TÔng huấn hậu thưỢng hộI ĐỒng giám mục verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ


Loan báo Lời Thiên Chúa và người trẻ



tải về 1.05 Mb.
trang17/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.05 Mb.
#1513
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20

Loan báo Lời Thiên Chúa và người trẻ


104. Thượng Hội Đồng đặc biệt chú ý tới việc loan báo Lời Chúa cho các thế hệ trẻ. Ngay bây giờ, người trẻ là những thành viên tích cực của Giáo Hội và họ chính là tương lai của Giáo Hội. Ta thường gặp nơi họ có sự cởi mở bột phát với việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và một lòng ao ước chân thành được biết Đức Giêsu. Quả thật, chính là trong thời tuổi trẻ mà phát sinh không kềm hãm được và chân thành những câu hỏi về ý nghĩa đời sống cá nhân mình và hướng đi cho chính cuộc sống của mình. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới đưa ra được câu trả lời đích thực cho các câu hỏi này. Sự quan tâm tới thế giới trẻ đòi hỏi phải can đảm loan báo rõ ràng; chúng ta phải giúp những người trẻ có được sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như cái la bàn chỉ cho biết con đường phải theo.341 Chính vì thế, người trẻ cần những chứng nhân và những tôn sư cùng bước đi với họ và đào tạo cho họ biết yêu mến và truyền thông Tin Mừng đặc biệt cho những người trẻ cùng lứa tuổi, và như thế, chính họ cũng trở thành những người loan báo chân chính và đáng tin.342

Lời Chúa cũng phải được trình bày cho thấy có những hệ luận về ơn gọi, hầu trợ giúp và định hướng cho người trẻ trong việc chọn lựa đời sống, kể cả chiều hướng dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.343 Các ơn gọi chân chính đi vào đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục sẽ có được mảnh đất mầu mỡ nhờ trung thành tiếp xúc với lời Chúa. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi mà tôi đã đưa ra vào buổi đầu triều đại giáo hoàng của tôi, đó là hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô: “Người nào để cho Chúa Kitô đi vào, người ấy chẳng mất gì cả, chẳng mất gì cả, tuyệt đối không mất gì cả trong những điều làm cho đời sống mình nên tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Chỉ trong tình bạn này, các cánh cửa đưa vào sự sống mới rộng mở. Chỉ trong tình bạn này, các tiềm năng lớn lao của thân phận con người mới thực sự được giải phóng […]. Các bạn trẻ thân mến: đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy bất cứ điều gì cả, Người cho tất cả mọi sự. Ai hiến mình cho Người, sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở ra, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm được sự sống chân thật”.344


Loan báo Lời Thiên Chúa và di dân


105. Lời Thiên Chúa khiến ta lưu ý tới lịch sử và tất cả những gì lại đâm mầm trong lịch sử này. Chính vì thế, khi bàn đến sứ mạng phúc âm hoá của Giáo Hội, Thượng Hội Đồng cũng đã muốn để ý đến hiện tượng phức tạp của các phong trào di dân, một hiện tượng trong mấy năm gần đây đã đạt tới một tỷ lệ chưa từng có. Ở đây phát sinh những vấn nạn rất tế nhị liên quan đến an ninh của các quốc gia và việc phải đón tiếp những người đi tìm một nơi ẩn náu, những điều kiện sinh sống, y tế và làm việc tốt đẹp hơn. Có rất nhiều người không hề biết Chúa Kitô hoặc có một hình ảnh sai lạc về Người, đến định cư tại các xứ sở có truyền thống Kitô giáo. Đồng thời, có những người thuộc các dân tộc thấm nhuần sâu xa niềm tin Kitô giáo lại di cư đến những xứ sở đang cần được loan báo về Chúa Kitô và một cuộc tân phúc âm hoá. Các tình huống ấy cống hiến nhiều khả thể mới cho việc phổ biến Lời Thiên Chúa. Về điểm này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng di dân có quyền được nghe kerygma (lời rao giảng Tin Mừng), lời này được đề nghị chứ không phải áp đặt cho họ. Nếu họ là Kitô hữu, họ cần được trợ giúp mục vụ thích đáng hầu củng cố đức tin và chính họ trở thành những người đi loan báo Tin Mừng. Ý thức về tính phức tạp của hiện tượng này, tất cả các giáo phận liên hệ phải được động viên để các phong trào di dân cũng được coi như một dịp giúp khám phá ra các hình thái mới để hiện diện và công bố. Điều cũng cần thiết là các giáo phận phải tùy theo khả năng mà tiếp đón và chăm sóc các anh chị em này, để khi đã được Tin Mừng đánh động, chính họ trở thành sứ giả của Lời Thiên Chúa và chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh, niềm hy vọng của thế giới.345

Loan báo Lời Thiên Chúa và những người đau khổ


106. Trong khi Thượng Hội Đồng làm việc, các Nghị Phụ cũng thường xét đến sự cần thiết phải loan báo Lời Thiên Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ, về thể lý, tâm lý hoặc thiêng liêng. Quả thật, chính trong những lúc đau khổ, mà phát sinh những câu hỏi nhức buốt nhất trong trái tim con người, những câu hỏi tối hậu về ý nghĩa của chính đời mình. Nếu lời nói của con người dường như trở nên câm nín trước mầu nhiệm sự dữ và đau khổ, và nếu xã hội chúng ta chỉ đánh giá cao sự sống khi nó tương ứng với một số bình diện về hiệu năng và sự thoải mái, Lời Thiên Chúa lại giúp ta thấy rằng ngay những giây phút (đau khổ) này cũng được tình yêu Thiên Chúa “vỗ về” cách nhiệm mầu. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời Chúa, giúp chúng ta coi đời sống con người đáng được sống trọn vẹn, ngay cả lúc nó bị tan nát vì sự dữ. Thiên Chúa đã dựng nên con người để họ được hạnh phúc và được sống, trong khi bệnh tật và cái chết đã đi vào trong thế giới như là hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2,23-24). Nhưng Cha của sự sống là thầy thuốc tuyệt hảo của nhân loại, Ngài không ngừng âu yếm cúi mình xuống trên nhân loại đau khổ. Chúng ta chiêm ngưỡng đỉnh cao của việc Thiên Chúa gần gũi với các đau khổ của con người trong chính Chúa Giêsu, “Lời nhập thể. Người đã chịu đau khổ với chúng ta và đã chịu chết. Bằng cuộc thhương khó và cái chết của Người, Người đã đảm nhận sự yếu hèn của chúng ta nơi Người và đã biến đổi sự yếu hèn ấy cho đến cùng”.346

Sự gần gũi của Đức Giêsu với những người đau khổ chưa bao giờ gián đoạn: sự gần gũi này kéo dài trong thời gian nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng của Giáo Hội, trong Lời và trong các bí tích, nơi những con người thiện chí, nơi các sáng kiến bác ái được thực thi bằng tình yêu huynh đệ của các cộng đoàn, khi vén mở cho thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thượng Hội Đồng tạ ơn Thiên Chúa về chứng tá sáng chói, đôi khi ẩn giấu, của nhiều Kitô hữu – linh mục, tu sĩ và giáo dân – những người đã tiếp tục cho Chúa Kitô, vị thầy thuốc đích thực chữa trị tâm hồn lẫn thể xác, mượn đôi tay, cặp mắt và trái tim! Thượng Hội Đồng còn tiếp tục khuyến khích là hãy tiếp tục chăm sóc những người đau ốm bằng cách đưa lại cho họ sự hiện diện ban sự sống của Chúa Giêsu trong Lời và trong bí tích Thánh Thể. Hãy giúp họ đọc Kinh Thánh và khám phá ra rằng, trong tình trạng của họ, họ có thể tham dự một cách đặc biệt vào những đau khổ có sức cứu chuộc của Chúa Kitô nhằm cứu độ thế giới (x. 2 Cr 4,8-11.14).347

Loan báo Lời Thiên Chúa và những người nghèo

107. Kinh Thánh mạc khải sự ưu ái của Thiên Chúa đối với người nghèo và những người cùng quẫn (x. Mt 25, 31-46). Các Nghị Phụ đã thường xuyên nhắc lại rằng điều cần thiết là việc loan báo Tin Mừng, sự dấn thân của các Mục tử và của các cộng đoàn phải quay hướng về các anh em ấy. Quả thế, “những người đầu tiên được quyền loan báo Tin Mừng chính là những người nghèo, những người không những cần cơm bánh, mà còn cần cả lời ban sự sống”.348 Việc phục vụ do tình yêu, một công việc không bao giờ được thiếu trong các Hội Thánh của chúng ta, phải luôn luôn được kết hợp với việc loan báo Lời Thiên Chúa và việc cử hành các Mầu nhiệm thánh.349 Đồng thời, phải nhìn nhận và đề cao giá trị của sự kiện này là chính những người nghèo cũng là những tác nhân Phúc âm hóa. Trong Kinh Thánh, người nghèo đích thực là người hoàn toàn ký thác bản thân cho Thiên Chúa và chính Đức Giêsu, trong Tin Mừng, gọi là có phúc những người có “Nước Trời thuộc về” mình (Mt 5, 3; x. Lc 6, 20). Chúa ca tụng con tim đơn sơ của kẻ nhìn nhận Thiên Chúa là của cái chân thật của mình, kẻ đặt nơi Người niềm cậy trông của mình, chứ không phải nơi của cải thế gian. Hội Thánh không được làm cho người nghèo thất vọng: “Các Mục tử được kêu gọi lắng nghe họ, học nơi họ, hướng dẫn họ trong niềm tin của họ và thúc đẩy họ, để họ là những người kiến tạo chính lịch sử của họ”.350

Hội Thánh cũng biết rằng có một sự nghèo khó là nhân đức phải trau dồi và chọn lựa tự do, như nhiều vị thánh đã làm, và có một sự bần cùng lại thường là kết quả của những bất công, do tính ích kỷ gây ra, có triệu chứng là sự túng thiếu và đói khát, và nó gây ra các xung đột. Khi Hội Thánh loan báo Lời Thiên Chúa, Hội Thánh biết rằng phải cổ võ một “vòng tròn nhân đức” giữa sự nghèo khó “phải chọn” và sự nghèo khó “phải đánh đuổi”, bằng cách tái khám phá “sự thanh đạm và tình liên đới, như những giá trị Tin Mừng và, đồng thời, phổ quát […] Điều này hàm ẩn những chọn lựa về công lý và nếp sống thanh đạm”.351



Lời Thiên Chúa và việc bảo toàn tạo thành

108. Việc dấn thân vào trong thế giới, mà Lời Thiên Chúa đòi hỏi, thúc đẩy chúng ta nhìn bằng cắp mắt mới toàn thể vũ trụ, được Thiên Chúa tạo thành và đã mang trong mình các dấu vết của Ngôi Lời, do Người mọi sự đã được tạo thành (x. Ga 1,2). Quả thật, chúng ta cũng vậy, trong tư cách là Kitô hữu và sứ giả Tin Mừng, chúng ta có một trách nhiệm đối với tạo thành. Nếu, một đàng, Mạc Khải cho chúng ta biết dự phóng của Thiên Chúa trên vũ trụ, đàng khác, Mạc Khải đưa chúng ta tới chỗ tố giác những thái độ sai lầm của con người, khi họ không nhận biết mọi sự như là dấu vết của Đấng Tạo Hóa, mà chỉ như một chất liệu để họ lèo lái không chút áy náy. Theo cách này, con người thiếu sự khiêm tốn cốt yếu giúp họ nhận biết thụ tạo như là một ân ban của Thiên Chúa mà họ phải đón nhận và sử dụng theo kế hoạch của Ngài. Trái lại, sự kiêu căng ngạo mạn của người sống “y như thể Thiên Chúa không hiện hữu”, đưa họ tới chỗ khai thác và làm méo mó gương mặt của thiên nhiên, do không nhìn nhận thiên nhiên là một công trình của Lời tạo dựng. Khởi đi từ cái nhìn thần học này, tôi ao ước lặp lại các khẳng định của các Nghị Phụ, các ngài đã nhắc lại rằng “đón tiếp Lời Thiên Chúa đã được chứng thực trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội, làm nảy sinh một cách nhìn mới các sự vật, qua việc cổ võ một nền môi sinh học chân chính, bén rễ sâu xa nhất trong sự vâng phục đức tin [...], phát triền một sự nhạy cảm thần học mới mẻ đối với sự tốt lành của mọi sự đã được tạo thành trong Đức Kitô”.352 Con người cần được giáo dục lại về khả năng kinh ngạc thích thú và nhận biết vẻ đẹp trung thực được tỏ lộ trong các sự vật đã được tạo thành.353

LỜi Thiên Chúa và văn hóa

Giá trị của văn hóa đối với cuộc sống con người

109. Lời loan báo của Tin Mừng Gioan liên hệ đến cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời cho thấy dây liên kết bất khả phân ly hiện có giữa Lời Thiên Chúa và những lời con người, xuyên qua những lời này Lời Thiên Chúa được thông ban cho chúng ta. Chính là khởi đi từ nhận định này mà Thượng Hội Đồng Giám Mục đã dừng lại với tương quan giữa Lời Thiên Chúa và văn hóa. Quả thật, Thiên Chúa không tự mạc khải cho con người theo cách trừu tượng, nhưng bằng cách nhận lấy các ngôn ngữ, các hình ảnh và các cách diễn tả gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Đây là một tương quan phong phú đã từng được chứng thực rộng rãi trong lịch sử Hội Thánh. Ngày hôm nay, tương quan này đi vào một giai đoạn mới do sự lan rộng và sự bám rễ của hoạt động Phúc âm hóa giữa lòng các nền văn hóa khác nhau và do những phát triển mới đây của nền văn hóa Tây phương. Điều này trước tiên có hệ quả là sự nhận biết tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống của bất cứ người nào. Hiện tượng văn hóa trong các phương diện đa dạng của nó quả thật tỏ ra như là một yếu tố cấu thành kinh nghiệm con người: “Con người luôn luôn sống theo một nền văn hóa riêng, và nền văn hóa này lại tạo ra giữa những con người một dây liên kết cũng riêng cho mình, bằng cách xác định tính chất liên nhân bản và xã hội của cuộc sống con người”.354

Dọc theo các thời đại, Lời Thiên Chúa đã gợi hứng cho tất cả các nền văn hóa khác nhau bằng cách làm phát sinh các giá trị luân lý căn bản, những cách thức diễn tả nghệ thuật chọn lọc và các kiểu sống làm mẫu.355 Chính vì thế, trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ mới giữa Kinh Thánh và các nền văn hóa, tôi ước muốn nhắc cho tất cả các tác nhân thuộc thế giới văn hóa rằng họ không có gì phải sợ mở lòng ra với Lời Thiên Chúa, Lời này không bao giờ hủy diệt nền văn hóa đúng đắn, nhưng làm thành một sự kích thích thường hằng trong việc tìm kiếm những cách diễn tả của con người ngày càng thích hợp hơn trong việc tìm những cách thức diễn tả của con người ngày càng thích hợp và có ý nghĩa hơn. Bất cứ nền văn hóa chân chính nào, để thật sự phục vụ con người, đều phải mở ra với siêu việt, và cuối cùng với Thiên Chúa.



Kinh Thánh, một kho báu to lớn cho các nền văn hóa

110. Các Nghị Phụ đã nêu bật tầm quan trọng của việc yểm trợ nơi những người có văn hóa một sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, kể cả trong những môi trường tục hóa và nơi những người không tin;356 Kinh Thánh chứa những giá trị nhân học và triết học đã từng ảnh hưởng tích cực lên toàn thể nhân loại.357 Phải tìm lại cho đầy đủ cảm thức về Kinh Thánh như một kho báu to lớn đối với các nền văn hóa.

Hiểu biết Kinh Thánh
trong các trường trung học và các đại học


111. Trường trung họcđại học là một khung cảnh riêng cho việc gặp gỡ giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa. Ước gì các Mục tử quan tâm đặc biệt đến các môi trường này, bằng cách cổ võ một sự hiểu biết sâu xa Kinh Thánh, sao cho các hệ quả văn hóa phong phú, kể cả cho thời đại chúng ta, có thể nắm bắt được! Ước gì các trung tâm học vấn lệ thuộc các đơn vị Công giáo mang lại được một đóng góp độc đáo – đóng góp này phải được nhìn nhận – cho việc thăng tiến nền văn hóa và việc giáo dục! Cũng không được sao nhãng việc dạy về đạo, bằng cách đào tạo kỹ càng các thầy dạy. Trong nhiều trường hợp, việc dạy đạo này, đối với các sinh viên, là một cơ hội duy nhất để họ tiếp xúc với sứ điệp đức tin. Trong việc dạy này, rất nên cổ võ việc hiểu biết Kinh Thánh, bằng cách đánh tan các thành kiến, cũ và mới, và tìm cách làm cho người ta biết chân lý của Kinh Thánh.358

Kinh Thánh
qua các cách thức diễn tả nghệ thuật khác nhau


112. Quan hệ giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa đã tìm được một lối diễn tả cụ thể trong những khung cảnh khác nhau, đặc biệt trong thế giới nghệ thuật. Chính vì thế Truyền thống quan trọng của Đông và Tây phương xưa nay vẫn trân trọng các diễn tả nghệ thuật được Kinh Thánh gợi hứng, chẳng hạn các nghệ thuật tạo hình (figuratifs), hoặc cả ngành kiến trúc, văn chương và âm nhạc. Tôi cũng nghĩ đến ngôn ngữ cổ xưa được diễn tả bởi các thánh tượng, ngôn ngữ này, khởi đi từ Truyền thống Đông phương, đã dần dà phổ biến khắp nơi trên thế giới. Cùng với các Nghị Phụ, toàn thể Giáo Hội bày tỏ sự trân trọng, sự quý mến và ngưỡng mộ đối với các nghệ sĩ “say mê vẻ đẹp”, đã để mình được gợi hứng bởi các bản văn thánh; các vị ấy đã góp phần vào việc tô điểm các nhà thờ chúng ta, vào việc cử hành đức tin chúng ta, vào việc làm phong phú nền phụng vụ của chúng ta và, đồng thời, nhiều người trong số các vị ấy đã giúp làm cho người ta nhận ra được, trong thời gian và trong không gian, các thực tại vô hình và vĩnh cửu.359 Tôi khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền hãy cổ võ trong Giáo Hội một nền huấn luyện vững chắc cho các nghệ sĩ về Kinh Thánh dưới ánh sáng của Truyền Thống sống động của Giáo Hội và Huấn Quyền.

Lời Thiên Chúa và các phương tiện truyền thông xã hội

113. Cũng có liên hệ đến tương quan giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa, là tầm quan trọng của việc sử dụng chuyên chăm và thông minh các phương tiện truyền thông xã hội, cũ và mới. Các Nghị Phụ đã khuyến cáo là nên có một sự hiểu biết thích đáng về các dụng cụ ấy, bằng cách quan tâm đến sự phát triển mau chóng của chúng và đến các bình diện tương tác của chúng và bằng cách đầu tư nhiều năng lực hơn hầu đạt được một thẩm quyền trong các lãnh vực khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực người ta gọi là các media mới, chẳng hạn internet. Đã có một sự hiện diện có ý nghĩa của Giáo Hội trong thế giới truyền thông đại chúng và Huấn Quyền Giáo Hội cũng đã nói lên ý kiến của mình nhiều lần về đề tài này kể từ Công Đồng Vatican II.360 Việc thủ đắc những phương pháp mới để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng thuộc về sự căng thẳng thường trực của các tín hữu và, hôm nay, ngành truyền thông đang bung ra một mạng lưới bao trùm toàn địa cầu, khiến đưa lại một ý nghĩa mới cho lời kêu gọi của Đức Kitô: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27). Lời Thiên Chúa, ngoài dạng in ấn, cũng phải rền vang xuyên qua các hình thức truyền thông khác.361 Chính vì thế, cùng với các Nghị Phụ, tôi ước muốn cám ơn những người Công Giáo đang dấn thân với thẩm quyền nhằm hiện diện cách có ý nghĩa trong thế giới các phương tiện truyền thông, mà vẫn ao ước có một sự dấn thân rộng rãi hơn và có phẩm chất hơn.362

Trong số các hình thức mới truyền thông đại chúng, ngày hôm nay người ta nhìn nhận rằng vài trò của internet ngày một lớn lên, đây là một diễn đàn (forum) mới trên đó ta phải làm rền vang Tin Mừng, nhưng với ý thức, rằng thế giới ảo sẽ không bao giờ có thể thay thế được thế giới thực hữu và hoạt động Phúc âm hóa sẽ chỉ có thể tận dụng tình trạng ảo mà các phương tiện truyền thông mới cống hiến cho, để thiết lập những quan hệ có ý nghĩa nếu người ta đi tới được một sự tiếp xúc riêng tư là điều không có gì có thể thay thế được. Trong thế giới internet, một thế giới cho phép hàng tỷ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn hình trên thế giới, sẽ phải xuất hiện gương mặt của Đức Kitô cũng như sẽ có thể nghe được tiếng nói của Người, bởi vì “nếu không có chỗ cho Đức Kitô, thì không có chỗ cho con người”.363



Kinh Thánh và hội nhập văn hóa

114. Mầu nhiệm Nhập Thể một đàng làm cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn thông giao chính mình trong một lịch sử cụ thể, bằng cách nhận lấy các quy tắc (codes) văn hóa được ghi khắc trong lịch sử ấy, nhưng đàng khác, cũng chính Lời ấy có thể và phải được truyền đạt trong các nền văn hóa khác nhau, bằng cách làm biến hình chúng từ bên trong, nhờ điều mà Đức giáo hoàng Phaolô VI đã gọi là Phúc âm hóa các nền văn hóa.364 Lời Thiên Chúa, cũng như đức tin Kitô giáo, như thế cho thấy một đặc tính liên văn hóa sâu xa, có thể gặp gỡ và làm cho các nền văn hóa khác nhau được gặp gỡ.365

Trong bối cảnh này, ta cũng hiểu giá trị của việc hội nhập văn hóa Tin Mừng.366 Giáo Hội xác tín vững chắc về khả năng nội tại của Lời Thiên Chúa là gặp được tất cả mọi người cho dù bối cảnh văn hóa của họ có thế nào: “xác tín này phát xuất từ chính Kinh Thánh, vì Kinh Thánh, kề từ quyển sách Sáng thế, đã có một định hướng phổ quát (St 1,27-28), sau đó duy trì xác tín đó trong phúc lành đã được hứa ban cho tất cả các dân tộc nhờ Abraham và dòng dõi của ông (x. St 12,3; 18,18) và xác nhận xác tín này vĩnh viễn bằng cách nới rộng cho việc Phúc âm hóa đến ‘tất cả các dân tộc’”.367 Chính vì thế việc hội nhập văn hóa không được lầm lẫn với các tiến trình hời hợt để thích ứng và càng không được lẫn lộn với một thứ chiết trung mơ hồ làm tan loãng tính độc đáo của Tin Mừng để làm cho Tin Mừng được chấp nhận dễ dàng hơn.368 Mẫu mực chân chính cho việc hội nhập văn hóa là chính cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời: “một ‘cuộc trao đổi văn hóa’ (acculturation), hoặc ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation), sẽ thực sự là phản ánh cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, khi mà một nền văn hóa, được biến đổi và tái sinh nhờ Tin Mừng, làm sản sinh khởi đi từ chính Truyền thống sống động của mình những cách thức diễn tả độc đáo sự sống, cử hành và những tư tưởng Kitô giáo”,369 nhờ đâm chồi từ nền văn hóa địa phương, nhờ trân trọng các semina Verbi (hạt giống Lời) và tất cả những gì đang có trong nền văn hóa ấy như là điều tích cực, nhờ mở nó ra với các giá trị Tin Mừng.370



Các bản dịch và việc phổ biến Kinh Thánh

115. Nếu việc hội nhập văn hóa Lời Thiên Chúa bắt buộc thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, việc phổ biến Kinh Thánh xuyên qua công việc quý báu dịch thuật ra trong các ngôn ngữ khác nhau là một giai đoạn quan trọng của tiến trình này. Về vấn đề này, ta phải luôn luôn có trong trí điều này là công việc dịch thuật Kinh Thánh đã bắt đầu “ngay từ thời Cựu Ước, khi người ta dịch bằng lời nói bản văn Híp-ri Kinh Thánh ra tiếng A-ram (Nkm 8, 8.12) và, sau này, bằng bản văn viết ra tiếng Hy-lạp. Quả thật, một bản dịch còn hơn chỉ là một sự chuyển ngữ bản văn gốc. Chuyển đi từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác nhất thiết hàm chứa một sự thay đổi bối cảnh văn hóa: các khái niệm không giống nhau và tầm mức của các biểu tượng thì khác, bởi vì chúng đặt vào thế tương quan với các truyền thống tư tưởng khác và những cách sống khác”.371

Trong khi Thượng Hội Đồng đang làm việc, người ta đã phải ghi nhận rằng có những Giáo Hội địa phương chưa có một bản dịch toàn bộ Kinh Thánh trong ngôn ngữ riêng của họ. Có biết bao dân tộc hôm nay đang đói khát Lời Thiên Chúa, nhưng đáng tiếc là họ lại chưa có thể đạt tới “một cửa mở rộng rãi đối với Kinh Thánh”372 như Công Đồng Vatican II đã từng ao ước! Chính vì thế, Thượng Hội Đồng Giám Mục coi điều quan trọng là trước tiên đào tạo các chuyên viên có thể dấn mình việc dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ khác nhau.373 Tôi khuyến khích đầu tư các tài nguyên vào lãnh vực này. Đặc biệt tôi muốn kêu gọi nâng đỡ sự dấn thân của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo để con số các bản dịch Kinh Thánh gia tăng và việc phổ biến các bản dịch này ngày càng lan rộng.374 Do chính bản tính của công việc này, nên thực hiện nó trong sự cộng tác tối đa với các Hội Kinh Thánh khác.



Lời Thiên Chúa vượt quá các ranh giới các nền văn hóa

116. Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong khi tranh luận về quan hệ giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa, đã cảm thấy bị thúc đẩy đến chỗ tái khẳng định những gì các Kitô hữu đầu tiên đã có thể trải nghiệm kể từ ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-13). Lời Thiên Chúa có thể xuyên thấu và được diễn tả trong các nền văn hóa và các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chính Lời này vượt quá các ranh giới của các nền văn hóa đặc thù bằng cách tạo ra một sự hiệp thông giữa các dân tộc. Lời Chúa mời gọi chúng ta đi đến một sự hiệp thông rộng lớn hơn. “Chúng ta ra khỏi sự chật hẹp của các kinh nghiệm chúng ta và đi vào trong thực tại thật sự có tính phổ quát. Khi đi vào hiệp thông với Lời Thiên Chúa. [...] Đó là ra khỏi các ranh giới của mỗi nền văn hóa trong tình trạng phổ quát đang liên kết tất cả chúng ta lại, hợp nhất chúng ta lại, làm cho tất cả chúng ta nên anh em”.375 Chính vì thế, loan báo Lời Thiên Chúa luôn luôn yêu cầu, với chúng ta trước tiên, một cuộc xuất hành mới, là rời bỏ các khung cảnh và các lối hình dung giới hạn của chúng ta để dành chỗ cho sự hiện diện của Đức Kitô trong chúng ta.

LỜi Thiên Chúa và đỐi thoẠi liên tôn

Giá trị của đối thoại liên tôn

117. Ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, đi vào đối thoại với nhân loại, Giáo Hội nhìn nhận như là một phần chính yếu của việc loan báo Lời, cuộc gặp gỡ với tất cả mọi người thiện chí. Ngày hôm nay, đang khi tránh mọi hình thái chiết trung và tương đối hóa, Giáo Hội tìm cách đối thoại với những con người thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau theo đường hướng đã được Tuyên ngôn Nostra aetate của Công Đồng Vatican II chỉ dẫn, được triển khai bởi Huấn Quyền sau này của các Đức giáo hoàng.376 Tiến trình mau lẹ của hiện tượng toàn cầu hoá cung cấp cho ta khả thể sống trong một sự tiếp xúc chặt chẽ hơn với những con người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác. Đây là một cơ may do Chúa quan phòng để cho thấy làm thế nào một cảm thức tôn giáo trung thực có thể cổ võ giữa loài người những quan hệ huynh đệ phổ quát. Điều hết sức quan trọng là các tôn giáo có thể hỗ trợ, trong các xã hội thường là tục hóa của chúng ta, một cái nhìn thấy được Thiên Chúa toàn năng là nền tảng của mọi sự thiện, nguồn không hề cạn kiệt của đời sống luân lý, sự nâng đỡ cho một cảm thức sâu sắc về tình huynh đệ phổ quát.

Xin đan cử một ví dụ, trong Truyền thống Do-thái – Kitô giáo, ta gặp được lời chứng rõ ràng về tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi dân tộc Ngài đã quy tụ lại, điều này đã có ngay trong Giao ước chật hẹp với Nôê, trong một vòng ôm to lớn và duy nhất được tượng trưng bằng “cây cung giữa đám mây” (St 9,13.14.16), dân này, theo các lời của các ngôn sứ, Ngài nhắm quy tụ lại thành một gia đình phổ quát duy nhất (x. Is 2,2tt; 42,6; 66,18-21; Gr 4,2; Tv 47). Trong thực tế, ta gặp lại những chứng từ về dây liên kết mật thiết vẫn có trong tương quan với Thiên Chúa và nền luân lý tình yêu đối với mọi người trong nhiều truyền thống tôn giáo lớn.




tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương