Vacne vwu vesdi wwf icp dự án Johannesburg Việt Nam Phát triển Bền vững


Chương 1 tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam



tải về 369.04 Kb.
trang2/9
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích369.04 Kb.
#14033
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Chương 1

tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam



1.1. Về các chủ trương và chính sách của Nhà nước Việt Nam về Phát triển Bền vững

Có thể khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam và các cơ quan lãnh đạo liên quan đã nhận thức sớm về yêu cầu phát triển bền vững. Liên tục trong hơn 10 năm qua, từ 1991 tới nay, Quốc hội, Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách ở tầm quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.


 Từ năm 1991 Nhà nước Việt Nam đã thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, trong đó các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường đều được xem xét và xác định phương hướng giải quyết.

 Tháng 6/1991, một năm trước Hội nghị Thượng đỉnh của Trái Đất, Rio 1992, Chính phủ Việt Nam đã công bố Kế hoạch hành động quốc gia về Môi trường và Phát triển Bền vững.

 Ngày 25/06/1998 Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhấn mạnh yêu cầu gắn các chính sách phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

 Tháng 8/2000, theo công văn 3143/VPCP-QHQT, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các bộ, ngành khác xây dựng Lịch trình 21 của Việt Nam1.

 Giữa năm 2001 Bộ KHCNMT đã chuẩn bị hai văn bản quan trọng là Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2001-2010 và Kế hoạch hành động về BVMT 2001-2005. Hai văn bản này đang đợi xét duyệt cuối cùng của Chính phủ trước khi được ban hành chính thức.

 Tháng 4/2001, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 của Việt Nam được chính thức công bố đã xác định quan điểm “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường2.


Trong các văn bản chính sách nêu trên có ba văn bản đã có tác động quyết định tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam là: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 2010 và Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Chiến lược phát triển 1991-2000 chủ yếu là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên quan điểm: “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường3. Từ Phát triển Bền vững chưa được nêu lên, tuy nhiên nhận thức về sự hài hòa giữa ba mặt của phát triển đã rõ ràng. Quan điểm này đã được Kế hoạch quốc gia về Môi trường và Phát triển Bền vững 1991-2000, công bố vào giữa năm 1991, kèm theo.
Chiến lược thứ hai về cơ bản cũng là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm rõ ràng hơn về PTBV: “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Chiến lược cũng đã nhấn mạnh các khía cạnh xã hội và môi trường của quá trình phát triển trong 10 năm tới:

 Thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh".

 "Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo và môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học. Chủ động phòng tránh và hạn chế các tác động xấu của thiên tai, của sự biến động khí hậu bất lợi và tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh còn lại đối với môi trường. Chủ động gắn kết yêu cầu cải thiện môi trường trong mỗi quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội, coi yêu cầu về môi trường là tiêu chí quan trọng để đánh giá các giải pháp phát triển".
Chỉ thị về “tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ban hành năm 1998. Chỉ thị này xác định rằng mục tiêu của bảo vệ môi trường ở Việt Nam là: "góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chỉ thị cũng đã xác định 8 giải pháp cơ bản về bảo vệ môi trường là: giáo dục môi trường; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật môi trường; phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học; đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước về môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ về môi trường; mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường4.

Các văn bản chính sách nói trên đã có tác dụng sâu rộng trong xã hội Việt Nam. Từ nhiều thập kỷ nay, việc chỉ đạo sự phát triển ở Việt Nam được Nhà nước thực hiện theo các chiến lược phát triển 10 năm và các kế hoạch 5 năm. Cuối mỗi kỳ 5 năm các cơ quan quản lý chính sách và chiến lược của Nhà nước tiến hành việc kiểm điểm tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch trong gian đoạn vừa qua và xây dựng chiến lược, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Dự thảo kiểm điểm và định hướng chiến lược, kế hoạch này được gửi tới các cấp (các tỉnh, thành phố quan trọng), các ngành (bộ, cơ quan ngang bộ) để cấp và ngành chuẩn bị xây dựng báo cáo kiểm điểm và dự kiến chiến lược, kế hoạch 5 hoặc 10 năm tới của mình. Quan điểm phát triển bền vững, yêu cầu gắn kết 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường nêu trong các văn bản chính sách và chiến lược của Nhà nước nhìn chung đều được các cấp, các ngành tiếp nhận và thể hiện vào việc xây dựng các chính sách, chiến lược, kế hoạch của mình. Các chiến lược, kế hoạch bộ phận này lại có tác dụng phản hồi bổ sung thông tin, ý kiến cho các văn bản dự thảo của cấp trên, chính xác hóa và hoàn chỉnh các văn bản này theo quy trình phối hợp trên xuống và dưới lên.


Các chính sách, chiến lược, kế hoạch quốc gia, ngành và địa phương là cơ sở để Nhà nước thiết lập nhiều chương trình và kế hoạch hành động trực tiếp phục vụ các nhiệm vụ phát triển bền vững. Nhiều chương trình quan trọng đã được thực hiện trong hơn 10 năm qua và hiện nay vẫn tiếp tục triển khai.
Khung 1.1
Một số chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được thực hiện
 Chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình.

 Chương trình xóa đói giảm nghèo.

 Chương trình tạo việc làm.

 Chương trình hỗ trợ các xã vùng cao và các cộng đồng dân tộc ít người đang gặp nhiều khó khăn.

 Chương trình định canh, định cư.

 Chương trình di dân và xây dựng các khu kinh tế mới.

 Các chương trình về y tế và vệ sinh như: chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em; chương trình xây dựng các trạm y tế xã; chương trình phòng chống sốt rét; chương trình phòng chống bệnh tiêu chảy.

 Chương trình vệ sinh, nước sạch nông thôn.

 Chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

 Chương trình phủ sóng phát thanh và truyền hình với vùng cao.

 Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

 Dự án quốc gia về 5 triệu ha rừng.

Cùng với những điểm mạnh nêu trên, việc xây dựng các thực hiện chính sách liên quan tới PTBV ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số điểm yếu.
Điểm yếu thứ nhất là sự thiếu gắn kết hữu cơ giữa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường của các chính sách và kế hoạch phát triển. Các chính sách, chiến lược kinh tế - xã hội nói chung đều có nói tới môi trường, nhưng chỉ như một việc phụ cần lưu ý trong lúc thực hiện việc chính. Các chính sách, chiến lược về môi trường cũng nhấn mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn xem công tác bảo vệ môi trường như là một hoạt động ngành trong xã hội.

Điểm yếu thứ hai là các chính sách, chiến lược nêu lên nhiều định hướng, nhiều việc nên làm, cần làm, hoặc phải làm, nhưng ít quan tâm đến tính khả thi của các định hướng và việc làm này. Nguồn lực và điều kiện cần thiết cho thực hiện ít được xác định rõ.
Điểm yếu thứ ba là trong chính sách, chiến lược cũng như chương trình ít nêu tiêu chí cụ thể để đánh gíá kết quả thực hiện. Việc quan trắc, theo rõi (monitoring) quá trình thực hiện, chỉ định tổ chức có tính khách quan, độc lập đối với cơ quan thực hiện để đánh giá (assessment) việc đạt các mục tiêu đã định thường không được xác định rõ.
Tại hội thảo về Phát triển Bền vững ở Việt Nam do Bộ KHĐT tổ chức đầu tháng 3/2002, có đại biểu đã cho rằng: “Trong các năm qua ở Việt Nam đã nhấn mạnh tới yêu cầu gắn liền phát triển KTXH với BVMT, tuy nhiên hai mặt này trong thực tế chưa gắn kết với nhau. Về chính sách vẫn có hai chính sách riêng rẽ, về tổ chức quản lý cũng còn phân cắt, chưa có tiêu chí và cơ chế quan trắc, quản lý thống nhất về PTBV5.
Từ những điều nêu trên về chủ trương và chính sách có thể thấy rằng:
 Nhà nước Việt Nam đã nêu rõ quan điểm phát triển bền vững trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành trong khoảng 10 năm qua, đặc biệt là trong chiến lược 2001-2010. Quan điểm này cũng đã được thể hiện cụ thể qua nhiều chủ trương và chính sách liên quan tới các mặt kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững.

 Các chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật đã được Nhà nước công bố liên quan chủ yếu tới từng mặt của phát triển bền vững. Tới nay Việt Nam vẫn chưa có một chính sách tổng hợp và các cơ chế hữu hiệu để thực hiện phát triển bền vững. Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991-2000, xét theo nội dung, chủ yếu vẫn là kế hoạch về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Các chiến lược phát triển 10 năm về cơ bản là những chiến lược kinh tế - xã hội. Như dự án xây dựng Lịch trình 21 của Việt Nam đã nhận xét: "Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ môi trường được soạn thảo song song và tính đến nhau. Mặc dù vậy con số cộng đơn giản của hai chiến lược này chưa tạo thành một chiến lược phát triển bền vững của đất nước theo đúng ý nghĩa là tổng hợp, lồng ghép và cân đối tất cả các mặt tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường" 6.

 Từ sau Hội nghị Rio 1992, nhiều quốc gia đã xây dựng Lịch trình 21 của mình, nhưng đến nay Lịch trình 21 của Việt Nam mới ở trong giai đoạn dự thảo.

 Các chính sách đã có chưa đề ra những công cụ và tổ chức cần thiết dể quản lý và giám sát một cách tổng hợp sự nghiệp phát triển bền vững, gắn kết một cách có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.




tải về 369.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương