* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown



tải về 1.69 Mb.
trang22/25
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.69 Mb.
#12266
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25

CHƯƠNG XXXII

NGƯỜI HOA KỲ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG THỬ THÁCH

CỦA THỜI ĐẠI TÂN KỲ
Dân chúng của mỗi giai đoạn trong lịch sử có lẽ đã cho rằng thời đại của họ là bất thường. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ chúng ta, tất cả đều đã tin rằng thời đại của họ có một cái gì đặc biệt. Thời đại của chúng ta cũng không phải là một ngoại lệ. Chúng ta cũng cho rằng thời đại của chúng ta là bất thường. Nhưng có lẽ vào hậu bán thế kỷ XX này, chúng ta có những lý do đúng hơn là các thế hệ trước kia. Trong vòng 20 năm đã hai lần thế giới chìm ngập vào lò lửa chiến tranh vô cùng kinh khủng. Con số các quốc gia ở trên thế giới đã tăng lên nhiều khi mà các dân tộc châu Á và châu Phi đã giành được độc lập. Những tiến bộ về khoa học, về y khoa và về các phạm vi khác đã đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của loài người. Lấy khoa học làm thí dụ, khoa học đã giúp cho việc phát triển nguyên tử năng và việc thám hiểm ngoại tầng không gian. Trong tất cả những thay đổi lớn lao vào những năm gần đây thì nhân dân Hoa Kỳ đã chiếm phần đầu trong những tiến bộ này.

Với chiều hướng thay đổi lớn lao này, chỉ có thể tiến đến một thế giới mới tốt đẹp hơn, nếu các quốc gia trên thế giới đều biết tuân theo luật lệ và duy trì trật tự và hòa bình. Chương này chúng ta sẽ bàn tại sao nền hòa bình mà mọi người hy vọng vào lúc Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt lại không tồn tại được lâu dài. Đồng thời, chúng ta cũng đề cập đến những hoạt động nào mà Hoa Kỳ đã thực hiện để duy trì hòa bình và bảo vệ tự do từ thời Đệ Nhị Thế Chiến đến nay. Chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề dưới đây :

1) Các Tổng thống Truman, Eisenhower đã giải quyết các công việc ở Hoa Kỳ như thế nào ?

2) Theo sau Đệ Nhị Thế Chiến, cuộc chiến tranh lạnh đã phát triển như thế nào ?

3) Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson giải quyết những vấn đề nào trong thập niên 1960 ?

4) Các vị Tổng thống gần đây đã phải đương đầu với những thử thách nào?



PHẦN I :

CÁC TỔNG THỐNG TRUMAN VÀ EISENHOWER ĐÃ

GIẢI QUYẾT CÁC CÔNG VIỆC Ở HOA KỲ NHƯ THẾ NÀO
* TỔNG THỐNG TRUMAN PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TÌNH TRẠNG THỜI HẬU CHIẾN

Tổng thống Franklin D. Roosevelt từ trần, Phó tổng thống Harry S. Truman lên giữ chức vụ Tổng thống. Tân Tổng thống là vị Phó Tổng thống thứ 7 lên kế vị giữ chức vụ Tổng thống ở quốc gia này, ông Harry Truman đã từng là đại úy pháo binh trong thời Đệ Nhất Thế Chiến. Sau khi làm thẩm phán ở Missoiri một thời gian, năm 1934, ông đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Và sáu năm sau, ông lại tái đắc cử. Được chỉ định làm Phó Tổng thống vào năm 1944, mới được 3 tháng thì lại được đưa lên lãnh đạo đất nước.



– Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt đặt ra nhiều vấn đề phức tạp

Nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách nhất của Tân Tổng thống là phải chấm dứt trận Đệ Nhị Thế Chiến một cách mau lẹ, và phải theo những điều kiện thỏa đáng. Đức quốc hoàn toàn bị đánh bại trong vòng một tháng (kể từ khi ông lên làm Tổng thống), và người Nhật cũng phải đầu hàng vào tháng 8 năm 1945, sau khi hai trái bom nguyên tử được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Kế đến là chính quyền Truman phải giải quyết những vấn đề đặt ra vào khi nhân dân Hoa Kỳ quay trở lại cuộc sống của thời bình. Trong hai năm 1945 và 1946, Hoa Kỳ có tới hàng triệu binh sĩ được giải ngũ về nhà. Việc kiểm soát giá cả và tiếp tế thực phẩm của thời chiến cũng được bãi bỏ. Các nhà máy kỹ nghệ khi trước chuyên sản xuất các vật liệu chiến tranh, bây giờ phải chuyển sang sản xuất hàng hóa cho nhu cầu của thời bình. Nhưng các nhà máy kỹ nghệ không thể sản xuất hàng hóa đủ cung ứng cho nhu cầu của dân chúng. Trong thời chiến, người Hoa Kỳ đã bị từ chối không được mua nhiều loại hàng hóa, thì bây giờ họ muốn có những loại hàng hóa này ngay lập tức. Nhu cầu đòi hỏi nhiều mà chỉ có ít hàng hóa nên giá cả tăng vọt lên. Các nghiệp đoàn lao động đòi tăng lương để bắt kịp với sinh hoạt mắc mỏ, và họ thường phải đi đến quyết định đình công để buộc giới chủ nhân thỏa mãn yêu cầu của họ. Lạm phát trở nên một vấn đề nghiêm trọng.

- Ông Truman đắc cử trong kỳ bầu cử Tổng thống vào năm 1948

Trong hoàn cảnh như vậy thì năm 1948 lại có cuộc bầu cử Tổng thống, Đảng Dân chủ đề cử ông Truman làm ứng cử viên Tổng thống. Hầu hết các báo chí và cơ quan thăm dò dư luận quần chúng tiên đoán rằng ứng viên của Đảng Cộng Hòa là ông Thomas Dewey, Thống đốc Tiểu bang New York, sẽ thắng cử. Tuy nhiên, Tổng thống Truman đã tranh đấu mãnh liệt trong kỳ vận động tranh cử này. Ông đi nói chuyện với dân chúng ở khắp mọi nơi trong nước. Ông hứa rằng sẽ tăng lương cho anh em công nhân, sẽ ban hành các luật lệ lao động tự do hơn, và sẽ trao quyền bình đẳng cho mọi người dân Hoa Kỳ. Chương trình của ông gồm cả khoản giúp đỡ những người già, kiểm soát giá cả, xây nhà rẻ tiền và chương trình y tế do chính phủ tài trợ. Tổng thống Truman đắc cử trong kỳ bầu cử này. Đây là một sự hết sức ngạc nhiên đối với các nàh chuyên viên về chính trị.

Tổng thống cho rằng việc ông đắc cử là bằng cớ dân chúng ủng hộ đường lối mà ông đã đưa ra. Tin tưởng như vậy, ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận chương trình của ông đã đề ra từ trước. Ông gọi chương trình này là Fair Deal (Chính sách Công bằng Kinh tế). Quốc hội chấp nhận một số biện pháp như việc xây nhà rẻ tiền, ấn định mức lương tối thiểu cho anh em lao động, mở rộng quyền lợi an sinh xã hội. Nhưng Quốc hội lại không thông qua luật bình đẳng, không chịu hủy bỏ luật lao động Taft-Hartley, và cũng không chấp thuận chương trình bảo hiểm sức khỏe như là Tổng thống Truman đã đề nghị.

Dĩ nhiên là cứ 4 năm lại có một kỳ bầu cử Tổng thống, và cứ 2 năm thì lại bầu lại các dân biểu ở Hạ nghị viện, và 1/3 số nghị sĩ ở Thượng viện. Trong quốc hội năm 1948 và 1950, đảng Dân chủ chiếm nhiều ghế hơn đảng Cộng hòa. Tuy thế, nhưng lại có nhiều vấn đề trong đó một số dân biểu và nghị sĩ Dân chủ lại liên kết với phe Cộng hòa. Đây cũng là một trong những lý do mà Quốc hội không chấp thuận toàn bộ chương trình Fair Deal của ông.

* Ông EISENHOWER ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG

- Các ứng cử viên mới xuất hiện

Mùa xuân năm 1952, Tổng thống Truman cho biết ông sẽ không ra tranh cử trong kỳ bầu cử này nữa. Đảng Dân chủ đề cử ông Adlai E. Stevenson, thống đốc tiểu bang Illinois, ra làm ứng cử viên Tổng thống.

Đảng Cộng hòa chọn tướng Dwight D. Eisenhower ra tranh cử Tổng thống. Chào đời ở Texas, và trưởng thành ở Kansas, sau đó ông Eisenhower theo học tại trường võ bị Hoa Kỳ và kể như ông đã trọn đời phục vụ trong quân đội. Năm 1942, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Đồng Minh tại Bắc Phi. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, chính ông chỉ huy quân đội Đồng minh đổ bộ lên lục địa Âu châu vào ngày N, và khi mặt trận Âu châu chấm dứt, cũng chính ông là người tiếp nhận các tướng lãnh Đức đầu hàng. Sau 3 năm giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, ông Eisenhower trở về giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đại Học Columbia. Năm 1951, ông lại trở lại Âu Châu để tổ chức lực lượng phòng thủ Minh ước Bắc Đại Tây Dương. Thái độ thân mật, niềm nở cũng như chiến công quân sự của ông đã lôi cuốn được rất nhiều người. Thượng nghị sĩ Richard M.Nixon được chọn làm ứng cử viên Phó Tổng Thống.

- Kỳ bầu cử Tổng thống vào năm 1952 được rất nhiều người theo dõi

Tướng Eisenhower và Thống đốc Stevenson cũng hết sức cố gắng vận động tranh cử. Dĩ nhiên là tướng Eisenhower được nhiều người biết đến hơn. Cả hai ứng cử viên đều dùng vô tuyến truyền thanh và vô tuyến truyền hình để trình bày quan điểm của mình với cử tri. Ông Eisenhower hô hào rằng "Đã đến lúc phải thay đổi" vì rằng đảng Dân chủ đã cầm quyền tới 20 năm rồi. Đến gần cuối cuộc vận động, Tướng Eisenhower loan báo rằng nếu được đắc cử thì chính ông sẽ đi Triều Tiên để nghiên cứu tình hình tại chỗ.

- Tướng Eisenhower đại thắng :

Tướng Eisenhower đắc cử với số phiếu rất lớn. Cử tri đoàn của 39 tiểu bang đều dồn phiếu cho ông, trong đó có cả các tiểu bang ở miền Nam mà thường thì hay dồn phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ.

Nhờ ảnh hưởng được lòng dân của Tướng Eisenhower cho nên nhiều ứng cử viên Thượng nghị sĩ và Dân biểu của đảng Cộng hòa cũng đắc cử kỳ này. Dù rằng chỉ chiếm được đa số tương đối, nhất là ở Thượng viện, nhưng đảng Cộng hòa cũng nắm được quyền kiểm soát ở cả hai viện trong Quốc hội.

- Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng :

Một trong những hành động đầu tiên của tân chính phủ là mở rộng thêm một bộ trong nội các chính phủ. Danh xưng của Bộ mới này là Bộ Giáo dục Y tế và Xã hội nói lên đúng cái bản chất của Bộ. Vị Tổng trưởng phụ trách Bộ mới này do Tổng thống Eisenhower bổ nhậm là một phụ nữ, bà Oveta Culp Hobby. Đồng thời Quốc hội cũng ban hành một sắc luật thiết lập trường Sĩ quan không quân. Trường này nằm trong các tòa nhà mới lộng lẫy ở trong vùng núi thuộc tiểu bang Colorado.



- Đảng dân chủ kiểm soát Quốc hội

Trong kỳ bầu cử Quốc hội vào năm 1954, đảng Dân chủ chiếm đa số tại cả hai viện. Tuy nhiên, tại Thượng viện, đảng Cộng hòa chỉ kém đảng Dân chủ có một số ít ghế thôi. Đồng thời đảng Dân chủ cũng chiếm được nhiều ghế thống đốc và chiếm được đa số trong các cơ quan lập pháp trong các tiểu bang hơn là trong kỳ bầu cử vào năm 1952.

Trong hai năm kế tiếp đó, Quốc hội cho thông qua nhiều đạo luật có nhiều ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống người Hoa Kỳ. Thí dụ như mức lương tối thiểu được ấn định một Mỹ kim một giờ, và chấp thuận các chương trình mở rộng lực lượng quân sự trù bị. Năm 1956, Quốc hội chấp thuận chương trình mở rộng xa lộ, thiết lập hơn 40 ngàn dặm đường rộng bốn hàng cho xe chạy.

- Tối Cao Pháp Viện quyết định về các trường học

Có lẽ biến cố có hiệu quả sâu rộng nhất trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Eisenhower không phải là hành động của Tổng thống mà cũng không phải là của Quốc hội, mà là của Tối Cao Pháp Viện. Ngày 17 tháng 5 năm 1954, Tối Cao Pháp Viện đồng loạt tuyên bố rằng luật lệ của các tiểu bang cho các trẻ em da đen theo học các trường công lập riêng biệt là bất hợp hiến. Sau đó, Tối Cao Pháp Viện lại ban hành một quyết định là phải để cho các em học sinh da trắng và da đen cùng học chung trong các lớp học. Nhiều tiểu bang tuân hành theo quyết định của Tối Cao Pháp Viện, nhưng cũng có nhiều tiểu bang lại không tuân hành, và cũng có nhiều tiểu bang lại không chịu thi hành quyết định này. Tuy nhiêm, mỗi năm lại có thêm trường học thi hành quyết định của Tối Cao Pháp Viện.



- Tổng thống Eisenhower tái đắc cử

Mặc dầu bị đau nặng trong nhiệm kỳ đầu, nhưng sau đó Tổng thống lại bình phục và ông quyết định ra tranh cử Tổng thống lần thứ hai vào năm 1956. Đảng Cộng Hòa lần này cũng tuyển chọn cả Tổng thống Eisenhower và Phó Tổng thống Nixon làm ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ lại đề cử ông Adiai Stevenson ra làm ứng cử viên.

Kỳ bầu cử này cho thấy rằng Tổng thống Eisenhower vẫn còn chiếm được 457 phiếu đại biểu cử tri, và ông Steven chỉ được có 74 phiếu. Hai năm sau đó, kỳ bầu cử Quốc hội năm 1958, đảng Dân chủ chiếm đại đa số ghế trong Thượng viện và Hạ viện, và kiểm soát cả hai viện này. Như vậy là sáu trong tám năm trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Eisenhower, đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Dù vậy đi nữa, Quốc hội cũng vẫn nghe theo các đề nghị của Tổng thống Eisenhower một cách chặt chẽ khác hẳn với thường lệ. Vì thường thì nếu cả hai viện bị đảng đối lập kiểm soát thì Quốc hội không nghe theo các đề nghị của Tổng thống.

- Quốc hội ban hành các luật lệ về dân quyền.

Khóa họp thường niên vào năm 1957, có một dự luật khiến cho nhiều người phải chú ý nhất là dự luật Dân quyền. Trong một vài tiểu bang ở miền Nam, bằng cách này hay cách khác, người da đen thường bị ngăn chặn không cho tham gia bầu cử. Theo dự luật đề nghị thì người ta có thể đưa ra tòa án, và tòa án sẽ quyết định tất cả mọi người đủ điều kiện đều được phép đi bầu. Sau cùng với ít nhiều thay đổi, các dự luật dân quyền được Quốc hội cho thông qua. Năm 1960, Quốc hội lại cho thông qua một đạo luật về dân quyền khác nữa. Đạo luật 1960 này trao thêm quyền cho chính phủ trung ương để bảo vệ quyền bầu cử của người da đen.

- Khai thông thủy lộ St. Lawrence.

Dưới quyền Tông thống Eisenhower, việc hoàn thành thủy lộ St. Lawrence là một công trình quan trọng. Dự án thủy lộ này là đào sâu sông St. Lawrence ở khúc trên Montreal để cho các tàu biển có thể chạy vào tới Ngũ đại hồ. Một dự án liên hệ với thủy lộ này là cho mở mang các nhà máy điện dọc theo sông St. Lawrence. Ngày 30 tháng 4 năm 1959, một chuyến tàu chở người Hòa Lan chạy tới bỏ neo tại bến tàu ở Chicago. Đây là tàu biển đầu tiên chạy từ Đại Tây Dương vào tới cảng này.



- Alaska và Hawaii trở thành tiểu bang.

Năm 1959, Quốc hội lại thâu nhận thêm 2 tiểu bang mới. Nếu kể từ năm 1912, khi mà hai tiểu bang Arizona và New Mexico được thâu nhận vào Cộng đồng Quốc gia thì đây là lần đầu tiên lại thâu nhận thêm các tiểu bang mới. Alaska có hiến pháp từ năm 1956 và đã nộp đơn xin gia nhập vào Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang. Hai năm sau đó, Quốc hội biểu quyết thâu nhận Alaska. Alaska lập tức thành lập chính quyền tiểu bang và bầu hai Thượng nghị sĩ và một Dân biểu vào Quốc hội. Ngày mùng 3 tháng 1 năm 1959, Tổng thống Eisenhower ký bản tuyên ngôn loan báo việc thâu nhận Alaska.

Tháng 3 năm 1959, Quốc hội chấp nhận việc thâu nhận Hawaii. Khi ký đạo luật thâu nhận tiểu bang này, Tổng thống Eisenhower nói rằng việc thâu nhận Hawaii vào Cộng Đồng Quốc Gia Hoa Kỳ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng sức sống mãnh liệt của nguyên tắc tự do và tự quyết. Dựa trên nguyên tắc này mà Hoa Kỳ đã được thành lập từ 172 năm về trước. Lá Quốc kỳ 50 ngôi sao chính thức được kéo lên vào ngày mùng 4 tháng 7 năm 1960.

- Puerto Rico vẫn là một lãnh địa ở trong Cộng đồng Quốc gia

Sau việc thâu nhận Alaska và Hawaii rồi thì Puerto Rico vẫn còn là một lãnh địa đông dân thuộc Hoa Kỳ. Người dân Puerto Rico đã trở thành công dân Hoa Kỳ từ năm 1917, và họ đã được quyền bầu các vị đại diện vào cơ quan lập pháp của họ. Năm 1952, Puerto Rico trở thành một lãnh địa tự trị dưới quyền bảo hộ của Hoa Kỳ. Là một lãnh địa tự trị, Puerto Rico có một số lợi điểm như là được tự do buôn bán với Hoa Kỳ, và việc nhập cư vào Hoa Kỳ không bị giới hạn. Những năm gần đây, Puerto Rico đã thực hiện được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết nhiều vấn đề nội bộ. Nhiều người Puerto Rico đã nói đến việc xin cho hòn đảo này trở thành một tiểu bang. Một số người khác thì lại muốn cho hòn đảo này được hoàn toàn độc lập tách rời khỏi Hoa Kỳ. Nhưng trong cuộc bầu cử vào tháng 7 năm 1967, đại đa số cử tri Puerto Rico cho biết là muốn ở lại như là một lãnh địa tự trị như hiện hữu.



- Việc cải cách về lao động trở thành một vấn đề quan trọng.

Khi Tổng thống Eisenhower gần mãn nhiệm kỳ, dân chúng rất lấy làm lo ngại vì có nhiều chứng cớ đưa ra trước ủy ban Thượng viện cho thấy rằng một số lãnh tụ của một vài nghiệp đoàn đã lạm dụng quyền hành. Sau một thời gian dài bàn cãi, Quốc hội cho thông qua luật Landrum-Griffin, một đạo luật lao động quan trọng nhất từ khi ban hành đạo luật Taft-Hartley đến nay.

Các vị Tổng thống Truman và Eisenhower đã dành nhiều thì giờ chú tâm vào việc giải quyết các công việc của nền hòa bình thế giới. Bây giờ là lúc chúng ta hãy tìm hiểu một vài vấn đề này.

PHẦN II

SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN, CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH

ĐÃ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO ?
* LIÊN HIỆP QUỐC HOẠT ĐỘNG CHO NỀN HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, có những dấu hiệu cho thấy rằng, sau chiến tranh, các quốc gia có thể cộng tác với nhau để kiến tạo một thế giới tự do và hòa bình. Một thí dụ cho việc này là cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Rososevelt và Thủ tướng Churchill của Anh quốc ở ngoài khơi Newfoundland vào tháng 8 năm 1941. Trong bản Hiến chương Đại Tây Dương, hai vị chính khách trên đây đã tóm lược mục đích của hai nước là kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Hiến chương Đại Tây Dương hứa rằng tất cả các dân tộc phải có quyền chọn lựa hình thức chính quyền của họ. Bản Hiến chương cũng nói rằng Hoa Kỳ và Anh quốc không muốn thay đổi một lãnh thổ nào mà lại không có sự ưng thuận của nhân dân sống trên lãnh thổ đó. Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill cũng hứa rằng Hoa Kỳ và Anh quốc sẽ cộng tác để thực hệin việc phân định tài nguyên thiên nhiên và giao thương quôc tế một cách hợp lý và công bằng hơn.

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Anh còn dự nhiều hội nghị quan trọng khác nữa, trong đó có hai hội nghị Teheran thuộc Ba Tư và Yalta thuộc Liên xô, và có sự tham dự của Thủ tướng Stalin của Liên xô. Tại các hội nghị này, các nhà lãnh đạo các cường quốc Đồng Minh đã đem hết thì giờ ra để hoạch định kế hoạch để đi đến chiến thắng. Đồng thời, họ cũng nghiên cứu các vấn đề hòa bình sau chiến thắng.

- Tiến hành thành lập Liên Hiệp Quốc

Các nhà lãnh đạo thế giới đều cùng thỏa thuận một điều là tiến đến việc thành lập một tổ chức các quốc gia theo đó thì tất cả các quốc gia có thể cộng tácvới nhau cho các mục đích hòa bình. Tháng 4 năm 1945, đại diện của 46 quốc gia nhóm họp tại San Francisco để hoàn thành các kế hoạch tiên khởi cho việc thành lập một tổ chức quốc tế. Trong vòng 2 tháng, các vị đại biểu trong hội nghị này đã soạn thảo xong được bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.



- Các cơ quan của tổ chức Liên Hiệp Quốc

Hiến chương Liên Hiệp Quốc qui định thành lập các cơ quan sau đây để thi hành các mục đích của Liên Hiệp Quốc. Các cơ quan đó là :



1) Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc . - Tất cả các quốc gia hội viên đều có một hiếu, và quốc gia này dù lớn hay nhỏ cũng chỉ có một phiếu thôi. Đại Hội Đồng có thể bàn cãi bất cứ một vấn đề nào được nêu lên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã qui định.

2) Hội Đồng Bảo An. – Hội đồng này có trách nhiệm duy trì hòa bình thế giới. Năm quốc gia Hoa Kỳ, Anh quốc, Liên xô, Trung Hoa và Pháp là các quốc gia hội viên thường trực ở trong Hội đồng. Mười hội viên khác do đại hội đồng bầu lên với nhiệm kỳ là 2 năm. Trước khi đi đến quyết định một việc gì phải được tất cả 5 quốc gia hội viên thường trực đồng ý về vấn đề đó. Như vậy là bất kỳ một quốc gia hội viên thường trực nào cũng có quyền phủ quyết quyết định của Hội đồng. Hội Đồng Bảo An có quyền nghiên cứu các vụ tranh chấp giữa các quốc gia, và đề nghị các biện pháp giải quyết. Nếu việc giải quyết không thành công, Hội Đồng có thể kêu gọi các quốc gia hội viên cắt đứt giao thương với quốc gia gây hấn. Sau hết, Hội Đồng có thể kêu gọi các quốc gia hội viên đóng góp quân sĩ cho Liên Hiệp Quốc sử dụng để chống lại quốc gia gây hấn.

3) Tòa Án Quốc Tế. – Tòa án này có quyền quyết định mọi việc được đưa ra cơ quan này phân xử.

4) Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội. – Công việc của Hội đồng này là nâng cao mức sống, cung cấp công ăn việc làm và cải thiện việc giáo dục cho toàn thể thế giới.

5) Hội Đồng Quản Trị Các Thuộc Địa. – Hội đồng này trao các thuộc địa cho các quốc gia hội viên quản trị. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc trao cho Hoa Kỳ quản trị một số các hòn đảo ở ngoài Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã chiếm được của Nhật Bản. Hoa Kỳ chịu trách nhiệm quản trị nhưng không làm chủ các hòn đảo này. Theo thường lệ, Hoa Kỳ phải tường trình lên Liên Hiệp Quốc về các hòn đảo này.

6) Văn phòng Tổng Thư Ký. – Văn phòng Tổng thư ký gồm một số viên chức của Liên Hiệp Quốc. Đứng đầu văn phòng này là vị Tổng thư ký do Đại hội đồng bầu lên.

Trụ sở của Liên Hiệp Quốc là một số tòa nhà tối tân ở gần sông Đông (East River) trong thành phố New York. Trong thập niên 1970, số hội viên Liên Hiệp Quốc lên tới 130.



- Liên Hiệp Quốc đã hoàn thành được những gì ?

Trong những năm hậu chiến, Liên Hiệp Quốc đã viện trợ rất nhiều cho rất nhiều người và nhiều quốc gia. Chẳng hạn như sau Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc đã viện trợ thực phẩm và các đồ thiết dụng cho các nước bị chiến tranh tàn phá. Liên Hiệp Quốc cũng đã trợ giúp tìm kiếm quê hương mới cho hơn triệu người bị trục xuất hay trốn khỏi quê hương trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Từ khi thành lập đến nay, Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục và Khoa Học đã dạy cho rất nhiều người ở các quốc gia chậm tiến biết đọc, biết viết. Tổ chức Y Tế Quốc Tế và tổ chức Lương Nông Quốc Tế đã cố gắng cải thiện tình trạng y tế cũng như việc tăng gia và cải thiện việc cung cấp thực phẩm cho các quốc gia kém may mắn. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã chấp thuận bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ấn định các mục đích căn bản cho tất cả mọi người dân ở khắp nơi trên thế giới.

Liên Hiệp Quốc cũng đã giải quyết một cách hòa bình một vài vụ tranh chấp, hỗ trợ việc thành lập các quốc gia mới như Do Thái, Indonesia và Libya. Dù rằng Liên Hiệp Quốc không tổ chức quân đội, nhưng các quốc gia hội viên đã nhiều lần đóng góp quân đội và các đồ quân nhu chiến cụ vào những khi có khủng hoảng đe dọa hòa bình thế giới.

Từ khi thành lập Liên Hiệp Quốc đến nay, Hoa Kỳ vẫn luôn luôn cộng tác chặt chẽ với tổ chức quốc tế này. Tất cả các Tổng thống của Hoa Kỳ bắt đầu từ Tổng thống Harry Truman đều giữ vững chính sách là ủng hộ Liên Hiệp Quốc.



* CHIẾN TRANH LẠNH ĐE DỌA HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Mặc dầu có tổ chức Liên Hiệp Quốc, nền hòa bình thực sự và lâu dài mà nhân dân thế giới hằng khao khát cũng vẫn chưa hoàn thành được. Thực ra, sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt vào năm 1945, là thời kỳ hòa bình bất ổn. Hết địa phương này có chiến tranh thì lại đến địa phương khác.Chiến tranh địa phương hầu như sắp biến tàhnh những trận chiến tranh lớn. Thời kỳbất ổn này được gọi là “Chiến tranh lạnh”.



- Thế giới chia làm hai khối chống đối nhau.

Sau năm 1945, cản trở lớn lao cho nền hòa bình thật sự là các quốc gia trên thế giới lại chia thành hai khối đối nghịch nhau. Hai khối này, một bên Hoa Kỳ lãnh đạo, và một bên do Liên xô, đương đầu đối diện với nhau trong căm giận hận thù. Tình hữu nghị giữa các quốc gia đồng minh và người Nga trong thời Đệ Nhị Thế Chiến không còn nữa. Liên xô không chịu rút quân đội ra khỏi Đông Đức, và cũng không chịu cộng tác để tiến hành một hòa ước chót với Đức quốc. Tại Liên Hiệp Quốc, Liên xô không chịu cộng tác với các quốc gia Đồng Minh cũ. Thí dụ như Nga đã chặn đứng kế hoạch kiểm soát bom nguyên tử, vì rằng theo kế hoạch này sẽ có một ủy ban quốc tế vào lãnh thổ Nga thanh sát. Tại Hội Đồng Bảo An, Nga đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết để giết chết các đề nghị của Hoa Kỳ và của các quốc gia khác.



- Cộng sản chiếm Đông Âu.

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, khi quân lực Hitler tràn ngập Đông Âu thì Liên Xô tổn thất nặng nề nhất. Tuy nhiên, sau này quân đội Liên xô không những đẩy lui được quân xâm lăng Đức, mà còn tiến đến chiếm đóng Đức quốc nữa. Khi chiến tranh chấm dứt, tại Âu châu, quân đội Liên xô cho buông “Bức màn sắt” của bí mật rủ xuống ngăn chặn các quốc gia này với các quốc gia Tây Âu. Nhân dân đằng sau bức màn sắt này mất hết tự do và mất luôn cả quyền tự trị. Các quốc gia Đông Âu bị Liên xô thống trị được gọi là các quốc gia chư hầu.





NGA CHIẾM ĐÔNG ÂU

- Chủ nghĩa Cộng sản trở thành mối đe dọa cho thế giới.

Mục tiêu quan trọng của Liên xô là bành trướng, truyền bá chủ nghĩa Cộng sản ra khắp thế giới. Mạc Tư Khoa cho gửi các cán bộ Cộng sản đi nhiều nước để thi hành mục tiêu trên đây. Hoạt động ở ngay trong nước, các cán bộ cộng sản tìm cách truyền bá chủ nghĩa cộng sản bằng cách gây rối hay phá hoại các chính quyền của các quốc gia này.

Thắng lợi lớn lao nhất cho chủ nghĩa cộng sản có lẽ là ở Trung Hoa. Trong khi cuộc chiến với Nhật Bản còn đang tiếp diễn thì đã có sự tranh chấp dữ dội giữa chính phủ Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch và Cộng sản Trung Hoa. Hoa Kỳ không thể nào giúp được Tưởng Giới Thạch, một người bạn đồng minh trong thời chiến, và năm 1949, ông cùng với những người ủng hộ ông buộc phải chạy ra ẩn náu tại Đài Loan. Cộng sản Trung Hoa đại thắng ngay sau đó. Họ tiến đến việc thống trị các nơi khác ở Á châu.

- Hoa Kỳ viện trợ cho các quốc gia khác

Vì có những sự đe dọa này đối với trật tự thế giới, cho nên sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ đủ loại cho các quốc gia ở trong tình trạng nguy hiểm. Đầu năm 1947, Tổng thống Truman yêu cầu Quốc hội biểu quyết một số tiền lớn viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại việc bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng viện trợ cho các quốc gia chống lại chủ nghĩa cộng sản gọi là chủ thuyết Truman. Sau đó, cùng năm ấy, tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ là ông George C. Marshall loan báo rằng Hoa Kỳ sẽ viện trợ thân hữu cho các quốc gia Âu châu để các quốc gia này phục hồi đất nước đã bị tàn phá vì chiến tranh. Kế hoạch viện trợ này nhằm giúp Liên xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu nữa, nhưng các quốc gia này đã từ chối. Tuy nhiên, các quốc gia Tây Âu đã chấp nhận. Theo kế hoạch Marshall thì Hoa Kỳ sẽ cung cấp những khoản tiền lớn để cho các nông trại và các nhà máy ở Âu châu có thể sản xuất một cách hữu hiệu như trước kia. Kế hoạch Marshall có trách nhiệm giúp cho Tây Âu trở nên phồn thịnh trong một thời gian ngắn.




tải về 1.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương