Vacne vwu vesdi wwf icp dự án Johannesburg Việt Nam Phát triển Bền vững


Chương 4 Kiến nghị của các tổ chức ngoài chính phủ hoạt động về PTBV



tải về 369.04 Kb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích369.04 Kb.
#14033
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Chương 4

Kiến nghị của các tổ chức ngoài chính phủ hoạt động về PTBV



4.1. Đòi hỏi của sự nghiệp phát triển bền vững đối với các tổ chức ngoài chính phủ

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội thuận lợi về phát triển bền vững. Về chủ quan, với việc thực hiện chính sách đổi mới trong khoảng 15 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt về kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của đa số nhân dân và có những kết quả cụ thể về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tuy tới nay Việt Nam chưa có Lịch trình 21 riêng của mình, nhưng quan điểm phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường đã liên tục được nhấn mạnh trong các văn bản về chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của Nhà nước. Một số tỉnh, thành phố, ngành cũng đã xây dựng chiến lược phát triển của mình dựa trên quan điểm phát triển bền vững. Giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường do các cơ quan nhà nước và các tổ chức NCP đã và đang được triển khai rộng rãi trong hệ thống các trường học, các cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đa số nhân dân Việt Nam, với truyền thống sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm tiêu dùng, tôn trọng các quy luật sinh thái tự nhiên đã tiếp nhận một cách thuận lợi quan điểm phát triển bền vững. Văn bản Lịch trình 21 của Việt Nam mà Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị ban hành trong dịp Hội nghị Johannesburg 2002 sẽ là bước tiến mới, khẳng định quan điểm và xúc tiến những cố gắng toàn diện hơn về PTBV. Thể chế liên ngành thích hợp để động viên toàn dân tham gia thực hiện Lịch trình 21 cũng sẽ được quy định.


Về khách quan xu thế và nổ lực hướng tới phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới đang tạo cho Việt Nam những thuận lợi để thực hiện PTBV tại nước mình. Lịch trình 21 của thế giới, các công ước, các chương trình, kế hoạch phối hợp hành động toàn cầu, viện trợ và hợp tác quốc tế về BVMT và PTBV đang tạo cho Việt Nam những điều kiện thuận lợi về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện PTBV tại Việt Nam và đóng góp vào cố gắng PTBV toàn cầu. Các tổ chức hợp tác phát triển quốc tế, các chính phủ nước ngoài đã xem BVMT, PTBV là yêu cầu quan trọng trong các dự án được hợp tác và tài trợ. Thị trường quốc tế cũng đang gia tăng việc đòi hỏi các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mặt khác Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và phức tạp về môi trường và PTBV ở trong nước. Các nguyên nhân gây ô nhiễm do đói nghèo vẫn tồn tại. Hàng ngàn xã tại các vùng sâu, vùng xa đang ở trong tình trạng nghèo gay gắt. Mức sống sau thoát nghèo vẫn rất thấp và không ổn định. Hiện tượng “tái nghèo” có thể diễn ra nhanh, trên diện rộng do các thiên tai như bão, lụt, hạn hán, hoặc do biến động đột xuất về thị trường. Khai phá một cách kiệt quệ các tài nguyên thiên nhiên là việc tất yếu của người dân bị bần cùng hóa. Tỷ lệ tăng trưởng dân số tuy đã giảm nhiều, những vẫn còn lớn (1,4%). Tình trạng thiếu đất để canh tác nông nghiệp dẫn tới thiếu việc làm ở hầu hết các vùng nông thôn. Di dân có tổ chức và tự do, từ thành thị về nông thôn, và từ nông thôn tới nông thôn, đang gây nên nhiều vấn đề phức tạp về xã hội và môi trường. Công nghiệp hóa các làng nghề, đô thị hóa vô tổ chức các khu đông dân cũng đang đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề môi trường phức tạp.
Khung 4.1
Một thí dụ về ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa nông thôn
Phong Khê là một xã làng nghề tại tỉnh Bắc Ninh với truyền thống lâu đời sản xuất giấy dó. Nghề sản xuất sản phẩm này ngày càng khó khăn do yêu cầu của thị trường ngày càng nhỏ hẹp, nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Vào khoảng năm 1995 theo phương hướng công nghiệp hóa Phong Khê đã tiếp nhận công nghệ mới, chuyển sang sản xuất nhiều mặt hàng giấy mới mà thị trường đang có yêu cầu lớn: các tông bao gói, giấy bao bì, giấy vệ sinh, giấy vàng mã. Thu nhập của nhân dân được nâng cao lên hẳn. Thu nhập bình quân năm của hộ từ khoảng 5 triệu đồng/năm đã tăng lên tới khoảng 10 triệu đồng. Với hoạt động thu gom nguyên liệu, xử lý, chế biến và sản xuất các loại giấy tất cả lao động tại địa phương đều được sử dụng, không còn tình trạng thiếu việc làm như trước đây.
Tuy nhiên việc cải thiện về thu nhập nói trên đã phải trả giá bằng sự gia tăng ô nhiễm môi trường.Môi trường không khí tại khu sản xuất cũng như khu dân cư đều bị ô nhiễm bui, CO, Cl và tiếng ồn. Các hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm cũng là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tổng khối lượng nước thải dưới 1.000 m3/ngày đêm trước đây đã tăng lên thành 2.500-3.000 m3. Nước thải sinh hoạt với hàm lượng chất hữu cơ cao, khoáng tổng số lớn, được trộn lẫn với nước thải từ sản xuất giấy có độ kiềm lớn, chứa nhiều chất độc hại: phèn, phẩm, nước javen... trở thành một thứ nước thải độc hại, xú uế ảnh hưởng năng nề đến chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chất thải rắn phát sinh với khối lượng lớn, xỉ than được mang đi san nền lấp hồ ao, một phần chất thải rắn khác bị đổ bừa bãi gây mất vệ sinh và mỹ quan.
Chính quyền và cộng đồng nhân dân địa phương đang cùng các cơ quan quản lý môi trường các cấp và các cơ sở khoa học và công nghệ nghiên cứu, đề xuất các biện pháp công nghệ và quản lý để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường nêu trên.
(Nguồn: Báo cáo chuyên đề của Viện MT&PTBV. HN, 2002 )

Đổi mới quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường đang thúc đẩy các tiến bộ về sản xuất, dịch vụ, quản lý. Nhưng mặt khác trong thị trường không được quản lý tốt việc chạy theo lợi nhuận riêng tư, trước mắt đang thúc đẩy một số cá nhân, tổ chức đi vào những con đường kinh doanh bất hợp pháp, khai thác tàn tệ tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường, né tránh các quy định pháp chế môi trường. Phát triển kinh doanh cũng đang làm cho sự phân hóa giầu nghèo ngày càng mở rộng. Một bộ phận người giàu đã sa vào hưởng thụ, tiêu xài phung phí, gây nên các hiện tượng ô nhiễm do thừa thãi. Cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường khu vực và quốc tế đang tạo nên những áp lực mạnh mẽ đối với tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người và môi trường Việt Nam. Trong đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh các chủ trương tốt về đầu tư vốn tài chính, chuyển giao công nghệ, còn có những ý đồ xuất công nghệ, thiết bị cũ cần thay thế vào đất nước này.


Khung 4.2
Khó khăn cụ thể của một dự án quốc gia quan trọng
Cung cấp điện cho nông thôn, kể cả nông thôn vùng cao vùng xa là một mục tiêu chiến lược của Nhà nước Việt Nam. Trong 4 nhân tố động lực cho phát triển nông thôn: điện, đường, trường, trạm, thì điện là nhân tố hàng đầu. Ngày 07/04/2000 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án “Năng lượng cho nông thôn”. Theo dự án 700 xã nông thôn thuôc 32 tỉnh sẽ được cấp điện vào cuối năm 2002. Tổng đầu tư cho dự án là 600 tỷ đồng vốn trong nước và 150 triệu đô la Mỹ vay của Ngân hàng Thế giới. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án tới nay chỉ có 67/200 xã đối tượng của dự án đã có điện. Vì sao dự án quốc gia quan trọng này lại tiến triển chậm như vậy? Có 4 nguyên nhân chính:
 Các địa phương (tỉnh, huyện, xã) tiếp nhận dự án không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được phân giao;

 Công tác giải phóng mặt bằng không được hoàn tất theo kế hoạch;

 Nhiều công trình chuyển điện phải đi qua các khu bảo tồn, khu công nghiệp, cần sự cho phép của các cơ quan quản lý liên quan, tới nay các giấy phép này đều chưa được cấp;

 Nhiều công trình phải đi qua các khu còn nhiều bom, mìn do chiến tranh để lại, việc tháo gỡ tuy đã được dự trù kinh phí nhưng còn gặp nhiều khó khăn kỹ thuật.


Hiện nay dự án không những bị chậm mà một số lượng vật tư giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng phải bỏ kho chờ đợi có nguy cơ bị hư hỏng.
(Theo báo Lao động cuối tuần, số 3698/2002, ngày 21/4/2002)

Nền kinh tế toàn cầu đang ở trong tình trạng không bền vững, với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp về kinh tế, chính trị, tôn giáo, sắc tộc. Nhiều vấn đề môi trường toàn cầu đang tác động mạnh mẽ vào điều kiện khí hậu và thời tiết ở Việt Nam. El Nino, La Nina trong những năm gần đây đã gây nên những đợt mưa bão, lụt lội, hạn hán tạo nên thiệt hại vô cùng lớn về tài sản, nhân mạng và điều kiện môi trường. Hiện tượng nóng lên của Trái Đất, dâng mực nước biển có khả năng đe dọa vùng hải đảo, cửa sông, ven biển rộng lớn của Việt Nam. Vấn đề suy thoái tài nguyên đất, rừng và nước, đặc biệt là thiếu nước trong các tháng mùa khô vùng ven biển Đông, đang trở thành những vấn đề khó khăn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở Việt Nam.


Triển vọng phát triển bền vững ở Việt Nam tùy thuộc ở việc nhân dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam biết sử dụng các cơ hội và khắc phục các thách thức như thế nào. Hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia, hoặc đã đạt tới trình độ rất cao về thu nhập, hoặc có phúc lợi xã hội tốt, hoặc đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, nhưng chưa có quốc gia nào được xem là đang phát triển nhanh và bền vững. PTBV là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn đối với những nước đang phát triển, thu nhập thấp như Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử ở Việt Nam cho thấy rằng để vượt qua khó khăn lớn của quốc gia con đường tất yếu là huy động sự tham gia của toàn dân. Phải để “dân biết” về nhiệm vụ phải thực hiện; “dân bàn” về cách làm, quyết định các giải pháp; huy động tất cả “dân làm” và tổ chức thường xuyên việc “dân kiểm tra”. Nhiệm vụ PTBV ở Việt Nam cũng vậy, chỉ có thể thực hiện thành công với sự tham gia tích cực, rộng rãi của toàn dân. Các tổ chức ngoài chính phủ có vai trò quan trọng và nhiều khả năng đóng góp trong nhiệm vụ phát triển bền vững.
Các tổ chức ngoài chính phủ, trước hết là các tổ chức ngoài chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BVMT và PTBV, có thể giúp dân biết về tình trạng môi trường và phát triển trên đất nước ta, về quan điểm, yêu cầu, phương hướng và kế hoạch PTBV của Nhà nước. Hầu hết các TCNCP, trong nhiều năm qua đã tổ chức hàng loạt hoạt động giáo dục, đào tạo, huấn luyện và truyền thông về BVMT, PTBV, phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng. Với kinh nghiệm đã có các tổ chức này sẽ đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện “dân biết”.
Các tổ chức NCP có thể cùng các cơ quan nhà nước và nhân dân trao đổi thông tin, ý kiến, kinh nghiệm, thực hiện "dân bàn" để đi tới các quyết định về chính sách, chiến lược, biện pháp và kế hoạch thực hiện PTBV trong cả nước, cũng như tại từng địa phương, từng ngành, từng cơ sở. Trong thực tế một số tổ chức NCP, như Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Hội BVTNMT Việt Nam, Hội Địa lý, Hội Sinh học, Hội Thủy lợi, Hội Lâm nghiệp, Hội Sinh thái, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững đã huy động các nhà khoa học, công nghệ tham gia hoạch định chính sách, chiến lược BVMT, PTBV ở nước ta. Rất nhiều trung tâm NCP như: Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Phát triển Nông thôn; Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng; Trung tâm vì Phụ nữ các Dân tộc ít người; Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình, Môi trường và Phát triển; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Dân số, Xã hội và Môi trường; Trung tâm Khuyến nông; Tổ chức Phát triển Giáo dục Miền núi; Viện Kinh tế Sinh thái; Trung tâm Phát triển Bền vững Lâm nghiệp... đã giúp các cộng đồng nhân dân địa phương quyết định và thực hiện phương hướng, biện pháp BVMT và PTBV tại các cơ sở.
Các tổ chức NCP có nhiều khả năng và kinh nghiệm huy động đông đảo nhân dân, kể cả nhân dân vùng cao, vùng xa, thuộc các cộng đồng dân tộc ít người, để “dân làm”, nhằm thực hiện những quyết định về chính sách, phương hướng và kế hoạch mà bản thân họ đã chọn.

Kiểm tra hiện là một khâu yếu trong thực hiện các chính sách, chiến lược (và các chương trình, kế hoạch kèm theo) ở Việt Nam. Trong chính sách, chiến lược thường không thiết kế khâu giám sát (monitoring) việc thực hiện, đo đạc kết quả thực hiện theo những tiêu chí nhất định, đánh giá việc thực hiện và kiến nghị các điều chỉnh, bổ sung cần thiết. Các nhóm nhân dân, đối tượng phục vụ của các chính sách, chiến lược, với sự hợp tác và hỗ trợ về kiến thức, phương pháp của các tổ chức NCP, có thể đảm nhiệm nhiệm vụ thứ tư mà dân cần làm là “kiểm tra”, đánh giá kết quả thực hiện, nêu lên các điều chỉnh cần thiết để các cơ quan nhà nước tham khảo.


Các TCNCP về BVMT và PTBV ở nước ta đang tiếp tục phát triển. Với sự gia tăng quan tâm về BVMT và PTBV của Nhà nước và nhân dân, việc ban hành quy định của Nhà nước về các TCNCP, ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ, trong các năm tới số lượng của các tổ chức NCP về PTBV sẽ nhanh chóng gia tăng, với địa bàn phục vụ ngày càng mở rộng. Từ nay đến khoảng năm 2010 hoạt động của các tổ chức này nên tập trung vào:
 Tổ chức các phong trào BVMT, xúc tiến PTBV;
 Giáo dục, đào tạo, huấn luyện, truyền thông về môi trường, vệ sinh, nước sạch, dân số, giới ở các cấp, các địa phương;
 Tư vấn về BVMT và PTBV cho các cơ quan của Nhà nước ở trung ương, địa phương và các cho các cộng đồng;
 Tham gia xây dựng các quy hoạch, kế hoạch môi trường cho các vùng, các địa phương, các cộng đồng, thực hiện các đề tài khoa học kỹ thuật môi trường, biên soạn hoặc thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và kế hoạch phát triển;
 Tham gia xây dựng, phổ biến và thực hiện Lịch trình 21 của Việt Nam ở cấp quốc gia, địa phương và ngành;
 Hợp tác nghiên cứu, triển khai các đề tài về BVMT, PTBV với các tổ chức NCP quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam;
 Làm nhiệm vụ phản biện xã hội do Nhà nước giao về một số chương trình, dự án phát triển quan trọng.




tải về 369.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương