THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 163.02 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích163.02 Kb.
#30918
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn






Số 014/ TKNB-QT- Thứ Năm, ngày 22/01/2015
TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)

I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM


Quan hệ Việt Nam - Vatican

Đài VOA đêm 21/1, trong cuộc tiếp đón Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo Vatican, Fernando Filoni, tại Hà Nội ngày 20/1, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chính phủ Hà Nội trước sau luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo của công dân. Nhà lãnh đạo Việt Nam nói với người đứng đầu Bộ Truyền giáo Vatican rằng quan hệ giữa Hà Nội với Tòa Thánh chưa lúc nào tốt như hiện nay và có nhiều triển vọng hứa hẹn cho dù lịch sử quan hệ đôi bên đã có nhiều lúc thăng trầm.

Cho tới nay, Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Hai bên đã lập ra Nhóm Công tác hỗn hợp đàm phán để bình thường hóa quan hệ và đã trải qua 5 vòng đàm phán.



* Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc của Tòa thánh Vatican, Hồng Y Fernando Filoni, đang có chuyến thăm Việt Nam. Nhân dịp này Gia Minh của đài RFA có cuộc nói chuyện với Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam về vấn đề liên quan.

Quan tâm rất đặc biệt đối với Việt Nam

Trước hết Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc nói về ý nghĩa của chuyến thăm này: “Tòa Thánh có sự quan tâm rất đặc biệt (đối với Việt Nam): thứ nhất việc cất nhắc Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn lên Hồng y cũng vì Hồng y Phạm Minh Mẫn tại Sài Gòn hết tuổi bầu Giáo hoàng rồi, nên Việt Nam phải có tiếng nói trong trường hợp nếu có bầu Giáo hoàng; đối với Tòa thành Vatican thì Việt Nam là một giáo hội có tầm quan trọng lớn ở Đông Nam Á. Giáo hội Việt Nam là giáo hội rất hăng say, hoạt động, nhiệt tình, rất tốt đẹp. Tòa thánh Vatican có cái nhìn tích cực về Giáo hội Việt Nam nên kỳ này phong Hồng y Nhơn là đúng đắn và xứng đáng. Tòa thánh rất sẵn sàng và rất vui đến với giáo dân Việt Nam khi chúng tôi mời, thậm chí như Đức Giáo hoàng nói trong tương lai nếu có cơ hội, Ngài cũng sẽ đến Việt Nam như đã từng ghé thăm Philippines, Sri Lanka.”.

- Đức Giáo hoàng đã đến Sri Lanka, nơi giáo dân Công giáo chỉ chiếm khoảng 6-7% dân số, theo Đức Tổng Giám mục thì cho đến lúc này, Giáo hoàng vẫn chưa nhận được lời mời (thăm Việt Nam) từ phía nhà cầm quyền (Hà Nội)?

+ Tôi nghĩ có thể trong tương lai sắp tới, 2016… Có thể thôi chứ tôi không có gì để khẳng định một cách tuyệt đối được. Tôi nói cái gì có thể là có thể, có thể như vậy.

- Như đức Tổng Giám mục nói có thể nhưng mọi điều kiện để đón tiếp Giáo hoàng tại Việt Nam hẳn còn giới hạn; nhưng so với Sri Lanka thì chắc Việt Nam cũng có thể tổ chức cuộc đón tiếp Giáo hoàng chứ?

+ Có chứ, so với Philippines thì không bằng. Philippines là nơi có đến 84% giáo dân Công giáo, còn Việt Nam chỉ có chừng 7-8% thôi, nhưng so với Sri Lanka thì đông hơn-số tu sĩ, số linh mục, số giáo phận đông hơn, lớn hơn. Tôi nghĩ Giáo hoàng đến thăm Việt Nam sẽ rất thích, ta có thể đón được chứ, người ta đón được thì mình cũng đón được.

Vấn đề truyền giáo

- Ngoài việc đón những vị lãnh đạo của giáo hội đến thăm, mọi người cũng nghĩ đến công việc truyền giáo. Công tác truyền giáo ngay tại những thành phố lớn và những vùng sâu-vùng xa (của Việt Nam) đang diễn tiến ra sao và có những trở ngại gì?

+ Mục đích quan trọng nhất của những chuyến thăm của Giáo hoàng đến đâu cũng là loan báo tin mừng, đem niềm vui của Tin Mừng, niềm vui của Đức Tin đến cho nơi mà Ngài thăm viếng. Và chuyến thăm của Đức hồng y Filoni cũng thế: mang niềm vui của Tin Mừng và niềm vui của Đức Tin đến. Đức Hồng y Feloni đến thăm Việt Nam là do Tổng Giáo mục mời nhân kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican 2. Vào cuối năm nay ở Roma có thể tổ chức thánh lễ rất long trọng để kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes đến với muôn dân. Theo dự kiến, vào tháng 12, tôi cũng sẽ đến tham dự buổi lễ này với tinh thần hướng đến việc loan báo Tin Mừng đến cho muôn dân, Hội đồng Giám mục Việt Nam rất tích cực trong vấn đề truyền giáo. Chúng tôi muốn mời Ngài qua vì Ngài là Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho Muôn dân để Ngài khích lệ giáo hội Việt Nam. Ngài đi thăm viếng, Ngài thấy tình hình, Ngài nhận xét rồi Ngài nói ý kiến của Ngài, Ngài khuyến khích, Ngài giáo huấn chúng tôi để chúng tôi loan báo Tin Mừng một cách tích cực và tốt đẹp hơn nữa.

Sáng 21/1, chúng tôi vừa đến Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa là giáo phận truyền giáo. Nhà thờ ở Hòa Bình mới được khánh thành cách đây hai tháng thôi. Nhà thờ rất lớn và đa số là người dân tộc, sắc tộc Mông, người dân tộc rất đông. Sáng 21/1, Đức hồng y Filoni, Hồng y Nhơn và tôi cùng nhiều Đức cha khác đến đó cử hành thánh lễ rất long trọng, đồng thời rửa tội và thêm sức cho 172 người dân tộc, trong bầu khí rất vui vẻ. Ai cũng vui vẻ bởi vì được rửa tội bởi Bộ trưởng Bộ Truyền giáo. Đâu dễ gì! Chúng tôi mới đi về đây.



- Nhưng ngoài những điều phấn khởi như thế thì vẫn còn có những trở ngại chứ?

+ Cũng có, vì không có nơi nào mà không có trở ngại. Trở ngại thì mình vượt qua thôi, chứ cứ băn khoăn thì làm sao tiến tới được. Thật ra mình nên theo tinh thần của Đức Thánh cha là một tinh thần rất khiêm tốn, tinh thần phục vụ rất cao, đến với người nghèo khổ, người cần sự an ủi về nhiều mặt, không chỉ về mặt vất chất không mà thôi; về tinh thần và về tất cả. Con người thời đại này ai chẳng cần sự thông cảm, sự đồng hành, sự an ủi, sự giúp đỡ. Tôi nghĩ với tinh thần của Đức Thánh Cha là hướng đến người khác nhiều hơn, đi ra ngoài nhiều hơn, nhìn lại giáo hội của mình để tự đề cao.

* Đài BBC đêm 21/1 đưa tin, Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo Vatican, đang ở thăm Việt Nam, mang đến hy vọng cải thiện quan hệ giữa Hà Nội và Tòa Thánh. Chức danh chính thức của Hồng y Filoni là Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Chuyến thăm của ông kéo dài tới ngày 25/1, trong đó Đức Hồng y sẽ đi từ Bắc vào Nam và có một số cuộc gặp mặt với các giám mục, linh mục, nam, nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo dân.

Các kênh thông tin chính thống của Nhà nước Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Hồng y Filoni tại Văn phòng Thủ tướng vào ngày 20/1. Trong buổi tiếp, ông Dũng được dẫn lời đánh giá rằng quan hệ Việt Nam-Vatican “chưa lúc nào tốt như thời điểm hiện nay và triển vọng phía trước rất tốt đẹp”. Những năm gần đây, hai bên đã có đối thoại hàng năm và nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao. Ông Dũng “đề nghị hai bên tiếp tục đối thoại” vì bảy triệu tín đồ Công giáo ở Việt Nam. Về phần mình, Hồng y Filoni được dẫn lời nói Vatican “mong muốn quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp và quan hệ ngoại giao sẽ thành hiện thực”. Dường như hai bên đang ra chỉ dấu rằng, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tòa Thánh sẽ sớm diễn ra.

Việt Nam là quốc gia có số tín đồ Công giáo lớn thứ hai châu Á, sau Philippines. Tuy nhiên, hai bên chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, chỉ dừng ở mức Khâm sứ Tòa Thánh. Chính quyền miền Bắc Việt Nam trục xuất vị khâm sứ cuối cùng ở Hà Nội vào năm 1957 và tịch thu tòa khâm sứ. Quan hệ sau đó nhiều thập niên gặp khó khăn, tuy thời gian gần đây được cải thiện nhiều.

Lịch trình của Hồng y Filoni

Tiến trình đàm phán để bình thường hóa quan hệ bắt đầu từ những năm 1990 nhưng không hoàn toàn suôn sẻ. Hiện nay, Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam-Vatican đã đàm phán tới vòng thứ năm. Tháng 1/2011, Giáo hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú tại Việt Nam. Tổng Giám mục Girelli là vị đại diện đầu tiên của Tòa Thánh được bổ nhiệm ở Việt Nam từ sau năm 1975. Tổng Giám mục Girelli cũng có mặt trong chuyến đi của Hồng y Filoni lần này.

Nguồn tin Công giáo cho biết, cuộc gặp Hội đồng Giám mục Việt Nam, các giám mục, linh mục, đại diện của các giáo phận trong giáo phận Hà Nội, chủ sự thánh lễ đồng tế tại Nhà Thờ lớn Hà Nội diễn ra vào ngày 20/1. Ngày 21/1, Hồng y Filoni sẽ thăm một giáo xứ của giáo phận Hưng Hóa. Ngày 22/1, ông sẽ thăm Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, nơi tương truyền Đức Mẹ Maria đã từng hiện ra vào năm 1798. Ngày 23/1, đoàn của ông sẽ đến thăm Hội An, sau đó sẽ cử hành Thánh lễ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập giáo phận Đà Nẵng tại trung tâm mục vụ của giáo phận. Ngày 24/1, Hồng Y Filoni sẽ chủ trì một thánh lễ long trọng tại nhà thờ chính tòa Xuân Lộc, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 năm ngày thành lập giáo phận trên. Ngày 25/1, Hồng y sẽ cử hành thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, và kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ bằng cuộc thăm viếng Đại Chủng viện Thánh Giuse ở đây.
Campuchia: 1.134 người Việt bị trục xuất trong cuộc tổng điều tra ngoại kiều

TTXVN (Phnom Penh 22/1) - 1.134 người Việt, chiếm 90% trong tổng số 1.299 người nước ngoài đến từ 31 quốc gia sống bất hợp pháp ở Campuchia, đã bị trục xuất kể từ khi bắt đầu cuộc tổng điều tra ngoại kiều bắt đầu từ tháng 8 đến cuối tháng 12/2015, các quan chức nhập cư Campuchia cho biết sau cuộc họp kín tổng kết hoạt động này tại Bộ Nội vụ Campuchia ngày 21/1.

Theo tướng Sok Phal, Tổng cục trưởng Tổng cục nhập cư, những người này sẽ phải nộp phạt 340.000 USD vì đã đến sống bất hợp pháp ở Campuchia.

Trong khi đó, số người nhập cƯ sống hợp pháp ở Campuchia là 80.000 người nhiều hơn 10.000 người so với cuộc tổng điều tra ngoại kiều năm 2002, tướng Sok Phal cho biết thêm.

Đề cập đến lo ngại của các nhóm nhân quyền và các quan sát viên cho rằng việc người Việt có thể là mục tiêu bất công trong việc điều tra và trục xuất, tướng Phal nói rằng nhà chức trách Campuchia “không phân biệt đối xử mà luật pháp quốc gia là tối thượng”.

Quan chức này nói thêm rằng đây chỉ mới là số liệu tạm thời và có thể thay đổi khi cuộc điều tra kết thúc. Tuy nhiên, ông không cho biết chừng nào thì cuộc điều tra chấm dứt.
II. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Philippines tố cáo Trung Quốc mở rộng đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông

Đài RFI, ngày 21/1, Chính quyền Manila tố cáo Bắc Kinh mở rộng các hoạt động cải tạo bãi đá, đảo, tại các nơi đang có tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xảy ra xung đột.

Trong hai ngày 20-21/1, Philippines và Mỹ đã tiến hành cuộc Đối thoại chiến lược song phương thường niên lần thứ 5, tại Manila. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear. Lãnh đạo phái đoàn Philippines là Trợ lý Ngoại trưởng Evan Garcia và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Pio Lorenzo Batino.

Kết thúc cuộc đối thoại, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Batino nói với các nhà báo: “Các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển Tây Philipines (tức Biển Đông) tiếp tục gây quan ngại nghiêm trọng”.

Về phần mình, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Evan Garcia cho rằng Trung Quốc đã tiến hành ồ ạt các hoạt động cải tạo, nâng cấp bãi đá, đảo trong vùng có tranh chấp, vi phạm các thỏa thuận mà Trung Quốc tham gia. Theo đó, các bên liên quan không có các hoạt động xây dựng thêm, cho đến khi có được một bộ luật ứng xử tại Biển Đông mang tính ràng buộc.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel kêu gọi các bên kiềm chế và “các nước lớn không nên hăm dọa các nước nhỏ”.

Trước đó, ông Daniel Russel cũng đã hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin. Được coi là cố vấn trụ cột của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hồ sơ Đông Á, ông Daniel Russel đã từng chỉ trích gay gắt bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh không nên sử dụng bạo lực trong các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền với các nước láng giềng.

Manila và Washington có quan hệ liên minh từ hơn 60 năm qua, trong khuôn khổ Hiệp định Phòng thủ chung, được ký năm 1953 và Mỹ là đồng minh quân sự duy nhất của Philippines. Tháng 4/2014, hai nước ký Thỏa thuận Tăng cuờng Hợp tác Quốc phòng (EDCA) có hiệu lực trong vòng 10 năm, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines để luyện tập, bố trí lực lượng và các thiết bị quân sự.

Philippines là một trong những nước yếu kém về quân sự tại châu Á. Ngoài việc trợ giúp, nâng cao khả năng chiến đấu cho quân đội Philippines, thông qua thỏa thuận EDCA, Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, ngăn ngừa và răn đe các hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.


Mỹ và Philippines lập mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông

Theo đài VOA đêm 21/1, Philippines đang trông mong vào liên minh với Mỹ để tìm cách bắt kịp các hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc tại các vùng đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Các giới chức cấp cao của cả hai nước đã củng cố liên minh chiến lược trong 2 ngày đàm phán song phương về thương mại và quốc phòng kết thúc hôm nay tại Manila. Trọng tâm trong nghị trình thảo luận là vấn đề an ninh hàng hải, cũng như những mối quan ngại về công tác nhằm lấn chiếm các bãi đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines nhận chủ quyền.

Tháng trước, tham mưu trưởng quân đội Philippines nói dựa vào thông tin tình báo, các cơ sở tại một trong các bãi lớn hơn mà Việt Nam gọi là Bãi đá Chữ thập, có thể sắp được hoàn tất.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino gọi diễn biến tại bãi đá này mà hồi tháng 11/2014, dường như đã mở rộng để dùng làm một phi đạo, là “một mối quan ngại rất nghiêm trọng”. Nhưng với ngân sách quốc phòng nhỏ nhất ở châu Á, Philippines không có đủ sức để ngăn chặn bất kỳ hành động nào. Ông nói: “Chúng ta phải tăng cường khả năng và điều đó chỉ có được thông qua hiện đại hóa. Đây dĩ nhiên là việc thực hiện hiện đại hóa cấp thiết mà chúng ta cần phải tiến hành sớm hơn”.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng ngân sách của Bộ Quốc phòng năm 2015 bao gồm 40 triệu USD là các khoản vay và trợ cấp về quân sự cho Philippines. Nước này đang trong tiến trình thực thi một chương trình hiện đại hóa quân sự 1,8 tỷ USD, nhưng vẫn có những đoàn tàu hải quân và các đội bay rất nhỏ bé so với các nước láng giềng.

Với một quân đội thiếu thốn, Manila đang đi theo con đường ngoại giao. Một tòa án quốc tế đang duyệt lại một vụ kiện chống lại Bắc Kinh nêu nghi vấn về điều được gọi là “những hành động khẳng định chủ quyền quá đáng ở Biển Đông”. Trung Quốc bác bỏ vụ trọng tài và không đệ trình bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào chi Toà án Trọng tài Thường trực ở La Haye. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố có “chủ quyền không thể tranh cãi được” đối với vùng biển và bãi đá.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói Mỹ đã liên tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng một tuyên bố không có tính cưỡng hành đã ký với ASEAN gồm 10 thành viên về việc duy trì hòa bình giữa những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau, và dựa vào luật quốc tế làm cơ bản cho những tuyên bố chủ quyền trong vùng biển giàu tài nguyên. Ông nói: “Lối hành xử làm tăng căng thẳng, lối hành xử nêu ra những nghi vấn về ý đồ và thái độ của Trung Quốc dường như không phù hợp với các nguyên tắc mà tôi đã nêu ra, có tác dụng đi ngược lại các mục tiêu đó”.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia nói Manila đang “theo đuổi một giải pháp hòa bình” và các hoạt động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo có tranh chấp “không phải là một diễn biến tích cực”.



Mỹ và Philippines quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Cùng ngày, Philippines và Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hoạt động khai hoang, lấp biển của Trung Quốc tiếp diễn tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.

Trong thông cáo chung kết thúc hai ngày Đối thoại Chiến lược Song phương, hai nước đồng minh tố cáo các hoạt động này đi ngược lại luật pháp quốc tế và không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002.

Manila và Washington cùng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, tôn trọng luật lệ và quyền tự do hàng không-hàng hải cùng các hoạt động thương mại hợp pháp không bị ngăn trở.

Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách xây một sân bay quân đội trên một trong những hòn đảo trong khu vực bất chấp việc Philippines đưa tranh chấp ra tòa trọng tài quốc tế nhờ phân xử.

Philippines và Mỹ tán đồng quan điểm rằng tranh chấp chủ quyền nên được giải quyết theo luật quốc tế, thông qua các phương tiện ngoại giao ôn hòa kể cả việc dùng đến tòa trọng tài. Hai nước một lần nữa chỉ trích sự thờ ơ của Bắc Kinh trước những lời kêu gọi từ cộng đồng thế giới yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động cải tạo đất đai ở những vùng có tranh chấp.

Bắc Kinh một mực đòi chủ quyền gần như 90% diện tích Biển Đông bao gồm các hòn đảo và bãi đá.

III. TIN QUỐC TẾ
ĐÔNG NAM Á
Quốc hội Campuchia chỉ định lãnh đạo đa số và thiểu số trong Quốc hội

TTXVN (Phnôm Pênh 21/1) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng, đồng thời là Ủy viên Ban thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đã được chỉ định là lãnh đạo phái đa số trong Quốc hội Campuchia, có nghĩa là ông và thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy sẽ liên hệ trực tiếp để đối thoại với nhau trong các vấn đề thuộc cơ quan lập pháp.

Vào tháng 11/2014, Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) Sam Rainsy đã đồng ý rằng quy chế hoạt động của Quốc hội sẽ được sửa đổi để chính thức công nhận thủ lĩnh phái thiểu số, có hàm tương đương Thủ tướng, điều mà ông Sam Rainsy đứng ra thúc đẩy.

Lúc đó, việc sửa đổi cho thấy vị trí mới cho phép ông Sam Rainsy đối thoại trực tiếp với ông Hun Sen trong những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 21/1 do Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin ký cho biết ông Sar Kheng sẽ là người lãnh đạo chính thức của các nghị sĩ CPP trong Quốc hội, với các phó Phó Thủ tướng Keat Chhon và Phó Thủ tướng Men Sam Ol.

Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha và người phát ngôn CNRP Yim Sovann sẽ là các phó thủ lĩnh phái thiểu số trong Quốc hội.

Tuyên bố trên cho biết các thủ lĩnh phái đa số và thiểu số sẽ có văn phòng và ban thư ký giúp việc riêng.

Chủ tịch CNRP Sam Rainsy ngày 21/1 nói rằng cho dù có sự bổ nhiệm ông Sar Kheng làm thủ lĩnh phái đa số trong Quốc hội, Thủ tướng Hun Sen vẫn là đối tác của ông trong các vấn đề quốc gia. Ông nói rằng ông và ông Sar Kheng sẽ gặp nhau về các vấn đề liên quan đến việc làm luật và các quy chế nội bộ của Quốc hội: “Đối với các vấn đề chính trị và quốc gia tôi sẽ gặp trực tiếp Thủ tướng”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Quốc hội, Nghị sỹ CPP Chheang Vun nói rằng ông Sar Kheng được chỉ định thay ông Hun Sen bởi vì Thủ tướng quá bận rộn và thường đi công tác ngoài nước trong khi ở Quốc hội, ông Sam Rainsy có thể gặp ông Sar Kheng bất kỳ lúc nào.



THX (Phnom Penh 21/1) - Ngày 21/1, Quốc hội Campuchia đã chính thức công nhận ông Sam Rainsy, Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập, là thủ lĩnh phe thiểu số tại quốc hội "với cấp bậc ngang với thủ tướng".

Thông cáo đề ngày 20/1, có chữ ký của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, nêu rõ: "Quốc hội quyết định công nhận Ngài Sam Rainsy là thủ lĩnh phe thiểu số tại Quốc hội".

Thông cáo trên được đưa ra sau khi Quốc hội Campuchia hôm 19/12 sửa đổi các quy định nội bộ để dọn đường cho quyết định công nhận một thủ lĩnh thiểu số. Theo quy định sửa đổi, người đứng đầu bất kỳ đảng đối lập nào, nắm giữ ít nhất 25% số ghế trong quốc hội, sẽ chính thức được công nhận là một "lãnh đạo thiểu số" trong quốc hội. Nhân vật thủ lĩnh thiểu số này, người có cấp bậc ngang với thủ tướng, sẽ là đối tác đối thoại của người đứng đầu chính phủ trong các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia.

Quốc hội Campuchia có 123 nghị sĩ, trong đó 68 ghế nghị sĩ thuộc về Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen và 55 ghế của đảng CNRP đối lập.



TRUNG QUỐC
Giải mã chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

Đài BBC ngày 21/1 đăng bài viết về cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, một trùm tình báo, một bí thư Nam Kinh và một nhà ngoại giao cao cấp đã bị điều tra. Dường như chiến dịch 2 năm qua của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không chững lại.

Không lâu sau khi trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản, ngày 20/11/2012, ông Tập có diễn văn, trong đó ông nói: “Nhiều dữ kiện cho chúng ta biết rằng tham nhũng ngày càng trầm trọng và rốt cuộc Đảng và đất nước sẽ sụp đổ. Chúng ta phải cảnh giác”. Từ đó đến nay, ông Tập rất tích cực chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng. Ông hứa hẹn “bắt cả hổ lẫn ruồi” và tuyên bố rằng kể cả quan chức cấp cao cũng không được tha.



Hổ và ruồi

Đến nay, con hổ to nhất bị bắt là Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh. Ông này đã bị khai trừ Đảng và giao cho bên tư pháp. Mã Kiện, Thứ trưởng cơ quan tình báo cũng là con hổ to. Một con hổ khác là Lệnh Kế Hoạch, từng là trợ lý cho cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Một người khác, Tướng Từ Tài Hậu, từng là thành viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Theo cơ quan kỷ luật của Đảng, trong năm 2014 có 23.464 người đã bị kỷ luật vì vi phạm điều lệ Đảng.



Sa cơ

Bí thư thành ủy Tế Nam, Vương Mẫn, người đã từng lên truyền hình nói về việc chống tham nhũng vào ngày 18/12/2014. Tuy nhiên, sau đó, ông này bị bắt để điều tra về tội tham nhũng. Số phận tương tự dành cho Vạn Khánh Lương, Bí thư Thành ủy Quảng Châu. Khi giới chức thông báo điều tra ông vào tháng 6/2014, nhiều công chức đang họp để nghiên cứu bài diễn văn ông. Tin nhắn về số phận của ông Vạn được bắn đi khắp nơi và cuộc họp bị dừng lại.



Tiền và tiền

Nhiều viên chức sa cơ bị tố cáo nhận hối lộ và rất thích tiền mặt. Khi Vụ phó Vụ Năng lượng Trung Quốc, Ngụy Bằng Viễn, bị giải đi vào tháng 5/2014, các nhà điều tra tìm thấy khoảng 200 triệu nhân dân tệ (NDT- khoảng 32 triệu USD) tiền mặt trong nhà ông. Truyền thông nhà nước cho biết, đây là vụ thu giữ tiền mặt lớn nhất từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền năm 1949. Người ta phải dùng 16 máy để đếm tiền, và 4 máy bị hỏng do quá nóng. Mã Tuấn Phi được bổ nhiệm làm Cục Phó Cục đường sắt Thành phố Hô Hòa, khu tự trị Nội Mông năm 2009. Theo truyền thông, số tiền nhận hối lộ của ông lên tới 130 triệu NDT (20 triệu USD). Ông nhận hết, từ USD, euro, bảng Anh, vàng và NDT.



Dùng nước đổi tiền

Mã Siêu Quần, nguyên là tổng giám đốc một công ty cấp thoát nước tại quận Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc. Có biệt danh “cọp nước”, ông Quần bị nói rằng đã công khai đòi tiền mọi doanh nghiệp cần mắc nước, như khách sạn, nhà máy, văn phòng chính quyền. Nếu họ không nộp đủ tiền, ông sẽ cắt nước. Sau khi bị bắt, giới chức tìm thấy 120 triệu NDT (19 triệu USD), 37 kg vàng và sổ đỏ của 68 ngôi nhà.



Rượu Mao Đài ngon

Phùng Việt Hân, cựu trưởng công an một quận ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị tử hình năm 2014 vì tội bảo kê tội phạm. Cảnh sát phát hiện 1.853 chai rượu Mao Đài khi khám nhà ông. Nghe nói, ông Phùng rất thích uống Mao Đài và không ngại khó khăn tìm rượu ngon, thậm chí trả 80.000 (hơn 12.000 USD) cho một chai.



Phóng viên dũng cảm

Ngày 31/3/2014, Tân Hoa xã cho biết, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Quân đội nhân dân Trung Quốc, bị giao cho tòa án binh vì tội tham nhũng. Tin trên không gây ngạc nhiên vì một tạp chí tài chính đã xác nhận trước đó. Phóng viên Vương Hòa Nham là người đầu tiên đưa tin ông Cốc gặp rắc rối. Cô là phóng viên điều tra chính của tạp chí tài chính Caixin, từ 2012-2014, cô đã nỗ lực điều tra đế chế kinh doanh của tướng Cốc. Trong nhà tướng Cốc, người ta tìm thấy vô số thùng rượu Mao Đài, và tượng vàng Mao Trạch Đông. Biệt thự của ông được gọi là “Tử Cấm Thành” vì độ nguy nga của nó.



Nhà hoạt động bị tù

Chiến dịch của ông Tập Cận Bình được người dân ủng hộ, nhưng những công dân bình thường muốn minh bạch hơn không phải lúc nào cũng được giới chức hoan nghênh. Phong trào Công dân Mới đã kêu gọi quan chức công khai tài sản. Chuyện đó đã không xảy ra. Người sáng lập nhóm, Hứa Chí Vĩnh, bị tù 4 năm vào tháng 1/2014 vì tội phá rối trật tự công cộng. Báo chí nước ngoài điều tra tài sản lãnh đạo Trung Quốc và ông Tập cũng bị giới chức làm khó dễ. Trang web của họ bị chặn, phóng viên bị từ chối visa. Cuộc chiến chống tham nhũng có vẻ phức tạp, và những ai không hát cùng bài với ông Tập Cận Bình có thể bị làm im tiếng.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 163.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương