Ủy ban nhân dân tỉnh thái bình cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 0.94 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.94 Mb.
#29351
1   2   3   4   5   6   7

Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA,

THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH THÁI BÌNH;

BỐI CẢNH, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
I. Đánh giá hiện trạng phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình.

1. Những thành tựu:

a) Lĩnh vực văn hóa, gia đình:

- Tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa có những chuyển biến quan trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao và phát huy; nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa đã tạo ra chuyển biến bước đầu trong việc mở rộng tính tích cực, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, khuyến học, khuyến tài, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên lập nghiệp”, tiếp thu những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… trở thành những phong trào quần chúng rộng rãi.

- Sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều địa phương, cộng đồng dân cư đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của tỉnh về văn hóa thành những quy chế, quy định làm cơ sở cho hoạt động văn hóa với những chuẩn mực giá trị đạo đức mới, tiến bộ văn minh. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa, mọi sinh hoạt và quan hệ con người trong cộng đồng dân cư đi vào nề nếp, giữ gìn tốt an ninh, trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gia đình, dòng họ, làng xã. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đang lan tỏa rộng rãi và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào xây dựng thôn làng, tổ dân phố, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang đạt chuẩn văn hoá đã chú ý đến nâng cao chất lượng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa góp phần kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 75% hộ gia đình (khoảng 542.000 hộ), 46% thôn/làng, tổ dân phố, 62% cơ quan, đơn vị được các cấp công nhận đạt chuẩn văn hóa. Đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần rút ngắn khoảng cách mức sống tinh thần giữa thành thị và nông thôn.

- Đã có chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân về giá trị của di sản văn hóa, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tạo được sự đồng thuận và huy động nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Hàng trăm di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội đặc sắc, nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian được sưu tầm, tư liệu hóa cùng với việc phát huy có hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh, nơi lưu giữ và giới thiệu một khối lượng lớn di sản lịch sử-văn hóa của tỉnh bước đầu thu hút ngày một nhiều khách tham quan, du lịch góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

- Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, củng cố, phát triển đáp ứng yêu cầu bạn đọc tại chỗ và lưu động. Ngoài thư viện khoa học tổng hợp tỉnh và 8 thư viện cấp huyện, còn có 298 phòng đọc sách, trạm sách, tủ sách ở cơ sở. Tỷ lệ sách bình quân theo đầu người trong thư viện công cộng từ 0,12 bản năm 2006 tăng lên 0,15 bản năm 2010; mức hưởng thụ sách bình quân đầu người từ 2,6 bản năm 2006 tăng lên 4,0 bản năm 2010.

- Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng đời sống văn hóa của nhân dân trong tình hình mới. Nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật có giá trị đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của địa phương, phản ánh chân thực cuộc sống, mạnh dạn phê phán cái xấu, biểu hiện thoái hóa, biến chất về nhân cách, đạo đức, lối sống góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội. Nghệ thuật Chèo truyền thống vẫn được giữ gìn và phát huy trong cơ chế thị trường. Một số tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả trong tỉnh nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh nhạy các phương thức truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng thông qua truyền hình, internet, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm đã bước đầu hình thành một thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa trong tỉnh có tính cạnh tranh, mang lại cho người dân cơ hội lựa chọn những sản phẩm văn hóa phù hợp với thẩm mỹ và nhu cầu chính đáng, tạo điều kiện cho các nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh giao lưu và các nghệ sỹ Việt kiều về nước biểu diễn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.

- Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi, phong phú, đa dạng và có chất lượng cao. Toàn tỉnh có 9 đội tuyên truyền lưu động được duy trì; hơn 1700 câu lạc bộ nghệ thuật ra đời góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

b) Lĩnh vực thể dục, thể thao:

- Trong những năm qua, phong trào tập luyện thể dục, thể thao của quần chúng nhân dân đã từng bước phát triển. Tính đến năm 2010, toàn tỉnh có 26,6% dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; có 17% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; có gần 1000 câu lạc bộ thể dục, thể thao hoạt động có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn được duy trì và phát triển rộng khắp trên mọi địa bàn dân cư, mọi lứa tuổi. Ở khu vực nông thôn số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên tăng nhanh về số lượng, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Phong trào thể dục thể thao ở người cao tuổi phát triển mạnh, một số câu lạc bộ thể dục thẩm mĩ và phòng chữa bệnh bắt đầu xuất hiện, mang tính chất thử nghiệm.

- Về công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, năm học 2010-2011 cả tỉnh có 100% số trường học triển khai chương trình giáo dục thể chất chính khóa, trong số đó có nhiều trường tổ chức ngoại khóa thường xuyên. Hàng năm với hàng chục giải thể thao của học sinh, sinh viên ở các cấp học, bậc học. Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức 4 năm/lần đã thu hút hàng chục ngàn học sinh, sinh viên trong tỉnh tham gia. Hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường đã góp phần tạo nguồn tài năng trẻ thể thao cho tỉnh nhà.

- Thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tỷ lệ quân nhân tham gia luyện tập thường xuyên so với quân số tại đơn vị được biên chế luôn đạt khoảng 85%. Huấn luyện thể lực trong quân đội là một trong 4 nội dung huấn luyện quân sự bắt buộc đối với mọi quân nhân; lực lượng công an chú trọng các môn thể thao võ thuật, bắn súng, chạy vũ trang nhằm phục vụ trực tiếp cho tác nghiệp chuyên môn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

- Thể thao thành tích cao phát triển đúng hướng, Nhà nước quản lý toàn diện, đầu tư có trọng điểm. Thể thao thành tích cao của Thái Bình đạt được thứ hạng 15 trên 66 đoàn thể thao tham dự Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VI năm 2010 đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh trong khu vực và quốc gia. Ở những môn thể thao Olimpic tổ chức trong chương trình Đại hội thể dục thể thao như bơi lặn, điền kinh, bóng chuyền…đội tuyển của Thái Bình đều đạt được thành tích cao. Nhiều vận động viên Thái Bình tham gia thi đấu tại các giải khu vực Đông Nam á, Châu á và thế giới đạt thành tích xuất sắc, nâng vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

c) Lĩnh vực du lịch:

- Du lịch Thái Bình hiện vẫn là một ngành kinh tế non trẻ. Tuy nhiên, dựa vào lợi thế giàu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn trong những năm qua, Thái Bình đã chú trọng đến việc đầu tư, khai thác tài nguyên để tạo ra các sản phẩm du lịch chủ yếu như: du lịch văn hóa, du lịch biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn, du lịch làng nghề. Việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch được chú trọng thông qua tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phục hồi các lễ hội tiêu biểu của tỉnh và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông liên kết các điểm, tuyến du lịch, quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trong tỉnh đã được chú trọng. Do sự đầu tư có trọng điểm, một số sản phẩm du lịch bước đầu có tính hấp dẫn đối với du khách, nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái biển.

- Công tác xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch cũng có bước phát triển nhất định, đã có những cố gắng triển khai các nhiệm vụ quảng bá du lịch của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ, liên hoan du lịch trong nước, tổ chức các tuần lễ du lịch, biên tập các ấn phẩm, xây dựng phim phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư và khách du lịch về tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch của Thái Bình.

- Số lượng khách du lịch đến Thái Bình đã tăng dần trong những năm gần đây. Khách du lịch đến Thái Bình chủ yếu là khách nội địa đến từ trung tâm du lịch Hà Nội và vùng phụ cận. Đối tượng khách du lịch đến Thái Bình chủ yếu là thăm các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, thăm thân, du lịch sinh thái, học sinh, sinh viên dã ngoại. Một số ít khách du lịch nước ngoài đến Thái Bình là các nhà đầu tư tại các dự án ở Thái Bình, khách ngoại giao, Việt kiều về thăm thân, khách du lịch theo tour. Năm 2006 Thái Bình đón được 256.600 lượt khách du lịch nội địa, 3.400 lượt khách du lịch quốc tế; đến năm 2010 đón được 410.000 lượt khách nội địa, 6.500 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú của khách du lịch đến Thái Bình đạt trung bình 1,4 ngày đối với khách du lịch nội địa và 1,2 ngày đối với khách du lịch quốc tế.

- Doanh thu từ du lịch của tỉnh trong những năm qua đã có mức tăng trưởng bình quân 17-18%/năm, nhưng về giá trị còn thấp, năm 2006 đạt 67 tỷ đồng, năm 2010 đạt 124 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành du lịch đã có những đóng góp nhất định vào việc thu ngân sách, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhờ vào doanh thu từ các dịch vụ nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ phục vụ khác.

d) Xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa, thể thao:

- Cùng với các văn bản luật do Nhà nước ban hành, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với thời kỳ đất nước chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các quy định về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh gia đình và xã hội trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và đặc điểm, phong tục, tập quán, nếp sống của người dân trong tỉnh, lại vừa mang tính hợp quy, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Các di tích và lễ hội được phân cấp triệt để cho các địa phương trực tiếp quản lý góp phần nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư trong quá trình quản lý và tổ chức hoạt động.

- Hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân chú trọng đầu tư xây dựng góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có nhà văn hóa-trung tâm học tập cộng đồng; 71,12% (1461/2054) thôn làng, tổ dân phố có nhà văn hoá, trong đó có 59,1% nhà văn hóa được đầu tư xây mới ; 46,35% thôn làng, tổ dân phố có sân thể thao. Trong số đó, nhiều thôn làng đã xây được nhà văn hóa khang trang bằng nguồn vốn huy động trong nhân dân. Một số công trình văn hóa, thể thao trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng, tu bổ tôn tạo. Một số địa phương trong tỉnh đã năng động, tranh thủ sự đóng góp của nhân dân, của các nhà hảo tâm các nguồn vốn để xây dựng các công trình văn hóa, tu bổ di tích và tổ chức các sự kiện văn hóa tại địa phương.

e) Công tác đào tạo đội ngũ những người làm công tác văn hóa, gia đình, nghệ thuật, thể dục thể thao được chú trọng, có bước phát triển về quy mô, số lượng và trình độ, bao quát được hầu hết các lĩnh vực của văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao đáp ứng được các nhu cầu hoạt động văn hóa, sáng tác, biểu diễn và thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Việc đào tạo sau đại học để tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về văn hóa, thể thao đã được triển khai trong những năm gần đây, bước đầu đã có kết quả khả quan. Toàn ngành hiện có 1.110 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 0,54 % số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao học, 30,25% đại học, 11,52% cao đẳng, 30,96% trung cấp, 26,73% sơ cấp. Hệ thống các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật, đào tạo nguồn vận động viên năng khiếu thể thao trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng được quá trình tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao vị thế của thể thao tỉnh nhà trên đấu trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

2. Những tồn tại và nguyên nhân chủ yếu.

a) Những tồn tại:

Những thành tựu và tiến bộ đạt được trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống văn hóa sẵn có, chưa đủ mạnh để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội trong tỉnh.

- Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình chất lượng xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống còn có mặt hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện tượng coi thường pháp luật, làm mất an toàn xã hội, nạn bạo hành trong gia đình, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, nạn tham nhũng, hối lộ, mất đoàn kết trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đang làm nhức nhối dư luận xã hội. Bệnh hình thức, chạy theo thành tích còn khá phổ biến trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia; chất lượng phong trào chưa được chú trọng duy trì; việc tổ chức, đăng ký, bình xét khen thưởng chưa kịp thời. Các tệ nạn ma túy, mại dâm chưa được đẩy lùi; nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục lạc hậu, lối sống thực dụng trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chiều hướng gia tăng. Việc phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống, nhất là việc tổ chức lễ hội còn mang tính tự phát, thiếu chọn lọc, chưa phát huy được vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng, ảnh hưởng đến chất lượng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

Việc bảo tồn di sản văn hóa chưa được triển khai theo một quy hoạch, kế hoạch dài hạn nên thường bị động; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; chưa tạo được cơ sở vật chất, môi trường văn hóa và sinh thái đồng bộ để trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hiện tượng tranh chấp đất đai di tích, thương mại hóa hoạt động và lễ hội ở di tích còn diễn ra thường xuyên, chất lượng bảo tồn di tích còn thấp, thậm chí làm sai lệch, biến dạng tính nguyên gốc của di tích (đặc biệt đối với các di tích cấp tỉnh, di tích là cơ sở tôn giáo) nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Công tác trưng bày bảo tàng, trang thiết bị bảo quản tư liệu, hiện vật, phương pháp quản lý và vận hành của bảo tàng còn hạn chế, chưa được đổi mới làm cho bảo tàng chưa phải là điểm đến hấp dẫn đối với công chúng và khách du lịch đến Thái Bình.

Trong hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, vẫn còn những cơ sở dịch vụ như quảng cáo, quán bar, nhà hàng karaoke chạy theo lợi nhuận, hoạt động biến tướng, trá hình, có nhiều biểu hiện tiêu cực. Một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật kém chất lượng, không ít sản phẩm không phù hợp với đạo đức, truyền thống dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài còn xuất hiện trên thị trường làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục dân tộc. Trong khi đó các sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật được sản xuất, dàn dựng trong tỉnh còn ít những tác phẩm đạt đỉnh cao, chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống văn hóa và thành tựu công cuộc đổi mới của tỉnh.

- Trong lĩnh vực thể dục, thể thao:

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tuy phát triển mạnh nhưng chưa đều, chất lượng chưa cao, nhất là đối với khu vực nông thôn, còn thiếu các phương tiện tập luyện và đội ngũ hướng dẫn viên. Nhận thức của một bộ phận cán bộ về vai trò của công tác thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở chưa đúng; việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao còn mang tính hình thức, thiếu sự gắn bó với đời sống và tập quán sinh hoạt của từng cộng đồng dân cư.

Một số cơ sở giáo dục, đào tạo trong tỉnh còn thiếu sân tập, phòng tập, dụng cụ phục vụ cho nhu cầu luyện tập, thi đấu và vui chơi giải trí; hoạt động ngoại khóa còn nghèo nàn, thiếu sự hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên.

Còn thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho thể dục, thể thao nhất là đối với thể thao thành tích cao. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao trong tỉnh.

- Lĩnh vực du lịch:

Sản phẩm du lịch của Thái Bình còn đơn điệu, nghèo nàn, mang tính sơ khai, chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có mà chưa được đầu tư đúng mức. Trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, các dịch vụ phục vụ chất lượng thấp, thiếu các tụ điểm vui chơi giải trí. Do vậy, khách du lịch đến Thái Bình không có cơ hội để lựa chọn các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thị trường du lịch thiếu tính cạnh tranh.

Công tác truyền thông phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đúng mức, kém hiệu quả, do vậy hình ảnh du lịch Thái Bình trên thị trường còn mờ nhạt. Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành kinh tế du lịch trong tỉnh còn thiếu, trình độ chuyên môn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là đối với giai đoạn du lịch tỉnh nhà còn trong thời kỳ sơ khai.

- Hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa hầu hết đã xuống cấp; trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao thiếu thốn, lạc hậu. Các cơ sở giáo dục đào tạo thiếu các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất. Việc đầu tư xây dựng các công trình thể thao cho đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao còn thiếu và xuống cấp, một số công trình hiện có không đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cả ba lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng cán bộ ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã còn yếu và thiếu, luôn biến động; hiện tượng già hóa cán bộ xuất hiện ở một số đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị nghệ thuật, đội ngũ vận động viên thể thao thành tích cao.

- Ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao còn gặp nhiều khó khăn, mức đầu tư còn thấp; bình quân trong 5 năm từ 2006 đến 2010 tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch đạt 2,1% so với tổng chi thường xuyên toàn tỉnh. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể dục thể thao và ban hành cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế. Hoạt động văn hóa, thể thao chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động kinh doanh du lịch, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

c) Những nguyên nhân chủ yếu:

- Về khách quan:

+ Quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội dẫn tới sự bỡ ngỡ, lúng túng trong quản lý, tổ chức và hoạt động văn hóa, thể thao trong tỉnh. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến quá trình triển khai xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh.

+ Do các thế lực thù địch ráo riết chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”; do tác động mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; do sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập nhiều yếu tố văn hóa mới đã tác động nhiều chiều, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Về chủ quan:

+ Trong khi tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và mối quan hệ của văn hóa, thể thao đối với kinh tế và chính trị; chưa chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển thể chất của con người; chưa coi phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao là trách nhiệm của toàn xã hội.

+ Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch chưa hợp lý; chưa coi trọng bồi dưỡng, sử dụng và phát huy khả năng của tài năng nghệ thuật, năng khiếu thể thao. Việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy nội lực của nhân dân cho cả 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch chưa được chú trọng. Việc xử lý các vi phạm trong tổ chức các hoạt động và dịch vụ văn hóa, thể thao chưa nghiêm.

+ Do kinh tế phát triển chậm, nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên đầu tư cho lĩnh vực xã hội nói chung và văn hóa, thể thao, du lịch nói riêng chưa tương xứng với yêu cầu mới.



II. Bối cảnh, cơ hội và thách thức đối với phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình.

1. Bối cảnh:

a) Bối cảnh quốc tế:

- Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, khách quan, vừa là quá trình hợp tác phát triển, vừa là quá trình đấu tranh để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Với sự phát triển nhanh của các phương tiện truyền thông, mạng viễn thông và internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời cũng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế có nguy cơ dẫn đến xung đột với việc bảo tồn bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa trên toàn thế giới, quá trình đó sẽ xuất hiện khả năng gắn chặt kinh tế với văn hóa. Kinh tế không thể phát triển bền vững nếu không quan tâm đến văn hóa trong mỗi hoạt động kinh tế.

- Quá trình toàn cầu hóa cũng dẫn đến xu hướng coi trọng văn hóa và gắn văn hóa với phát triển, coi văn hóa là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bản sắc văn hóa là vấn đề trọng đại, sống còn của mỗi quốc gia vì vậy mọi quốc gia ngày càng đề cao tính đặc thù, bản sắc văn hóa dân tộc, coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đấu tranh chống khuynh hướng đồng hóa về văn hóa, đồng thời chọn lọc tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại.

- Phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng con người đang là xu thế của thời đại. Nguồn lực con người cùng với tài sản văn hóa, cơ chế, chính sách tạo nên nguồn lực văn hóa, trong đó con người là nguồn lực trung tâm để phát triển văn hóa. Con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, phát triển văn hóa trong mối quan hệ với xây dựng con người là nhiệm vụ tất yếu.

- Xu hướng các quốc gia ngày càng quan tâm và tích cực tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; xây dựng các công trình công cộng về thể dục thể thao, thúc đẩy kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao giải trí; cải cách chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường theo hướng phù hợp với tâm-sinh lý cá nhân. Trong phát triển thể thao thành tích cao, các quốc gia có xu hướng điều chỉnh thu hẹp số môn thể thao chủ đạo, đầu tư có trọng điểm nhằm mục tiêu giành huy chương Vàng; đề cao các môn thể thao truyền thống của mỗi quốc gia.

- Trên phạm vi toàn cầu, so với nhiều ngành kinh tế khác, ngành du lịch có bước phát triển nhanh và ổn định với tốc độ tăng trưởng nhanh về khách du lịch, thu nhập từ du lịch. Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế hàng đầu trong nền kinh tế thế giới. Khu vực các nước ASEAN, với lợi thế về thiên nhiên nhiệt đới và nền văn hóa đặc sắc đã có một vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch.

b) Bối cảnh trong nước:

- Những thành tựu sau hơn 25 năm đổi mới và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy văn hóa, thể thao và du lịch phát triển. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho xã hội nước ta biến đổi sâu sắc, toàn diện và diễn ra quá trình đấu tranh phức tạp giữa cái lạc hậu và tiến bộ, giữa tư duy trì trệ, bảo thủ và đổi mới. Quá trình đô thị hóa làm cho kết cấu dân cư có sự thay đổi lớn về lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán… đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng thời phải có kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa thích ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Cơ chế thị trường làm cho tính tích cực, chủ động của xã hội được mở rộng, các hoạt động, dịch vụ văn hóa, thể thao được phát huy, kinh tế du lịch phát triển năng động và đa dạng. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, cộng đồng đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; tạo hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đúng hướng trong cơ chế thị trường.

- Là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, sự phát triển của du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực. Với lợi thế về địa lý, kinh tế, chính trị và tài nguyên đặc biệt là vai trò và vị thế của Việt Nam trong ngoại giao và hợp tác khu vực không ngừng được nâng cao là điều kiện thuận lợi cho du lịch hội nhập và cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

2. Cơ hội và thách thức:

a) Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch. Trong đó, xác định vai trò và vị trí quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; phát triển thể thao là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội; phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế.

b) Mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, văn hóa, thể thao nước nhà có nhiều thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thử thách cam go. Với truyền thống lịch sử lâu đời, sự thành công trong công cuộc đổi mới, sự ổn định chính trị của đất nước đang tạo lập được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, sức hấp dẫn của các di sản văn hóa… đã tạo nên tiềm năng và lợi thế to lớn cho xây dựng và phát triển văn hóa và thể dục thể thao.

c) Cơ chế thị trường, một mặt huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào tổ chức các hoạt động, dịch vụ văn hóa, thể thao, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển “công nghiệp văn hóa” và thể thao chuyên nghiệp ở nước ta; mặt khác cũng làm nảy sinh khuynh hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa. Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm văn hóa độc hại truyền bá lối sống bạo lực, phi luân lý, vô chính phủ, đề cao dục vọng và chủ nghĩa cá nhân cùng với những diễn biến phức tạp trong tôn giáo, tín ngưỡng đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc đặt chúng ta trước những thử thách nặng nề.




tải về 0.94 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương