TÔng huấn hậu thưỢng hộI ĐỒng giám mục verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ


Gặp gỡ Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh



tải về 1.05 Mb.
trang11/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.05 Mb.
#1513
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   20

Gặp gỡ Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh


72. Nếu quả thực phụng vụ là nơi ưu tiên để công bố, lắng nghe và cử hành Lời Thiên Chúa, thì cũng đúng là cuộc gặp gỡ này phải được chuẩn bị trong tâm hồn các tín hữu và nhất là phải được họ đào sâu và hấp thụ. Quả thế, đời sống Kitô hữu có đặc tính chủ yếu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng vẫn đang kêu gọi bước theo Người. Chính vì thế, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã tái quả quyết nhiều lần về tầm quan trọng của mục vụ trong các cộng đoàn Kitô hữu như là khung cảnh trong đó diễn ra một hành trình cá nhân và cộng đoàn dựa trên Lời Thiên Chúa, hầu Lời Chúa thật sự nằm ở tại nền tảng của đời sống thiêng liêng. Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi tha thiết mong ước được thấy nở rộ “một mùa xuân mới chan hòa tình yêu hơn đối với Kinh Thánh, từ phía mọi thành phần Dân Thiên Chúa, để việc đọc Kinh Thánh trong tư thế cầu nguyện và trong đức tin cho phép họ đào sâu mối liên hệ với chính bản thân Đức Giêsu”.248

Trong lịch sử Giáo Hội, không thiếu những vị thánh đã khuyến cáo là cần phải biết Kinh Thánh để lớn lên trong tình yêu đối với Chúa Kitô. Đây là điều đặc biệt rõ ràng nơi các Giáo Phụ. Thánh Giêrônimô, người hết sức “si mê” Lời Thiên Chúa, đã tự hỏi: “Làm thế nào người ta có thể sống mà không hiểu biết Kinh Thánh, vì nhờ Kinh Thánh, ta mới học biết được chính Chúa Kitô, Đấng chính là sự sống của các tín hữu?”.249 Ngài biết rõ rằng Kinh Thánh là phương thế “nhờ đó, Thiên Chúa nói với tín hữu mỗi ngày”.250 Ngài đã khuyên bà Leta, một mệnh phụ Rôma, về việc giáo dục người con gái của mình: “Bà phải đảm bảo là cháu mỗi ngày học được một đoạn Kinh Thánh… Việc đọc Kinh Thánh phải tiếp nối việc cầu nguyện, và việc cầu nguyện phải tiếp nối việc đọc Kinh Thánh … Thay vì các món nữ trang và lụa là, ước gì cháu yêu mến Sách Thánh”.251 Lời khuyên của thánh Giêrônimô viết cho linh mục Nêpôsianô cũng có thể áp dụng cho chúng ta: “Hãy thường xuyên đọc Sách Thánh; thậm chí, Sách Thánh không bao giờ được rời khỏi tay cha. Hãy học trong đó những điều cha phải giảng dạy”.252 Theo gương của vị đại thánh này, người đã hiến cả đời để nghiên cứu Kinh Thánh và đã để lại cho Giáo Hội bản dịch Latinh, tức Bản Vulgata (Phổ thông), cũng như gương của tất cả các thánh đã đặt cuộc gặp gỡ Chúa Kitô tại trung tâm đời sống thiêng liêng của họ, ta hãy canh tân nỗ lực đào sâu Lời mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội. Như thế, ta có thể nhắm tới “mức độ cao của đời sống Kitô hữu bình thường”,253 được nuôi dưỡng thường xuyên bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, điều mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ước ao vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo



Linh hoạt công việc mục vụ bằng Kinh Thánh

73. Theo chiều hướng này, Thượng Hội Đồng đã kêu gọi một sự dấn thân mục vụ đặc biệt để nêu bật vị thế trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội, khi đề nghị nên “tăng cường khoa mục vụ Kinh Thánh”, không phải bằng cách đặt khoa này bên cạnh những hình thức mục vụ khác, nhưng phải là “linh hoạt tất cả công việc mục vụ bằng Kinh Thánh”.254 Vậy vấn đề không phải là thêm một vài cuộc hội họp trong giáo xứ hay trong giáo phận, mà là đảm bảo rằng, trong các sinh hoạt quen thuộc của các cộng đoàn Kitô hữu, trong các giáo xứ, trong các hội đoàn và trong các phong trào, người ta thật sự quan tâm đến việc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô, Đấng thông truyền chính Người cho chúng ta nơi Lời Người. Bởi vì nếu “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”,255 việc linh hoạt bằng Kinh Thánh tất cả hoạt động mục vụ thông thường và ngoại thường sẽ dẫn đưa đến một hiểu biết lớn lao hơn về con người của Đức Kitô, Đấng mạc khải Chúa Cha và là Mạc Khải viên mãn của Thiên Chúa.

Vậy tôi khuyên các vị Mục tử và các tín hữu hãy ý thức về tầm quan trọng của việc linh hoạt này: đó cũng sẽ là cách thức tốt nhất để đương đầu với một vài vấn đề mục vụ được nêu lên tại Thượng Hội Đồng, chẳng hạn những vấn đề liên quan đến sự tăng nhanh của các giáo phái đang phổ biến một cách đọc Kinh Thánh méo mó và lèo lái. Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ. Vì thế, cũng cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực.

Ngoài ra, như đã được nêu bật trong các phiên họp Thượng Hội Đồng, trong sinh hoạt mục vụ, nên tạo cơ hội thuận tiện cho các cộng đoàn nhỏ có thể phát triển, các cộng đoàn này “được tạo nên bởi các gia đình, bám rễ trong các giáo xứ hay được liên kết với các phong trào Giáo Hội hoặc với những cộng đoàn mới”;256 trong các cộng đoàn này, việc đào tạo, cầu nguyện và hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội sẽ được khuyến khích.

Chiều kích Kinh Thánh của khoa huấn giáo

74. Một phương diện quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội, lúc mà người ta có thể khôn ngoan tái khám phá đặc tính trung tâm của Lời Thiên Chúa, là việc dạy giáo lý; việc giảng dạy giáo lý này, dưới các hình thức và theo các giai đoạn khác nhau, phải luôn luôn đồng hành với Dân Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đức Giêsu trên đường Emmau được tác giả Tin Mừng Luca mô tả (x. Lc 24,13-35), theo một nghĩa nào đó, biểu thị khuôn mẫu của việc dạy giáo lý tập trung vào việc “giải thích Kinh Thánh”, mà chỉ duy Chúa Kitô mới có thể ban cho (x. Lc 24,27-28), khi chỉ cho thấy Kinh Thánh được hoàn tất nơi bản thân Người.257 Niềm hy vọng thắng vượt mọi thất bại quả thật đã tái sinh như thế, và làm cho các môn đệ trở thành những chứng nhân xác tín và khả tín của Đấng Phục Sinh.

Trong quyển Cẩm nang tổng quát cho việc dạy giáo lý, chúng ta gặp được những hướng dẫn quý báu để Kinh Thánh là linh hồn của việc giảng dạy giáo lý, nên tôi sẵn lòng khuyến khích nên tham khảo bản văn này.258 Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý “phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và các thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính các bản văn; điều này cũng muốn nhắc nhớ rằng khoa giáo lý sẽ càng phong phú và hiệu quả hơn, nếu như đọc các bản văn với khối óc và con tim của Giáo Hội”259 và được gợi hứng từ suy tư và đời sống suốt hai ngàn năm qua của Giáo Hội. Như vậy, chúng ta phải khuyến khích một sự hiểu biết về các nhân vật Kinh Thánh, những biến cố và những diễn ngữ căn bản của bản văn thánh; muốn như vậy, cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn văn Kinh Thánh – đặc biệt những đoạn văn nói về các Mầu nhiệm Kitô giáo. Công việc dạy giáo lý luôn luôn hàm chứa việc kết hợp Kinh Thánh với đức tin và Truyền thống Giáo Hội, sao cho những lời này được nhận thức là những lời hằng sống, y như hôm nay Đức Kitô vẫn đang sống ở nơi nào có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Người (x. Mt 18,20). Khoa giáo lý phải truyền đạt cách sống động lịch sử cứu độ và các nội dung đức tin của Giáo Hội, ngõ hầu mọi tín hữu đều nhận ra rằng hoàn cảnh sống cá nhân của mình cũng thuộc về lịch sử này.



Trong viễn cảnh này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh mối liên hệ giữa Kinh Thánh và sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, như Cẩm nang tổng quát cho việc dạy giáo lý đã khẳng định: “Quả thật, Kinh Thánh, với tư cách là ‘Lời Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’ và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, với tư cách là cách thế diễn tả đương thời Truyền thống sống động của Giáo Hội và là nguyên tắc chắc chắn để giáo huấn đức tin, cả hai, mỗi bên theo cách thức và uy thế riêng, đều được mời gọi làm phong phú việc giảng dạy giáo lý trong Giáo Hội hiện nay”.260

Đào tạo Kinh Thánh cho các Kitô hữu

75. Để đạt được mục đích mà Thượng Hội Đồng đề ra, tức là nhấn mạnh hơn nữa vai trò của Kinh Thánh trong công việc mục vụ của Giáo Hội, các Kitô hữu, đặc biệt là các giáo lý viên, cần phải được đào tạo một cách thích hợp. Về điểm này, cần chú ý đến việc tông đồ Kinh Thánh, một phương pháp rất có giá trị cho mục đích này, như kinh nghiệm của Giáo Hội đã cho thấy. Hơn nữa, các Nghị Phụ của Thương Hội Đồng đã khuyến cáo rằng, nếu có thể qua việc lượng giá những cơ cấu học thuật hiện hành, nên thiết lập những trung tâm đào tạo giáo dân và các thừa sai, tại đó người ta học cách hiểu, sống và loan báo Lời Thiên Chúa. Cũng vậy, ở nơi nào có nhu cầu, nên thiết lập những học viện chuyên môn trong ngành nghiên cứu Kinh Thánh để đào tạo những nhà chú giải có sự hiểu biết thần học vững chắc và nhạy bén với các bối cảnh trong đó họ thi hành sứ mạng.261

Kinh Thánh trong những cuộc hội họp của Giáo Hội

76. Giữa muôn vàn sáng kiến có thể có, Thượng Hội Đồng gợi ý rằng trong những cuộc hội họp, ở cấp giáo phận cũng như quốc gia hay quốc tế, tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa, của việc lắng nghe và đọc Lời Chúa trong tư thế đức tin và cầu nguyện, phải được nhấn mạnh tối đa. Do đó, trong các Đại Hội Thánh Thể, dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, vào những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và những cuộc quy tụ khác, thật có lý khi dành những không gian rộng lớn hơn cho các cuộc cử hành Lời Chúa và cho những giờ phút đào tạo về Kinh Thánh.262

Lời Thiên Chúa và các ơn gọi

77. Khi nêu bật đòi hỏi nội tại của đức tin là đào sâu mối liên hệ với Đức Kitô, Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Thượng Hội Đồng cũng đã muốn nhấn mạnh rằng Lời này kêu gọi từng người một cách riêng tư, và như thế cho thấy rằng chính đời sống là một ơn gọi do Thiên Chúa ban. Nói cách khác, chúng ta đào sâu mối liên hệ Chúa Giêsu, chúng ta càng nhận ra rằng Người đang kêu gọi chúng ta nên thánh, nhờ những chọn lựa dứt khoát đời sống chúng ta đáp trả tình yêu của Người, bằng cách đảm nhận những công việc và những sứ vụ nhằm xây dựng Giáo Hội. Trong viễn cảnh này, ta hiểu được việc Thượng Hội Đồng mời gọi các Kitô hữu đào sâu mối liên hệ của họ với Lời Thiên Chúa, trong tư cách người chịu phép rửa, nhưng còn trong tư cách người được kêu gọi sống theo những bậc sống khác nhau. Ở đây chúng ta chạm đến một trong những điểm mấu chốt giáo huấn của Công Đồng Vatican II, khi Công Đồng nhấn mạnh ơn gọi nên thánh của mọi tín hữu, mỗi người theo bậc sống của chính mình 263. Chính trong Kinh Thánh mà ơn gọi nên thánh của chúng ta được mạc khải: “Các ngươi phải nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44; 19,2; 20,7). Đến lượt người, thánh Phaolô vạch cho thấy nền tảng của lời kêu gọi này mang tính Kitô học: trong Đức Kitô, Chúa Cha “đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Như vậy, chúng ta có thể nghe lời chào hỏi của thánh nhân gửi về các anh chị em thuộc cộng đoàn Rôma như gửi đến mỗi người chúng ta: “Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được gọi là thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1,7).

a) Lời Chúa và các Thừa tác viên chức thánh

78. Trước hết, bây giờ khi ngỏ lời với các thừa tác viên chức thánh của Giáo Hội, tôi xin nhắc quý vị lời phát biểu của Thượng Hội Đồng: “Lời Thiên Chúa cần thiết để đào tạo trái tim một người Mục tử nhân lành, thừa tác viên Lời Chúa”.264 Các giám mục, các linh mục, các phó tế không thể nào nghĩ rằng họ sống được ơn gọi và sứ vụ của mình nếu không cương quyết và liên tục nỗ lực nên thánh, mà một trong những trụ cột của nỗ lực là tiếp xúc với Kinh Thánh.

79. Đối với những ai được ơn gọi vào chức giám mục, là những người đầu tiên có thẩm quyền loan báo Lời Chúa, tôi muốn tái khẳng định điều mà Đức Gioan Phaolô II đã nói trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Gregis. Để nuôi dưỡng và thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình, vị Giám mục luôn luôn phải dành chỗ “ưu tiên cho việc đọc và suy niệm Lời Thiên Chúa. Mỗi Giám mục sẽ phải luôn luôn phó thác bản thân và cảm thấy mình được phó thác ‘cho Thiên Chúa và cho Lời ân sủng của Ngài, là Lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến’ (Cv 20,32). Chính vì thế, trước khi là người truyền đạt Lời Chúa, vị Giám mục, cùng với các linh mục của mình và thật ra giống như mỗi tín hữu, hơn nữa giống như chính Giáo Hội, phải là người lắng nghe Lời. Ngài phải như ‘ở bên trong’ Lời, để mình được gìn giữ và nuôi dưỡng bởi Lời, như trong lòng mẹ”.265 Noi gương Đức Maria, Virgo audiens và Nữ Vương của các Tông Đồ, tôi khuyên toàn thể chư huynh trong chức giám mục mỗi vị hãy thường xuyên đọc và chuyên cần học hỏi Kinh Thánh.

80. Với các linh mục cũng vậy, tôi muốn nhắc lại lời của Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores dabo vobis, nói rằng “linh mục trước hết là Thừa tác viên Lời Thiên Chúa. Ngài được thánh hiến và được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mỗi người vâng phục đức tin và dẫn đưa các tín hữu đến chỗ hiểu biết và hiệp thông ngày một sâu xa hơn với Mầu nhiệm Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta. Chính vì thế, trước tiên vị linh mục đã phải rất quen thuộc với Lời Thiên Chúa. Biết phương diện ngôn ngữ hoặc chú giải Lời Chúa, thì chưa đủ, dù là cần thiết. Vị linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài và làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, ‘tư tưởng của Đức Kitô’ (1 Cr 2, 16)”.266 Như thế, các lời nói, hơn nữa các chọn lựa và các thái độ của ngài sẽ ngày càng trong suốt với Tin Mừng, sẽ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. “Chỉ khi ‘ở lại trong’ Lời Chúa, vị linh mục mới trở thành người môn đệ hoàn hảo của Chúa, mới nhận biết chân lý và mới thật sự tự do”.267

Nói tóm lại, ơn gọi linh mục đòi hỏi phải được hiến thánh “trong sự thật”. Chính Đức Giêsu đã yêu cầu như thế với các môn đệ Người: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,17-18). Theo một ý nghĩa nào đó, các môn đệ được “lôi cuốn vào trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa do họ được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói, Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa”.268 Bởi vì chính Đức Kitô là Lời Thiên Chúa làm người (Ga 1,14), là “sự thật” (Ga 14,6), nên lời Đức Giêsu cầu xin với Chúa Cha: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” có ý nghĩa sâu xa nhất: “Xin Cha làm cho họ nên một với con, là Đấng Kitô. Xin liên kết họ lại với con. Xin lôi kéo họ vào trong con. Bởi vì trong thực tế, chỉ có một tư tế duy nhất của Giao Ước Mới, là chính Đức Giêsu Kitô”.269 Vậy các linh mục cần phải ý thức liên tục và ngày một sâu xa hơn về thực tại này.



81. Tôi cũng muốn được nói về vị trí của Lời Thiên Chúa trong đời sống của những người được gọi lên chức phó tế, không chỉ như bước cuối cùng hướng đến chức linh mục, nhưng một ơn gọi phục vụ liên lỉ. Những Nguyên tắc cơ bản cho việc đào tạo phó tế vĩnh viễn khẳng định rằng “từ chân tính thần học của chức phó tế, rõ ràng rút ra được những nét đặc trưng thuộc linh đạo đặc thù của chức vụ này, chức vụ được giới thiệu chủ yếu như là một linh đạo phục vụ. Khuôn mẫu tuyệt vời nhất là Đức Kitô tôi tớ, Người đã sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa, vì lợi ích của loài người”.270 Trong viễn cảnh này, người ta có thể thấy rằng, trong các chiều kích khác nhau của thừa tác vụ phó tế, “một yếu tố đặc trưng của linh đạo phó tế là Lời Thiên Chúa, mà ngài được kêu gọi làm người rao giảng có thẩm quyền, bằng cách tin điều ngài công bố, giảng dạy điều ngài tin, sống điều ngài giảng dạy”.271 Vậy, tôi khuyến khích các phó tế nuôi dưỡng đời sống mình bằng việc đọc Kinh Thánh trong tư thế đức tin cùng với việc học hỏi và cầu nguyện. Các ngài phải được dẫn nhập vào “Kinh Thánh và cách giải thích đúng đắn; vào thần học Cựu và Tân Ước; vào tương quan hỗ tương giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền; đặc biệt, vào cách sử dụng Kinh Thánh trong việc rao giảng, dạy giáo lý và hoạt động mục vụ nói chung”.272

b) Lời Chúa và các ứng viên chức thánh

82 Thượng Hội Đồng đã gán một tầm quan trọng đặc biệt cho vai trò quyết định của Lời Chúa trong đời sống thiêng liêng của các ứng viên hướng đến chức linh mục thừa tác: “Các ứng viên hướng đến chức linh mục phải học biết yêu mến Lời Thiên Chúa. Vậy, Kinh Thánh phải là linh hồn của việc đào tạo thần học của họ, và phải nhấn mạnh đến tác động qua lại cần thiết giữa chú giải, thần học, tu đức và sứ vụ”.273 Các ứng viên hướng đến chức linh mục thừa tác được mời gọi đi vào một quan hệ cá nhân sâu sắc với Lời Thiên Chúa, đặc biệt bằng Lectio divina, để chính ơn gọi của họ được nuôi dưỡng bằng quan hệ này: chính là trong ánh sáng và sức mạnh của Lời Thiên Chúa mà mỗi ứng viên có thể khám phá, hiểu biết, yêu mến và theo đuổi ơn gọi của chính mình cũng như hoàn thành sứ vụ của mình, nhờ làm tăng trưởng trong lòng mình các tư tưởng về Thiên Chúa, sao cho đức tin, với tư cách là lời đáp trả lại với Lời Chúa, trở thành tiêu chuẩn mới cho việc phán đoán và lượng định con người và sự vật, các biến cố và các vấn đề.274

Sự quan tâm đến việc đọc Kinh Thánh trong tư thế cầu nguyện như vậy lại không hề được đưa đến một sự phân đôi tách khỏi việc nghiên cứu mang tính chú giải như một phần của công việc huấn luyện. Thượng Hội Đồng đã khuyến cáo rằng các chủng sinh phải được giúp đỡ một cách cụ thể để thấy mối quan hệ giữa việc học hỏi Kinh Thánh và việc cầu nguyện với Kinh Thánh. Học hỏi Kinh Thánh phải giúp chúng ta ý thức hơn về Mầu nhiệm Mạc Khải của Thiên Chúa và nuôi dưỡng một tư thế đáp trả bằng cầu nguyện với Chúa, Đấng đang lên tiếng nói. Cũng vậy, một đời sống cầu nguyện trung thực chỉ có thể làm lớn lên trong tâm hồn của ứng viên khát vọng được biết ngày càng nhiều hơn nữa Vị Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra, trong Lời của Ngài, là tình yêu vô biên. Do đó, phải ra sức vun đắp trong đời sống các chủng sinh mối quan hệ hỗ tương này giữa học hỏi và cầu nguyện. Nhằm mục đích này, nhờ những phương pháp hỗ trợ cho một việc tiếp cận trọn vẹn, các ứng sinh sẽ được hướng dẫn vào việc học hỏi Kinh Thánh.



c) Lời Thiên Chúa và Đời sống thánh hiến

83. Về Đời sống thánh hiến, Thượng Hội Đồng đã nhắc lại trước tiên rằng đời sống này “phát sinh từ việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng như quy luật sống”.275 Sống theo Chúa Kitô, khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, đó là một “‘chú giải’ sống động về Lời Thiên Chúa”.276 Nhờ Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh đã được viết ra; cũng chính Ngài đã dùng “một ánh sáng mới để chiếu rọi Lời Thiên Chúa cho các Đấng sáng lập Dòng Tu, nam cũng như nữ. Mọi đặc sủng phát sinh từ Lời Thiên Chúa và mọi quy luật đều muốn là nét diễn đạt từ Lời Chúa”,277 khai sinh những linh đạo Kitô hữu với đặc điểm là sống triệt để theo Tin Mừng.

Tôi muốn nhắc lại rằng Truyền thống đan tu cổ kính đã luôn luôn coi việc suy niệm Kinh Thánh như một yếu tố cấu thành linh đạo đặc thù của mình, đặc biệt dưới hình thức Lectio divina. Ngày nay cũng vậy, những thực tại cổ xưa hay hiện đại của đời sống thánh hiến chuyên biệt đều được gọi để trở thành những trường học đích thực về đời sống thiêng liêng, tại các nơi đó, người ta đọc Kinh Thánh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội, ngõ hầu toàn thể Dân Thiên Chúa được hưởng nhờ. Vì thế Thượng Hội Đồng nhắc nhở các cộng đoàn đời sống thánh hiến, không bao giờ được thiếu một nền huấn luyện vững chắc về việc đọc Kinh Thánh với niềm tin.278



Một lần nữa, tôi muốn làm vọng lại tâm tình ân cần và biết ơn mà Thượng Hội Đồng đã diễn tả đối với những hình thức đời sống chiêm niệm. Những hình thức này, nhờ đặc sủng riêng, đang dâng hiến phần lớn thời gian trong ngày để theo gương Mẹ Thiên Chúa, chăm chú suy niệm những lời nói và việc làm của Người Con của Mẹ (x. Lc 2,19.51), và theo gương Maria người làng Bêtania, ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe Lời Người (x. Lc 10, 38). Tôi đặc biệt nghĩ đến các nam và nữ đan sĩ dòng kín, bằng cách tách mình ra khỏi thế gian, họ được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, tâm điểm của thế giới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến chứng tá của những người đang cam kết “không ưa chuộng bất cứ điều gì hơn tình yêu của Chúa Kitô”.279 Thế giới hiện đại thường quá bị thu hút bởi những hoạt động bên ngoài khiến gặp nguy cơ đánh mất chính mình. Bằng đời sống cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, các nhà chiêm niệm đang nhắc nhở chúng ta rằng con người không sống chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra (x. Mt 4,4). Do đó, mọi tín hữu phải ghi nhớ rằng một hình thức sống như thế “đang chỉ cho thế giới hôm nay thấy điều quan trọng nhất, mà thật ra là điều duy nhất mang tính quyết định: có một lý do tối hậu khiến cuộc sống có ý nghĩa, đó là Thiên Chúa và tình yêu sâu thẳm vô phương đạt đáo của Ngài”.280

d) Lời Chúa và giáo dân

84. Thượng Hội Đồng rất thường hướng sự chú ý của mình về phía giáo dân, để cám ơn họ đã quảng đại dấn thân truyền bá Tin Mừng tại những môi trường đa dạng của cuộc sống hằng ngày của họ, tại công sở, học đường, gia đình và trong việc giáo dục.281 Nhiệm vụ này, cắm rễ trong bí tích Rửa Tội, phải có thể phát triển qua một đời sống Kitô hữu ngày một ý thức hơn, khả dĩ trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng ở nơi chúng ta (x. 1 Pr 3,15). Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu chỉ cho thấy rằng “ruộng là thế gian; hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời” (13,38). Những lời này áp dụng đặc biệt cho giáo dân, họ đang sống ơn gọi nên thánh riêng của mình trong một cuộc sống theo Thánh Thần, được diễn tả “một cách đặc biệt qua việc tháp nhập vào trong các thực tại phàm trầndự phần vào các sinh hoạt trần thế”.282 Họ cần được đào tạo để biết biện phân ý muốn Thiên Chúa nhờ một cuộc sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các vị Mục tử hợp pháp. Họ có thể đón nhận công việc huấn luyện này tại các trường có những nền tu đức kỳ cựu trong Giáo Hội, mà khởi thủy và nền móng luôn luôn phát xuất từ Kinh Thánh. Tùy theo khả năng, các giáo phận tự mình phải cống hiến công việc huấn luyện theo ý hướng như vậy cho các giáo dân hiện đảm nhận những trách nhiệm đặc biệt của Giáo Hội.283

e) Lời Chúa, hôn nhân và gia đình

85. Thượng Hội Đồng cũng đã nhận thấy cần phải nhấn mạnh mối quan hệ giữa Lời Chúa, hôn nhân và gia đình Kitô giáo. Quả thật, “khi loan báo Lời Thiên Chúa, Giáo Hội vén mở cho các gia đình Kitô giáo thấy chân tính đích thực của họ, nói cách khác, họ là gì và phải là gì theo kế hoạch của Chúa”.284 Vậy không bao giờ được quên rằng Lời Chúa ở tại nguồn cội của hôn nhân (x. St 2,24) và chính Đức Giêsu đã làm cho hôn nhân thành một trong những định chế thuộc Vương quốc của Người (x. Mt 19,4-8), bằng cách nâng điều gì vốn đã được ghi khắc ở nơi nhân tính từ khởi thủy lên đến phẩm giá của một Bí tích. “Trong việc cử hành Bí Tích, người nam và người nữ công bố một lời tiên báo về việc tận hiến cho nhau, tức là trở nên ‘một xương một thịt’, dấu chỉ Mầu nhiệm hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội” (x. Ep 5,31-32).285 Khi trung thành với Lời Chúa, ta cũng được dẫn đến chỗ ghi nhận rằng vào ngày hôm nay định chế này đang bị công kích về nhiều phương diện bởi não trạng hiện nay. Đối diện với tình trạng lộn xộn nói chung về tình cảm và xuất hiện những cách thức suy nghĩ nhằm tầm thường hóa thân xác con người và sự phân biệt phái tính, Lời Thiên Chúa tái khẳng định rằng con người từ nguồn cội thì tốt lành, đã được tạo thành có nam có nữ, và được mời gọi yêu thương nhau bằng một tình yêu trung thành, hỗ tương và phong phú.

Từ Mầu nhiệm hôn ước lớn lao, phát sinh trách nhiệm cốt yếu của các cha mẹ đối với con cái. Quả thật, sống trung thực tư cách cha mẹ chính là truyền đạt và làm chứng về ý nghĩa của đời sống trong Đức Kitô: qua lòng chung thủy của họ và sự hiệp nhất của đời sống gia đình, vợ chồng là những người đầu tiên công bố Lời Thiên Chúa cho con cái. Cộng đồng Giáo Hội phải nâng đỡ và giúp đỡ họ phát huy việc cầu nguyện trong gia đình, chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa và hiểu biết Kinh Thánh. Nhằm mục đích này, Thượng Hội Đồng mong ước rằng mỗi một mái ấm gia đình phải có sách Kinh Thánh của mình, Sách phải được đặt ở nơi xứng hợp và được dùng để đọc và cầu nguyện. Các linh mục, các phó tế hay các tín hữu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể cung cấp mọi trợ giúp cần thiết. Thượng Hội Đồng cũng đã khuyến cáo là phải tạo lập những cộng đoàn gồm những gia đình, tại đó các tín hữu cùng nhau thực hành việc cầu nguyện và suy niệm chung những đoạn Kinh Thánh được chọn.286 Ngoài ra, vợ chồng phải nhắc nhở nhau rằng “Lời Thiên Chúa cũng là một sự nâng đỡ quí báu giữa các khó khăn của cuộc sống lứa đôi và gia đình”.287



Trong bối cảnh này, tôi muốn nêu bật thêm những gì Thượng Hội Đồng đã căn dặn về vai trò của những các phụ nữ đối với Lời Thiên Chúa. Theo kiểu gọi của Đức Gioan Phaolô II,288 phần đóng góp của “thiên tài phái nữ” vào việc hiểu biết Kinh Thánh và vào toàn bộ cuộc sống của Giáo Hội, vào ngày hôm nay còn quan trọng hơn là trong quá khứ, và từ nay cũng liên hệ đến lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh. Thượng Hội Đồng đã đặc biệt dừng lại với vai trò cần thiết của người phụ nữ trong gia đình và trong giáo dục, trong việc dạy giáo lý, trong việc thông truyền các giá trị. Quả thế, họ “biết gợi lên khả năng lắng nghe Lời, quan hệ riêng tư với Thiên Chúa và truyền đạt cảm thức về sự tha thứ và chia sẻ Tin Mừng”,289 cũng như họ biết làm người mang tình yêu đến, mẫu gương của lòng xót thương và kiến tạo hòa bình, truyền đạt lòng nhiệt thành và nhân ái trong một thế giới vốn quá thường phán đoán con người theo những tiêu chuẩn lạnh lùng là bóc lột và lợi nhuận.


tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương