo đạo dụ này tức là người ấy đã làm một việc tốt.
Trụ đá III
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, nói như sau: Con người ta chỉ thấy việc tốt của mình, cho rằng : “Điều thiện này ta đã làm.” Nhưng con người thường mù quáng đối với tội lỗi của mình, không nghĩ rằng : “ Ta đã phạm tội ác này hay ta đã rơi vào sai lầm.”
Quả vậy, điều ác thật khó thấy. Nhưng mọi người cần phải hiểu như sau: “ Những thứ này thôi thúc tội ác, tức là, hung bạo, độc ác, giận dữ, kiêu căng, ganh tỵ. Mong rằng ta sẽ không bị sụp đổ bởi những thứ này.” Đặc biệt, mọi người cần phải lưu ý mình như sau: “Điều này giúp ích cho ta đời này, điều kia giúp ích cho ta đời sau.”
Trụ đá IV
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, ta cho khắc đạo dụ này.
Ta đã bổ nhiệm các quan chức Ràjùka có trách nhiệm quản lý hành trăm ngàn dân. Ta cũng đã ban bố luật cai quản tùy thuộc thẩm quyền của các quan chức Ràjùka để họ nắm vững mà không ngại thực hiện các nhiệm vụ mang hạnh phúc cho dân và phân phối các tặng phẩm của hoàng gia. Các quan chức Ràjùka cần nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc hay khổ đau của dân và cùng với sự giúp sức của các tín đồ ngoan đạo khích lệ dân chúng ở các tỉnh thành rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc đời này và đời sau.
Như vậy các quan chức Ràjùka cần phải tuân thủ Thánh chỉ của ta. Họ cũng phải nghe lời các quan chức Purusa, những người hiểu rõ các mong muốn của ta; các quan chức Purusa phải có trách nhiệm khuyên nhắc các quan chức Ràjùka làm việc tốt để ta được vui lòng.
Như vậy một người giao phó đứa con của mình cho một người vú chăm sóc, an tâm nghĩ rằng; “ Người vú ân cần này sẽ chăm sóc chu đáo cho đứa con của ta,” cũng vậy , ta thành lập các quan chức Ràjùka với ý nghĩ rằng họ sẽ hết lòng chăm lo lợi ích và hạnh phúc cho dân.
Để các quan chức Ràjùka an tâm thực hiện các nhiệm vụ của mình, ta đã cho họ được quyền tự do quyết định và xử lý mọi công việc theo luật định.
Vì ta mong pháp luật luôn đi đôi với công lý, ta chỉ thị rằng đối với những phạm nhân đã được tuyên án tử hình, họ được nhận ba ngày ân huệ. Trong thời gian nhận ân huệ này, dù thân nhân các phạm nhân hoặc yêu cầu các quan chức Ràjùka xem xét mức án của họ hoặc không yêu cầu, các phạm nhân sẽ được tạo điều kiện để thực hành bố thí hay ăn chay để được hưởng lợi ích đời sau ngay sau khi kết thúc ba ngày ân huệ, cuộc sống đạo đức được phát triển, song song với sự tự chế và bố thí cho mọi người.
Trụ đá V
Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hai mươi sáu năm sau khi lên ngôi, ta ban điều luật ngăn cấm sát hại các loài vật như vẹt,cò,ngỗng,loài chim sống ở nước,loài sếu, các loài dơi,ong,kiến,ba ba,tôm lươn,cá gangàpuputaka, cá skate,rùa,nhím,sóc,bò,trâu,các loài vật sống trong nhà như chó,mèo,chuột,các loài tê giác,bồ câu trắng,bồ câu nội địa, và tất cả loài thú bốn chân. Con người cũng không được giết hại các loài dê cái, cừu cái và lợn cái đang mang thai hay có con nhỏ, không được thiến gà, không được thiêu hủy các loại vỏ trái cây có mầm sống bên trong, không được đốt rừng, không được dùng sinhvật để nuôi sinhvật. Cá không được giết và không được bày bán vào các ngày mười bốn, ngày rằm và ngày mồng một, cũng như vào các lễ húy tôn giáo. Cũng vậy, các loại trâu đực, dê đực ,cừu đực, cùng các loại súc vật khác không được thiến vào các ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm, các ngày Tisyà và Punarvasu, các ngày trăng tròn trong năm và các ngày lễ tôn giáo. Vào các ngày Tisyà và Punarvasu cũng như vào các ngày trăng tròn trong năm,việc đóng móng ngựa và móng bò không được tiến hành.


tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương