TÔng huấn hậu thưỢng hộI ĐỒng giám mục verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ


Loan báo cho thế giới “Logos” về niềm hy vọng



tải về 1.05 Mb.
trang14/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.05 Mb.
#1513
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   20

Loan báo cho thế giới “Logos” về niềm hy vọng


91. Ngôi Lời Thiên Chúa đã thông ban cho chúng ta sự sống thần linh, một sự sống làm thay đổi khuôn mặt trái đất, làm cho mọi sự nên mới mẻ (x. Kh 21,5). Lời của Ngài làm cho chúng ta không những nên những người đón nhận Mạc Khải của Thiên Chúa, nhưng còn là những sứ giả của Ngài. Người là Đấng Chúa Cha sai đến để thực hiện ý muốn của Ngài (x. Ga 5,36-38; 6,38-40; 7,16-18), đang lôi kéo chúng ta đến với Người và làm cho chúng ta thuộc về cuộc đời và sứ vụ của Người. Như thế, Thần Khí của Đấng Phục Sinh làm cho đời sống chúng ta có khả năng loan báo hữu hiệu Lời khắp nơi trên thế giới. Đây chính là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, họ đã thấy Lời được truyền bá nhờ việc rao giảng và làm chứng (x. Cv 6,7). Ở đây, tôi muốn đặc biệt nhắc tới cuộc đời của thánh Tông Đồ Phaolô, một con người hoàn toàn được Chúa chiếm đoạt (x. Pl 3,12) – “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) – và nhắc tới sứ mạng của ngài: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), vì ngài ý thức rằng tất cả những gì được mạc khải nơi Đức Kitô, thật sự là ơn cứu độ cho tất cả các Lương Dân, là sự giải thoát đưa ra khỏi ách nô lệ tội lỗi hầu được đi vào hưởng tự do dành cho con cái Thiên Chúa.

Quả thật, điều Giáo Hội công bố cho thế giới chính là Logos về niềm hy vọng (x. 1 Pr 3,15); con người cần “niềm Hy vọng lớn lao” để sống hiện tại của mình, niềm Hy vọng lớn lao là “vị Thiên Chúa có khuôn mặt con người và đã “yêu thương chúng ta đến cùng’ (Ga 13,1)”.311 Chính vì thế, Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình những lời ban sự sống đời đời, những lời đã được ban cho chúng ta qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô: những lời ấy được dành cho tất cả mọi người, cho từng con người. Bất cứ người nào thuộc thời đại chúng ta, biết hay không biết, đều cần đến sứ điệp này. Ước gì chính Chúa, cũng như vào thời ngôn sứ Amốt, làm dấy lên giữa loài người cơn đói khát lời Chúa (x. Am 8,11). Trách nhiệm của chúng ta là truyền đạt những gì chúng ta đã nhận được nhờ ơn Chúa.


Từ Lời Thiên Chúa, phát xuất sứ mạng của Giáo Hội


92. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã mạnh mẽ tái khẳng định về nhu cầu phải tăng cường hơn nữa trong Giáo Hội ý thức truyền giáo, là ý thức đã có nơi Dân Thiên Chúa từ thuở ban đầu. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi việc loan báo mang tính truyền giáo như là một điều cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất đức tin: họ tin vào một vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Đấng đã tự mạc khải trong lịch sử Israel và sau cùng, nơi Con Một của Ngài, và như thế, đưa lại câu trả lời mà mọi người vẫn chờ đợi tận đáy lòng. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã hiểu rằng đức tin của họ không thuộc về một truyền thống văn hoá đặc thù, khác biệt tùy theo các dân tộc, nhưng thuộc về lãnh vực chân lý, liên quan đến tất cả mọi người như nhau.

Lại cũng chính là thánh Phaolô đã dùng đời sống ngài mà làm sáng tỏ ý nghĩa của sứ mạng Kitô giáo và tính phổ quát nguyên thủy của sứ mạng này. Chúng ta hãy nghĩ tới đoạn sách Công vụ Tông Đồ nói về Hội đồng Arêôpagô ở Athêna (x. 17,16-34). Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã đi vào đối thoại với những con người thuộc các nền văn hoá khác nhau, ngài ý thức rằng Mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng khả tri đồng thời là Đấng vô tri, Đấng mọi người đều nhận thức, dù mù mờ, đã thật sự tự mạc khải trong lịch sử: “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (Cv 17,23). Quả thế, tính mới mẻ trong lời công bố của Kitô giáo nằm ở chỗ ta có thể nói với mọi dân tộc: “Thiên Chúa, Ngài đã đích thân tự tỏ mình ra. Và giờ đây, con đường dẫn tới Ngài đã mở ra. Tính mới lạ của sứ điệp Kitô giáo không hệ tại một tư tưởng, mà là một sự kiện: Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình”.312


Lời và Nước Thiên Chúa


93. Do đó, không được coi sứ mạng của Giáo Hội như một thực tại tùy ý hay tùy chọn trong đời sống Giáo Hội. Vấn đề là để cho Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với chính Chúa Kitô, và như thế, tham dự vào sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), để chuyển thông Lời bằng trọn cả đời sống chúng ta. Chính Lời Chúa sai chúng ta đi đến với anh chị em chúng ta: chính Lời soi sáng, thanh tẩy, và hoán cải; còn chúng ta, chúng ta chỉ là những tôi tớ.

Vậy cần phải liên tục tái khám phá ra tình trạng khẩn trương và vẻ đẹp của việc loan báo Lời, để cho Nước Thiên Chúa mà chính Chúa Kitô đã rao giảng, được ngự đến. Theo ý hướng đó, chúng ta hãy tái lập nơi chúng ta ý thức, rất quen thuộc đối với các Giáo Phụ, là việc loan báo Lời có nội dung là chính Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,14-15), Nước đó là chính con người Chúa Giêsu (Autobasileia), như Ôrigiênê đã nhắc lại rất khéo.313 Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người thuộc mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, thật rất cần có ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi mọi lãnh vực của nhân loại: gia đình, trường học, văn hoá, việc làm, việc giải trí và các lãnh vực khác của đời sống xã hội.314 Vấn đề không phải là rao giảng một lời an ủi, mà là một lời gây nên sự đoạn tuyệt, mời gọi hoán cải, giúp người ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, nhờ đó làm phát sinh một chồi lộc của một nhân loại mới.


Mọi người đã rửa tội
đều có trách nhiệm đối với việc loan báo


94. Vì toàn Dân Thiên Chúa là một dân tộc “được sai đi”, Thượng Hội Đồng đã tái khẳng định rằng “sứ mạng loan báo Lời Thiên Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Giêsu Kitô, như hệ quả của phép Rửa của họ”.315 Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với trách nhiệm này, một trách nhiệm phát xuất từ chỗ ta thuộc về Thân Thể Chúa Kitô theo cách bí tích. Ý thức này phải được thức tỉnh trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào Giáo Hội. Vậy, Giáo Hội như là Mầu nhiệm hiệp thông hoàn toàn có tính truyền giáo, và mỗi người, tùy theo bậc sống, đều được kêu gọi góp phần rõ ràng vào việc loan báo Chúa Kitô.

Theo sứ mạng riêng của các ngài, các giám mục và linh mục là những người đầu tiên được kêu gọi sống một cuộc sống hoàn toàn lo phục vụ Lời, lo công bố Tin Mừng, cử hành các Bí tích và đào tạo các tín hữu hiểu biết chân thật Kinh Thánh. Các phó tế cũng được kêu gọi cộng tác, theo sứ mạng riêng, vào công cuộc phúc âm hoá này.



Trong suốt lịch sử Giáo Hội, đời sống thánh hiến vẫn rạng rỡ do khả năng đảm nhận minh nhiên nhiệm vụ loan báo và rao giảng Lời Thiên Chúa, trong missio ad gentes (đến với muôn dân) và trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cũng sẵn sàng thích ứng với các tình thế mới mà loan báo Tin Mừng, can đảm và mạnh dạn tiến bước vào những con đường mới và đương đầu với các thách đố mới nhằm công bố hữu hiệu Lời Thiên Chúa.316

Giáo dân được kêu gọi thực thi nhiệm vụ ngôn sứ, nhiệm vụ trực tiếp phát xuất từ phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, tại bất cứ nơi nào họ sinh sống. Về điểm này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng bày tỏ “lòng quý mến sâu sắc, lòng biết ơn họ và khuyến khích họ dấn thân vào công tác phúc âm hoá mà biết bao giáo dân, nhất là các phụ nữ, đang quảng đại và hăng say cống hiến trong các cộng đoàn rải rác trên khắp thế giới, theo gương thánh Maria Magđalêna, chứng nhân đầu tiên của niềm vui Phục Sinh”.317 Ngoài ra, Thượng Hội Đồng nhìn nhận với lòng biết ơn là các phong trào Giáo Hội và nhiều cộng đoàn mới, ở trong Giáo Hội, đang là một lực lượng lớn lao làm công việc loan báo Tin Mừng trong thời đại này và là một động viên lớn giúp triển khai nhiều cách thức mới để loan báo Tin Mừng.318


tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương