TÂn phúC Âm hóa bản thân tu sĩ VÀ CỘng đOÀn dòng thánh tâm huế thưỜng huấn ngày 16-24/7/2014 MỤc lụC



tải về 1.33 Mb.
trang8/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.33 Mb.
#37991
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   21

4. Những con đường tương quan tốt


4a Tương quan với mẹ và chị em ruột của mình

Mối tương quan đầu tiên và cơ bản nhất của chúng ta với người nữ phải kể cụ thể là mối tương quan với chính mẹ và chị em ruột thịt của mình. Mẹ của linh mục là người nữ mà ngài đã nhận được sự sống, và nhờ mẹ mà ngài có được ơn kêu gọi như hôm nay. Sự dịu dàng và chăm sóc yêu thương của tình mẹ nâng đỡ và bảo vệ ngài, giúp ngài lớn lên trong đời sống nhân bản làm người cũng như đời sống thiêng liêng làm tông đồ của Chúa. Mẹ và chị em ruột thịt luôn tiếp tục đồng hành cùng linh mục, với tình yêu thương, cầu nguyện, với chăm sóc canh phòng nhưng đầy an toàn và kính trọng. Một linh mục tốt luôn giữ mối liên hệ mật thiết với mẹ và các chị em ruột thịt của mình, đặc biệt trong thời gian gặp thử thách, thất bại, bị hiểu lầm, đau ốm bệnh hoạn, buồn phiền chán nản, lại bị dao động tình cảm, bị cám dỗ và cả khi bị yếu đuối vấp ngã nữa.
4b. Coi Cụ Bà như mẹ và thiếu nữ như chị em

Để sống hồng ân quí giá là đời sống độc thân linh mục vì Nước Trời trong con đường trưởng thành và trong sáng, điều xem ra đặc biệt quan trọng là chúng ta phải phát triển cách sâu xa trong chính mình hình ảnh của các phụ nữ như mẹ và chị em mình, với cùng một lòng yêu thương và kính trọng như đối với mẹ và chị em mình, mà thánh Phaolô đã khuyên nhủ Timôtê: “Con hãy coi các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch.”128


Trong thời đại hôm nay, chúng ta phải biết khám phá ra phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ trong Giáo Hội và trong thế giới. Hơn bao giờ cả, ngày nay người ta nói nhiều đến giải phóng, bảo vệ và thăng tiến phụ nữ, và xem ra ngoài xã hội nhiều hơn trong Giáo Hội! Thật ra không phải thế, vì ngay từ thời của Ngài, Chúa Giêsu đã ân cần đón nhận sự cộng tác của nhiều phụ nữ theo giúp Ngài và cho họ một vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là vai trò của Mẹ Maria và Maria Madalêna dưới chân thập giá, trong biến cố Phục sinh và thời kỳ đầu của Giáo Hội sơ khai, bắt đầu với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Có thể nói Giáo Hội dần dần lấy lại cái đã đánh mất hay lãng quên từ hai mươi thế kỷ nay.129 Sự thăng tiến này làm cho người nam và người nữ cảm thấy bình đẳng và biết tôn trọng nhau trong mọi khía cạnh. Một biến cố chứng minh điều vừa nói là ngày 21/1/2010, ĐTC Biển Đức XVI đã bổ nhiệm Cô Flaminia Giovanelli là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Phó Thư Ký của Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.130 Một nữ giáo dân người Úc, Rosemary Goldie, cũng đã ở vị trí tương đương tại Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân từ 1966 đến 1976. Một nữ tu người Ý, Soeur Enrica Rosanna, hiện đang giữ cùng chức vụ tại Thánh Bộ Tu Sĩ131. 
ĐTC Phanxicô đang có những động thái nâng vai trò nữ giới lên một tầm cao mới: Sau khi nhắc đến giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò quan trọng của phụ nữ, Ngài khẳng định: “Cả tôi cũng đã từng nhắc đến sự đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là với sự nhạy cảm và trực giác của phụ nữ đối với tha nhân, người yếu thế và người vô phương thế tự vệ; tôi vui mừng khi thấy nhiều phụ nữ chia sẻ một số trách nhiệm mục vụ với các linh mục qua việc tháp tùng các cá nhân, gia đình và nhóm, cũng như trong việc suy tư thần học. Và tôi cầu mong không gian dành cho sự hiện diện của phụ nữ được nới rộng một cách sâu rộng và quan trọng hơn trong Giáo Hội… Những năng khiếu tế nhị, đặc biệt nhạy cảm và dịu dàng mà tâm hồn phụ nữ vốn rất phong phú, không những là một sức mạnh chân thực cho đời sống gia đình, làm lan tỏa bầu không khí thanh thản và hòa hợp, nhưng còn là một thực tại mà nếu không có thì ơn gọi của con người không thể thực hiện được132.
Ngài còn nói mạnh mẽ hơn: “Chúng ta có thể nào hình dung một Giáo hội không có họ không? Không, chúng ta không thể nào hình dung được; đó là món quà của lòng thương xót của Chúa, là men bột để cho sự tăng trưởng của xã hội được công chính hơn, cho tình huynh đệ được thắt chặt hơn, họ đã mang ánh sáng của Chúa Kitô đến những nơi còn tăm tối, để gieo hy vọng cho những quả tim đã tuyệt vọng, họ đã chia sẻ cuộc sống của họ cho những người nhỏ bé, cho những người nghèo. Các nữ tu của chúng ta thật cao cả, họ đã tận hiến cuộc sống của họ, họ đã mang Lời Chúa đến với thế gian!”133.
Ngược lại, Đức Phaolô VI cũng nhắc Dân Chúa trách nhiệm của họ là cầu nguyện và chân thành trợ giúp các linh mục vượt qua mọi nỗi khó khăn, tận tình yêu thương các ngài với tình con thảo và sẵn sàng cộng tác với các ngài, với kính trọng và tế nhị dè giữ, khích lệ và an ủi, vì các ngài là những người hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô và Giáo Hội.
4c. Nhìn cách ứng xử và mối tương quan hài hoà của Chúa Giêsu đối với phụ nữ

Phúc Âm cho chúng ta biết rằng thái độ ứng xử của Chúa Giêsu mang lại tự do và hòa điệu giữa Ngài và các phụ nữ. Chúng ta cần học từ Chúa Giêsu, là Thầy và Chủ của mình, cách thức tương quan và ứng xử thế nào cho đúng mực với các phụ nữ. Chúng ta hãy xem vài khuôn mặt chính:



  • Mẹ Maria, người mà Chúa Giêsu đã tỏ lòng yêu thương của một người con và hết lòng kính trọng vâng phục và Mẹ đã trở nên bản đối chiếu mật thiết của Ngài trong việc lắng nghe và thực thi ý Chúa;

  • Mattha và Maria ở Bêtania, nơi mà Chúa thường ghé qua trong cuộc hành trình truyền giáo và Ngài đã trở nên rất gần gũi với họ;

  • Người phụ nữ xứ Samaria, được hoán cải và đổi mới, đã giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng vốn không biết đến căn tính đích thực của Ngài;

  • Maria Madalêna, người được cứu sống và hoàn toàn biến đổi nhờ Chúa Giêsu, cô đã được gặp Chúa Phục Sinh và nhận lãnh trực tiếp từ Ngài sứ vụ loan báo tin mừng sống lại;

  • Người phụ nữ vô danh đã lên tiếng ca tụng hạnh phúc của Mẹ Chúa và nhân đó Chúa đã dạy cho biết hạnh phúc lớn lao hơn là lắng nghe và thực hành lời Chúa;

  • Các con gái thành Giêrusalem đã theo khóc thương Chúa trên con đường khổ nạn.

Tóm lại, trong các mối tương quan của tình bạn khác phái, dù với người tu hay ở giữa thế gian, chúng ta phải luôn qui hướng về Chúa Kitô, khiêm tốn nhìn nhận những điều kiện con người yếu đuối của mình, lắng nghe sự khôn ngoan và kinh nghiệm từng trải của kẻ khác, đừng bao giờ dám tự phụ cho mình là mạnh,134 trái lại nhớ luôn rằng “con chim nhát là con chim sống” hay “tam thập lục kế, vi tẩu thượng sách.” Chúng ta phải luôn khiêm tốn và bền bỉ cầu xin ơn trung thành: những cây đại thụ trong Giáo Hội còn ngã (có vị TGM bị ĐGH bãi luôn cả tình trạng giáo sĩ) huống gì nhỏ bé dòn mỏng như chúng ta! Hãy xem câu chuyện Samson-Dalila trong sách Thủ Lãnh và lấy đó làm gương răn mình.135


Ngoài ra, phải phát huy tình huynh đệ bí tích linh mục. Khi anh em linh mục thực sự yêu thương nhau, ai cũng thỏa mãn được nhu cầu tâm lý căn bản yêu và được yêu của con người, thì chẳng ai thèm đi tìm bù trừ hay đón nhận một tình cảm nào khác, dù là rất ngọt ngào của người khác phái hợp nhãn và vừa ý. Thế nhưng trong bất cứ cuộc chiến đấu nào cũng có chiến thắng và chiến bại. Nếu gặp phải trường hợp chiến bại, hãy cư xử theo lòng nhân hậu của Chúa Kitô, giúp nhau chuyển bại thành thắng, chỗi dậy đứng lên tiếp tục hành trình với bài học kinh nghiệm và tâm hồn đổi mới. Hãy coi lầm lỗi như một lúc con tàu bị trật bánh ra khỏi đường ray. Nếu khéo léo điều chỉnh, bánh xe sẽ lại trở về đúng vị trí để con tàu tiếp tục vận hành. Câu chuyện ông Samson vẫn giữ luôn ý nghĩa này là ngay cả khi con người sa ngã vì lầm lỗi, Thiên Chúa vẫn có thể ban ân nghĩa như trước.136 Người lầm lỗi được chân thành thương yêu, quảng đại tha thứ và nhân từ nâng đỡ sẽ đủ nghị lực kiên trì biến đổi nên tốt, với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa: Mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.
Tâm lý chung của những người cầu toàn khi phát hiện một lầm lỗi là muốn làm om sòm lên. Nhưng liệu sự om sòm ấy có làm thay đổi được tình hình, hay nó lại càng “vạch áo cho người xem lưng” về tình trạng thiếu yêu thương của mình. Trước hết nên bình tĩnh, nhìn lại chính mình. Ai cũng có thể bị “vi-rút” tình cảm và tình dục tấn công. Vấn đề là cần có sức đề kháng tốt để tránh được bệnh. Sức đề kháng đó nằm ở chính sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và tình huynh đệ bí tích của linh mục với nhau, là nhân tố làm thỏa mãn nhu cầu yêu và được yêu trong bối cảnh của đời sống ơn gọi, được đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, và kiên trì chu toàn bổn phận theo đấng bậc của mình cho các linh hồn được giao phó.
Ngày trước, khi còn dâng lễ bằng tiếng Latinh, cần có lời dẫn giải để giáo dân hiểu ý nghĩa của các cử chỉ, nghi thức và lời đọc để tham dự thánh lễ sốt sắng và hữu ích, tôi rất thích lời dẫn khi linh mục rửa tay sau dâng của lễ: “Khi linh mục rửa tay, chúng ta phải nguyện rằng ở giữa thế gian mà giữ linh hồn vẹn sạch thì rất khó.” Ấy vậy mà Thiên Chúa vẫn giúp thực hiện điều khó ấy cho hàng hàng lớp lớp giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hằng kiên tâm thực thi giới răn của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội. Cảm tạ Chúa và ước gì mỗi người chúng ta đều được nằm trong số ấy. Mời anh em thưởng thức bài hát “Bàn Tay”.

E. KhỦng hoẢng LẠm DỤng Tình dỤc và các BiỆn pháp cỦa Giáo HỘi và ThẾ GiỚi



a. Về phương diện bản thân

Xét về mặt thể lý, mọi tế bào trong cơ thể cứ từng 7 năm một lần đều được thay thế để tăng trưởng. Vấn đề sinh lý và tính dục cũng thế với các tuyến nội tiết và các loại hooc-môn đặc trưng qua từng giai đoạn của tuổi đời “không ai dạy cho khỉ mà khỉ vẫn biết leo cây”. Và ngày nay trẻ trưởng thành sinh học sớm hơn, lại có những cách giáo dục giới tính vội vàng không thích hợp, khiến có những cơn sóng ngầm nguy hiểm kích thích nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Chúng ta cũng cần hiểu biết những xúc cảm bản thân hơn để sống giới tính của mình với tâm hồn bình an thanh thản trong đời tu, thoát khỏi những áp lực căng thẳng của cám dỗ và ham muốn gây nên mặc cảm sợ hãi về sự yếu đuối con người của mình, đôi khi tự đặt vấn đề không biết liệu có tu bền đỗ được không?


Chúng ta đi tu nhưng vẫn không thôi là con người có những ham muốn sinh lý tính dục tự nhiên. Nguyên khởi cảm nhận những ham muốn tự nhiên ấy không tội lỗi gì hết, hãy hiểu biết điều đó để tâm hồn bằng an thanh thoát, vì đấy là sự phát huy chức năng của các cơ quan thể xác mà Chúa đã an bài để tiếp tục thực hiện công trình sáng tạo. Chỉ thứ phát dừng lại ở những ham muốn đó và tìm cách thỏa mãn trái qui trình bậc sống mới là tội. Để vận dụng tốt các qui trình tự nhiên ấy, chúng ta cần cẩn thận trong những giao tiếp gần gũi thân mật với người khác giới. Cần phải triệt để lưu ý và thực hiện năm yếu tố cần giữ gìn trong các mối tương quan khác phái: - nơi chốn gặp gỡ, - thời gian và thời lượng, - khoảng cách thể lý và tâm lý, - sự có mặt của những người thứ ba – và sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thật của Chúa.
Ai ai cũng đều biết rõ rằng mọi thân xác đều có tính dục và mọi tương quan đều có tính cách phái tính. Có những hoàn cảnh khiến các hấp dẫn và khao khát tự nhiên về tình cảm và tính dục bộc lộ mãnh liệt hơn. Cần lưu ý dữ kiện tâm sinh lý này là sự hấp dẫn tính dục. Có sức hấp dẫn tính dục [như Giuse Ai cập với vợ ông quan] hay bị hấp dẫn tính dục [như vua Đavít với vợ của Uria] đều là nguy hiểm: dù là đối với người độc thân hay có gia đình, người thường hay người tu, coi chừng kẻo cả gan tấn công hoặc bị tấn công mà vấp ngã. Trong lãnh vực này không ai được phép cho rằng mình mạnh cả. Thánh Phaolô thú nhận: “Có ai trong anh em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối; có ai trong anh em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt137 và Ngài nhắc nhở “ai tưởng rằng mình đang đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã138. Hãy xem câu chuyện Samson-Dalila trong sách Thủ Lãnh và lấy đó mà răn mình. Gương vua Salomon vào cuối đời cũng là một bài học nhắc nhở quý báu139. Chúa Kitô dạy phải dùng đến hợp lực của sức Chúa và sức con người chúng ta: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhẹ nhàng chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề yếu đuối140. ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi người, tín hữu, Giám mục, linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa”141.
Và khi nhỡ yếu đuối mà sa ngã, hãy khiêm tốn cầu xin ơn mau mắn chỗi dậy, sám hối dứt khoát lật sang trang đời mới, đứt đuôi nòng nọc, đứng hẳn về phía Chúa và Giáo Hội142. Nói nguyên tắc là vậy, nhưng không dễ đâu, bản thân mình đã rồi mà còn phía kia nữa, “cây muốn lặng mà gió không ngừng”. Do vậy cần phải có thời gian và ơn Chúa, cùng với sự quyết tâm bản thân cao và sự giúp đỡ của người khác. Thế gian không chỉ ghi nhận mọi sơ hở, mà còn gài bẫy để mặc cả, đặt điều kiện ép buộc có lợi cho họ, bất chấp thiệt hại của Giáo Hội, của các linh hồn và của chính bản thân linh mục, tu sĩ. Nếu chẳng may vấp phải, hãy khiêm tốn thành thật trình bày với Bề trên Giáo Hội, các ngài sẽ có cách giúp đỡ giải quyết, càng muốn che đậy càng bị kẹt vì phải chấp nhận hết điều kiện nọ đến điều kiện kia, luôn sống trong bất an và sợ hãi (x. câu chuyện xảy ra tại Ba Lan). Nỗ lực sống trong sáng và triệt để những đòi hỏi của đời tu, thông cảm nâng đỡ anh em và khiêm tốn cầu xin, vì nếu Chúa không thương che chở thì có khi mình đã sa ngã nặng nề hơn. Ngoài ra, nhớ thực hiện năm phương thế sống lành mạnh các mối tương quan vừa nhắc: Nơi chốn gặp gỡ - Thời gian và thời lượng - Khoảng cách thể lý và tâm lý - Sự có mặt của những người thứ ba - Sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.
Trong lãnh vực này, chúng ta đừng quên có ba thứ tội tối kỵ đối với linh mục kèm theo vạ tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh: Lỗi ấn tòa giải tội, khuyến dâm trong tòa và giải tội cho đồng phạm. Chúng ta hãy biết điều đó để tránh khỏi cái vạ rắc rối kia, ai có lỡ mà sa ngã thì đừng giải tội cho người đồng phạm, dù có sợ bị lộ phải xấu hổ, hầu khỏi nguy cơ tội chồng chất thêm tội phạm thánh, sống bất an suốt đời, và khi chết biết đi đâu !?
b. Biện pháp đối với tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục

Những tổn thương lạm dụng tình dục đã và đang xảy ra đó đây do hàng giáo sĩ khiến Giáo Hội đang nỗ lực siết chặt kỷ luật và tìm kiếm các biện pháp thích ứng để sửa chữa, uốn nắn và thanh lọc. Lập trường của ĐTC Biển Đức XVI ‘tuyệt đối không khoan nhượng đối với tội ác đó’. Ngài nhắc trong thư gửi người công giáo Ái Nhĩ Lan: “Những tệ hại đó do các thủ tục thiếu sót trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng của các ứng viên chức linh mục và cuộc sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng liêng trong các chủng viện và tập viện.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước đó, năm 2002, cũng đã nói: “Không có chỗ đứng trong hàng linh mục và trong đời tu trì cho những kẻ làm hại người trẻ... Cần phải giáo dục cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân cũng như trách nhiệm làm cha tinh thần, và cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”.


Quả thật ngày nay đời sống đạo đức của một số linh mục đang thay đổi rất nhiều và xuống cấp vì tình trạng lạm dụng tình dục, không phải chỉ với trẻ em, mà còn lén lút với người lớn, cả nữ tu và người có gia đình nữa, mà mỗi bên đều có thể vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân, như người Miền Trung thường nói “tại cả anh tại cả ả, tại cả và hai”. Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một Thư Luân Lưu143 nhằm giúp các HĐGM trên khắp thế giới soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Bộ yêu cầu mỗi HĐGM gửi về Bộ trước cuối tháng 5 năm 2012 một bản sao những đường hướng và các biện pháp nghiêm khắc vừa nói. Trong các cách xử lý có bao hàm việc áp đặt một hình phạt chung thân như việc rút khỏi bậc giáo sĩ.144

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định tiếp tục đường hướng mà ĐTC Biển Đức XVI đã vạch ra để hành động kiên quyết liên quan đến các trường hợp lạm dụng tính dục. Ngài nói: “không thể ở địa vị có quyền thế để rồi hủy hoại đời một người khác… phải lấy lại “bài sai”, không cho phép người đó thi hành chức linh mục nữa, và nên khởi sự một phiên tòa theo Giáo luật. Tôi nghĩ đó là việc phải làm ngay. Tôi không tin vào việc chủ trương rằng cần phải duy trì một tinh thần hợp đoàn để tránh gây thiệt hại cho hình ảnh của định chế… Tôi ngưỡng mộ sự can đảm và chính trực của Đức Bênêđictô về vấn đề này. Nếu linh mục nào đến cho tôi hay đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi sẵn sàng lắng nghe, rồi từ từ giúp ông hiểu ra rằng luật tự nhiên đã lấn át chức linh mục của ông. Ông phải rời bỏ thừa tác vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ đó đi nữa, vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có một người cha như thế. Tôi cam kết sẽ dàn xếp mọi giấy tờ cho ông ở Rôma, nhưng ông phải rời bỏ mọi sự. Linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn năn, tôi sẵn sàng giúp ông chỗi dậy. Có linh mục chỗi dậy được, có linh mục không. Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với Giám mục của mình… Chỗi dậy là làm việc đền tội, duy trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho ai cả. Tôi không thích lối sống ấy vì nó giả dối, bởi thế tôi thường nói: ‘nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định ra đi145.


Trong bản tuyên bố của Phòng báo chí Tòa Thánh sau cuộc gặp các Giám mục Hòa Lan ngày 2/10/2013 có viết: “Khi Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội đang tiếp tục giải đáp cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, chữa lành các nạn nhân, xử lý người phạm tội, đưa ra các biện pháp hợp động và các môi trường lành mạnh để che chở và bảo vệ các vị thành niên và mọi người yếu thế, điều quan trọng không kém là đánh giá sự thay đổi lớn lao đang diễn ra cả ở hạ tầng lẫn ở các bình diện cao nhất của Giáo Hội trong việc giải quyết sự ác, các hành động phạm pháp lạm dụng tình dục đã xẩy ra… Trong số các ưu tiên của ĐGH Phanxicô, cao nhất chắc chắn là những người phải chịu lạm dụng tình dục trong đời họ. Ngài sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này một cách rõ ràng, trong sáng, cương quyết, công bình, có định hướng và đầy cảm thương146.
ĐTC Phanxicô đã chấp nhận đề nghị của Hội đồng Hồng Y để quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt để bảo vệ trẻ em. Ủy ban sẽ tư vấn cho ĐTC về bảo vệ trẻ em và chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân bị lạm dụng, cách riêng nghiên cứu các chương trình bảo vệ trẻ em hiện nay và đề xuất các sáng kiến ​​mới cho giáo triều Rôma, phối hợp với các Giám mục và HĐGM, các Bề trên Dòng tu  các Hiệp hội Bề trên; giới thiệu những người có khả năng trong lĩnh vực tâm lý hay pháp luật (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) để thực hiện các chương trình này. Ủy ban còn đảm trách các biện pháp chung về việc bảo vệ trẻ vị thành niên; các thủ tục và chiến lược để ngăn ngừa vi phạm; các chương trình dành cho trẻ em, phụ huynh và các giáo lý viên, các chủng sinh và linh mục tiếp xúc với người trẻ; các quy tắc ứng xử, thẩm tra hồ sơ tư pháp, hợp tác với toà án, mục vụ nâng đỡ và trợ giúp tinh thần cho các nạn nhân và gia đình, truyền thông và thông tin cho các tín hữu, đối thoại với các nạn nhân và cải huấn các giáo sĩ vi phạm. ĐTC sẽ sớm phát hành một tài liệu chi tiết147.
Các lãnh đạo HĐGM Mỹ mau mắn tuyên bố hỗ trợ Uỷ ban này của Tòa Thánh. Đức TGM Joseph E. Kurtz, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ giải thích rằng các giám mục Hoa Kỳ đã học được nhiều biện pháp quan trọng (sau khi đã mất 2,2 tỷ mỹ kim, một số giáo phẩm phải từ chức và sáu giáo phận phải tuyên bố phá sản vì không đủ tiền bồi thường do nạn giáo sĩ lạm dụng) để giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng, bao gồm cả kiểm tra lý lịch, giáo dục trẻ em và người lớn về an toàn trẻ em, loại bỏ nhanh chóng người phạm tội, và sự cần thiết các cơ quan Giáo Hội và chính quyền dân sự làm việc cùng nhau148.
Trong cuộc gặp 120 Bề trên Tổng Quyền Dòng Nam ngày 29/11/2013, ĐTC Phanxicô không quên ca ngợi những cố gắng của ĐGH Biển Đức 16 trong việc ngăn chặn nạn giáo sĩ, tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn lọc các ứng viên vào đời sống tu trì, để loại bỏ những người có những lầm lỗi không thể chữa trị được. Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng không phải tất cả chúng ta đều là những người ung thối hư hỏng. Người tội lỗi được chấp nhận, nhưng không thể chấp nhận những người ung thối, hư hỏng” (CNS 3-1-2014).
Trong bài giảng lễ ngày 16/1/2014 tại nhà Martha, khi đề cập đến những gương mù, những xì căng đan trong Giáo Hội, ĐTC Phanxicô mạnh mẽ tố giác các tư tế hư hỏng bằng đặt câu hỏi: “Chúng ta có xấu hổ không? Có bao nhiêu gương mù mà tôi không muốn nêu riêng rẽ ở đây, nhưng tất cả chúng ta đều biết chúng ở đâu. Những xì căng đan mà một số người đã bắt phải trả bao nhiêu tiền. Thật là một ô nhục cho Giáo Hội. Chúng ta xấu hổ vì những xì căng đan, những chiến bại của các linh mục, giám mục, giáo dân? Lời Chúa trong những xì căng đan ấy thật là hiếm hoi! Họ không có quan hệ với Thiên Chúa! Họ có một địa vị trong Giáo Hội, một địa vị quyền lực, và thoải mái. Nhưng lời Chúa thì họ không có… Tội nghiệp dân! Chúng ta không cho họ bánh sự sống để ăn, chúng ta không cho họ chân lý! Thậm chí chúng ta cho họ ăn bánh bị nhiễm độc, bao nhiêu lần! Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đừng bao giờ quên Lời Chúa, xin cho Lời Chúa đi vào tâm hồn chúng ta và không bao giờ quên dân thánh trung thành của Chúa đang xin chúng ta bánh mạnh mẽ!149
Ước gì tất cả những nỗ lực ấy đều nhằm đến sự biến đổi tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn, làm cho nhiều người được hạnh phúc cứu độ và Danh Chúa được cả sáng hơn. Thế mà thật đáng tiếc là ngày 5/2/2014, Ủy ban về quyền trẻ em của LHQ gay gắt cáo buộc Tòa Thánh để mặc nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và thúc giục mở hồ sơ về các người phạm tội ấu dâm cũng như các giáo phẩm che đậy các tội ác của họ, trong khi đó Giáo Hội luôn nhận trách nhiệm đối với các linh mục và giám mục từng góp phần vào việc lạm dụng này, và đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt và hữu hiệu để xử lý các vấn đề này. Ngoài ra Ủy ban này còn chỉ trích Tòa Thánh về các thái độ đối với đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai, đồng thời yêu cầu Tòa Thánh nên duyệt lại các chính sách của mình.
Quả thật, “tài liệu này là dấu hiệu cho thấy thảm kịch ấu dâm được dùng làm cớ để tấn Công Giáo Hội” bằng mưu tính củng cố một đường lối ý thức hệ. Tòa Thánh đã tỏ ý tiếc đối với việc ủy ban LHQ “mưu toan can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và việc thi hành tự do tôn giáo”. Nếu tính đến những phương thuốc thực tế để ngăn ngừa các trường hợp lạm dụng trẻ em qua việc sử dụng luật lệ, các quyết định của các HĐGM và việc huấn luyện các chủng sinh, thì thật khó “mà tìm được các định chế quốc tế hay quốc gia nào khác đã làm được nhiều như thế một cách chuyên biệt để bảo vệ trẻ em, như Giáo Hội Công Giáo”.
TGM Tomasi, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại LHQ cho biết trong Lời Nói Đầu Công Ước Bảo Vệ Trẻ em có nói về việc bảo vệ sự sống và bảo vệ trẻ em trước và sau khi sinh, trong khi ấy khuyến cáo của ủy ban lại khuyên Tòa Thánh phải thay đổi lập trường để cho phép phá thai! Một đứa trẻ bị giết thì làm sao có quyền nữa! Thành thử điều này là một mâu thuẫn thực sự đối với mục tiêu căn bản của Công Ước bảo vệ trẻ em. Ủy Ban này không phục vụ tốt đối với LHQ, khi tìm cách dẫn dụ và yêu cầu Tòa Thánh thay đổi một giáo huấn không thể nào thay đổi được của mình!150
Sơ Mary Ann Walsh, Giám đốc quan hệ truyền thông của HÐGM Hoa Kỳ phê bình báo cáo của Ủy ban LHQ bị mất giá trị khi cố đưa ra những phản đối giáo huấn Công Giáo về vấn đề hôn nhân đồng tính, phá thai và ngừa thai. Ủy ban này sẽ có uy tín hơn nếu nó bảo vệ các quyền cơ bản nhất của một đứa trẻ: đó là quyền được sống. Khi Ủy ban này của LHQ sa đà vào các cuộc chiến tranh văn hóa để thúc đẩy việc phá thai, ngừa thai và hôn nhân đồng tính, nó đang làm xói mòn chính nghĩa cao quý của nó dành cho trẻ em, và bán đứng mối quan tâm về trẻ em cho các chương trình nghị sự khác. Thật là một cơ hội bị đánh mất151.
Và chính ĐTC Phanxicô đã trả lời phỏng vấn của nhật báo Ý Corriere della Sera rằng: “Tôi muốn nói hai điều. Các trường hợp lạm dụng là khủng khiếp vì chúng để lại những vết thương rất sâu. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã rất dũng cảm và đã chỉ rõ con đường. Giáo Hội đã làm rất nhiều trên con đường này. Có lẽ nhiều hơn bất cứ ai. Các thống kê về hiện tượng bạo lực đối với trẻ em gây sốc, nhưng chúng cũng cho thấy rõ ràng rằng phần lớn các vụ lạm dụng diễn ra trong môi trường gia đình và xung quanh gia đình. Giáo Hội Công Giáo có lẽ là cơ cấu công cộng duy nhất đã hành động với tính minh bạch và trách nhiệm. Không có cơ cấu nào khác đã làm được hơn. Thế mà Giáo Hội là người duy nhất bị tấn công152.

Tuy nhiên, qua những mưu tính thù nghịch cách bất công đó mà hiện nay đang có những thế lực vận động tẩy chay Tòa Thánh ra khỏi LHQ để Tòa Thánh không có tiếng nói ở LHQ nữa. Thế giới Công giáo cũng có những nỗ lực ngược lại ký thỉnh nguyện thư bảo vệ sự hiện diện của Tòa Thánh tại LHQ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện và nỗ lực hết mình cho tiếng nói của Chân Lý luôn được vang lên.

Một động thái mới nhất của Tòa Thánh là Uỷ ban bảo vệ trẻ vị thành niên – được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập ngày 22/03/2014 với 8 thành viên– đã có cuộc họp đầu tiên từ ngày 1-3/5/2014 tại Nhà khách Santa Martha. Uỷ ban bàn thảo về bản chất và phạm vi công việc của mình, cũng như việc phối hợp các thành viên đại diện cho các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới153. Ủy Ban tuyên bố: “Đang khi cùng nhau bắt đầu công việc của mình, chúng tôi mong muốn bày tỏ tình liên đới sâu xa của chúng tôi đến tất cả các nạn nhân, trẻ em hay người lớn tuổi yếu thế, đã chịu những lạm dụng tình dục, và chúng tôi muốn cho thấy rằng từ khởi đầu công việc, chúng tôi đã thông qua nguyên tắc rằng thiện ích của một trẻ em hay của một người lớn tuổi yếu thế là ưu tiên trong mọi quyết định được đưa ra”.

Với tư cách một Uỷ ban  vấn cho Đức Thánh Cha, vào lúc thích hợp chúng tôi sẽ đưa ra các sáng kiến ​​để khuyến khích các địa phương trên toàn thế giới nhận trách nhiệm và chia sẻ với nhau các “thực hành tốt nhất” để bảo vệ tất cả trẻ vị thành niên, bao gồm các chương trình huấn luyện, giáo dục, đào tạo, và ứng phó với nạn lạm dụng. Chúng tôi cho rằng việc bảo đảm nhận trách nhiệm trong Giáo hội  đặc biệt quan trọng, bao gồm việc khai triển các cách thức cho việc tố tụng được hiệu quả và minh bạch.

Chúng tôi muốn trình bày những đề nghị đặc thù nhấn mạnh những con đường phải theo để giúp người ta nhạy bén với những hậu quả bi thảm của những cuộc lạm dụng tình dục và những hậu quả tai hại của việc thiếu lắng nghe, thiếu những báo cáo trong trường hợp có nghi ngờ lạm dụng, và thiếu nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và gia đình của họ… chúng tôi dấn thân với những người thiện chí để bảo đảm rằng các trẻ em và những người lớn tuổi yếu thế được bảo vệ khỏi những cuộc lạm dụng. Chúng tôi xin tất cả những ai muốn nâng đỡ công việc của Ủy ban cầu nguyện cho chúng tôi154

Những ngày 10-13/6/2014, tại thủ đô Luân Đôn của Anh quốc, diễn ra Hội Nghị Quốc tế về Bạo Lực Tình Dục Chống Lại Các Trẻ Em, với sự tham dự của 140 ngoại trưởng, đại diện của nhiều tổ chức dân sự, quân đội, pháp luật và các tổ chức phi chính phủ. Phong trào “Cứu Các Trẻ Em”, khởi đầu từ tháng 4/2013, nhận định rằng môi trường xã hội và hệ thống giáo dục ngày nay khiến cho trẻ em bị quá nhiều áp lực cướp mất tuổi thơ hồn nhiên của chúng, và gây ra rất nhiều chấn thương thể lý cũng như tâm lý làm tổn hại cho cuộc sống. Theo ước tính của phong trào, hiện nay trên thế giới có khoảng 30 triệu trẻ em vị thành niên là nạn nhân bạo lực tình dục trong hay sau các cuộc chiến và xung khắc đó đây trên thế giới. Phong trào hiện diện trong hội nghị quốc tế tại London với các đại diện và trẻ em nạn nhân bạo lực tình dục để mạnh mẽ yêu cầu các chính quyền hiện diện đưa vào chương trình hội nghị việc chống lại các hãm hiếp thể lý và tâm lý đối với các trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, bằng cách chấm dứt tình trạng không trừng phạt các thủ phạm. Bạo lực tính dục ám chỉ mọi hành động, mưu toan hay đe dọa có tính cách tính dục gây ra hay có thể gây ra đau đớn và khổ đau tâm lý, thể lý hay xúc cảm cho một cá nhân. Và nó bao gồm việc lạm dụng tính dục và khai thác tình dục. Thuộc loại này còn có các vụ hãm hiếp, loạn luân, các sách nhiễu tình dục, cưỡng bách mại dâm, nô lệ tình dục, và buôn bán cơ phận người nhằm mục đích khai thác tình dục155.


Trong bài giảng lễ cầu cho nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục ngày 7/7/2014 tại Nhà Matta với một số nạn nhân cùng gia đình và Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô nói lên nỗi buồn đau của mình: “tôi cảm thấy buồn khổ và đau đớn trước sự kiện có một số vị linh mục và giám mục, bằng việc lạm dụng tình dục các em vị thành niên, đã phạm đến tính chất ngây thơ vô tội của họ cũng như đến ơn gọi linh mục của mình, vượt trên cả những hành động đáng khinh ghét. Nó như là một thứ tôn sùng phạm thánh, vì những em trai em gái ấy được trao phó cho linh mục để được mang đến cùng Thiên Chúa, thì họ đã hiến tế cho ngẫu tượng tình dục của mình. Họ tục hóa chính hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta giống như Ngài”.
ĐTC Phanxicô mô tả các hậu quả gây nên bởi tội giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em: “Giáo Hội xin được ơn khóc lóc trước những hành vi lạm dụng cực kỳ xấu xa đã lưu lại các vết sẹo cả đời. Tôi biết rằng những vết thương này là nguồn đau đớn da diết sâu xa và thường xuyên về cảm xúc cũng như thiêng liêng, thậm chí đến thất vọng chán chường. Nhiều người đã chịu đựng như thế cũng đã tìm vơi đi trong nghiện ngập. Những người khác đã trải qua những khó khăn khổ đau  trong mối liên hệ với cha mẹ, vợ chồng và con cái. Một số người thậm chí đã phải đương đầu với thảm họa kinh hoàng tự tử. Các cái chết của những con cái rất yêu dấu của Thiên Chúa này đã đè nặng trên tâm can và lương tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội… Tội lỗi lạm dụng tình dục của giáo sĩ phạm đến những em vị thành niên có một tác dụng độc hại trên đức tin và đức cậy vào Thiên Chúa. Một số đã giữ vững đức tin, trong khi đó có những người cảm nghiệm bị lừa đảo và bỏ rơi nên đã mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa’.
Thế rồi Ngài bày tỏ lập trường và kế hoạch hành động trong tương lai: “Không có chỗ đứng trong thừa tác vụ của Giáo Hội cho những ai phạm đến những thứ lạm dụng ấy, và tôi tự hứa rằng sẽ không dung nhượng cho bất cứ tác hại nào gây ra cho một em nhỏ bởi bất cứ cá nhân nào, dù là giáo sĩ hay không. Tất cả mọi vị Giám Mục cần phải thi hành thừa tác mục vụ của mình một cách hết sức cẩn thận để giúp bảo trì việc bảo vệ vị thành niên, và các vị sẽ bị trả lẽ về vấn đề này… Chúng tôi sẽ tiếp tục tỉnh táo trong vấn đề huấn luyện linh mục. Tôi tin tưởng vào các phần tử thuộc Ủy Ban Tòa Thánh Bảo Vệ Trẻ Em. Tôi xin được sự nâng đỡ này để bảo đảm rằng chúng ta phác họa những qui chế cùng với những phương sách tốt đẹp hơn trong Giáo Hội hoàn vũ để bảo vệ vị thành niên cũng như để huấn luyện nhân viên của Giáo Hội áp dụng những qui chế và phương sách ấy. Chúng ta cần phải làm hết sức có thể để bảo đảm rằng những tội lỗi này không còn chỗ đứng nữa trong Giáo Hội”.

Sau cùng, ĐTC xin lỗi và xin cầu nguyện cho Ngài: “Trước nhan Thiên Chúa và dân của Ngài, tôi xin bày tỏ niềm sầu thương của tôi về tội lỗi và các tội ác trầm trọng lạm dụng tình dục của giáo sĩ đã phạm đến anh chị em. Và tôi khiêm tốn xin anh chị em tha thứ. Tôi cũng xin anh chị em tha thứ cả các tội lỗi không chịu ra tay giải quyết về phía các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, những vị không đáp ứng một cách thích đáng trước việc tường trình lạm dụng do gia đình nạn nhân, cũng như bởi chính nạn nhân. Điều ấy lại càng gây ra khổ đau hơn nữa nơi những ai bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho các trẻ em vị thành niên có thể bị nguy cơ lạm dụng… Xin cầu nguyện cho tôi, để đôi mắt của lòng tôi thấy được một cách rõ ràng con đường của tình yêu nhân hậu, và để Thiên Chúa ban cho tôi lòng can đảm kiên trì trên con đường này vì thiện ích của tất cả mọi trẻ em và giới trẻ”156.


Jean-Marie Guénois, trong Le Figaro ngày 7/7/2014, nói rằng hiếm khi ĐTC có sự lên án mãnh liệt như thế đối với thái độ của Giáo hội trong quá khứ về việc này. Lần đầu tiên, ngài tố cáo sự tòng phạm không giải thích được của một số giám chức trong giáo quyền đã lâu ngày che giấu, ngụy trang cho các linh mục, giám mục phạm những tội ác và tội trọng này bằng việc thuyên chuyển các linh mục vi phạm từ giáo xứ này qua giáo xứ khác mà không báo trước cho các cộng đoàn tiếp nhận và những người có trách nhiệm biết tình trạng này… ĐTC Phanxicô cám ơn các nạn nhân và gia đình họ đã can đảm bẻ gãy sự im lặng này rằng “quý vị đã rọi ánh sáng lên mảng đen tối khủng khiếp này của Giáo Hội”.

Trong buổi sáng cùng ngày, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ sáu nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục gồm ba người đàn ông và ba phụ nữ từ Anh, Ái Nhĩ Lan và Đức, hơn nửa giờ riêng từng người, lắng nghe những câu chuyện và kinh nghiệm của họ, rất cảm động, rất thấu hiểu và biết ơn, không chỉ các nạn nhân mà cả ĐGH nữa. Ngài cam kết: “Chúng ta cần phải tiến lên phía trước trong chuyện này với chính sách Zero tolerance” (tức là hoàn toàn không khoan nhượng)… Một linh mục gây ra điều này là phản bội lại Nhiệm Thể Chúa, bởi vì các linh mục cần phải dẫn cậu bé này, cô gái này, người thanh niên này, người phụ nữ trẻ này, nên thánh. Và cậu bé này, cô gái này tin tưởng nơi vị linh mục. Thế mà thay vì đưa họ đến sự thánh thiện, lại lạm dụng họ. Thật là một tội lỗi rất nghiêm trọng”.

Quả thế, trong một diễn biến khác, hôm 4/7/2014, Đức TGM Silvano Tomasi, đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Geneva nói rằng “việc huyền chức Józef Wesolowski (cựu sứ thần Tòa Thánh ở Cộng hòa Dominica) là dấu chỉ cho thấy Tòa Thánh rất nghiêm chỉnh trong việc giải quyết vấn đề lạm dụng”, như thông cáo hôm 27/6/2014 của Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Józef Wesolowski, 66 tuổi, (đã từng là sứ thần hay khâm sứ Tòa Thánh tại các nước Trung Á như Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgzystan và Uzbekistan trước khi được bổ nhiệm đến Cộng hòa Dominica), đã bị triệu hồi về Rôma và đã bị huyền chức vì bị cáo buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại Cộng hòa Dominica, nghĩa là bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ và từ nay chỉ là một giáo dân bình thường. Sau tiến trình xét xử giáo luật, tiến trình tố tụng hình sự sẽ tiếp tục tại các tòa án dân sự của Tòa Thánh Vatican157.

Về cuộc gặp gỡ này, nhà báo Inés San Martín ghi lại trên trang bostonglobe.com rằng Peter Saunders (người Anh) đã bị một người trong gia đình, một giáo viên, hai linh mục trường Công giáo xâm phạm tình dục trong khoảng từ năm 8 đến 13 tuổi. Ông là một trong sáu nạn nhân gặp Đức Phanxicô vào ngày thứ hai 7-7 vừa qua, ông kể lại cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời: Người mà tôi gặp hôm nay, tôi không nghĩ đó là người sẽ bỏ rơi chúng tôi. Ngài là một kiểu giáo hoàng khác. Chắc chắn ngài là giáo hoàng của người dân, là mẫu linh mục của các linh mục, một người của giáo dân… Có thể nói một cách chân thành, tôi đã ngồi, đã nhìn vào mắt của một người, người đó là giáo hoàng. Và tôi đã tìm được một người trung thực và chân thành, đầy tình yêu thương và như thế là quá đủ đối với tôi, bởi vì không một ai trong chúng ta là người hoàn hảo. Sáng nay tôi đã xin Đức giáo hoàng hướng dẫn các linh mục, các giám mục để họ cùng bắt tay làm việc với chính quyền khi có một nguy cơ nào đó sẽ xảy ra cho trẻ em. Ngài gật đầu đồng ý. Ngài không nói nhiều, nhưng tôi nghĩ ngài hiểu người khác khi họ nói với ngài. Tôi tin ở ngài và tôi hy vọng ngài không phụ lòng tin này… Tôi cầu nguyện để ngài gởi sứ điệp cho từng giám mục và từng địa phận trên toàn thế giới để họ sẽ không bao giờ che giấu những chuyện như thế này nữa… Ông Saunders biểu lộ sự lạc quan của mình khi Đức Phanxicô hứa không chấp nhận và không đầu hàng vấn đề này… vì lạm dụng tình dục làm tổn thương về mặt thể xác, nhưng cũng tổn thương về mặt tinh thần mà nhiều khi không phục hồi được.

Còn nhà báo Elisabeth de Baudoüin viết ngày 10-7-2014 rằng các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục đã gặp Đức Phanxicô cho biết họ rất ấn tượng về thái độ của ngài, một thái độ lắng nghe và thương cảm… Bà Marie Kane, 43 tuổi người Ai-len, bị một linh mục lạm dụng tình dục trong khoảng thời gian bà từ 15 đến 18 tuổi. Marie Kane kể bà rất ấn tượng về thái độ của Đức Phanxicô: tính khiêm tốn, tính dơn sơ, lòng chân thành và lúc nào cũng sẵn sàng nghe người đối diện. “Ngài nói chuyện với tôi mà không khi nào nhìn đồng hồ. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái, thanh thản”. Vì thế, bà đã mở lòng ra một cách tự nhiên. Một nạn nhân khác kể lại rằng bà cảm thấy như ánh mắt của Chúa Giêsu đang nhìn bà. Các người khác đã xúc động khi thấy Đức Phanxicô xin lỗi họ như ngài là người phạm tội, ngài nhìn thẳng vào họ, không che tránh. Về trường hợp những người che giấu các vụ lạm dụng, bà Marie Kane nói “thật là tai tiếng nếu cứ để những người che giấu tội ác vẫn còn giữ chức vụ trong phẩm trật Giáo hội” và “Giáo hội sẽ chẳng thay đổi gì nếu những người này vẫn giữ chức vụ của họ”. Đức Phanxicô đã đồng ý, vì trên máy bay từ Đất Thánh về Vatican, Ngài đã khẳng định với các ký giả: “Về vấn đề này thì không có chuyện cha che cho con”.

Theo cha Hans Zollner (thành viên Ủy ban Bảo vệ Trẻ Vị Thành Niên của Tòa Thánh, cũng là Giám đốc Đại học Grégoria), Giáo hội ở khắp nơi trên thế giới đã làm rất nhiều, nhất là qua việc đào tạo các chủng sinh để tránh có thêm các nạn nhân mới cũng như phải xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục. Nhưng vẫn còn rất nhiều chuyện cần phải làm. Dù sao, Đức Phanxicô đã quyết tâm đi đến cùng… Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên đã tái nhóm với các phản hồi tích cực xung quanh cuộc gặp gỡ này, và một trong những đề xuất là mở rộng Ủy ban từ 8 lên đến 15 thành viên, thêm đại diện từ châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi158.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Giáo Hội năm 2012, có khoảng 414.000 linh mục Công giáo Rôma trên thế giới, trong đó khoảng hai phần trăm là những kẻ lạm dụng tình dục’. Chính ĐTC Phanxicô tuyên bố: “Nhiều người trong số cộng tác viên của tôi đã cùng tôi chiến đấu chống lại tội ấu dâm trấn an tôi với số liệu thống kê đáng tin cậy về mức độ ấu dâm trong Giáo Hội là khoảng hai phần trăm’. Một tờ báo Ý vào ngày Chủ Nhật (13/7/2014) dẫn lời Đức Thánh Cha cho biết thêm rằng ĐGH coi tội phạm này là một thứ ‘phung hủi trong nhà của chúng tôi’159.
Chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện và nỗ lực cải thiện tốt hơn mỗi ngày đời sống và sứ vụ linh mục/tu sĩ của chúng ta bằng việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa cùng giáo huấn của Giáo Hội. Xin cho Lời Chúa thực sự soi sáng trí khôn, mời gọi tới đức tin, mở lớn niềm hy vọng, thức tỉnh và đổi mới tình yêu của chúng ta: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người160. Chúng ta hãy đặt cuộc sống mình dưới sức mạnh của Lời Chúa và làm cho Lời Chúa phát sinh hiệu quả: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.161



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương