TÀi liệu bồi dưỠng kiến thức cải cách hành chính nhà NƯỚc ban hành kèm theo Quyết định số 1296/QĐ-ubnd ngày


CHUYÊN ĐỀ 5 NGHIỆP VỤ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH



tải về 5.53 Mb.
trang21/30
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích5.53 Mb.
#38347
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   30

CHUYÊN ĐỀ 5
NGHIỆP VỤ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.




PHẦN A
NGHIỆP VỤ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH
HÀNH CHÍNH




I. VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN TRONG VIỆC THÚC ĐẨY CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH


Công tác cải cách hành chính thời gian qua đã được các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện, tạo ra những chuyển biến tích cực của nền hành chính, đó là: hệ thống thể chế từng bước được hoàn thiện; bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hoạt động công vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện theo hướng hành chính phục vụ, giảm phiền hà, giảm thời gian giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp. Có được những kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính là một trong những yếu tố quan trọng.

Một trong những vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền đó là phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính đến với các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều nỗ lực trong việc bố trí thời gian phát sóng, đầu tư nghiên cứu thiết kế các nội dung trong chuyên mục cải cách hành chính cho phù hợp với từng thời điểm phát sóng, đối tượng tuyên truyền.

Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính đã có tác động những tác động lớn đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cải cách thủ tục hành chính, các chính sách thu hút đầu tư của các bộ, ngành và địa phương đã được các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận và thực hiện các dự án đầu tư của mình một cách hiệu quả.

Không chỉ vậy, công tác thông tin, tuyên truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các mối quan hệ, giúp mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Việc tuyên truyền những nỗ lực cải cách hành chính thời gian qua đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và từng bước tạo được niềm tin của người dân, xã hội vào các chính sách cải cách của Nhà nước. Người dân khi giao dịch với cơ quan nhà nước đã thuận lợi hơn rất nhiều khi mà quy trình thủ tục được đơn giản hóa tối đa và cán bộ, công chức đã được nâng cao trình độ chuyên môn và có thái độ thân thiện hơn, tận tình phục vụ nhân dân.

Tóm lại, công tác thông tin, tuyên truyền đang và sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cải cách hành chính ở nước ta nhất là trong bối cảnh các ngành, các cấp đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2001 - 2010


Thời gian qua, công tác tuyên truyền về cải cách hành chính chủ yếu tập trung vào những nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 (được phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ -sau đây gọi chung là Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg). Để thực hiện tuyên truyền cải cách hành chính có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 (Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg ngày 03/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ - sau đây gọi chung là Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg). Theo đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch UBND các cấp, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ , quyền hạn, tổ chức triển khai công tác tuyên truyền cải cách hành chính theo các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg.

Sau thời gian thực hiện, đến nay công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính đã đạt được một số kết quả như sau:


1. Kết quả thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương


1.1. Kết quả công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính tại Bộ Nội vụ

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã triển khai nhiệm vụ tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 dưới nhiều hình thức, biện pháp cụ thể:

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan truyền thông, báo chí xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cải cách hành chính như Tạp chí Tổ chức nhà nước, Viện khoa học tổ chức nhà nước, Trung tâm thông tin, Tạp chí Quản lý nhà nước thuộc Học viện hành chính Quốc gia.

Tạp chí Tổ chức nhà nước là đơn vị thực hiện tuyên truyền cải cách hành chính sớm nhất của Bộ Nội vụ, từ tháng 3/1996 đã xây dựng được chuyên trang cải cách hành chính. Từ khi có Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận hoặc giới thiệu những kinh nghiệm hay, những mô hình hiệu quả và cả những bình luận đa chiều từ các chuyên gia, các nhà quản lý đối với từng nội dung cụ thể của Chương trình tổng thể.

Trang tin điện tử về cải cách hành chính nhà nước (website) đã được Bộ Nội vụ xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2005 theo Quyết định số 2343/QĐ-BNV ngày 08/12/2004 của Bộ Nội vụ (địa chỉ website là www.caicachhanhchinh.gov.vn). Sau gần 8 năm hoạt động, Website đã có nhiều điều chỉnh, nâng cấp cả về nội dung, hình thức và công nghệ để đăng tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cải cách hành chính đến với bạn đọc một cách nhanh và hiệu quả nhất, theo thống kê, đến nay Website đã thu hút trên 11 triệu lượt người truy cập, trong đó có số lượng lớn các đọc giả truy cập từ nước ngoài.Với việc được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, Website ra đời đã ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về thông tin đến với người Việt Nam sinh sống ở trong nước, nước ngoài và bạn bè quốc tế một cách nhanh chóng, chính xác, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền cải cách hành chính thời gian qua.

Năm 2000, Bộ đã thành lập và duy trì Bản tin “Thông tin cải cách nền hành chính nhà nước” thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Tổ chức Nhà nước (nay là Viện Khoa học tổ chức Nhà nước) với mục tiêu cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thực hiện cải cách hành chính ở Việt Nam và kinh nghiệm cải cách công chức, công vụ của các nước trên thế giới và khu vực. Từ tháng 9/2003 đến tháng 12/2006, Bản tin đã được nâng cấp về mặt hình thức và phát hành hàng tháng bằng 2 loại ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt với số lượng 4000 bản tiếng Việt/ 1 số và 500 bản tiếng Anh/ 1 số, Bản tin được phát hành đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Từ năm 2007 đến nay, Bộ đã có nhiều nỗ lực để duy trì Bản tin và phát hành hàng tháng với số lượng là 1800 bản bằng tiếng Việt, không có phiên bản tiếng Anh. Bản tin chủ yếu tập trung cập nhật, đăng tải các thông tin về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính ở các bộ, ngành và địa phương; giới thiệu các văn bản, chính sách mới ban hành liên quan đến cải cách hành chính; kinh nghiệm cải cách ở các nước trên thế giới.

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền và phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ Nội vụ đã ký kết chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Công đoàn Viên chức Việt Nam tuyên truyền, giáo dục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính cho các đoàn viên, thanh niên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cơ sở. Trên cơ sở Chương trình phối hợp, Công đoàn Viên chức Việt Nam hàng năm đã tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn về Chương trình tổng thể cải cách hành chính cho đối tượng là cán bộ, công chức hoạt động công đoàn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm (mỗi lớp gần 100 người tham gia). Dưới sự phối hợp chỉ đạo sát sao giữa Bộ Nội vụ và Công đoàn Viên chức Việt Nam, nhiều Công đoàn viên chức ở các bộ, ngành Trung ương đã hưởng ứng tích cực công tác này, hầu hết Công đoàn viên chức các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Nội vụ đã ban hành chương trình phối hợp để tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về cải cách hành chính cho đoàn viên thanh niên là những công chức trẻ trong khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Ngoài ra, Trung ương Đoàn đã phát động nhiều cuộc thi, tìm hiểu về cải cách hành chính đến nhiều đối tượng đoàn viên khác, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong phạm vi cả nước nhằm phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên trong việc phát huy sáng kiến cải cách.

Hàng năm, Bộ Nội vụ đều tổ chức các hội nghị giao ban với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và báo, đài phát thanh – truyền hình ở địa phương để tăng cường cung cấp, cập nhật thông tin về công tác ngành Nội vụ trong đó có nội dung cải cách hành chính. Trong giai đoạn từ 2003 – 2006 Bộ đã tổ chức hội nghị giao ban báo chí trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, định kỳ 6 tháng/lần, thành phần tham dự là đại diện lãnh đạo Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và các đài phát thanh - truyền hình, các Sở Nội vụ trong toàn quốc. Giai đoạn từ 2007 đến nay, Bộ Nội vụ đều tổ chức Diễn đàn đối tác cải cách hành chính mỗi năm một lần với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam nhằm cập nhật thông tin, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và đưa ra một số định hướng để khuyến khích sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc cải cách hành chính. Học viện Hành chính Quốc gia đã đưa nội dung Chương trình tổng thể vào chương trình giảng dạy các lớp chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Đồng thời, đã thực hiện tuyên truyền các nội dung cải cách hành chính khá thường xuyên trên Tạp chí Quản lý nhà nước (từ năm 2001 – 2005, Tạp chí đã đăng tải 193 bài viết liên quan đến cải cách hành chính, chiếm 25% tổng số bài đã đăng).

Trong công tác kiểm tra về cải cách hành chính hàng năm đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương của Bộ Nội vụ, tình hình thực hiện tuyên truyền cải cách hành chính theo Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg luôn được coi là một trọng tâm để kiểm tra, đánh giá kết quả cải cách hành chính của bộ, ngành và địa phương.

1.2. Kết quả công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính tại các bộ, ngành khác

Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, Ban Tư tưởng Văn hoá - Trung ương đã triển khai một số hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính như xây dựng Hướng dẫn tuyên truyền việc thực hiện Đề án cải cách hành chính cho hệ thống Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, các Đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương các đoàn thể chính trị – xã hội, đã phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức nhiều khoá tập huấn cho phóng viên các báo, đài, biên tập viên các báo, nhà xuất bản, trong nội dung tập huấn thường xuyên có nội dung về cải cách hành chính,… Đồng thời, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg lập chuyên trang, chuyên mục về cải cách hành chính.

Một số bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền chương trình cải cách hành chính có chất lượng tốt, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính (2 ngành Thuế, Hải quan), Bộ Công thương v.v... Bên cạnh đó, nhiều Bộ, ngành đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trang thông tin điện tử riêng để phục vụ tuyên truyền các nội dung cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng tuyên truyền thường xuyên thông qua các kênh như: xây dựng chuyên trang cải cách hành chính trên các tạp chí chuyên ngành; tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt các nội dung cải cách hành chính theo từng giai đoạn cho cán bộ, công chức trong ngành; các cuộc tọa đàm, trả lời trực tuyến của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành để trả lời những vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình trong đó có nội dung cải cách hành chính; hầu hết các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã đưa nội dung cải cách hành chính vào chương trình đào tạo.



1.3. Kết quả công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính tại chính quyền địa phương các cấp

Nhìn chung, kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có sự quan tâm nhất định tới tuyên truyền cải cách hành chính, như tổ chức các hội nghị quán triệt Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, ban hành chỉ thị, kế hoạch cũng như việc đề ra các biện pháp, hình thức triển khai tuyên truyền cải cách hành chính. Sở Nội vụ với trách nhiệm là cơ quan thường trực cải cách hành chính ở địa phương cũng thể hiện được là cơ quan đầu mối cung cấp nội dung, định hướng trọng tâm tuyên truyền cải cách hành chính, phối hợp với các cơ quan xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính phục vụ cho công tác tuyên ,… Nhờ vậy, công tác tuyên truyền cải cách hành chính ở địa phương thời gian qua đã có nhiều sự cải tiến liên tục về nội dung và hình thức truyền tải để tránh khô cứng, đơn điệu gây nhàm chán cho khán, thính giả, độc giả. Qua quá trình theo dõi cho thấy, các địa phương triển khai tốt Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Cà Mau, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đắk lắk,... Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền cải cách hành chính thông qua hệ thống phát thanh ở các đơn vị xã, phường, thị trấn, đạt hiệu quả cao, có tác dụng thiết thực, như ở các tỉnh Cà Mau, Hà Tĩnh, Gia Lai, thành phố Hà Nội,…hoặc lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành tư pháp, các chương trình, chuyên đề pháp luật – cuộc sống trên địa bàn địa phương. Song song với việc tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, một số tỉnh có đồng bào là người dân tộc thiểu số còn dịch sang tiếng dân tộc để phục vụ bà con, như tỉnh Lào Cai dịch sang 4 thứ tiếng Mông, Dao, Giáy, Thái, tỉnh Đắk Lắk là tiếng Êđê,…

Đối với các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp tỉnh: hầu hết đã đưa nội dung học tập về Chương trình tổng thể và các vấn đề cụ thể liên quan tới cải cách hành chính như cơ chế “một cửa”, cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, chủ trương xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công,… vào trong kết cấu chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.

Việc bố trí kinh phí để thực hiện tuyên truyền cải cách hành chính đã được quan tâm bước đầu tại các địa phương. Một số địa phương đã thực hiện tốt như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương đều gặp khó khăn trong việc thu hút các nguồn lực khác để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cải cách hành chính.



1.4. Kết quả công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính tại các cơ quan báo chí

Những năm qua đã ghi nhận vai trò ngày một quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính nói chung và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nói riêng. Các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã được đưa vào kết cấu chương trình, nội dung tuyên truyền của các báo viết, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước, như: cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện đại hóa hành chính, các hoạt động cấp phép,… Các cơ quan báo chí ngoài việc đăng tải, tuyên truyền các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, nêu tên các cơ quan, đơn vị làm tốt cải cách hành chính còn nêu nhiều vụ việc bức xúc điển hình của người dân, doanh nghiệp đối với cải cách hành chính, nhiều hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, lãng phí của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức... có tác dụng kịp thời góp thêm tiếng nói với các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn chặn, xử lý thích đáng đối với các sai trái, tiêu cực. Nhờ vậy, các chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật liên quan đến cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đã đến được với người dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách nhanh nhất. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí tiêu biểu sau:

Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng chuyên mục cải cách hành chính và phát sóng thường xuyên từ tháng 01/2004 đến nay trên kênh VTV1. Giai đoạn 2004 – 2006, chuyên mục cải cách hành chính được phát sóng định kỳ tối thứ Hai hàng tuần với thời lượng 30 phút/1 chương trình và bố trí phát lại 1-2 lần trong tuần vào những giờ khác nhau. Sau năm 2006, giờ phát sóng chuyên mục đã chuyển sang 11h30 các ngày chủ nhật và hiện nay là 17h55 thứ Hai với thời lượng từ 13-15 phút. Nhiều nội dung lớn của cải cách hành chính được đưa vào chuyên mục dưới dạng câu chuyện gần gũi với đời sống hàng ngày, thiết thực với người dân, sau đó được chuyên gia cải cách hành chính tổng hợp và phân tích nên đã tạo được dấu ấn riêng và tác động nhất định đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh, như: Vấn đề tăng lương, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ tịch – hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thuế và đăng ký kinh doanh, vấn đề đội ngũ cán bộ công chức,… Bên cạnh đó, những tin bài về cải cách hành chính được phản ánh đa dạng trong các bản tin, chương trình thời sự hàng ngày và các chuyên mục khác, đã tạo cho dư luận có cái nhìn khái quát về cải cách hành chính.

Trong giai đoạn Chính phủ triển khai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (thực hiện Đề án 30), Đài THVN tuyên truyền mạnh mẽ với các mục tin phát sóng định kỳ trong các bản tin từ 19h – 23h và bản tin Chào buổi sáng, qua đó đã cập nhật đầy đủ các thông tin về kết quả thống kê, công bố thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cũng chỉ rõ những nơi làm tốt, những nơi còn chậm để giúp Chính phủ có chỉ đạo kịp thời, đảm bảo tiến độ đề ra.

Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong 3 cơ quan thông tấn, báo chí được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể trong Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg. Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, thông tin về cải cách hành chính đã thực sự chiếm vị trí quan trọng, thường xuyên trong hoạt động của Đài. Chỉ trong 3 năm (từ 2003 – 2006), đã thực hiện được hơn 200 chương trình, mỗi chương trình từ 5 - 6 phần, tương ứng là 5 – 6 bài viết, phỏng vấn, như vậy đã đạt tổng cộng hơn 1000 sản phẩm phát thanh chuyên đề về cải cách hành chính .

Thông tấn xã Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền, thông tin về cải cách hành chính theo 3 tuyến, gồm: tuyến tin, bài cổ vũ những vấn đề tích cực trong cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; tuyến tin, bài nêu điển hình về những tồn tại, yếu kém trong cải cách hành chính; tuyến tin, bài cung cấp kiến thức về cải cách hành chính, tư vấn hành chính. Hệ thống các ấn phẩm thuộc Thông tấn xã Việt Nam như Bản tin trong nước hàng ngày và phát đêm, Báo Tin tức, Vietnam News, Vietnam Law, Le Courrier du Vietnam,… thường xuyên đăng tải tin, bài về cải cách hành chính giúp độc giả trong nước và nước ngoài nhận biết được khá rõ nét về công cuộc cải cách hành chính nhà nước. Các phân xã thuộc Thông tấn xã Việt Nam tại các tỉnh cũng đã kịp thời phản ánh các tin, bài về cải cách hành chính trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày có 03 tin về cải cách hành chính được các phân xã trong nước thuộc Thông tấn xã Việt Nam thực hiện,…

Đài Phát thanh – Truyền hình (Đài PT-TH) một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng việc bố trí chuyên trang, chuyên mục (định kỳ hoặc không định kỳ, lồng ghép trong chương trình thời sự) về cải cách hành chính trong các chương trình truyền hình hoặc phát thanh, ưu tiên phát vào “giờ vàng, cao điểm” trong ngày. Một số địa phương đã tăng cường tổ chức đối thoại, tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các cấp thông qua các chương trình truyền hình, truyền thanh để bình luận các chủ đề liên quan đến cải cách hành chính đang được dư luận xã hội quan tâm và đưa ra những biện pháp hay lời hứa thực hiện, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và dần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân. Nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cải cách hành chính trên truyền hình, tạo ra một sân chơi bổ ích cho người dân và cán bộ, công chức, viên chức, góp phần không nhỏ vào nâng cao nhận thức của các đối tượng về cải cách hành chính. Mặt khác, các báo, đài địa phương còn mở hộp thư điện tử, công bố địa chỉ liên lạc, đường dây điện thoại “nóng” để người dân có thể trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình đối với chuyên mục, cung cấp các vấn đề bức xúc liên quan đến cải cách hành chính của địa phương,... Một số Đài PT-TH thực hiện tốt công tác tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính thời gian qua như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Một số cơ quan báo chí khác ở trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch đưa các bài viết, các tin, chuyên mục về cải cách hành chính vào các số thường nhật, thường kỳ. Báo Hải Phòng thường xuyên đăng tải các tin bài phản ánh về công tác cải cách hành chính, phối hợp với Sở Tư pháp xuất bản Phụ trương pháp luật đăng tải những văn bản quy phạm pháp luật do thành phố ban hành trong đó có văn bản chỉ đạo về cải cách hành chính; giải đáp những thắc mắc của nhân dân về pháp luật, về cải cách hành chính; phản ánh những ý kiến của nhân dân về công tác cải cách hành chính. Báo Cần Thơ định kỳ hàng tuần mở chuyên trang về cải cách hành chính và diễn đàn cho người dân, tổ chức trao đổi, góp ý kiến. Qua đó, đã nhận và phản hồi nhanh các ý kiến đóng góp, phản ánh, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về các thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của các sở, ban, ngành thành phố, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tỉnh Bình Phước đã xây dựng Bản tin cải cách hành chính và phát hành hàng tháng đến các cấp hành chính để thông tin, tuyên truyền các nội dung cải cách hành chính, cập nhật chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến cải cách hành chính. Ngoài ra, các báo có nhiều tin, bài liên quan đến tuyên truyền cải cách hành chính trong thời gian qua là Báo Nhân dân, Sài gòn giải phóng, Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Thanh niên, Lao động, Người lao động, Diễn đàn doanh nghiệp, Đầu tư, Pháp luật Việt Nam, Hải quan, Tiền phong (Báo này còn phát động cuộc thi viết về cải cách hành chính), Hà Nội Mới, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh,…


2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân


2.1. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Nhận thức về nội dung, nhiệm vụ và ý nghĩa của cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn hạn chế dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành gặp nhiều khó khăn khi triển khai tuyên truyền Chương trình tổng thể.

- Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính hàng năm của một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu cụ thể, chung chung, mang tính hình thức, thậm chí có nơi không có kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính hoặc nhiều nơi ban hành kế hoạch nhưng không bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện nên tuyên truyền chỉ dừng lại ở mức trên văn bản, giấy tờ.

- Nội dung tuyên truyền cải cách hành chính của các cơ quan thông tấn, báo chí còn ít thông tin, chưa bao quát đầy đủ nội dung của cải cách hành chính. Chất lượng tin, bài viết, phóng sự về cải cách hành chính chưa đáp ứng được so với yêu cầu ngày càng cao của độc giả, vẫn còn những biểu hiện như đưa tin phản ánh thiếu cụ thể, một chiều, thiếu tính chính xác và có chiều hướng rơi vào khuôn mẫu theo kiểu “báo cáo” của các bộ, ngành, địa phương.

- Phần lớn các chương trình, chuyên trang, chuyên mục cải cách hành chính được thành lập và phát sóng đều đặn trong thời gian đầu triển khai Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg, sau đó đã bị cắt giảm thời lượng hoặc điều chỉnh phát sóng vào những giờ thấp điểm do không thu hút được các nhà tài trợ để duy trì và cải tiến nội dung trong khi ngân sách nhà nước chưa bố trí đủ.

- Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đưa tin về cải cách hành chính chưa hiểu biết sâu, đầy đủ các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính trong từng giai đoạn.

- Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền cải cách hành chính chưa được quan tâm gây khó khăn trong việc khai thác thông tin để đưa tin, bài hoặc làm phóng sự chuyên đề liên quan đến cải cách hành chính.

- Công tác kiểm tra cải cách hành chính, trong đó có nội dung kiểm tra về tuyên truyền cải cách hành chính thời gian qua nhìn chung mới chỉ đánh giá ở mức độ tương đối chính xác được tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg của các địa phương, của hệ thống cơ quan báo chí về số lượng, hình thức các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, còn nội dung, chất lượng, hiệu quả của việc tuyên truyền thì vẫn chưa có sự đánh giá đầy đủ, thoả đáng.

2.2. Nguyên nhân

- Nhìn chung, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo các cơ quan báo, đài thực hiện tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính theo quy định tại Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg.

- Nhận thức, kiến thức của cán bộ, phóng viên về cải cách hành chính chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm của người đứng đầu các cơ quan tuyên truyền. Ngoài ra, không tạo được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp cả nước để cập nhật, đưa tin về cải cách hành chính một cách kịp thời.

- Công tác tập huấn, cập nhật thông tin, cung cấp kiến thức cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên phụ trách đưa tin, bài về cải cách hành chính chưa được thực hiện thường xuyên.

- Cải cách hành chính là nội dung tác động đến nhiều đối tượng khác nhau, do đó, các cơ quan truyền thông gặp nhiều khó khăn trong việc đổi mới kết cấu, nội dung, hình thức các chuyên trang, chuyên mục để tạo sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của từng đối tượng cụ thể.

- Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền cải cách hành chính chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư thỏa đáng.


III. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020


Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những tồn tại, hạn chế giai đoạn trước, công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính cần tiếp tục được tăng cường và xác định mục tiêu, yêu cầu rõ ràng để góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30c/NQ-CP.

1. Mục tiêu


a) Mục tiêu chung:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện cải cách hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ; của cá nhân, tổ chức tham gia vào tiến trình cải cách, giám sát hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xác định được nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và từng nhóm đối tượng là cá nhân, cơ quan, tổ chức;

- Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức đầy đủ về các mục tiêu, nội dung và trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính;

- Nâng cao nhận thức về cải cách hành chính, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong triển khai cải cách hành chính và giám sát quá trình thực hiện cải cách hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp;

- Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phóng viên phụ trách đưa tin, bài, phóng sự về cải cách hành chính tại các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương;

- Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan thông tấn, báo chí, bảo đảm thông tin về tình hình triển khai và kết quả thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương được phản ánh đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.


2. Yêu cầu


a) Phổ biến, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, đa chiều, phù hợp với tính chất, đặc điểm và nhiệm vụ của từng nhóm đối tượng.

b) Tuyên truyền cải cách hành chính phải gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

c) Lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống chính trị, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

d) Tuyên truyền về cải cách hành chính phải góp phần nâng cao dân trí, phòng chống tham nhũng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


IV. NỘI DUNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020


Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính cần tập trung vào những nội dung trọng tâm sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính.

3. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị mình.

4. Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đã được ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính nhà nước. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề sau:

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính; mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật;

- Tình hình triển khai cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành; các quy định về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính trên các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, thuế, hải quan, xuất khẩu, nhập khẩu, y tế, giáo dục, lao động, bảo hiểm, khoa học và công nghệ,…

- Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; quy chế làm việc của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; kinh nghiệm của nước ngoài về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước;

- Tình hình triển khai và kết quả, hiệu quả của việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông để giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức;

- Các quy định của pháp luật về quản lý, tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ, đặc biệt là trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức;

- Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ số cải cách hành chính; các đề án, dự án cải cách hành chính do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì theo phân công tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP.

5. Những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như tình hình triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

6. Các mô hình, cơ chế đang được triển khai thí điểm, các điển hình tốt trong cải cách hành chính ở Trung ương và địa phương.

7. Quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc tham gia và giám sát tiến trình cải cách.

8. Tuyên truyền về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền trong kế hoạch hàng năm, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền và với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình.


V. HÌNH THỨC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN


1. Thông qua tất cả các loại hình báo chí và huy động, sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng, gồm: các đài phát thanh, đài truyền hình và các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương; các loại hình báo chí chuyên ngành, Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

2. Thông qua việc phát hành rộng rãi tờ gấp, panô, áp phích liên quan đến cải cách hành chính, phù hợp với từng mục tiêu, yêu cầu, nội dung tuyên truyền, phổ biến đến từng nhóm đối tượng.

3. Thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; lồng ghép nội dung cải cách hành chính trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Đưa nội dung cải cách hành chính, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước một cách thích hợp vào công tác tuyển dụng công chức, viên chức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; các chương trình sân khấu, hài kịch; các cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật.

5. Đưa nội dung thông tin về cải cách hành chính nhà nước một cách thích hợp vào chương trình họp báo định kỳ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

VI. GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH


1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình ở Trung ương, địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền cải cách hành chính:

- Tổ chức hội nghị quán triệt về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình ở Trung ương, địa phương trong việc tuyên truyền cải cách hành chính;

- Chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiêm túc, hiệu quả.

2. Nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đang phụ trách các chuyên trang, chuyên mục liên quan đến cải cách hành chính tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình ở Trung ương và địa phương:

- Xây dựng tài liệu tập huấn và tổ chức các lớp tập huấn phù hợp với từng loại hình báo chí ở Trung ương và địa phương;

- Tổ chức thường xuyên, định kỳ các cuộc giao ban về cải cách hành chính giữa Bộ Nội vụ với cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.

3. Tăng cường phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ Thông tin và Truyền thông, với các cơ quan báo, đài, các tổ chức đoàn thể để phát động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi viết về cải cách hành chính; xây dựng mạng lưới cộng tác viên đưa tin, bài về cải cách hành chính.

4. Cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trên các công cụ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương (trên các website, báo, tạp chí, bản tin,...).

5. Tổ chức biên soạn, phát hành các loại ấn phẩm thông tin, tuyên truyền về các nội dung của cải cách hành chính.

6. Gắn công tác tuyên truyền cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.




Каталог: chinhquyen -> sonv -> Lists -> VanBanPhapQuy -> Attachments
sonv -> Ủy ban nhân dân tỉnh ninh thuậN
sonv -> Ủy ban nhân dân tỉnh ninh thuận cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
sonv -> SỞ NỘi vụ Số: 1219/bc-snv cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
sonv -> Ủy ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh ninh thuậN Độc lập Tự do Hạnh phúc
sonv -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh ninh thuậN Độc lập Tự do Hạnh phúc
sonv -> Ubnd tỉnh ninh thuận sở NỘi vụ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
sonv -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh ninh thuậN Độc lập Tự do Hạnh phúc
sonv -> V/v hướng dẫn xây dựng kế hoạch cchc và báo cáo cchc hàng năm
Attachments -> SỞ NỘi vụ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 5.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   30




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương