A dục vưƠng (asoka) cuộC ĐỜi và SỰ nghiệP



tải về 1.22 Mb.
trang8/19
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.22 Mb.
#6622
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19
Một bằng chứng khác nói rõ tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp của Asoka là việc ông sẵn sàng để cho bà con và con cháu mình xuất gia phục vụ đạo pháp và riêng ông cũng từng sống với Tăng già. Tài liệu Tích Lan thuật rằng bốn năm sau khi lên ngôi, em trai Asoka là Tisya, phó vương xứ Ujjain, cháu trai và là con rể Agni-Brahmà và cháu ngoại ông Sumana đều xuất gia đầu Phật. Sau khi Tisya xuất gia, chức phó vương Ujjain bọ bỏ trống, bấy giờ Asoka định cử con trai Ujjain nhưng Mahendra và cả Sanghamitra nữa đều tỏ ý xuất gia dưới sự dẫn dắt của Moggaliputta Tissa. [162] Tên tuổi của Mahendra. Sanghamitra và Sumana gắn liền với lịch sử Phật giáo Tích Lan . Mahendra và Sumana có công rất lớn trong việc giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan, trong khi Sanghamitra mở đường cho sự ra đời của giáo hội Tỷ-kheo ni tại đây.
Các học giả nêu nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh lời tuyên bố của Asoka về việc hơn một năm ông gần gũi Tăng già. Trong tiểu bia ký I, Asoka bảo rằng hơn hai năm rưỡi làm một đệ tử cư sĩ (upàsika) ông đã không cố gắng nhiều, nhưng hơn một năm gần gũi Tăng già ông đã nỗ lực rất lớn. Theo K.Hazra, câu nói này ngụ ý rằng khi Asoka trở thành một Phật tử ông đã không tha thiết đối với Phật giáo và đã không nỗ lức làm bất cứ điều gì cho tôn giáo này. Nhưng khi gần gũi với Tăng già ông đã làm mọi thứ cho sự phát triển của Phật giáo. [163] B.M. Barua cho rằng sự chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo của Asoka được bắt đầu kể từ khi ông tiếp cận hay gần gũi Tăng già .[164] Nói khác đi, Barua cho rằng chỉ sau khi Asoka tiếp xúc và gần gũi Tăng già như bia ký của ông đã nói thì lòng tin Phật của ông mới bắt đầu lớn mạnh. R.Mookerji nêu nhận xét tương tự : “ Trước trận chiến Kalinga, nghĩa là khoảng 265 trước Công nguyên, Asoka đã là một cư sĩ Phật tử. Ông duy trì tín ngưỡng này từ 265 đến 262, khi lòng tin Phật của ông trở nên mạnh mẽ hơn do kết quả sự hối hận về những thảm cảnh ông đã gây ra trong trận chiến Kalinga và chính điều này đã khiến ông trở nên gần gũi Tăng già.” [165]
Ý kiến của ba học giả này chỉ đúng một phần, tức là sau hơn một năm gần gũi Tăng già đức tin Phật giáo của Asoka càng trở nên mạnh mẽ. tuy nhiên nếu cho rằng, như quan điểm của K. Hazra, Asoka không tha thiết đối với Phật giáo và không nỗ lực làm bất cứ điều gì thì cho tôn giáo này khi trở thành một cư sĩ Phật tử thì một nhận định như vậy không hoàn toàn hợp lý. Xét về mặt tâm lý, Asoka là một người rất nhạy cảm và năng động. Bằng chứng là ngay sau chiến thắng Kalinga ông đã nhận ra nỗi bất hạnh của những kẻ chiến bại và tỏ ý hối tiếc về việc xâm lăng của mình. Và ông đã làm ngay những gì có thể làm để bù đắp phần nào sự tổn thất không thể bù đắp đối với một xứ sở bị chiến bại. Các tài liệu liên quan cũng cho thấy Asoka từng là một kẻ hiếu chiến và theo tín ngưỡng Bà-la-môn. Như vậy việc ông trở thành tín đồ Phật giáo chắc chắn không phải là chuyện ngẫu nhiên mà phải vì một lý do nào đấy. Đa số học giả ngày nay đều tin rằng việc hối hận về thảm cảnh chiến trận Kalinga là động cơ khiến Asoka quy ngưỡng Phật giáo và nỗ lực làm điều thiện. Như vậy ta có thể nói rằng Asoka trở thành Phật tử là do động cơ nội tâm. Một người do hối tiếc việc đã qua và mong muốn làm cho tâm hồn mình được thanh thản như Asoka thì không thể không nỗ lực làm ngay điều gì đó để xóa đi ký ức cũ.
Tài liệu Mahàvamsa cũng thông báo cho chúng ta ngay sau khi được Nigrodha cảm hóa (vào năm 270 hay 269 trước Công nguy6en theo tài liệu này),Asoka đã thể hiện mạnh mẽ lòng tin của mình đối với Tam bảo. Ông tiếp đãi nồng hậu tăng sĩ Phật giáo mỗi ngày tại hoàng cung, lắng nghe chư tăng thuyết pháp và tỏ ý xây dựng nhiều bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật .D.R .Bhandarkar cũng không đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng rất lâu trước khi Asoka chính thức viếng thăm Tăng già (như bia ký của ông đã đề cập), ông đã tiếp đãi 60.000 tăng sĩ Phật giáo mỗi ngày tại hoàng cung và xây dựng 84.000 tinh xá (vihàra) . Bhandarkar bảo lưu quan điểm của Mahàvamsa cho rằng ngay sau khi được Nigrodha cảm hóa, Asoka đã tiếp xúc với Tăng già, bởi vậy, theo ông, “ chúng ta không thể nói rằng nhà vua hơn một năm thăm viếng Tăng già mà đúng hơn là hơn một năm sống với Tăng già.” [166]
Lời tuyên bố của Asoka trong tiểu bia ký I cũng gây không ít tranh luận xoay quanh việc ông có xuất gia trở thành một tu sĩ hay không. Theo một số học giả thì Asoka từng xuất gia làm một tu sĩ Phật giáo. [167] Các học giả này cho rằng lời tuyên bố tiếp cận Tăng già của ông trong bia ký có nghĩa là Asoka đã nhập Tăng già làm tu sĩ ở vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của ông.[168] Nhận định này được củng cố bởi truyền thuyết Divyàva-dàna nói rằng lúc về già Asoka xuất gia và trở thành một vị Bích Chi Phật (Pratyeka Buddha) [169] Nghĩa Tịnh (I-tsing) cũng nói đến việc ông từng thấy một pho tượng Asoka mặc áo cà sa khi ông viếng thăm thánh tích Phật giáo Ấn Độ.[170] Tuy nhiên không một chứng cứ nào trong các bia ký cho thấy Asoka rời bỏ vương vị và theo tài liệu Tích Lan [171] thì Asoka mất sau khi trị vì được 37 năm. Theo các thông tin Mahàvamsa và Divyàvadàna thì Asoka lên ngôi năm 270 hay 269 và mất vào năm 232 trước Công nguyên. Như vậy con số 37 hay 38 năm Asoka trị vì mà tài liệu Tích Lan đề cập là khớp với các niên đại nêu trên và chứng tỏ Asoka không rời bỏ ngai vàng cho đến lúc qua đời. tài liệu Aśokàvadàna cũng nói đến sự kiện Asoka không ngừng cúng dường chư tăng cho đến giây phút cuối cùng, mặc dù bị cháu trai là hoàng thái tử Sampadi hay Samprati nhiều phen ngăn cản .[172]
B.M.Barua cho rằng trong bia ký Bhabrù, trụ đá Kauśàmbì và trụ đá Lumbinì, Asoka luôn tỏ rõ là một vị vua và là một cư sĩ đệ tử đức Phật. Theo ông không một nơi nào trong các tài liệu ấy cho hay Asoka rút lui khỏi cuộc đời.[173] Nhưng nếu Asoka không trở thành tu sĩ thì lời tuyên bố hơn một năm gần gũi hay tiếp cận Tăng già của ông cần phải được hiểu như thế nào ? K.Hazra cho rằng ý nghĩa câu nói này có thể được giải thích bởi một đoạn văn trong Luật tạng (Vinaya Pitaka) đề cập trường hợp một người ở điạ vị giữa cư sĩ (upàsika) và một Tỷ -kheo (bhikkhu) được gọi là Bhikkhugatika, Buddhaghosa giải thích rằng Bhikkhugatika dùng để chỉ một người cùng sống trong một tinh xá (vihàra) với các Tỷ-kheo nhưng chưa thọ giới đầy đủ như vị Tỷ-kheo mà đang hướng đến địa vị Tỷ-kheo.[174]
Như vậy theo quan điểm của Hazra thì mặc dù không chính thức trở thành một tu sĩ, Asoka từng có một thời gian sống với Tăng già. Sử gia R.C.Mazumdar nêu ý kiến rằng Asoka không trở thành một tu sĩ Phật giáo nhưng ông đã từng sống với Tăng già hơn một năm.[175] Học giả N.Dutt cũng đồng tình với quan điểm trên khi nói rằng không có một gọi ý nào trong các bia ký của ông và truyền thống Phật giáo tỏ cho thấy Asoka trở thành một Tỷ -kheo. Theo ông, Asoka là một cư sĩ tận tâm và có lẽ đã từng sống một thời gian trong tu viện Phật giáo.[176] Theo D.R.Bhandarkar, Asoka tiếp xúc với Tăng già ngay sau khi được Nigrodha cảm hóa, do đó câu nói của ông trong tiểu bia ký I không có nghĩa là Asoka viếng thăm mà ông đã sống với Tăng già trong thời gian hơn một năm. [177] Kết quả đó, theo Bhandarkar, được đánh dấu bởi bia ký VIII nêu rõ sự kiện rằng bắt đầu từ năm thứ mười trở đi kể từ khi lên ngôi Asoka đã thay thế các cuộc du hành hưởng lạc (vihàra-yàtrà) bằng các chuyến du hành thuyết pháp hay khuyến khích nếp sống đạo đức (Dharma-yàtrà). [178]
III.Những cống hiến của Asoka đối với Phật giáo :
Tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp đã thôi thúc Asoka làm nhiều việc cho tôn giáo này mà chúng ta đã có dịp nêu trên đây. Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét một số cống hiến quan trọng khác ông đã dành cho Phật giáo với tu cách la một hoàng đế Phật tử. Trong các trụ đá sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì, Asoka tỏ rõ là một hoàng đế Phật tử luôn lo lắng cho sự thịnh suy của đạo pháp được thể hiện bởi lời cảnh báo tẩn xuất những ai gây chia rẽ Tăng già (Sangha). Chỉ dụ nhấn mạnh: “ Không một tăng ni nào được phép gây chia rẽ Tăng già . Bất cứ ai, dù là tăng hay ni, cố tình tạo ly gián hay gây chia rẽ Tăng già, sẽ bị buộc mặc áo trắng và bị trục xuất khỏi Tăng già.”
Theo quan điểm của đạo Phật, Tăng già là một thực thể sống động của Phật pháp, Tăng già còn là Phật pháp còn. Nói khác đi, Tăng già tiêu biểu cho tiếng nói của Chánh pháp, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy Chánh pháp, do đó sự thịnh suy của Chánh pháp tùy thuộc rất lớn vào sự thịnh suy của Tăng già. Gây chia rẽ hay tạo ly gián là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Tăng già, cũng có nghĩa là suy tàn của Phật pháp. Bởi vậy, việc gây chia rẽ hay phá hòa hợp Tăng được xem là một trọng tội trong giới luật Phật giáo. Đạo Phật nói đến “ngũ nghịch” (pañca-parikuppà) tức năm tội lớn [179] mà bất cứ ai vi phạm thì không tránh được quả báo phải đọa địa ngục, rất hiếm cơ may được trở lại làm người. Trong số năm trọng tội này, gây chia rẽ hay phá hòa hợp Tăng được xếp ở vị trí cuối cùng. Tác ohẩm Cullavagga thuộc luật tạng Pàli (Pàli Vinaya Pitaka) đề cập trường hợp Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) vi phạm trọng tội gây chia rẽ Tăng già phải chịu quả báo sanh vào địa ngục (niraya) trong một kiếp (kalpa). [180] Trong bộ luật Pàti-mokkha dành cho tu sĩ Phật giáo, tội danh gâ chia rẽ Tăng già được xếp vào nhóm trọng tội thứ hai gọi là Sanghàdisesà. Sanghàdisesà bao gồm 13 điều luật quy định một vị Tỷ -kheo không được sống chung với tăng chúng nếu vi phạm một trong số 13 điều luật này. Trong 13 điều luật ấy, điều thứ mười và mười một ngăn cấm mọi hành vi gây chia rẽ hay phá hòa hợp Tăng già. Như vậy ta có thể nói rằng những gì được ghi trong các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì là hoàn toàn phù hợp với tinh thần giới luật Phật giáo. Các chỉ dụ Sàrnàth,Kauśàmbì và Sàñchì một mặt nói rõ mối quan tâm của Asoka đối với tiền đồ Phật pháp nhưng mặt khác cũng gián tiếp phản ánh một thực tế có lẽ không mấy sáng sủa của sinh hoạt Tăng già vào thời kỳ này. Tài liệu Tích Lan nói đến sự kiện phân hóa trầm trọng xảy ra trong Tăng già và Asoka với tư cách là một hoàng đế Phật tử đã nổ lực rất lớn trong việc cứu vãn tình thế.
Theo tài liệu biên niên sử Tích Lan thì vào những năm đầu triều đại Asoka Phật giáo bị biến nhiễm rất nặng một mặt bởi sự tiếp tục ra đời của nhiều chi phái Phật giáo khác nhau và mặt khác bởi số lượng tu sĩ ngoại đạo gia nhập Tăng già ngày càng đông dẫn đến tình trạng giáo lý đức Phật bị hiểu nhầm và hành trì sai lạc. Việc Asoka quy ngưỡng Phật giáo và đặc biệt sự sủng ái của ông dành cho tôn giáo này đã hấp dẫn các tu sĩ ngoại đạo với số lượng rất lớn đến với tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên một khi gia nhập Tăng già, các tu sĩ này vẫn duy trì nếp sống cũ và dẫn giải lời Phật dạy theo quan điểm ngoại đạo. Uy tín và thanh danh của giáo hội bị sút giảm. Các bậc chân tu không chấp nhận sinh hoạt chung với các tu sĩ gốc ngoại đạo. Tranh chấp nổ ra ngày càng gay gắt trong nội bộ Tăng già đến độ các lễ Bố tát (Uposatha) và Tự tứ (Pavàranà) đã không được tiến hành trong suốt thời gian bảy năm. Tài liệu Mahàvamsa thuật rằng mặc dù Asoka đã nỗ lực rất lớn nhằm cứu vãn tình trạng bất đồng, Tăng già đã không thể hòa hợp và thanh tịnh. Sau cùng Asoka buộc phải triệu hồi trưởng lão Moggaliputta Tissa về kinh thành Pàtlaputra để tiến hành việc thanh lọc Tăng già. Theo nguồn tin Mahàvamsa thì 60.000 tăng sĩ gốc ngoại đạo đã bị Asoka trục xuất khỏi Tăng già trong dịp này và giáo hội trở lại các sinh hoạt thanh tịnh. Sự kiện này khẳng định quyết tâm của Asoka trong việc lành mạnh hóa tổ chức Phật giáo.
Tuy nhiên, từ những sự kiện trên ta không thể không thắc mắc phải chăng việc Asoka dành nhiều tình cảm ưu ái cho Phật giáo đã ít nhiều khiến cho tôn giáo này lâm vào cảnh phân hóa? Con số 60.000 tu sĩ ngoại đạo bị tẩn xuất khỏi giáo hội như tài liệu Mahàvamsa mô tả phải chăng chỉ nói lên sự quan tâm của Asoka đối với tiền đồ Phật pháp hay còn phản ánh một sự thực rằng Asoka đã nhận ra sai sót của mình đối với tổ chức Phật giáo và nỗ lực chấn chỉnh ? Rhys Davids cho rằng sự quy ngưỡng Phật giáo của Asoka và sự hào phóng của ông đối với Tăng già là bước thứ nhất trên con đường tụt dốc của Phật giáo và cũng là bước đầu tiên dẫn đến việc Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ. Phản bác quan điểm quy kết nặng nề này của Rhys Davids đã có D.R.Bhandarkar . [181] Tuy thế ta vẫn phải thấy rằng việc Asoka dành quá nhiều ân điển cho Tăng già đã ít nhiều khiến cho Phật giáo rơi vào cảnh phân hóa để rồi sau đó ông đã nỗ lực chấn chỉnh.
Theo các tài liệu Tích Lan thì sau khi quy ngưỡng Tam bảo, Asoka đã dành cho tăng sĩ Phật giáo quá nhiều ân sủng đến độ các tu sĩ ngoại đạo đã tìm cách xâm nhập Tăng già để mong thỏa mãn danh lợi. Số lượng các tu sĩ ngoại đạo gia nhập giáo hội ngày càng đông vượt quá số lượng các tăng sĩ Phật giáo chân chính. Sự kiện này dẫn đến tình trạng giáo lý của đức Phật bị hiểu nhầm và hành trì sai lạc và Tăng già trở nên phân hóa trầm trọng. Bởi sự kiện phân phái vốn đã nảy sinh rất lâu trước thời Asoka và cho đến thời Asoka thì sự việc càng trở nên phức tạp, ta không thể quy kết toàn bộ trách nhiệm phân hóa Tăng già cho Asoka. Tuy nhiên việc Asoka quá sùng tín đối với tôn giáo của mình đã khiến ông khó tránh được sai lầm. Asoka không sai lầm khi tín ngưỡng Phật giáo, nhưng ông sai lầm khi không lường được mức độ lạm phát ở trong tố chức Tăng già do tấm lòng sùng tín thái quá của ông. Việc một nhà vua dành quá nhiều ân sủng cho tăng sĩ là cơ duyên không hay lắm cho sinh hoạt Tăng già bởi từ đây những biểu hiện tiêu cực có thể nảy sinh trong tăng chúng. Asoka đã dành quá nhiều ân điển cho tăng sĩ Phật giáo đến độ nhiều người đã nhầm tưởng Phật giáo là con đường mưu sinh và giáo hội là nơi người ta dễ dàng tìm kiếm danh lợi. Và như vậy ta có thể kết luận rằng sự ra đời của các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì cũng như sự kiện thanh lọc Tăng già được nói đến trong tác phẩm Mahàvamsa là kết quả nỗ lực mà Asoka đã làm nhằm bảo vệ sự trong sáng của Phật pháp và nhằm điều chỉnh phần nào sự sai sót của ông trong vai trò một hoàng đế có trách nhiệm bảo đảm sự phát triển ổn định của các tổ chức tôn giáo và xã hội nằm dưới quyền quản lý của ông. Thông tin từ các trụ đá cho hay để giữ cho Tăng già và các đoàn thể xã hội khỏi tình trạng phân hóa, Asoka đã chỉ thị mỗi quan chức Mahàmà tra ở kinh đô Pàtaliputra và ở các nơi khác trong quốc gia phải có trách nhiệm hướng dẫn và thực thi các điều khoản đã được ghi trong các chỉ dụ.
Sau cùng Asoka càng nổi bật trong vai trò một hoàng đế Phật tử bởi hai sự kiện tôn giáo quan trọng mà ông đã trực tiếp bảo trợ và thực hiện liên quan đến lịch sử phát triển Phật giáo. Hội nghị kiết tập kinh tạng lần thứ ba được tổ chức dưới sự bảo trợ của ông nói rõ quyết tâm của Asoka trong việc gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của Chánh pháp, trong khi việc các phái đoàn truyền giáo đi khắp nơi trong nước và sang các quốc gia láng giềng phản ánh ước muốn mở rộng đức tin Phật pháp của ông. Sử liệu Tích Lan thuật rằng sau khi Tăng già trở lại hòa hợp và thanh tịnh, trưởng lão Moggaliputta Tissa tuyển chọn 1.000 Tỷ -kheo tinh thông giáo lý để tiến hành hội nghị kiết tập tam tạng. Hội nghị được tổ chức ở kinh đô Pàtaliputra, đặt dưới sự chủ tọa của Moggaliputta Tissa và do Asoka chính thức bảo trợ. Hội nghị kéo dài trong chín tháng, thảo luận đầy đủ tam tạng (tipitaka) gồm kinh tạng (suttapitaka), luật tạng (vinaya-pitaka) và luận tạng (abhidhammapitaka), riêng trưởng lão Moggaliputta cho ra đời tập Kathà-vatthu đánh đổ mọi quan điểm sai quấy của ngoại đạo. Kết thúc hội nghị, Asoka gởi các phái đoàn truyền giáo sang nhiều quốc gia khác nhau nhằm phổ biến giáo lý của đức Phật. Ngày nay phần lớn các học giả đều cho rằng sự hiện diện hầu như nguyên vẹn của tạng Pàli và sự kiện quốc tế hóa Phật giáo là thành quả nổi bật của hội nghị kiết tập lần này.
Truyền thống Tích Lang hi nhận sự kiện rằng chính trưởng lão Mahinda là người đã đưa Phật giáo vào Tích Lan và mang theo mình các bài kinh được sưu tập trong thời gian hội nghị kiết tập lần thứ ba được triệu tập dưới thời đại đế Asoka. Những bài kinh này đầu tiên được truyền khẩu từ đời này sang đời khác cho đến dưới thời vua Vattagàmani (29-17 trước Công nguy6en) chúng mới được viết ra thành văn bản. theo M. Winternitz thì chínhtạng kinh được sưu tập trong thời kỳ kiết tập lần thứ do Mahinda mang đến Tích Lan và được ghi chép dưới thời vua Vattagàmani là khớp với tam tạng Pàli mà hiện chúng ta đang có .[182] R.F.Gombrich nêu nhận xét tương tự, cho rằng tạng Pàli mà ít nhiều chúng ta có ngày nay hẳn đã có mặt trong thời Asoka và do Mahinda mang đến Tích Lan. Giống như M.Winternitz [183] và W.Geiger,[184] Gombrich rút ra kết luận này trên cơ sở các văn bản giống nhau được tìm thấy giữa tạng Pàli hiện có và bia ký Bhabrù của Asoka. Việc Asoka gởi các phái đoàn truyền giáo đi nhiều nơi trong nước và sang các nước khác được nói đến khá đầy đủ trong các tác phẩm Mahàvamsa, Samantapàsàdikà và được củng cố bởi nguồn tài liệu bia ký liên quan cũng như ký sự của các nhà chiêm bái Trung Hoa. Theo tài liệu Mahàvamsa thì chín phái đoàn truyền giáo đã được gởi đi chín xứ sở sau đây:
1.Phái đoàn do Majjhantika dẫn đầu được gởi đi Kashmir và Gandhàra.
2.Phái đoàn do Mhàraksita dẫn đầu đi Yavana hay xứ sở Hy Lạp.
3.Phái đoàn do Majjhima dẫn đầu đến vùng Himàlaya.
4.Phái đoàn do Dharmaraksita dẫn đầu sang Aparàntaka.
5.Phái đoàn do Mahàdharmaksita dẫn đầu đến Mahàràstra.
6.Phái đoàn do Mahàdeva dẫn đầu sang Mahisamandala hay Mysore.
7.Phái đoàn do Raksita dẫn đầu đi Vanavàsi.
8.Phái đoàn do Sona và Uttra dẫn đầu sang Suvarnabhùmi.
9.Phái đoàn do Mahendra dẫn đầu sang Srilanka.
Tác phẩm Samantapàsàdikà của Buddha-ghosa nhắc lại danh sách các đoàn truyền giáo này và thêm bớt một vài chi tiết như sau ; Majjhantika đến xứ sở Kashmir và Ganghàra, thuyết bài kinh Asìvisùpamà và chuyển hòa 80.000 người theo Phật pháp. Mahàraksita thuyết bài pháp Kàla-kàràma tại xứ sở Yanarattham, hóa độ cho 73.000 người. Majjhima đến Hima-vantapradeśa, giảng kinh Dhammaraksita đến Aparànta, giảng kinh Aggikkhandopamà và quy y Tam bảo cho 37.000 người. Mahàdeva thuyết kinh Devadùta ở Mahim-sakamandala, độ 40.000 người. Raksita giảng pháp thoại Mahà-nàradakassapajàtaka tại Vanavàsi, chuyển hóa 84.000 tín đồ. Sona và Uttara thuyết kinh Brahmajàlà ở Suvarnabhùmi, cảm hóa 60.000 người theo đức tin Phật giáo.
Tài liệu Dìpavamsa cho hay không chỉ một mình Majjhima đến Himàlaya hay Himavanta mà cùng đi với ông còn có Kassapagotta, Dundu-bhissara, Sahadeva và Mùlakadeva. Một số tài liệu viết bằng tiếng Bràhmi cổ thế kỷ thứ nhất hay thứ hai trước Công nguyên được tìm thấy tại các bảo tháp Sañchì có nói đến tên tuổi các vị này. Một văn bản nằm bên cạnh một bình đựng xá lợi được phát hiện ở bảo tháp số 2 ghi rằng : “Đây là xá lợi của các đạo sư, trước hết là A la hán Kassapagotta và A la hán Vàchhi Suvijayata.” [185] Ngoài ra, người ta còn phát hiện thêm bốn bình xá lợi khác co chứa các văn bản ở bên trong . Các văn bản này nói đến danh tánh một số đạo sư mà xá lợi của họ được lưu giữ trong những chiếc bình này, đó là Kassapagotta (Sava-hemavata-àcàriya-dạo sư của dân chúng Hemavata), Majjhima, Hàritìputra, Vàchhi Suvijayata,Mahavànaya, Àpagiva, Kodiniputa, (Kaundiniputra), Kosikiputa, Gotiputa (Gauptiputra) và Mogaliputta (Maudgaliputra).[186]Như vậy, từ nguồn thông tin trên chúng ta có thể nói rằng Kasapagotta và Majjhima là những nhà truyền giáo được phái đến các quốc gia vùng Himàlaya và những vị khác có lẽ là những trưởng lão đã từng tham gia hội nghị kiết tập lần thứ ba được tổ chức dưới thời Asoka.
Theo một số học giả thì Mogaliputta (Maudgaliputra) được nói đến trong các văn bản Bràhmi phát hiện ở Sàñchì chính là Mogaliputta Tissa, chủ tịch hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba, của sử liệu Tích Lan. Tên tuổi của Majjhima cũng được tìm thấy trên hàng chữ ghi bên ngoài một chiếc bình xá lợi được tìm thấy tại bảo tháp số 11 ở Sonari [187] và Kassapagotta được nói đến trong một văn bản khác phát hiện ở địa điểm tương tự dưới tên gọi Kotiputa.[188] Trong một văn bản khác người ta cũng tìm thấy danh tánh Gotiputa và Dadabhisàra. Tất cả các tài liệu này xác nhận tên tuổi của các nhà truyền giáo thời Asoka, nghĩa là Kassapagotta, Majjhima và Dundudhissara như được nói đến trong các biên niên sử Tích Lan. Điều đáng chú ý là tác phẩm Mahàvamsa đề cập Majjhima là trưởng phái đoàn truyền giáo được gởi tới vùng Himàlaya, trong khi các văn bản phát hiện ở Sàñchì xem Kassapagotta là đạo sư của tất cả dân chúng Himavanta (Sava-hemavata-àcàriya). Phái Phật giáo Hemavata, một chi phái của Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravàda) , được xem là ra đời ở Himàlaya và Kassapagotta có thể đã là vị đạo sư chuyển hóa dân chúng xứ sở này theo Phật giáo. D.R.Bhandarkar nói rằng Asoka đã gởi hai phái đoàn truyền giáo, một đến vùng Himàlaya bao gồm Kashmir và Gandhàra và một sang các quốc gia phía tây. Học giả này cho rằng dẫn đầu phái đoàn truyền giáo, một đến vùng Himàlaya là Kassapagotta chứ không phải Majjhima và ông xem Majjhantika, người mà sử liệu Tích Lan bảo là dẫn đầu đoàn truyền giáo đến Kashmir và Gandhàra, không ai khác chính là Majjhima. Theo Bhandarkar, Kassapagotta ,trưởng đoàn truyền giáo được phái đi Kikàlya trong đó Majjhima là một thành viên, đã yêu cầu Majjhima lãnh trách nhiệm truyền bà Phật pháp tại xứ sở Kashmir và Gandhàra.[189]Bhandarkar cũng cho rằng Rakkhita, Dhammarakkita, Mahà-dhammarakkhita và Mahàrakkhita mà tài liệu biên niên sử Tích Lan xem là dẫn đầu các đoàn truyền giáo đi các xứ sở Vannavàsi, Aparàntaka, Mahà-rattha và quốc gia Yavana thực ra không phải là bốn nhân vật đi riêng rẽ mà cùng nằm trong một phái đoàn truyền giáo được gởi sang các quốc gia phía tây Ấn Độ bao gồm Vanavàsi, Aparànta, Mahàrattha và Yonaloka.[190]
Ngoài các tài liệu chữ viết được phát hiện ở Sàñchì, người ta không tìm thấy văn bản nào khác nói đến các nhà truyền giáo dưới thời Asoka và sự kiện phổ biến Chánh pháp của ông như được ghi lại trong các biên niên sử Tích Lan. Mặc dù không lấp đầy các chi tiết của nguồn sử liệu Tích Lan, các văn bản này chứng minh rằng nguồn thông tin sử liệu Tích Lan đề cập sứ mạng truyền giáo của Asoka sau sự kiện kiết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba là hoàn toàn xác thực.T.W.Rhys Davids [191] cũng cho rằng các biên niên sử Tích Lan không những xác nhận mà còn bổ sung cho nguồn thông tin về các đoàn truyền giáo của Asoka.
Theo sử liệu Tích Lan thì sau khi Mahendra đến Anuràdhapura, toàn bộ đảo quốc này dần dần chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo và sau cùng được mệnh danh là Dhammdìpa- đảo quốc Chánh pháp. Thành công lớn nhật của phái đoàn truyền giáo do Mahinda dẫn đầu ở Tích Lan là đã biến đất nước này thành căn cứ địa vững chắc của Phật giáo Thượng tọa bộ, nơi lưu giữ khá chân xác các truyền thống và kinh văn của đạo Phật nguyên thủy cho đến ngày nay. Ngoài ra, theo W.Rahula thì bước chân truyền giáo của Mahinda không chỉ mang đến cho Tích Lan một tôn giáo mới mà còn cả một nền văn minh rực rỡ đang ở đỉnh cao của nó. Mahinda đã giới thiệu nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ vào Tích Lan cùng với các mô hình chùa tháp Phật giáo. Ông cũng được xem là cha đẻ của nền văn học Tích Lan.[192] Trong bản sớ giải kinh Trung bộ (Papañcasùdanì) của mình, Buddhaghosa nói rằng Mahinda đã mang sang Tích Lan các sớ giải tam tạng kinh, luật,luận Phật giáo và chuyển dịch ra tiếng Tích Lan vì lợi ích của dân chúng đảo quốc này.
Từ các tài liệu Trung Hoa chúng ta biết rằng Asoka đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Phật giáo vào Kashmir. Trong ký sự viết về Asoka, Huyền Trang nói rằng Asoka đã gởi các tu sĩ Phật giáo đến Kashmir nhằm mục đích phổ biến đạo Phật ở đây. Cũng theo Huyền Trang, Asoka đã cho xây dựng nhiều chùa tháp ở Kashmir và hiến tặng toàn bộ xứ sở này cho giáo hội.[193] Các tài liệu Bắc truyền xem Asoka là ủng hộ viên đắc lực của phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda) có trung tâm sinh hoạt ở Kashmir. Theo sử gia Tây Tạng Tàranàtha, Asoka hộ trì cho các tu sĩ Nhất thiết hữu bộ ở Aparàntaka, Kashmir và Tukhara.[194]
Nguồn tài liệu bia ký và trụ đá Asoka không nhắc đến hoạt động của các đoàn truyền giáo nhưng nói rõ việc Asoka đã gởi nhiều sứ giả đi khắp nơi trong nước và sang nước ngoài nhằm phổ biến đường lối đức trị (Dharma-vijava) của ông . Bia ký XIII ghi chỉ dụ nhấn mạnh nguyên lý đức trị hay sự chinh phục đạo đức (Dharma-vijaya) mà Asoka muốn giới thiệu và mở rộng cho quần chúng không chỉ ở trong nước mà còn ở các quốc gia và dân tộc khác như Yona, Kamboja, Nabhaka, Pitimika, Andhra,Palida, quốc gia Antiocho phía tân bắc do người Hy Lạp cai quản và một số quốc gia Hy Lạp khác kế cận Antiocho, cùng các quốc gia Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmpraparnì ở phương nam. Bia ký này còn nói thêm rằng những noi nào các sứ giả không đến được thì quần chúng ở những nơi ấy sau khi nghe chỉ dụ của hoàng đế Devànampiya Priyadaśì hãy theo đuổi và thực hành Chánh pháp (Dharma). D.R.Bhandarkar cho rằng bia ký XIII nói rõ các hoạt động truyền giáo mà Asoka đã tiến hành không chỉ ở khắp nơi trong vương quốc của ông và Tích Lan mà còn ở nhiều nơi khác của Syria, Ai Cập, Macedonia, Epirus và Cyrene. Bhandarkar cũng xem Trung Quốc và Miến Điện là các quốc gia ít nhiều chịu ảnh hưởng đường lối đức trị của Asoka bởi câu nói “ những nơi các sứ giả không đến được” ghi trong bia ký XIII.[195]


tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương