TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc (NGÃ SÁu chợ LỚN) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5



tải về 118.49 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích118.49 Kb.
#13341



TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

BẢN TIN HỌ ĐẠO

JEANNE D’ARC (NGÃ SÁU CHỢ LỚN)
: 116A Hùng Vương, Phường 9, Quận 5.

: 38557616.


Giờ Thánh Lễ:

Chúa Nhật : 5g00; 7g00; 9g00; 16g00

Chầu Thánh Thể : 15g15

Ngày thường : 5g00; 17g00

Thứ Bảy đầu tháng: Giờ Thánh: 11g00 – 12g00

Giờ Giải Tội: Sau Thánh lễ, ai muốn xưng tội, xin trình Linh mục được rõ.



Số 56 (Năm thứ 5) Tháng 12, 2013

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin,

tại Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật Lễ Chúa Kitô Vua, 24-11-2013

LẠY CHÚA, XIN NHỚ ĐẾN CON!”

Hôm nay, đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, cũng là kết thúc Năm Đức tin đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI công bố. Giờ đây chúng ta hướng về Đức Bênêđictô với đầy lòng yêu mến và biết ơn vì ngài đã tặng cho chúng ta món quà ấy. Nhờ sáng kiến do Chúa quan phòng này, ngài đã cho chúng ta cơ hội khám phá lại vẻ đẹp của hành trình đức tin đã khởi đầu từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau trong Giáo hội. Mục tiêu tối hậu của cuộc hành trình ấy là chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa một cách trọn vẹn, và trong hành trình ấy Chúa Thánh Thần thanh tẩy chúng ta, nâng chúng ta lên và thánh hoá chúng ta, để đưa chúng ta vào cõi phúc lòng chúng ta hằng khát khao.

Tôi xin gửi lời chào thân ái và huynh đệ đến các vị Thượng phụ và Tổng giám mục Trưởng của các Giáo hội Công giáo Đông phương đang hiện diện ở đây. Lời chúc bình an mà tôi sẽ trao đổi với các vị trước hết muốn nói lên rằng Giám mục Roma nhìn nhận các cộng đoàn này đã tuyên xưng Danh Chúa Kitô với một lòng trung thành gương mẫu, thường phải trả giá đắt.

Đồng thời, với cử chỉ này, qua các vị, tôi cũng muốn liên kết với tất cả những Kitô hữu đang sống ở Thánh Địa, ở Syria và trong toàn thế giới Đông phương, xin cho tất cả được ơn bình an và hoà hợp.

Các bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố có cùng một chủ đề là vị thế trung tâm của Chúa Kitô. Chúa Kitô ở trung tâm, Chúa Kitô là trung tâm. Chúa Kitô là trung tâm của tạo thành, trung tâm của dân Người và trung tâm của lịch sử.

1./ Thánh Tông đồ Phaolô cho chúng ta một tầm nhìn sâu sắc về vị thế trung tâm của Chúa Giêsu. Ngài trình bày với chúng ta Chúa Kitô là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh: trong Người, nhờ Người và với Người mà muôn vật được tạo thành. Người là trung tâm của mọi vật, là khởi nguyên: Người là Đức Giêsu Kitô, là Chúa. Thiên Chúa đã ban cho Người sự viên mãn, tất cả, để trong Người mọi vật được giao hòa (x. Co 1,12-20). Người là Chúa của tạo thành, Chúa của giao hoà.

Hình ảnh này cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu là trung tâm của tạo thành; và, vì thế thái độ phải có của người tín hữu –nếu muốn là người tín hữu– là phải nhận biết và chấp nhận vị thế trung tâm ấy của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống, trong tư tưởng, trong lời nói và hành động của mình. Khi ấy tư tưởng của chúng ta sẽ là tư tưởng của người Kitô hữu, của Chúa Kitô; hành động của chúng ta sẽ là hành động của người Kitô hữu, của Chúa Kitô; lời nói của chúng ta sẽ là lời nói của người Kitô hữu, của Chúa Kitô. Trái lại, khi chúng ta đánh mất trung tâm này, vì đã thay thế bằng điều gì khác, thì sẽ chỉ là tác hại, cho môi trường chung quanh chúng ta và cho chính chúng ta.



2./ Không chỉ là trung tâm của tạo thành và trung tâm của giao hoà, Chúa Kitô còn là trung tâm của dân Thiên Chúa. Và ngay hôm nay, Người ở đây, giữa chúng ta. Lúc này Người đang ở đây trong Lời Chúa, Người sẽ ở đây trên bàn thờ, sống động, hiện diện giữa chúng ta là dân của Người. Đó là điều mà bài đọc thứ nhất mô tả cho chúng ta thấy: khi các chi tộc Israel đi tìm Đavit và xức dầu tấn phong ông làm vua Israel trước mặt Chúa (x. 2 Sm 5,1-3). Khi tìm kiếm một vị vua lý tưởng, thực ra con người đang tìm kiếm chính Thiên Chúa: một Thiên Chúa trở nên gần gũi, chấp nhận trở thành người bạn đồng hành của con người, trở nên một người anh em của con người.

Chúa Kitô, hậu duệ của vua Đavit, chính là người “anh em” mà dân Chúa vây quanh, là Đấng chăm sóc dân, chăm sóc tất cả chúng ta, với cái giá phải trả là mạng sống của Người. Trong Người chúng ta nên một; một dân duy nhất được kết hiệp với Người, chúng ta chia sẻ một hành trình duy nhất, một vận mệnh duy nhất.



3./ Cuối cùng, Đức Kitô là trung tâm của lịch sử nhân loại và trung tâm của mỗi người. Chúng ta có thể dâng lên Người những vui buồn, hy vọng và khó khăn trong cuộc sống của chúng ta. Khi Chúa Giêsu ở trung tâm, ngay cả những lúc đen tối nhất của cuộc sống chúng ta cũng sẽ bừng sáng. Người ban cho chúng ta hy vọng, như đã xảy ra với người trộm lành trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong khi tất cả những người khác nói với Chúa Giêsu một cách khinh miệt – “Nếu ông là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia, thì hãy cứu mình đi và hãy xuống khỏi cây thập tự!” – thì người trộm đã phạm bao lỗi lầm trong cuộc sống, cuối cùng lại sám hối, níu lấy Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh và cầu xin: “Khi ông vào Nước của ông, xin hãy nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên đàng với tôi” (c. 43). Chúa Giêsu chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án; và khi con người biết can đảm xin ơn tha thứ, Chúa không bao giờ bỏ rơi lời cầu xin ấy. Ngày nay, tất cả chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện của chúng ta, hành trình của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện của mình; mỗi người chúng ta cũng có những sai lầm, tội lỗi, những lúc hạnh phúc và những khi đen tối. Ngày hôm nay là dịp tốt để mỗi người nghĩ đến câu chuyện của mình, và nhìn Chúa Giêsu rồi chân thành lặp đi lặp lại trong thinh lặng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa đang ở trong Nước Chúa, xin nhớ đến con! Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con, vì con muốn sống tốt, muốn nên tốt lành, nhưng con yếu đuối, con không thể: con là người tội lỗi. Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con. Chúa có thể nhớ đến con, vì Chúa là trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa!” Thật đẹp biết bao! Tất cả chúng ta hãy làm điều đó trong ngày hôm nay, mỗi người hãy làm điều đó trong tâm hồn mình, nhiều lần. “Lạy Chúa, Chúa ở trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa, xin nhớ đến con”.



Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao: lời ấy nói với chúng ta rằng ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Chúa luôn ban cho nhiều hơn, Người rất quảng đại, luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin: bạn xin Người nhớ đến bạn, còn Người lại đưa bạn vào Vương quốc của Người! Chúa Giêsu chính là trung tâm những nỗi khát mong niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta. Nào chúng ta hãy cùng nhau lên đường!

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

(Huy Hoàng chuyển ngữ)




TIN TỨC

GIÁO XỨ :

  • Đầu tháng 11, hai ngày lễ Các Thánh và lễ Các Đẳng, cha xứ dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn đặc biệt là cho sơ Lucia Lê Thị Cung (Dì Út) đã qua đời ngày 30/10 vừa qua.

GIÁO PHẬN :

  • Vào lúc 8g30 ngày 14/11, tại nhà thờ Chí Hoà, ĐTGM phó Phaolô Bùi Văn Đọc đã long trọng cử hành Thánh lễ cầu cho các giám mục và linh mục trong Tổng Giáo phận đã qua đời. Đồng tế với ngài có quý cha hạt trưởng, quý cha hưu Chí Hoà và khoảng 300 cha trong TGP. Đến hiệp dâng lễ có đông đảo tu sĩ nam nữ, cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ Chí hoà.

  • Sáng thứ Bảy ngày 23/11, tại Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn đã diễn ra Thánh lễ Phong chức Linh mục cho 6 phó tế thuộc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (ĐCV) do Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Giáo phận TPHCM, chủ sự. Đồng tế với ngài có Đức ông, quý cha đại diện giám mục, cha giám đốc ĐCV và trên 100 linh mục.

GIÁO HỘI :

VIỆT NAM :

  • Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam (HDGMVN) các số 45, 46, 47, 48, 49 (tgpsaigon.net/baiviet-tintuc).

  • Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà lạt, đã ra quyết định hủy bỏ Sắc lệnh thiết lập Hiệp hội Tín hữu Công “Đức Maria – Mẹ hy vọng”. Bên cạnh đó, Giám mục Giáo phận Đà lạt cũng ra quyết định về việc thiết lập Hiệp hội Tín hữu Công “Chứng nhân Đức tin” để sẽ trở thành 1 Hội dòng thuộc quyền Giáo phận Đà lạt.

  • Ngày 3/11, Trung tâm Hành hương các Thánh tử đạo Sở Kiện đã đón tiếp khoảng 200 tín hữu Hàn Quốc (thuộc cộng đoàn Hàn Quốc tại Hà Nội).

  • Hội nghị thường niên Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam năm 2013 đã được tổ chức tại Trung tâm Don Bosco K’Long, thuộc giáo phận Đà Lạt từ ngày 5-7/11, với chủ đề: “Quyền bính và quản trị trong đời sống Thánh hiến”. Có 137 đại biểu tham dự là các Bề trên và đại diện Bề trên thuộc các đơn vị Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn Tông đồ trong toàn quốc. Đức cha Antôn Vũ Huy Chương giám mục giáo phận Đà Lạt đã chủ sự Thánh lễ Khai mạc Hội nghị thường niên Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam năm 2013.

  • Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc HĐGM Việt Nam, đã gửi thư đến cộng đồng giáo chức Công giáo Việt Nam.

  • Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam để bày tỏ tình hiệp thông với Giáo hội Philippines trong tuần chín ngày cầu nguyện cho những nạn nhân của cơn bão thiên tai cùng với gia đình của họ. Tuần chín ngày bắt đầu từ hôm 11/11.

  • Ngày 21/11, hàng ngàn trái tim của mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng chung nhịp đập hướng về Nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận trong ngày hân hoan cử hành Đại lễ Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Tòa Thánh thiết lập Phủ Doãn Tông Tòa Lạng Sơn – Cao Bằng.

HOÀN CẦU :

  • Phòng Báo chí Toà Thánh đã xác nhận sẽ có một Công nghị tấn phong Hồng y vào ngày 22/2/2014. 

  • Ba năm (31/10/2010) sau cuộc thảm sát kinh hoàng tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Baghdad - Iraq, một lễ tưởng niệm được âm thầm tổ chức tại nhà thờ này để tưởng niệm 53 nạn nhân thiệt mạng. Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp toạ lạc ​​tại khu thương mại chính của Baghdad, Karrada, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Chỉ có những người xuất trình giấy tờ chứng minh là Kitô hữu mới được phép vào nơi này.

  • Vào ngày lễ Các Thánh 1/11, ngay trước khi mặt trời lặn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ ngoài trời tại nghĩa trang Verano của Roma. Ngài mời gọi các tín hữu bám chắc vào niềm hy vọng khi suy ngẫm về lời hứa: cuộc sống trần gian sẽ kết thúc trong cuộc sống vĩnh cửu nơi Thiên đàng. Không dùng bài giảng soạn sẵn, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu, nói với hàng ngàn người tham dự đứng giữa những hàng mộ: “Chúng ta hãy suy ngẫm và nghĩ về tương lai của chính chúng ta, về tất cả những người đã đi trước chúng ta và hiện đang ở với Chúa”.

  • Theo truyền thống, sáng thứ Hai 4/11, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cầu cho các hồng y và giám mục đã qua đời trong năm vừa qua.

  • Sáng thứ Ba 5/11, Phòng Báo chí Toà Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu Tài liệu chuẩn bị Đại hội chung ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 5 đến ngày 19 tháng 10/2014 với chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”. Chủ toạ cuộc họp báo có ĐHY Peter Erdő, Tổng giám mục Esztergom-Budapest, Hungary, Tổng tường trình viên; Đức Tổng giám mục Lorenzo Baldisseri, Thư ký Thượng Hội đồng; và Đức Tổng giám mục Bruno Forte, Tổng giáo phận Chieti-Vasto, Italia, Thư ký đặc biệt.

  • Vào cuối buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 6/11 tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chào thăm khách hành hương như thường lệ. Một bệnh nhân bị một căn bệnh hiếm gặp gây ra nhiều khối u trên cơ thể đã được Đức Thánh Cha ưu ái đón nhận: ngài dừng lại vài phút, ôm lấy khuôn mặt của anh, hôn anh và ban phúc lành cho anh.

  • Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chọn các các chủ đề cho những Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp, hình thành chặng đường chuẩn bị thiêng liêng kéo dài 3 năm dẫn đến cao điểm là Ngày Giới trẻ Thế giới cấp quốc tế sẽ diễn ra tại Krakow, Ba Lan vào tháng 7 năm 2016:

. Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 29 (cấp giáo phận, năm 2014) :  Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ

(Mt 5,3).

. Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 30 (cấp giáo phận, năm 2015) : Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa(Mt 5,8).

. Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 (cấp quốc tế, năm 2016) tại Krakow, Ba Lan:Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương(Mt 5,7).

  • Sáng thứ Sáu 8/11, Văn phòng báo chí Toà Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu số đầu tiên của tạp chí mới “Latinitas”, do Viện hàn lâm Toà Thánh về La ngữ ấn hành. Viện hàn lâm này mới được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thành lập hồi tháng 11 năm 2012. Chủ toạ buổi họp báo là Đức hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa; giáo sư Ivano Dionigi, Chủ tịch Viện hàn lâm Toà Thánh về La ngữ kiêm Viện trưởng Đại học Bologna; và nhà văn Valerio Massimo Manfredi. Số đầu tiên - được đề tặng ĐGH Phanxicô - mở đầu bằng bài viết của giám đốc Ivano Dionigi để trả lời cho câu hỏi “Tiếng Latinh dành cho ai? Tại sao dùng tiếng Latinh?”. Tạp chí được chia thành ba đề mục: Historica et philologica: lịch sử và ngữ văn; Humaniora: dành cho văn học Latinh hiện đại, và Ars docendi: đề cập các vấn đề sư phạm liên quan đến các ngôn ngữ và các nền văn hóa cổ điển, từ thời cổ đại đến ngày nay.

  • Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện chia buồn tới Tổng thống Philippines, bày tỏ mối đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Haiyan. Bão Haiyan, một trong những cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử, được cho là đã cướp đi sinh mạng của 10.000 người trên đảo Leyte, là nơi hứng chịu cơn bão. Sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 10/11 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão. Ngài mời mọi người thinh lặng cầu nguyện và sau đó đọc kinh Kính Mừng 

  • Tại châu Á, nhiều quốc gia đã bày tỏ tình liên đới và trợ giúp người dân Philippines vừa hứng chịu cơn bão Haiyan khốc liệt trong những ngày vừa qua. Đức Tổng giám mục Andrew Yeom Soo-jung, Tổng giáo phận Seoul, đã gửi thư chia buồn đến Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng giám mục Manila, bảy tỏ tình hiệp thông sau khi cơn bão Haiyan tàn phá khu vực miền Trung Philippines, khiến hơn 10.000 người chết và 900.000 gia đình bị ảnh hưởng.

  • Sáng thứ Ba 12/11, tại Phòng Báo chí Toà Thánh, ĐHY Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn, cùng với cha Miguel Angel Ayuso Guixot MCCJ, thư ký Hội đồng và Đức Tổng giám mục Francesco Gioia, OFM, điều phối viên, đã giới thiệu ấn bản thứ ba của Tuyển tập nhan đề “Đối thoại liên tôn trong Huấn quyền Hội thánh Công giáo (1963 – 2013)”.

  • Chiều thứ Ba 12-11-2013 tại Hội trường mới của Thượng Hội đồng đã diễn ra buổi giới thiệu cuốn sách của ĐHY Tarcisio Bertone S.D.B. : “La diplomazia Pontifica in un mondo globalizzato” (Nền ngoại giao của Toà Thánh trong một thế giới toàn cầu hóa). Các diễn giả là cha Federico Lombardi S.J., và Đức Tổng giám mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Toà Thánh. Quyển sách thu thập các bài phát biểu của ĐHY Bertone trong bảy năm phục vụ Toà Thánh. Lời tựa do chính ĐGH Phanxicô viết.

  • Trong khuôn khổ Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về kinh Tin Kính tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 13/11 ở quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đề nghị các tín hữu khi về nhà hãy tìm lại ngày mình được rửa tội; đó là ngày sinh nhật thứ hai: sau khi được sinh ra trên đời, chúng ta còn được sinh ra trong Giáo hội, trong Chúa Kitô.

  • Sáng hôm thứ Năm 14/11, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm chính thức Tổng thống Cộng hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, tại Điện Quirinale. Vị nguyên thủ quốc gia Italia đã ra đón Đức Thánh Cha tại sân của điện Quirinale, với đội quân danh dự dàn chào và ban nhạc đã cử quốc thiều của cả Vatican và Italia.

  • 04  05/01/1964. Đức Phaolô VI hành hương Thánh Địa: một sự kiện lịch sử của Giáo hội Công giáo” là chủ đề của một Hội nghị diễn ra hôm thứ Sáu 15/11 tại Hội trường San Fedele, Tổng giáo phận Milano. Hội nghị là dịp Đức hồng y Angelo Scola cùng với Tổng giáo phận của ngài tôn vinh một trong những vị Tổng giám mục nổi tiếng nhất của Tổng giáo phận này: Đức hồng y Giovanni BattistaMontini, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngài được bầu lên Ngai toà Thánh Phêrô, năm 1963.

  • Hôm thứ Sáu 15/11, mặc dù đã quyết định hủy bỏ các cuộc tiếp kiến vào buổi sáng vì bị cảm lạnh nhẹ, buổi chiều ĐTC Phanxicô vẫn cử hành Thánh Lễ phong chức giám mục tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Vị tân chức là cha Fernando Vergez Alzaga, Dòng Đạo binh Chúa Kitô, đã được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Phủ Thống đốc Thành quốc Vatican hồi cuối tháng Tám vừa qua.

  • Đức Tổng giám mục Pietro Parolin, Tân Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã đến Vatican hôm thứ Bảy 16/11 và sẽ đảm nhiệm chức vụ này tại Điện Tông toà kể từ thứ Hai 18/11.

  • Ngày thứ Bảy 16/11, Tổng Giáo phận Manila đã dành trọn một ngày để thống hối, tĩnh tâm và ăn chay để bày tỏ tình hiệp thông và liên kết với đồng bào đang sống trong “đau khổ, hoảng loạn vì những tai họa liên tiếp tàn phá đất nước”.

  • Trong khuôn khổ Năm Đức Tin 2012–2013, tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Guadalupe (Mexico), từ ngày 16 đến 19-11-2013 đã diễn ra Hội nghị về truyền giáo với chủ đề “Đức Mẹ Guadalupe, Ngôi sao dẫn đường Tân Phúc-âm-hoá trên lục địa Mỹ châu”, đặt trọng tâm vào tầm quan trọng của biến cố Đức Mẹ hiện ra đã tác động đến tiến trình Phúc âm hoá theo sau biến cố –cũng như vẫn đang tiếp tục tác động– trên lục địa Mỹ châu.

  • Phòng báo chí Tòa Thánh ngày 18/11 đã ra thông cáo báo chí về việc Đức Thánh Cha vừa ban hành Tông thư dưới hình thức Tự sắc (Motu Proprio) về việc thành lập Cơ quan Thẩm tra Tài chính, viết tắt là AIF (Autorità di Informazione Finanziaria).

  • HĐGM Philippine đã gửi thư cho tất cả anh chị em Công giáo trên thế giới để bày tỏ sự cám ơn về những nghĩa cử huynh đệ đối với đất nước qua cơn siêu bão vừa qua.

  • Ngày 19/11, tại Vienna (Áo) đã khai mạc hội nghị của tổ chức mang tên “Trung tâm Đối thoại liên tôn và liên văn hoá Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz” (KAICIID). Tổ chức này đặt trụ sở tại Vienna, được thành lập bởi các quốc gia Saudi Arabia, Áo và Tây Ban Nha. Toà Thánh tham gia tổ chức với vai trò Quan sát viên sáng lập.

  • Sáng thứ Năm 21/11, tại Hội trường Clementine trong Điện Tông Toà, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các ​​Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương, cùng với các Tổng giám mục trưởng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu sứ vụ, Giám mục Roma đã có cuộc gặp gỡ lâu giờ với các vị lãnh đạo các Giáo hội Đông phương. Nhân dịp này Đức Thánh Cha đã nhắc lại “ngài rất trân trọng di sản thiêng liêng của Kitô giáo Đông phương”, và lặp lại kiểu nói của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về người lãnh đạo Giáo hội trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng “Giáo hội tại Trung Đông”: “Anh em là người bảo vệ sự hiệp thông và là tôi tớ của sự hiệp nhất Giáo hội”.

  • Đang khi các Thượng phụ Công giáo Đông phương họp Hội nghị tại Vatican (19–22/11/2013), cuộc leo thang bạo lực ở Liban và Ai Cập vẫn tiếp tục. Đức Giám mục phụ tá Shomali, thuộc Toà Thượng phụ Jerusalem thú nhận ngài cảm thấy lo sợ và kêu gọi hãy có một giải pháp cấp bách cho Syria để tránh một cuộc bùng nổ khó tránh khỏi trong khu vực.

  • Chiều thứ Năm 21/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuống hầm mộ bên dưới Đền thờ Thánh Phêrô để làm phép bức ảnh Thánh Pedro Calungsod của Philippines. Bức tranh được đặt gần mộ Đức giáo hoàng Phaolô VI. Cùng đi với Đức Thánh Cha có Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng giám mục Manila. Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã nói vài lời an ủi người dân đất nước Philippines - vừa gánh chịu sự tàn phá của cơn bão Haiyan.

  • Vatican luôn rộng cửa chào đón các nguyên thủ đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng hôm thứ sáu 22/11, có một vị lãnh đạo đặc biệt đã đến thăm Vatican, đó là chủ tịch liên đoàn bóng đá thế giới FIFA. Ông Blatter cũng mang theo 2 cái áo cầu thủ, một đen và một trắng, có ghi tên Đức Giáo Hoàng và số 10 ở phía sau. Ông cũng tặng Đức Giáo Hoàng huy chương và linh vật của World Cup 2014 sẽ được tổ chức tại Brazil. Nhưng có lẽ món quà độc đáo nhất là phiên bản tạp chí của FIFA trong đó có đăng một bài viết về đội bóng yêu thích của Đức Giáo Hoàng, đội San Lorenzo di Almagro.

  • Trong khuôn khổ Năm Đức Tin và vào ngày hôm trước lễ bế mạc năm Đức Tin, chiều thứ Bảy 23/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp nhận hơn 500 người xin gia nhập Hội thánh Công giáo. Nhóm người dự tòng này gồm nhiều quốc tịch, cả nam lẫn nữ và trẻ em.

  • Lúc 10g30 sáng Chúa nhật 24/11/2013, ngày lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin - được Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khai mạc vào ngày 11/10 năm ngoái. Hàng ngàn khách hành hương bất chấp cái lạnh cuối tháng 11 đã đến tham dự Thánh lễ trọng thể này dưới bầu trời u ám. Một điểm đặc biệt trong Thánh lễ là nghi thức trao Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm) vào cuối lễ - cho các tín hữu đại diện mỗi bậc sống trong Giáo hội, và nhiều thành phần ơn gọi, gồm có: một giám mục, một linh mục, một phó tế, một tu sĩ, một nữ tu, tập sinh, một gia đình, giáo lý viên, nghệ sĩ, phóng viên, người trẻ, người già và bệnh nhân.

  • Cũng trong buổi lễ bế mạc Năm Đức Tin 24/11, Toà Thánh cũng lần đầu tiên công bố 9 mãnh xương của Thánh Phêrô, Tông Đồ, vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo La Mã.

(Xin xem thêm tin tức trên website: tgpsaigon.net, hdgmvietnam.org ngoài ra mọi người có thể xem thêm các clip về Giáo Hoàng trên web youtube chính thức của toà thánh Vaitcan : youtube.com/user/vatican)





GƯƠNG THÁNH NHÂN

THÁNH EDMUND CAMPIÔN

1 - 12

Thánh Edmund Campiôn sống vào thế kỷ thứ 16. Vì có gốc Công giáo nên Thánh nhân được nhận một học bổng của trường đại học Thánh Gioan ở Oxford. Edmund là một sinh viên trẻ rất xuất sắc và nổi tiếng. Thực ra, Edmund Campiôn đã được chọn để đọc bài diễn văn chào đón Nữ hoàng Êlizabeth khi bà đến viếng thăm trường đại học. Nhóm sinh viên, vì bị lôi cuốn bởi bản tính vui vẻ và đa tài của Edmund Campiôn, đã chọn ngài làm lãnh đạo của họ. Ngay cả Nữ hoàng và các vị bộ trưởng của bà cũng ngưỡng mộ chàng thanh niên hoạt bát này. Edmund Campiôn lãnh chức phó tế bên Anh giáo năm 1564.


Thế nhưng, chẳng bao lâu, Edmund Campiôn đã có những ngờ vực về giáo thuyết của giáo phái của Anh giáo này. Edmund Campiôn liền tới Ai Len để học thêm. Bị thuyết phục bởi tính xác thực của Giáo hội Công giáo, Edmund tưởng như đã trở lại với Công giáo. Lúc bấy giờ, xảy ra một cuộc bách hại các Kitô hữu ở Anh quốc. Edmund Campiôn biết rằng mình sẽ thất sủng với Nữ hoàng và mọi cơ hội thăng tiến bản thân sẽ bị bỏ lỡ nếu trở thành Kitô hữu. Chàng thanh niên đã cầu nguyện và quyết định. Edmund phải trở thành Kitô hữu với bất cứ giá nào!
Sau khi trốn khỏi Anh quốc, Edmund Campiôn học làm linh mục. Rồi ngài gia nhập Dòng Tên. Khi Đức Thánh Cha quyết định sai một số tu sĩ dòng Tên sang truyền giáo tại Anh quốc, cha Edmund Campiôn là một trong các linh mục đầu tiên đã ra đi. Đêm hôm trước ngày cha Campiôn lên đường, một linh mục bạn đã viết dòng chữ này trên ngưỡng cửa của căn phòng ngài: “Edmund Campiôn, Thánh tử đạo!” Cho dù nhận biết nhiều nguy hiểm đang chờ mình phía trước, vị linh mục thánh thiện này vẫn khởi hành cách vui tươi. Thực ra, chính cha Edmund đã rất tức cười vì ngài phải ngụy trang thành một thương gia buôn bán nữ trang.
Tại nước Anh, Thánh Edmund Campiôn đã thuyết giảng rất thành công cho các Kitô hữu bí mật tới nghe ngài. Và các gián điệp của Nữ hoàng thì được cài đặt khắp nơi để truy nã Edmund Campiôn. Cha viết: “Tôi không thoát khỏi bàn tay của họ lâu nữa đâu! Thỉnh thoảng tôi lại đọc hàng chữ: ‘Campiôn đã bị bắt!’” Cuối cùng, một kẻ phản bội cũng đã làm cho cha Edmund Campiôn bị bắt giữ. Thánh nhân bị giam trong tháp đài Luânđôn, nơi Thánh nhân được thăm bởi những quan chức trước đây đã có lần rất ái mộ ngài. Hình như cả Nữ hoàng cũng đã tới thăm Edmund. Thế nhưng không một lời đe dọa hay hứa hẹn nào của họ đã làm cho Edmund Campiôn từ bỏ đức tin Công giáo, cũng như chẳng một hình khổ nào có thể làm cho Thánh nhân bị lung lạc. Dù chịu rất nhiều đau đớn, Edmund Campiôn vẫn tìm cách tự bảo vệ mình và các linh mục bạn bằng một kiểu nói dí dỏm tuyệt vời không ai có thể bắt bẻ.
Tuy nhiên, các kẻ thù của Giáo hội đã lên án Edmund Campiôn bằng mọi cách. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha Edmund Campiôn đã tha thứ cho kẻ bắt nộp ngài. Thậm chí Thánh nhân đã giúp ông cứu lấy mạng sống của ông nữa. Thánh Edmund Campiôn qua đời năm 1581, lúc được 41 tuổi. Đến năm 1970, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn phong Edmund Campiôn làm một trong bốn mươi vị Thánh tử đạo tại Anh quốc và xứ Wales.

Thánh Edmund Campiôn đã nghiên cứu đức tin, đã bị thuyết phục sâu xa bởi tính chân thực của đức tin và đã anh dũng làm chứng cho đức tin ấy. Như ngài, chúng ta cũng hãy tìm hiểu đức tin của mình ngày một sâu hơn. Chúng ta hãy nài xin Thánh Edmund Campiôn ban cho những ơn cần thiết để chúng ta cũng sống chân thực với những giá trị và niềm tin của mình.





THÁNH GIOAN KANTY (KÊTY)

23 - 12

Vị Thánh gốc người Ba Lan này sinh năm 1390, là con trai của một nông dân tốt lành. Nhận thấy con mình rất thông minh, song thân Gioan đã gởi ngài tới học tại trường đại học Kracow. Gioan Kanty học hành rất giỏi. Sau đó, Gioan trở thành linh mục, giáo sư và một nhà giảng thuyết. Thánh nhân cũng nổi tiếng về lòng yêu thương người nghèo. Lần kia, Gioan Kanty dùng bữa tại căn tin của nhà trường. Bắt đầu bữa ăn, Gioan nhận thấy có một người hành khất đi ngang qua cửa sổ. Ngay lập tức, Gioan Kanty đã chạy ra và trao phần ăn tối của mình cho người ăn xin này.


Một số người đã ghen tức với sự thành công của Gioan, vì ngài vừa là giáo sư vừa là nhà thuyết giảng. Và họ đã tìm cách tước khỏi ngài chức vị giáo sư đại học và chuyển ngài đến trông coi một xứ đạo. Tại đây, Gioan Kanty đã dồn hết tâm huyết vào nhịp sống mới. Tuy nhiên, thoạt đầu mọi sự chưa mấy tốt đẹp. Dân chúng chưa hết lòng cộng tác với ngài, và Gioan Kanty cũng sợ trách nhiệm. Dầu vậy, Gioan Kanty quyết không nhượng bộ; và cố gắng của Gioan Kanty đã đem lại nhiều kết quả. Lúc người ta mời cha Gioan Kanty về lại trường học, bổn đạo trong giáo xứ đã tỏ lòng thương mến ngài cách đặc biệt. Họ đã tiễn Gioan một đoạn đường dài. Thật ra, vì thấy họ rất buồn khi tiễn đưa mình ra đi, cha Gioan Kanty đã nói với họ: “Sự phiền muộn này không làm hài lòng Thiên Chúa đâu! Nếu trong những năm qua cha đã làm điều gì tốt cho các con, các con hãy ca lên bài ca hân hoan!”
Trở lại Kracow, Gioan Kanty lại tiếp tục dạy các lớp Kinh Thánh; và Thánh nhân lại trở nên rất nổi tiếng. Gioan được mời về làm gia sư cho các con em thuộc gia đình quý tộc. Tuy nhiên, Thánh nhân vẫn ăn mặc hết sức giản dị; và ngài đã bố thí cho người nghèo tất cả những gì mình có. Lần kia, Gioan Kanty vận một bộ áo dòng đen (cũng gọi là áo chùng thâm) cũ kỹ đến dự tiệc. Các người hầu tiệc đã không cho Gioan Kanty vào. Thánh nhân phải trở về nhà và thay một bộ áo mới. Trong buổi dạ tiệc hôm ấy, có người đã vô ý làm đổ dĩa thức ăn lên bộ áo của Gioan. “Đừng nghĩ ngợi gì,” vị Thánh nói với giọng hài hước, “bộ áo dòng của tôi dù sao cũng đáng được dùng một chút thức ăn, vì không có nó, tôi đã chẳng được ngồi ở đây!”
Thánh Gioan Kanty sống thọ 83 tuổi. Trong suốt những năm ấy, rất nhiều lần Thánh nhân đã bán những của ngài có để giúp đỡ người nghèo. Khi người ta bật khóc vì nghe biết Gioan Kanty đang hấp hối, Thánh nhân đã an ủi họ: “Anh em đừng lo lắng cho cái nhà tù hay hư nát này; một hãy nghĩ tới linh hồn sắp sửa được thoát khỏi chốn ngục tù ấy!” Thánh Gioan Kanty về trời năm 1473; và được Đức Thánh Cha Clêmentê XIII tôn phong lên bậc hiển Thánh năm 1767.

Chúng ta hãy học nơi Thánh Gioan Kanty sự chuyên cần chu toàn việc học cũng như việc nhà. Thiên Chúa chỉ mong đợi chúng ta cố gắng hết mình và Người sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin Thánh Gioan Kanty giúp chúng ta làm việc với tinh thần vui tươi phấn khởi.

NĂM PHỤNG VỤ 2013 - 2014

LỊCH CÔNG GIÁO THÁNG 12-2013

Ý cầu nguyện :­­

- Ý chung : Cầu cho các trẻ em, nạn nhân của việc bỏ rơi và mọi hình thức bạo lực: Xin cho các trẻ em, nạn nhân của việc bỏ rơi và của mọi hình thức bạo lực tìm được tình yêu và sự bảo vệ mà các em cần.

- Ý truyền giáo : Cầu cho các Kitô hữu: Xin cho các Kitô hữu được ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể soi sáng, biết chuẩn bị cho nhân loại đón Chúa Cứu Thế ngự đến.



MÙA VỌNG
Mùa Vọng có hai đặc tính : vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39).
01-12 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG. Thánh vịnh tuần I.

03-12 Thứ Ba. THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

04-12 Thứ Tư. Thánh Gioan Đamas, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.

05-12 Thứ Năm đầu tháng.

06-12 Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Nicôla, giám mục. Kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

07-12 Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Kiệu Đức Mẹ Maria.

08-12 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG. Thánh vịnh tuần II.

09-12 Thứ Hai. ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

11-12 Thứ Tư. Thánh Đamasô I, Giáo Hoàng.

12-12 Thứ Năm. Đức Mẹ Guađalupê.

13-12 Thứ Sáu. Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

14-12 Thứ Bảy. Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

15-12 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG. Thánh vịnh tuần III.

21-12 Thứ Bảy. Thánh Phêrô Canisiô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.

22-12 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG. Thánh vịnh tuần IV.

23-12 Thứ Hai. Thánh Gioan Kêty (Kanty), linh mục.
MÙA GIÁNG SINH
Sau việc cử hành hằng năm mầu nhiệm Vượt Qua, Hội Thánh không có việc cử hành nào cổ xưa bằng việc kính nhớ Chúa Giáng Sinh và kính nhớ những lần tỏ mình đầu tiên của Người : đó là Mùa Giáng Sinh”.
24-12 Thứ Ba. Tối : Lễ vọng CHÚA GIÁNG SINH.

25-12 Thứ Tư. CHÚA GIÁNG SINH. Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ buộc. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

26-12 Thứ Năm. NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. THÁNH STÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính.

27-12 Thứ Sáu. NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

28-12 Thứ Bảy. NGÀY IV TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO. Lễ kính.

29-12 CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. THÁNH GIA : CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE. Lễ kính.

30-12 Thứ Hai. NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. Thánh vịnh tuần I.

31-12 Thứ Ba. NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH. Thánh Silvester I, Giáo Hoàng.

GÓC SUY TƯ

Ai đưa tôi về?

Dạy giáo lý xong, thong thả sải từng bước chân trở về nhà, lồng ngực căng phồng hít lấy làn khí mát mẻ của vùng cao nguyên trong lành, chợt giật mình khi người bạn gần phòng đón ngay cổng vào: “Nè, sao đi về một mình, không ai đưa về hả?”

Cái tên này lạ thiệt - tôi thầm nghĩ - đã là người đi tu thì về hay đi đều chỉ có một mình chứ làm gì có bóng hồng nào đi kèm nữa? Lại còn cười cười như trêu ngươi nữa chứ!

Vậy mà câu hỏi nghịch ngợm của hắn cũng khiến mình suy nghĩ nhiều trước khi lên giường nghỉ đêm!

Đương nhiên, là người đáp lại ơn gọi sống độc thân thánh hiến, tôi không nghĩ đến việc tìm một người “đồng hành” như các bạn trẻ chọn sống đời hôn nhân thường làm, nên tôi chẳng băn khoăn và buồn bã khi nhiều năm nay vẫn ở trong tình trạng “độc thân vui tính”. Nhưng điều khiến tôi bận tâm lúc này, chính là: Chuyến đi cuối cùng của đời tôi, ai sẽ là người đưa tôi về Nhà Cha? Thật hữu lý khi nghĩ đến việc này, nhất là trong tháng 11, thời gian được gọi thân thương là “mùa cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời”!

Tôi từng chứng kiến cuộc ra đi của một người mẹ có đến tám người con, trong đó đứa út đang ở nước ngoài! Gần 80 năm cuộc đời, người mẹ này sống tròn bổn phận làm gương mẫu cho đoàn con, cũng như sống hiền hòa dễ thương với những người lân cận, những tưởng lúc được Chúa gọi về thì bà sẽ có một cái chết đẹp: xuôi tay nhắm mắt!

Thế mà, mặc cho bà đã ra đi trong êm ái, không đau đớn, không phiền muộn ai và chẳng ai phải phiền trách bà, nhưng tay bà đã xuôi mà mắt chưa thể nhắm. Bà như vẫn đang đợi chờ một kết thúc hoàn hảo nào đó. Người ta nói rằng, bà đang đợi người con út trở về nhìn bà lần sau hết! Tay đã xuôi, nhưng mắt vẫn tha thiết, khắc khoải đợi chờ một bóng hình!

Mãi đến khi cậu út trở về đưa tay vuốt mắt cho bà, thì lúc đó khuôn mặt người quá cố dường như giãn ra với một nụ cười mãn nguyện, bà đã an tâm lên đường trong chuyến đi cuối cùng của đời người!

Còn nhớ câu chuyện người bạn đại học kể nhiều năm về trước, ba của anh ta định cư tại Mỹ, trước khi qua đời hằng mong mỏi được trở về quê hương để thưởng thức một món ăn dân dã vùng Quảng Nam, nơi ông sinh ra và lớn lên! Sự khao khát của ông cụ thật là mãnh liệt, tiếc rằng ông không kịp về quê để thưởng thức hương vị quê nhà một lần trước khi đi xa mãi mãi! Ông ra đi với một ước mong còn dang dở!

Mình hỏi bạn: “Phải chăng đó là một món ăn đặc sản quê cậu?” Bạn cười, trả lời rằng: “Món đó chẳng hấp dẫn gì cho lắm, thời nay, con nít cũng chẳng thèm đụng đũa khi thấy nó!” Mình tròn xoe mắt, càng ngạc nhiên hơn! Để giải tỏa sự thắc mắc lớn lao của mình, bạn vội đưa ra đáp án: “Ba của tớ ao ước được ăn lại món đó, chẳng phải vì nó ngon, mà vì nó gắn liền với kỷ niệm đẹp thời thanh xuân, đó là món ăn đầu tiên của chàng sinh viên nghèo đãi cô bạn gái xinh đẹp mới quen (chàng nghèo chỉ có đủ tiền để mời cô ấy món quà dân dã và rẻ như vậy mà thôi!).

Ra vậy, trước lúc từ giã cõi đời tạm này, ông cụ vẫn mang trong tim hình bóng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ đã ai quên” (thơ Thế Lữ), chứ nào phải đâu vì ước một món ăn!

Một người mong mỏi con trai mình đã sinh thành dưỡng dục, người kia lại ấp ủ trong lòng bóng hình người yêu!

Khi từ giã cõi đời này, người thì mong gặp được người thân trong gia đình lần cuối, người lại mang theo kỷ niệm đẹp (nhưng chính xác là mong cùng đi với người đã làm nên một nửa cuộc sống mình), còn tôi, một người đang hạnh phúc trong hoàn cảnh “vui tính mà vẫn độc thân” thì sẽ mong mỏi được ai đưa tiễn lên chuyến tàu cuối cùng cuộc đời?

Chưa kịp giải đáp cho câu hỏi trên, thì một ưu tư khác đã ập đến trong tâm trí: “Khi trở về với Cha nhân hậu trên trời, thì tôi sẽ mang theo hành trang nào đến gặp Ngài?”



Hai vấn nạn lớn mà tôi vẫn chưa tìm được đáp án chắc chắn, thì này đôi mắt đã nặng trĩu và một giấc ngủ sâu chiếm lấy cơ thể đang mệt mỏi của tôi! Trong giấc ngủ vùi, tôi nghe văng vẳng lời ca: “Chúa là gia nghiệp đời con!”




NỤ CƯỜI THƯ GIÃN

Không răng

Một cha người Bắc đến thăm nhà giáo dân người Huế. Vừa bước tới thì con chó Bẹc-giê hung tợn lao ra sủa ầm ĩ. Cha kinh hãi nhảy tót lên hàng rào. Con bé con nhà chủ chạy ra nói :

- Cha xuống đi cha ơi, không răng đâu cha ơi, không răng đâu!

Cha hổn hển quát lớn :

- Con quỷ kia láo khoét vừa thôi, chó nhà mày răng đầy mồm, mà nàm thao mày nói nó không răng?

- ???


Để được Chúa tha tội

Trong một buổi dạy giáo lý cho thiếu nhi, sau khi giảng về sự tội và sự ăn năn. Thầy giúp xứ hỏi lại các em :

- Muốn Chúa tha tội cho chúng ta, vậy thì điều trước tiên chúng ta phải làm gì nào các em?
Một em trai nhanh miệng trả lời :

- Dạ để được Chúa tha tội thì trước tiên chúng ta phải phạm tội ạ !

- !!!???




Каталог: sites -> default -> files -> Documents
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin giáo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5
Documents -> GIÁo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận : 38557616.  Giờ Thánh Lễ
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TẬp san hiệp sống tin mừng tháng 12. 2015 TƯ liệu học tập của hiệp hội thánh mẫu lưu hành nội bộ NỘi dung
Documents -> KÕt cÊu bª t ng Vµ bª t ng cèt thÐp L¾p ghÐp
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin giáo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5

tải về 118.49 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương