* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Hitler cho tấn công các mặt trận khác



tải về 1.69 Mb.
trang19/25
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.69 Mb.
#12266
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   25

- Hitler cho tấn công các mặt trận khác.

Tuy nhiên, quân Đức lại chiến thắng ở các nơi khác tại Âu châu. Hầu hết các nước nhỏ ở Đông Âu và các vùng bán đảo Balkan đều phải qui phục đầu hàng quân đội Đức quốc xã. Mặc dù trước khi chiến tranh bùng nổ, Nga và Đức đã ký một thỏa hiệp hòa bình, nhưng năm 1941, Hitler vẫn cho quân đội đại tấn công vào nước Nga. Mặc dù quân Nga chiến đấu rất anh dũng nhưng quân Đức cũng chiếm đóng được gần hầu hết phía Tây nước Nga. Cho tới khi quân Đức bị chặn đứng thì trận tuyến Nga Đức chạy dài từ một địa điểm ở gần thành phố Leningrad đến phía bắc thành phố Stalingrad nằm trên bờ sông Volga. Quân Đức còn tiến mạnh sang đến Bắc Phi. Trong khi đó ở ngoài đại dương, tàu ngầm Đức mở các cuộc tấn công mạnh gây tổn thất cho các đoàn tàu thương thuyền và hải quân Anh rất nặng.



- Ý và Nhật cũng liên kết với Đức.

Một số những chiến thắng trên đây của Đức một phần cũng là sự trợ lực của Ý. Trước khi chiến tranh bùng nổ, Mussolini và Hitler đã liên kết thành một liên minh. Tới khi nước Pháp sắp bị đánh bại thì Mussolini đứng về phía Đức tuyên chiến với Pháp. Đức và Ý được gọi là phe trục. Phe trục lại có thêm Đồng minh ở Viễn Đông. Nhật Bản đang tấn chiếm Trung Hoa cũng liên kết với Đức và Ý và trở nên thành viên thứ viên thứ ba của phe Trục.



- Nhật Bản chiếm hầu hết Trung Hoa và còn tính chinh phục thêm đất đai.

Mặt khác, Trung Hoa vẫn gan dạ chiến đấu, nhưng không thể nào chặn đứng được các cuộc tiến quân xâm lăng của người Nhật tiến hành từ năm 1937. Nhật Bản đã mau lẹ tiến chiếm được các thành thị và các vùng đất phì nhiêu của Trung Hoa. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Hoa là Tưởng Giới Thạch nhất định không chịu đầu hàng. Dưới sự điều khiển của ông, hàng ngàn người Trung Hoa rút sâu vào vùng núi ở trong nội địa Trung Hoa và thiết lập thủ đô ở Trùng Khánh. Nhân dân Trung Hoa quyết tâm chịu đựng gian khổ, thiết lập lại các nhà máy chế tạo các đồ tiếp liệu để theo đuổi công cuộc kháng chiến. Từ các cứ điểm ở các vùng núi, quân Trung Hoa mở các cuộc tấn công vào hậu tuyến quân Nhật, phá hủy các đường xe lửa và các kho tiếp liệu của quân Nhật.

Thay vì chiếm trọn nước Trung Hoa thì người Nhật lại hướng nhìn về các vùng đất khác ở Viễn Đông. Tại sao lại không chiếm Đông dương thuộc Pháp, Thái Lan, bán đảo Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân và có lẽ là Úc Đại Lợi nữa ? Và tại sao lại không tiến về phía Tây để chiếm Miến Điện và chiếm tài nguyên của nước Ấn Độ ? Anh quốc bị chặn đứng ở Châu Âu. Nước Pháp đã bị đánh bại. Chỉ còn có Hoa Kỳ mới có thể chặn đường tiến của quân Nhật.

- Hoa Kỳ hy vọng duy trì hòa bình.

Khi Nhật tấn chiếm Mãn Châu thì Tổng trường Ngoại giao Hoa Kỳ là ông Henry L. Stimson phản đối kịch liệt. Ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không nhìn nhận bất cứ "một tình trạng, một hiệp ước hay thỏa hiệp nào do chiến tranh tạo nên". Tổng thống Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Hitler và Mussolini không được quyết phá hòa bình ở Âu châu.

Trong khi đó thì Quốc hội cho thông qua luật trung lập qui định rằng trong trận chiến này Hoa Kỳ sẽ không đứng vào bên nào cả. Các luật lệ này cấm người Hoa Kỳ cho vay tiền hay chuyên chở các đồ tiếp liệu quân sự cho các quốc gia tham chiến. Người Hoa Kỳ không được đi tàu thuyền của các quốc gia tham chiến. Dĩ nhiên là mục đích của các đạo luật Trung lập này là giữ cho Hoa Kỳ khỏi bị lôi cuốn vào trận đấu thế chiến này. Lúc đó, người Hoa Kỳ mạnh tin rằng Hoa Kỳ đứng ngoài trận Đệ Nhị Thế Chiến.

- Cảm tình của người Hoa Kỳ đối với các quốc gia chiến đấu chống lại sự bành trướng của phe Trục.

Giống như những năm đầu của trận Đệ Nhất Thế Chiến, người Hoa Kỳ thấy rằng càng ngày càng khó giữ được trung lập. Quân Đức càng liên tiếp chiến thắng thì hiểm họa chiến tranh càng gần kề biên giới Hoa Kỳ. Nếu Hitler chiếm trọn được Âu châu thì sau đó sẽ ra sao ? Liệu rằng Hitler có hài lòng dừng chân ở lại Âu châu hay là lại còn mở rộng qyền lực sang tới châu Mỹ nữa ?

Hơn nữa, quân Đức càng mở rộng chinh phục đến đâu thì ở đó tự do biến mất. Nơi nào quân Đức quốc xã chiến thắng thì nhân dân ở nơi đó bị đày đọa xuống kiếp đời nô lệ. Vì rằng người Đức tự coi là một giống người siêu nhân, họ đi đánh bại các giống người ở nơi khác để bắt người ta xuống làm lao công cho người Đức ở nơi đồng ruộng cũng như ở các xưởng máy. Hình như rằng nếu không chặn đứng được quân Đức quốc xã thì tự do của loài người và các chính quyền dân chủ ở các nơi trên thế giới sẽ bị hủy diệt. Anh quốc thì hình như không phải chỉ chiến đấu để tự vệ không thôi mà còn chiến đấu để bảo vệ các quyền tự do của loài người ở khắp nơi. Cho nên người Hoa Kỳ càng có cảm tình đối với nhân dân các nước đang chiến đấu chống lại Đức quốc xã và Ý Đại Lợi.

- Hoa Kỳ mạnh mẽ chống lại phe Trục.

Trong những năm 1940 và 1941, người Hoa Kỳ không còn tỏ ra trung lập đúng mức nữa. Một mặt, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định cho tăng cường quân lực và hải quân. Đồng thời, Quốc hội cũng cho thông qua một đạo luật cho phép các quốc gia tham chiến được mua đạn dược của Hoa Kỳ, và sau này lại còn thông qua đạo luật cho vay mượn nữa. Luật này cho phép Tổng thống Hoa Kỳ được bán và cho vay các vật liệu chiến tranh cho các quốc gia nào mà việc phòng thủ của các quốc gia đó xét ra cần thiết cho nền an ninh Hoa Kỳ. Việc sản xuất các vật liệu chiến tranh gia tăng nhanh chóng.

Trong khi đó thì quan hệ ngoại giao với Nhật Bản càng trở nên tồi tệ. Nhật Bản vẫn luôn luôn khẳng định rằng mục tiêu của họ là giúp đỡ các dân tộc Châu Á. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ lại cho rằng mục đích chính của Nhật là đánh chiếm các nước yếu kém để mở rộng đế quốc. Hoa Kỳ khẳng định rằng Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ ở Viễn Đông. Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ còn viện trợ cho Trung Hoa , và cắt đứt mọi giao thương với Nhật theo các thương ước đã ký trước kia. Muốn thực hiện được các tham vọng của mình, Nhật quyết định phải đè bẹp Hoa Kỳ. Cho nên bộ Ngoại giao Nhật bề ngoài muốn tỏ ra tìm cách giải quyết những khác biệt với Hoa Kỳ nhưng bên trong Nhật lại chuẩn bị một cuộc tấn công bất ngờ.

- Chiến tranh.

Chiến tranh với Nhật bùng nổ vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Không báo trước, từng đợt và từng đợt oanh tạc cơ Nhật Bản lao tới không kích đại căn cứ Hải quân Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ ở Hawaii. Bị tấn công bất ngờ, quân đội Hoa Kỳ chống trả rất anh dũng nhưng cũng bị quân Nhật gây cho thiệt hại nặng nề. Hầu hết các phi cơ còn đậu ở phi trường bị tiêu hủy ngay tại chỗ. Năm chiến tàu bị đánh chìm và bị thủng, ¼ chiến tàu khác bị hư hại nặng nề. Gần 2500 quân sĩ, thủy thủ và nhân viên dân sự bị thiệt mạng. Nhân dân toàn quốc vô cùng căm phẫn.

Ngày mùng 8 tháng 12 năm đó, Tổng thống Roosevelt yêu cầu Quốc hội tuyên chiến với Nhật ngay tức thì. Theo lời yêu cầu của Tổng thống, Quốc hội tuyên chiến với Nhật cùng ngày hôm đó. Ít ngày sau, Đức và Ý cũng tuyên chiến với Hoa Kỳ. Như vậy Hoa Kỳ đã tham dự vào bên cạnh Đồng minh Anh, Pháp, Nga để chống đối lại phe Trục.

- Hoa Kỳ dồn hết nỗ lực để chiến thắng.

Đã tuyên chiến rồi, nhân dân Hoa Kỳ phải hết nỗ lực ra để chiến thắng. Thanh niên từ từ 18 đến 45 được gọi nhập ngũ. Quân lực Hoa Kỳ tăng cường đến 12 triệu gồm cả nam nữ quân nhân. Trong số này có hơn một triệu quân nhân là người da đen, và hơn một nửa số quân nhân da đen này phục vụ ở hại ngoại .

Để có thể cung ứng được nhu cầu chiến cụ, các hầm mỏ và các nhà máy phải làm việc đêm lẫn ngày. Công nhân, chủ nhân, quản lý đồng lòng tận lực làm việcđể đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh, và Hoa Kỳ đã trở thành nơi sản xuất kỳ công nhất của thế giới. Trong khi đó thì nông dân cũng gia tăng sản xuất thực phẩm để đáp ứng nhu cầu cho cả Hoa Kỳ và các quốc gia Đồng Minh. Thuế khóa được nâng cao để lấy tiền chi phí cho chiến tranh. Nam nữa thanh niên cũng như tất cả mọi người mua trái phiếu, và số tiền mua trái phiếu trị giá lên tới hàng tỷ Mỹ kim.

- Chiến tranh làm thay đổi rất nhiều trong đời sống người Hoa Kỳ.

Người Hoa Kỳ đã thích hợp mau lẹ với tình thế chiến tranh. Dân chúng được hướng dẫn cho biết phải làm gì khi có phi cơ địch đến oanh kích. Vì cần nhiều nhu cầu thực phẩm tiếp tế cho quân đội cũng như quân đội của Đồng Minh cho nên có nhiều thức hàng hóa thời bình đã biến mất không còn thấy ở các cửa tiệm. Các thứ như thịt, mỡ, cà phê, đường, ét săng, dầu hỏa, nhớt cũng trở nên khan hiếm và được phân phối theo nhân khẩu, như thế có nghĩa là dân chúng chỉ được phép mua các thứ này với một số lượng rất ít. Để ngăn chặn nạn lạm phát, chính phủ ấn định giá tối đa các loại hàng như thực phẩm, quần áo và các thứ hàng khác; cũng như ấn định các giá cho thuê mướn các thứ cần thiết cho nhu cầu ăn ở.

Trong những năm chiến tranh, dân chúng phải làm thêm đủ các thứ hay phải làm thêm những công việc bất thường. Họ phải canh phòng phi cơ địch đến thám thính hay tấn công. Phải giúp việc trong các bệnh viện và giúp vui cho anh em chiến sĩ. Hàng triệu người đã hiến máu, nhờ vậy mà đã cứu thoát được bao nhiêu binh sĩ bị thương khỏi tử thần. Phụ nữa phải làm các công việc hàng ngày của đàn ông trong các xưởng đóng tàu, xưởng chế tạo phi cơ và trong các nhà máy kỹ nghệ khác. Nam nữa thiếu niên phải đi làm mùa, đi lượm cao su, sắt vụn, cũng như giấy rác, hoặc làm các công việc ở trong các cửa tiệm hoặc ở trong các nhà máy. Để có thêm thanh niên chiến đấu, chị em phụ nữ phải tình nguyện ghi danh vào trong các cơ quan torng lục quân (WAC) Hải quân (WAVES), các đội tuần duyên (SPARS) và Thủy quân lục chiến.

- Tập trung những người Hoa Kỳ gốc Nhật.

Sau vụ không tập vào Trân Châu Cảng, tại Hoa Kỳ tinh thần chống Nhật lên cao. Tinh thần này đã gây cơ cực cho những người Hoa Kỳ gốc Nhật. Chính phủ cho di chuyển tất cả những người Hoa Kỳ gốc Nhật sinh sống ở các vùng duyên hải phía Tây đến tập trung vào các trại sâu trong nội địa. Dù rằng chính quyền đã làm sai quya61y đối với gia đình họ, nhưng cũng có nhiều người Hoa Kỳ gốc Nhật tận lòng phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ trong suốt thời chiến.



- Ý Đại Lợi bị đánh bại.

Hoa Kỳ phải chiến đấu hai mặt trận cùng một lúc, một ở Âu châu, và một ở Thái Bình Dương. Dưới quyền chỉ huy của tướng George C. Marshall, Tham mưu trưởng quân lực Hoa Kỳ, việc đánh bại Đức và Ý trở thành mục tiêu số một của người Hoa Kỳ.

Cuối năm 1942, liên quân Anh – Mỹ dưới quyền chỉ huy của tướng Dwight D. Eisenhower, bất ngờ đổ bộ vào Bắc Phi. Sau nhiều tháng dũng cảm chiến đấu, đoàn quân Đức quốc xã trấn đóng tại Phi châu bị đánh bại hoàn toàn. Giai đoạn kế tiếp là đổ quân vào hòn đảo Sicily ở Ý, và tại đây cũng chỉ được vài tuần là quân Đức phải rút lui. Sau đó, liên quân Anh – Mỹ lại tiến chiếm nước Ý là một trận chiến trường kỳ vất vả, khổ cực kéo dài cho tới khi mặt trận Âu châu gần chấm dứt. Dù rằng chỉ vài tuần sau ngày Mussolini bị lật đổ, Ý đã đầu hàng Đồng Minh từ năm 1943, nhưng quân Đức trấn đóng ở Ý vẫn còn tiếp tục chiến đấu đến cùng.

- Đức quốc xã đầu hàng.

Trong khi đó, quân Nga được Hoa Kỳ viện trợ, không những đẩy lui được sức tiến quân vũ bão của quân Đức mà còn tái chiếm được các vùng mà quân Đức đã chiếm đóng trước kia. Từng làn sóng oanh tạc cơ của Anh và Hoa Kỳ liên tiếp bay tới dội bom lên quân Đức. Quân Đức vừa phải chịu tổn thất nặng nề vừa lại bị áp lực ở mặt trận Ý và Nga. Tình thế đã đến lúc thuận tiện cho quân Đồng Minh đổ bộ vào Tây Âu. Từ mấy tháng trước, tướng Eisenhower và bộ tham mưu của ông đã nghiên cứu từng chi tiết cho kế hoạch đổ bộ này cũng như cả việc huấn luyện quân sĩ đổ bộ và việc tiếp nhận đồ tiếp liệu.

Ngày mùng 6 tháng 6 năm 1944, đại quân Anh, Mỹ và Gia Nã Đại tràn vào bờ biển Normandy của Pháp. Hải thuyền xối xả nả súng vào bờ biển. Đồng thời, từng đợt phi cơ nhào lộn ở trên không đểbảo vệ và yểm trợ cho từng làn sóng quân nhân bò lết vào bờ. Cuộc đổ bộ hoàn toàn thành công, và vào khoảng tháng 6 năm 1944, nước Pháp đã hoàn toàn được giải thoát khỏi ách kìm kẹp của Đức quốc xã. Ngay sau đó, Liên quân Anh – Mỹ lại tiến đánh vào nước Đức. Sau trận đánh quyết liệt, liên quân Anh – Mỹ vượt sông Rhine tấn công mạnh tiến sâu vào nước Đức thì từ phía Đông, quân Nga cũng đánh thốc vào Đức quốc. Quân Đức quốc xã bị chẻ ra từng mảnh, trong khi đó thì oanh tạc cơ của Đồng Minh liên tiếp liên tiếp dội bom phá hủy các thành phố và các nhà máy kỹ nghệ của Đức. Chính nghĩa của Đức quốc xã rơi vào vô vọng. Đức buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Ngày mùng 8 tháng 5 năm 1945, mặt trận Âu châu chính thức chấm dứt.

Adolf Hitler, nhân vật số một được coi như là trách nhiệm gây ra chiến tranh, tự tử ngay trước khi quân Nga tiến vào Berlin. Nhà độc tài Mussolini của Ý cũng bị một số người Ý bắt và giết hại trước đó vài tuần.





ĐỒNG MINH CHIẾN THẮNG Ở THÁI BÌNH DƯƠNG

- Hoa Kỳ chiến đấu chống Nhật.

Tại Thái Bình Dương, nhiệm vụ đánh bại Nhật hoàn toàn thuộc về Hoa Kỳ. Lúc đầu Nhật đạt được nhiều thắng lợi. Ngay sau vụ không tập Trân Châu Cảng, quân Nhật đổ bộ tiến chiếm quần đảo này, nhưng nhân dân Phi Luật Tân vẫn anh dũng chiến đấu ở nhiều nơi.

Đồng thời, quân Nhật cũng đoạt được nhiều chiến thắng ở nhiều nơi khác ở Á châu. Quân đội Thiên Hoàng chiếm trọn Đông dương và Hồng Kông thuộc Anh, tiến xuống đánh chiếm bán đảo Mã Lai, và chiếm được một vụ trí quan trọng của Anh ở Singapor. Đế quốc Hòa Làn ở Nam Dương cũng ngã quị trước sức tấn công của quân đội Thiên Hoàng. Quân Nhật còn tiến vào Miến Điện chặt đứt đường tiếp tế cho Trung Hoa qua ngã quốc gia này. Và Trung Hoa, trước sức tấn công của quân Nhật, lại càng phải rút lui sâu vào nội địa. Trong khi ấy, quân Nhật còn tiến chiếm các quần đảo ở ngoài Thái Bình Dương, luôn cả quần đảo Aleutinns ở phía Bắc ngoài khơi Alaska. Giấc mơ của người Nhật làm chúc tể Viễn Đông sắp trở thành sự thật.

- Quân đội Hoa Kỳ đẩy lui quân Nhật.

Tuy nhiên, cuộc chiến xoay chiều dần dần. Hải quân Hoa Kỳ hai lần đại thắng, một lần ở vùng biển San hô chặn được đợt xâm lăng của quân Nhật vào Úc Đại Lợi, và một trận khác ở Midway cứu nguy được Hawaii. Tướng Douglas MacArthur, tư lệnh quân lực Đồng Minh ở Viễn Đông, thiết lập tái chiếm các vùng đã bị mất về tay quân Nhật. Khởi đầu tấn công vào Guadalcanal, bộ quân và thủy lục chiến Hoa Kỳ được Hải quân yểm trợ bắt đầu tiến chiếm các căn cứ quan trọng. Quân sĩ phải chiến đấu từng bước, bám sát vào quân Nhật, đánh cận chiếm để chiếm từng hòn đảo một. Các trận đánh chiếm các đảo như đảo Guadalcanal, Iwo Jima và Okinawa là những trận đánh gay go ác liệt và thiệt hại nhiều nhất trong mặt trận Thái Bình Dương.

Tháng 10 năm 1944, tình hình có thể cho phép đổ bộ vào quần đảo Phi Luật Tân. Quân lực Hoa Kỳ đổ bộ vào Leyte, và mấy tháng sau thì hoàn toàn tái chiếm được quần đảo Phi Luật Tân. Cũng tại vùng biển Leyte, đã xảy ra một trận hải chiến chiến lớn nhất trong lịch sử mà Nhật bị thiệt hải một phần lớn hạm đội hùng mạnh.

- Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt.

Những chiến thắng trên đây cùng với những chiến thắng khác ở trên lục địa Á châu đã làm cho giấc mộng đế quốc của người Nhật tiêu tan. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn phải tiến quân vào Nhật. Các oanh tạc cơ từ các Hàng không mẫu hạm ở ngòai biển Thái Bình Dương bày vào tàn phá các thành phố Nhật. Tuy nhiên, các kế hoạch đổ bộ của Nhật của Đồng Minh đã không bào giờ được sử dụng đến.

Đã từ nhiều năm, các nhà khoa học ở Hoa Kỳ đã cố gắng nghiên cứu chế tạo một loại bom sử dụng bằng năng lượng nguyên. Các nhà khoa học thuộc các quốc gia Đồng Minh cũng như các nhà khoa học tỵ nạn chạy trốn khỏi các chế độ độc tài Phát xít và Đức quốc xã đến tập trung ở Hoa Kỳ. Họ đem hết tài năng ra cộng tác với các nhà khoa học cũng như các nhà lãnh đạo kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng ít tuần, Hoa Kỳ đã thiết lập xong nhiều thị trấn với các phòng thí nghiệm, các nhà máy và các khu dân cư. Sống biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài, các nhà kỹ sư và các nhà khoa học trên đây xem xét thì giờ miệt mài với các công việc sưu tầm của họ. Nhưng cố gắng của họ đã thành công.

Ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945, trái bom nguyên tử đầu tiên được đem ra sử dụng chống lại quân thù. Trái bom này được đem thả xuống thành phố bất hạnh Hiroshima gây nên sự tổn thất ghê gớm về sinh mạng và tài sản. Hai ngày sau, trái bom nguyên tử thứ hai tàn phá thành phố Nagasaki. Đương đầu với cảnh tàn phá ghê gớm như vậy, chính phủ Nhật phải cầu hòa. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đồng ý đầu hàng. Và ngày mùng 2 tháng 9, hai bên cùng ký thỏa hiệp đồng ý hào bình. Hoàng đế Hirohito vẫn còn được ở lại điều khiển chính phủ Nhật, nhưng ông phải nhận lệnh của Tướng MacArthur.

Ngay sau khi Trận Đệ Nhị Thế Chiến – một trận chiến tàn phá dữ dội nhất trong lịch sử – vừa chấm dứt, thì dân chúng đua nhau ăn mừng và cầu nguyện tạ ơn. Tính ra có tới 22 triệu người bị thiệt mạng và hơn 34 triệu người bị thương trong trận thế chiến này.

CHƯƠNG XXXI

HOA KỲ ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA LÁNG GIỀNG

Ở MỸ CHÂU

Chương XXX đã nói về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ như là một cường quốc lãnh đạo thế giới trong những năm gần đây. Nó chứng tỏ rằng những biến cố ở những nơi xa xôi ở Châu Âu, châu Á hay Châu Phi cũng đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của người Hoa Kỳ. Dĩ nhiên làn hững biến cố xảy ra ở ttrong các quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ thì hẳn là cũng có ảnh hưởng đối với dân chúng Hoa Kỳ.

Lân bang hàng xóm rất quan trọng đối với quốc gia cũng như đối với người dân. Các bạn biết rằng đối với các ông bạn lối xóm vui vẻ thân mật hoặc hay gây gỗ thì phải đối xử khác nhau. Việc quan hệ ngoại giao đối với các quốc gia láng giềng yêu hòa bình hay hiếu chiến cũng giống như cách đối xử của một người đối với bà con lối xóm trên đây. May thay, quốc gia láng giềng Gia Nã Đại của Hoa Kỳ là một nước dân chủ thân hữu có chung biên giới dài 4 ngàn dặm mà cả hai nước đều giải giới quân sự ở vùng này. Nhưng những năm gần đây, việc quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ đối với các quốc gia láng giềng ở phương Nam đôi khi gặp phải khó khăn.

Chương này sẽ tìm hiểu Hoa Kỳ đã thuận thảo với các quốc gia ở Tây Bán Cầu như thế nào. Tuy nhiên, trước hết chúng ta hãy bàn luận một số vấn đề ở Gia Nã Đại và ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ mà chúng ta chưa đề cập ở chương X. Chúng ta sẽ bàn về Gia Nã Đại đã được độc lập và trở thành hội viên trong khối quốc gia do Anh lãnh đạo, và các nước Cộng hòa ở Trung và Nam Mỹ đã phát triển như thế nào. Khi đọc chương này, các bạn hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây :

1/ Làm thế nào Gia Nã Đại đã trở thành một quốc gia độc lập ?

2/ Từ khi giành được độc lập, các quốc gia châu Mỹ La Tinh đã thực hiện được những tiến bộ nào ?

3/ Việc quan hệ ngoại giao giữ Hoa Kỳ và các quốc gia láng giềng đã được phát triển như thế nào ?

PHẦN I

LÀM THẾ NÀO MÀ GIA NÃ ĐẠI TRỞ THÀNH MỘT QUỐC GIA

ĐỘC LẬP ?

Năm 1850, Gia Nã Đại chỉ là một số các tỉnh đặt dưới quyền cai trị của Anh quốc. Ngày nay, chỉ hơn một thế kỷ sau, Gia Nã Đại đã trở thành một quốc gia độc lập hùng mạnh, có nhiều nhà máy kỹ nghệ và nền ngoại thương đang phát triển mạnh. Gia Nã Đại còn chiếm được địa vị quan trọng không phải chỉ ở Tây Bán Cầu mà còn ở cả trong chính trường quốc tế nữa. Làm thế nào mà từ một thuộc địa của Anh quốc, Gia Nã Đại đã tiến một đến một quốc gia độc lập quan trọng như vậy.

GIA NÃ ĐẠI GIÀNH ĐƯỢC QUYỀN KIỂM SOÁT CÁC CÔNG VIỆC NỘI BỘ.

Trong chương X, các bạn đã thấy rằng sau khi vùng này trở thành lãnh địa của Anh thì có nhiều người nói tiếng Anh di chuyến đến Gia Nã Đại thuộc Pháp cũ. Nhiều người là những người trung thành (với Anh quốc) từ Hoa Kỳ (mới được độc lập) di chuyển đến Gia Nã Đại. Cũng có những người từ Anh di cư đến. Những người nói tiếng Anh này đòi rằng Gia Nã Đại phải có chính quyền đại diện của dân chúng. Năm 1850, dân chúng các tỉnh giành được quyền kiểm soát chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, Gia Nã Đại vẫn còn trải qua hai giai đoạn quan trọng nữa mới giành được độc lập hoàn toàn. Muốn tìm hiểu hai giai đoạn này, chúng ta hãy giả sử rằng chúng ta đang nói chuyện với ông James King, một thanh niên Gia Nã Đại sống ở Ottawa, thành phố thủ đô của Gia Nã Đại.

Chúng tôi hỏi : "Gia Nã Đại có phải chiến đấu chống lại Anh quốc giống như Hoa Kỳ đã chiến đấu để giành lại tự do hay không ?". James mỉm cười trả lời :"Thực ra là không, nhân dân Gia Nã Đại có thể giành được độc lập như ý muốn mà không phải cần đến chiến tranh. Tuy nhiên, Gia Nã Đại vẫn còn là một hội viên trong khối quốc gia do Anh lãnh đạo. Tôi sẽ nói một cách vắn tắt là nước tôi trở thành một quốc gia độc lập và tự trị như thế nào."

- Gia Nã Đại vào năm 1850 nhỏ hơn Gia Nã Đại ngày nay rất nhiều.

Bắt đầu vào truyện, James nói rõ rằng Gia Nã Đại vào năm 1850 vẫn còn là một thuộc địa của Anh quốc. Số tỉnh của Gia Nã Đại lúc bấy giờ chỉ bằng một nửa số tỉnh ngày nay. Ở phía Đông Gia Nã Đại có 3 tỉnh nhỏ nằm dọc theo duyên hải Đại Tây Dương, đó là Nova Scotia, Prince Edward Island và New Brunswick. Dân chúng ở trong các tỉnh này sinh sống bằng nghề chài lưới và đóng tàu. Hầu hết người Gia Nã Đại sống ở hai vùng Thượng và Hạ Gia Nã Đại. Các nông trại và các thành phố đều nằm tập trung quanh vùng Đại hồ và ven sông St. Laurence. Có rất ít người da trắng ở phía Tây Đại Hồ. Dân da đỏ và một số người da trắng ở phái Tây Đại Hồ. Dân da đỏ và một số người da trắn sinh sống bằn nghề săn bắn trâu rừng, đánh bẫy thú vật để lấy da và buôn bán da thú ở vùng đất rộng mênh mông này. Hầu hết các vùng phía Tây Gia Nã Đại ngày nay là do công ty Hudson Bay kiểm soát. Công ty này có rất nhiều thương điểm buôn bán da thú ở vùng này. Về phần chính quyền thì rất giống như các thuộc địa khác của Anh ở Bắc Mỹ vào năm 1750. Mỗi tỉnh đều có chính quyền riêng, nhưng Anh quốc kiểm soát mọi việc giao thương với các quốc gia khác, chịu trách nhiệm bảo vệ Gia Nã Đại trong trường hợp có chiến tranh.



- Người Gia Nã Đại hoạt động tiến đến một cộng đồng liên kết các tỉnh lại.

Việc chỉ được quyền kiểm soát chính quyền tỉnh không làm cho người Gia Nã Đại hài lòng. Nhiều người đã bàn tới việc thành lập một quốc gia Gia Nã Đại. Như lời James King nói : "Họ muốn thống nhất các tỉnh đặt dưới quyền kiểm soát của một chính phủ trung ương giống như các tiểu ban Hoa Kỳ thống nhất của các bạn". Ông ta tiếp tục nói rằng lý do quan trọng nhất trong việc thống nhất các tỉnh lại là sợ Hoa Kỳ đã mở rộng lãnh thổ băng qua lục địa tới bờ biển Thái Bình Dương. Người Gia Nã Đại đã không quên rằng Hoa Kỳ đã hai lần xua quân tràn vào lãnh thổ họ. Một lần vào lúc cách mạng Hoa Kỳ mới bùng nổ, và lần thứ hai vào thời kỳ xảy ra chiến tranh giữa Anh và Hoa Kỳ vào năm 1812. Họ vẫn còn nhớ đến cuộc tranh chấp về việc giành quyền kiểm soát lãnh thổ Oregon. Còn nhữa, nhiều người Hoa Kỳ tiền phong đi định cư tiến đến các vùng đất ở phía Tây Gia Nã Đại. Người Gia Nã Đại bắt đầu hỏi lẫn nhau : "Liệu rằngh có thể sẽ nuốt trửng đất đai của chúng ta như họ đã từng nuột các vùng đất khác ở miền Tây không ?"

Nhiều người cho rằng một nước Gia Nã Đại thống nhất sẽ có thể tự vệ chống lại Hoa Kỳ được hữu hiệu hơn. Lẽ dĩ nhiên là có những lý do tốt đẹp khác đưa đến việc thống nhất Gia Nã Đại. Làm ột quốc gia, Gia Nã Đại hy vọng sẽ có thể điều hành các công việc nội bộ cũng như có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên và mở mang việc mậu dịch.

- Gia Nã Đại trở thành một quốc gia tự trị.

James King nói : "Năm 1867 rất là quan trọng đối với người Gia Nã Đại chúng tôi cũng như là năm 1776 đối với các bạn. Năm đó đánh dấu này khai sinh ra đất nước tôi. Năm 1867, Quốc hội Anh thông qua đạo luật gọi là đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh, theo đó thì các tỉnh sẽ được thống nhất lại và được dưới quyền cai trị của một chính phủ. Quốc gia mới này gọi là quốc gia tự trị Gia Nã Đại, và ông John A. Macdonald một vị lãnh tụ khôn ngoan và có tài ở vùng Thượng Gia Nã Đại trở thành một trong những chính khách vĩ đại nhất của quo71c6 gia Gia Nã Đại."



- Quốc gia Gia Nã Đại bành trướng.

James King vẫn tiếp tục nói về nước Gia Nã Đại mới. Ông ta nói với chúng tôi rằng lúc đầu Gia Nã Đại còn là một quốc gia nhỏ chỉ có 4 tỉnh là Nove Scottia, New Brunswick, và hai tỉnh mới Quebec và Ontario (2 tỉnh này là những vùng thuộc Thượng và Hạ Gia Nã Đại trước kia). Ngoại trừ Newfoundland và đảo Prince Edward ra, phần lớn những vùng còn lại của Gia Nã Đại ngày nay thì lúc bấy giờ vẫn còn thuộc về Anh quốc và do công ty Hudson Bay kiểm soát. Sau đó chính phủ Gia Nã Đại mua hết đất đai của công ty này, và khi Anh quốc trao cho Gia Nã Đại tất cả đất đai chạy dài về miền Tây tới tận dãy núi đá Rockies thì công ty Hudson Bay vẫn còn duy trì các thương điếm, và giữ quyền buôn bán da thú.

Giống như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại cũng mở mang lãnh thổ chạy dài từ bờ biển Đại Tây Dương đến bờ biến Thái Bình Dương. Trong thập niên 1873 có thêm 3 tỉnh sát nhập vào Gia Nã Đại. Đó là các tỉnh Manitoba ở phía Bắc cánh đồng cỏ Dakota, Columbia thuộc Anh vốn là phần đất lãnh thổ Oregon của Anh trước, và đảo Prince Edward ở phía Đông. Khi đường xe lửa xuyên lục Pacific của Gia Nã Đại hoàn thành thì dân chúng bắt đầu đổ xô đến vùng đồng cỏ ở miền Tây. Đầu thế kỷ thứ XX lại có thêm 2 tỉnh Alberta và Saskatchewan. Sau hết vào năm 1949, dân chúng Newfoundland biểu quyết để trở thành một phần của Gia Nã Đại, nhưng vẫn còn là một tỉnh riêng biệt. Ngày nay, Gia Nã Đại có 10 tỉnh và hai lãnh địa Yukon và lãnh địa Tây Bắc.



tải về 1.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương