A dục vưƠng (asoka) cuộC ĐỜi và SỰ nghiệP



tải về 1.22 Mb.
trang10/19
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.22 Mb.
#6622
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   19
Asoka thấy rõ lợi ích của Chánh pháp và do đó mong muốn Chánh pháp được trường tồn bằng cách khuyên mọi người nên thực hành và phổ biến Chánh pháp vì lợi ích và hạnh phúc lâu dài của tất cả. Trong bia ký IV, Asoka nêu rõ lợi ích của việc hành trì Chánh pháp và khuyên tất cả con cháu của mình tiếp tục phát huy nếp sống đạo đức và nỗ lực truyền bá Chánh pháp cho đến muôn đời. Chỉ dụ ghi : “ Nếp sống đạo đức đã được tăng trưởng và Hoàng đế Priyadarśì sẽ thúc đẩy hơn nữa nếp sống đạo đức này. Các con cái và cháu chắt của Hoàng đế sẽ phát huy nếp sống đạo đức cho đến muôn đời, sẽ sống trong Chánh pháp và sẽ phổ biến Chánh pháp, bởi phổ biến Chánh pháp là việc làm tối thượng.”
Asoka quan niệm đạo đức hay nếp sống theo Chánh pháp là căn bản của hạnh phúc và do đó khuyến khích đạo đức hay truyền bá Chánh pháp có nghĩa là mở lối đi hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi loài. Theo ông, đạo đức hay Chánh pháp là một thái độ sống có khả năng mang lại hạnh phúc và an lạc cho mình, cho người và cho mọi loài. Chánh pháp đồng nghĩa với hạnh phúc nên Asoka nỗ lực phổ biến đạo đức hay truyền bá Chánh pháp và xem đây là bổn phận thiêng liêng và là món quà tặng quý giá ông dành cho tất cả chúng sinh. Với Asoka, không có món quà nào cao quý hơn Chánh pháp, nghĩa là giúp cho mọi người hiểu rõ lợi ích của nếp sống từ bỏ sát sanh, phụng dưỡng cha mẹ, tôn trọng thầy cô, các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, đối xử tốt với bà con, bạn bè, người làm công , kẻ giúp việc.[215] Asoka theo đúng Chánh pháp và nỗ lực hết mình nhằm trao tận tay mọi người món quà Chánh pháp, bởi theo ông [216] những ai sống đúng Chánh pháp sẽ hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Ông thiết lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra nhằm mục đích phổ biến Chánh pháp, khiến cho mọi người “được nuôi dưỡng bởi Chánh pháp, được tiến bộ bởi Chánh pháp, được hạnh phúc bởi Chánh pháp và được bảo vệ bởi Chánh pháp.”[217] Ông mong muốn tất cả con cái cháu chắt của mình sẽ muôn đời thừa kế nếp sống đạo đức và phát huy sự nghiệp truyền bá Chánh pháp của ông để hòa bình và hạnh phúc luôn hiện hữu trên thế gian. Ở đây tấm lòng mong muốn Chánh pháp được trường tồn của ông đồng nghĩa với tấm lòng mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc và an lạc lâu dài, cả đời này và đời sau.
Cũng phát xuất từ tấm lòng yêu quý và mong muốn Chánh pháp được tồn tại lâu dài, Asoka đã ủng hộ hội nghị kiết tập lần thứ bà do trưởng lão Moggaliputta Tissa chủ trì nhằm phục hồi sự trong sáng của giáo lý giải thoát đang bị dẫn giải sai lạc và sử dụng sai mục đích bởi các tăng sĩ Phật giáo gốc ngoại đạo. Đặc biệt ông đã đứng sau lưng các tu sĩ Phật giáo trong công tác truyền giáo được tiến hành ngay sau kỳ hội nghị. Tài liệu Mahàvamsa thông báo rằng hội nghị đã làm việc trong chín tháng, tập trung đọc tụng và biên tập đầy đủ kinh, luật, luận, riêng trưởng lão Moggaliputta Tissa, chủ tịch hội nghị, cho ra đời tác phẩm Kathàvatthu đánh đổ mọi quan điểm sai quấy của ngoại đạo. Thành quả đáng kể của cuộc kiết tập lần này là giáo lý Thượng tọa bộ (Theravàda) sau đó được truyền sang Tích Lan và được lưu giữ hầu như nguyên vẹn bởi những người con Phật ở đảo quốc Chánh pháp này, trong khi tại Ấn Độ nguồn giáo lý này đã gần như biến mất hoàn toàn. Các phái đoàn truyền giáo liên tiếp được gởi đi nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ và sang nước ngoài đánh dấu công lao mở rộng Phật pháp của Asoka cũng được xem là bắt nguồn từ thành công của cuộc hội nghị lần này. Tài liệu Mahàvamsa thuật rằng sau khi kết thúc hội nghị, trưởng lão Moggaliputta nghĩ đến việc mở rộng giáo lý của bậc Đạo sư sang các nước và đã gởi các đoàn truyền giáo đến các xứ sở Kashmir, Gandhàra, Mahisamandala, Varanasi, Aparantaka, Yavana, Himàlaya, Suvarnabhùmi và Sri Lanka.[218] Mặc dù tài liệu Tích Lan xem Moggaliputta là người quyết định gởi các phái đoàn truyền giáo đi nhiều nơi khác nhau, ta không thể bỏ quên vai trò to lớn và hết sức quan trọng của Asoka trong công tác này.
Có ba lý do sau đây chứng tỏ Asoka không thể thiếu vắng trong công tác truyền bá Phật pháp. Thứ nhất, Asoka là một Phật tử rất quý trọng Chánh pháp và hiểu rất rõ lợi ích của Chánh pháp. Bằng chứng là ông đã nỗ lực rất lớn để bảo vệ, duy trì và phổ biến Chánh pháp. Các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì nói rõ quyết tâm bảo vệ Chánh pháp của Asoka thông qua việc bảo vệ Tăng già khỏi sự phân tán hay chia rẽ. Sự kiện ủng hộ hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba tổ chức ở Pàtaliputra phản ánh tấm lòng mong muốn gìn giữ Chánh pháp của Asoka, trong việc gởi các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi trong nước và sang nước ngoài chứng tỏ tâm nguyện phổ biến Chánh pháp của ông. Đối với một vị hoàng đế luôn tỏ rõ tấm lòng yêu quý Chánh pháp đối với hạnh phúc của mọi loài như Asoka thì việc cho mở rộng hay ủng hộ sự nghiệp truyền bá Chánh pháp là điều hiển nhiên.
Thứ hai, Asoka là học trò của Moggaliputta Tissa, chịu ảnh hưởng Moggaliputta rất lớn về phương diện đạo đức và tâm linh. Theo sử liệu Tích Lan thì Moggaliputta là người đã giúp giải tỏa nỗi ám ảnh tội lỗi của Asoka sau khi vị sứ thần của ông do hiểu lầm mệnh lệnh của ông đã giết chết một số tu sĩ Phật giáo không chấp hành việc ông yêu cầu tiến hành lễ Bố tát (Uposatha). [219] Cũng theo tài liệu Tích Lan thì Moggaliputta là người đã giảng dạy Chánh pháp cho Asoka và dẫn dắt hai người con của ông là Mahendra và Sanghamitra vào chánh đạo [220] Tài liệu Mahàvamsa của Tích Lan cũng gắn tên tuổi Moggaliputta bên cạnh tên tuổi Asoka trong công tác thanh tịnh hóa tổ chức Tăng già và Phật sự kiết tập kinh điển.Divyàvadàna mô tả Upagupta tức Moggaliputta là người trức tiếp hướng dẫn cho Asoka trong chuyến hành hương chiêm bái các thánh tích Phật giáo của hoàng gia, và theo ký sự của Huyền Trang thì chính Upagupta hay Moggaliputta đã gợi ý cho Asoka về việc xây dựng 84.000 bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật. Xét theo các tài liệu nói trên thì ảnh hưởng của Moggaliputta đối với Asoka là rất lớn. Chúng ta có thể nói rằng những gì Moggaliputta nghĩ đến cũng chính là những gì Asoka quan tâm. Bởi vậy nếu tài liệu Mahàvamsa bảo rằng Moggaliputta quyết định gởi các đoàn truyền giáo sang các nước thì điều đó cũng có nghĩa là Asoka đã hoàn toàn đồng tình với quyết định của Moggaliputta và sẵn sàng đứng sau lưng vị trưởng lão này trong công tác truyền bá Chánh pháp.
Sau cùng , một lý do quan trọng khác đòi hỏi sự hiện diện và ủng hộ mạnh mẽ của Asoka trong công tác truyền giáo đó là chính sách bang giao hay đối ngoại của nhà nước Maurya. Chúng ta biết rằng các đoàn truyền giáo được gởi đi nhiều nơi, không chỉ ở trong nước mà còn sang nhiều quốc gia khác và điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp về mặt ngoại giao của nhà nước Asoka. Rõ ràng Moggaliputta đã không thể thực hiện ước nguyện truyền bá Chánh pháp sang quốc gia khác nếu như không có sự hậu thuẫn của Asoka trong chính sách đối ngoại. Về mặt này, các tăng sĩ Phật giáo đã hưởng được nhiều lợi thế bởi mối quan hệ thân thiện giữa nhà nước Asoka và nhiều quốc gia trong khu vực. Tài liệu Tích Lan nói đến mối quan hệ thân hữu giữa Asoka và quốc vương Devànampiya Tissa xứ Tích Lan. Theo tài liệu này thì Devànampiya từng là bạn thân và là đồng minh của Asoka. Tác phẩm Dìpavamsa cho hay trước khi Mahinda chính thức giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan, Asoka từng gởi thư cho Devànampiya Tissa, xác nhận mình đã quy y Tam Bảo và mong quốc vương Devànampiya cũng sẽ làm hư vậy. Bản sớ giải Luật tạng, Samantapàsàdikà, của Buddha-ghosa ghi nhận sự kiện rằng sau khi nhận sứ mạng truyền bá Phật pháp sang Tích Lan, Mahinda đã khởi hành từ kinh đô Pàtaliputra đến Vedisa thăm mẹ mình và ở lại một thời gian tại tinh xá Mahàvihàra, cố ý chờ Asoka gởi sứ thần sang Tích Lan thực hiện các thủ tục ngoại giao sau đó ông mới đáp thuyền đi Tích Lan, chúng ta tin rằng Asoka cũng đã có công hàm ngoại giao tương tự đối với các quốc gia khác, nơi mà các tăng sĩ Phật giáo được cử đi truyền bà Chánh pháp, bởi việc làm như vậy là cần thiết và hoàn toàn nằm trong khả năng của ông. Theo các tài liệu bia ký và trụ đá thì Asoka đã có chính sách quan hệ hòa hiếu với nhiều quốc gia trong khu vực và đã mở rộng mạng lưới chăm sóc y tế và chế độ phúc lợi xã hội sang các quốc gia này. Như vậy về phương diện chíng trị và ngoại giao, Asoka đã mở đường cho các tu sĩ Phật giáo trong công tác truyền giáo, và chúng ta có thể nói rằng các tăng sĩ Phật giáo đã không gặp phải nhiều khó khăn trong công tác mở rộng Chánh pháp một khi chính sách hòa bình hợp tác của Asoka đã được chào đón bởi các quốc gia và một khi đích thân Asoka là người hậu thuẫn cho công tác này.
III.Công tác giảng dạy Chánh pháp:
Theo truyền thống Phật giáo, một trong những việc làm có ý nghĩa quan trọng của một Pháp vương hay vị vua Chánh pháp là công tác hướng dẫn và giáo dục quần chúng theo Chánh pháp. Asoka là vị vua Chánh pháp và về phương diện này ông là vị hoàng đế tiêu biểu. Các chỉ dụ ghi trong bia ký và trụ đá của ông phần lớn là những bài học đạo đức được viết ra cho quần chúng với mục đích dẫn dắt mọi người sống theo Chánh pháp. Asoka cho rằng có hai cách khiến quần chúng đạt được tiến bộ trong Chánh pháp là nghe thuyết giảng hay đặt mình vào Chánh pháp (Dharma-niyamana) và xem xét hội tâm hay thiền định (nijhatiyà) .Nghe thuyết giảng, theo Asoka, nghĩa là lắng nghe các huấn chỉ đạo đức của ông, trong khi xem xét nội tâm có nghĩa là thực hành các huấn chỉ đó.[221] Asoka ý thức rất rõ sự khó khăn của việc giáo dục đạo đức quần chúng trong một xứ sở rộng lớn như vương quốc Maurya nên đã cho dựng các bia đá khắp nơi ngõ hầu dẫn dắt nếp sống đạo đức của mọi người. Ông cho khắc các huấn chỉ của mình lên bia đá với hy vọng “ chúng sẽ bền lâu như mặt trăng mặt trời, để cho con cái, cháu chắt và tất cả thần dân của ông sẽ nối dõi ông theo đúng Chánh pháp.”[222] Asoka mong muốn tất cả mọi người sẽ muôn đời sống theo Chánh pháp vì theo ông Chánh pháp là con đường đưa đến hạnh phúc và “ vì những ai theo đúng Chánh pháp sẽ hưởng hạnh phúc đời này và đời sau.” Sau chiến thắng Kalinga, tức tám năm sau khi lên ngôi, Asoka bắt đầu đẩy mạnh công tác giảng dạy Chánh pháp.
Trước hết, Asoka định nghĩa rất rõ về Chánh pháp (Dharma) và lợi ích của Chánh pháp mà ông mong muốn trao truyền cho mọi người. Theo ông, Chánh pháp (Dharma) là thiện hay tốt lành (sàdhu) được thể hiện qua các hành động cụ thể như tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, có lòng tốt hay hảo tâm, sống với tâm hào phóng, chân thật, trong sạch [223],thanh cao, tiết độ, tự điều phục,[224] bất hại, và vì vậy bất cứ ai theo đúng Chánh pháp sẽ hưởng hạnh phúc đời này và đời sau.[225] Asoka mong muốn tất cả chúng sinh được yên ổn, chế ngự lòng tham, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc.[226] Bởi vậy ông đề xuất nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo đảm hạnh phúc và an lạc cho các loài hai chân (người) , bốn chân (thú vật), các loài chim muôn và các loài vật sống dưới nước.[227]
Về phương diện đạo đức cuộc sống , Asoka nhấn mạnh nguyên lý bất hại (ahimsà) và tôn trọng sự sống của tất cả mọi loài. Trong bia ký I, Asoka ngăn cấm việc giết hại thú vật cho các mục đích tế lễ và ra lệnh giảm dần chế độ ăn thịt của mình cho đến khi không còn bất kỳ sinh vật nào bị hy sinh bởi các bữa ăn của ông. Bia ký VIII mô tả việc Asoka từ bỏ thú vui săn bắn để tập trung vào công việc phổ biến Chánh pháp. Trong chỉ dụ ghi ở trụ đá V, Asoka quy định điều luật nghiêm cấm sát hại và ăn thịt các loài vật như vẹt, cò, ngỗng, loài chim sống ở nước, loài sếu, các loài dơi,ong, kiến, ba ba, tôm, lươn, cá gangàpuputaka, cá skate, rùa, nhím,sóc,bò, trâu, các loài vật sống trong nhà như chó,mèo,chuột,các loài tê giác, bồ câu trắng, bồ câu nội địa, và tất cả loài thú bốn chân. Con người cũng không được giết hại, các loài dê cái, cừu cái và lợn cái đang có con nhỏ, không được thiến gà, không được thiêu hủy các loại vỏ trái cây có mầm sống bên trong, không được đốt rừng, không được dùng sinh vật để nuôi sinh vật.Cá không được giết và không được bày bán vào các ngày mười bốn, ngày rằm và ngày mùng một, cũng như vào các lễ húy tôn giáo. Cũng vậy, các loại trâu đực, dê đực, cừu đực, lợn đực, cùng các loài súc vật khác không được thiến vào ngày mồng tám, ngày mười bốn, ngày rằm, các ngày Tisyà và Punarvasu, các ngày trăng tròn trong năm và các ngày lễ tôn giáo. Vào các ngày Tisyà và Punarvasu cũng như vào các ngày trăng tròn trong năm, việc đóng móng ngựa và móng bò không được tiến hành.
Xét những việc làm và các sắc chỉ trên đây thì Asoka là người yêu quý và tôn trọng sự sống của hết thảy mọi loài , thậm chí các loài côn trùng và thảo mộc. Ở đây tình thương và lòng từ bi của ông tỏa rộng muôn phương hòa nhịp với sức sống của vạn vật vũ trụ. Theo những gì được nói đến trong các bia ký thì Asoka là người đầu tiên phá bỏ tục lệ hiến tế thú vật hết sức nhẫn tâm của truyền thống tín ngưỡng Bà-la-môn và là người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên thoát khỏi bàn tay tàn phá của con người. Ông cũng là người tạo tiền đề cho chế độ ăn chay và truyền thống yêu quý thiên nhiên rất đáng tự hào của người dân Ấn Độ. Người viết tin rằng các đạo dụ này của ông đã được tuân thủ triệt để và lâu dài bởi nhiều thế hệ dân chúng Ấn Độ, bởi lẽ những gì Asoka đề cập trong các bia ký cũng chính là những gì mà số đông quần chúng ở đây đã và đang theo đuổi. Đa số người dân Ấn Độ ngày nay đều ăn chay và có thói quen không hái hoa bẻ cành. Các nhà hành, quán ăn Ấn độ chuyên phục vụ đồ chay và luôn luôn chật kín khách hàng. Các ngôi chợ Ấn độ chất đầy các mặt hàng thực vật và rau trái, không có nhiều quầy hành bán thịt cá. Ấn Độ có nhiều công viên cây xanh và đến mùa xuân thì các loài hoa phủ kín các thảm cỏ ở các công viên trong rất đẹp. Rất nhiều thanh niên thiếu nữ đến thưởng ngắm và tình tự hàng giờ giữa các thảm hoa nhưng tuyệt nhiên không lợi dụng hoa hồng để tranh thủ hoa lòng. Hoa hồng cũng được trao tặng nhau vào các ngày lễ kỷ niệm hay sinh nhật nhưng phải đặt mua ngoài chợ.
Ta có thể nói rằng hơn 2.000 năm trước Asoka đã ý thức tầm quan trọng của chế độ ăn chay và sự cần thiết của thế giới tự nhiên và đã nêu gương lớn trong lãnh vực này. Dĩ nhiên những gì Asoka đã làm đều phát xuất từ tình thương và sự hiểu biết của ông hơn là bởi tình thế bắt buộc như hiện tình của chúng ta ngày nay. Ngày nay chúng ta nói đến ăn chay và nhắc nhở nhau tránh chặt cây phá rừng bởi chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định để tránh cho cuộc sống khiỏ bị tiêu diệt. Thông thường chúng ta chỉ nỗ lực giải quyết một vấn đề một khi kết quả của nó đã rõ ràng, nhưng một người hiểu biết Phật pháp như Asoka thì luôn thấy rõ và quan tâm giải quyết nguyên nhân hơn là kết quả của mọi vấn đề.
Một khía cạnh giáo dục khác mà Asoka tỏ ra rất quan tâm là giáo dục cách thái đạo đức của quần chúng phủ hợp với đạo lý truyền thống. Về phương diện này, Asoka nhấn mạnh các đức tính như hiếu kính cha mẹ, tôn trọng sự sống, chân thật, vâng lời thầy cô giáo, hào phóng đối với bạn bè, bà con, tôn trọng các bậc hiền thánh và các bậc trưởng thượng, đối xử tốt với người làm công, kẻ giúp việc. Asoka xem các đức tính trên đây là đạo lý truyền thống có khả năng giúp con người sống thọ [228] và là những đức tính đưa đến hạnh phúc đời này và đời sau. [229] Asoka xem ra rất quan tâm việc uốn nắn cách thái đạo đức của quần chúng bởi trong các bia ký của ông Asoka nói rất nhiều về vấn đề này. Trong bia ký III, Asoka phát biểu : “ Lành thay phụng sự cha mẹ. Lành thay hào phóng đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc, các Sa-môn, Bà-la-môn. Lành thay tránh sát sanh. Lành thay sống tiết độ.” Bia ký IX đề cập việc Asoka khuyên mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật, tiễn người đi xa…bằng những việc làm thiết thực, phù hợp Chánh pháp, gọi là Dharma-mangala, như đối xử tốt với kẻ làm công, người giúp việc, tôn trọng thầy cô giáo, tránh sát hại sinh vật, cúng dường các bậc Sa-môn, Bà –la-môn. Trong bia ký XI, Asoka nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của “Pháp thí” (Dharma-dàna) hay quà tặng Chánh pháp và khuyên tất cả mọi người nên dành cho nhau món quà này. Chỉ dụ viết: “ Không có món quà nào cao quý hơn Chánh pháp, nghĩa là hiểu biết Chánh pháp, ban phát Chánh pháp và sống theo Chánh pháp. Tất cả các bậc cha mẹ, con cái, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, hay kẻ láng giềng nên trao cho nhau món quà này, tức là nhắc nhở nhau đối xử tốt với kẻ làm công, người giúp việc, hiếu thảo với cha mẹ , hào phóng đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc, cúng dường các Sa-môn,Bà-la-môn,tránh sát hại sinh vật. Đây là Pháp thí hay quà tặng Chánh pháp (Dharma-dàna) đáng được tán thán, đáng được làm bởi tất cả mọi người vì lợi ích đời này và đời sau.” Trong bia ký XIII phát hiện ở Shahbazgarhi, Asoka bày tỏ sự hối tiếc về việc xâm lăng Kalinga, tuyên bố theo đuổi và phổ biến Chánh pháp, đồng thời mong muốn dân chúng xứ sở Kalinga được hạnh phúc thông qua việc vững tin ở điều lành và nỗ lực làm lành. Trụ đá VII ghi sự kiện Asoka nóng lòng tìm kiếm biện pháp khiến cho mọi người dân đều được tiến bộ và lợi ích trong Chánh pháp bằng cách ban bố các huấn chỉ đạo đức, đồng thời đề cử các quan chức Purusa, Ràjùka, Dharma-mahàyàtra có trách nhiệm phổ biến và giải thích cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ các chỉ dụ đạo đức của ông. Một đoạn trong chỉ dụ này viết: “ Hoàng đế Priyadarśì công bố như sau: “ Tất cả những gì tốt lành mà Hoàng đế đã làm đều được quần chúng hưởng ứng theo đuổi và nhờ đó mọi người khác sẽ theo gương, được tiến bộ và sẽ được tiến bộ trong việc hiếu thảo đối với cha mẹ, thầy cô giáo, tôn trọng các bậc trưởng thượng, xử sự đúng đắn với các Sa-môn, Bà-la-môn, với những người nghèo khổ, kẻ làm công, người giúp việc.”
Đoạn văn trên cho thấy Asoka đã nêu gương lớn trong việc giáo dục đạo đức quần chúng và mong muốn đẩy mạnh nếp sống đạo lý truyền thống trong đời sống nhân dân. Bia ký III xác nhận mười hai năm su khi lên ngôi, Asoka quy định các quan chức Yukta, Ràjùka, Pràdeśika cứ năm năm một lần có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm khuyến khích dân chúng theo đuổi nếp sống đạo đức Chánh pháp. Thông tin bia ký V cho hay mười ba năm sau khi lên ngôi, Asoka cho thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm thúc đẩy nếp sống đạo đức hay thực hành Chánh pháp trong các tầng lớp nhân dân vì hạnh phúc và lợi ích của mọi người. Các quan chức Dharma-mahàmàtra cũng được bổ nhiệm tại các xứ sở xa xôi như Yona, Kamboja, Ganghàra, Ràstrika, Pitinika, Aparànta và tại các quốc gia nằm ở biên giới phía tấy Ấn Độ nhằm mục đích khuyến khích nếp sống đạo đức của quần chúng. Bia ký XIII nói đến thành quả mà Asoka đã đạt được nhờ thực hiện chính sách đạo đức hay đường lối đức trị (dharma-vijaya). Thông tin bia ký này cho hay đạo đức hay Chánh pháp đã được thiết lệp khắp nơi không những trong vương quốc Maurya mà còn mở rộng sang các quốc gia và dân tộc khác như Yona hay Antiocho do người Hy Lạp trị vì, các vương quốc láng giềng của Antiocho do các quốc vương Ptolemy, Antigono, Maga và Alexander cai quản, các quốc gia tận phía nam như Chola, Pàndya, các xứ sở Kamboja và Gandhàra ở phía bắc và các dân tộc Nabhaka, Nabhiti, Pitinika, Andhra và Palida. Rõ ràng nỗ lực của Asoka về phương diện giáo dục đạo đức quần chúng đã chứng tỏ thành công lớn và Asoka cũng nhận ra kết quả nỗ lực của mình. Trong bia ký IV, Asoka xác nhận:
“Hàng trăm năm trước đây, việc giết hại súc vật để cúng tế, đối xử tàn ác với sinh linh, xử sự không đúng với bà con, với các Sa-môn và Bà-la-môn đã không ngừng gia tăng. Nhưng ngày nay, do Hoàng đế Priyadarśì thực hành Chánh pháp, tiếng trống thúc quân ngày nào đã biến thành tiếng gọi của Chánh pháp đối với tất cả mọi người. Nay phần lớn quần chúng đã từ bỏ giết hại súc vật, không tàn sát sinh linh, xử sự đúng đắn với bà con, với các Sa-môn và Bà-la-môn, hiếu kính đối với cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Nếp sống đạo đức đã được gia tăng và Hoàng đế Priyadarśì sẽ thúc đẩy hơn nữa nếp sống đạo đức này. Các con cái và cháu chắt của Hoàng đế sẽ phát huy nếp sống đạo đức cho đến muôn đời, sẽ sống trong Chánh pháp và sẽ phổ biến Chánh pháp, bởi phổ biến Chánh pháp là việc làm tối thượng,” [230]
Sau cùng chúng ta chú ý tới một việc làm có ý nghĩa quan trọng khác của Asoka trong vai trò một Pháp vương theo đuổi lý tưởng Chánh pháp. Đó là việc ông mong muốn xây dựng một thế giới thoát khỏi mọi ám ảnh và sợ hãi về chiến tranh, bạo động, tin tưởng vào lòng nhân ái, đạo đức và bất hại của con người. Việc Asoka từ bỏ chiến tranh và mộng xâm lăng được thể hiện rõ nét qua lời tuyên bố thay trống trận bằng Chánh pháp của ông cũng như qua chính sách bang giao hòa hiếu của nhà nước Maurya với các quốc gia láng giềng. Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử tuyên bố khước từ mọi danh vọng và sở hữu thế gian cơ bản do chiến tranh và xâm lăng mang lại. Ông xem thường danh vọng được xây dựng bằng bạo lực, chiến tranh và mong muốn lưu danh bằng đạo đức và lòng nhân ái. Tài liệu Aśokàvadàna thuật lời Asoka nói với tể tướng Ràdhagupta trước lúc lâm chung rằng ông không lo lắng vì xa lìa tài sản của cải, nhà cửa, thậm chí cả vương quốc của mình, nhưng ông cảm thấy buốn vì phải rời xa các bậc thánh.[231] Câu nói này chứng tỏ Asoka xem nhẹ danh lợi thế gian và chỉ muốn được gần gũi và sống lâu hơn với chư tăng và Chánh pháp. Trong bia ký X, ông nêu rõ : “ Hoàng đế Priyadarśì không xem danh vọng là nhhững thứ mang lại nhiều lợi ích trừ phi nó được xây dựng như ý ngài mong muốn nghĩa là tất cả mọi người trong hiện tại cũng như tương lai sẽ theo đuổi Chánh pháp và thực hành Chánh pháp. Vì mục đích này, Hoàng đế Priyadarśì ước muốn được lưu danh. Và ngài mong rằng mọi nỗ lực của ngài, dù lớn hay nhỏ, đều nhằm lợi ích tưong lai của mọi người và khiến cho tất cả đều được tự do.”
Trong bia ký II, Asoka cất bỏ gánh nặng lo lắng của các quốc gia và dân tộc khác bởi lời tuyên bố hòa bình, bất bạo động. Chỉ dụ viết : “ Các dân tộc chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: ‘Nhà vua này muốn gì ở chúng ta?’ Điều mong muốn duy nhất của ta đối với các dân tộc này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ ta mà hãy tin tưởng ở ta, rằng từ nơi ta họ sẽ nhận được hạnh phúc chứ không phải khổ đau, họ cũng nên hiểu thêm rằng đối với tất cả ta sẽ bao dung độ lượng và sẽ khích lệ mọi người thực hành Chánh pháp (Dharma) vì lợi ích đời này và đời sau.”
Có thể nói rằng tự do và vô úy là hai thứ mà Asoka mong muốn kiến tạo cho tất cả mọi người và mọi dân tộc trên thế giới. Để tạo dựng tự do, Asoka tuyên bố quay lưng với chiến tranh , xâm lăng và chủ trương hòa bình, độc lập dân tộc. Để thiết lập vô úy, Asoka tỏ rõ thái độ thân thiện, bao dung và hòa bình đối với tất cả mọi người và mọi dân tộc, đồng thời tạo điều kiện để tất cả đều được tiến bộ trong Chánh pháp và hưởng được lợi ích của Chánh pháp. Đây chính là thông điệp hòa bình và hạnh phúc mà Asoka đã vận dụng triệt để và hữu hiệu trong suốt thời gian gần 40 năm trị vì của ông.
Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavattì Sìhanàda Suttanta) đề cập sự kiện tất cả các quốc vương chư hầu đều tôn kính vua Chuyển luân Thánh vương và tuân phục Chánh pháp của ngài. Trong thực tế, Asoka là một hoàng đế lớn của triều đại Maurya nhưng tất cả những gì ông đã làm chắc chắn đã thu phục nhân tâm của nhiều quốc gia và chúng ta có thể nói rằng cuộc đời và sự nghiệp của ông xứng đáng được lưu danh như một vị vua Chuyển luân Thánh vương, nhưng không phải trong huyền thoại mà trong hiện thực.

[200] Văn hóa Ariyan được nói đây ngụ ý nền văn hóa Ấn Độ bắt nguồn từ lúc những người Aryan xâm nhập Ấn Độ từ khoảng 2000-1500 trước Công nguyên mà các kinh sách Vệ đà được xem là sản phẩm văn học đầu tiên . Trong bài kinh Ambattha (Ambattha Sutanta) , Trường bộ (Dìgha Nikàya) và kinh Phạm Ma (Bhahmàyu Sutta), Trung bộ (Majjhima Nikàya) các Bà-la-môn Pokkharasàdi và Bhamàyu bảo học trò của mình là Ambattha và Uttara đến xem xét về con người Sa môn Gotama “ bởi theo Thánh điển (kinh Vệ đà) của chúng ta truyền lại về 32 Đại nhân tướng, những ai có 32 tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác. Nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy báu vật. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương và tri vì với Chánh pháp, không dùng gậy ,không dùng đao.Nếu vị này xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A la hán, Chánh đẳng giác, quét sạch mê lầm ở đời, (Xem Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh II,tr.135, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1974.) Bài kinh Sela, số 7 , Đại phẩm (Mahàvagga) thuộc Kinh tập (Sutta Nipàta) ghi nhận câu chuyện rằng vị Bà-la-môn Sela sau khi phát hiện 32 tướng tốt ở đức Phật đã xác nhận ngài xứng đáng là vị vua cai trị bốn phương thiên hạ và đã yêu cầu ngài chấp nhận địa vị của một vị vua tối thượng, nhưng đức Phật bảo rằng ngài là một vị Pháp vương (Dhammaràja) chuyển vận bánh xe Chánh pháp.



tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương