* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Người Hoa Kỳ mưu tìm một môi sinh trong sạch hơn



tải về 1.69 Mb.
trang25/25
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.69 Mb.
#12266
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25

- Người Hoa Kỳ mưu tìm một môi sinh trong sạch hơn.

Trong khi các phi hành gia Hoa Kỳ thám hiểm không gian thì trong đầu thập niên 1970, các nhà khoa học khác lo ngại về vấn đề ô nhiễm quá nhiều ở trên trái đất. Vào khoảng năm 1970, hầu hết ¾ dân chúng Hoa Kỳ sống trong các thành phố và ở các vùng ngoại ô phụ cận. Những nơi đông đúc dân cư như vậy đã tạo nên nhiều vấn đề mới. Các lò đốt rác, các nhà máy kỹ nghệ, các nhà máy điện, xe hơi, xe chở hàng, xe buýt, tất cả hàng ngày đã nhả ra bầu khí quyển không biết bao nhiêu là khói có hại cho sức khỏe của loài người. Các nhà máy kỹ nghệ và các thành phố hàng ngày dồn rác bẩn, rác độc hại ra các hồ, sông, biển. Ngoài thành phố, các khu vực khai thác hầm mỏ làm tiêu hủy hàng ngàn mẫu đất. Các tàu chở dầu và các giếng dầu ở ngoài khơi làm ô nhiễm nước biển và các vùng bờ biển. Việc sử dụng hóa phẩm diệt sâu bọ trong ngành canh nông rất có hại cho đời sống loài vật và tôm cá.

Khi mà các vấn đề này càng trở nên tồi tệ hơn thì chính quyền trung ương và các chính quyền tiểu bang cũng như chính quyền địa phương phải cho thông qua nhiều luật lệ chống ô nhiễm. Các nhà máy kỹ nghệ cũng hành động để kiểm soát khói và các đồ phế thải cũng như rác rưới. Các thành phố cũng cho thiết lập các hệ thống cống rãnh tốt đẹp hơn. Các nhà máy sản xuất xe hơi cho chế tạo phương cách để kiểm soát các loại xe hơi, xe chở hàng, xe buýt. Và việc sử dụng những hóa phẩm như DDT trong ngành nông nghiệp bị cấm hẳn.

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm là một vấn đề của toàn thể thế giới. Một mình Hoa Kỳ không thể nào giải quyết được. Liên Hiệp Quốc đã tổ chức các hội nghị để tiến đến một sự cộng tác quốc tế hầu mong giải quyết các vấn đề ô nhiễm, và phát triển một tiêu chuẩn chung cho cả thế giới để bảo vệ môi sinh của nhân loại.



- Lạm phát trở thành một vấn đề trầm trọng.

Những tháng đầu của năm 1974, người Hoa Kỳ càng ngày càng lo ngại về vấn đề lạm phát. Vì rằng nhu cầu hàng hóa ở trong nước cũng như ở ngoại quốc càng ngày càng gia tăng mạnh nên vật giá bán sĩ đã tăng lên đến 18% vào năm 1973, một tỷ lệ gia tăng cao nhất từ năm 1946 cho đến bây giờ. Thế có nghĩa là giá cả về thực phẩm, quần áo, nhà cửa, và hầu hết các sản phẩm khác do người Hoa Kỳ tiêu thụ đều tăng vọt hẳn lên. Vì đồng lương hàng tháng không lên nhanh như giá cả của hàng hóa cho nên người tiêu thụ thấy rằng cùng một số tiền, người ta sẽ mua được ít hàng hóa hơn so với mấy năm về trước. Những người bị thua thiệt nhiều nhất trong việc giá cả tăng vọt này là những người nghèo và những người già, đa số bằng số tiền lợi tức thấp kém, bằng đồng lương hưu bổng cố định hay bằng tiền trợ cấp xã hội.

Chương trình kiểm soát giá cả và lương bổng của Tổng thống Nixon đã không chặn đứng được nạn lạm phát, và hình như các nghiệp đoàn lao động và các tổ chức công nhân khác vẫn còn đòi tăng lương để theo kịp với đà giá cả lên cao.

- Tổng thống Nixon thăm viếng Trung Hoa.

Ngay trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Tổng thống Nixon đã lo cải thiện quan hệ ngoại giao với các cường quốc trong thế giới cộng sản. Vị cố vấn ngoại giao của ông là ông Henry Kissinger, đã bí mật đi thăm nước Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1971 và đã mật đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai. Ngày 15 tháng 7 năm 1971, Tổng thống Nixon loan tin rằng ông sẽ thu xếp chuyến đi nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Hoa lục địa. Cả hai quốc gia cùng muốn cải thiện liên lạc ngoại giao với nhau. Từ khi Cộng sản nắm chính quyền ở quốc gia vĩ đại này vào năm 1949, Hoa Kỳ đã không chính thức tiếp xúc với Trung Hoa lục địa.

Ngay cả trước khi Tổng thống thu xếp xong chuyến đi của ông thì việc liên lạc ngoại giao giữa hai quốc gia cũng đã bớt căng thẳng rồi. Tháng 10 năm đó, khi đại hội đồng Liên hiệp quốc nhóm họp tại thành phố New York, các quốc gia hội viên đã bỏ phiếu chấp thuận 76 chống 35 để thâu nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Liên hiệp quốc. Hơn nữa, Đại hội đồng cũng bỏ phiếu tán đồng trao cho Trung Hoa lục địa giữ ghế hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Với hành động này, Liên hiệp quốc đã truất ghế hội viên của chính phủ Trung Hoa Quốc gia của ông Tưởng Giới Thạch và đẩy chính quyền này ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Khi Cộng sản cướp chính quyền ở lục địa Trung Hoa thì ông Tưởng Giới Thạch cùng chính phủ của ông chạy ra ẩn náu tại Đài Loan.

Tổng thống Nixon và phu nhân tới Trung Hoa vào ngày 21 tháng 2 năm 1972 và được Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp đón long trọng. Chiều hôm đó Tổng thống hội đàm với Mao Trạch Đông, Chủ tịch Cộng Đảng Trung Hoa.

Sau đó, Tổng thống còn gặp Thủ tướng Chu Ân Lai nói chuyện nhiều lần nữa. Trong bản tuyên ngôn chung công bố tại Thượng Hải, cả hai nhà lãnh đạo cùng tuyên bố rằng kết quả các cuộc hội đàm cho thấy rằng phải tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, và cần phải rút bộ đội Hoa Kỳ ra khỏi Đài Loan. Hoa Kỳ nhìn nhận rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Hoa và hy vọng sẽ có giải pháp hòa bình về vấn đề Đài Loan do chính người Trung Hoa quyết định. Lời tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ đưa đến việc Hoa Thịnh Đốn chấm dứt lập trường vốn từ lâu ủng hộ ông Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo Trung Hoa quốc gia.

- Chuyến viếng thăm của Tổng thống ở Liên Xô làm dịu bớt sự căng thẳng của thế giới.

Chuyến đi Liên Xô của Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1972 đứa đến một thỏa hiệp về nhu cầu cần phải giới hạn vũ khí nguyên tử. Sau này, Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn thỏa hiệp giới hạn hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn của hai quốc gia. Sau đó, lại có một thỏa hiệp khác nữa nhằm giảm bớt số hỏa tiễn trên bộ và dưới biển ở mức độ hiện tại, và hai siêu cường bắt đầu nói chuyện gần như thường trực với nhau để tiến tới việc giới hạn vũ trang. Cuộc họp này nhóm họp tại thành phố Geneva thuộc Thụy Sĩ, và được gọi là các cuộc hội đàm giới hạn vũ khí chiến lược.



- Tổng thống Nixon tái đắc cử vào năm 1972.

Tổng thống Richard M. Nixon tái đắc cử Tổng thống vào năm 1972 với đại đa số phiếu. Như chúng ta đã biết, chuyến viếng thăm Trung Hoa của ông vào tháng 2 năm đó đã chấm dứt thời kỳ thù địch kéo dài trong 25 năm. Thêm nữa, chuyến viếng thăm Mạc Tư Khoa của ông đã đưa đến kết quả là đạt được thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ và Liên Xô về việc giới hạn vũ khí chiến lược. Sau hết là cuối tháng 10 năm đó, Hoa Kỳ và Bắc Việt gần như đạt được thỏa hiệp về một giải pháp cho Đông Dương. Những công trình này đã bảo đảm cho Tổng thống được tái đắc cử với đại đa số phiếu của cử tri và của đại diện cử tri. Giống như kỳ bầu cử vào năm 1968, kỳ này lại cũng ông Spiro Agnew được cùng đứng chung liên danh tranh cử với Tổng thống.

Ứng cử viên của Đảng Dân Chủ là thượng nghị sĩ George S. McGovern thuộc tiểu bang South Dakota, một người nhiệt thành tự do. Ông hứa rằng nấu được đắc cử thì chỉ trong vòng 90 ngày sau khi nhậm chức ông sẽ cho rút hết quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Đông Nam Á, và sẽ tìm cách cho tù binh Hoa Kỳ được phóng thích hết. Người đứng chung liên danh tranh cử với ông là ông Sargent Shriver.

Thống đốc George C. Wallace của tiểu bang Alabama, người đã được gần 10 triệu cử tri ủng hộ trong kỳ bầu cử vào năm 1968, lại tìm cách ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên của Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, cuộc vận động của ông bị rút ngắn đi vì ông bị bắn trọng thương khi ông lên diễn đàn nói chuyện với cử tri của tiểu bang Maryland tại một trung tâm mua bán. Lại còn một ứng cử viên bất thành của Đảng Dân Chủ nữa là bà Shirley A. Chisholm, thuộc tiểu bang New York, một vị phụ nữ dân biểu da đen độc nhất tại Quốc hội.

Như đã nói trên, kỳ bầu cử vào tháng 11 năm 1972, Tổng thống Nixon chiếm được đại đa số phiếu, bỏ xa địch thủ của ông. Số phiếu cử tri dồn cho ông Nixon là 47.168.963, trong khi ấy, số phiếu dồn cho ông McGovern chỉ có 29.169.615. Ông Nixon chiếm được 520 phiếu đại biểu cử tri của 49 tiểu bang, và ông McGovern chỉ chiếm được có 17 phiếu đại biểu cử tri. Đó là số phiếu đại biểu cử tri của tiểu bang Massachusetts và quận Columbia, Thủ đô Washington.

- Tình hình Trung Đông trở nên sôi động.

Tháng 10 năm 1973, nền hòa bình bất ổn giữ Do Thái và các lân quốc Á Rập bị phá vỡ một lần nữa. Lần này, Ai Cập và Syria mở cuộc tấn công bất ngờ vào Do Thái. Lúc đầu quân đội Do Thái bị đẩy lùi. Nhưng ít ngày sau quân đội Do Thái lại phản công cả hai mặt trận; và chỉ trong vòng ít ngày sau, quân Syria bị đẩy lui trở lại chỉ còn cách thủ đô Damascus chừng vài dặm. Và ở mặt trận phía Tây, quân Do Thái tiến sang bên kia kinh Suez.

Liên xô và Hoa Kỳ luôn theo dõi tình hình Trung Đông. Liên xô luôn luôn ủng hộ các quốc gia Á Rập, và Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Do Thái từ khi quốc gia này được thành lập vào năm 1948. Trong trận chiến tháng 10 này, Liên xô cho không vận quân nhu, chiến cụ đến các quốc gia Á Rập. Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng gửi các đồ tiếp liệu cho Do Thái để thay thế các đồ tiếp liệu đã bị tổn thất vào lúc đầu. Đây là trường hợp mà cả hai bên siêu cường rất có thể trực tiếp đụng độ với nhau, và như vậy càng làm cho tình hình càng trở nên nguy hiểm. Nhưng cũng như nhiều lần trước, một cuộc ngưng bắn do Liên Hiệp Quốc giám sát được tiến hành đã chận đứng được cuộc chiến này.

Bấy giờ ông Henry Kissinger, Tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, giữ vai trò tích cực trong việc dàn xếp ngưng bắn này. Ông cố gắng kiến tạo một nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Một cuộc hội đàm quân sự nhóm họp vào năm 1974 tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham dự của các quốc gia Á Rập, Liên xô, Do Thái, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Cho đến bấy giờ mới đem được các quốc gia Á Rập đến ngồi cùng bàn nói chuyện với Do Thái. Cho nên đây là một lý do hy vọng rằng hòa bình sẽ được thiết lập ở Trung Đông.



- Đất nước lâm vào tình trạng khan hiếm năng lượng.

Từ nhiều năm nay, nhu cầu nhiên liệu dầu hỏa ở Hoa Kỳ đã tăng lên quá nhiều. Mỗi năm lại có thêm nhiều xe hơi chạy. Vì dầu hỏa ít gây thiệt hại cho môi sinh, cho nên người ta đã đổi hệ thống điện lực và sưởi ấm từ sử dụng than đá sang sử dụng nhiên liệu dầu hỏa. Cũng vì quan tâm đến môi sinh cho nên việc thiết lập đường dẫn dầu qua Alaska bị trì trệ. Công trường khai thác dầu hỏa ở Alaska với ống dẫn dầu này có thể cung ứng được từ 7% đến 13% nhu cầu dầu hỏa của đất nước.

Vì nhu cầu cần rất nhiều dầu hỏa cho nên ngay cả trước năm 1973 đất nước cũng đã bị lâm vào cảnh khan hiếm thiếu hụt dầu hỏa. Nhưng vào năm này là năm có chiến tranh giữa người Do Thái và các quốc gia Á Rập đã làm cho tình trạng này càng tệ hơn. Khi bùng nổ chiến tranh vào tháng 10, các quốc gia Á Rập cắt đứt mọi tiếp tế dầu hỏa cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác với hy vọng làm như vậy để khuyến dụ các quốc gia này sẽ không ủng hộ Do Thái nữa. Đầu năm 1974, vì muốn tỏ lòng cám ơn đối với Hoa Kỳ có công trợ giúp trong việc chấm dứt chiến tranh, các quốc gia Á Rập cho bãi bỏ lệnh phong tỏa việc bán dầu này. Nhưng trong khi đó thì nhân dân Hoa Kỳ nhận thức được rằng sự nguy hiểm của việc tùy thuộc vào các quốc gia khác dù chỉ là một số nhỏ sản phẩm quan trọng như dầu hỏa.

- Chính quyền và các nhà kỹ nghệ phải cộng tác với nhau để giải quyết vấn đề năng lượng.

Một vấn đề lớn lao về nhiên liệu như than đá, dầu hỏa và hơi đốt là một vấn đề đã có từ bao nhiêu thời đại rồi, nhưng rồi sớm muộn gì thì những nhiên liệu này sẽ cạn hết. Một vấn đề khác nữa là việc đốt một số nhiều bất kỳ một thứ nhiên liệu nào trong các thứ trên đây thì cũng sẽ gây ra hậu quả rất tai hại cho môi sinh. Cũng may là còn có thể có một nguồn năng lượng không cần phải sử dụng nhiên liệu và cũng sẽ không tác hại cho môi sinh chút nào. Một trong những nguồn năng lượng này là phản xạ nguyên tử của loại "breeder" (lò phản xạ tái sinh) nó có thể chế tạo ra nhiên liệu để chạy máy. Một nguồn năng lượng khác là hơi nóng của địa cầu ăn sâu trong lòng đất (những suối nước nóng và mạch nước phun là những thí dụ cho nguồn năng lượng này). Nguồn năng lượng thứ ba nữa là sức nóng của mặt trời tỏa xuống mặt đất.

Chính quyền và các nhà kỹ nghệ phải cộng tác với nhau để khai thác các nguồn năng lượng này, và sẽ có thể dùng lâu dài cho tới khi tìm được nguồn năng lượng khác thay thế. Hơn nữa, còn có thể tìm được loại năng lượng dùng tạm bằng cách biến chế bần rác và các đồ dư thừa phế thải mà chúng ta vất bỏ đi.

- Ông Spiro T. Agnew từ chức Phó Tổng thống.

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Nixon gặp nhiều vụ xấu xa về chính trị. Ông Spiro Agnew đã giữ chức vụ Phó Tổng thống từ năm 1969. Nhưng năm 1973, thẩm phán đoàn Hoa Kỳ đã gom được nhiều chứng cớ hiển nhiên rằng ông đã nhận tiền bất hợp pháp của các nhà trúng thầu xây cất ở tiểu bang Maryland. Sau một vài tháng phủ nhận các lời buộc tội trên đây, ông Agnew thú nhận đã khai man thuế lợi tức và xin từ chức Phó Tổng Thống. Theo như tu chính án thứ 25 quy định, Tổng thống Nixon đề cử dân biểu Gerald Ford thuộc tiểu bang Michigan lên thay thế giữ chức vụ Phó Tổng thống. Ông Ford được Quốc hội xác nhận và nhậm chức vào ngày 06 tháng 12 năm 1973.



- Những vụ xấu xa về chính trị quanh kỳ bầu cử năm 1972.

Vụ ô nhục xấu xa nhất về chính trị trong lịch sử Hoa Kỳ là vụ "Watergate". Trong kỳ vận động tranh cử Tổng thống năm 1972, có 5 người bị bắt khi họ xâm nhập vào tổng hành dinh của Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ đặt ở trong tòa nhà Watergate tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Những người này mang đồ trang bị điện tử đặt ngầm vào trong tòa nhà này, và họ lại là những người do vị Giám đốc Ủy ban An ninh của Tổng thống tái đắc cử hướng dẫn.

Qua những vụ theo dõi sau đó, và suốt trong các cuộc điều tra của Quốc hội cũng như của Thẩm phán đoàn và của Công Tố Viên Đặc Biệt chỉ định để theo dõi cuộc bầu cử này cho biết có nhiều hành động phạm tội. Rõ ràng từ các cộng sự viên thân cận và các vị cố vấn của chính Tổng thống đã hoạch định và bao che cho vụ xâm phạm tòa nhà Watergate này. Chứng cớ cho thấy rõ ràng là để dấu diếm những tội lỗi, cho nên những người này đã phạm tội thề gian trước viên chức của Bộ Tư pháp, và ngăn chặn tòa án bằng cách can thiệp vào việc điều tra tội trạng. Ngoài ra còn có những tội khác nữa là đặt máy thâu băng bất hợp pháp, tiêu hủy chứng cớ và tìm cách nhận những món quà trong kỳ vận động tranh cử một cách bất hợp pháp. Tất cả đều được đưa ra ánh sáng. Mùa hè năm 1974, có hơn 30 người, trong đó có cả 4 vị nhân viên trong nội các bị tố cáo tội nặng, và chừng 15 người đã thú nhận tội lỗi hay bị kết án. Nhưng còn nhiều điều tệ hại hơn nữa.

- Ông Richard Nixon là vị Tổng thống đầu tiên xin từ chức.

Khi lật mở các hồ sơ về hành động tội lỗi này, Tổng thống Nixon và những người ủng hộ thân cận nhất của ông đều cho rằng ông không có liên hệ với bất kỳ một hành động bất hợp pháp nào trên đây. Nhiều người khác thành thật không tin rằng đó là sự thực. Theo hệ thống tổ chức chính quyền của Hoa Kỳ thì mỗi khi có một vị Tổng thống bị tố cáo vì một hành động sai quấy trầm trọng thì Quốc hội có thể đem Tổng thống ra xét xử (chương I điều 2 và điều 3, và chương II điều 4 của Hiến pháp). Năm 1866, Tổng thống Andrew Johnson cũng bị Hạ viện tố cáo và Thượng viện xét xử, nhưng khi Thượng viện xét xử thì lại không có đủ số phiếu để kết tội ông (chỉ thiếu có 1 phiếu).

Suốt trong những tháng mùa xuân và đầu mùa hè năm 1974, Ủy ban Tư pháp tại Hạ viện đã chọn lọc những chứng cớ chống lại Tổng thống Nixon. Cuối tháng 7 Ủy ban đề nghị với Hạ viện rằng ông Nixon phải bị tố cáo vì ba tội : Trước hết, ông đã cộng tác với những người khác để ngăn chặn việc điều tra vụ xâm nhập vào tòa nhà Watergate. Thứ hai là ông đã lạm dụng chức vụ cao cấp để can thiệp vào quyền công dân của những người khác do Hiến pháp quy định. Ông đã lạm dụng quyền này đối với sở thuế nội dụ, cơ quan FBI và cơ quan mật vụ. Thứ ba nữa là ông đã thách đố lệnh của Quốc hội không chịu trao giấy tờ và các hồ sơ cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Trong số 38 người gồm cả nam lẫn nữ ở trong Ủy ban thì có đến 28 người bỏ phiếu chống Tổng thống nếu không về tội này thì cũng về tội khác trong 3 tội kể trên. Trong số những người trong ủy ban này, có tới 6 người ở trong đảng của Tổng thống.

Phần lớn các cuộc bàn cãi trong ủy ban là bàn về những cuốn băng của Tổng thống. Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng thống đã bí mật ghi các cuộc đàm thoại ở văn phòng ông và các cuộc diễn đàn khác. Ông đã phải làm như vậy để lưu hồ sơ lịch sử trong thời gian tại chức của ông. Nhưng khi đã biết có những hồ sơ thâu băng này, Công Tố Viện Đặc biệt và Quốc hội muốn biết về các cuộc thảo luận quan trọng. Lần thứ nhất, Tổng thống cho rằng không ai có quyền được lấy các cuốn băng này ra. Nhưng sau đó, Tổng thống phải nhượng bộ trước áp lực của quần chúng và trao một số cuộn băng này cho Tòa án và Quốc hội. Ông vẫn còn giữ lại nhiều cuốn băng khác.

Đa số trong Ủy ban Tư pháp Hạ Viện đều cho rằng các cuộn băng này cùng với những chứng cớ khác cho thấy rằng Tổng thống có tội. Những người ủng hộ ông trong Ủy ban cũng như ở ngoài Ủy ban đều mạnh mẽ cho rằng vẫn chưa đủ yếu tố quyết định để buộc tội ông. Liệu rằng 2/3 Thượng viện có đồng ý với những người nghĩ rằng Tổng thống có tội và sẽ biểu quyết để bãi chức ông hay không ? Đây là một vấn đề công khai.

Nhưng Tối cao Pháp viện quyết định bằng một đa số tuyệt đối 8 chống 0, rằng Tổng thống phải trao các cuốn băng mà ông còn giữ lại. Một trong những cuốn băng này cho biết là ngược hẳn với những lời ông đã nói đi nói lại nhiều lần trước đây, rằng chính ông đã biết vụ đặt băng lén vào tòa nhà Watergate trước đó mấy ngày. Hơn nữa, cuốn băng đó cũng cho biết rõ rằng ông đã âm mưu với những người khác để ngăn chặn cuộc điều tra tội trạng của cơ quan FBI.

Bây giờ, việc tố cáo và kết án để bãi chức ông là điều chắc chắn cho nên ông quyết định từ chức vào ngày 09/8/1974.

- Ông Gerald Ford trở thành vị Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ.

Cùng ngày hôm đó, ông Gerald Ford, người mới mấy tháng trước đây theo tu chính án thứ 25 được đề cử lên giữ chức vụ Phó Tổng thống, giờ lại là người đầu tiên được giữ chức vụ Tổng thống mà không qua bầu cử. Biết rõ điều này hơn ai hết, ông nói :

"Tôi đã không mưu tìm nắm giữ chức vụ quan trọng này, nhưng tôi sẽ không tránh né bổn phận. Những người đã đề cử và xác nhận cho tôi giữ chức vụ Phó Tổng thống vốn là bạn hữu của tôi và vẫn còn là bạn hữu của tôi. Họ là những người của cả hai chính đảng đã được nhân dân tuyển chọn và đã hành động theo Hiến pháp qua cá nhân họ.

Tôi tin rằng sự thật là keo sơn liên kết gắn bó các cơ quan chính quyền lại với nhau, không phải chỉ có chính quyền của chúng ta không thôi mà chính là nền văn minh của chúng ta nữa. Tình trạng dù có căng thẳng nhưng sẽ không tan vỡ ở quốc nội cũng như quốc ngoại.

Ngay khi chúng ta hàn gắn vết thương nội bộ Watergate đau đớn hơn và độc hại hơn những vết thương do chiến tranh ở nước ngoài gây nên, chúng ta hãy phục hồi chính quyền vàng son trong đời sống chính trị của chúng ta, và hãy để cho tình yêu huynh đệ xóa bỏ hận thù và ngờ vực ..."

- Ông Nelson A. Rockefeller trở thành Phó Tổng thống.

Ngày 20 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Ford đề cử ông Nelson Rockefeller thuộc đảng Cộng Hỏa và là cựu Thống đốc tiểu bang New York lên làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Như vậy là trong vòng 8 tháng, tu chính án thứ 25 đã được sử dụng hai lần để áp dụng việc bổ nhậm chức vụ Phó Tổng thống.



* HOA KỲ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TƯƠNG LAI

Hoa Kỳ có thể đương đầu với tương lai như thế nào ?

Điều quan trọng là Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào tự do cá nhân. Chiều hướng lịch sử từ trước đến giờ đã thuận lợi cho việc có thêm tự do cho thêm nhiều người, miễn rằng người ta tin tưởng vào việc duy trì giá trị của họ. Trước đây không lâu lắm, nhân dân của hầu hết các quốc gia Âu châu đều là con dân thần phục các vị vua chúa đầy những quyền hành vô giới hạn. Ấy thế mà ngày nay chỉ có một vài nước có vua với một chút ít quyền hành bị giới hạn chặt chẽ. Các nhà độc tài cũng không còn nữa. Hitler, khi còn nắm giữ tột đỉnh của quyền hành đã tuyên bố rằng đảng Đức quốc xã của ông ta sẽ trường tồn hàng ngàn năm. Nhưng chỉ trong vòng 12 năm, vào khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Đức quốc xã bị đánh bại và nhà lãnh đạo của chế độ này cũng chết theo với chế độ.

Chúng ta nhìn nhận rằng chính quyền Hoa Kỳ không toàn thiện hoàn hảo, lối sống của người Hoa Kỳ cũng chưa đạt được đúng mức của nó. Nhưng những tình trạng này có thể cải thiện được nếu mọi cá nhân đều tích cực góp phần để xây dựng đất nước. Trước đây, khi Hội nghị Lập Hiến hoàn thành xong bản Hiến pháp, có người hỏi ông Benjamin Franklin rằng "Các ông đã cho chúng tôi được những gì?" nhà hiền triết già cả này đáp rằng "Một nước Cộng hòa, nếu các bạn có thể giữ vững được". Franklin biết rằng nếu chính quyền tự trị và tự do được trường tồn thì nhân dân phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Sự thực này cũng phải được áp dụng ở trong xã hội mà chúng ta đang sống ngày nay giống như vào thời Hoa Kỳ vừa mới lập quốc.


– HẾT –

CÁC VỊ TỔNG THỐNG VÀ PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ



Tổng thống

Nhậm chức

Đảng

Phó Tổng thống

George Washington

1789

Không đảng phái

John Adams

George Washington

1793

Không đảng phái

John Adams

John Adams

1797

Liên bang

Thomas Jefferson

Thomas Jefferson

1801

Dân chủ Cộng hòa

Aaron Burr

Thomas Jefferson

1805

Dân chủ Cộng hòa

George Clinton

James Madison

1809

Dân chủ Cộng hòa

George Clinton

James Madison

1813

Dân chủ Cộng hòa

Elbridge Gerry

James Monroe

1817

Dân chủ Cộng hòa

Daniel D. Tompkins

James Monroe

1821

Dân chủ Cộng hòa

Tompkins

John Qu incy Adams

1825

Cộng hòa Quốc gia

John C. Calhoun

Andrew Jackson

1829

Dân chủ

John C. Calhoun

Andrew Jackson

1833

Dân chủ

Martin Van Buren

Martin Van Buren

1837

Dân chủ

Richard M. Johnson

William H. Harrison

1841

Tự do

John Tyler

John Tyler

1841

Tự do




James K. Polk

1845

Dân chủ

George M. Dallas

Zachary Taylor

1849

Tự do

Millard Fillmore

Millard Fillmore

1850

Tự do




Franklin Pierce

1853

Dân chủ

William R. King

James Buchanan

1857

Dân chủ

John C. Breckinridge

Abraham Lincoln

1861

Cộng hòa

Hannibal Hamlin

Abraham Lincoln

1865

Cộng hòa

Andrew Johnson

Andrew Johnson

1865

Cộng hòa




Ulysses S. Grant

1869

Cộng hòa

Schuyler Colfax

Ulysses S. Grant

1873

Cộng hòa

Henry Wilson

Rutherford B. Hayes

1877

Cộng hòa

William A. Wheeler

James A. Garfield

1881

Cộng hòa

Chester A. Arthur

Chester A. Arthur

1881

Cộng hòa




Grover Cleveland

1885

Dân chủ

Thomas A. Hendricks

Benjamin Harrison

1889

Cộng hòa

Levi P. Morton

Grover Cleveland

1893

Dân chủ

Adlai E. Stevenson

William Mc Kimley

1897

Cộng hòa

Garret A. Hobart

William Mc Kimley

1901

Cộng hòa

Theodore Roosevelt

Theodore Roosevelt

1901

Cộng hòa




Theodore Roosevelt

1905

Cộng hòa

Charles W. Fairbanks

William H. Taft

1909

Cộng hòa

James S. Sherman

Woodrow Wilson

1913

Dân chủ

Thomas R. Marshall

Woodrow Wilson

1917

Dân chu

Thomas R. Marshall

Warren G. Harding

1921

Cộng hòa

Calvin Coolidge

Calvin Coolidge

1923

Cộng hòa




Calvin Coolidge

1925

Cộng hòa

Charles G. Dawes

Herbert Meover

1929

Cộng hòa

Charles Curtis

Franklin D. Roosevelt

1933

Dân chủ

John N. Garner

Franklin D. Roosevelt

1937

Dân chủ

John N. Garner

Franklin D. Roosevelt

1941

Dân chủ

Henry A. Wallace

Franklin D. Roosevelt

1945

Dân chủ

Harry Truman

Harry S. Truman

1945

Dân chủ




Harry S. Truman

1949

Dân chủ

Alben W. Barkley

Dwight D. Eisenhower

1953

Cộng hòa

Richard M. Nixon

Dwight D. Eisenhower

1957

Cộng hòa

Richard M. Nixon

John F. Kennedy

1961

Dân chủ

Lyndon B. Johnson

Lyndon B. Johnson

1963

Dân chủ




Lyndon B. Johnson

1965

Dân chủ

Hubert H. Hmmphrey

Richard M.Nixon

1969

Cộng hòa

Spiro T. Agnew

Richard M.Nixon

1973

Cộng hòa

Spiro T. Agnew










Gerad R. Ford

Geral M. Ford

1974

Cộng hòa

Nelson A. Rockefells



































































































1 Năm 1936, Tối cao pháp viện tuyên bố luật The Agricultural Adjustment Act là bất hợp hiến. Hai năm sau, đạo luật Agricultural Adjustment Act thứ hai trở thành luật. Luật này giống như luật trước nhưng được soạn thảo để tránh những phản đối của Tối cao Pháp viện.

2 Tuy nhiên người trẻ nhất đắc cử Tổng thống vào năm 1960 là ông John F. Kennedy lúc đó mới 43 tuổi.


3 Năm 1955, hai chính phủ lại ký một thỏa hiệp mới, theo đó thì tiền thuê hàng năm của giải đất này tăng lên đến 1.930.000 Mỹ kim





tải về 1.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương