A dục vưƠng (asoka) cuộC ĐỜi và SỰ nghiệP



tải về 1.22 Mb.
trang15/19
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.22 Mb.
#6622
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19
Nhưng quan hệ đối ngoại của nhà nước Maurya với các quốc gia khác không chỉ giới hạn ở phương diện tín ngưỡng và văn hóa mà còn mở rộng sang các lãnh vực khác. Theo bia ký II, văn bản Girnar, thì Asoka đã cho mở rộng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho dân và điều trị cho thú vật sang một số quốc gia khác như Chola, Pàndya, sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnì ở phương nam, Antiocho ở tây bắc và các quốc gia láng giềng với Antincho. Ông cũng cho ươm trồng các loại cây làm thuốc và cây ăn quả ở các quốc gia này, cho xây dựng hệ thống giếng nước và trồng cây dọc theo hai bên vệ đường để phục vụ tiện ích cho người và súc vật. Như vậy quan hệ giữa nhà nước Maurya và các quốc gia khác trở nên thân thiện và gắn bó không chỉ trên phương diện trao đổi tín ngưỡng và văn hóa mà còn thể hiện ở sự chăm sóc lẫn nhau cả về phương diện đời sống vật chất lẫn sức khỏe tinh thần. Asoka đã mở rộng tâm thái từ bi của người Phật tử để làm lợi ích cho hết thảy mọi người, không phân biệt chủng tộc hay văn hóa, không tỵ hiềm quốc gia hay dân tộc.
Người ta có thể thắc mắc động cơ nào đã khiến Asoka dốc hết tâm lực của mình phụng sự nhân dân các nước khác, trong khi bản thân ông không hề nuôi mộng xâm lăng hay mưu toan chính trị. Quả thực, chúng ta quen nghĩ về cuộc đời này theo lối “không ai cho không ai điều gì” và do đó khó có thể chấp nhận sự kiện một hành động trợ về cuộc đời quá hợp lý đến độ chúng ta không còn tin một người có thể làm điều tốt cho người khác mà không vì động cơ tư lợi hay toan tính cá nhân. Thật khó tin một ông vua giỏi chính trị như Asoka lạo dễ dàng làm nhiều việc tốt cho các quốc gia khác mà không hề mưu tính chuyện này chuyện kia, nhưng điều đó là thực, Asoka đã làm lợi ích cho nhiều quốc gia và dân tộc khác nhưng không hề có bất kỳ mưu toan nào về kinh tế hay chính trị cho đất nước của ông. Ông cảm nhận tình thương chúng sinh vô bờ bến của đức Phật qua tấm gương thuyết pháp độ sinh đầy nhẫn nại của ngài nên sẵn sàng làm tất cả mọi việc tốt lành cho người khác mà không hề mưu tính chuyện cá nhân hay mong chờ đáp trả.
Kinh điển Phật giáo lưu ý mọi người về bốn tâm thái rộng mở vô biên (catu-appamaññà) hay bốn Phạm trú (catu-Brahmavihàrà) mà người ta cần nuôi dưỡng đối với mọi loài chúng sinh gồm từ (mettà), bi (karunà),hỷ (mudità) và xả (upekhà).Từ (mettà) nghĩa là ban phát tình thương cho chúng sinh, bi (karunà) là xót thương nỗi bất hạnh khổ đau của loài hữu tình, hỷ (mudità) là hân hoan chia sẻ niềm vui với kẻ khác, xả (upekhà) là giữ tâm bình đẳng đối với mọi loài. Tất cả mọi người con Phật đều được khuyên nuôi dưỡng và phát huy bốn tâm thái từ, bi, hỷ, xả này phải được tu tập và nuôi dưỡng thường xuyên để cho năng lực cảm tác của chúng thẩm thấu khắp mọi nơi, trở thành rộng lớn, khơng bị giới hạn, mở ra cho đến vô tận (appamàna). Chẳng hạn, chúng ta thấy thế nào là tâm từ rộng lớn của một người Phật tử qua lối mô tả sau đây về mettà: “ Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên,dưới,bề ngang,hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.” Về tâm bi (karunà), tâm hỷ (mudità) và tâm xả (upekhà), người Phật tử cũng được khuyên vận dụng và phát triển theo cách tương tự.
Như vậy,Phật tử là người mở rộng tâm thái từ, bi,hỷ,xả đến với hết thảy mọi người và mọi loài, không phân biệt sắc thái chủng tộc hay văn hóa, không bị giới hạn bởi các biên giới quốc gia hay hào lũy dân tộc. Mọi chúng sanh đều bình đẳng về sự sống và sự chết, hạnh phúc và khổ đau. Asoka là một Phật tử, đã cảm nhận sâu sắc giáo lý từ,bi,hỷ,xả của đạo Phật và đã vận dụng giáo lý ấy vào các chính sách trị quốc lẫn ngoại giao của ông. Ông tuyên bố chấm dứt bạo động chiến tranh và theo đuổi hòa bình bất bạo động bởi tất cả chúng sinh đều lo sợ sự chết và yêu quý mạng sống.[121] Ông chủ trương đường lối hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc bởi hết thảy mọi người đều mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau.[122]
Chủ trương từ bỏ chiến tranh xâm lăng, theo đuổi hòa bình thiện chí của Asoka cũng phản ánh một quan điểm hết sức minh triết của đạo Phật; Cuộc đời mong manh vô thường, hãy sống từ bỏ điều ác, gấp tâm làm điều lành.[123] Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhaddekaratta Sutta), Trung bộ, khuyên thế này : “ Hôm nay hãy nhiệt tâm làm; ai biết chết ngày mai? Không ai điều đình được với đại quân thần chết.” (Ajji’ eva kiccam àtappam; ko jaññà maranam suve? Na hi no samgaran tena mahà-senera maccunà). Quốc vương Pasenadi nước Kosala, đệ tử đức Phật, từng có những cuộc đàm đạo với bậc Đạo sư, cho rằng các trận chiến chính trị, kinh tế, quân sự không đem đến một hướng đi (gati), một điểm tựa cho con người khi bị già chết chinh phục. Theo Pasenadi, trong cục diện con người luôn bị già chết chi phối , thì sống chơn chánh đúng pháp, làm các việc lành, làm các công đức là có ý nghĩa nhất.[124] Asoka ít bàn về lẽ vô thường (aniccam), nhưng tất cả việc làm đầy thiện chí của ông tỏ cho thấy ông đã ý thức rất rõ lời dạy của đức Phật về giới hạn của cuộc đời và đã nỗ lực rất lớn làm cho nó có ý nghĩa bằng cách sống hòa bình với mọi người và mong muốn chia sẻ với người khác niềm vui của cuộc sống hạnh phúc và hòa bình.
Phật giáo đã giúp Asoka hiểu ra sự thật bình đẳng giữa mọi loài chúng sanh và chỉ cho ông những cách thái ứng xử hết sức sáng suốt và nhân bản trong tất cả các mối quan hệ gần xa. Trí tuệ Phật giáo đã soi đường cho chính sách Asoka. Lòng từ bi của đức Phật đã mở lối cho thái độ hòa bình, tinh thần bao dung và mọi quan hệ hợp tác thân thiện mà nhà nước Asoka đã thiết lập với nhiều quốc gia và nhiều dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới.

[72] EB,II, Fascile,2,tr.190.


[73] RPBAI,tr.64.
[74] RPBAI,tr.64.
[75] Thích Nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì,tr.204.
[76] 7 yếu tố khiến dân tộc Vajji hùng mạnh gồm:1.Thường xuyên hội họp với nhau; 2.Hội họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết;3.không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống lâu đời;4.tôn trọng và lắng nghe lời khuyên của các bậc trưởng thượng;5.không cưỡng ép bắt cóc phụ nữ và thiếu nữ; 6. tôn trọng giữ gìn các tự miếu và tiến hành các lễ hội đã có từ lâu đời;7.bảo hộ, che chở và hộ trì các bậc tu hành chân chánh khiến cho cuộc sống đạo đức tâm linh ngày càng được nâng cao.(Xem Kinh Đại bát Niết bàn (Mahàparinibbàna Suttanta). Trường Bộ,I,tr.541-44)
[77] Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts, phần I,tr.194-96.
[78] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.100.
[79] Bia ký VIII.
[80] Bia ký I; trụ đá V.
[81] Bia ký V,VI.
[82] V.A.Smith, Asoka,tr.231-32
[83] Bia ký XIII.
[84] Bia ký VIII.
[85] Bia ký I.
[86] Bia ký VIII.
[87] Tiểu bia ký I.
[88] Bia ký XIII; trụ đá VII.
[89] R.Mookerji,tr.4-5.
[90] Bia ký VIII.
[91] Bia ký IV.
[92] M.Walshe, The long Discourses of the Buddha,tr.135-36.
[93] Bia ký KalingaI, II.
[94] Bia ký VI.
[95] Bia ký VI.
[96] Trụ đá IV.
[97] MCCV,tập I,tr.12.
[98] Kinh Tiểu Bộ ,tập I, tr.508-09.
[99] Bia ký VI,X.
[100] Rhy Davids & H.Oldenberg,Vinaya Texts, phần I, tr.112-13.
[101] Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt , số 31, Trường Bộ.
[102] Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Trường Bộ và Kinh Điềm lành lớn, Kinh Tập.
[103] Bia ký VI,X.
[104] Thích Thiện Siêu & Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong đạo Phật, tr,81-82.
[105] Kinh Trường Bộ tập I,tr.242.
[106] Bia ký II.
[107] Trụ đá VII.
[108] Trụ đá IV.
[109] Bia ký VI.
[110] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.63.
[111] B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.183.
[112] Như trên.
[113] Bia ký XIII.
[114] Pháp cú, kệ số 5.
[115] Pháp cú , kệ số 201.
[116] Pháp cú, kệ số 103.
[117] Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh ,tr.73.
[118] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.103.
[119] V.A.Smith, Asoka,tr.212.
[120] V.A.Smith, Asoka,tr.212.
[121] Kinh Pháp cú, kệ số 129 và 130, nói như thế này; “Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống, hãy lấy mình làm ví dụ mà không giết hại hay khiến người khác giết hại.”
[122] Kinh Pháp cú,kệ số 131, bảo: “ Tất cả chúng sanh đều mong muốn được hạnh phúc; do đó người nào xây dựng hạnh phúc của mình trên sự khổ đau của người khác thì nhất định sẽ gặp bất hạnh đời sau.”
[123] Kinh Nhất dạ hiển giả. Trung bộ; Kinh Các sợ hãi về tương lai. Tăng chi bộ; Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ; Pháp cú, kệ số 116.
[124] Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.

---o0o---


Chương VIII


LỜI KẾT
Chúng ta nói lời tạm biệt Asoka với lòng kính trọng và khâm phục một con người vĩ đại, một danh nhân lịch sử, đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho cuộc đời này, đặc biệt về phương diện xây dựng đạo đức và hạnh phúc cho con người và thiết lập nền tảng hòa bình thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Asoka xứng đáng là tấm gương cho mọi nhà lãnh đạo chân chính trên thế giới. Các truyền thuyết nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như các chỉ dụ bia ký và trụ đá do ông để lại mãi mãi là những bài học lớn và bổ ích cho mọi con người ở trong mọi thời đại, bởi nó gợi cho người ta về tính cách của một con người, về sự nỗ lực, lòng tận tụy, tình thương và lòng bao dung của một nhà lãnh đạo, tài ba có khả năng chinh phục quân sự và đặt ách thống trị lên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng đã tuyên bố khước từ mọi tham vọng xâm lăng, từ bỏ bạo động, chiến tranh và chủ trương hòa bình, bất bạo động. Chẳng những thế, Asoka còn có di ngôn để lại cho con cái, cháu chắt và hết thảy thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức ,hòa bình và không được tìm kiếm bất kỳ cuộc chinh phục quân sự nào khác, ngoài việc thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava). Đáng tiếc thế giới của chúng ta đã không sản sinh nhiều con người như Asoka để đạo đức, nhân ái và hòa bình luôn ngự trị trên cõi đời này thay vì hận thù, bạo động và chiến tranh.
Trước khi tiếp xúc với Phật giáo, cuộc đời và sự nghiệp của Asoka không tỏa sáng; trái lại còn có phần mờ ám và đáng phê phán bởi tham vọng và quyền lực. Nhưng kể từ khi gặp đạo Phật, Asoka bắt đầu sáng lên nhờ trí đức vốn có của một con người được Phật giáo đánh thức và cổ vũ. “ Ai dùng các hạnh lành làm xóa mờ nghiệp ác, người ấy chói sáng cõi đời này, giống như ánh trăng thoát khỏi đám mây che phủ.”[125]Phật giáo đã đánh thức lòng nhiệt thành, tình thương và lòng bao dung trong con người Asoka và động viên ông dùng tâm thành để đối xử với mọi người, lấy tình thương xóa hận thù, dùng hiểu biết để bao dung tất cả. “ Lấy không giận thắng giận,lấy thiến thắng không thiện, lấy thí thắng xan tham, lấy chơn thắng hư ngụy.”[126] Asoka đã dốc tâm theo đuổi đường lối Phật giáo, lấy tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xan tham, dùng chân thật thắng gian tà. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng kể người ta tin rằng một người có thể mắc phải sai lầm và hung ác trong quá khứ nhưng nếu biết chuyển đổi tâm tánh và quyết tâm theo đuổi điều thiện thì sẽ không mắc sai lầm và trở thành một người tốt, một con ngưòi hiền thiện. Đạo Phật đã mở cửa cho những con người như Agulimàla và Asoka và giúp họ trở nên thánh thiện. Quả vậy, với sự quy ngưỡng Phật giáo, Asoka đã thay đổi chính mình để từ một con người khét tiếng tàn bạo (Candàsoka) ông được tôn xưng là con người nhân từ (Dharmàsoka).
Về đường lối lãnh đạo của Asoka, chúng ta không thấy có lý do gì để phê phán ngoài việc nhắc lại quan điểm của Walpola Rahula rằng ông đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áo dụng lời dạy của đức Phật về bất bạo động ,hòa bình và yêu thương trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn cả về nội bộ lẫn ngoại giao.[127] Kết quả của đuờng lối trị quốc và ngoại giao ấy là thế nào, ai cũng thấy rõ . Điều đáng nói ở đây là Asoka đã kiên quyết theo đuổi chính sách bất bạo động và hòa bình và chứng minh với thế giới rằng bạo lực và chiến tranh chỉ gây thêm khổ đau và hậnthù, trong khi bất bạo động và hòa bình mang lại hạnh phúc và yêu thương cho tất cả. Đường lối trị quốc bằng đạo đức nhân ái và chính sách bang giao quốc tế dựa trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc mà Asoka áp đụng cũng khiến đem lại hạnh phúc và cảm thông lớn cho vô số người. Will Durant nói rằng Asoka thất bại về phương diện chính trị, [128]nhận định này xem ra không hoàn toàn chính xác bởi theo nguồn tin bia ký XIII thì Asoka không chỉ thu phục nhân tâm trong nước mà còn đạt được thành công lớn ở nước ngoài nhờ theo đuổi đường lối trị quốc hòa bình đức trị. Thật khó tin một đường lối trị quốc và ngoại giao đầy tình người và nhân bản như thế lại không nhận được kết quả khả quan và không thu phục lòng người, dù ở bất kỳ thời đại nào.
Những người con Phật và dân chúng châu Á nói chung mang ơn Asoka rất lớn bởi nhờ ông mà giáolý của đức Phật được mở rộng và lan truyền khắp nơi, đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia là làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc. Công cuộc truyền bá Phật pháp do Asoka chủ trương và hậu thuẫn đã khiến cho nhiều vùng đất châu Á trở nên xanh tươi phì nhiêu, nhiều dân tộc trở nên hiền hòa và cao thượng, có tâm hồn thanh thản, hoan hỷ, dễ tiếp thu cái mời, có trí óc tình tĩnh để hiểu được hết thảy, tha thứ cho hết thảy và sau cùng có tấm lòng nhân từ bao dung luôn mở ra cho mọi loại.
Có người sẽ hỏi Asoka là nhà lãnh đạo đạ làm nhiều điều tốt như thế cho nhân loại, đặc biệt là đường lối hòa bình mà ông đã có công mở ra, nhưng tại sao không mấy ai noi theo tấm gương của ông? Đây là thắc mắc lớn đặt ra không những cho các nhà lãnh đạo trên thế giới mà con cho tất cả mọi người chúng ta, những người đang sống trong một thế giới mà khoảng cách địa lý đã được thu hẹp rất nhiều những khoảng cách giữa con người và con người thì hầu như ngày càng bị đẩy xa. Mặc dù rất dễ gặp gỡ và trao đổi với nhau ở mọi lúc và mọi nơi, chúng ta phải nhận ra rằng con người ngày nay thiếu hẳn sự cảm thông lẫn nhau;[129]và mặc dù sống trong điều kiện tối ưu của nền văn minh vật chất, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta luôn cảm thấy thiếu thốn bởi khát vọng chiếm hữu và thế giới của chúng ta bị đốt cháy ngày đêm bởi hận thù, bạo động và chiến tranh. Phải nhận rõ sự thật về mình như thế mới hiểu được vì sao thế giới không đi đến hòa bình, và không ai chịu nhường nhịn ai giữa các dân tộc, và phải nhận rõ về mình như thế thì mới hiểu được tại sao Asoka đã tạo được bầu không khí hòa bình và cảm thông lớn giữa các dân tộc, trong khi chúng ta thì không. Bởi lẽ không ai khác chính mỗi con người chúng ta đang tạo ra các tường rào ngăn cách giữa mình và người khác và chính mỗi người chúng ta đang trực tiếp thiêu cháy hay dự phần thiêu cháy cuộc đời này bởi tham lam, sân hận và si mê.
Mâu thuẫn ở trong mỗi con người chúng ta góp phần đẩy cuộc đời lâm vào cảnh trớ trêu. Hơn 25 thế kỷ trước, đức Gotama đã ví cuộc đời này như ngôi nhà đang cháy, ý nói rằng baolâu con người chưa dập tắt lửa tham, lửa hận, lửa si trong lòng mình thì thế giới này không tránh khỏi bị thiêu cháy hay đi đến hủy diệt. Đạo Phật xem tham lam (lobha), thù hận (dosa) và si mê (moha) là gốc rễ của mọi tranh chấp, xung đột và chiến tranh. Chính tham, sân, si- nguồn nhiên liệu vốn có sẵn trong mỗi con người chúng ta, không thể đo lường và dường như không hề vơi cạn, chỉ chờ có cơ hội là bộc phát thiêu cháy tất cả-là nguyên nhân khiến con người không xích lại gần nhau và khiến cho thế giới luôn chìm trong khói lửa bạo động và chiến tranh. Nhưng con người sinh ra không phải để thiêu cháy chính mình và thiêu cháy cuộc đời này. Chính vì thế mà mỗi người cần phải nhận thức về các mồi lửa tham, sân, si ở chính mình và ra sức dập tắt chúng.
Phật giáo quan niệm hòa bình thế giới bắt nguồn từ hòa bình ở trong lòng mỗi người mà việc khuất phục gốc rễ tham, sân, si là căn bản. Tuyên bố UNESCO ngày nay cũng nêu rõ: “ Chiến tranh bắt nguồn trong tâm thức con người, do đó chính trong tâm thức con người ý thức hòa bình phải được xây dựng.” Xem ra gốc rễ của chiến tranh và hòa bình đã có câu trả lời khá thống nhất giữa truyền thống tâm linh và tư duy hiện đại. Vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực của con người và mỗi người, bởi không ai dám chắc sẽ dập tắt các mồi lửa chiến tranh trong lòng người khác, trừ phi chính người ấy phải bắt đầu làm điều đó.
Asoka tuân theo lời dạy của đạo Phật, quyết tâm thoe đuổi đường lối hòa bình, bất bạo động và đã thành công nhờ ý chí kiên cường và thái độ dứt khoát đối với chiến tranh và mọi ý tưỡng liên quan đến chiến tranh. Ông từ bỏ xâm lăng quân sự, dập tắt mọi ý tưởng chiến tranh khiến cho các quốc gia và dân tộc khác không còn lo sợ bị tấn công hay lo lắng phòng thủ. Ông theo đuổi hòa bình, chủ trương bang giao giùp đỡ các dân tộc khác trên nhiều lĩnh vực khiến cho mọi quốc gia đều được thái bình thịnh vượng. Đây đích thực là động thái hòa bình, đồng thời là biện pháp duy nhất và triệt để nhất để thiết lập hòa bình và cảm thông lớn giữa các dân tộc. Cách thái này của Asoka nhắc nhở chúng ta về các giải pháp giới hạn và kém hiệu quả của chúng ta cho hòa bình thế giới, cảnh tỉnh chúng ta về nguy cơ gốc rễ của chiến tranh,soi sáng cho chúng ta về con đường thật sự đi đến hòa bình.
Asoka chỉ ra đời một lần và những việc ông làm cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi và thời gian nhất định, trong khi cuộc đời thì diễn tiến không ngừng. Tuy vậy ông đã để lại cho cuộc đời một bài học lớn, bài học của lòng nhiệt thành, sự tận tụy, tình thương và lòng bao dung, bài học của lòng tin ở chính mình và tin người khác trong tất cả việc làm và trong mọi quan hệ. Ông đã dùng tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xan tham, dùng chân thật thắng gian tà. Asoka đã nêu một tấm gương lớn cho cuộc đời. Dù diễn tiến của cuộc đời không giống như ông mong muốn, cách thái và di ngôn ông để lại vẫn luôn luôn là các chuẩn mực và kim chỉ nam cho những ai yêu mến đạo đức, trân trọng nhân ái, khao khát hòa bình, thương yêu đồng loại.

PHỤ LỤC I


BẢN DỊCH CÁC BIA KÝ VÀ TRỤ ĐÁ ASOKA
A.Các tiểu bia ký
Bia ký I,(Brahmagiri)
Phụng mệnh Hoàng tử Phó vương (Àryaputra) và các Đại quan (Mahàmàtra) xứ Suvarnagiri, chúng tôi xin gởi đến các quan chức Isila lời cầu chúc sức khỏe và thánh chỉ sau đây: Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tuyên bố như sau: Hơn hai năm rưỡi làm một cư sĩ (upàsika), ta đã không nỗ lực nhiều, nhưng sau hơn một năm gần gũi (chung sống với) Tăng già (Sangha),ta đã nỗ lực rất lớn. Trong thời gian này, những người dân Ấn Độ (Jambudvìpa) chưa tôn thờ thần linh đã tôn thờ thần linh. Đây chính là kết quả của sự nỗ lực. Kết quả này là khả dĩ, không chỉ đối với kẻ thượng quan, mà kẻ hạ quan cũng có thể đạt được hạnh phúc cõi trời nếu y nỗ lực. Vì lẽ đó, ta ban bố chỉ dụ này để các quan chức lớn nhỏ sẽ chú ý nỗ lực nhiều hơn, ngay cả những người láng giềng của ta cũng được biết, và để sự nỗ lực được duy trì lâu dài. Hơn thế, sự nỗ lực cần được phát triển, phát triển rộng rãi, ít nhất một lần rưỡi. Đức Thánh thượng cho công bố đạo dụ này trong chuyến du hành của ngài.
Bia ký II
Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần lonh, dạy như sau: Tất cả mọi người phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, phải tôn trọng sự sống, phải nói lòi chân thật. Hết thảy mọi người cần phải thực hành và khuyến khích các đức hạnh cao quý này. Cũng vậy, học trò cần phải tôn kính thầy và phải xử sự đúng đắn với thân bằng quyến thuộc. Đây là đạo lý truyền thống khiến được sống lâu. Vì vậy, hết thảy mọi người cần phải thực hành đạo lý này. Chỉ dụ này được viết bởi Chapada.
B.Bia ký bhabruhay bairat số 2
Hoàng đế Priyadarśì, quốc vương Magadha, đảnh lễ chư Tăng, kính mong chư Tăng được sức khỏe, hỷ lạc và xin có lời cáo bạch như sau: Thưa chư Tôn đức, chư Tôn đức biết rằng tôi có lòng kính tín Tam bảo- Phật,Pháp,Tăng. Thưa chư Tôn đức, những gì đức Phật nói ,tất cả là khéo thuyết. Nhưng tôi xin mạn phép chọn ra các đoạn kinh sau đây với ước mong Chánh pháp được trường tồn:
1.Luận về tầm quan trọng của Giới luật (Vinaya-samukasa).
2.Thánh cư hay nếp sống phạm hạnh cao cả (Aliya-vasàni).
3.Các lo lắng về tương lai (Anàgata-bhayàni).
4.Các bài kệ nói về đời sống ẩn sĩ (Muni-gàthà).
5.Bài kinh đề cập sự tịch tịnh (Mauneya-sùte).
6.Những câu hỏi của Xá Lợi Phất (Upatisa-pasine).
7.Giáo giới Ràhula.(Là ghulovàde).
Thưa chư Tôn đức , tôi mong tất cả chư Tôn đức Tăng, Ni, cũng như chư vị nam nữ cư sĩ sẽ thường xuyên thảo luận và xem xét các điểm giáo lý này. Thế nên, thưa chư Tôn đức, tôi cho khắc bia ký này để mọi người hiểu rõ ý định của tôi.
C.Các bia ký Kalinga
Bia ký I,(Dhauli)
Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần linh, ban chiếu chỉ cho các đại quan (Mahàmàtra) có trách nhiệm cai quản thành phố Tosalì như sau: Bất cứ điều gì ta xem là đúng, ta mong muốn thấy điều đó được thực thi và hoàn thành bằng biện pháp đúng đắn. Và ta nghĩ đây là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu ấy, nghĩa là nhắc nhở các ngươi. Các ngươi được cất nhắc trông coi hằng ngàn người với mục đích thu phục tình cảm quần chúng. Hết thảy thần dân đều là con cái của ta. Vì ta có lòng mong cho các con ta được hưởng trọn lợi ích và hạnh phúc cả đời này và đời sau, nhân danh chúng, ta mong tất cả thần dân của ta cũng được như vậy. Tuy nhiên các ngươi có thể không hiểu được tầm mức quan trọng của vấn đề. Ai đó trong các ngươi có thể nắm bắt được vấn đề này nhưng cũng chỉ nắm bắt được một phần, không phải toàn bộ. Vì vậy cần phải chú ý hơn vấn đề này, dù cho các người đã khéo nắm bắt nó. Trong phạm vi cai quản của các ngươi, sự kiện có thể xảy ra là người nào đó phải chịu cảnh tù tội hay khổ đau và vì lý do này có thể đi đến tử vong khiến cho nhiều người khác phải khổ đau, sầu muộn. Do đó, các ngươi cần phải thực hành con đường trung đạo (majham patipàda), nghĩa là phải tỏ ra công bằng và không thiên vị. Không ai có thể hành động đúng đắn hay xử lý công việc thành công với các khuynh hướng tâm lý không ổn định như ganh tỵ, thay lòng đổi dạ, tàn ác, thiếu kiên nhẫn, thiếu cân nhắc, lười biếng,mệt mỏi. Bởi vậy các ngươi cần phải hiểu là mình sẽ không có những xu hướng tâm lý bất ổn như thế. Cội rễ của toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ định tâm và lòng kiên nhẫn. kẻ nào tỏ ra mệt mỏi trong công tác quản lý thì sẽ không thành công. Nhưng con người ta cần phải tháo vát, tiến bộ và phát triển. Đây là điều các người cần phải cân nhắc. Vì vậy ta nhắc nhở các ngươi: Các ngươi cần hiểu rằng các ngươi phải hoàn thành các nghĩa vụ đối với ta, rằng ta đã răn dạy như vậy như vậy. Nếu các ngươi làm tốt những điều ta dạy thì kết quả các ngươi nhận được sẽ rất lớn, nhưng nếu các ngươi không thực thi lời ta dạy thì hậu quả sẽ rất xấu. Những ai không hoàn thành việc ta giao phó , những người ấy không hưởng được hạnh phúc thiên giới cũng không nhận được ân điển của hoàng gia. Bởi ta nghĩ đến hai kết quả của sự chú tâm hoàn thành bổn phận; do đó, nếu các ngươi làm tốt điều ta dạy, các ngươi sẽ đạt được hạnh phúc cõi trời và hoàn thành các nghĩa vụ đối với ta.
Đạo dụ này phải được đọc vào các ngày Tisya, trong khoảng thời gian giữa các ngày Tisya và vào các dịp thuận lợi để cho mọi người cùng nghe, thậm chí cho một người nghe. Làm như thế tức là các ngươi thực hiện đầy đủ lời ta dạy. Vì lý do đó, đạo dụ này được viết ra để các phán quan của thành phố không ngừng nỗ lực khiến cho không một công dân nào của thành phố chịu cảnh tù tội hay khổ đau mà không có lý do. Cũng vì lý do đó, ta sẽ phái các quan chức cao cấp (Mahàmàtra), những người không khắc khe cũng không bạo động nhưng chu đáo trong mọi công việc, cứ năm năm tuần du một lần để xem các phán quan có làm đúng như điều ta dạy hay không. Tại Ujjayinì, Hoàng tử phó vương sẽ phái một đoàn quan chức các cấp tuần du ba năm một lần để thực hiện mục đích tương tự. Tương tự, tại Takhasilà, vị Hoàng tử phó vương cũng làm như thế. Khi các quan chức tiến hành tuần du thì không được lơ là nhiệm vụ mà phải có trách nhiệm xem xét các phán quan có làm đúng điều ta dạy hay không.
Bia ký II (Jaugada)
Đức Thánh thượng, người con yêu quý của các thần linh, ban sắc chỉ: Các đại quan xứ Samàpà có quyền tiếp chỉ của Hoàng thượng được thông báo như sau: Bất cứ điều gì ta xem là đúng , ta mong muốn thấy điều ấy được thực thi và hoàn thành bằng biện pháp đúng đắn. Và ta nghĩ đây là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu ấy, nghĩa là nhắc nhở các ngươi: Hết thảy thần dân, đều là con cái của ta. Bởi ta có lòng mong muốn cho các con ta được hưởng trọn lợi ích và hạnh phúc đời này và đời sau, nhân danh chúng , ta mong tất cả thần dân của ta cũng được như vậy.


tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương