TỔng cục môi trưỜng hưỚng dẫn kỹ thuậT


II.3 KỸ THUẬT VẬN CHUYỂN HÓA CHẤT NGUY HẠI AN TOÀN



tải về 2.4 Mb.
trang11/15
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích2.4 Mb.
#38499
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

II.3 KỸ THUẬT VẬN CHUYỂN HÓA CHẤT NGUY HẠI AN TOÀN

II.3.1 Vận chuyển hóa chất nguy hại trong nội bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ


Trong quá trình vận chuyển hóa chất nguy hại từ kho lưu giữ đến nơi sản xuất trong cùng một khu vực, hóa chất sẽ chịu ảnh hưởng của các tác động, rung, nén và dễ dẫn đến các sự cố phát thải độc hại ra môi trường. Các yếu tố khác như đóng gói không đúng quy cách, lưu giữ ít cũng có thể dẫn đến phát thải hóa chất ra môi trường gây cháy, nổ…. vì vậy các thông tin về cảnh báo nguy hiểm và các biện pháp an toàn trong quá trình vận chuyển là rất quan trọng để giảm thiểu tác động của sự cố vận chuyển.

II.3.1.1 Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện vận chuyển


Chỉ thực hiện vận chuyển hóa chất nguy hại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện vận chuyển về phương tiện vận chuyển, đóng gói, bao bì, vật chứa hóa chất nguy hại.

Người điều khiển phương tiện vận chuyển đã được đào tạo về xử lý và vận chuyển hóa chất nguy hại trên thiết bị vận chyển.

Mang đầy đủ phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân khi tiếp cận hóa chất nguy hại.

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn trong quá trình di chuyển trong cơ sở sản xuất.


II.3.1.2 Phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hại trong cơ sở sản xuất


Bao gồm các phương tiện vận chuyển cá nhân như: xe nâng tay, xe ba gác, xe kéo và các phương tiện vận chuyển chuyên dùng như: xe nâng máy, xe bốc xếp chuyên dùng… Tuy nhiên các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các quy tắc sau:

- Được thiết kế chắc chắn, chịu được khối lượng và kích thước của hóa chất nguy hiểm khi vận chuyển

- Có tốc độ di chuyển thấp, tối đa không quá 20km/h đảm bảo an toàn trong khu vực sản xuất.

- Có hệ thống cảnh báo nguy hiểm trên phương tiện chyên dùng bằng tín hiệu đèn hoặc âm thanh.


II.3.1.3 Bao bì, vật chứa hóa chất nguy hại


Bao bì, vật chứa phải bằng vật liệu không gây phản ứng hóa học với hóa chất nguy hại bên trong, không bị hóa chất nguy hại bên trong phá hủy:

- Vật chứa bằng gỗ thì bên trong phải lót bằng vật liệu bền đảm bảo hóa chất không thấm, lọt ra ngoài;

- Vật chứa bằng thủy tinh, sành sứ phải là loại tốt, nút kín, không rạn nứt. Các bình này phải đặt trong sọt, hộp hoặc cũi gỗ chèn bằng các vật liệu mềm;

- Vật chứa bằng kim loại phải có nắp kín, nếu cần phải cặp chì niêm phong;

- Vật chứa các hóa chất lỏng và dạng keo phải kín, đảm bảo không để hóa chất thấm chảy ra ngoài. Các kiện hàng phải đóng gọn, chắc chắn để xếp dỡ dễ dàng;

- Vật chứa là loại chịu áp lực phải chèn, chống va đập;

- Bao bì rỗng trước đây đã chứa đựng hóa chất nguy hại, chỉ sau khi đã làm sạch cả bên trong và bên ngoài thì khi vận chuyển mới được coi như hàng hóa bình thường, nếu chưa làm sạch, vẫn phải coi như hàng hóa nguy hiểm.

II.3.1.4 Các yêu cầu khác


  • Khi vận chuyển các bình khí nén, khí hòa tan hay khí hóa lỏng phải theo các quy định: Yêu cầu an toàn trong vận chuyển của TCVN 6304:1997.

  • Cấm vận chuyển các bình ô xy cùng với bình khí dễ cháy và các chất dễ cháy khác.

II.3.1.5 Quá trình xử lý khẩn cấp trong trường hợp tràn đổ, rò rỉ hóa chất nguy hại trong quá trình vận chuyển


- Di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm trong cơ sở nếu có thể.

- Sơ tán người ra khỏi nơi chịu ảnh hưởng.

- Báo cáo tình hình với lãnh đạo hoặc quản lý an toàn tại cơ sở sản xuất

- Xác định hàng hóa, chỉ dẫn của nhãn mác.

- Hỗ trợ các hoạt động ngăn chặn, xử lý hóa chất nguy hại bị rò rỉ theo chức năng được giao.

II.3.2 Vận chuyển hóa chất nguy hại ngoài khu vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ


Nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản trong quá trình vận chuyển hóa chất nguy hại. Quá trình vận chuyển hóa chất nguy hại nằm ngoài phạm vi khuôn viên của khu vực lưu trữ phải được thực hiện bởi các đơn vị có đủ điều kiện và được các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

Quá trình vận chuyển hóa chất độc với môi trường và con người cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại Thông tư 52/2013/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


II.3.2.1 Trách nhiệm của các bên liên quan

Trách nhiệm của chủ hóa chất nguy hại

Chủ hóa chất nguy hại phải tuân thủ những yêu cầu sau:

- Đối với hoạt động vận chuyển:

+ Chỉ thực hiện vận chuyển hóa chất nguy hại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện vận chuyển hoặc có Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hại do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Đảm bảo thực hiện đúng các nội dung đã được cấp trong Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hại.

- Đối với chủ phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải:

+ Thông báo bằng văn bản cho chủ phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải: danh mục hóa chất nguy hại được vận chuyển; những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận chuyển; hướng dẫn xử lý trong trường hợp có sự cố môi trường và địa chỉ liên hệ khi xảy ra sự cố môi trường;

+ Chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh do việc cung cấp chậm trễ, thiếu chính xác về các thông tin, tài liệu và chỉ dẫn.

- Khi xảy ra sự cố môi trường:

+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở địa phương xử lý, hạn chế và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển;

+ Thực hiện các trách nhiệm về bảo hiểm theo quy định và thanh toán toàn bộ chi phí có liên quan đến việc khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển;

+ Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quá trình vận chuyển hóa chất nguy hại.

+ Bảo quản bao bì, vật chứa hóa chất nguy hại; thu gom, vận chuyển, quản lý, xử lý bao bì, vật chứa thải bỏ theo quy định bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, chất thải nguy hại.

Trách nhiệm của chủ phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hại

Chủ phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hại phải tuân thủ những yêu cầu sau:

- Đối với hoạt động vận chuyển:

+ Vận chuyển hóa chất nguy hại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoặc có Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hại do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Đảm bảo thực hiện đúng các nội dung đã được cấp trong Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hại.

- Đối với chủ hóa chất nguy hại, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải:

+ Chấp hành đầy đủ thông báo của chủ hóa chất nguy hại liên quan đến hóa chất nguy hại cần vận chuyển.

+ Cung cấp các xác nhận cho chủ hóa chất nguy hại về việc đảm bảo các điều kiện an toàn phù hợp với loại hàng cần vận chuyển như: đảm bảo người điều khiển phương tiện vận chuyển đã được đào tạo về xử lý và vận chuyển hóa chất nguy hại, xác định tuyến đường vận chuyển hóa chất nguy hại…

+ Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân và các thiết bị ứng phó sự cố khẩn cấp cho người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải.



- Đối với phương tiện vận chuyển:

+ Đảm bảo xe vận chuyển hóa chất nguy hại được trang bị thiết bị sơ cứu, thiết bị an toàn, hộp công cụ và thuốc kháng độc cần thiết.

+ Có kế hoạch, biện pháp cụ thể và thực hiện việc xử lý, vệ sinh phương tiện sau khi kết thúc đợt vận chuyển nếu không tiếp tục vận chuyển hóa chất nguy hại đó;

- Khi xảy ra sự cố môi trường:

+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở địa phương xử lý, hạn chế và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển;

+ Thực hiện các trách nhiệm về bảo hiểm theo quy định và thanh toán toàn bộ chi phí có liên quan đến việc khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển hóa chất nguy hại;

+ Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quá trình vận chuyển hóa chất nguy hại.

+ Bảo quản bao bì, vật chứa hóa chất nguy hại; thu gom, vận chuyển, quản lý, xử lý bao bì, vật chứa thải bỏ theo quy định bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, chất thải nguy hại.

Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải


- Người điều khiển phương tiện vận chuyển:

+ Chỉ tiến hành vận chuyển khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện vận chuyển hoặc có Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hại, biểu trưng và biển báo nguy hiểm theo quy định.

+ Phải có Giấy phép điều khiển phương tiện còn hiệu lực và các giấy tờ cần thiết đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Khi vận chuyển hóa chất nguy hại cần mang theo Giấy phép vận chuyển do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Tốt nghiệp khóa học về vận chuyển hóa chất nguy hại nhằm đảm bảo đã được đào tạo đầy đủ về tính chất hóa học của hóa chất, các rủi ro do hóa chất mang lại, các biện pháp phòng ngừa trong quá trình vận chuyển hóa chất và các hành động cần thực hiện trường hợp khẩn cấp.

+ Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lịch trình vận chuyển và chấp hành đầy đủ thông báo của chủ hóa chất nguy hại, hướng dẫn của chủ phương tiện vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển không được tùy tiện chuyển hóa chất nguy hại sang phương tiện khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hại.

+ Không được dừng, đỗ xe với khoảng cách dưới 100 m tại khu vực có rủi ro cao về cháy, nổ và các rủi ro khác có hại cho môi trường và sức khỏe con người, trừ trường hợp phải dừng, đỗ xe theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Đối với hóa chất nguy hại dễ bị tác động bởi nhiệt độ cao, khi vận chuyển không được dừng, đỗ gần nơi phát sinh ra nguồn nhiệt.

+ Khi xảy ra sự cố, phải thông báo cho các cơ quan có liên quan và thực hiện các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hóa chất nguy hại;

+ Mang đầy đủ phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân khi tiếp cận hóa chất nguy hại đối với môi trường hoặc xử lý khi có sự cố môi trường xảy ra trong quá trình vận chuyển



- Người áp tải:

+ Khi vận chuyển hàng nguy hiểm phải mang theo Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hóa chất nguy hại.

+ Kiểm tra các điều kiện vận chuyển hóa chất nguy hại trước khi vận chuyển, ít nhất 02 (hai) giờ/lần trong suốt quá trình vận chuyển và sau khi vận chuyển để đảm bảo an toàn vận chuyển theo quy định của pháp luật;

+ Theo dõi, giám sát việc xếp, dỡ hóa chất nguy hại trên phương tiện vận chuyển; bảo quản hóa chất nguy hại; chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh môi trường;

+ Thực hiện việc ghi nhật ký quá trình vận chuyển;

+ Khi xảy ra sự cố, phải thông báo cho các cơ quan có liên quan và thực hiện các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hóa chất nguy hại;

+ Mang đầy đủ phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân khi tiếp cận hóa chất nguy hại đối với môi trường hoặc xử lý khi có sự cố môi trường xảy ra trong quá trình vận chuyển.

II.3.2.2 Phương tiện vận chuyển và đóng gói, bao bì, vật chứa hóa chất nguy hại

Phương tiện vận chuyển


Phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hại phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về loại hóa chất nguy hại cần vận chuyển và đảm bảo các yêu cầu sau:

- Được thiết kế bảo đảm phòng ngừa rò rỉ hoặc phát tán hóa chất nguy hại vào môi trường. Không vận chuyển hóa chất nguy hại cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm hoặc vận chuyển hóa chất nguy hại có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện.

- Có trang thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng. Trang thiết bị che phủ phải phù hợp với yêu cầu chống thấm, chống cháy, không bị phá hủy khi tiếp xúc với hóa chất nguy hại; chịu được sự va đập và đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ hóa chất nguy hại ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.

- Phương tiện vận chuyển phải dán biểu trưng nguy hiểm của hóa chất nguy hại. Nếu cùng một phương tiện vận chuyển nhiều loại hóa chất nguy hại khác nhau tại một thời điểm thì trên phương tiện phải dán đủ các biểu trưng nguy hiểm của các loại hóa chất đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên thành và phía sau phương tiện, có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp, vận chuyển. Biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển phải được làm sạch và bóc, xóa hết nếu không vận chuyển hóa chất nguy hại;



  • Xe chuyên dụng vận chuyển các chất lỏng dễ cháy phải có sử dụng dây tiếp đất và có biển cấm lửa. Trên xe phải trang bị phương tiện chữa cháy thích hợp.

Bao bì, vật chứa hóa chất nguy hại


Bao bì, vật chứa phải bằng vật liệu không gây phản ứng hóa học với hóa chất nguy hại bên trong, không bị hóa chất nguy hại bên trong phá hủy:

- Vật chứa bằng gỗ thì bên trong phải lót bằng thứ vật liệu bền đảm bảo hóa chất không thấm, lọt ra ngoài;

- Vật chứa bằng thủy tinh, sành sứ phải là loại tốt, nút kín, không rạn nứt. Các bình này phải đặt trong sọt, hộp hoặc cũi gỗ chèn bằng các vật liệu mềm;

- Vật chứa bằng kim loại phải có nắp kín, nếu cần phải cặp chì niêm phong;

- Vật chứa các hóa chất lỏng và dạng keo phải kín, đảm bảo không để hóa chất thấm, chảy ra ngoài. Các kiện hàng phải đóng gọn, chắc chắn để xếp dỡ dễ dàng;

- Vật chứa là loại chịu áp lực phải chèn, chống va đập;

- Bao bì rỗng trước đây đã chứa đựng hóa chất nguy hại, chỉ sau khi đã làm sạch cả bên trong và bên ngoài thì khi vận chuyển mới được coi như hàng hóa bình thường, nếu chưa làm sạch, vẫn phải coi như hàng hóa nguy hiểm.

Các yêu cầu khác


  • Khi vận chuyển các bình khí nén, khí hòa tan hay khí hóa lỏng phải theo các quy định: Yêu cầu an toàn trong vận chuyển của TCVN 6304:1997.

  • Cấm vận chuyển các bình ô xy cùng với bình khí dễ cháy và các chất dễ cháy khác.

  • Hóa chất dễ cháy, nổ nguy hiểm khi vận chuyển phải có giấy phép vận chuyển hàng cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền.

Phân loại và ghi nhãn hóa chất nguy hại


Nhãn hóa chất là bản viết, in, vẽ của chữ, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, gắn chắc chắn trên bao bì thương phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết và chủ yếu về hóa chất giúp người sử dụng biết và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý. Nhãn hóa chất phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Yêu cầu về vị trí dãn nhãn:

Vị trí nhãn hóa chất thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP. Nhãn hóa chất phải được thể hiện bằng hình thức in, dán, đính hoặc gắn trên bao bì thương phẩm của hóa chất ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn.



Yêu cầu về kích thước nhãn hóa chất:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm ghi nhãn hóa chất tự xác định kích thước của nhãn nhưng phải bảo đảm ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định để dễ dàng nhận biết các nội dung bắt buộc bằng mắt thường.



Yêu cầu về màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh:

- Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hóa chất phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản so với màu nền của nhãn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

- Trường hợp không thể hiện màu tương phản của chữ, chữ số thì chữ, chữ số phải được đúc, in chìm, in nổi rõ ràng.

Yêu cầu về ngôn ngữ trên nhãn:

Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hóa chất phải được ghi bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi đồng thời bằng ngôn ngữ khác nhưng phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.


Yêu cầu về nội dung của nhãn hóa chất:


a. Tên hóa chất

Tên hóa chất do nhà sản xuất đăng ký theo tên thường gọi, tên thương mại hoặc tên khác được ghi trên nhãn hóa chất hoặc là tên chung quốc tế.

Ví dụ cách viết tên hóa chất:

- Tên gọi theo IUPAC: n-Butyl Acetate

- Tên thương mại: Nomal Butyl Acetate

- Tên khác (không phải tên khoa học): NBAC

b. Mã nhận dạng hóa chất

- Phải được sử dụng trên nhãn hóa chất và phải phù hợp với ký hiệu sử dụng trên Phiếu an toàn hóa chất có tên tiếng Anh là Material Safety Data Sheet (MSDS);

- Đối với một hợp chất phải thể hiện được nhận dạng hóa học của tất cả các thành phần hoặc các nguyên tố hợp kim có thể gây ra của thành phần hợp chất trên nhãn.

c. Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ

- Hình đồ cảnh báo là thông tin để người sử dụng có thể hiểu chính xác mà không gây ra các cách hiểu sai đối với nhãn hóa chất.

- Từ cảnh báo được sử dụng để chỉ ra mức độ nguy hiểm tương đối của nguy cơ và cảnh báo người đọc về nguy cơ tiềm tàng trên nhãn. Từ cảnh báo được thể hiện bằng chữ in thường, đậm hoặc chữ in hoa có chiều cao chữ không nhỏ hơn 2 mm. Từ cảnh báo được sử dụng trong GHS gồm các từ: Nguy hiểm được sử dụng cho các cấp nguy cơ nghiêm trọng hơn (ví dụ trong phần chính của các cấp nguy cơ 1 và 2); Cảnh báo được sử dụng cho những nguy cơ ít nguy hiểm hơn;

- Cảnh báo nguy cơ thể hiện mức độ nguy cơ, mô tả bản chất nguy cơ của hóa chất. Chữ ghi nội dung cảnh báo nguy cơ in bằng chữ in thường hoặc chữ in hoa có chiều cao chữ không nhỏ hơn 2 mm đối với các loại hóa chất nguy hại theo hướng dẫn tại Phụ lục.

+ Chất dễ cháy;

+ Chất tự phản ứng;

+ Chất tự cháy, tự dẫn lửa;

+ Chất tự phát nhiệt;

+ Chất khi phản ứng có sinh khí dễ cháy;

+ Peroxit Hữu cơ.

d. Biện pháp phòng ngừa

Biện pháp phòng ngừa được thể hiện bằng thông tin hoặc hình đồ cụ thể mô tả những giải pháp khuyến nghị phải được thực hiện để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa những ảnh hưởng có hại do tiếp xúc với hóa chất gây nguy hiểm hoặc bảo quản không đúng cách hay vận chuyển hóa chất nguy hại.

Ví dụ: cách ghi biện pháp phòng ngừa của hóa chất HI-URETHAN LV17 như sau:

- Xem hướng dẫn đặc biệt trước khi sử dụng.

- Nếu nuốt phải: yêu cầu hỗ trợ y tế ngay lập tức.

- Nếu hít phải: di chuyển nạn nhân đến khu vực không khí sạch.

- Nếu dính vào da: rửa sạch với xà phòng và nước.

- Nếu dính vào mắt: ngay lập tức rửa liên tục bằng nước và yêu cầu hỗ trợ y tế.



e. Định lượng

- Cách ghi định lượng của hóa chất được ghi theo trạng thái của hóa chất:

+ Hóa chất ở dạng rắn, khí, ghi theo khối lượng tịnh;

+ Hóa chất là hỗn hợp rắn và lỏng, ghi theo khối lượng tịnh hỗn hợp và khối lượng chất rắn;

+ Hóa chất là khí nén, ghi theo khối lượng tịnh của khí nén và khối lượng tịnh của bình áp lực hoặc khối lượng tịnh của khí nén và tổng khối lượng của khí nén, bình áp lực;

+ Hóa chất dạng nhão, keo sệt, ghi theo khối lượng tịnh hoặc thể tích thực;

+ Hóa chất dạng nhão có trong các bình phun, ghi theo khối lượng tịnh gồm cả chất nhão và chất tạo áp lực phun;

+ Hóa chất dạng lỏng, ghi theo thể tích thực ở 20oC;

+ Hóa chất dạng lỏng trong các bình phun, ghi theo thể tích thực ở 20oC gồm cả chất lỏng và chất tạo áp lực phun;

- Ghi đơn vị đo định lượng trên nhãn hóa chất bằng tên đầy đủ hoặc ký hiệu của đơn vị đo. Ví dụ: ghi là “gam” hoặc là “g”; ghi là “mililít” hoặc “ml”;

- Tên đơn vị viết bằng chữ thường, không viết hoa ký tự đầu tiên. Ví dụ: kilôgam, gam, không được viết là Kilôgam, Gam (trừ nhiệt độ: Celsius, 0C);

- Ký hiệu đơn vị viết chữ thường, kiểu đứng. Ví dụ: kg, g, l không được viết Kg, G, L;

- Viết đơn vị đo và phần trị số phải cách một ký tự trống. Ví dụ: 200 g, 300 ml, không được viết 200g, 300ml;

- Khi thể hiện đại lượng có các phép tính phải ghi đơn vị chung cho phần trị số trong dấu ngoặc hoặc riêng cho từng trị số. Ví dụ: (500 ± 5) g hoặc 500 g ± 5 g, không được viết 500 g ± 5 hoặc 500 ± 5 g;

- Biểu thị dấu thập phân của giá trị đại lượng phải dùng dấu phẩy (,), không được dùng dấu chấm. Ví dụ: 1,250 kg không được viết 1.250 kg;

- Đơn vị đo khối lượng: kilôgam (kg), gam (g), miligam (mg). Dưới 01 kg thì dùng đơn vị g (ví dụ: viết 500 g mà không viết 0,5 kg); dưới 01 g thì dùng đơn vị “mg” (ví dụ viết 500 mg mà không viết 0,5 g);

- Đơn vị đo thể tích: lít (l), mililít (ml). Dưới một lít thì dùng đơn vị “ml” (ví dụ: viết 500 ml mà không viết 0,5 l).

g. Thành phần hoặc thành phần định lượng

Ghi công thức hóa học. Đối với hóa chất chứa trong bình chịu áp lực phải ghi thêm dung lượng nạp.Ví dụ: A-xít sulfuric; công thức H2SO4; nồng độ: 99%.

Đối với hỗn hợp chất, ghi thành phần hoặc thành phần định lượng như: dạng rắn là phần trăm khối lượng của từng chất rắn; dạng lỏng là phần trăm thể tích của từng chất lỏng; dạng khí là phần trăm thể tích của từng chất khí; dạng rắn lỏng là phần trăm khối lượng của từng chất rắn và lỏng.

h. Ngày sản xuất

- Ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: NSX theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.

Ví dụ: ngày sản xuất là ngày 02 tháng 4 năm 2006 thì trên nhãn ghi một trong các cách sau:

+ NSX: 020406; hoặc

+ NSX 02 04 06; hoặc

+ NSX: 02042006; hoặc

+ NSX: 02 04 2006; hoặc 

+ NSX: 02/04/06.



- Trường hợp không ghi được chữ “NSX” cùng với chữ số chỉ ngày, tháng, năm thì phải hướng dẫn trên nhãn. Ví dụ: ở đáy bao bì ghi thời gian sản xuất và hạn sử dụng là “020406” thì trên nhãn phải ghi như sau: Xem NSX ở đáy bao bì;

- Trường hợp trên nhãn ghi thời gian sản xuất “NSX” bằng tiếng nước ngoài thì phải hướng dẫn trên nhãn. Ví dụ: ở bao bì ghi ngày sản xuất là “MFG 020406” thì trên nhãn phải ghi như sau: NSX xem “MFG” trên bao bì;

- Trường hợp trên nhãn ghi ngày sản xuất bằng tiếng nước ngoài thì trên nhãn phụ phải ghi: ngày sản xuất hoặc viết tắt bằng chữ in hoa NSX, xem “Mfg Date” trên bao bì.

h. Hạn sử dụng (nếu có)

Trường hợp hóa chất có hạn sử dụng thì cách ghi hạn sử dụng thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và Khoản 5 Mục II Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.



i. Thông tin nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối

Ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối hóa chất trên nhãn hóa chất.



k. Xuất xứ hàng hóa

Cách ghi xuất xứ hóa chất được quy định như sau: ghi “sản xuất tại” hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hóa chất đó;

Đối với hóa chất sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hóa chất đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hóa chất.

l. Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản

Nhãn hóa chất phải ghi hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản để người sử dụng nhận biết làm căn cứ lựa chọn cất giữ, bảo quản và sử dụng an toàn hóa chất.

Ví dụ, hướng dẫn về việc sử dụng và bảo quản của chất HI-URETHAN LV17 như sau:

- Tránh hít bụi/khói/khí/sương/hơi/bụi nước. Tránh thải vào môi trường. Tránh xa nguồn nhiệt/tia lửa/ngọn lửa trần. Không ăn uống hay hút thuốc khi sử dụng sản phẩm. Rửa tay sau khi tiếp xúc. Nối đất thùng chứa nhằm tránh tĩnh điện. Chỉ sử dụng với thiết bị không phát sinh tia lửa. Luôn đậy nắp thùng chứa.

- Sử dụng hệ thống thông gió thích hợp.

- Sử dụng thiết bị bảo hộ lao động theo yêu cầu.

- Bảo quản ở nhiệt độ thấp. Đóng nắp ngay sau khi sử dụng.

Yêu cầu về vị trí dãn nhãn hóa chất:


Hình đồ cảnh báo trong vận chuyển hóa chất phải thể hiện trên bao bì trực tiếp đối với hóa chất không có bao bì ngoài. Hình đồ cảnh báo trong vận chuyển hóa chất phải được đặt trên bao bì ngoài đối với trường hợp hóa chất có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài.

II.3.2.3 Quá trình xử lý khẩn cấp trong trường hợp phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hại gặp sự cố

Các bước xử lý khẩn cấp


Người điều khiển phương tiện, người áp tải hàng cần thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong thời gian 25 phút đầu tiên tính từ thời điểm phát sinh sự cố theo trình tự các bước như sau:

  1. Mang, mặc đồ bảo hộ đối với hóa chất nguy hại được trang bị trên xe.

  2. Di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực dân cư nếu có thể.

  3. Xác định hàng hóa, chỉ dẫn của nhãn mác.

  4. Trong trường hợp rò rỉ lượng lớn khí/hơi dễ cháy, không được khởi động động cơ xe.

  5. Sơ tán người ra khỏi nơi chịu ảnh hưởng, thông báo sự cố tới các đơn vị ứng phó sự cố trong khu vực.

  6. Ngăn chặn rò rỉ của hóa chất.

  7. Phong tỏa khu vực tai nạn, cảnh báo tạm thời và chuyển hướng giao thông.

  8. Đưa những người bị thương đi sơ cứu.

  9. Trong trường hợp chập điện, cần tháo ắc quy ra khỏi xe.

  10. Trong trường hợp cháy, cần thông báo cho trạm cứu hỏa gần nhất.

  11. Trong trường hợp rò rỉ hóa chất, cần chú ý hóa chất dễ bị bắt lửa.

  12. Ngăn rò rỉ hóa chất bằng cách phủ lớp cát, mùn cưa hoặc vật liệu thấm hút tại hiện trường lên trên hóa chất.

Trong quá trình xử lý khẩn cấp cần lưu ý một số điểm như sau:

- Tránh hóa chất tiếp xúc trực tiếp với da, cần rửa sạch hóa chất bằng nước và cần sử dụng quần áo bảo hộ nếu cần thiết.



- Trong trường hợp hóa chất tiếp xúc với mắt cần rửa sạch hóa chất bằng nước. Đối với bất kỳ trường hợp nào, cần cởi bỏ quần áo đang mặc ngay lập tức.

Khoảng cách sơ tán


Một số hóa chất có khả năng gây độc đã được nêu. Vì thế, cần sơ tán giữa người dân không được bảo vệ với khu vực liên quan đến rò rỉ hóa chất theo hướng dẫn tại bảng dưới đây:

Khoảng cách sơ tán ban đầu và khoảng cách tiến hành biện pháp ứng phó

STT

Mã hóa chất

Tên hóa chất

Rò rỉ nhỏ

Rò rỉ lớn

250 kg

1.000 kg

K/c sơ tán* (m)

K/c ứng phó (m)

Sơ tán (m)

Ứng phó (m)

1

1092

Acrolein

274,2

4.800

2.856

6.400

2

1098

Allyl Alcohol

45,7

1.280

45,7

1.280

3

2334

Allyl Amine

45,7

1.280

1.624

3.200

4

1005

Ammonia

45,7

320

91

1.600

5

2676

Antimony Hydride

457

8.000

457

8.000

6

2188

Arsenic Hydride

457

8.000

457

8.000

7

1744

Bromine

457

8.000

457

8.000

8

1016

Carbon Monoxide

457

8.000

457

8.000

9

1017

Chlorine

274,2

4.800

3.200

8.000

10

1239

Chloro Methyl

45,7

320

45,7

640

11

1754

Chlorosluphonic Acid

45,7

320

45,7

320

12

1143

Crotonaldehyde

45,7

320

45,7

640

13

1595

Dimethylsulphate

45,7

640

45,7

640

14

1135

Ethylene Chlorohy Dride

45,7

1.280

45,7

1.280

15

1605

Ethylene Dibromide

45,7

320

45,7

320

16

1040

Ethylene Oxide

45,7

1.280

1.025

3.200

17

1045

Fluorine

457

8.000

457

8.000

18

1050

Hydrogen Chloride

1.828

3.200

3.656

6.400

19

1051

Hydrogen Cyanide

1.828

3.200

1.828

3.200

20

1052

Hydrogen Fluoride

91

1.600

273

4.800

21

2202

Hydrogen Selenide

457

8.000

457

8.000

22

1053

Hydrogen Sulphide

457

8.000

457

8.000

23

1061

Methyl Amine

45,7

1.280

273

4.800

24

1062

Methyl Bromide

182

3.200

273

4.800

25

2480

Methyl Isocyanate

457

8.000

457

8.000

26

1259

Nickel Tetracarbonyl

457

8.000

457

8.000

27

1067

Nitrogen Dioxide

45,7

1.280

182

3.200

28

1831

Oleum

45,7

640

45.7

640

29

2190

Oxygen Difluoride

457

8.000

457

8.000

30

1380

Penta Borane

457

8.000

457

8000

31

1670

Perchloromethyl Mercaptan

45,7

1.280

45,7

1.280

32

1076

Phosgene

457

8.000

457

8.000

33

2199

Phosphine

457

8.000

457

8.000

34

2194

Selenium Hexafluoride

457

8.000

457

8.000

35

1079

Sulphur Dioxide

182

3.200

457

8.000

36

1829

Sulphur Trioxide

45,7

640

45,7

640

37

1831

Sulphuric Acid

45,7

640

45,7

640

38

1510

Tetra Nitro Methane

45,7

640

45,7

1.280

39

1836

Thinonyl Chloride

274

4.800

365

6.400

Lưu ý (*): Nếu mọi người không được bảo vệ đang được sơ tán thì khoảng cách tiến hành các biện pháp ứng phó phải tăng lên so với quy định.



Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 2.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương