Tháng 5-1930: Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Xinhgapo. Cuối tháng, từ Xinhgapo, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hồng Kông



tải về 398.98 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích398.98 Kb.
#37091
  1   2   3






 

* Tháng 5-1930: Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Xinhgapo. Cuối tháng, từ Xinhgapo, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hồng Kông.

* Mùa xuân năm 1934, trước tháng 6: Vào một ngày xuân, trong bộ quần áo dài Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bước lên một chiếc tàu hàng Xôviết ở Thượng Hải để đi Liên Xô. Sau mấy ngày, tàu cập cảng Vlađivôxtốc (Liên Xô).

* Mùa hè 1936 : Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chuẩn bị cho các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Hưu về nước qua đường Pháp - Hồng Kông - Việt Nam. Người dặn kỹ kinh nghiệm, mật hiệu liên lạc khi đến Hồng Kông... Người còn dặn mấy ý kiến chuyển tới đồng chí Duy (tức Lê Hồng Phong) ở Thượng Hải: Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào; không thoả hiệp với bọn tơrốtxkít; lập Mặt trận Dân tộc dân chủ rộng rãi chống phátxít, chống chiến tranh đế quốc...

Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về nước. Người dự định sang Béclin rồi sang Pháp, và từ Pháp đi tàu về Đông Dương... Nếu gặp khó khăn thì đến Thượng Hải, nơi Quốc tế Cộng sản đã lập lại các cơ sở liên lạc của mình, rồi tìm đường về Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc được Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản mời đến làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường... Song, chuyến đi này phải huỷ bỏ vì tình hình thay đổi. Trong khi chờ đợi một dịp khác, Nguyễn Ái Quốc vào làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa đặt trụ sở tại nhà số 25, đại lộ Tvécxkôi ở Mátxcơva.

* Khoảng giữa năm 1937: Nguyễn Ái Quốc (Lin) dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc.  Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong hai nghiên cứu sinh không đăng ký đi nghỉ hè một tháng theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa dành cho các nghiên cứu sinh.

* Ngày 21/5/1939: Bài viết Thư từ Trung Quốc - Những khó khăn của quân đội Nhật khởi đầu với dòng chữ “Quế Lâm, ngày 15-4”, ký tên P. C. Lin, đăng trên báo Notre Voix. Nguyễn Ái Quốc thuật lại (từ các nguồn thông báo chính thức) một số vụ binh biến (ở Đại Cô ngày 22 tháng Giêng, ở Hán Khẩu ngày 9 tháng 2,...) và tình hình từ chỗ cuồng tín “Hy sinh vì Nhật hoàng là vinh dự lớn nhất!”, “Hãy chiến thắng khi trở về hoặc là tự sát trên chiến trường!” đến tình trạng mất lòng tin, đến những vụ tự tử để khỏi phải ra mặt trận, những vụ nổi dậy của binh lính Nhật ở Hồng Kông, Louang... Kết thúc bức thư, Nguyễn Ái Quốc viết: “Sau khi đọc qua vài sự việc trên đây, chắc các bạn thừa hiểu vì sao bọn Nhật sau khi chiếm Hán Khẩu, Quảng Châu và Nam Dương thì không còn tiến được nữa”.

* Năm 1940

- Ngày 1/5/1940: Theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, tờ báo cách mạng lâu nay mang tên Truyền tin, ra số Kỷ niệm ngày 1-5, là số đầu tiên đổi tên thành Đ.T. với lời “Kính chào độc giả”:

... “Đ.T. vẫn theo đuổi mục đích và tôn chỉ của Truyền tin mà phấn đấu. Hy vọng kiều bào sẽ giúp đỡ cho Đ.T. cũng như giúp đỡ choTruyền tin trước, có tiền giúp tiền, có ý kiến giúp ý kiến, và ra sức cổ động cho Đ.T. được lan rộng.



Đế quốc chiến tranh đang kịch liệt và mở rộng. Cuộc vận động dân tộc giải phóng đứng trong bước gay go. Đ.T. có thể gánh vác một phần nhiệm vụ lớn của dân tộc, là nhờ sự giúp đỡ của kiều bào.

Còn hai chữ Đ.T. là ý nghĩa gì, kiều bào thử đoán xem”.

Trong mục Văn uyển có bài thơ nhạc Chinh phụ ngâm do Nguyễn Ái Quốc sáng tác, nói lên sự thông cảm với nỗi khổ của con người trong chiến tranh, đồng thời khéo léo khêu gợi chuyển chiến tranh đế quốc thành chiến tranh cách mạng:



Chuyển biến thành phản đế chiến tranh

Pháp thì khi đã giập binh

Nước nhà trọn vẹn quang vinh muôn đời.

+ Sau một tháng ở Chỉ Thôn, Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho những người ở lại tiếp tục gây cơ sở, giữ gìn bí mật, đồng thời ủng hộ Trung Quốc kháng chiến. Người còn nói với các đồng chí ở cơ sở này: “Chúng tôi ở đây lâu, nay đi, đề nghị các đồng chí nhận xét và phê bình”“Các đồng chí ở đây cần giúp đỡ các đồng chí qua lại hoạt động. Phải cần đến tiền. Tôi đưa một số tiền vào tiền ăn của chúng tôi...”. Sau đó, Người lên đường trở lại Côn Minh.

+ Tại Côn Minh, Nguyễn Ái Quốc quyết định cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt – Trung, vạch trần tội ác của giặc Pháp, giặc Nhật và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống Nhật.

- Cuối tháng 5/1940: Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh. Phùng Chí Kiên dẫn Đặng Văn Cáp đến gặp Người. Người thân mật hỏi đồng chí Cáp về những người quen cũ hồi ở Xiêm (nay là Thái Lan) cách đây đã hơn mười năm. Người cho biết định về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai qua huyện Khai Viễn nếu không có đường nào thuận lợi hơn. Người phái Bùi Thanh Bình về Hồ Kiều thăm dò đường sá và cử Hoàng Văn Lộc cùng về theo.

* Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941: Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn. Theo đề nghị của Người, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới và cử đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng.

* Tháng 5- 1942: Tại hang Kéo Quảng, sau khi nghe cán bộ báo cáo về bệnh đậu mùa đang hoành hành ở địa phương, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu một bài thuốc chữa đậu mùa của người Trung Quốc và căn dặn cán bộ khi đi công tác nhớ phổ biến cho dân biết để chữa bệnh. Người nói: “Đây là một bệnh nguy hiểm không khác gì bọn Tây. Cần phải phòng ngừa ngay”.

* Tháng 5-1943:  Từ trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh bí mật gửi được một lá thư về cho các đồng chí trong nước báo tin vắn tắt về tình hình của mình ở trong tù.

* Tháng 5- 1944:  Quyển Chiến thuật du kích (Cách đánh du kích) do Nguyễn Ái Quốc biên soạn được Việt Minh xuất bản. Sách gồm 13 chương: Du kích là gì; Tổ chức đội du kích; Nguyên tắc của cách đánh du kích; Cách tiến công, tập kích; Phục kích; Cách phòng ngự; Cách đánh đuổi giặc; Cách rút lui; Phá hoại; Thông tin và liên lạc; Hành quân; Đóng quân; Căn cứ địa.



* Năm 1945

- Tháng 5, một ngày đầu tháng:

+ Hồ Chí Minh đàm đạo về thơ với Hoàng Đức Triều. Nghe bài thơ Vịnh Cao Bằng, Người gật đầu: Được, bài thơ có cái tự hào và chí khí anh hùng! Nếu bớt được điển tích, lời văn trong sáng hơn nữa, sẽ có sức mạnh hơn.

Nghe bản dịch một bài thơ chữ Hán đề trên vách đá chùa Kỳ Sầm, Người hỏi về nguyên tác và nói: Quân Nùng vương thật là mất cảnh giác quá nhỉ! Làm việc quân mà mất cảnh giác, không thể thành công được. Bài thơ này nhiều điển tích phải giảng giải quá!..



+ Hồ Chí Minh gửi cho A. Pátti một bức thư cùng với hai tài liệu khác đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Hội nghị Liên hợp quốc, kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Hai tài liệu này được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh và ký “Đảng quốc dân Đông Dương”. Ít ngày sau, Người lại gửi một tài liệu thứ hai, kèm theo một mảnh giấy nhỏ viết bằng tiếng Anh hỏi A. Pátti xem các văn kiện trên đã gửi đi Xan Phranxítxcô chưa?

- Ngày 4-5-1945: Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình rời Pác Bó về Tân Trào. Sáng: tại Khuổi Nậm, Hồ Chí Minh tập hợp tiểu đội tự vệ cùng với hai người bạn Đồng minh, nói rõ ý nghĩa quan trọng của chuyến đi rồi trực tiếp phân công từng người, dặn dò cách giữ bí mật và cố gắng tránh đụng độ với địch để bảo toàn lực lượng. Khoảng 9 giờ sáng, đoàn lên đường. Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng đã cũ, đội nón chóp quai thao, khăn che gần kín mặt, đeo chiếc túi dết nhỏ có hai nút buộc dây, tay chống gậy. Trưa: Người nghỉ ăn trưa tại nhà Nông Hiền Hữu ở bản Thua Phia, rồi tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối: Người đến Đào Ngạn, nghỉ ở nhà đồng chí Nông Văn Giáo (bí danh Phục Việt) xóm Bản Nưa. Tại đây, Người yêu cầu đồng chí Quất tìm liên lạc để sáng hôm sau dẫn đoàn đi Lam Sơn.

- Ngày 5-5-1945: Người rời Bản Nưa đi Lam Sơn. Tại Lam Sơn, Người nghỉ chân ở trạm giao thông của Liên tỉnh uỷ và đến tối ngủ lại nhà một cơ sở quần chúng.

- Từ ngày 6 đến 8-5-1945: Hồ Chí Minh làm việc tại Lam Sơn. Người họp với các cán bộ Trung ương và cán bộ của Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa.

- Ngày 9-5-1945: Sáng, Hồ Chí Minh rời Lam Sơn. Đi theo Người có tiểu đội cận vệ đặc biệt do Đặng Văn Cáp phụ trách. Trưa, Hồ Chí Minh đến xã Bình Dương, ăn trưa ở Thin Tăng. Chiều, Người tiếp tục đi, gần tối đến bản Khuổi Lẩy (thuộc xã Thịnh Vượng, châu Nguyên Bình, nay là xã Bình Dương, huyện Hoà An).

Cùng ngày, Người viết một lá thư gửi Sáclơ Phen và Bécna. Thư viết bằng loại bút sắt trên giấy làm bằng rơm của Trung Quốc. Toàn văn như sau:



Ông Bécna và ông Phen thân mến!

Tôi hết lòng cảm ơn các ông về sự giúp đỡ của các ông cho các bạn chúng tôi.

Tôi mong muốn là các bạn của chúng tôi sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta.

Tôi hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại khu căn cứ của chúng tôi. Nếu được thế thì thật là tuyệt.

Cho phép tôi gửi lời chào kính trọng tới tướng Sênôn.

9-5-1945. Chân thành gửi tới các ông lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

- Ngày 10-5-1945:  Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ tiếp tục cuộc hành trình hướng tới Ngân Sơn, Người yêu cầu Đặng Văn Cáp trở lại Lam Sơn tiếp tục công việc chế tạo và sửa chữa vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa.

- Ngày 11-5-1945: tiếp tục cuộc hành trình, buổi sáng, khi qua bản Sành, Nà Y (xã Cốc Đán) gặp đúng lúc trời mưa tầm tã. Buổi chiều, Người đến bản Hoàng Phài (xã Thượng An, huyện Ngân Sơn). Theo sự bố trí của đồng chí Mỹ Đức, Người nghỉ chân tại một gia đình cơ sở tin cậy. Người sang thăm lớp bình dân đang học ở ngôi nhà đối diện. Được biết lớp này thuộc xã Minh Khai, Người kể cho lớp nghe về tiểu sử của người phụ nữ chiến sĩ cách mạng vẻ vang ấy. Người ăn cơm tối tại nhà cơ sở rồi dự buổi gặp gỡ thân mật với các cán bộ và quần chúng địa phương. Người nói chuyện về tình hình cách mạng trong nước và thế giới.

- Ngày 12-5-1945: Hồ Chí Minh rời bản Hoàng Phài tiếp tục cuộc hành trình. Gần tối, Người đến Khuổi Mản và nghỉ đêm ở nhà Đàm Ngọc Hải.

- Ngày 13-5-1945: Hồ Chí Minh tiếp tục đi theo hướng Chợ Rã. Dọc đường, Người vui vẻ kể chuyện cho mọi người quên mệt, chỉ dẫn cho các cán bộ trẻ chữa chân đau vì đi bộ nhiều. Gần tối, Người đến Chợ Rã.

- Ngày 14-5-1945: tiếp tục cuộc hành trình. Trưa, Người dừng chân, nghỉ ăn cơm ở Pò Cót. Gần tối, Người đến Bản Chán.

- Ngày 15-5-1945: tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối, Người đến Bản Cải (dân tộc Tày) thuộc xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, và nghỉ đêm tại đây.

- Ngày 16-5-1945: tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối, Người tới bản Rủm Tó., xã Ngọc Bằng (nay là xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn).

- Giữa tháng 5-1945:

+ Hồ Chí Minh gửi “Bản sách đen” và một tập ảnh chụp người dân Việt Nam trong nạn đói ở Bắc Kỳ cho Pátti và yêu cầu ông ta chuyển cho Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh để gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ.

+ Hồ Chí Minh yêu cầu Trung uý Giôn (John), báo vụ của cơ quan OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.

- Ngày 17-5-1945: Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ tiếp tục cuộc hành trình. Buổi chiều, Người tới Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn), gặp Võ Nguyên Giáp lên đón.

- Ngày 20-5-1945: Hồ Chí Minh đến địa phận tỉnh Tuyên Quang. Người dừng chân ăn trưa ở Pá Hóp (xã Lĩnh Phú, huyện Chiêm Hoá), sau đó đi tiếp qua bản Pài, bản Pình (xã Trung Minh, huyện Yên Sơn). Tối, Người nghỉ lại ở bản Coóc (nay thuộc xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn).

- Ngày 21-5-1945: Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Hồng Thái (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Người nghỉ chân ở đình Hồng Thái. Sau đó Người vượt sông Đáy đi Tân Trào. Khoảng 16 giờ, Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Tân Trào. Theo sự bố trí, Võ Nguyên Giáp đưa Hồ Chí Minh cùng Đinh Đại Toàn và hai người mang điện đài đi theo đến nhà Nguyễn Tiến Sự, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Sau bữa cơm chiều, Võ Nguyên Giáp giới thiệu những người khách đặc biệt với gia đình Nguyễn Tiến Sự và dặn: “Người ngồi cạnh ông già là đồng chí Đại Toàn. Việc cần liên hệ với các đồng chí ở đây thì cứ trao đổi với Đại Toàn”.

Hai người phụ trách điện đài được bố trí làm việc ở một địa điểm có tán cây rậm rạp trong vườn nhà ông Sự. Hồ Chí Minh nhắc anh em nguỵ trang ăngten của máy vô tuyến điện cho kín đáo.

- Sau ngày 24-5-1945:

+ Hồ Chí Minh và Nguyễn Tiến Sự lên rừng tìm địa điểm làm nơi ở mới. Lần nào đi Người cũng mang theo la bàn và tổ vô tuyến điện. Đến địa điểm thứ ba, ở lưng chừng đồi nứa Nà Lừa, nơi gần con suối nhỏ, Người chọn làm nơi dựng lán.

+ Hồ Chí Minh chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự đến lán Nà Lừa.

+ Hồ Chí Minh chỉ thị khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ.

+ Hồ Chí Minh phái một giao thông trao tận tay Pátti tại Côn Minh một thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở vùng Cao Bằng và trên đường về Hà Nội. Người còn gửi kèm theo một mẩu giấy trên đó Người viết một câu tiếng Anh hỏi Pátti đã chuyển hộ hai văn kiện chính trị của Người đi Xan Phranxítxcô chưa?.

- Cuối tháng 5, đầu tháng 6-1945:  Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ học viên Trường Quân chính kháng Nhật tại Tân Trào. Người ân cần hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập của học viên, tình hình làm ăn của đồng bào. Anh em chỉ biết Người là một ông cụ người Nùng, nói sõi tiếng Kinh.

* Năm 1946

- Đầu tháng 5-1946: Hàng ngày, từ 6 giờ đến 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi đọc báo tại một phòng làm việc trong Bắc Bộ phủ để các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim vẽ ảnh chân dung và nặn tượng Người. Trong lúc làm việc, các nghệ sĩ đã trao đổi với Người về nghề nghiệp.

- Ngày 1-5-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5. Lời kêu gọi có đoạn: “ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

- Ngày 3-5-1946:  Bài viết Hồng quân với Liên Xô (ký bút danh Q.Th) đăng trên báo Cứu quốc, số 230, giới thiệu về những chiến công oanh liệt của Hồng quân Liên Xô. Theo Người, sở dĩ Hồng quân Liên Xô thu được những chiến công như vậy, ngoài tinh thần chiến đấu dũng cảm còn do những nguyên nhân:

1. Hồng quân Liên Xô "biết phép chiến đấu".

2. Hồng quân Liên Xô "đã được hưởng thụ một nền văn hoá và giáo dục tốt đẹp".

3. Quân dân nhất trí.

4. Quân đội Liên Xô có những vị chỉ huy tối cao sáng suốt và đủ tài đức.

Bài báo kết luận: "Chúng ta đương tổ chức quân đội quốc gia, chúng ta phải rút kinh nghiệm quý báu trong lịch sử kiến thiết quân đội của Liên Xô".

- Ngày 4-5-1946: Người gửi thư cho Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ "Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp chống nạn mù chữ. Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc. Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”. Người mong rằng, lòng hăng hái và sự nỗ lực của các giáo viên bình dân học vụ sẽ sớm mang lại kết quả vẻ vang: đồng bào ai cũng biết đọc, biết viết. “Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”.

- Ngày 6-5-1946: 8 giờ 30, Người dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về Phái đoàn Việt Nam ở Đà Lạt đã đạt được thoả thuận: hai Chính phủ cử  ra một ban để nghiên cứu nhằm xây dựng một không khí tốt đẹp, xoá bỏ sự thù địch. Sau đó, Hội đồng Chính phủ nghe thông báo tình hình quân sự giữa Việt Nam và Pháp, một số công việc thuộc nội vụ như báo chí, quảng cáo và thảo luận một số việc về kinh tế như đổi giấy bạc, khai thác mỏ...

- Ngày 8-5-1946: 8 giờ 30, Người dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe thông báo và bàn về vấn đề tài chính, trong đó có việc Lư Hán đã gửi cho Người hai quyển sổ quyên góp cho Trung Hoa. Người đã quyên 50.000đ quốc tệ và mỗi Bộ trưởng quyên 10.000đ quốc tệ. Hội đồng cũng nghe báo cáo về Phái đoàn Việt Nam ở Đà Lạt và việc Hội nghị Đà Lạt sẽ bế mạc ngày 11 tháng 5, về tình hình người Trung Hoa nhập cảng hàng hoá, về tình hình hộ đê...

- Ngày 9-5-1946: 9 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Người tiếp gần 50 đại biểu thuộc đủ các lứa tuổi, các giới của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, Hà Giang. Các đại biểu đã biếu Người khoai, ngô, mật ong, vải... của địa phương. Người nâng cốc chúc các đại biểu mạnh khoẻ, sống lâu, hô hào con cháu đoàn kết giúp Chính phủ và động viên chị em phụ nữ, hỏi thăm tình hình xoá nạn mù chữ, khuyên đồng bào nên gắng sức học tập cho biết chữ và đoàn kết chặt chẽ. Người nhắc các đại biểu lần sau không nên mang cho nhiều quà, vừa tốn công vừa tốn của. Người tự tay tặng mỗi đại biểu một tấm huy hiệu có in hình của Người và chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu gói chè của đồng bào Hà Giang mới biếu Người.

- Trước ngày 10-5-1946: Người gửi thư cho Liên đoàn Công giáo và Nhà Dục anh Công giáo tỉnh Thái Bình. Sau khi cảm ơn đồng bào Thái Bình đã tặng nhiều nông sản địa phương nhân dịp Người thăm Thái Bình ngày 28 tháng 4, Người viết:

Trong các vật kỷ niệm, cái khung ảnh bằng lụa do Nhà Dục anh Công giáo thêu, và Liên đoàn Công giáo biếu tôi, làm cho tôi đặc biệt cảm động... Tôi cảm ơn và xin chúc toàn thể đồng bào Công giáo luôn luôn mạnh khoẻ, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Chúa Trời”.

- Ngày 10-5-1946: 8 giờ 30, Người dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo và bàn về các vấn đề tổ chức các bộ, việc tiếp tế gạo, một số vụ Việt Nam Quốc dân Đảng từ Đồng Mỏ (Lạng Sơn) kéo xuống uy hiếp Bắc Giang.

- Ngày 13-5-1946: 8 giờ 30, dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quân đội Pháp khủng bố ở miền Nam Trung Bộ, và lời yêu cầu của chủ Hãng Xi măng ở Huế và Hãng Sifa ở Vinh muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho họ sản xuất. Người nhắc Bộ Canh nông chú ý vấn đề nhân lực để kịp gặt lúa ở nông thôn.

10 giờ, Người cùng Hội đồng Chính phủ tiếp Phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị trù bị Việt - Pháp ở Đà Lạt về. Người nói: "Hoan nghênh phái bộ Hội nghị trù bị. Tuy kết quả chưa đủ, nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết...." Sau khi nghe phái đoàn báo cáo quá trình đàm phán, Người nói: "Phải tiếp tục tranh đấu tại Hội nghị Pari!".

- Ngày 14-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ nghe phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt thông báo cuộc đàm phán với Pháp về các vấn đề:

- Ngoại giao của nước Việt Nam;

- Liên bang Đông Dương;

- Liên hiệp Pháp quốc;

- Trưng cầu ý kiến dân chúng.

Cùng ngày, Người gửi điện đến Đô đốc Đácgiăngliơ đề nghị chuyển lời cảm ơn của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tới Chính phủ Pháp đã đón tiếp niềm nở Phái đoàn Quốc hội Việt Nam và "ao ước rằng những cuộc thương thuyết sau này tại Pari cũng sẽ thân mật như thế để mưu sự thịnh vượng chung cho cả hai dân tộc".

- Ngày 15-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ, tiếp tục nghe phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt thông báo công việc của Tiểu ban Kinh tế và Tiểu ban Văn hoá trong cuộc đàm phán với Pháp.

- Khoảng giữa tháng 5-1946: đến thăm đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc đang ở tại nhà ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Người hỏi thăm sức khoẻ của đoàn và tình hình Nam Bộ. Khi biết chiến trường Nam Bộ rất cần súng, Người nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”. Người hỏi chuyện từng người và căn dặn đồng chí Nguyễn Thị Định[1]: “Cô ở ngoài này học tập một thời gian rồi lại về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té, có phải thế không?”.

- Ngày 16-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ tiếp tục nghe phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt thông báo công việc của Tiểu ban Quân sự.

- Ngày 17-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc tổ chức Nha tiếp tế (thuộc Bộ Kinh tế), việc chuyên chở muối, vấn đề giấy bạc 500 đồng và tình hình quân sự ở một số địa phương.

Cùng ngày, bài viết Binh pháp Tôn Tử, ký bút danh Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 242. Người phân tích “nguyên lý thứ nhất” trong 10 nguyên lý cơ bản của Binh pháp Tôn Tử là: “Phải biết xét đoán trước”, tức là trước trận đánh, người cầm quân phải biết mình, biết người, biết thiên thời địa lợi. Có như vậy mới nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh.

- Ngày 18-5-1946: 18 giờ, tại Bắc Bộ phủ, tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp do Đô đốc Đácgiăngliơ dẫn đầu[2] đến chào. Trong buổi tiếp, khi nâng cốc chào mừng ông Cao uỷ, Người nói: “Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới lấy làm sung sướng được tiếp đón các vị đại diện của nước Pháp mới. Sau cuộc hội thương tại vịnh Hạ Long, Hội nghị trù bị tại Đà Lạt và cuộc giao hảo của phái bộ Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Pháp tại Pari, hôm nay, với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Pháp - Việt chắc chắn sẽ có bước phát triển mới".

19 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đáp lễ tại nơi ở của tướng Valuy, nơi nghỉ của Đô đốc Đácgiăngliơ.

- Ngày 19-5-1946: Sáng, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt tiếp các vị trong Thường vụ và trong Chính phủ, các đoàn đại biểu tới chúc thọ Người.

Nhớ lại kỷ niệm ngày sinh nhật của Người năm 1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể:

"Tiếng trống ếch rộn ràng trước cửa Bắc Bộ phủ. Các cháu đã tới. Bác Hồ ra đón các cháu vào. Hơn một chục em bé gái, trai thay mặt cho toàn thể thiếu nhi nội ngoại thành đến chúc thọ Bác. Trong các em, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở Trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu Măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào Bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in Điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.

Quà của Bác Hồ cho các cháu bé năm đó là một cây bách tán. Bác trỏ cái cây nhỏ lá rất xanh, trồng trong chậu, nói:

- Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cái cây này sẽ mọc một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!

Các em vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán đi ra thì một đoàn hơn năm chục anh, chị bước vào phòng... Đây là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc thọ Bác.

Sau khi nghe lời chúc mừng của các anh, các chị, Bác nói:

- Tôi xin cảm ơn các anh, các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình.

Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác...

Lát sau, Ban vận động Trung ương Đời sống mới vừa được thành lập tháng trước... đến chúc thọ Bác. Nhân được gặp Bác, các đại biểu đề nghị Bác nêu ra cho cuộc vận động một khẩu hiệu. Bác nói:

- Các chú muốn có một khẩu hiệu ư? "Cần kiệm liêm chính", "Chí công vô tư". Khẩu hiệu đó!

Một đại biểu thưa với Bác khẩu hiệu này đã quá quen thuộc, xin Bác một khẩu hiệu mới cho hợp với cuộc vận động Đời sống mới.

Bác cười rồi nói:

- Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời mà sống. Những việc đó, ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. "Cần kiệm liêm chính", "Chí công vô tư" đối với Đời sống mới cũng như vậy".

Cũng trong buổi sáng, tiếp phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP tại Hà Nội. Về tình hình Hội nghị trù bị Đà Lạt, Người nói: “Một cách trung thực, thành thực, và đôi khi tàn bạo, đại biểu của hai nước đã nói rõ lập trường của mình, đó là một phương pháp hay, vì như vậy, bây giờ chúng ta hiểu nhau hơn trước. Về một vài điểm, hai bên đã thoả thuận. Vẫn còn có những sự bất đồng ý kiến. Nhưng cuộc Hội nghị này chỉ là một cuộc Hội nghị trù bị. Nhiệm vụ của cuộc Hội nghị Ba Lê[3] là chuẩn y sự thoả hiệp thực hiện ở Đà Lạt và dung hoà các quan điểm xung đột nhau. Các cuộc xung đột ý kiến không đến nỗi không giải quyết được. Hai dân tộc phải thoả thuận với nhau để thực hiện một cuộc hợp tác thân thiện. Chúng ta đã đặt một nền tảng chắc chắn cho các cuộc đàm phán sau này".

- Ngày 20-5-1946: 8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo trước Hội đồng: trong mấy ngày qua, Người gặp và nói chuyện với Đô đốc Đácgiăngliơ, nhưng phần nhiều chỉ nói về chính trị chung chung và chỉ quyết định được một việc là phái đoàn của ta sẽ lên đường ngày 31-5 đi Pari dự cuộc đàm phán chính thức. Tiếp đó, Hội đồng bàn vấn đề thưởng, phạt trong việc hộ đê; nghe báo cáo về tình hình gia đình ông Vĩnh Thuỵ và quyết định cần có mọi biện pháp đảm bảo an toàn và thực hiện các ý muốn của Cố vấn.

Trong ngày, sau khi đọc xong cuốn Phương pháp và cách thức dạy học vỡ lòng chữ quốc ngữ, do Nha Bình dân học vụ xuất bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết vào trang đầu cuốn sách:

Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết.

Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”.

- Ngày 22-5-1946: 8 giờ 30, dự họp Hội đồng Chính phủ thảo luận các vấn đề: dự án Sắc lệnh tổ chức các cơ quan y tế; giải quyết xung đột giữa các đảng phái ở các tỉnh; kiểm soát xuất nhập cảng; việc Trung Hoa xin xuất 2000 tấn gạo; vấn đề Pháp định mở nhà Thông tin ở Hà Nội. Hội đồng Chính phủ quyết định lập một Uỷ ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Pari, gồm sáu người: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ông Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Vũ Hồng Khanh.

- Ngày 23-5-1946: Người gửi thư cám ơn Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan đoàn thể và đồng bào cả nước cùng bè bạn nước ngoài đã chúc mừng nhân ngày sinh của Người. Bức thư có đoạn: “Nhân dịp này, tôi xin hứa với đồng bào rằng từ đây về sau, cũng như từ đây về trước, tôi sẽ ra sức phấn đấu để giữ quyền tự chủ của nước nhà, quyền tự do của dân tộc, quyền dân chủ của đồng bào. Tôi xin hứa với bạn hữu các nước rằng tôi sẽ dùng tinh thần lực lượng nhỏ mọn của tôi để giúp vào xây đắp mối tình thân thiện giữa các dân tộc”.

- Ngày 24-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về công việc của Đoàn Quốc hội ở Pháp, việc dàn xếp tình hình ở Bắc Giang và Vĩnh Yên, việc bộ đội của Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội đã hợp nhất với bộ đội Chính phủ, việc Việt kiều ở Thượng Hải về nước.

Cùng ngày, bài viết giới thiệu về Binh pháp Tôn tử, dưới nhan đề Muốn biết người phải thế nào? (ký bút danh Q.Th.), đăng trên báo Cứu quốc, số 248. Bài báo phân tích tầm quan trọng của việc dùng gián điệp trong chiến tranh.

- Ngày 26-5-1946: 6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ quân sự cấp cao rời Hà Nội đi dự Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây. Tại buổi lễ, sau lời chúc mừng của Bộ trưởng Phan Anh và Giám đốc nhà trường Hoàng Đạo Thúy, Người nói: Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thực thà.  Phải có kỷ luật về cả tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: “Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn”.

Sau khi trao tặng nhà trường lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”, Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”.

Trước khi về Hà Nội, Người thăm hỏi các đại biểu Phụ lão cứu quốc Sơn Tây, nhận quà biếu của các cụ và Cô nhi viện. Tại Uỷ ban hành chính Sơn Tây, Người nói chuyện với thanh niên và đồng bào.

- Ngày 27-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng quyết định Cụ Huỳnh Thúc Kháng tạm thay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi vắng và bàn vấn đề kiều bào ở Thượng Hải về nước, kiều bào ở Lào, vấn đề giảm thuế cho những tỉnh khó khăn và thu thuế hàng hoá của Pháp.

- Ngày 29-5-1946: 8 giờ 30, Người dự họp Hội đồng Chính phủ, quyết nghị Chính phủ ký những Sắc lệnh về việc cử phái đoàn Việt Nam đi Pháp; cử người phụ trách Bộ Quốc phòng trong lúc ông Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu vắng mặt; thiết quân luật và giới nghiêm; tuyên dương các binh sĩ có công; tổ chức Bộ Tài chính;... Hội đồng còn nghe báo cáo về tình hình mâu thuẫn giữa các đảng phái ở địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về cấp bậc mới của ông Vũ Đình Huỳnh - thành viên của Đoàn Việt Nam sắp đi Pháp. Người nói: "Anh Vũ Đình Huỳnh, Thư ký riêng của tôi, aide camp particulier (nguyên văn tiếng Pháp của Bác). Trước đây ta phong cho Huỳnh chức đại uý, đi đường gặp quan tư của Pháp phải chào, nay tôi nhân danh Chính phủ phong cho anh Huỳnh chức đại tá, colonel, như thế anh Huỳnh chỉ phải chào có một Xalăng thôi".

Cùng ngày, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) tiến hành đại hội thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đại hội bầu làm Hội trưởng danh dự.

Cũng cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tướng R. Xalăng đến Trường Trung học Anbe Xarô là nơi trú quân của Sư đoàn thiết giáp số 2 của Pháp tại Hà Nội. Đứng trước các sĩ quan chỉ huy và binh lính tập trung tại sân trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi đi Pháp, tới đất nước tươi đẹp, Tổ quốc của các bạn. Tôi sẽ nói với các bà mẹ, các chị, các em và những người yêu của các bạn rằng các bạn đều khoẻ mạnh, đều là những người lính xứng đáng với danh dự của nước Pháp".

- Ngày 30-5-1946:  7 giờ 30, trời mưa to, Người đến dự cuộc mít tinh của đồng bào tổ chức tại Việt Nam học xá để tiễn Người sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Tại cuộc mít tinh, Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân". Người căn dặn đồng bào ra sức giúp cho cuộc đàm phán có kết quả bằng cách:

1- Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ;



2- Ra sức cần kiệm, cho khỏi nạn đói khó;

3- Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ;

4- Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế ôn hoà”.

Với ngoại kiều ở Việt Nam, Người khuyên nên “tương kính thương thân, thành thật hợp tác, êm ấm thuận hoà, thực hiện chữ “Tứ hải giai huynh đệ”.

11 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Người tiếp các phóng viên ở Hà Nội, căn dặn các nhà báo phải làm tròn nhiệm vụ tranh đấu cho nước nhà, hướng dẫn dư luận đồng bào và giữ thái độ của các cơ quan ngôn luận là ôn hoà, đúng đắn.

12 giờ, Người dự họp Hội đồng Chính phủ bàn vấn đề cử người thay ông Nguyễn Tường Tam, Trưởng Phái đoàn Việt Nam đi Pari.

Chiều, tại Bắc Bộ phủ, Người tiếp các ông Nguyễn Văn Tố và Bùi Bằng Đoàn, thay mặt Quốc hội, đến chúc Người sức khoẻ trước khi lên đường sang Pháp để giành quyền tự chủ hoàn toàn cho nước nhà.

- Cuối tháng 5-1946:

+ Tại Bắc Bộ phủ, Người tiếp các ông Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng và các đại biểu trong Bộ Tổng uỷ viên Hướng đạo đến báo cáo về công việc của Hội và đề nghị Người làm Hội trưởng danh dự Hội Hướng đạo Việt Nam.

+ Người làm thơ hoạ lại bài thơ của Nguyễn Hải Thần tặng Người trước khi sang Pháp. Toàn văn bài thơ như sau:

Gặp gỡ đường đời anh với tôi,



Đường đời gai góc phải chia hai.

Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc.

Há bỏ thân yêu, bỏ giống nòi.

Trách kẻ đưa thân vào miệng cọp,

Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi.

Tàn cờ mới biết tay cao thấp,

Há phải như ai, cá thấy mồi!”.

- Ngày 31-5-1946: Sáng sớm, Người viết thư Gửi đồng bào Nam Bộ,  khuyên đồng bào Nam Bộ hãy bình tĩnh và hứa với đồng bào rằng "Hồ Chí Minh không phải là người bán nước", đồng thời khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Người còn viết thư trả lời Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam, đồng ý nhận làm Hội trưởng danh dự của Hội và chúc anh em trong Hội luôn luôn sẵn sàng "Phụng sự Tổ quốc".

6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam đến sân bay Gia Lâm. Người cùng với ông Phạm Văn Đồng, tướng Valuy và tướng Xalăng duyệt đội quân danh dự của Việt Nam và Pháp, khen ngợi đội quân danh dự của quân đội Pháp và mong rằng hai quân đội Việt, Pháp thân thiện với nhau.

Trước lúc lên máy bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng và nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi)”. Sau đó, Người nói với các thành viên trong đoàn công tác sang Pháp trước những đại biểu đưa tiễn: “Anh em chúng ta mang trọng trách quốc gia, trước mặt quốc dân đồng bào, chúng ta phải thề dù gặp gian lao thế nào, chúng ta cũng phải nhất tâm đoàn kết để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”. Tất cả đồng thanh hô: “Xin thề!”.

7 giờ 45, hai chiếc máy bay Dakota kiểu Mỹ từ từ cất cánh. Một chiếc chở Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và hai thư ký riêng của Người là Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện. Phía Pháp có tướng Xalăng, Đarây, đại uý Cácchiê, v.v.. Một chiếc chở phái bộ đi dự Hội nghị Phôngtennơblô.

Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cho Đô đốc Đácgiăngliơ. Toàn văn bức điện như sau: “Tôi xin cảm ơn Ngài đã săn sóc về việc khởi hành sang Pháp của tôi và tôi thành thực cảm ơn Ngài đã viết thư chúc tôi trong lúc tôi lên đường. Tôi sẽ hy vọng và quả quyết rằng cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ được tốt đẹp và nhờ đó hai dân tộc Pháp-Nam sẽ cộng tác một cách chặt chẽ".

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu về Binh pháp Tôn Tử dưới nhan đề Phương pháp dùng gián điệp (ký bút danh Q.Th.), đăng trên báo Cứu quốc, số 254. Tác giả đã phân tích về hai vấn đề: Đối với gián điệp phải thế nàoDùng gián điệp phải thế nào trong phép dụng binh của Tôn Tử, từ đó rút ra kết luận: "Vậy người làm tướng phải biết dùng người có mưu trí làm gián điệp cho mình. Đó là bí quyết trong phép dụng binh. Vì có căn cứ vào báo cáo xác thực của người gián điệp mới đủ tài liệu bày mưu, tính kế và định đường lối tiến thoái được. Đặt được kế hoạch xác đáng tức là biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận".

Cùng ngày, Người tới Miến Điện (nay là Myanma).




tải về 398.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương