Tìm Hiểu SÁu phái triết họC ẤN ĐỘ ht. Mãn Giác


III.HỌC PHÁI MÌMÀMÏSÀ (DI MAN TÁC)



tải về 1.03 Mb.
trang35/37
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích1.03 Mb.
#33722
1   ...   29   30   31   32   33   34   35   36   37

III.HỌC PHÁI MÌMÀMÏSÀ (DI MAN TÁC)


Những triết gia Mìmàmïsà là những nhà nghiên cứu và biện luận trên căn bản triết lý để chú thích biện minh và thống nhất tất cả những nghi thức về tế lễ kỳ đảo, quy định lại những bộ thánh điển Vedas. Khoa học vấn này gọi là Tế sự học Mìmàmïsà (Karina-Mìmàmïsà). “Mìmàmïsà” có nghĩa thẩm sát và khảo cứu. Môn học này do triết gia Jaimini (khoảng 200-100 tdl) sáng lập. Tuy nhiên, tác phẩm của ông viết ra mới chỉ là những bài thơ ngắn về ý nghĩa tế tự để cầu tụng trong những cuộc lễ bái mà thôi. Khoảng 100 năm sau (thế kỷ I dl), một nhóm học giả kế thừa chí nguyện và ý tưởng của Jaimini viết thành kinh điển Mìmàmïsà-sùtra có hệ thống quy mô để truyền bá. Sau nhóm này, vào khoảng những năm 550 sdl trở lại, triết gia Sabarasvamin mới thành lập hẳn đường lối chú giải và biện minh những tương quan giữa thánh kinh Vedas và Mìmàmïsà-sùtra thành hệ thống riêng của học phái trong bộ Bhàsya của ông.

Để nghi thức hóa những cuộc tế lễ một cách cụ thể, học phái Mìmàmïsà chú trọng hơn cả vào biện minh về chữ Pháp (Dharma). Theo quy định trong kinh điển Vedas, Pháp là những nguyên tắc làm căn bản cho quan niệm về nghi thức và đường lối thực hành cùng tổ chức tế lễ. Cho nên, Pháp có giá trị tối thượng trong lĩnh vực đạo giáo Bà La Môn. Về hình thức tổ chức tế lễ theo Pháp là cần phải định rõ ba cấp bậc của thần minh mà thiết lập, thì tế lễ mới được linh ứng như sở cầu của tín đồ.

Về ý nghĩa siêu hình của Pháp, theo Mìmàmïsà, muốn được tỏ rõ phải dựa vào những lẽ cao xa tuyệt đối của thánh điển Vedas mà chứng luận mới được. Nếu không dựa vào thánh điển mà chứng luận, dẫu biện minh đến thế nào đi nữa cũng đều là phi pháp cả. Học phái này tin tưởng như vậy vì cho rằng thánh điển Vedas không thể do học giả phàm nhân trước tác nên nổi, mà toàn bộ thuần là những lời cực cao diệu của thần minh, có tính cách vĩnh tồn siêu thời gian. Dầu vạn vật có biến đổi, sinh sinh diệt diệt qua muôn vạn kiếp đi chăng nữa, thánh điển vẫn còn mãi mãi, bởi đó là lời nói của thần.

Về “âm thanh”, phái Mìmàmïsà chủ trương “thanh thường luận” vì đó là những âm vận in đậm vào cùng khắp không gian với thường trú tính nên cứ tự lưu truyền đến vĩnh viễn, không thể nào tan mất được. Thế nên, thánh kinh Vedas không phải là văn chương phàm nhân mà là lời nói của thần minh in đậm ra, gởi vào đấy. Vì vậy, thánh kinh mới có tự nhiên thường trú tính. Nếu ai cho rằng, lời nói chỉ là một loại âm thanh, nói ra rồi tan đi, là ngộ nhận lớn về giá trị của lời nói. Lời nói là cái cầu môi giới xây bằng âm thanh để biểu lộ những ý nghĩa của tư tưởng, mà tư tưởng là tinh thần, mà tinh thần là vĩnh cửu cho nên lời nói bao giờ cũng đồng nhất thường trú với tinh thần.

Triết gia Upavarsa (450-500 sdl) cho rằng, lời nói là âm của chữ varna do thần minh nghĩ ra để có cách truyền mệnh lệnh của đấng Thượng tôn xuống dân gian. Cho nên thế nhân, dầu kinh nghiệm và khôn ngoan sung mãn đến mấy, cũng không thể nào chế ra được văn tự, vì văn tự chính là công nghiệp của thần minh lưu lại cho nhân loại. Thánh điển Vedas gồm cả lời nói lẫn văn tự thì đâu có phải là sách vở, mà là giáo lệnh (codana). Cho nên, con người chỉ có phận sự tuyệt đối phụng tuân giáo điều và phục tùng mệnh lệnh của Thánh kinh mà thôi. Việc tuân phụng phục tùng ấy gọi là Pháp.

Riêng về những nghi thức tế lễ do học phái Mimamïsa quy định thì học phái này khuyến hóa rằng, nếu tổ chức tế lễ theo đúng như thể thức và tụng nguyện cầu khẩn y như văn bài là được hưởng phúc “dư lực” cả về phần thể lẫn phần hồn. Những người được hưởng phúc dư lực này, đều được chư thần xếp vào hạng tân đắc lực (apuvra). Khi đã được nhập hạng tân đắc lực mà vẫn nhất tâm tuân phụng chính đạo theo Mìmàmïsà-sùtra, theo thiện ý của thánh kinh Vedas, thì sẽ được dẫn độ lai sinh, vĩnh viễn được vinh hoa (abhyudaya), phúc lạc nơi thiên giới.

---o0o---


IV.HỌC PHÁI VAISÙESÏIKA (THẮNG LUẬN)


Tương truyền, triết gia sáng lập nên học phái Vaisùesïika là Kanada (biệt danh là Uluka, 150-50 tdl). Tuy nhiên, mãi đến khoảng giữa thế kỷ II sdl, học phái này mới trước tác được kinh điển căn bản, gọi chung là Vaisùesïika-sùtra.

Luận thuyết căn bản của Thắng luận là phân định về tiềm năng trí thức nơi con người. Trí thức sở dĩ thành tựu là do tri giác trực tiếp tức hiện lượng và suy luận tức tỉ lượng. Đối với các học phái triết học lấy kinh điển Vedas làm thành ngữ tối uy và thượng kính, Vaisùesïika cho rằng chỉ có thể lấy những kinh điển này làm phương tiện nghiên cứu và suy luận để trau giồi tri thức thì được, nếu chỉ một mực đề cao mà không nhận định là tự mình làm lạc mất quyền độc lập tư tưởng của mình. Học phái này cũng bài xích luận điệu cho lời nói là sự nghiệp của thần minh tạo nên cho nhân loại có tính cách thiêng liêng thường trú tính. Theo Thắng luận, “lời nói chỉ là tiện nghi của thói quen, con người dùng để phổ biến những ý kiến của tư tưởng. Lời nói do từ trực giác mà nảy sinh, rồi kinh nghiệm bồi bổ cho tri thức mà trở nên phong phú, chứ không do thần thánh nào tạo lập”.

Căn cứ từ trí thức mà suy luận về vũ trụ, Thắng luận cho rằng vạn vật trong hiện tượng giới sở dĩ cấu tạo nên được là do sáu nguyên lý hay gọi là sáu cú nghĩa (padarthas).

1. Thực thể, Thực

2. Tính chất, Đức

3. Vận động, Nghiệp

4. Phổ biến, Đồng

5. Đặc thù, Dị

6. Nội thuộc, Hòa hợp.

Trong sáu nguyên lý này, thực thể bao trùm cả năm nguyên lý kia. Nói cách khác, năm nguyên lý kia phải lấy nguyên lý thực thể làm căn cứ tạo thành và tồn tại. Do đấy, thực thể mới là nội thuộc nhân (samavayi-karana) hay là hợp nhân tổng quát. Ngược lại, nguyên lý tính chất và vận động lại là nội chất, là nội cơ tùy thuộc riêng của thực thể. Chúng phối hợp với ba nguyên lý kia mà thành thực hình thực trạng, gọi đấy là kết quả (tức là quả). Vậy cả sáu nguyên lý để nguyên là riêng rẽ, nhưng hợp lại thì nguyên lý nọ tùy thuộc nguyên lý kia, cũng ước chế lẫn nhau mà thành. Sự tòng thuộc và chế ước ấy là nguyên nhân, và thanh ấy là kết quả. Từ nguyên nhân đến kết quả lại tùy cơ mà có nhanh có chậm, không nhất thiết phải liên đới nhau trong khoảng trước, khoảng sau nhất định. Đấy là tổng quy về nội thuộc nguyên lý chung. Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ riêng hai nguyên lý: tính chất (đức) và vận động (nghiệp) cũng tạo nên nhân để mà thành quả. Những trường hợp xuất lệ ấy, gọi là phi nội thuộc nhân (asamavayi-karana).

Nguyên lý thực thể do hợp nhân mà tạo thành chín thể loại khác trên thế gian là: địa, thủy, hỏa, phong (gọi chung là tứ đại), hư không, thời gian, phương hướng, atman (hay bản ngã) và ý. Riêng về tứ đại, tuy hình thế có khác, nhưng căn bản đều do hằng hà nguyên tử mà thành. Nguyên tử là độc lập đơn thuần, cực vi tế, hình tròn và bất khả hủy diệt. Tính chất của nguyên tử là khi hợp lại thành địa ấy tức là hương, thành thủy ấy là vị, thành hỏa ấy là sắc, thành phong ấy là xúc. Riêng thủy và hỏa còn có hữu tính đặc nữa, là thủy thì lạnh mà hỏa thì nóng và con người không thể biết được nguyên căn của lạnh và nóng, vì những nguyên tử cấu thành lạnh và nóng ấy đều là loại nguyên tử phức hợp thể, chỉ do trí giác của cảm quan mới nhận biết được mà thôi.

Sức mạnh của nguyên lý vận động (nghiệp) trong thời buổi sơ khai để cấu kết thành hình hài và đặc hữu tính gọi là bất khả kiến (adrïsïtïa). Kết quả tạo thành vật thể của bất khả kiến ấy là:

- Địa, có hương, vị, sắc và xúc tính.

- Thủy, có vị, sắc, xúc tính, lưu động tính (tính này gọi là dịch thể) và niêm trước tính (tức là tính tạo sức hút nối gắn các vật thể khác lại với nhau).

- Hỏa, có sắc và khả xúc tính.

- Phong, có khả xúc tính.

- Hư không là môi trường vận động bao la đến vô cùng vô tận của thực thể. Đó là nơi duy nhất thường trú, duy nhất biến hóa và duy nhất tồn tại của thực thể. Đặc hữu tính của hư không là âm thanh nhưng hư không không có vận động tính.

- Thời gian, tùy theo nhận thức chủ quan mà thực thể của nó là trước, là sau, là bây giờ, là nhanh, là chậm, nhưng vốn nó chỉ là dòng tương tục duy nhất vô thủy vô chung, vô hoạt động, vô tính chất.

- Phương hướng, cụ thể là tứ phương, tứ duy1. Đặc hữu tính của nó là trước, là sau, là xa, là gần.

Sự tồn tại của bản ngã (atman) là một sự tồn tại thực sự không phải là giả, là hư. Vaisesika chứng minh như sau: Người sống khác với người chết là ở nơi có hơi thở, ở cặp mắt có linh hoạt, ở ý tưởng có lưu chuyển. Hơn nữa, người sống có những hiệu năng linh diệu của cảm quan để tạo cảm giác và thông cảm với cảm quan của người khác, của sinh vật khác. Ngoài ra, người sống còn có bộ máy tri giác để biết khoái cảm đam mê, biết chán nản từ bỏ, có sở thích để mà tìm đến sở cầu, đòi thỏa mãn khát dục, yêu cái tốt, ghét cái xấu, quyết chí quyết tâm, nuôi dưỡng tinh thần thêm hứng khởi và thâu nhập kinh nghiệm. Vì thế, không thể bảo không có sự tồn tại của bản ngã. Đã biết có bản ngã, ta cũng cần rõ đến nguyên bản và tính cách hoạt động của bản ngã. Nguyên bản của bản ngã là duy nhất thể, rồi bị cấu xé thành từng hạn định nhỏ một, đem phân phối vào cá thể mỗi người. Một phần nhỏ ấy tạo thành cá tính sinh động của mỗi người.

Cá tính sinh động ấy là “ta” hay “chủ thể của ta”. Chủ thể đã là của ta, nên mọi đường lối suy nghĩ và ý niệm (ý) phát tự nơi ta cũng là thực thể của ta. Nói cách khác, ý ấy đích thị là vật chất. Thân thể là vật chất, ý là vật chất. Như thế, con người là duy nhất thể, trong đó có sinh lực hoạt động với tốc độ mau như điện. Cả vật thể lẫn sinh lực ấy cùng ở trong một khối lượng đại nguyên tử có bao hàm cơ quan cảm giác. Cơ quan này phối hợp ý làm thành tri giác. Vậy, vật thể, cảm giác, ý, tư và tri giác của ta ấy là Atman của ta.

Về tính chất hay đức (guna), Thắng luận công nhận có mười bảy thứ:

1. Sắc                                           10. Bỉ thể (vật kia)

2. Hương                                      11. Thử thể (vật này)

3. Vị                                              12. Tác dụng tri giác

4. Khả xúc tính                              13. Khoái cảm (lạc)

5. Số                                             14. Bất khoái cảm (khổ)

6. Lượng                                       15. Dục cầu (dục)

7. Biệt dị tính (biệt thể)                  16. Hiềm ố (sân)

8. Kết hợp                                     17. Quyết chí (cần, dũng)

9. Phân ly

Về vận động (karman), nghiệp có năm thứ:

                                         1. bay lên

                                         2. rơi xuống

                                         3. rút lại

                                         4. trương ra

                                         5. tiến hành

Về phổ biến hay đồng (samanaya) và đặc thù hay dị (visesa), Thắng luận cho rằng, hai nguyên lý này vừa ứng lẫn nhau, vừa đối lẫn nhau. Ứng lẫn nhau vì có phổ biến thành đồng nhất tính mới có hoạt động để biến thành đặc thù. Đối lẫn nhau vì phổ biến nguyên lý trên thượng tầng bao quát để hòa đồng mà đặc thù thì ở hạ tầng cá biệt, nằm tại mỗi nguyên tử để cố định tạo dị thù, dị thể (biến dị). Bao quát trên khắp thượng tầng để hòa đồng các nguyên lý cho nên phổ biến là nguyên lý hữu tính. Còn nằm tại mỗi nguyên tử để cố định tạo dị thù, cho nên nguyên lý đặc thù là nguyên lý cực đoan. Mọi vật thể đều nằm trong cái thế giằng co, buông phóng để hòa đồng của phổ biến (đồng) và để tạo dị thù của đặc thù (dị) nên vật thể nào cũng có phổ biến đặc thù tính.

Bốn nguyên lý: tính chất, vận động, phổ biến, đặc thù đều độc lập nhưng không bao giờ xa rời nhau. Chúng cùng kết hợp nhau mà nằm trong thực thể để nuôi dưỡng thực thể. Như thế, thực thể là nội thuộc nguyên lý (samavaya). Nói cách khác, nguyên lý có nội thuộc tính để bao dung và dưỡng tạo.

Với kinh điển Vedas, Thắng luận công nhận cũng có giá trị ở những phần có giá trị, chứ không phải là tuyệt đối. Do đó, phái này bài bác chủ trương lễ bái, tích lũy khổ tu qua nhiều đời để đạt cứu cánh giải thoát của kinh điển. Thắng luận giải thích rằng muốn giải thoát phải nghiên cứu rất nhiều để thấu triệt sáu cú nghĩa rồi mới tu hành. Phải biết rằng, Atman nơi con người nhiều khi bị ý dục che lấp cho nên Atman cũng bị nhục thể đưa vào vòng ám muội. Vì vậy, để giải thoát Atman cá ngã, trước phải tự chế ý dục của mình theo phương pháp Yoga. Khi đã được giải thoát, phần Atman của ta được tháo ra khỏi vòng hòa hợp của 6 cú nghĩa để mà vĩnh viễn tự tồn, bất sinh bất diệt.

---o0o---




tải về 1.03 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   29   30   31   32   33   34   35   36   37




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương