THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 65.17 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích65.17 Kb.
#28492

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 241/ TKNB-QT-TN Thứ Tư, ngày 17/12/2014
TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Trung Quốc trang bị súng bắn tia viba cho tàu tuần tra ở Biển Đông

Theo nhật báo The Telegraph của Anh số ra ngày 16/12, Trung Quốc đã chế tạo một loại súng bắn tia viba, với tầm hoạt động lên đến 1km. Loại vũ khí này sẽ được dùng để trang bị cho lực lượng hải cảnh, đang hoạt động mạnh tại Biển Đông.



The Telegraph nêu bật sự tương đồng của loại vũ khí mới này với một phát minh của Mỹ đã bị thu hồi vì lý do đạo đức và kỹ thuật.

Loại súng bắn tia viba do Trung Quốc chế tạo mang tên là Poly WB-1, có tính năng phát ra một tia viba dày khoảng một ly. Khi bắn trúng người, tia viba sẽ làm nóng chất nước dưới da, làm đối tượng bị phỏng và đau đớn dữ dội. Khẩu súng có tầm bắn 80 m, nhưng nếu tăng cường độ, có thể có tầm hoạt động hơn 1 km.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane của Anh, Trung Quốc đã giới thiệu loại súng Poly WB-1 tại bên lề Triển lãm Hàng không Airshow China 2014 ở Châu Hải vào tháng 11/2014. Bắc Kinh được cho là có ý định phát triển thêm để có thể gắn loại súng này trên tàu tuần tra. Loại súng này trên nguyên tắc không gây chết người và ưu điểm là không tạo ra thương tích lộ rõ bên ngoài, do đó, sẽ không tạo nên những hình ảnh máu me gây sốc. Chính quyền Mỹ, nước đầu tiên phát minh ra loại vũ khí này, vì bị chỉ trích dữ dội, đã từng cố gắng biện minh rằng súng bắn tia viba cũng không gây ra tác hại lâu dài.

Nhật báo Anh cho biết, súng bắn tia viba của Trung Quốc tương tự như loại súng gọi là ADS của quân đội Mỹ. Có tin là vũ khí này đã trình làng vào năm 2004, sau đó được lực lượng Mỹ tại Iraq sử dụng để chống bạo loạn. Loại súng này cũng từng được dùng ở Afghanistan vào năm 2010 nhưng sau đó đã bị thu hồi vì một loạt vấn đề an toàn và kỹ thuật, trong đó có việc cần đến 16 giờ đồng hồ để khởi động. Vấn đề đạo đức cũng là một trong những lý do khiến loại vũ khí này không được sử dụng.

Theo trang mạng chuyên về công nghệ mới Endgadget, loại vũ khí này còn gặp trục trặc khi gặp mưa hay bụi. Do đó, nếu Trung Quốc không cải thiện được các vấn đề nêu trên, thì loại vũ khí đó sẽ trở thành vô dụng.


Cải tạo đất - yếu tố làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông

TTXVN (Washington 16/12) - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, ngày 10/12 đăng bài phân tích với tựa đề "Cải tạo đất - yếu tố làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông" của tác giả Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tác giả khẳng định hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc tại các cấu trúc địa chất mà nước này đang chiếm đóng, là vi phạm các thỏa thuận quốc tế. Theo tác giả, hoạt động cải tạo với quy mô chưa từng có này một khi hoàn tất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến động lực của cuộc đua tranh giữa các bên đòi hỏi chủ quyền và sự cạnh tranh giữa các cường quốc chính tại Biển Đông. Theo tác giả, trước tình trạng hết sức nguy hiểm và nhiều bên bị ảnh hưởng này, một nỗ lực phối hợp của tất cả các quốc gia ven biển và các bên có liên quan là cấp bách hơn lúc nào hết nhằm ngăn chặn không để vùng biển chung này biến thành ao nhà của bất kỳ ai đó, trước khi tất cả đã quá muộn. Nội dung cụ thể như sau:

Các báo cáo được phổ biến rộng rãi cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất trên 6 trong 7 cấu trúc địa chất mà nước này chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, chuyển các rạn san hô và đá ngập nước thành các đảo với cam kết khi hoàn thành có đường băng, bến cảng và các công trình quân sự và dân sự khác. Khi công việc cải tạo được hoàn thành, bãi Fiery Cross Reef (Trung Quốc dùng vũ lực chiếm bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988, Việt Nam gọi là Bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu) sẽ có diện tích ít nhất 2 km2, tương đương tổng diện tích của tất cả các đảo khác trong quần đảo Trường Sa cộng lại.

Các quan chức và học giả Trung Quốc đã viện dẫn một vài lý do để biện minh cho động thái chiến lược của Bắc Kinh, trong đó có nhu cầu cần cải thiện năng lực tìm kiếm và cứu hộ trên Biển Đông, mong muốn cải thiện các điều kiện sinh sống và làm việc của người dân Trung Quốc làm việc tại đó, nhu cầu về một căn cứ nhằm hỗ trợ hệ thống radar và tình báo của Trung Quốc. Những người đại diện Trung Quốc đã phàn nàn trong nhiều dịp khác nhau, rằng sẽ là không công bằng khi chỉ điểm mặt chỉ tên Trung Quốc trong khi các bên yêu sách chủ quyền khác ở Biển Đông đã tiến hành các hoạt động cải tạo và Trung Quốc là nước cuối cùng trong các bên tranh chấp có đường băng ở đó. Dù với bất kể lý do gì, hoạt động cải tạo đất với quy mô chưa từng có của Trung Quốc một khi hoàn tất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến động lực của cuộc đua tranh giữa các bên đòi hỏi chủ quyền và sự cạnh tranh giữa các cường quốc chính tại Biển Đông.

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc được hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và hành chính từ chính quyền trung ương và địa phương, có thể sử dụng các thiết bị, phương tiện trên các hòn đảo được mở rộng này để kéo dài thời gian và phạm vi hoạt động đánh bắt cá. Các đội tàu cá này hầu như chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng với các bên đòi hỏi chủ quyền khác khi chúng xâm nhập vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, đồng thời kích thích sự đối đầu với ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia đó.

Những hòn đảo được mở rộng với sân bay và bến cảng này được cho là có thể tăng cường khả năng cưỡng chế của Trung Quốc, cho phép nước này triển khai nhanh, mạnh các tàu quân sự, bán quân sự và giả dân sự cũng như các máy bay của mình tới các phần trung tâm và phía Nam của Biển Đông trong trường hợp xảy ra đối đầu với các bên tranh chấp khác.

Tạp chí Jane's Defence Weekly xem các cơ sở của Trung Quốc trên các đảo được mở rộng "được xây dựng có tính mục đích, nhằm cưỡng ép các bên đòi hỏi chủ quyền khác phải từ bỏ các tuyên bố chủ quyền và sự chiếm hữu của họ". Ít có khả năng các bên tranh chấp khác sẽ từ bỏ yêu sách và sự chiếm hữu của họ ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, những cơ sở này được cho là có thể tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc chặn các tuyến đường tiếp tế của Việt Nam, Philippines đối với các các đảo và bãi đá mà 2 nước này kiểm soát tại đó. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chặn các tuyến đường tiếp tế của Philippines cho bãi Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu) trong nửa đầu năm 2014 thể hiện rõ điểm này.

Ở một khía cạnh tích cực hơn, người ta có thể lập luận rằng việc chiếm hữu các hòn đảo lớn với các cơ sở quân sự và dân sự tinh vi có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của Trung Quốc sẽ làm giảm động lực để Trung Quốc tấn công các hòn đảo mà các nước khác đang kiểm soát.

Khác với sự hiện diện của các bên tranh chấp khác tại quần đảo Trường Sa với mục đích thể hiện sự quản lý hiệu quả đối với các đảo mà họ hiện đang kiểm soát thông qua việc duy trì các đường băng có thể hỗ trợ tiếp tế các đảo đó, sự hiện diện quân sự được mở rộng của Trung Quốc có thể phục vụ việc tăng cường khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc trong vùng Biển Đông trong trường hợp mất kiểm soát. Mạng lưới các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông (nối đảo Sanya ở phía Bắc tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây, đến các tàu sân bay mới không thể bị đánh đắm tại bãi Fiery Cross, Johnson South, Cuateron và Gaven Reefs trong quần đảo Trường Sa ở khu vực trung tâm và phía Nam, và các căn cứ có thể có ở bãi Mischief Reef và Scarborough Shoal ở phía Đông) sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Nếu vùng nhận dạng phòng không này được thiết lập thì khi đó, các hoạt động quân sự của Mỹ trong và trên vùng biển này sẽ bị sách nhiễu, tàu ngầm của Mỹ sẽ bị săn lùng, Australia sẽ lần đầu tiên bị đặt trong tầm phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc có khả năng kiểm soát hoặc ít nhất là chuyển đi một thông điệp răn đe trong việc đóng các tuyến đường cung cấp năng lượng đặc biệt quan trọng từ Trung Đông đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, các nhà bình luận đã nhấn mạnh rằng các hoạt động cải tạo của Trung Quốc là vi phạm các thỏa thuận quốc tế, theo đó, yêu cầu tất cả các bên kiềm chế và không thực hiện các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng một cách vĩnh viễn liên quan đến các khu vực tranh chấp. Ở một mức độ nào đó, các hoạt động xây dựng và nạo vét của Trung Quốc đang làm tổn hại đến hệ thống san hô ở quần đảo Trường Sa. Chúng cũng là biểu hiện cho thấy sự coi thường của Trung Quốc đối với 'nghĩa vụ hợp tác' với các nước khác bị tác động xấu về môi trường. Hơn nữa, các hoạt động này không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp. Trong khi rao giảng về một sự công bằng mới trong quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN-Trung Quốc (COC) mà một trong những mục đích chính của nó là giữ nguyên trạng của Biển Đông, Trung Quốc lại đang làm tiêu tan bất kỳ hy vọng nào về một văn bản có ý nghĩa có thể giúp quản lý vùng biển đang nổi sóng này.

Cho đến nay, ba quốc gia Việt Nam, Philippines và Mỹ đã phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ với những phản đối có tính chất ngoại giao thì sự tác động lên ý chí và toan tính của Trung Quốc sẽ là rất nhỏ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố thẳng thừng rằng Trung Quốc có thể thực hiện bất kể việc xây dựng nào tại các bãi đá thuộc "chủ quyền" của nước này.

Trước tình trạng hết sức nguy hiểm và nhiều bên bị ảnh hưởng này, một nỗ lực phối hợp của tất cả các quốc gia ven biển và các bên có liên quan là cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm ngăn chặn vùng biển chung này không để biến thành ao nhà của bất kỳ ai đó trước khi tất cả đã quá muộn.
Tại sao Trung Quốc “sợ” Tòa án trọng tài quốc tế?

TTXVN (Sydney 17/12) - Diễn đàn The Interpreter của Australia ngày 12/12 đăng bài phân tích, nhận định về nguyên nhân Trung Quốc luôn tránh Tòa án Quốc tế trong giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Vấn đề được nêu lên trong bối cảnh thời hạn Trung Quốc phải phản biện lên Tòa án trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Bắc Kinh liên quan tới tranh chấp trên biển sắp tới gần.

Ngày 7/12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố một văn kiện lập trường nêu rõ vị trí pháp lý của Trung Quốc xung quanh việc phân xử tranh chấp tại Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS). Văn kiện này có 2 mục đích. Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách gián tiếp tham gia vào vấn đề trọng tài phân xử mà không chính thức thừa nhận tính hợp pháp của cơ quan này. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc được ấn định thời gian đến ngày 15/12 phải gửi phản biện chính thức về vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã quyết định không nộp phản biện này một cách chính thức. Điều đó "lợi cả đôi đường" cho Trung Quốc. Nếu Tòa án trọng tài quốc tế bị tác động bởi văn kiện lập trường kể trên, đó là tin vui cho Trung Quốc. Nếu Tòa án bác bỏ lập trường pháp lý và khẳng định thẩm quyền, Trung Quốc sẽ có thể nói rằng họ chưa bao giờ thực sự tham gia vào các hoạt động hay chương trình nào của Trọng tài Quốc tế. Điều này không chỉ cho phép Trung Quốc duy trì vị trí không bị ràng buộc về mặt pháp lý trong bất kỳ quyết định nào của Tòa án, nó cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ không tự tạo ra tiền lệ xuất hiện tại tòa án UNCLOS trong tương lai mà các nước có liên quan ở Biển Đông khởi xướng.



Thứ hai và có lẽ quan trọng hơn đối với Trung Quốc, là mục đích phụ trợ của văn kiện này: để củng cố quyết tâm của Trung Quốc rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các phương tiện không gây tranh cãi. Điều này đã được lặp đi lặp lại trong văn kiện và trong ý kiến kết luận: "Trung Quốc luôn khẳng định rằng các bên liên quan sẽ tìm cách thích hợp và các phương tiện giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán... tất cả các bên liên quan nên tham gia vào các cuộc đối thoại và hợp tác".

Mong muốn của Trung Quốc về một giải pháp ngoại giao phản ánh những lo ngại của Bắc Kinh xung quanh tính pháp lý của các yêu sách của họ ở Biển Đông- cụ thể là đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò). Việc Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây công bố văn kiện “Giới hạn trên biển” dường như ủng hộ quan điểm này. Bản nghiên cứu của Mỹ đánh giá 3 cách diễn giải của đường 9 đoạn: 1/ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo trong đường 9 đoạn và quyền Vùng đặc quyền kinh tế và lãnh thổ theo UNCLOS liên quan đến những hòn đảo này. 2/ Trung Quốc tuyên bố rằng đường 9 đoạn mô tả đường biên giới quốc gia trên biển. 3/ Trung Quốc đưa ra tuyên bố lịch sử đối với vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) trong đường 9 đoạn.

Báo cáo phát hiện sự giải thích lần đầu tiên của Trung Quốc nhằm có được ưu thế pháp lý, nhưng cách diễn giải lịch sử hàng hải đó không có cơ sở pháp lý chắc chắn. Mặc dù về nguyên tắc, Mỹ không nên làm phiền Trung Quốc với một báo cáo “vô tư” như vậy, nhưng đó là sự thật. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 10/12 vừa qua: Chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu sách đối với các quyền liên quan đã được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài... Báo cáo của Mỹ phớt lờ những thực tế cơ bản và tính khoa học luật pháp quốc tế. Mỹ đã vi phạm cam kết không can dự hoặc đứng về phe nào trong vấn đề Biển Đông... Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ tôn trọng cam kết của mình, thận trọng trong lời nói và việc làm, tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan một cách khách quan và vô tư.

Có vẻ như Trung Quốc ít nhất sẽ cân nhắc các cách hiểu rộng hơn về đường 9 đoạn theo lựa chọn 2 và 3. Kết luận cuối cùng về văn kiện lập trường của Trung Quốc và báo cáo của Mỹ là trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lịch sử rộng lớn liên quan đến đường 9 đoạn, họ biết những tuyên bố này không thể trụ vững trước sự giám sát của luật pháp quốc tế. Như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục tránh những tranh cãi pháp lý và theo đuổi “các cuộc đàm phán trực tiếp và hiệp thương hữu nghị”, vì ít nhất họ sẽ có lựa chọn để khẳng định sức mạnh chính trị của mình.


II. PHẦN QUỐC TẾ
TRUNG QUỐC
Trung Quốc tiếp tục thanh tra nội bộ các doanh nghiệp nhà nước

TTXVN (Bắc Kinh 16/12) - Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn lời phát biểu của ông Hách Hải Minh, Thứ trưởng Bộ Giám sát Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến ngày 16/12 trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra nội bộ đối với các doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Kể từ năm 2013, các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử nhiều đoàn thanh tra đến các bộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công cộng. Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp nhà nước bị thanh tra và sắp tới sẽ có thêm 3 doanh nghiệp nhà nước lớn khác - gồm Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSSC), China Unicom và Sinopec - bị thanh tra.

Ông Hách Hải Minh cho biết, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc hiện tồn tại hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, trong đó có việc lạm dụng quyền lực, hối lộ và lợi ích nhóm. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tham nhũng đã lợi dụng chức quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sân sau - do người thân của những người này điều hành, và một số quyết định sai trái của họ đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước. Thủ đoạn tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn, bởi những người này sử dụng “vỏ bọc hợp pháp” để che giấu mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Hách Hải Minh cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tham nhũng nghiêm trọng hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự quản lý và kỷ luật lỏng lẻo của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, mà những nhà lãnh đạo này phần lớn là đảng viên.

“Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không được phép coi doanh nghiệp như công ty của ‘nhà mình’ và cũng được phép coi mình là ‘ông chủ’”, ông Hách Hải Minh nhấn mạnh.
PHỤ LỤC
Trung Quốc: Trung tâm địa chính trị - kinh tế toàn cầu?

TTXVN (New Delhi 16/12) - Mạng tin của Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) gần đây đăng bài viết của Giáo sư B.R Deepak tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc - Đông Nam Á, thuộc Đại học Jawaharlal Nehru với tựa đề “One Belt One Road: China at the Centre of the Global Geopolitics and Geo economics?”. Nội dung chính của bài viết như sau:

Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) tháng 11/2012 và sau đó là Chủ tịch Trung Quốc tháng 3/2013, Tập Cận Bình đã đưa ra những ý tưởng lớn như "Giấc mộng Trung Hoa" và "Một vành đai, một con đường”.

Các mục tiêu cũ trước đây nhằm “thực hiện đại trẻ hóa Trung Quốc” thông qua thực hiện hai mục tiêu thế kỷ gồm (1) Tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người GDP năm 2010 và xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021, đúng dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập; (2) Xây dựng Trung Quốc thành một nước tiên tiến và hiện đại vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Các mục tiêu trên sau này đã được đề cập thông qua việc thiết lập một Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa địa chính trị - kinh tế (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) thế kỷ XXI, kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển.

Mặc dù được báo cáo ở phạm vi hẹp và ít gây tranh cãi tại Ấn Độ cũng như trên thế giới nhưng những sáng kiến này đã dấy lên hy vọng, cũng như hoài nghi về những gì Trung Quốc đang nổi lên. Trên thực tế, các tuyến đường tơ lụa đã tồn tại từ thời cổ đại, nhưng sự liên hệ tới các sáng kiến như vậy trong thời hiện đại là gì? Và liệu các sáng kiến này có trùng khớp với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc như đa cực, không bá chủ, an ninh chung… hay để nhằm đối phó với các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ như "trục châu Á" hay "Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)”? hoặc Trung Quốc đang thách thức sự bá chủ của Mỹ và viết lại các quy tắc của kiến trúc địa chính trị và kinh tế toàn cầu?

Ý tưởng “Một vành đai, một con đường” được bắt nguồn từ lịch sử như là sự tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Trong ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đường cao tốc, đường sắt từ Bắc vào Nam, từ phía Đông sang khu vực kém phát triển phía Tây và Tây Nam. Sau khi thực hiện được điều này, Trung Quốc coi đó là cơ hội để liên kết với các khu vực ở Nam Á, châu Âu, châu Phi và thậm chí cả châu Mỹ.

Ý tưởng này lần đầu tiên được đưa ra trong bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan vào ngày 7/9/2013 khi cho rằng “Để kết nối chặt chẽ kinh tế, tăng cường hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Á - Âu, chúng ta nên có một cách tiếp cận sáng tạo và cùng nhau xây dựng một "vành đai kinh tế” theo Con đường Tơ lụa. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân dọc theo tuyến đường. Ông Tập đã đề nghị kết nối giao thông cần phải được cải thiện để mở đường cho việc kết nối các khu vực chiến lược từ Thái Bình Dương sang biển Baltic và dần dần hướng tới việc thiết lập hệ thống giao thông kết nối Đông, Tây và Nam Á. Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các thành viên trong khu vực thúc đẩy việc thiết lập hệ thống tài chính nội khối để tăng cường khả năng miễn dịch với những rủi ro tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Không nghi ngờ gì, các kết nối kinh tế là lý do chính Tập Cận Bình công bố thành lập Quỹ con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước có liên quan. Tuy nhiên, ý tưởng này có ý nghĩa chiến lược hơn vì nó sẽ bao hàm an ninh truyền thống hoặc sự song trùng về an ninh ở cả cấp độ khu vực và liên khu vực.

Sáng kiến xây dựng MSR được Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Indonesia tháng 10/2013, với mục đích làm sâu sắc hơn sự kết nối về kinh tế và hàng hải. MSR sẽ bắt đầu ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến phía Đông Nam Trung Quốc và các đầu phía Nam với các quốc gia ASEAN, qua Eo biển Malacca và hướng tới các quốc gia phía Tây dọc theo Ấn Độ Dương trước khi gặp Con đường Tơ lụa ở Venice qua Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Theo phạm vi của MSR, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm” từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến châu Phi, bao gồm vận tải, năng lượng, quản lý nước, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội.

Trung Quốc đã tìm kiếm sự tham gia của các nước và các khu vực trong vùng “Một vành đai, một con đường”. Hầu hết các quốc gia thuộc ASEAN - nơi mà Trung Quốc có giá trị thương mại lên tới 400 tỷ USD đã hoan nghênh những ý tưởng này khi các quốc gia ASEAN đang phấn đấu hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Các nước khu vực Nam Á, ngoại trừ Ấn Độ cũng đã hoan nghênh những ý tưởng này khi cho rằng đây là cơ hội lớn để làm sâu sắc hơn các quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân.

Tại sao Ấn Độ vẫn im lặng trước lời mời của Trung Quốc cho dù Ấn Độ đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của mình trước khi sáng kiến này được quan tâm? Các nhà phân tích an ninh và những người hoài nghi có nên nhìn nhận các sáng kiến trên như là một phần “sự bao vây chiến lược” đối với chính sách của Ấn Độ và cùng với các sáng kiến khác tương tự nhưng nhỏ hơn của Trung Quốc, như Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Hợp tác kinh tế liên khu vực Himalaya với Nepal và Bhutan, các hành lang kinh tế BCIM kết nối Đông Bắc Ấn Độ với phía Tây Nam của Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar? Liệu có phải vì lo ngại sự “bao vây chiến lược" đó mà Ấn Độ chậm trễ triển khai hành lang kinh tế BCIM ngay cả khi nó chính thức được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2013 của Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) và sự suy giảm ảnh hưởng của sáng kiến “một vành đai"? Việc thiết lập an ninh và cộng đồng chiến lược luôn được duy trì theo cách Ấn Độ không thể cho phép Trung Quốc tham gia sâu vào các khu vực nhạy cảm. Nhưng liệu chính phủ mới cầm quyền tại Ấn Độ có suy nghĩ khác về vấn đề này?

Shennon Tiezzi - Biên tập viên tạp chí The Diplomat và Chen Dingding đã đưa ra sự tương đồng giữa ý tưởng “Một vành đai, một con đường” với “Kế hoạch lớn - Marshal Plan” - được Mỹ thiết lập như là một siêu quyền lực. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc, trong đó có Giáo sư Shi Ze, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đã lên án những chỉ trích phương Tây đối với những sáng kiến này và cho rằng Bắc Kinh đã duy trì chính sách “ba không” - đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; không tìm kiếm cái gọi là "ảnh hưởng toàn cầu”; không giành quyền bá chủ hay thống trị trong thực hiện chính sách "Một vành đai, một con đường”.

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” thực sự là lớn hơn so với “Marshal Plan” khi nó cố gắng để bao trùm toàn bộ thế giới với giá trị kinh tế có thể lên tới 21 nghìn tỷ USD. Liệu sáng kiến này sẽ thành công và cho thấy đó không chỉ là ước mơ của Trung Quốc mà còn là mơ ước của các quốc gia khác và người dân trên khắp thế giới? Hoặc nó sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu và các cuộc chiến tranh lạnh hay nóng với siêu cường duy nhất và sự suy giảm của cường quốc thế giới?

Sự xuất hiện của các sáng kiến lớn như Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIDB), Quỹ Con đường Tơ lụa, MSR và khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương gần đây đã đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm địa chính trị - kinh tế toàn cầu và điều này đã buộc Mỹ phải tranh giành vai trò lãnh đạo ít nhất là trong khu vực nếu không nói là toàn cầu. Các thách thức quyền bá chủ của Mỹ trong khu vực bao gồm việc triển khai ý tưởng “trục châu Á” và TPP.

Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với hai thái cực trên vẫn đang được xem xét vì cho đến nay New Delhi vẫn ở ngoài quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ cũng như các sáng kiến của Trung Quốc. Người Trung Quốc nhận ra rằng Mỹ sẽ không ủng hộ một Bắc Kinh mới nổi như những năm đầu cải cách và thực hiện chính sách mở cửa cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ duy nhất có đủ khả năng đe dọa vị trí bá chủ của mình. Trung Quốc cũng cho rằng chỉ có Mỹ, Nhật và Ấn Độ có thể kiềm chế tham vọng biển của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, liệu Ấn Độ sẽ duy trì quyền tự quyết chiến lược của mình hay sẽ nghiêng về một bên giữa Trung Quốc hoặc Mỹ, sự lựa chọn sẽ khó khăn./.







Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 65.17 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương