TỔng cục môi trưỜng hưỚng dẫn kỹ thuậT


II.2 KỸ THUẬT LƯU TRỮ HÓA CHẤT NGUY HẠI TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH



tải về 2.4 Mb.
trang10/15
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích2.4 Mb.
#38499
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

II.2 KỸ THUẬT LƯU TRỮ HÓA CHẤT NGUY HẠI TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH

II.2.1 Các nguyên tắc trong việc lưu giữ hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất công nghiệp


Việc lưu giữ hóa chất an toàn có thể góp phần đảm bảo an toàn và sức khỏe của người lao động và phòng ngừa các sự cố môi trường do hóa chất nguy hại. Về nguyên tắc, để thực hiện được việc lưu giữ hóa chất một cách an toàn cần phải xác định và thực hiện các nội dung như sau:

- Xác định và phân định rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan, bao gồm trách nhiệm của người lao động trong kho lưu giữ, bộ phận quản lý kho và lãnh đạo cơ sở sản xuất.

- Xác định đặc tính cụ thể của từng loại hóa chất lưu giữ trong kho để phân loại các hóa chất nguy hại và hóa chất công nghiệp thông thường, từ đó có vị trí, phương pháp lưu giữ phù hợp.

- Xác định và tuân thủ các quy tắc an toàn trong quá trình lưu giữ hóa chất nguy hại, các quy tắc an toàn phải được thực hiện nghiêm túc và công bằng đối với tất cả các đối tượng trong cơ sở sản xuất, không có đối tượng đặc biệt.

- Trong quá trình xác định vị trí địa điểm và bố trí kho lưu giữ cần xác định khoảng cách an toàn từ kho lưu giữ tới các khu vực xung quanh phải đảm bảo lớn hơn giới hạn cho phép theo các tiêu chuẩn về an toàn. Kho lưu giữ hóa chất nguy hại phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, kết cấu và vật liệu sử dụng đảm bảo khả năng chịu được ảnh hưởng của được sự cố mà không gây sập, đổ.

- Các kho lưu giữ hóa chất nguy hại cần xây dựng kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố1 đối với các trường hợp sự cố cháy, nổ, tràn đổ, rò rỉ với khối lượng hóa chất lớn nhất theo sức chứa của kho lưu giữ.


II.2.2 Vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan khi lưu giữ hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất công nghiệp

Lãnh đạo cơ sở sản xuất


Người đứng đầu cơ sở phải đảm bảo cung cấp và duy trì các thiết bị sau trong quá trình vận hành kho lưu giữ:

- Cung cấp và duy trì máy móc, thiết bị và hệ thống làm việc an toàn và không có rủi ro cho sức khỏe người lao động;

- Đảm bảo an toàn trong sử dụng, vận hành, xử lý, lưu giữ và vận chuyển các máy móc, thiết bị và hóa chất để không gây rủi ro cho sức khỏe người lao động;

- Cung cấp thông tin, hướng dẫn, đào tạo và giám sát để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của nhân viên tại nơi làm việc;

- Cung cấp và duy trì môi trường làm việc an toàn và đảm bảo phúc lợi xã hội đầy đủ cho người lao động.

Người quản lý, vận hành kho lưu giữ hóa chất nguy hại


Người quản lý và công nhân vận hành kho có nghĩa vụ hiểu biết và thực hiện các quy tắc an toàn trong vận hành kho. Điều này là để bảo vệ sức khỏe khỏi bị ảnh hưởng bởi hóa chất gây nguy hại và an toàn trong quá trình thao tác, vận hành kho, cụ thể như sau:

- Quan tâm đến an toàn và sức khỏe của chính mình và của người khác, những người có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi hoặc sai lầm trong thao tác, vận hành kho;

- Mặc hoặc sử dụng các thiết bị và quần áo bảo hộ được cung cấp nhằm phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người lao động;

- Tuân thủ tuyệt đối các quy tắc an toàn lao động và an toàn hóa chất trong quá trình vận hành kho, thao tác trực tiếp và gián tiếp với hóa chất nguy hại.


II.2.3 Xác định đặc tính cụ thể của từng loại hóa chất lưu giữ


Chủ sở hữu hóa chất hoặc nhà cung cấp các hóa chất nguy hại có trách nhiệm phân loại hóa chất, cung cấp Phiếu an toàn hóa chất của tất cả các loại hóa chất được lưu giữ trong kho (bao gồm cả các hóa chất công nghiệp và các hóa chất nguy hại), dán nhãn hóa chất cho mỗi sản phẩm với mục đích phân loại và xác định các đặc tính cụ thể của từng loại hóa chất lưu giữ để mọi nhân viên đều hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các hóa chất được lưu giữ trong kho.

Phiếu an toàn hóa chất (MSDS/SDS)


Các nhà cung cấp hóa chất nguy hại cần đưa ra Phiếu an toàn hóa chất (MSDS/SDS) theo mẫu đã được quy định tại Phụ lục 17, Thông tư 28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công Thương. Các nhân viên làm việc trong kho lưu giữ phải hiểu rõ các đặc điểm vật lý, hóa học và sinh học và các tác động ảnh hưởng tới con người và môi trường, các biện pháp phòng ngừa khi sử dụng, các thông tin xử lý an toàn và các thông tin khác liên quan đến hóa chất của các hóa chất được lưu giữ trong kho.

Nhãn hóa chất


Chủ kho cần đảm bảo các hóa chất lưu giữ được phân loại, dán nhãn hoặc dán nhãn bổ sung (trong trường hợp nhãn hóa chất sử dụng tiếng nước ngoài). Việc dán nhãn và dán lại nhãn các hóa chất cần thực hiện theo các quy định của Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất, cụ thể như sau:

- Vị trí nhãn hóa chất: Nhãn hóa chất phải được thể hiện bằng hình thức in, dán, đính hoặc gắn trên bao bì thương phẩm của hóa chất ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn.

- Kích thước nhãn hóa chất: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm ghi nhãn hóa chất tự xác định kích thước của nhãn nhưng phải bảo đảm ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định và dễ dàng nhận biết các nội dung bắt buộc bằng mắt thường.

- Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hóa chất phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hóa chất phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản so với màu nền của nhãn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

+ Trường hợp không thể hiện màu tương phản của chữ, chữ số thì chữ, chữ số phải được đúc, in chìm, in nổi rõ ràng.

- Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hóa chất:

+ Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hóa chất phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định khác.

+ Hóa chất được sản xuất và lưu thông trong nước thể hiện trên nhãn có thể được ghi đồng thời bằng ngôn ngữ khác nhau. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

+ Hóa chất nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn gốc chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung được quy định bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hóa chất.

+ Những nội dung sau có thể ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La-tinh phải đảm bảo trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hóa chất:

Tên chung quốc tế hoặc tên khoa học các thành phần, thành phần định lượng của hóa chất trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hóa chất.

- Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hóa chất:

Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hóa chất thực hiện theo quy định tại Khoản 48 Điều 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và theo quy định của GHS gồm:

+ Tên hóa chất.

+ Mã nhận dạng hóa chất.

+ Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ.

+ Biện pháp phòng ngừa.

+ Định lượng. 

+ Thành phần hoặc thành phần định lượng.

+ Ngày sản xuất.

+ Hạn sử dụng (nếu có).

+ Thông tin nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối.

+ Xuất xứ hàng hóa.

+ Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

- Thông tin khác thể hiện trên nhãn hóa chất:

Ngoài những nội dung bắt buộc quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất có thể ghi thêm các nội dung khác lên nhãn. Những nội dung này phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, không được làm hiểu sai lệch đặc tính của hóa chất, không được làm hiểu sai lệch nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hóa chất. Nội dung khác có thể ghi trong Phiếu an toàn hóa chất hoặc trong tờ hướng dẫn sử dụng.


II.2.4 Hóa chất nguy hại và các quy tắc an toàn trong việc lưu giữ hóa chất nguy hại


Trong quá trình lưu giữ, các hóa chất khác nhau gây ra những rủi ro khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại hóa chất và điều kiện lưu giữ. Vì vậy, các tiêu chuẩn được đặt ra tại các kho lưu giữ cụ thể cần phải dựa trên sự hiểu biết về các tính chất vật lý và hóa học của các hóa chất được lưu giữ. Sự tương tác giữa các hóa chất khác nhau, đặc biệt là những hóa chất kỵ nhau, có thể gây ra mối nguy hiểm khác nhau.

Nhiều hóa chất khi được vận chuyển đến khu lưu giữ sẽ được đánh dấu theo nhãn vận chuyển. Những hóa chất đó nên được tái phân loại theo mối nguy hiểm.

Các loại hóa chất nguy hại và quy tắc an toàn trong quá trình lưu giữ hóa chất được phân loại theo đặc tính vật lý, hóa học và mức độ nguy hại được tham khảo tại Phụ lục 1, bao gồm:

a. Hóa chất dễ nổ:


Hóa chất dễ nổ là các hóa chất có cấu tạo hóa học, hay năng lượng, không bền, nó tạo ra sự bùng nổ của vật liệu và đi kèm với nhiệt lượng và sự thay đổi lớn về áp suất (điển hình còn có ánh sáng lóe lên và tiếng nổ lớn) và hiện tượng trên được gọi là sự nổ. Trong quá trình lưu giữ hóa chất dễ nổ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Kho trữ hóa chất dễ nổ nên cách xa các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp vụ nổ xảy ra. Các kho lưu giữ phải được xây dựng vững chắc và được khóa an toàn khi không sử dụng. Các cửa kho không nên đặt gần tòa nhà chứa dầu, mỡ, vật liệu dễ cháy hoặc lửa.

- Kho lưu giữ hóa chất dễ nổ nên đặt cách xa nhà máy điện, đường hầm, hầm mỏ, đập, đường cao tốc hoặc công trình xây dựng, khu vực dân cư ít nhất 100m. Cần tận dụng các lợi thế của đặc điểm tự nhiên như đồi, núi, rừng rậm và các rào cản nhân tạo nên được bố trí xung quanh kho lưu giữ.

- Kho lưu giữ phải được thông gió tốt và không bị ẩm ướt. Ánh sáng tự nhiên hoặc đèn điện xách tay nên được sử dụng hoặc ánh sáng từ bên ngoài kho lưu giữ. Sàn nhà phải được xây dựng bằng gỗ, gạch nung hoặc vật liệu không tĩnh điện hoặc phát tia lửa điện khi ma sát. Khu vực xung quanh kho nên dọn sạch cỏ khô, rác hoặc các vật liệu khác có khả năng cháy.

- Hệ thống điện ở những nơi có hóa chất dễ nổ phải có quy định chặt chẽ trong quá trình vận hành và đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Dụng cụ điện, thiết bị điện đều phải là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy nổ;+ Không được đặt dây cáp điện trong cùng một đường rãnh ngầm hoặc nổi có ống dẫn hơi khí, chất lỏng dễ cháy nổ. Không được dùng ống này làm vật nối đất tự nhiên;

+ Cầu dao điện, cầu chì, ổ cắm điện phải được đặt ngoài khu vực chứa hóa chất dễ cháy nổ. Bất kỳ dây dẫn điện chính hoặc đường nhánh trong kho lưu giữ đều phải có cầu chì hoặc thiết bị bảo vệ an toàn;

+ Hệ thống chiếu sáng trong khu vực lưu giữ hóa chất đẽ nổ phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa được sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy, nổ vào thiết bị chiếu sáng;

+ Khi sửa chữa, thay thế thiết bị điện trong khu vực lưu giữ hóa chất dễ nổ phải do kỹ thuật viên có chuyên môn về thiết bị điện thao tác và cần ngắt điện, thông báo cấm đóng điện trong quá trình sửa chữa, thay thế thiết bị điện.

- Các hóa chất dễ nổ nên được bảo quản trong kho riêng và không lưu giữ cùng với kíp nổ hoặc các công cụ khác dễ kích nổ hoặc các loại hóa chất dễ phản ứng gây cháy nổ khác. Các công cụ, thiết bị phi kim loại nên được sử dụng trong quá trình thao tác với các thùng chứa hóa chất dễ nổ.


b. Hóa chất dễ oxy hóa:


Hóa chất dễ bị oxy hóa là các hóa chất dễ phản ứng tỏa nhiệt cao khi tiếp xúc với các hóa chất khác, đặc biệt là hóa chất dễ cháy. Trong quá trình lưu giữ hóa chất dễ ô xy hóa cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Bao bì, vỏ chứa các hóa chất dễ ôxy hóa cần sử dụng các loại vật liệu không có khả năng hoặc ít bị hưu hỏng, ăn mòn theo thời gian.

- Hóa chất oxy hóa không được lưu giữ gần các hóa chất có thể cháy, nổ.

- Cần cô lập khu vực lưu giữ hóa chất dễ ôxy hóa với khu vực lưu giữ các hóa chất hữu cơ, dung môi dễ cháy, các chất ăn mòn, chất độc, nhiệt và ánh sáng mặt trời mạnh.


c. Hóa chất dễ cháy


Hóa chất dễ cháy là các hóa chất nguy hại có nhiệt độ cháy thấp, dễ bắt lửa do tác động của nhiệt độ hoặc áp suất cao hơn điều kiện bình thường. Hóa chất dễ cháy được phân loại thành ba loại: cực kỳ dễ cháy, rất dễ cháy và dễ cháy. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác nhau đối với các hóa chất dễ cháy dạng chất lỏng, chất rắn và chất khí được phân loại cụ thể theo các tiêu chí như sau:

- Chất lỏng

Có ba tiêu chí để phân loại chất lỏng là chất cực kỳ dễ cháy, rất dễ cháy hoặc dễ cháy, tức là:



+ Chất lỏng cực kỳ dễ cháy: Hóa chất và chất pha chế lỏng có nhiệt độ chớp cháy thấp hơn 0°C và nhiệt độ sôi thấp hơn hoặc bằng 35oC.

+ Chất lỏng rất dễ cháy: Hóa chất có nhiệt độ chớp cháy dưới 21°C;

+ Chất lỏng dễ cháy: Chất lỏng có nhiệt độ chớp cháy bằng hoặc lớn hơn 21°C và nhỏ hơn hoặc bằng 55°C.

Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho tất cả các loại hóa chất bao gồm lưu giữ chất lỏng dễ cháy ở nơi khô mát, tránh xa nguồn phát lửa và nhiệt và được đóng gói an toàn trong các thùng được thiết kế đặc biệt cho mục đích lưu giữ hóa chất lỏng dễ cháy.

- Chất rắn

Có hai tiêu chí để xếp chất rắn vào loại chất rất dễ cháy.

+ Chất rắn có thể bắt lửa khi tiếp xúc trong thời gian ngắn với một nguồn đánh lửa hoặc nhạy cảm với ma sát và tiếp tục cháy sau khi không còn nguồn gây cháy. Ví dụ như Photpho, Nitrocellulose và lưu huỳnh. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như lưu giữ chất rắn dễ cháy ở nơi khô mát, tránh xa nguồn phát lửa và nhiệt, và đóng kín trong các loại thùng được thiết kế đặc biệt cho mục đích lưu giữ.

+ Chất rắn dễ cháy khi tiếp xúc với nước hoặc không khí ẩm ướt sẽ phát ra các loại khí dễ cháy nguy hại với lượng lớn ví dụ khói như nhôm phospho, canxi cacbua, kẽm hoặc bột kim loại magiê. Độ ẩm của không khí có thể đủ để gây ra phản ứng hóa học. Nhiều chất rắn được lưu giữ trong dầu để tránh tiếp xúc với không khí. Vì thế, việc đảm bảo những chất như vậy cách xa khu vực có nước là rất quan trọng. Cần thực hiện biện pháp phòng ngừa bao gồm lưu giữ chất rắn dễ cháy cách xa ánh sáng mặt trời, các hóa chất có thể dễ cháy và các loại hóa chất khác.



- Chất khí

Các loại khí dễ cháy được chia thành các loại sau: khí nén, khí hóa lỏng hoặc hòa tan dưới áp suất. Các loại chất khí dễ cháy trong không khí ở áp suất bình thường được phân loại là rất dễ cháy. Cần thực hiện biện pháp phòng ngừa an toàn khi xử lý, sử dụng và lưu giữ khí dễ cháy. Trong quá trình lưu giữ chất khí dễ cháy cầu lưu ý các điểm sau:

+ Rò rỉ nhỏ từ bình khí nén có thể phân tán dễ dàng hơn nếu được lưu giữ ngoài trời.

+ Bình chứa khí hóa lỏng nên được dựng thẳng đứng để cho bất kỳ rò rỉ nào từ van… sẽ phát tán dưới dạng hơi theo chiều thẳng đứng và giảm nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất khác.

+ Hầu hết các bình chứa khí nén sẽ phát nổ nếu tiếp xúc với nhiệt độ cao, gây ra một nguy cơ ảnh hưởng đến mọi người trong vùng lân cận ngay cả khi chất chứa trong bình chứa là không nguy hại.

+ Bình chứa khí nén dễ cháy cần được lưu giữ trong nhà, cần phải có một hệ thống thông gió tốt để đảm bảo rằng khí rò rỉ nhỏ sẽ phát tán một cách an toàn.


d. Hóa chất độc hại


Hóa chất độc hại có thể gây hại khi con người tiếp xúc, hô hấp và tiêu hóa. Những hóa chất này nên tránh tiếp xúc với nhiệt, axit, độ ẩm và hóa chất oxy hóa. Hóa chất rất độc hại và chất gây ung thư nên được lưu giữ trong khu vực lưu giữ thông gió và trong các thùng chứa hai lớp.

Hóa chất có độc tính cao như gây đột biến và gây ung thư, cần được dán nhãn. Cần phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân cho những người tham gia xử lý hóa chất nguy hại và cho việc sử dụng lau dọn hóa chất bị tràn và hóa chất nguy hại. Các thiết bị bảo hộ cá nhân bao gồm găng tay, bốt, kính mắt và khi cần thiết phải có cả tấm che mặt hoặc các thiết bị hỗ trợ thở.


e. Hóa chất ăn mòn


Hóa chất ăn mòn bao gồm axit mạnh, kiềm và các hóa chất khác mà sẽ gây bỏng hoặc kích ứng da, niêm mạc hoặc mắt hoặc sẽ làm hỏng nhiều vật liệu khác. Ví dụ điển hình của các hóa chất này bao gồm acid HF, axit clohydric, axit sulfuric, axit nitric và axit pecloric. Trong quá trình lưu giữ các hóa chất ăn mòn, cần lưu ý một số điểm sau:

- Một số hóa chất ăn mòn dễ bay hơi và một số khác phản ứng mạnh với độ ẩm, chất hữu cơ hoặc các hóa chất khác cần được quản lý chặt chẽ hơn các nhóm khác.

- Các hóa chất ăn mòn nên được giữ lạnh hơn nhiệt độ đóng băng của hóa chất.

- Khu vực lưu giữ hóa chất ăn mòn nên bị cô lập và được lưu giữ tại khu vực riêng biệt. Sàn của khu vực chứa hóa chất ăn mòn nên được làm bằng các khối than và bê tông đã được xử lý để làm giảm độ hòa tan, hoặc vật liệu chống chịu khác.

- Cần phải lưu giữ chất lỏng ăn mòn và độc hại trong các loại thùng chứa đặc biệt, ví dụ, axit flohydric nên được giữ trong chai Ceresin bằng chì. Do acid hydrofluoric tương tác với thủy tinh, nó không nên được lưu giữ gần thủy tinh hoặc bình đất nung có chứa các axit khác.

- Bình lớn có chứa các axit ăn mòn nên được đóng gói với các vật liệu cách điện vô cơ khác. Bất kỳ thiết bị cấp cứu cần thiết như xịt nước khẩn cấp và chai thuốc nhỏ mắt cần được đặt ngay gần nơi lưu giữ. Để phân tách hóa chất ăn mòn từ các hóa chất khác.


II.2.5 Vị trí địa điểm và bố trí kho lưu giữ hóa chất nguy hại

Xác định địa điểm


Khu vực lưu giữ hóa chất nên được đặt xa khu vực đông dân cư, nguồn nước uống, các khu vực thường xuyên chịu lũ lụt, vùng lụt lội và các hiểm họa thiên tai khác. Tham khảo khoảng cách an toàn trong quá trình lưu giữ, sản xuất các hóa chất nguy hiểm theo quy định hoặc hướng dẫn tại Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10 tháng 10 năm 2002 của Bộ Y tế.

Vị trí khu vực lưu giữ cần dễ dàng thuận tiện cho giao thông và gần các dịch vụ cứu hộ, hỗ trợ khẩn cấp. Cần cung cấp đầy đủ nguồn nước để thực hiện việc chữa cháy trong trường hợp sự cố xảy ra và bố trí hệ thống thoát nước và ngăn chặn nước chảy trên mặt đất quanh khu vực lưu giữ hóa chất.


Thiết kế khu vực lưu giữ


Quá trình xác đinh địa điểm và thiết kế khu vực lưu giữ hóa chất nguy hại cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong việc thiết kế, bao gồm:

- Khu vực lưu giữ hóa chất nguy hại cần thiết kế bằng các tòa nhà riêng biệt, có hệ thống tường chịu lửa và đủ khoảng cách giữa các tòa nhà để cho phép các phương tiện cứu hộ di chuyển và dễ tiếp cận từ hai phía.

- Khu vực lưu giữ và các công trình cần được bảo vệ trước những xâm phạm từ bên ngoài bằng cách xây dựng các hàng rào an toàn, cổng và các biện pháp an ninh khác để phòng ngừa sự cố do phá hoại gây ra.

- Hàng rào bảo vệ khu vực lưu giữ phải được đặt tại vị trí sao cho có không gian để cô lập hóa chất bị tràn và dễ dàng thực hiện các biện pháp giảm nhẹ việc tràn, đổ hóa chất với khoảng cách tối thiểu từ hàng rào đến tường kho là 3,5m. Cần thực hiện biện pháp kiểm tra an ninh thường xuyên nhằm phát hiện và ngăn ngừa các mối nguy hiểm phát sinh sự cố.

- Số lượng cổng tiếp cận khu vực lưu giữ nên được giữ ở mức tối thiểu để hoạt động hiệu quả. Trên quan điểm về bảo mật, số lượng cửa lý tưởng là 01, nhưng để phục vụ trong tình huống khẩn cấp có thể bổ sung thêm 01 hoặc nhiều cổng dự phòng để phương tiện cứu hộ có thể tiếp cận khu vực lưu giữ từ nhiều hướng khác nhau.

Kếu cấu nhà kho


Các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng kho lưu giữ hóa chất nguy hại:

- Trong việc thiết kế các tòa nhà lưu giữ hóa chất nguy hại cần tham khảo các quy định về xây dựng, các tiêu chuẩn cụ thể về khả năng chống cháy, kích thước ngăn cũng như các phương tiện thoát hiểm và hỗ trợ cho đội cứu hỏa.

- Cách bố trí của kho phải được thiết kế phù hợp với tính chất của vật liệu được lưu giữ và có đủ lối thoát hiểm. Nên chia khối lượng hóa chất lưu giữ trên diện tích sàn thành nhiều ngăn để tách riêng các hóa chất kỵ nhau.

- Kho phải được đóng lại và khóa bảo vệ an toàn. Vật liệu xây dựng kho nên sử dụng các chất không dễ cháy và khung của tòa nhà nên được củng cố bằng bê tông hoặc thép. Nếu sử dụng khung thép thì cần được bố trí lớp lót bằng vật liệu cách nhiệt.

- Cần tuân thủ các tiêu chuẩn về khả năng chống cháy2 theo các quy định pháp luật về an toàn và sức khỏe để có đủ thời gian cảnh báo để mọi người thoát hiểm và để chữa cháy trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.

Ngoài ra, kết cấu kho lưu giữ phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu sau:


a. Tường kho

Kết cấu tường bao ngoài của kho và các tường ngăn khu vực lưu giữ cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Bức tường bên ngoài phải sử dụng các vật liệu xây dựng vững chắc, vật liệu sử dụng trong xây dựng kho phải là các vật liệu cách điện và có khả năng chống cháy.

- Bức tường chia rẽ nội bộ, được thiết kế để hoạt động như đường băng cản lửa, phải kháng được lửa ít nhất 1 giờ và độ cao vượt qua mái nhà ít nhất 1m hoặc có các phương tiện phòng chống cháy lây lan.

- Các vật liệu sử dụng cần phải có khả năng chịu lửa cũng như đảm bảo độ cứng vũng và ổn định (các vật liệu thường được sử dụng: bê tông, gạch đặc hoặc các khối bê tông). Để đạt được khả năng chịu lửa mong muốn, tăng cường các bức tường bê tông dày ít nhất 15cm và bức tường gạch nên có độ dày ít nhất 25-30cm. Gạch rỗng là hoàn toàn không phù hợp trong quá trình xây dựng tường bao và tường ngăn cách của kho. Khối bê tông mà không cần tăng cường đòi hỏi phải có độ dày tối thiểu 30cm để đạt được độ chống chịu cần thiết và ổn định.

- Để đạt được sự ổn định cấu trúc lớn hơn, nên xây dựng thêm cột gia cố (trụ bổ tường) trong các bức tường nội bộ. Các bức tường nội bộ không nên phụ thuộc vào cấu trúc liền kề để tránh sụp tường trong trường hợp hỏa hoạn. Đường ống, ống dẫn và dây cáp điện xuyên qua bức tường chống cháy nên được bọc bằng các vật liệu có khả năng chịu nhiệt và cách nhiệt (amiang, sợi thủy tinh,...).

b. Cửa chống cháy

Cửa ra vào giữa các bức tường phải có khả năng chịu lửa với hướng mở ra ngoài, có thể tự đóng và mở được bằng tay và có cơ cấu đóng cửa tự động để đảm bảo đóng cửa tự động trong trường hợp có hỏa hoạn. Cần tránh bố trí các vật liệu, thiết bị hoặc hóa chất gần khu vực cửa để đảm bảo không gian cần thiết cho việc đóng cửa và không gây cản trở trong quá trình thoát hiểm khi có sự cố.
c. Lối thoát hiểm

Ngoài các lối cửa chính, cần cung cấp các lối thoát hiểm khẩn cấp khác với số lượng không ít hơn hai lối thoát hiểm mỗi tầng của kho lưu giữ. Các lối thoát hiểm cần được bố trí thuận tiện nhằm thoát khỏi khu vực kho một cách nhanh nhất. Lối thoát hiểm cần dễ nhìn và được đánh dấu bằng một thông báo in bằng chữ in màu đỏ với kích thước hợp lý. Các cửa thoát hiểm cần được thiết kế để mở cửa từ ngoài cửa phòng, lối đi hoặc cầu thang, không nên khóa hoặc đóng chặt và nên giữ để không bị tắc nghẽn. Các lối thoát hiểm cần đảm bảo dễ dàng mở trong bóng tối.
d. Sàn nhà

Nền và sàn các tầng cần đủ cứng vững để chịu được tải trọng theo thiết kế. Sàn phải được xây dựng an toàn để giảm rủi ro do ngã, đổ trong quá trình di chuyển hóa chất với cấu trúc hợp lý để tránh nguy cơ sụp đổ. Sàn phải được chống thấm và bằng phẳng nhưng không trơn trượt, không có các vết nứt, dễ dàng làm sạch và được thiết kế để có khả năng chứa hóa chất rò rỉ và nước chữa cháy bị ô nhiễm.
e. Hệ thống thoát nước

Cần xây dựng hệ thống thoát nước để dẫn nước mưa ra khỏi khu vực mái nhà và các khu vực bên ngoài. Việc bố trí hệ thống thoát nước nên nhằm mục đích ngăn chặn phát tán không kiểm soát nước chữa cháy bị ô nhiễm và tràn hóa chất. Nên xây dựng rãnh không thấm nước để chứa hóa chất tràn tại khu vực lưu giữ ngoài trời và phải chứa được ít nhất 110% dung tích của hóa chất nguy hại trong khu vực lưu trữ. Có thể xây dựng thêm các cửa để các loại xe như xe tải nâng, xe tải pallet… có thể đi vào khu vực lưu giữ.

Bề mặt của khu vực lưu giữ cần không thấm nước và có độ dốc để bất kỳ chất lỏng nào chảy từ các thùng chứa cũng có thể chảy đến nơi chứa an toàn. Một cách khác là sử dụng rãnh để dẫn chất lỏng bị tràn tới khu vực thu gom.

Nếu việc thoát nước mưa ra khỏi thùng chứa, hoặc lưu giữ được thực hiện tốt thì có thể làm giảm khả năng bị ăn mòn các thiết bị chứa. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hóa chất nguy hại được lưu giữ, có thể cũng cần kết hợp một hố chặn tại khu vực cống để một lượng hóa chất nhỏ bị tràn, đổ cũng có thể được giữ lại tại khu vực lưu giữ.

g. Bờ bao

Tại khu vực hóa chất nguy hại được lưu giữ, cần có bờ bao để chứa chất lỏng và bậc cửa để tránh tràn hóa chất nguy hại qua cửa. Các bờ nên không thấm nước và chịu được chất lỏng. Ở những khu vực có nguy cơ tràn hóa chất cao, cần có một hệ thống thoát nước riêng biệt với sàn dốc, một bờ bao và một thùng đựng hóa chất thu gom.
h. Trần nhà

Mái phải có khả năng thoát nước mưa và đảm bảo thông thoáng để khói và nhiệt thoát ra ngoài trong trường hợp hỏa hoạn. Vật liệu xây dựng không cần phải đặc biệt chịu lửa nhưng cần tránh các vật liệu bề mặt bên ngoài như gỗ, nhựa vì có thể làm lây lan lửa.

Cấu trúc đỡ của mái nhà phải được làm bằng vật liệu không cháy. Chất phủ trên mái nhà nên nhẹ, dễ vỡ vụn, dễ rơi trong trường hợp hỏa hoạn và do đó giúp làm giảm khói và nhiệt. Kết cấu của mái nhà cần vững chắc, có khả năng thoát khói và nhiệt bằng cách sử dụng các tấm trong suốt nóng chảy thấp hoặc các tấm thông gió mở liên tục. Việc thoát khói và hơi sẽ giúp phát hiện nguồn lửa và triển khai ứng phó kịp thời trong trường hợp có sự cố.


i. Thông gió

Kho nên được thông gió nhằm lưu giữ an toàn hóa chất nguy hại cũng như đảm bảo điều kiện làm việc dễ chịu cho người lao động. Thông gió tốt là cần thiết để giữ mức khí hoặc hơi ở mức dưới giới hạn dễ cháy hoặc pha loãng nồng độ hóa chất bay hơi độc hại cho sức khỏe. Việc thông gió có thể được thực hiện bằng các biện pháp tự nhiên hoặc cơ khí.
k. Thiết bị điện và chiếu sáng

Tại nơi các hoạt động kho bãi chỉ được thực hiện trong điều kiện ban ngày thì ánh sáng tự nhiên là đủ, có thể không cần phải lắp đặt thiết bị chiếu sáng nhân tạo. Trong những trường hợp mà không đủ ánh sáng tự nhiên thì có thể cải thiện độ sáng, ví dụ như bằng cách lắp đặt các tấm kính trong suốt trên mái nhà.

Tại nơi yêu cầu phải có thiết bị chiếu sáng và các thiết bị khác, tất cả các thiết bị điện, bao gồm cả hệ thống dây điện, phải được lắp đặt và duy trì bởi thợ điện có trình độ chuyên môn cao.

Tất cả các thiết bị điện phải được lắp đặt tại vị trí để tránh thiệt hại ngẫu nhiên khi vận chuyển hóa chất ra hoặc vào kho, hoặc tránh tiếp xúc với nước. Thiết bị phải có nối với đất và được bảo vệ khi quá tải..

l. Điều kiện nhiệt độ

Vị trí của nhà kho cần đạt cách xa với khoảng cách tối thiểu là 60m với các khu vực có các thiết bị có nhiệt độ cao đang hoạt động (lò hơi, lò đốt,...). Tại những nơi cần nhiệt để đảm bảo điều kiện làm việc hoặc tránh việc hóa chất được lưu giữ có thể đóng băng, thì việc sử dụng nhiệt được thực hiện gián tiếp theo cách an toàn, ví dụ như hơi nước và không khí nóng, được khuyến khích miễn là nguồn nhiệt được đặt bên ngoài khu vực lưu giữ.

Các ống hơi bức xạ nhiệt nước nóng nên được đặt tại vị trí sao cho không làm nóng trực tiếp các hóa chất lưu giữ. Không nên sử dụng các thiết bị sưởi ấm bằng điện hoặc các làm nóng không khí bằng dầu hoặc ga.


m. Chống sét

Kho lưu giữ hóa chất nguy hại cần phải được lắp đặt các thiết bị thu lôi tiêu chuẩn trên các vị trí cao nhất của kho.
n. Khu vực khác

Không nên bố trí văn phòng hoặc không gian đông người trong kho lưu giữ. Nếu có thì cần thiết kế tăng cường khả năng chịu lửa của các khu vực này ít nhất trong thời gian 60 phút để đảm bảo thời gian cứu hộ, cứu nạn khi sự cố sảy ra.

Lưu giữ ngoài trời


Việc lưu giữ ngoài trời có thể được áp dụng đối với các loại hóa chất nguy hại dạng lỏng với khối lượng lớn, quá trình lưu giữ cần lưu ý những điểm như sau:

- Việc lưu giữ các hóa chất ngoài trời sẽ khiến các hóa chất tiếp xúc với nhiệt độ cao dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố cao hơn quá trình lưu giữ trong nhà.

- Để tránh ô nhiễm đất và nước ngầm, khu vực lưu giữ phải được bao phủ bởi lớp bề mặt không thấm nước, chống nhiệt và nước, tránh nhựa đường vì nó sẽ bị mềm dưới tác dụng bởi nhiệt hoặc dung môi;

- Các khu vực lưu giữ phải có bờ bao chống thấm và có khả năng chịu hóa chất với thể tích trong khu vực bờ bao phải đủ sức chứa ít nhất 150% thể tích của tổng dung tích các thiết bị lưu chứa hóa chất bên trong bờ bao và được bố trí cống thu gom được kiểm soát bởi van;

- Các hóa chất được lưu giữ theo phương pháp này phải được kiểm tra nghiêm ngặt để tránh rò rỉ làm ô nhiễm hệ thống thoát nước.

- Nên đặt các thùng lưu giữ hình trụ theo hướng thẳng đứng. Tất cả các thùng hình trụ phải được lưu giữ theo cách có đủ không gian để tiếp cận khu vực khi hỏa hoạn xảy ra. Đối với một số vật liệu như chất lỏng rất dễ cháy, bình gas hoặc clo, việc lưu giữ ngoài trời được khuyến khích.



Trang thiết bị đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành kho

Khu vực lưu giữ hóa chất nguy hại phải được trang bị như sau:

- Thiết bị phòng cháy chữa cháy3 (ít nhất gồm có bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa) theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

- Vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn hóa chất nguy hại ở thể lỏng.

- Hộp sơ cứu vết thương; bình chứa dung dịch sođa gia dụng để trung hoà khẩn cấp vết bỏng axít trong trường hợp lưu giữ chất thải có tính axít.

- Thiết bị báo động (như còi, kẻng, loa).

- Trong từng ô hoặc bộ phận của khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển và trên từng thiết bị lưu chứa phải có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại hóa chất nguy hại được lưu giữ theo TCVN 5507:2002 với kích thước ít nhất 30 (ba mươi) cm mỗi chiều; vật liệu và mực của dấu hiệu và các dòng chữ nêu trên không bị mờ hoặc phai màu.

- Sơ đồ thoát hiểm, ký hiệu hướng dẫn thoát hiểm (ký hiệu exit hoặc ký hiệu chỉ lối thoát) đặt ở các điểm đầu mối của lối đi.

- Các bảng hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn khu vực lưu giữ, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hoả tại địa phương), nội quy về an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ (kèm theo yêu cầu sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân); có kích thước và ở vị trí đảm bảo thuận tiện quan sát đối với người vận hành, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.

II.2.6 Quản lý và vận hành kho lưu giữ

Kiểm soát hóa chất nguy hại trong kho


Mỗi hóa chất nguy hại cho sức khỏe được lưu giữ trong nhà kho nên được liệt kê trong đăng ký hóa chất và nên được đánh giá trước khi đưa ra các biện pháp kiểm soát thích hợp. Việc huấn luyện và đào tạo nhân viên về các hoạt động giám sát sức khỏe cần được khuyến khích.

Nguyên tắc cơ bản trong quá trình lưu giữ hóa chất nguy hại là mỗi loại hóa chất lưu giữ được đánh giá và phân nhóm theo phân loại hóa chất (trừ hóa chất nhất định không tương thích với các thành viên trong cùng một nhóm). Các biện pháp kiểm soát hóa chất nguy hại trong kho được mô tả như sau:


a. Cô lập, cách ly

Là việc cách ly các hóa chất nguy hại hoặc các quá trình nguy hại với những người có thể tiếp xúc theo khoảng cách hoặc bằng cách sử dụng các rào chắn vật lý. Hóa chất nguy hại có thể được cách ly khỏi các hoạt động công việc, và vì thế loại trừ việc tiếp xúc với phần lớn các công nhân. Tùy theo tích chất và khối lượng lưu giữ hóa chất nguy hại mà người quản lý có thể sử dụng các biện pháp cô lập nhằm kiểm soát việc lưu giữ các hóa chất nguy hại:

+ Bố trí các thiết bị lưu giữ kín với đai, khóa an toàn;

+ Sử dụng quá trình vận chuyển kín: ống dẫn, máng kín,...;

+ Sử dụng khay và bờ chứa hóa chất tràn và các rào chắn.


b. Kiểm soát kỹ thuật

Kiểm soát kỹ thuật là việc sử dụng các thiết bị hoặc quy trình giảm thiểu, ngăn chặn hoặc cô lập nguy cơ rủi ro sự cố trong quá trình vận hành kho lưu giữ hóa chất nguy hại. Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật bao gồm:

- Quy trình vận hành sử dụng thiết bị vận chuyển trong khu vực lưu giữ;

- Điều khiển tự động hoặc cơ giới các thiết bị thông gió, kiểm soát nhiệt độ, chiếu sáng trong kho lưu giữ;

- Điều khiển tự động, cơ giới các thiết bị kiểm soát nhiệt độ, áp suất, tĩnh điện của thiết bị lưu giữ;

- Điều khiển tự động các quá trình cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo sự cố, chữa cháy... trong khu vực lưu giữ.

c. Hệ thống an toàn lao động và việc thực hiện quy trình an toàn

Việc đảm bảo thực hiện quy trình đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc cần được quy định thành các quy chế, quy định hành chính của cơ sở bắt buộc áp dụng đối với tất cả các cá nhân tham gia trong quá trình vận hành kho. Hệ thống này bao gồm các biện pháp kiểm soát hành chính, quản lý nhà kho và đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động với các nguyên tắc chính như sau:

- Giới hạn số lượng nhân viên tiếp xúc với hóa chất nguy hại với các tiêu chuẩn về kiến thức trong quá trình làm việc, tiếp xúc với hóa chất nguy hại để giảm thiểu nguy cơ rủi ro đối với công nhân đến mức thấp nhất;

- Kiểm soát số lượng nhân viên tiếp xúc với hóa chất nguy hại (thẻ, lệnh xuất, nhập kho...) nhằm hạn chế nhân viên vào kho lưu giữ nếu không cần thiết;

- Cung cấp các phương tiện lưu giữ, kiểm soát an toàn hóa chất nguy hại;

- Cung cấp các thiết bị bảo hộ lao động, vệ sinh đầy đủ, như bồn rửa, vòi sen, xà phòng và khăn tắm;

- Cung cấp các thiết bị sơ cứu khẩn cấp phù hợp như rửa mắt, vòi hoa sen mắt, thiết bị sơ cứu...;

- Tập huấn và ban hành các quy tắc an toàn trong quá trình vận hành kho (cấm ăn, uống, hút thuốc trong khu vực lưu giữ; đậy nắp thùng khi không sử dụng; khử trùng các bức tường và bề mặt thường xuyên....).

Vận hành kho


Trong kho lưu giữ, nhân viên phải giám sát chặt chẽ các hoạt động. Trong mọi trường hợp, phạm vi trách nhiệm phải được xác định rõ ràng và hiểu rõ.

Các văn bản hướng dẫn sau đây phải có sẵn cho tất cả các nhân viên kho:

- Hướng dẫn cho các hoạt động an toàn và chính xác của mọi thiết bị lưu giữ và lưu giữ vật liệu;

- Bảng dữ liệu an toàn hóa chất cho tất cả các hóa chất được lưu giữ và vận chuyển;

- Hướng dẫn và quy trình an toàn và vệ sinh;

- Hướng dẫn và quy trình trong các trường hợp khẩn cấp.


Tiếp nhận các hóa chất nguy hại


Khi tiếp nhận hóa chất, các hóa chất được xác định bởi nhãn của từng loại hóa chất và các bảng dữ liệu an toàn hóa chất được cung cấp bởi các nhà cung cấp. Các đặc điểm của hóa chất nguy hại được kiểm tra dựa trên thông tin về số lượng và điều kiện, nếu các hóa chất hoặc bao bì không trong tình trạng tốt, hoặc nếu vì lý do nào đó các hóa chất nguy hại thể hiện một mối nguy hiểm đặc biệt (va chạm, thiết bị lưu giữ có dấu hiệu hỏng, rò rỉ,...) cần thực hiện các hành động ứng phó thích hợp.

Tại một số cơ sở sản xuất, có thể sử dụng hệ thống kiểm kê hóa chất để xây dựng hệ thống thông tin sức khỏe và an toàn về hóa chất được sử dụng.

Quy trình lưu giữ hóa chất nên dựa trên nguyên tắc “nhập trước, xuất trước” làm cơ sở để giảm thiểu nguy cơ hỏng hóa chất, bao bì, nhãn và các dấu hiệu khác.

Kế hoạch lưu giữ


Trong toàn bộ thời gian các hóa chất lưu chứa trong kho, kế hoạch lưu giữ hóa chất nguy hại cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Nên đảm bảo giữ một không gian thông thoáng giữa tất cả các bức tường bên ngoài kho lưu giữ.

- Các kiện hóa chất trong khối ngăn xếp cần được bố trí để có thể dễ dàng tiếp cận và kiểm tra.

- Các thùng chứa hóa chất phải được sắp xếp sao cho xe nâng hàng và các thiết bị cấp cứu và xử lý khác không bị che khuất.

- Tất cả các lối đi cũng như lối đi giữa các hàng và các tuyến đường xe nâng cần được xác định rõ ràng bằng cách đánh dấu trên sàn nhà, không có các chướng ngại vật trên lối đi để tránh chấn thương. Lối đi hẹp hoặc góc hẹp sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương với các gói hóa chất nguy hại.

- Chiều cao của giá đỡ các thùng chứa hóa chất nguy hại không được vượt quá 3 m trừ khi việc sử dụng các kệ làm giảm sự quá tải của các tầng thấp hơn và đảm bảo sự ổn định. Tại khu vực không có kệ đỡ, các thùng chứa hóa chất nguy hại không được xếp chồng lên nhau mà có thể gây ra thiệt hại cho các tầng thấp hơn.

- Cần xây dựng kế hoạch lưu giữ cho các loại hóa chất nguy hiểm tại mỗi khu vực của kho.

- Cần có sự cách biệt giữa các lô hóa chất theo thời gian trong khu vực lưu giữ để thuận tiện trong quá trình bốc xếp.

- Có thể lưu giữ hoặc nhóm hóa chất nguy hại với những đặc tính nguy hiểm của hóa chất có tính tương đồng và không gây phản ứng với nhau.

- Cần có kế hoạch kiểm tra, đảm bảo hoạt động của các thiết bị phòng cháy chữa cháy, ứng phó khẩn cấp, các lối tiếp cận và lối thoát hiểm.

- Cần giữ bản kế hoạch lưu giữ tại văn phòng chính và một bản sao được trao cho các đội ứng phó sự cố. Bản kế hoạch lưu giữ này cần được cập nhật thường xuyên. Một bản kiểm kê đầy đủ các loại hóa chất nguy hại hoặc danh sách vị trí lưu giữ các hóa chất trong kho cũng cần phải được cập nhật.

Lưu giữ hóa chất theo khu vực


Việc phân chia các khu vực lưu giữ giữa các nhóm hóa chất khác nhau trong khu vực riêng biệt trong cùng nhà kho với mục tiêu chính của việc phân khu và phân tách hóa chất nguy hại để giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn hoặc ô nhiễm chéo thường xảy ra do sắp xếp lưu giữ lộn xộn các vật liệu không tương thích.

Một số hóa chất gây ra nhiều mối nguy hiểm sẽ được xếp vào nhiều loại lưu giữ khác nhau. Ví dụ, phenol là chất dễ cháy, chất độc và ăn mòn. Việc xếp hóa chất nguy hại lưu giữ nào phụ thuộc vào mối nguy hiểm rất có thể xảy ra trong kho. Nếu có nguồn phát lửa, có thể phenol sẽ được lưu giữ như chất dễ cháy. Mặt khác, nếu có thể tiếp xúc thì phenol sẽ được lưu giữ như là mối nguy hiểm với tiếp xúc, nhưng tách biệt với chất oxy hóa như axit nitric.

Cần tham khảo tài liệu bảng dữ liệu an toàn cho dữ liệu phản ứng để xác định liệu các hóa chất ​​tương thích với nhau. Nhiều hóa chất có thể phản ứng với nhau để tạo ra các chất độc hại. Ví dụ như:

- Acias / hypoclorit - tạo ra khí clo;

- Axit / xyanua - tạo ra khí hydro xyanua;

- Axit / kiềm - tạo ra nhiệt;

- Axit / sulfua - tạo ra hydrogen sulphide.

II.2.7 Các biện pháp ngăn ngừa rò rỉ và tràn đổ hóa chất nguy hại trong khu vực lưu giữ


Xử lý sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất nguy hại trong khu vực lưu giữ

Để giảm thiểu các mối nguy hiểm, tất cả các sự cố tràn và rò rỉ hóa chất nguy hại nên được xử lý ngay lập tức. Để xử lý tràn đổ hóa chất nguy hại, có thể sử dụng các thiết bị sau:

- Thiết bị bảo hộ cá nhân;

- Thùng hình ống rỗng, quá khổ nếu có thể;

- Nhãn giấy tự dính để đánh dấu thùng;

- Vật liệu thấm: cát, đất sét cát, mùn cưa;

- Giải pháp chất tẩy rửa;

- Chổi, xẻng;

- Phễu kim loại.

Tất cả thiết bị liên quan đến an toàn và ứng phó sự cố khẩn cấp phải được kiểm tra ít nhất 1 lần/tháng để đảm bảo rằng chúng được duy trì trong tình trạng tốt. Thiết bị bảo hộ cá nhân phải được khử nhiễm và làm sạch sau khi sử dụng. Các thiết bị bảo hộ cá nhân cũng phải được kiểm tra và duy trì thường xuyên. Cần ghi chép tất cả các lần kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị.

Các chất lỏng tràn nên được hấp thụ vào chất thấm không bụi phù hợp như đất sét hấp thụ hạt, cát hay mùn cưa, tuy nhiên không nên sử dụng với các chất lỏng dễ cháy hoặc oxy hóa mạnh. Cần sử dụng thùng chứa đặc biệt có khả năng chịu được hóa chất và tránh bị bị rò rỉ khi thu gom vật liệu thấm hóa chất sau khi sử lý sự cố. Sau khi hu gom, các thùng chứa vật liệu thấm hút phải có nắp đậy kín khít đảm bảo không để rò rỉ, phát tán hơi hóa chất và phải được dán nhãn cho phù hợp trước khi vận chuyển đến cơ sở sử lý chất thải nguy hại.

Khu vực này sau đó phải được khử nhiễm theo các hướng dẫn trong Bảng dữ liệu an toàn hóa chất và các chất thải được thải bỏ một cách an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.


Kế hoạch phòng ngừa và quy trình ứng phó sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất nguy hại


Các kho lưu giữ hóa chất nguy hại cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất trong quá trình vận hành kho theo các nội dung đã được quy định tại thông tư 28/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ và Thông tư số 20/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về kế hoạch và biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.

Ngoài ra, các kho lưu giữ hóa chất nguy hại cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do phát thải hóa chất tại các kho lưu giữ hóa chất nên được xây dựng và triển khai. Các nội dung kỹ thuật trong việc xây dựng kế hoạch và áp dụng trong thực tế được tham khảo tại Hướng dẫn kỹ thuật về Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường do phát thải hóa chất nguy hại.

Thải bỏ chất thải


Tất cả các chất thải bao gồm các hóa chất hết hạn sử dụng, các hóa chất thừa, hóa chất mất phẩm chất, hóa chất nguy hại được thu gom sau quá trình sử lý sự cố... phải được thải bỏ một cách an toàn và có trách nhiệm với môi trường theo quy trình thải bỏ và xử lý chất thải nguy hại theo quy định về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 2.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương