TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin giáo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5



tải về 147.86 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích147.86 Kb.
#24956



TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

BẢN TIN

GIÁO XỨ JEANNE D’ARC (NGÃ SÁU)

: 116A Hùng Vương, Phường 9, Quận 5.

: 38557616.

Giờ Thánh Lễ:



- Chúa Nhật : 5g00; 7g00; 9g00; 16g00

Chầu Thánh Thể : 15g15

- Ngày thường : 5g00; 17g00

* Thứ Bảy đầu tháng :

Chầu Thánh Thể : 11g00

Giờ Giải Tội: Sau Thánh lễ, ai muốn xưng tội, xin trình Linh mục được rõ.



Số 73 (Năm thứ 7) Tháng 5, 2015

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội

lần thứ 49

Lễ Chúa Thăng Thiên, ngày 17 tháng Năm 2015


TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH,
NƠI DÀNH RIÊNG ĐỂ GẶP GỠ


QUÀ TẶNG TÌNH YÊU

Gia đình là một chủ đề được Giáo hội suy tư sâu sắc và có liên quan đến hai Thượng hội đồng Giám mục: Thượng hội đồng Giám mục khóa ngoại thường mới đây và Thượng hội đồng Giám mục khóa thường lệ sẽ diễn ra vào tháng Mười tới. Vì vậy, tôi nghĩ thật là thích hợp khi chọn chủ đề nói về gia đình cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sắp tới. Cuối cùng ra, chính trong bối cảnh gia đình mà chúng ta bắt đầu học cách truyền thông. Việc tập trung vào khung cảnh này sẽ giúp chúng ta làm truyền thông được đúng đắn và nhân văn hơn, đồng thời chúng ta sẽ nhìn gia đình với một nhãn quan mới.

Chúng ta có thể lấy gợi ý từ đoạn Phúc Âm về việc Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét (Lc 1, 39-56). “Khi bà Êlisabét nghe lời chào của Đức Maria, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lên rằng: ‘Em có phúc hơn các phụ nữ, và con trong bụng em quả là được chúc phúc’” (1, 41-42).

Đoạn Phúc Âm này trước hết cho chúng ta biết truyền thông là sự đối thoại được đan dệt bằng ngôn ngữ cơ thể như thế nào. Câu đầu tiên đáp lời Đức Maria chào là của hài nhi đang nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét. Vui mừng gặp gỡ tha nhân, vốn là điều chúng ta học được từ trước khi chào đời, xét theo nghĩa nào đó, là nguyên mẫu và biểu tượng của mọi hình thức truyền thông khác. Cung lòng đón nhận chúng ta chính là “ngôi trường” đầu tiên dạy truyền thông, là nơi lắng nghe và tiếp xúc qua thể xác, nơi chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài, trong một môi trường được bảo vệ, được tiếng của nhịp đập trái tim mẹ vỗ về. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người này, dù vẫn tách biệt với nhau nhưng lại có mối liên quan rất mật thiết, một cuộc gặp đầy hứa hẹn, trở thành kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta về truyền thông. Đó là kinh nghiệm tất cả chúng ta đều có thể chia sẻ, bởi mỗi chúng ta đều được sinh ra từ một người mẹ.

Dù khi đã chào đời, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta vẫn ở trong một “cung lòng”, tức là gia đình. Một cung lòng được hình thành từ nhiều con người được đan kết với nhau: gia đình là “nơi chúng ta học sống với tha nhân dù có những dị biệt” (Evangelii Gaudium, 66). Mặc dù khác nhau về giới tính và tuổi tác, nhưng mọi người trong gia đình đều đón nhận nhau vì có mối dây liên kết họ với nhau. Phạm vi những mối quan hệ này càng rộng và sự khác biệt tuổi tác càng lớn, thì môi trường sống của chúng ta càng phong phú. Đó chính là mối liên kết ở ngay cội nguồn của ngôn ngữ, rồi đến lượt mình, ngôn ngữ lại củng cố mối liên kết đó. Chúng ta không tạo ra ngôn ngữ nhưng sử dụng ngôn ngữ, bởi chúng ta đã tiếp nhận nó. Chính trong gia đình, chúng ta học nói tiếng “mẹ đẻ”, ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta (x. 2 Mcb 7, 25.27). Trong gia đình, chúng ta nhận ra rằng những người khác đã đến trước chúng ta, tạo lập gia đình cho chúng ta sống được, rồi đến lượt mình, chúng ta cũng lại sinh ra sự sống và làm những việc tốt đẹp. Chúng ta có thể trao ban, bởi chúng ta đã lãnh nhận. Vòng luân chuyển tốt lành này là cốt lõi của khả năng truyền thông giữa mọi người trong gia đình với nhau và với những người khác. Nói khái quát hơn, đó là kiểu mẫu của mọi truyền thông.

Kinh nghiệm về mối quan hệ với những người “đến trước” chúng ta mang lại cho gia đình khả năng trở thành nơi chuyển giao hình thức truyền thông cơ bản nhất, đó là cầu nguyện. Khi cha mẹ đặt đứa con mới sinh của mình vào giường ngủ, họ thường phó dâng chúng cho Chúa, xin Chúa trông nom chúng. Khi con cái lớn thêm một chút, cha mẹ giúp chúng biết đọc các kinh thông thường, biết thân thương nghĩ đến người khác, chẳng hạn ông bà nội ngoại, họ hàng, người đang đau ốm, khổ sở và mọi người đang cần được Chúa thương giúp sức. Chính trong gia đình, phần lớn chúng ta được học hỏi về chiều kích tôn giáo của truyền thông; riêng đối với Kitô giáo, đó là chiều kích thấm nhuần tình yêu, một tình yêu đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta mang đến cho tha nhân.

Trong gia đình, chúng ta được học biết cưu mang và nâng đỡ nhau, biết nhận ra ý nghĩa được biểu lộ nơi khuôn mặt và những khoảnh khắc im lặng, biết cùng cười và cùng khóc với những người chưa đón nhận nhau nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhau. Điều này giúp chúng ta rất nhiều trong việc hiểu được ý nghĩa của truyền thông là nhìn nhận và tạo nên sự gần gũi. Khi chúng ta thu hẹp những khoảng cách bằng cách đến gần nhau hơn và đón nhận nhau, chúng ta sẽ trải nghiệm được lòng biết ơn và niềm vui mừng. Lời chào của Đức Maria và sự cựa quậy của hài nhi trong lòng Mẹ là sự chúc lành cho bà Êlisabét; tiếp theo là bài ca Magnificat tuyệt đẹp được Đức Mẹ cất lên để chúc tụng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với Mẹ và dân của Người. Lời “xin vâng” được thốt lên với niềm tin có thể giúp chúng ta bước ra khỏi bản thân mình và ra khỏi chỗ của mình nơi trần gian. “Thăm viếng” là mở toang những cánh cửa, không khép kín trong thế giới nhỏ bé của chúng ta, nhưng bước ra ngoài đến với mọi người. Cũng thế, gia đình trở nên sống động khi tỏa lan ra bên ngoài bản thân mình, những gia đình thực hiện điều đó chính là đang truyền đi sứ điệp sự sống và hiệp thông, mang lại sự nâng đỡ và hy vọng đến với những gia đình mong manh, và nhờ đó xây dựng chính bản thân Hội Thánh, gia đình của mọi gia đình.

Hơn bất cứ nơi nào khác, gia đình là nơi hằng ngày chúng ta trải nghiệm những giới hạn của chính mình và của những người khác, những vấn đề lớn nhỏ trong việc chung sống an bình với những người khác. Không có gia đình nào là hoàn hảo. Chúng ta không nên sợ những bất toàn, yếu đuối hay cả những xung khắc, nhưng hãy học cách đối phó với những điều ấy một cách xây dựng. Vì thế gia đình –nơi chúng ta vẫn yêu thương nhau dù có những giới hạn và tội lỗi– trở thành một trường học của sự tha thứ. Chính tha thứ là một tiến trình truyền thông. Khi tâm tình hối lỗi được bày tỏ và chấp nhận, việc truyền thông đã bị cắt đứt lại có thể được khôi phục và nối lại. Nếu một đứa trẻ đã học được nơi gia đình cách lắng nghe người khác, phát biểu cách tôn trọng và bày tỏ quan điểm của mình mà không phủ nhận người khác, đứa trẻ đó sẽ trở thành người xây dựng đối thoại và hòa giải trong xã hội.

Khi nói đến những thách đố của truyền thông, các gia đình có con cái bị khuyết tật có nhiều điều để dạy chúng ta. Một năng lực khiếm khuyết, dù là thể lý hay tâm trí, có thể là lý do khiến người ta sống khép kín, nhưng nó cũng có thể –nhờ tình yêu của cha mẹ, của anh chị em và bạn hữu–, trở thành sự khích lệ mở ra, chia sẻ và sẵn sàng truyền thông với mọi người. Nó cũng có thể giúp cho các trường học, các giáo xứ và các hội đoàn trở nên niềm nở hơn và đón nhận mọi người.

Trong một thế giới mà người ta thường thoá mạ, sử dụng ngôn ngữ tục tằn, nói xấu người khác, gieo mối bất hoà và đầu độc môi trường của con người bằng thói buôn chuyện, các gia đình có thể dạy cho chúng ta hiểu rằng truyền thông là một phúc lành... Trong những hoàn cảnh dường như bị chi phối bởi hận thù và bạo lực, khi mà các gia đình bị phân rẽ bởi những bức tường bằng đá hay những bức tường của định kiến và giận dữ - cũng khó vượt qua không kém, khi mà hình như có lý do chính đáng để nói rằng “thôi, đủ rồi”, thì việc chúc phúc chứ không phải thoá mạ, thăm viếng chứ không phải từ khước và đón nhận chứ không phải đấu tranh, mới là phương thế duy nhất để phá vỡ vòng xoáy của sự ác, để cho thấy rằng sự thiện luôn là điều khả thi, và để giáo dục con cái chúng ta sống tình bằng hữu.

Ngày nay các phương tiện truyền thông hiện đại, vốn là một phần thiết yếu của cuộc sống, cách riêng đối với những người trẻ, có thể vừa là sự trợ giúp vừa là một trở ngại cho việc truyền thông trong gia đình và giữa các gia đình. Phương tiện truyền thông có thể là một trở ngại nếu chúng trở thành một phương cách để tránh né việc lắng nghe người khác, tránh việc giao tiếp cụ thể, để lấp đầy những khoảnh khắc thinh lặng và nghỉ ngơi, đến độ chúng ta quên rằng “thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa” (ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2012). Các phương tiện truyền thông có thể giúp cho việc truyền thông được dễ dàng khi chúng làm cho mọi người biết chia sẻ câu chuyện đời mình, giữ liên lạc với bạn hữu ở xa, cảm ơn hoặc xin lỗi người khác, và mở ra những cuộc gặp gỡ mới. Khi mỗi ngày mỗi khám phá tầm quan trọng cốt yếu của việc gặp gỡ người khác, là những “khả năng mới”, chúng ta sẽ sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan, chứ không để cho nó thống trị. Ở đây cũng vậy, cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, nhưng không được để mặc họ với các thiết bị truyền thông. Cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi giúp đỡ họ trong việc giáo dục con cái làm thế nào để sống trong một môi trường truyền thông một cách phù hợp với phẩm giá con người và phục vụ công ích.

Thách đố lớn đối với chúng ta ngày nay là học lại lần nữa cách nói chuyện với nhau, không đơn giản chỉ là cách tạo ra và tiêu thụ thông tin. Đây là khuynh hướng mà các phương tiện truyền thông hiện đại có thể cổ võ. Thông tin là quan trọng, nhưng không đủ, vì rất nhiều khi nó giản lược, đặt các lập trường và quan điểm khác biệt đối lập nhau, và bắt chúng ta chọn đứng về bên nào, chứ không phải có cái nhìn tổng thể.

Để kết luận, gia đình không phải là một đề tài tranh luận hay một nơi đụng độ về ý thức hệ. Nhưng đúng hơn là một môi trường trong đó chúng ta học truyền thông bằng kinh nghiệm gần gũi, là một khung cảnh diễn ra truyền thông, là một “cộng đồng truyền thông”. Gia đình là một cộng đồng để trợ giúp, tôn vinh sự sống và sinh hoa kết quả. Một khi nhận ra điều này, chúng ta sẽ thêm một lần nữa có thể thấy rằng gia đình vẫn là một nguồn nhân lực phong phú như thế nào, chứ không phải là một vấn đề hay một cơ chế đang gặp khủng hoảng. Đôi khi các phương tiện truyền thông có xu hướng trình bày gia đình như một thứ mô hình trừu tượng mà người ta có thể chấp nhận hay từ khước, bảo vệ hay tấn công, chứ không phải là một thực tại sống động. Hoặc như một khu vực xung đột ý thức hệ chứ không phải là một môi trường nơi mà mọi người chúng ta có thể học biết truyền thông có ý nghĩa gì trong một tình yêu trao ban và đón nhận. Như thế có nghĩa là nhìn nhận rằng đời sống của chúng ta ràng buộc với nhau như một thực tại duy nhất, rằng chúng ta có nhiều quan điểm, nhưng mỗi người là độc đáo.

Gia đình cần được xem như là một nguồn lực chứ không phải là một vấn đề đối với xã hội. Gia đình sẽ trở nên đẹp nhất khi biết dùng chứng tá để tích cực truyền thông vẻ đẹp và sự phong phú của mối tương quan giữa người nam và người nữ, giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta không đấu tranh để bảo vệ quá khứ. Nhưng chúng ta kiên trì và tin tưởng khi nỗ lực xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới chúng ta đang sống.



Vatican, ngày 23 tháng Giêng 2015
Ngày áp lễ Thánh Phanxicô Salêsiô


Đức Thánh Cha Phanxicô

TIN TỨC

GIÁO XỨ :

  • Ngày 29/4, cha xứ dâng thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 45 năm thụ phong Linh mục. Đồng tế với cha là các bạn cùng khóa. Thánh lễ còn có sự có mặt của bà con giáo dân cùng hiệp thông thánh lễ với cha.

GIÁO PHẬN :

  • Như thường lệ, sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 02.4.2015, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu vào lúc 8g30 tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn. Đồng tế với ngài có Cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân và khoảng 400 linh mục. Tham dự có quý thầy phó tế, đông đảo nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa của nhiều giáo xứ trong Tổng Giáo phận, ước tính có đến 3.500 người.

  • Buổi Canh thức Phục sinh do ĐTGM TGP Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc chủ sự đã được cử hành vào lúc 21g00 Thứ Bảy 04.4.2015, tại Nhà thờ Chính toà Sài Gòn (NTCT). Đồng tế với ĐTGM có Cha chánh xứ NTCT Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Cha Chưởng ấn Giuse Đỗ Mạnh Hùng, hai cha phụ tá NTCT và cha Trưởng ban Truyền Thông TGP Sài Gòn. Tham dự có quý nam nữ tu sĩ và đông đảo giáo dân ở nhiều nơi trong thành phố quy tụ về, chật kín cả nhà thờ.

Phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh gồm bốn phần liên kết chặt chẽ với nhau: phụng vụ Ánh Sáng, phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh Tẩy và phụng vụ Thánh Thể.

  • Buổi hội thảo “Đồng hành cùng Tự Kỷ” đã được tổ chức thật quy mô vào lúc 7g30 sáng thứ Bảy, ngày 11/4/2015, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM.

  • Theo thông lệ hằng năm, Chúa nhật II Phục Sinh năm nay, ngày 16/4/2015, cộng đoàn LCTX TGP Sài Gòn đã long trọng mừng đại lễ Kính LCTX tại Trung tâm Mục vụ. Tiếp đón khách lúc 14g00, Thánh lễ lúc 17g40 và kết thúc vào 19g45. Thánh lễ đồng tế do Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ tế; Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long huấn từ về LCTX.

  • ĐTGM Phaolô đã ra thư kêu gọi đóng góp xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang bằng cách dành ra Chúa nhật đầu tháng 5-2015 là tháng Hoa kính Đức Mẹ để bắt đầu cuộc lạc quyên rộng lớn cho việc xây dựng VCTĐĐMLV.

GIÁO HỘI :

VIỆT NAM :

  • Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) các số 20, 21, 22, 23/2015 (tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc).

  • Nhân Hội nghị Thường niên của HĐGMVN Kỳ I/2015 (từ ngày 13-16/4/2015), Ủy ban Giáo lý Đức tin/HĐGMVN đã ra Thông cáo về điều được gọi là “Sứ điệp từ trời”. Về hiệu quả, các sứ điệp không mang lại bình an tâm hồn, nhưng gieo rắc sự sợ hãi hoang mang cho nhiều tín hữu. Vì thế, các tín hữu Công giáo sẽ không đọc, không phổ biến và không rao giảng các “Sứ điệp từ trời” này.

  • Từ chiều tối thứ Hai 13-4-2015, các Giám mục Việt Nam đã bắt đầu Hội nghị Thường niên Kỳ I năm 2015 tại Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận Tp. HCM. Tham dự Hội nghị có 32 giám mục thuộc 25 giáo phận và cha giám quản giáo phận Vĩnh Long. Hội nghị kết thúc vào ngày thứ Năm 16-4-2015.

  • Đức Tổng Giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phaolô Bùi Văn Đọc đã cắt băng khánh thành và làm phép trụ sở Caritas Việt Nam, thuộc Ủy Ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam, tọa lạc tại số 319 Quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, TPHCM, vào lúc 18 giờ ngày 16/4/2015. Cùng cắt băng với ngài có Đức Tổng Giám mục đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam Leopoldo Girelli, Đức cha giáo phận Xuân Lộc Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Đức cha chủ tịch Ủy ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam Tôma Vũ Đình Hiệu, và ông chuyên viên đặc trách vùng Lào, Pakistan và Việt Nam của tổ chức bác ái Miserreor.

  • TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG đã ra thông báo Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Nguyên Giám Đốc Chương Trình Đài Chân Lý Á Châu, đã được Chúa gọi về vào lúc 2 giờ 30 sáng Thứ Ba, ngày 21/4/2015, hưởng thọ 68 tuổi. Thánh lễ An táng cử hành tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long vào lúc 10g sáng thứ Sáu ngày 24/4/2015.

HOÀN CẦU :

  • Hãy chấp nhận sự mệt mỏi của mình và học cách nghỉ ngơi trong Chúa”: Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây cho các linh mục trên khắp thế giới, khi cử hành Thánh Lễ làm Phép Dầu thánh vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh 02-4, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh Cha có các linh mục của giáo phận Roma, và trong Thánh lễ này họ sẽ lặp lại lời hứa khi chịu chức linh mục.

  • Chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh 02-4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà tù Rebbibia ở mạn đông Roma để cử hành Thánh lễ Tiệc ly và rửa chân cho các  tù nhân. rước khi bước vào ngôi nhà nguyện của nhà tù, Đức Thánh Cha cùng với ĐHY Agostino Vallini - giám quản giáo phận Roma, và cha Sandro Spriano - tuyên úy nhà tù, đã dừng lại khá lâu để chào hỏi các nhân viên nhà tù và các tù nhân. Nhiều người đã ôm lấy ĐTC, rất xúc động vì được gặp ĐTC.

  • Ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Shabaab của Somalia vào trường Đại học Garissa ở Kenya vào sáng sớm ngày thứ Năm Tuần Thánh 02-4, khiến ít nhất 147 người thiệt mạng, ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã gửi một điện văn chia buồn đến ĐHY John Njue, Tổng giám mục Nairobi và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya. Trong bức điện văn, ĐHY Parolin cho biết ĐTC Phanxicô “hết sức đau buồn vì cuộc tấn công đã gây ra tổn thất sinh mạng quá lớn và bi thảm”, đồng thời chắc chắn ngài cũng hứa sẽ cầu nguyện.

  • Tối Thứ Sáu Tuần Thánh 03-4, hàng ngàn tín hữu đã đến Hí trường Colosseum ở Roma để tham dự Đàng Thánh giá truyền thống do ĐTC Phanxicô chủ sự và Đức giám mục Renato Corti, nguyên giám mục giáo phận Novara, Italia, hướng dẫn suy niệm. Chủ đề lần này là “Thánh giá: đỉnh cao sáng ngời của Tình yêu che chở của Thiên Chúa”.

  • Tối Thứ Bảy Tuần Thánh 04-4, hơn 1.000 người chen chúc trong một căn lều tại một trại tị nạn ở Irbil, Iraq, để tham dự Thánh Lễ Vọng Phục Sinh do ĐHY Fernando Filoni cử hành. ĐHY Filoni, nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Iraq, đã  đến Iraq từ hôm thứ Hai 30-3 để đại diện cho ĐTC Phanxicô bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị buộc phải trốn chạy cơn cuồng nộ của quân “Nhà nước Hồi giáo”. Ngài cũng đem theo một món quà của cá nhân Đức Thánh Cha gửi tặng người tị nạn.

  • Sáng Chúa nhật 05-4 tại Quảng trường Thánh Phêrô, hàng chục ngàn khách hành hương đã dầm mình trong mưa lạnh để tham dự Thánh lễ Phục Sinh, lắng nghe Sứ điệp Phục sinh và nhận lãnh Phép lành Urbi et Orbi truyền thống của Đức Thánh Cha. Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha: Ai có quyền năng, tình yêu và công lý của Thiên Chúa thì không cần dùng đến bạo lực”.

  • Trong khuôn khổ Năm Đời sống Thánh hiến, một Hội nghị quốc tế dành cho các nhà đào tạo của các Dòng Giáo hoàng đã khai mạc tại Roma vào ngày 07-4-2015. Hội nghị kéo dài 4 ngày do Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ (Bộ Tu sĩ) tổ chức, với chủ đề “Sống trong Chúa Kitô theo khuôn mẫu của đời sống Phúc Âm – Được đào tạo sống thánh hiến trong lòng Hội Thánh và thế giới”.

  • Chiều thứ Bảy 11-4-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức công bố Trọng sắc mở Năm Thánh đặc biệt, bắt đầu từ ngày 08 tháng Mười Hai 2015, gọi là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đức ông Leonardo Sapienza, Chánh Văn phòng của Phủ Quản gia Giáo hoàng, đã tuyên đọc một số đoạn của Trọng sắc trong một nghi thức cử hành tại Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

  • Ngày 13-4-2015, Toà thánh Vatican công bố: ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm các vị Tân hồng y được ngài vinh thăng Hồng y trong Công nghị Hồng y ngày 14-2-2015 làm thành viên của các cơ quan trong Giáo triều Rôma. ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Truyền giáo và của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình.

  • Hôm thứ Năm 16-4,cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã cho biết: Nhận lời mời của các vị đứng đầu Nhà nước và các giám mục của các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến các quốc gia này vào tháng Bảy sắp tới.

  • Sáng thứ Năm 16-04, Toà Thánh Vatican đã công bố Sách Niên giám Toà Thánh năm 2015 và Sách Niên giám Thống kê Giáo hội 2013. Sách Niên giám Toà Thánh cho thấy một số khía cạnh mới của đời sống Giáo hội từ tháng Hai 2014 đến tháng Hai 2015, và Sách Niên giám Thống kê Giáo hội trình bày những thay đổi trong năm 2013.

  • Sáng ngày 18-4-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Italia, Ông Sergio Mattarella, đến viếng thăm ngài lần đầu tiên từ khi được bầu làm tổng thống ngày 31-1 năm nay.

  • Trong sứ điệp chúc mừng các tín hữu Phật giáo nhân ngày lễ Vesakh được công bố hôm 20-4-2015, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mời gọi tín đồ hai tôn giáo cộng tác để bài trừ nạn nô lệ mới. Đối với tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ Vesakh kính nhớ các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như đản sinh, thành đạo, viên tịch và nhập niết bàn. Năm nay lễ này được cử hành vào ngày 1-6 tới đây. Tại các nước theo Phật giáo Đại Thừa, như Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc, các biến cố trên đây được mừng vào những ngày khác nhau.

  • Mười bảy năm sau chuyến viếng thăm Cuba lịch sử (1998), vị Giáo hoàng người Ba Lan một lần nữa trở lại đất nước này vào tháng 4, nhưng với thánh tích của ngài. Theo thông tin trên trang web của Hội đồng Giám mục Cuba, thánh tích là vài giọt máu của vị Thánh chứa trong một chiếc lọ nhỏ, trong thời gian cuối cùng ngài nằm bệnh viện, không lâu trước khi Thánh nhân qua đời vào ngày 02-4-2005. Bên cạnh đó, các giám mục Cuba cũng đã thông báo rằng Vị Đứng Đầu Bộ Giáo Sỹ, ĐHY Beniamino Stella, sẽ thăm đảo quốc từ ngày 22-28/04.

(Xem thêm tin tức trên website: t
onggiaophansaigon.com, hdgmvietnam.org, vi.radiovaticana.va; ngoài ra mọi người có thể xem thêm các video clip về Đức Giáo Hoàng trên trang youtube chính thức của toà thánh Vaitcan: youtube.com/user/vatican)

GƯƠNG THÁNH NHÂN

THÁNH ATHANASIUS

(296?- 373)

Ngày 2 - 5

Cuộc đời Thánh Athanasius đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria và được giáo dục kinh điển, Athanasius gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng Giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước từ Thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.

Khi Ðức Athanasius đảm nhận vai trò Giám Mục của Alexandria, ngài tiếp tục chống với lạc thuyết Arian. Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Công Ðồng Tyre đã được triệu tập và vì một vài lý do không rõ ràng, Hoàng Ðế Constantine đã trục xuất Ðức Athanasius đến miền Bắc nước Gaul. Ðây là chuyến đi đầu tiên trong một chuỗi hành trình và lưu đầy có nét phảng phất như cuộc đời Thánh Phaolô.

Khi Constantine từ trần, hoàng tử kế vị đã phục hồi quyền Giám mục của Ðức Athanasius. Nhưng chỉ được có một năm, ngài lại bị truất phế vì sự liên hiệp của các Giám mục theo phe Arian. Ðức Athanasius đã đệ đơn lên Rôma, và Ðức Giáo Hoàng Julius I đã triệu tập một Công đồng để duyệt qua vấn đề và các khó khăn liên hệ.

Trong bốn mươi sáu năm làm Giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về Thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng 10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.

Các văn bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.

Lời Bàn

Khi là Giám Mục của Alexandria, Thánh Athanasius đã phải đau khổ nhiều vì những thử thách. Ngài được Chúa kiên cường để chống lại một điều tưởng như không thể nào vượt qua được vào lúc bấy giờ. Thánh Athanasius đã sống trọn vẹn trách nhiệm của một vị Giám mục. Ngài bảo vệ đức tin chân chính cho đàn chiên, bất kể giá phải trả. Trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi để giữ vững đức tin chân chính với bất cứ giá nào.



Lời Trích

Những khó nhọc mà Thánh Athanasius đã phải đau khổ trong khi lưu đầy - trốn tránh, bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác - nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: "Trong nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo và trần truồng. Ngoài những điều này, hằng ngày tôi còn bị ray rứt vì sự ưu tư lo cho tất cả các giáo hội" (2 Cr 11,26-28).






THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN I

(c. 526)

Ngày 18 - 5

Thánh Giáo Hoàng Gioan I, người xứ Tuscan, là Tổng Phó tế của hàng giáo sĩ Rôma, được chọn để kế vị Ðức Hormisdas mà lúc bấy giờ đã già yếu. Bất kể sự phản đối, ngài bị Theodoric - là vua của Ý, người hăng hái bảo vệ phe lạc giáo Arian - sai đi Constantinople để thuyết phục Hoàng Ðế Justin bớt khắt khe trong việc chống đối phe Arian mà một sắc lệnh của vua buộc phe này phải trao trả các nhà thờ cho người Công Giáo ở Ðông Phương. Theodoric đe dọa rằng nếu Ðức Gioan thất bại trong nhiệm vụ, thì người Công Giáo chính thống ở Tây Phương sẽ bị trả đũa.

Nhiệm vụ thật khó khăn nhưng chuyến đi thật vinh quang. Bất cứ đâu ngài đến đều được dân chúng vui mừng tiếp đón. Khi đến Constantinople, Hoàng Ðế Justin đã dành mọi vinh dự cho ngài. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, 19.4.526, ngài đội vương miện tấn phong cho Hoàng Ðế Justin. Ngoài ra, các Giám mục Ðông Phương cũng hăng say thề trung thành với Rôma.

Khi Ðức Gioan trở về Ravenna, thủ phủ của Theodoric, ngài khám phá rằng Theodoric đã giết chết người bạn tâm giao của ngài là triết gia vĩ đại Severinus Boethius, cũng như bố vợ của ông là Symmachus. Về phần Theodoric, vì nghi ngờ Ðức Gioan thông đồng với Hoàng Ðế Justin nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức.

Phần vì mệt mỏi sau cuộc hành trình, cộng thêm sự đau khổ vì đối xử tệ hại, ngài ở tù không lâu và đã từ trần ngày 18 tháng Năm 526. Ngài được chôn cất ở bên ngoài thành Ravenna, nhưng sau đó thi hài của ngài được đưa về Rôma và chôn cất trong Ðền Thánh Phêrô.

Lời Bàn

Chúng ta không thể chọn lựa những đau khổ mà chúng ta phải chịu. Thánh Giáo Hoàng Gioan I bị đau khổ vì một hoàng đế tham quyền. Ðức Giêsu đau khổ vì những nghi ngờ của những người cảm thấy bị đe dọa vì chân lý, vì sự thẳng thắn và vì sự bất lực của Ðức Giêsu. "Nếu thế gian ghét bỏ anh em, hãy biết rằng thế gian đã ghét bỏ Thầy trước".



THÁNH GIÁO HOÀNG CELESTINE V

(1215 - 1296)

Ngày 19 - 5

Thánh Celestine, tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý và ngài là thứ mười một trong gia đình mười hai người con. Năm hai mươi tuổi, Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma. 

Ðến năm 1246, ngài trở về Abruzzi, và sống năm năm trong một cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Ðể chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, ngài lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng. Ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu. Thân xác ngài càng tiều tụy thì tinh thần ngài càng thăng tiến. Nhiều người đến với ngài và bắt chước lối sống khổ hạnh ấy. Sau cùng, ngài phải thành lập một dòng tu và cho đến khi từ trần, trên toàn Âu Châu đã có ba mươi sáu đan viện và sáu trăm đan sĩ nam nữ sống theo quy luật của ngài. 

Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, Hồng Y Đoàn đã chọn ngài làm Giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V. Quyết định ấy đã đưa đến nhiều thảm họa, vì Ðức Celestine không thích hợp với vai trò Giáo hoàng trong bất cứ khía cạnh nào khác, ngoại trừ sự thánh thiện.

Ngài làm Giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Sau cùng, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!

Tưởng được yên thân để sống đời ẩn dật như trước, nhưng hậu quả của các quyết định trong thời gian ngài làm Giáo hoàng đã để lại nhiều nghi vấn nơi vị tân Giáo hoàng kế nhiệm, do đó, Ðức Boniface VIII đã giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Ðức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Ngài thường nói: "Tôi không mong muốn gì hơn ở thế gian này ngoài căn phòng nhỏ hẹp; và họ đã cho tôi toại nguyện".

Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát Thánh vịnh đêm ngày. Một ngày trong tháng Năm 1296, ngài báo trước với lính canh là ngài sẽ chết vào cuối tuần. Thật vậy, sau khi kết thúc bài Thánh vịnh trong giờ kinh sáng ngày thứ Bảy 19.5, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong mười tháng tù đầy, ngài không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.

Nhờ lời cầu bầu của ngài, nhiều phép lạ đã được ghi nhận.



Ngài được Ðức Clêmentê V phong thánh năm 1313.

THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ VII

(1020 - 1085)

Ngày 25 - 5

Thế kỷ thứ 10 và tiền bán thế kỷ 11 là những ngày u tối cho Giáo Hội, một phần là vì giáo triều chỉ là con cờ của một vài gia tộc ở Rôma. Vào năm 1049, mọi sự bắt đầu thay đổi khi Ðức Giáo Hoàng Lêô IX, một nhà cải cách, được bầu làm Giáo hoàng. Ngài đem theo một đan sĩ trẻ tuổi tên là Hilderbrand đến Rôma làm cố vấn và đại diện đặc biệt cho ngài trong các sứ vụ quan trọng. Sau này, đan sĩ ấy trở thành Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII.

Thời ấy, ba tai họa quấy rối Giáo Hội là nạn buôn thần bán thánh (mua bán các chức vụ cũng như đồ vật thiêng liêng), nạn giáo sĩ kết hôn bất hợp pháp và nạn giáo dân tấn phong giáo sĩ (vua và các nhà quý tộc kiểm soát việc bài sai các viên chức Giáo Hội). Hildebrand đã trực tiếp chống đối các tệ đoan này qua lời khuyên nhủ Đức Lêô tiền nhiệm, cũng như trong thời ngài làm Giáo hoàng (1073-1085). 

Các tông thư của Ðức Grêgôriô nhấn mạnh đến vai trò của vị Giám Mục Rôma là Ðại Diện Ðức Kitô, và là điểm hợp nhất hữu hình của Giáo Hội. Ngài nổi tiếng về cuộc tranh luận lâu dài với Thánh Ðế Rôma Henry IV về vấn đề ai là người kiểm soát việc tuyển chọn các Giám mục và tu viện trưởng.

Ðức Grêgôriô hăng hái chống trả mọi tấn công vào sự tự do của Giáo Hội. Vì lý do đó, ngài phải đau khổ và sau cùng bị chết trong khi lưu đầy. Ngài nói, "Tôi yêu quý công bằng và ghét bỏ sự bất công; do đó tôi chết trong cảnh lưu đầy". Ba mươi năm sau, Giáo Hội mới chiến thắng được cuộc chiến đấu chống tệ nạn thứ ba. 

Lời Bàn

Cuộc Canh Tân Grêgôriô, một sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, được mang tên của một người đã cố gắng giải thoát giáo triều và toàn thể Giáo Hội khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền thế tục. Chống với loại chủ nghĩa dân tộc không lành mạnh ở một số vùng, Ðức Grêgôriô đã tái khẳng định sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội dựa trên Ðức Kitô và được diễn đạt qua Ðức Giám Mục Rôma, đấng kế vị Thánh Phêrô. 



Lời Trích

Ðức Grêgôriô như đã nói với thời đại chúng ta, mà trong đó nhà cầm quyền dân sự hay tôn giáo trong nước đang có những đòi hỏi ngấm ngầm: "Trong bất cứ quốc gia nào, ngay cả người phụ nữ nghèo hèn nhất cũng được kết hôn một cách hợp pháp theo luật lệ quốc gia và theo sự lựa chọn của họ; nhưng, qua những khát vọng và thói tục xấu xa của người độc ác, Giáo Hội Thánh Thiện, là nàng dâu của Thiên Chúa và là mẹ của tất cả chúng ta, không được phép bám víu lấy người hôn phu ở trái đất này theo như luật lệ của Thiên Chúa và ý muốn của Giáo Hội".



LỊCH CÔNG GIÁO THÁNG 5-2015

Ý cầu nguyện :­­

- Ý chung : Cầu cho việc chăm sóc những người đau khổ: Xin cho chúng ta đừng dửng dung, nhưng cố gắng chăm sóc những người đang gặp đau khổ, cách riêng những người bệnh tật và nghèo khổ.

- Ý truyền giáo : Cầu cho việc sẵn sàng thi hành sứ vụ: Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong thế giới tục hóa sẵn sàng rao giảng Đức Giêsu.



Tháng Kính Đức Mẹ

Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67).



01-05 Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Giuse Thợ. Kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

02-05 Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Kiệu Đức Mẹ Maria.

03-05 CHÚA NHẬT V PHỤC SINH. Thánh vịnh tuần I.

07-05 Thứ Năm đầu tháng.

10-05 CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH. Thánh vịnh tuần II.

12-05 Thứ Ba. Thánh Nêrêô và Thánh Achilêô, tử đạo. Thánh Pancratiô, tử đạo.

13-05 Thứ Tư. Đức Mẹ Fatima.

14-05 Thứ Năm. THÁNH MATTHIA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

16-05 Thứ Bảy.

Chiều : Lễ vọng CHÚA THĂNG THIÊN.



17-05 CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

18-05 Thứ Hai. Thánh Gioan I, Giáo hoàng, tử đạo. Thánh vịnh tuần III.

20-05 Thứ Tư. Thánh Bernarđinô Siêna, linh mục.

21-05 Thứ Năm. Thánh Christôphôrô Magallanes, linh mục, và các bạn, tử đạo.

22-05 Thứ Sáu. Thánh Rita Cascia, nữ tu.

23-05 Thứ Bảy.

Chiều : Lễ vọng CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.



24-05 CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.

Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

MÙA THƯỜNG NIÊN

(sau Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

25-05 Thứ Hai. Tuần VIII Thường Niên. Thánh vịnh tuần IV. Thánh Bêđa Khả Kính, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Grêgôriô VII, Giáo hoàng. Thánh Maria Magđalêna Pazzi, trinh nữ.

26-05 Thứ Ba. Thánh Philipphê Nêri, linh mục. Lễ nhớ.

27-05 Thứ Tư. Thánh Augustinô Cantuariô.

30-05 Thứ Bảy. Thánh Jeanne d’Arc, trinh nữ, tử đạo. Lễ kính. Bổn mạng Giáo xứ.

31-05 CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN. CHÚA BA NGÔI.

Lễ trọng.

GÓC HỌC HỎI

Một vài chi tiết liên quan đến việc

tôn phong Hiển Thánh trong Giáo Hội

Thể thức tổng quát :

Theo thứ tự thời gian, việc đầu tiên là Hội Dòng hay Giám Mục Giáo Phận, hay hàng Giám Mục thuộc quốc gia liên hệ đệ đơn, với hồ sơ đính kèm, trình bày về một nhân vật nào trong hàng giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân nổi danh về đời sống hành đạo, để xin Tòa Thánh cứu xét và nếu xứng đáng, nêu cao nhân vật đó làm gương trong sáng cho toàn dân soi chung, nghĩa là đưa lên danh dự bàn thờ làm mô phạm cho mọi người tôn kính. Nhân vật đó lần lượt được ghi vào danh sách những bậc sau đây :



Bậc Tôi Tớ Chúa (Servus Dei) :

Từ khi hồ sơ được Tòa Thánh chấp nhận. Tập hồ sơ này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, trong thời gian lâu dài hay mau chóng, tuỳ Giáo hội địa phương, hay các Dòng tu, có khả năng cung cấp tài liệu sẽ được đòi hỏi, nhất là được những tài liệu chắc chắn minh chứng đời sống nhân vật đề cử đó có tầm quan trọng, đích đáng đặc biệt.



Bậc Ðáng Kính (Venerabilis) :

Nếu đời sống vị Tôi Tớ Chúa quả thật xuất chúng, nghĩa là, theo các chứng nhân tham khảo bằng giấy tờ, đã thực sự tận hiến cho Chúa, hay đã phục vụ tha nhân với mức cao độ: thí dụ chết thay cho người khác, hy sinh xả kỷ trong bệnh viện, trại phong cùi, sống thánh thiện khó nghèo, chịu tử đạo... lúc đó Tòa Thánh sẽ công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của Ngài, và ghi nhận vào sổ các bậc Ðáng Kính.



Bậc Chân Phước (Beatus) :

Tức là khi vị Ðáng Kính được nâng lên, xứng đáng danh dự tôn kính trên bàn thờ một cách công khai. Theo truyền thống của Giáo hội, từ bậc Ðáng Kính sang bậc Chân Phước, thường ra phải chờ đợi chừng 50 năm, nhất là phải minh chứng bằng hai phép lạ. Thời gian 50 năm có thể rút ngắn lại, tuy nhiên điều kiện hai phép lạ thế nào cũng phải có, nhất là khi những vị Ðáng Kính không phải Tử Ðạo. Các phép lạ nói đây thường là những phép lạ chữa những bệnh tật nguy hiểm, trầm trọng, lâu dài, và cứu chữa một cách tức tốc, ngoài sự dự trù của con người. Ðể tuyên bố phép lạ chính xác hay không, phải qua nhiều phen khám nghiệm và điều tra của Ủy Ban Bác Sĩ được Tòa Thánh chấp nhận.



Bậc Hiển Thánh (Sanctus) :

Từ bậc Chân Phước lên bậc Hiển Thánh cũng cần một thời gian (vài chục năm) và thêm vào đấy, phải cần một phép lạ khác nữa. Giáo Hội đi trong thời gian, do đó bao giờ cũng đòi hỏi những bằng chứng thật vững chắc, là vì việc tôn phong Hiển Thánh, được toàn dân xác nhận, là một việc tôn thờ Thiên Chúa thật cao cả, và tôn kính các bậc Thánh Nhân là một hành động chính đáng.

Theo Bộ Giáo luật hiện hành, việc tuyên Thánh chỉ có thể được tiến hành sau khi có sự công nhận một phép lạ nhờ sự can thiệp của một ứng viên là thành viên trong Giáo Hội hoàn vũ, cho dù đó là một vị tử đạo. Nhưng một người cũng có thể được tuyên bố là Thánh dựa trên những yếu tố và lý do khác thay thế cho một phép lạ được xác nhận một cách khoa học và thần học. Do đó, đây là việc “đi tắt, đơn giản hoá hay là quyết định tuỳ nghi”, một ngoại lệ dựa trên các trường hợp đã có trước đây.

Khi nào các tập hồ sơ hoàn tất và được các Ủy Ban kiểm tra, theo giáo luật, phê chuẩn, Linh mục Cáo Thỉnh viên đệ lên Ðức Thánh Cha, qua Bộ Phong Thánh, kèm theo một thỉnh nguyện thư xin Ngài chiếu cố duyệt y, và cho lệnh chuẩn bị buổi họp Cơ Mật Viện (Consistoire), tức là cuộc họp trên dưới (chừng 60 tới 100) vị Hồng Y, Tổng Giám Mục thuộc các Cơ Quan guồng máy Trung Ương Tòa Thánh, một số Luật Sư, Thẩm Phán trong các Tòa án liên hệ đến việc phong Thánh, một số Cáo Thỉnh viên... Cơ mật viện do Ðức Giáo Hoàng chủ tọa. Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh xin Ngài duyệt lại một lần sau cùng tất cả những hồ sơ đã đệ lên và đã được nghiên cứu. Ðức Giáo Hoàng sẽ công khai yêu cầu các vị có thẩm quyền được mời tới bỏ phiếu chấp nhận và sau đó, theo đề nghị trong Thỉnh Nguyện thư, Ngài sẽ công bố ngày phong Thánh cho những nhân vật đã được tuyển chọn.

Cần biết rằng việc tôn kính các Thánh đã có ngay từ khi mới có Giáo Hội. Nhưng việc xác định ai là "Thánh" thì đã trải qua một lịch sử dài. Ban đầu một số những người đã chết được gọi là "Thánh" do lòng sùng mộ của tập thể giáo dân. Về sau, các Giám Mục đã dành quyền ấy cho mình. Mãi tới thế kỷ thứ X, Giáo Hội Rôma mới qui định rằng: Không ai được tôn kính như một vị Thánh nếu không được sự chuẩn nhận của Toà Thánh. Vị Thánh đầu tiên được "Phong Thánh" do Toà Thánh Rôma là Thánh Ulrich thành Augsburg, do Đức Thánh Cha Gioan XV năm 993.

GÓC SUY TƯ

Cần đối xử công bằng

Nhà kia có hai đứa con: một đứa thì được cha mẹ chăm sóc tối đa như cho ăn cho mặc, cho tiền xài, được cung cấp đủ thứ… Cha mẹ không từ chối nó bất cứ điều gì nó muốn, thậm chí nó đòi hỏi những điều trái luân thường đạo lý thì cha mẹ cũng nuông chiều. Còn đứa con thứ hai thì không được cha mẹ đoái hoài như không cho ăn, không cho mặc, không cho thuốc men, không cho bất cứ gì nó cần, không đếm xỉa gì đến nó.

Làm cha mẹ mà cư xử như thế có công bằng không? Có đáng bị lên án không?

Bản thân tôi cũng có hai đứa con: một đứa là LINH HỒN và đứa kia là THÂN XÁC.

Bao nhiêu năm qua tôi quá chú trọng thân xác mà quên mất linh hồn. Châm ngôn sống của tôi là tất cả cho thân xác này, tất cả cho cuộc sống đời này.

24 giờ của một ngày, tôi đều dành trọn cho thân xác. 168 giờ của một tuần, tôi cũng đều dành trọn cho thân xác. 720 giờ của một tháng, cũng đều dành trọn cho thân xác. Và cứ thế, từ ngày này trải qua ngày khác, hết tháng này đến tháng kia, tôi chỉ biết chăm lo cho thân xác mà thôi.

Còn linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài. Suốt 24 giờ của mỗi ngày, 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của mỗi tháng… tôi chẳng dành cho linh hồn một phút nào.

Tôi dồn hết thời giờ, tiền bạc, công sức, tài năng, trí tuệ, nghị lực của tôi cho thân xác, y như người đầu tư dốc hết 100% vốn liếng của mình vào một dự án kinh doanh quan trọng.

Thế rồi mai đây thân xác tôi sẽ ra sao?

Tôi sẽ thu hoạch được gì?

Sớm muộn gì tôi cũng phải nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay.

Thế là cuối cùng, thân xác tôi chỉ còn là một nắm tro bụi li ti.

Không lẽ hôm nay tôi đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc của mình cho thân xác này để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một nắm tro!!

Không lẽ tôi đầu tư 100% vốn liếng của mình cho thân xác và cho cuộc sống tạm bợ đời này, để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một bộ xương khô!!

Nói như thế không phải để bi quan chán sống, nhưng để tìm cách sống sao cho kiếp người có một kết cục tươi sáng, ý nghĩa hơn.

Biết như thế để từ nay, ta không dại gì đầu tư tất cả cho thân xác, nhưng còn biết chăm lo xây dựng đời sống thiêng liêng, quyết tâm vun đắp đời sống tâm linh để cho hồn thiêng của mình mãi mãi trường tồn trong vinh quang Thiên quốc.



Biết thế thì ta phải công bằng với linh hồn ta. Thân xác này nay còn mai mất thì ta chăm sóc vừa đủ, còn linh hồn ta sống mãi muôn đời thì phải được chăm lo chu đáo hơn.

NỤ CƯỜI THƯ GIÃN

Tại… ai ?

Đường ngập: tại… trời mưa.

Tắc đường, kẹt xe: tại… xe máy.

Đứt cáp internet: tại… lũ cá mập (cắn).

Tham ô, hối lộ: tại… báo chí (phanh phui).

Bệnh viện quá tải: tại… bệnh nhân.

Điện tăng giá: tại… dân (xài nhiều).

Cử nhân thất nghiệp: tại… cái bằng.

Cải cách giáo dục xoành xoạch: tại… học trò.

Dạy thêm, học thêm: tại… phải tồn tại!!

Tế nhị

Trong giờ giải lao:

Nhân viên văn thư: Sáng nay sếp gọi điện thoại dặn đặt mua nhiều cặp da và thiệp chúc mừng tặng các đại biểu về dự họp tổng kết.

Nhân viên vi tính: Sếp cũng vừa gọi dặn năm nay không tổ ăn uống linh đình như mọi năm.

Nhân viên công đoàn: Chắc là sếp muốn thực hiện chủ trương không phô trương hình thức, tránh lãng phí để tiết kiệm cho cơ quan ta.

Nhân viên thủ quỹ: Không hẳn đâu, sếp muốn thực hiện phương án 3 trong 1 ấy mà…!

Nhân viên kế toán (đỡ lời thủ quỹ): Sếp muốn bỏ phong bì vào thiệp chúc mừng, bỏ thiệp vào trong cặp da tặng đại biểu đó mà. Năm nay chi phí tăng gấp đôi hơn!!





Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc ( Ngã Sáu )

Каталог: sites -> default -> files -> Documents -> 201504
Documents -> GIÁo xứ jeanne d’arc (NGÃ SÁU) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận : 38557616.  Giờ Thánh Lễ
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc (NGÃ SÁu chợ LỚN) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TẬp san hiệp sống tin mừng tháng 12. 2015 TƯ liệu học tập của hiệp hội thánh mẫu lưu hành nội bộ NỘi dung
Documents -> KÕt cÊu bª t ng Vµ bª t ng cèt thÐp L¾p ghÐp
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
201504 -> Các bài suy niệm chúa nhậT 2 phục sinh – Năm B chúa nhật về LÒng thưƠng xót của thiêN chúA

tải về 147.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương